SlideShare una empresa de Scribd logo
1 de 115
Descargar para leer sin conexión
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
KHƯƠNG THỊ LAN PHƯƠNG
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
HÀ NỘI, 2020
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
KHƯƠNG THỊ LAN PHƯƠNG
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 8 22 90 20
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC :
TS. NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH
HÀ NỘI, 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không sao chép
của ai. Các kết quả khảo sát và nghiên cứu đã nêu trong luận văn là trung thực và
chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Khương Thị Lan Phương
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, đã tận
tình hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các Thầy Cô giáo trong Khoa Ngôn ngữ học,
Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình học tập
và nghiên cứu tại trường.
Hà nội, ngày 13 tháng 6 năm 2020
Tác giả luận văn
Khương Thị Lan Phương
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU........................................................................................................................1
Chương 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT ............................................................................11
1.1. Khái niệm từ và những khái niệm liên quan...................................................11
1.2. Nghĩa của từ và hiện tượng đồng nghĩa............................................................14
1.3. Sự phát triển nghĩa của từ..................................................................................20
1.4. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ.......................................................................22
1.5. Từ đa nghĩa……………………………………………………………….24
Chương 2. NGỮ NGHĨA CỦA TỪ “ĂN” VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP CỦA
NÓ TRONG TIẾNG VIỆT…………………………………………………...26
2.1. Ngữ nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt............................................................29
2.2. Khả năng kết hợp của từ “ăn” trong tiếng Việt................................................33
Chương 3. NGỮ NGHĨA VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP CỦA NHÓM TỪ
ĐỒNG NGHĨA VỚI TỪ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT....................................59
3.1. Nhóm từ đồng nghĩa với từ “ăn” trong tiếng Việt...........................................59
3.2. Khả năng kết của những từ đồng nghĩa với từ “ăn” trong tiếng Việt……...60
KẾT LUẬN .................................................................................................................75
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN VĂN……………………………………………………………..79
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................78
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong quan niệm của người Việt Nam, gia đình là tế bào của xã hội,
và cuộc sống sinh hoạt luôn gắn liền với bữa cơm gia đình – nơi ẩn chứa
nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm, yêu thương gắn kết giữa các thành viên, là
linh hồn của hạnh phúc, và cũng là nơi truyền đạt những tư tưởng, truyền
thống, những đạo lý từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ những phép cư xử
tưởng chừng đơn giản thông qua cách ăn uống: Ăn trông nồi, ngồi trông
hướng đến quan niệm về cái ăn, cái mặc: Ăn lấy chắc, mặc lấy bền; Một
miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp… ông bà ta muốn trao gửi đến thế
hệ con cháu những thông điệp đầy chất nhân văn, một trong những điều
đầu tiên, cơ bản nhất mà mỗi người đều cần phải học đó là “Học ăn, học
nói, học gói, học mở”. Như vậy, “ăn” không còn đơn giản chỉ là câu
chuyện của việc duy trì sự sống, mà còn ẩn chứa trong đó những bài học về
nhân cách, là quan niệm về nhân sinh, về cuộc sống và các đạo lý, các cách
hành xử trong xã hội của con người.
Có thể nói hoạt động ăn của con người không chỉ là hoạt động mang
tính sinh học để duy trì sự sống mà còn mang tính văn hóa, gắn với mỗi
cộng đồng với những thói quen, tập tục. Thông qua thói quen ăn uống,
chúng ta có thể hiểu được phần nào đặc điểm tâm lý dân tộc, tập quán cũng
như cách ứng xử của con người với môi trường. Bởi vậy, cùng với sự thay
đổi và phát triển không ngừng của xã hội, thì vốn từ vựng trong tiếng Việt
nói chung và vốn từ vựng liên quan đến từ “ăn” nói riêng cũng không
ngừng tăng lên, hoạt động “ăn” của con người dần vượt lên những giá trị
duy trì sự sống, vươn tới tầm nghệ thuật. Điều đó được phản ánh khá sinh
động trong ngôn ngữ.
2
Với những lý do nêu trên, tôi lựa chọn đề tài : Nhóm từ, ngữ nói về
“ăn” trong tiếng Việt. Với mong muốn thông qua sự nỗ lực tìm hiểu,
nghiên cứu sự phát triển của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” cùng với quá trình
phát triển của dân tộc, cũng như sự phát triển của nhóm từ này trong các
mặt khác nhau của cuộc sống dưới góc độ ngôn ngữ học. Thông qua đó có
thể góp một phần nhỏ vào nghiên cứu sự phát triển của từ vựng tiếng Việt
nói chung, và của nhóm từ liên quan đến từ “ăn” nói riêng.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
2.1. Tình hình nghiên cứu về nghĩa và sự phát triển ngữ nghĩa
của từ ở Việt Nam
Việc nghiên cứu về nghĩa và sự phát triển nghĩa của từ trong tiếng
Việt, là một trong những lĩnh vực được khá nhiều nhà ngôn ngữ học quan
tâm nghiên cứu. Bởi từ vựng là một bộ phận được coi là không ổn định
nhất trong hệ thống ngôn ngữ, kết cấu nghĩa của từ luôn luôn vận động và
phát triển, sự biến đổi nghĩa là một sự thực hiển nhiên và không ngừng
thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội.
Ở Việt Nam các công trình nghiên cứu về ngữ nghĩa học, được thể hiện
trong một số công trình nghiên cứu về từ vựng học, từ vựng - ngữ nghĩa
tiếng Việt của các tác giả như Nguyễn Văn Tu, trong cuốn “Từ vựng học
tiếng Việt hiện đại” [40] đã đưa ra được nhiều quan điểm lý thuyết về sự
biến đổi nghĩa. Ông đã trình bày về bản chất và nguyên nhân của biến đổi
nghĩa, phân loại biến đổi nghĩa. Còn tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng sự thay
đổi nghĩa của từ trong tiếng Việt do nguyên nhân đơn giản là nhằm đáp
ứng nhu cầu tạo thêm từ mới của xã hội.[4]
Bên cạnh đó, một số tác giả như Lê Quang Thiêm đã dành nhiều sự
quan tâm đến biến đổi ý nghĩa của các yếu tố từ vựng. Trong ấn bản
chuyên khảo về lịch sử từ vựng (2003), tác giả đã dành một số trang để
3
khảo sát, nghiên cứu sự phát triển nghĩa qua con đường đa nghĩa hóa trong
tiếng Việt hiện đại (1858-1930). Đặc biệt, trong cuốn “Sự phát triển nghĩa
từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005” [35]. Đây là công trình Việt ngữ học
nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống và sâu sắc nhất về sự phát triển
nghĩa của từ vựng tiếng Việt trên quan điểm đồng đại, vận dụng phương
pháp lịch sử so sánh, phân tích cấu trúc – hệ thống… Trên cơ sở đó có thể
xác lập được các tầng nghĩa, kiểu nghĩa để từ đó tìm hiểu sự biến đổi, phát
triển nghĩa từ vựng qua các mốc thời gian gắn liền với các sự kiện lịch sử
và những thăng trầm của đất nước.
Tác giả Nguyễn Đức Tồn trong “Đặc trưng văn hóa - dân tộc của
ngôn ngữ và tư duy” [38] đã trình bày về đặc điểm của quá trình chuyển
nghĩa của trường từ vựng chỉ động vật, thực vật, bộ phận cơ thể người (so
sánh giữa tiếng Việt và tiếng Nga). Tác giả đã phân tích và thống kê lượng
nghĩa chuyển, các phương thức chuyển nghĩa từ đó rút ra những nhận định
về quá trình chuyển nghĩa của các trường từ vựng này.
Tác giả Phạm Văn Lam (2007) trong “Bước đầu khảo sát sự phát
triển ngữ nghĩa của một số nhóm từ vựng trong tiếng Việt từ năm 1945 đến
nay” [22] đã khảo sát sự phát triển ngữ nghĩa của một số nhóm từ vựng
danh từ thường được sử dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn từ
năm 1945 đến nay. Nghiên cứu cho thấy, sự mở rộng và phát triển nghĩa
của các nhóm từ gắn liền với sự phát triển xã hội cũng như tiến trình lịch
sử của dân tộc qua quãng thời gian có nhiều biến động và phát triển quan
trọng. Trên cơ sở khảo sát sự phát triển nghĩa theo hướng trí tuệ hóa và
biểu trưng hóa, từ đó tác giả chỉ ra các xu hướng, con đường phát triển
nghĩa của tiếng Việt, phân tích và lý giải các con đường phát triển ấy.
Theo hướng nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, từ góc độ
ngôn ngữ học tri nhận, Lý Toàn Thắng trong “Ngôn ngữ học tri nhận nhìn
4
từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt” [31] đã áp dụng những khái
niệm cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận vào thực tiễn tiếng Việt, đưa ra
những luận giải và các kết luận rất có giá trị đối với sự phát triển ngữ nghĩa
của từ trong tiếng Việt. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp trong bài viết “Ngữ
nghĩa của từ “Ra”, “Vào” trong tiếng Việt nhìn từ góc độ nghiệm
thân”[17] đã dùng lí thuyết nghiệm thân để lí giải con đường chuyển nghĩa
của từ “ra”, “vào” trong tiếng Việt.
Hay tác giả Nguyễn Thị Hiền (2018) trong “Sự phát triển ngữ nghĩa
của nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận”
[15] đã dùng cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận để làm rõ hiện tượng
phát triển ngữ nghĩa. Đặc biệt là thông qua hai phương thức chuyển nghĩa
ẩn dụ và hoán dụ. Tác giả đã nghiên cứu hiện tượng chuyển nghĩa của từ
dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận để từ đó tìm ra các giá trị văn hóa và tư
duy đặc thù của dân tộc thông qua việc sử dụng ngôn ngữ.
Thông qua các công trình của một số tác giả trên cho thấy, việc
nghiên cứu sự phát triển nghĩa trong tiếng Việt nói chung, trong thời gian
gần đây đã dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Đặc biệt
là các công trình nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, từ góc độ ngôn
ngữ học tri nhận với những cấu trúc ẩn dụ ý niệm trong ngôn ngữ, đa dạng
về nghĩa cũng như cách sử dụng, đã tạo nên những nét mới trong nghiên
cứu sự phát triển nghĩa của từ trong tiếng Việt.
2.2. Tình hình nghiên cứu sự phát triển nghĩa của nhóm từ, ngữ
nói về “ăn” trong tiếng Việt
Trong tiếng Việt, việc nghiên cứu về nhóm từ, ngữ nói về “ăn”, khởi
điểm là Hoàng Tuệ trong bài viết “Câu chuyện tiếp tục về nghĩa của những
từ đơn tiết” [43]. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích tính đa nghĩa của
5
từ “ăn”, đồng thời chỉ ra gần 40 nghĩa của từ này. Trên cơ sở từ nghĩa gốc
của từ “ăn” đã làm nảy sinh bốn dòng nghĩa phái sinh như sau:
1. Dòng nghĩa tiếp thụ
2. Dòng nghĩa hưởng thụ
3. Dòng nghĩa hài hòa
4. Dòng nghĩa tiêu hao
Từ đó, tác giả đã đưa ra một số nhận xét hết sức thú vị và độc đáo về
sự phát triển nghĩa từ “ăn” trong văn hóa và trong đời sống của người Việt.
Theo tác giả, mỗi dòng nghĩa là một trật tự biện chứng đi từ cụ thể đến khái
quát. Các dòng nghĩa cũng tập hợp lại thành một trật tự cân đối và đẹp đẽ,
đầy sức sống.
Tiếp theo là đề tài nhiên cứu “Một số vấn đề văn hóa ăn, uống trong
xã hội cổ truyền người Việt” [20] do Nguyễn Hải Kế (2004) chủ trì đề tài.
Tác giả cho rằng: từ “ăn” trong tiếng Việt đã mở rộng, phát triển nghĩa bao
hàm nghĩa bóng sang tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội…
Qua từ “ăn” có thể nhìn thấy những nét cơ bản, phổ biến của xã hội Việt
Nam ngày hôm qua.
Cùng quan tâm đến vấn đề cái “ăn” trong văn hóa Việt, tác giả Vũ
Ngọc Khánh trong cuốn sách “Văn hóa Việt Nam những điều học hỏi” [21]
khi viết về văn hóa ẩm thực Việt Nam đã dành một chương để nói về đề tài
này. Theo tác giả, trong ngôn ngữ Việt Nam, không có từ nào như từ “ăn”
được ghép thành vô số những từ tố thông dụng trong tiếng nói con người.
Có những từ phải suy nghĩ, phân tích mới thấy là ghép với từ “ăn” cũng là
thích hợp. Nhưng có những từ không dính dáng gì đến chuyện “ăn”, mà
vẫn phải dùng chữ ăn để làm thành phần của từ tố, từ vị. Chuyện ăn của
người Việt quả là một bài học vô cùng đa dạng và tinh tế.
6
Nguyễn Đức Dân trong bài viết “Ăn, một từ kỳ thú” [7] đã khẳng
định từ “ăn” có trong ngôn ngữ của mọi dân tộc bởi nó là một từ chỉ hoạt
động cơ bản nhất của con người. “Ăn” là hành động gắn liền với con người
ngay từ buổi sơ khai, nghĩa của từ “ăn” được mở rộng dần theo cách lấy
khuôn mẫu con người để nhận thức vũ trụ. Và nó là một từ điển hình có
nghĩa được mở rộng, con đường phát triển ngữ nghĩa của từ “ăn” vô cùng
phong phú. “Ăn” từ nghĩa đen đến nghĩa ẩn dụ, rồi các nghĩa chuyển, nghĩa
phái sinh là thiên biến vạn hóa, nó diễn tả mọi nhận thức của con người về
cuộc sống quanh mình và về vũ trụ một cách rất chân thực nhưng cũng vô
cùng tinh tế.
Cùng trong mạch luận bàn về cái ăn, về ẩm thực, luận án “Đặc điểm
trường ngữ nghĩa ẩm thực (trên tư liệu tiếng Hán và tiếng Việt) của Ngô
Minh Nguyệt [23] là công trình chuyên sâu nghiên cứu về các từ ngữ ẩm
thực ở Việt Nam. Tác giả tập trung nghiên cứu các từ, ngữ liên quan đến ăn
uống, chỉ ra đặc điểm cấu trúc, đặc trưng ngữ nghĩa, từ đó nêu ra những
hàm ý văn hóa của các từ ngữ ẩm thực: Đặc điểm con người, đặc trưng văn
hóa ẩm thực trong tiếng Hán và tiếng Việt. Tác giả cho rằng, cùng với sự
phát triển của xã hội, ăn uống dần vượt lên giá trị duy trì sự sống, điều này
được phản ánh sinh động trong ngôn ngữ.
Có thể nói trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đều
cho rằng con đường phát triển nghĩa của từ “ăn” là vô cùng phong phú, nó
gắn liền với đặc trưng tư duy và văn hóa dân tộc.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu về sự phát triển nghĩa của từ
“ăn” trong tiếng Việt kể trên, thì việc nghiên cứu các thành ngữ có chứa
thành tố “ăn” trong tiếng Việt cũng dành được sự quan tâm đặc biệt của
một số tác giả. Trong đó tác giả Nguyễn Hữu Đạt (2010) với bài viết “Con
đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến ‘văn hóa ăn’ và ‘văn hóa
7
mặc’ trong tiếng Việt” [8] đã đi sâu vào phân tích quá trình tạo nên nghĩa
biểu trưng liên quan đến các thành ngữ biểu thị nội hàm “văn hóa ăn và văn
hóa mặc” của người Việt, trên cơ sở đó để tìm ra mối quan hệ gắn bó khăng
khít giữa “văn hóa ăn và văn hóa mặc” trong tiếng Việt. Đây được xem là
một trong các cơ sở hình thành nên nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt
Nam.
Tác giả Đào Thị Hồng Quyết trong luận văn thạc sĩ “Đặc điểm của
thành ngữ có chứa thành tố “Ăn” trong tiếng Việt” [29] cũng nghiên cứu
trên khối liệu thành ngữ chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt, làm rõ đặc
điểm ngữ nghĩa và đặc trưng tư duy văn hóa của người Việt, trong đó, tư
duy về văn hóa ăn được thể hiện qua thành ngữ như tính cộng đồng trong
bữa ăn, tính phép tắc xã hội, miếng ăn thể hiện triết lý về đạo sống của
người dân Việt Nam.
Tiếp cận theo hướng tri nhận, Nguyễn Thị Bích Hợp trong “Ẩn dụ ý niệm
miền “đồ ăn” trong tiếng Việt” [17] đã nghiên cứu về miền ý niệm đồ ăn, với việc
xây dựng mô hình cấu trúc miền đồ ăn gồm 5 nhóm lớn, tương ứng với 5 điển mẫu.
Thông qua việc nghiên cứu các điển mẫu với 5 mô hình tỏa tia “cơm, ăn, mặn, bát,
đói”, tác giả đã chứng minh rằng “ăn” là ý niệm có sự phát triển nghĩa mạnh nhất,
từ một nghĩa gốc phái sinh 04 chùm nghĩa, rồi phát triển lên tổng số thành tố là 16
nghĩa. Các thành tố nghĩa mới có sự biến chuyển xa dần nghĩa trung tâm. Thông
qua mô hình tỏa tia, cho thấy xu hướng tư duy ẩn dụ, hoán dụ trong quá trình ý
niệm hóa tạo nên các nghĩa mới. Nguyễn Thị Hương (2017) với đề tài “Ẩn dụ ý
niệm của phạm trù ăn uống trong tiếng Anh (đối chiếu với tiếng Việt) [18] đã
nghiên cứu sự chuyển nghĩa, tỏa tia nghĩa của những điển mẫu là những từ chỉ
phạm trù ăn, uống, từ nghĩa gốc, nghĩa phái sinh đến các ẩn dụ ý niệm trong hai
ngôn ngữ.
8
Thông qua các công trình nghiên cứu của các tác giả trên, cho chúng ta thấy,
việc nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, ngữ nói về “ăn” tiếng Việt là tương
đối phong phú. Tuy nhiên, việc đi sâu lí giải cơ chế hình thành những nghĩa đó,
cũng như tìm hiểu các từ đồng nghĩa trong nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong Tiếng
Việt, chưa dành được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của giới Việt ngữ. Điều đó đã
gợi ý cho tôi thực hiện đề tài “Nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt”.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận văn này là tìm hiểu sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ,
ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần khẳng định
khuynh hướng phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt.
Thông qua đó, để hiểu rõ hơn về quan niệm sống, nhân sinh quan của người Việt về
văn hóa ăn, mà sâu sắc hơn là cách nhìn nhận, đánh giá con người được thể hiện
qua hoạt động “ăn”.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận văn sẽ tập trung giải quyết những
nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến đề tài
nghiên cứu.
- Xây dựng khung lý thuyết về ngữ nghĩa của từ và hiện tượng
chuyển nghĩa của từ.
- Khảo sát sự phát triển nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” được thể hiện
trong ngữ cảnh, qua các kết hợp, thông qua đó, để có thể thấy được sự phát triển
ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong giai đoạn hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
9
Trong phạm vi của luận văn này đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là
nghiên cứu các nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Trên cơ sở đó nghiên
cứu ngữ nghĩa và cơ chế tạo nghĩa của từ, xuất phát từ nghĩa gốc của từ “ăn” trong
từ điển.
- Luận văn xác định những từ, ngữ đồng nghĩa chỉ hoạt động “ăn” trong
tiếng Việt và các kết hợp của nhóm từ này trong ngữ cảnh sử dụng, cũng như giá trị
ngữ dụng của chúng trong ngữ cảnh.
- Luận văn xác định các nghĩa chuyển của từ “ăn” trong tiếng Việt theo
hướng xa dần với nghĩa gốc và hoạt động của nhóm này trong hành chức cũng như
ý nghĩa ngữ dụng của chúng trong ngữ cảnh (khảo sát ngôn ngữ báo chí, trong văn
chương và trong các thành ngữ).
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn khảo sát ngữ nghĩa của từ “ăn” và dãy đồng nghĩa của từ “ăn”
trong Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê [25], Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt
của tác giả Nguyễn Văn Tu [42]. Để xem xét các kết hợp của “ăn” trong hành chức,
luận văn khảo sát hoạt động của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” (bao gồm cả các từ đồng
nghĩa với từ “ăn”) trên ngôn ngữ báo chí (báo điện tử), trong một số tác phẩm văn
học và trong thành ngữ.
4.3. Tư liệu nghiên cứu
Nguồn tư liệu nghiên cứu chủ yếu của luận văn được lấy trong các cuốn Từ
điển tiếng Việt, Từ điển thành ngữ Việt Nam, một số tác phẩm văn học. Bên cạnh
đó luận văn còn khai thác tư liệu từ các trang Wed về thành ngữ tiếng Việt, một số
bài viết, luận văn, luận án của các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự phát triển ngữ
nghĩa của từ “ăn” đã xuất bản. Ngoài ra, luận văn còn khảo sát ngữ liệu dựa chủ yếu
trên các trang báo điện tử như: báo Thanh niên ( https://thanhnien.vn/), báo Tuổi trẻ
(https://tuoitre.vn/), báo Dân trí (https://dantri.com.vn/)…), báo Vietnamnet
10
https://vietnamnet.vn/ và một số trang báo điện tử khác được Bộ Thông tin và
Truyền thông cấp phép.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Trong phạm vi luận văn này chúng tôi sẽ chủ yếu áp dụng một số phương
pháp và thủ pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp miêu tả: Chúng tôi sử dụng phương pháp này nhằm xác định
các nội hàm các khái niệm từ, nghĩa của từ, và các từ đồng nghĩa.
- Phương pháp phân tích nghĩa nghĩa: Phương pháp này được sử dụng để
phân tích nghĩa của từ để tìm ra nghĩa gốc, nghĩa phái sinh của từ.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn
- Ý nghĩa lí luận: Việc nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ
nói về “ăn” trong tiếng Việt góp phần khẳng định khuynh hướng phát triển ngữ
nghĩa của nhóm từ “ăn” trong giai đoạn thực tế hiện nay.
- Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể ứng dụng trong
giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ và bản ngữ, cung cấp cơ sở giải thích nghĩa
của từ “ăn” trong giảng dạy tiếng Việt, đặc biệt cho người nước ngoài học tiếng
Việt; thông qua đó, góp phần làm rõ mối liên hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa và tư duy.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, và Phụ lục, nội dung luận văn gồm có ba
chương:
Chương 1. Cơ sở lí thuyết.
Chương 2. Ngữ nghĩa của từ “ăn” và khả năng kết hợp của nó trong tiếng
Việt
Chương 3. Ngữ nghĩa và khả năng kết hợp của nhóm từ đồng nghĩa với từ
“ăn” trong tiếng Việt
11
Chương 1
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Khái niệm từ và những khái niệm liên quan
1.1.1. Khái niệm từ
Từ là một trong những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học. Khi nghiên cứu
bất cứ một ngôn ngữ nào người ta cũng không thể bỏ qua việc xác định đơn vị này.
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về từ, bởi ở mỗi loại hình ngôn ngữ khác nhau,
từ cũng có những đặc điểm riêng của mình. Vấn đề “từ” trong tiếng Việt cũng vậy,
nó là vấn đề thuộc về lý luận cơ bản, vì toàn bộ hệ thống miêu tả ngôn ngữ phụ
thuộc vào nó. Từ không chỉ là đơn vị cơ bản của từ vựng mà còn là đơn vị cơ bản
của ngôn ngữ nói chung. Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về từ. Cho
đến nay, chưa có một định nghĩa nào lý tưởng về từ có thể áp dụng cho mọi ngôn
ngữ, bởi mỗi ngôn ngữ có những nét riêng biệt.
Theo định nghĩa của tác giả Nguyễn Thiện Giáp, định nghĩa phổ biến hiện
nay được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là phù hợp về từ là: “Từ là đơn vị nhỏ nhất
của ngôn ngữ, độc lập về ý nghĩa và hình thức” [12, tr.61]
Đối với tiếng Việt, những tiếng như: hai, ba, ăn, ngủ, tôi nhà, tốt, đẹp,… và,
tuy, nhưng…. đều được mọi người nhất trí coi là từ. Từ là đơn vị cơ bản của tiếng
Việt và là đơn vị có thể đảm nhiệm nhiều chức năng nhất:
- Chức năng cơ bản của từ là chức năng định đanh, nhưng trong dãy ngữ đoạn,
từ còn mang chức năng “phân biệt nghĩa” bộc lộ ý nghĩa này hay ý nghĩ khác của
những từ nhiều nghĩa.
- Từ tham gia vào các mối liên hệ từ vựng trong ngữ đoạn. Chính đặc điểm
này đã biến từ trở thành một loại đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, nằm trên giao điểm của
hai trục tọa độ cơ bản trong tổ chức cấu trúc của ngôn ngữ - trục đối vị (trục dọc) và
trục nối tiếp (trục ngang).
12
- Cấu trúc ngữ nghĩa của từ rất phức tạp, trong đó có cả nhân tố từ vựng lẫn
nhân tố ngữ pháp.
So với từ của các ngôn ngữ Ấn Âu thì từ của tiếng Việt có những đặc
điểm sau:
- Từ tiếng Việt là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Ví dụ: ăn là một từ có
nghĩa, nhưng nếu phân tích ra thành /ă/ /n/ thì đó chỉ là những âm hoàn
toàn không có nghĩa.
- Từ tiếng Việt có thể có biến thể ngữ âm (ví dụ: trời và giời, trăng và
giăng…), biến thể từ vựng - ngữ nghĩa (ví dụ: Các ý nghĩa khác nhau của
từ ăn: ăn giải, xe ăn xăng, ăn ảnh, ăn nằm…) nhưng không có biến thể
hình thái học.
- Ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp gắn bó chặt chẽ với nhau ở
trong từ tiếng Việt.
Từ những đặc điểm trên của tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện Giáp
đã rút ra định nghĩa về từ của tiếng Việt như sau: “Từ của tiếng Việt là một
chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa dùng để tạo câu nói, nó có hình thức của một
âm tiết, một khối viết liền” [13, tr.77]
Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Từ của tiếng Việt là một hoặc một
số âm tiết cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định,
nằm trong những kiểu cấu tạo nhất định, tất cả ứng với một kiểu ý nghĩa
nhất định, lớn nhất trong tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu”. [4, tr.16].
Trong đó, các thành phần bên trong từ (thành phần ngữ âm, thành phần ngữ
pháp, thành phần cấu tạo, thành phần ý nghĩa) không độc lập với nhau mà
quy định lẫn nhau, thống nhất với nhau thành một tập thể gọi là từ. Và các
thành phần ấy có tính đồng loạt chứ không phải chỉ có tính riêng biệt.
13
Chính nhờ tính đồng loạt của các thành phần mà khi gặp một hình
thức ngữ âm nào đó, chúng ta mới có thể quyết định nó là từ nào và sử
dụng nó theo cách nào.
Ví dụ: Khi gặp hình thức ngữ âm “sơn”, dựa vào thành phần ngữ
pháp và ý nghĩa chung với các từ tô, bôi, nhuộm…mà chúng ta quyết định
và sử dụng nó như một động từ.
Theo chúng tôi, mỗi khái niệm đều đề cập đến những khía cạnh khác
nhau của từ tiếng Việt. Ví dụ như đơn vị cấu tạo từ, đặc điểm của từ… Tuy
nhiên để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi lựa chọn khái
niệm về “từ” theo quan điểm của tác giả Đỗ Hữu Châu.
1.1.2. Khái niệm ngữ
Trong quá trình phát triển của dân tộc, một trong những thành tựu
quan trọng nhất là sự mở rộng không ngừng những tư tưởng, những khái
niệm mà con người có thể truyền đạt được. Con người cần thông báo cho
nhau không chỉ cảm xúc, tri thức…mà còn có vô hạn các sự kiện trong đời
sống. Hệ thống các từ trong tiếng Việt không đủ để biểu thị một số lượng
lớn như thế các khái niệm, hiện tượng khác nhau. Từ đó phát sinh nhu cầu
tất yếu là phải cấu tạo thêm những đơn vị từ vựng mới trên cơ sở những từ
đã có sẵn. Những đơn vị như thế được gọi là ngữ, có giá trị tương đương
với từ.
Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp [13, tr. 537]: “Ngữ là những cụm từ
sẵn có trong tiếng Việt, có giá trị tương đương với từ, có nhiều đặc điểm
giống với từ”:
- Chúng có thể tái hiện trong lời nói như các từ.
- Về mặt cú pháp, chúng cũng có thể làm thành phần câu, tức là có
tính độc lập về cú pháp.
14
- Về mặt ngữ nghĩa, chúng cũng biểu hiện những hiện tượng của thực
tế khách quan, gắn liền với những kiểu hoạt động khác nhau của con người.
Tính cố định và tính thành ngữ là hai đặc trưng cơ bản của ngữ.
1.2. Nghĩa của từ và hiện tượng đồng nghĩa
1.2.1. Khái niệm nghĩa của từ
Không ai có thể phủ nhận ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất
của con người. Xét về mặt lý thuyết, ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu. Mỗi tín
hiệu là một tổng thể do sự kết hợp giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện mà
thành. Cái biểu hiện trong ngôn ngữ chính là hình thức ngữ âm, còn cái được biểu
hiện là khái niệm (ý nghĩa) hay đối tượng được biểu thị. Hai mặt này luôn gắn kết
với nhau, không tách rời nhau, giống như “hai mặt của một tờ giấy vậy”. Nghĩa của
từ cùng với hình thức ngữ âm được hình thành và ổn định dần dần trong lịch sử
phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc.
“Nghĩa của từ” là một trong những khái niệm quan trọng nhất của ngôn ngữ
học. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về khái niệm này.
Một số người cho rằng, nghĩa của từ là sự vật hay hiện tượng do từ biểu thị.
Chẳng hạn, theo quan niệm này, nghĩa của từ cây là bản thân cái cây trong thực tế,
nghĩa của các từ ăn, nói …từ tốt, xấu… là bản thân hành động, tính chất tương ứng.
Trên thực tế, vì từ có quan hệ rất đa dạng với các hiện tượng khác cho nên
nghĩa của từ cũng là một hiện tượng phức tạp. Ở Việt Nam, vận dụng những thành
tựu nghiên cứu về nghĩa vào thực tế tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học cũng đã đưa
ra quan điểm của mình về khái niệm nghĩa của từ như sau:
Trong cuốn Từ vựng học tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện Giáp sau khi đã
trình bày các quan niệm khác nhau về nghĩa của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới,
đã đưa ra nhận định của mình về nghĩa của từ như sau: Nghĩa của từ là một đối
tượng phức tạp, bao gồm một số thành tố đơn giản như sau:“nghĩa sở chỉ”, “nghĩa
sở biểu”, “nghĩa sở dụng”, “nghĩa cấu trúc” [11, tr.126].
15
Theo tác giả Hoàng Phê, nghĩa của từ là “Một tập hợp những nét nghĩa có
quan hệ quy định lẫn nhau. Mỗi nghĩa của từ là một tổ hợp đặc biệt những thành tố
ngữ nghĩa, gọi là các nét nghĩa”; “Ý nghĩa của từ vừa là cái riêng cho từng từ, vừa
là cái chung cho những từ cùng loại. Nắm được cái chung, cái riêng trong ý nghĩa
thì mới thực sự hiểu từ, thực sự hiểu được những cái tinh tế trong từ và mới hiểu
được những đặc sắc của từng ngôn ngữ ở những phương diện nội dung”. [26]
Quan niệm của Hoàng Phê cho thấy, cấu trúc của nghĩa từ là một cấu trúc
động, trong quá trình đi vào hoạt động, thường chỉ có một số nét nghĩa của từ có
khả năng hiện thực hóa. Khả năng hiện thực hóa ấy là tùy thuộc vào từng ngữ cảnh
mà chúng xuất hiện.
Theo quan niệm của tác giả Đỗ Hữu Châu trong cuốn Từ vựng ngữ nghĩa
tiếng Việt [4, tr.103], ông cho rằng: Nghĩa của từ là có thể chia thành hai lớp nghĩa
là lớp nghĩa cấu trúc hóa và lớp nghĩa liên hội. Trong lớp nghĩa cấu trúc bao gồm ý
nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp. Nếu ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa chung cho
hàng loạt các từ (ý nghĩa hoạt động của các từ: ăn, uống, ngủ, cười, khóc…ý nghĩa
sự vật của các từ: nhà, cây, sách, bút…) thì ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa riêng của
từng từ. Ý nghĩa từ vựng tùy theo các chức năng mà từ chuyên đảm nhiệm, trong ý
nghĩa của từ bao gồm các thành phần ý nghĩa sau đây: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa
biểu niệm và ý nghĩa biểu thái.
- Ý nghĩa biểu vật ứng với chức năng biểu vật.
- Ý nghĩa biểu niệm ứng với chức năng biểu niệm.
- Ý nghĩa biểu thái ứng với chức năng biểu thái.
Ý nghĩa biểu vật của từ là sự phản ánh sự vật, hiện tượng…trong thực tế
khách quan vào ngôn ngữ, nên sự vật hiện tượng là cơ sở nguồn gốc của ý nghĩa
biểu vật. Nó mang tính võ đoán, quy ước của xã hội, đó là những mẩu, những mảnh
trong những đoạn cắt của thực tế nhưng không hoàn toàn trùng với thực tế, có tính
khái quát nên không gắn với hoạt động, tính chất cụ thể của sự vật.
16
Ý nghĩa biểu niệm của từ là thành phần cơ bản của ý nghĩa từ vựng. Sự vật,
hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào ngôn ngữ thành ý nghĩa
biểu vật và từ có ý nghĩa biểu vật thì sẽ có ý nghĩa biểu niệm tương ứng. Ý nghĩa
biểu niệm của từ là tập hợp của một số nét nghĩa chung và riêng được sắp xếp theo
một tổ chức, một trật tự nhất định. Các từ thuộc các từ loại khác nhau, có cách tổ
chức các nét nghĩa khác nhau. Còn các ý nghĩa biểu niệm của những từ trong một
từ loại lại có tổ chức giống nhau. Giữa các nét nghĩa của chúng lại có quan hệ với
nhau. Ví dụ, các nét nghĩa “đồ dùng” là dùng chung cho các từ bàn, ghế, giường,
tủ… nhưng trong mỗi từ này lại có những nét nghĩa riêng biệt.
Ý nghĩa biểu thái của từ là những nhân tố đánh giá, biểu thị cảm xúc và thái
độ mà từ gợi ra cho người nói và người nghe. Đây thực tế là sự phản ánh mối quan
hệ giữa từ và người sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: Từ “ôm” trong câu “Bà mẹ ôm con
vào lòng” trung hòa về mặt biểu thái. Nhưng câu nói “Cả ngày chỉ ôm lấy cái điện
thoại” thì từ “ôm” ở đây đã thể hiện thái độ chê trách. Ba thành phần ý nghĩa trên
phản ánh việc xem xét, nhìn nhận từ ở các góc độ khác nhau. Vì từ là một thể thống
nhất, sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của từ phải là sự hiểu biết thấu đáo từng mặt
một nhưng cũng phải là sự hiểu biết tổng quát về những mối liên hệ quy định lẫn
nhau giữa chúng.
1.2.2. Hiện tượng đồng nghĩa
Hiện tượng đồng nghĩa là một vấn đề khá thú vị trong ngôn ngữ học. Theo
Đại từ điển Bách Khoa Xô Viết, tập 23 [114], thuật ngữ chỉ hiện tượng đồng nghĩa
thuật ngữ tiếng Anh là Synonymy có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Synònymia có
nghĩa là “cùng tên” chỉ quan hệ giữa hai biểu thức đẳng nghĩa nhưng không đồng
nhất. Tính chất đẳng nghĩa ở đây được hiểu là tính tương ứng, hoặc là với cùng một
biểu vật (sự kiện, khách thể….), hoặc là cùng một biểu niệm (cái được biểu hiện
thuộc tính ngôn ngữ). [dẫn theo 39, tr.66].
17
1.2.2.1. Phân biệt hiện tượng đồng nghĩa, đơn vị từ vựng đồng nghĩa và từ
đồng nghĩa
a. Hiện tượng đồng nghĩa
Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn, đồng nghĩa là một trong những khái niệm có
tính chất nền tảng nhất của ngôn ngữ học. Như chúng ta đã biết, trong ngôn ngữ
học, chủ yếu các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu hiện tượng đồng nghĩa biểu niệm.
Các biểu thức A và B được gọi là đồng nghĩa nếu cái biểu hiện của chúng không
như nhau. Nghĩa là: hình thức (A) ≠ hình thức (B), còn cái được biểu hiện của
chúng là như nhau. Nghĩa là: Nội dung (A) = (B). Người ta thường nói đến hiện
tượng đồng nghĩa khi cái được biểu hiện tương ứng là khá gần gũi với các khái
niệm từ đồng nghĩa hay từ gần nghĩa. Theo Nguyễn Đức Tồn, hiện tượng đồng
nghĩa có nội dung rất rộng, nó có thể xảy ra giữa các hình vị (ví dụ: vô- phi- bất),
đơn vị từ vựng đồng nghĩa (ví dụ: chết, tử, ngoẻo, toi), các kết hợp cú pháp (ví dụ:
Hương cao hơn Nam- Nam không cao bằng Hương).
Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng hiện tượng đồng nghĩa có mặt trong hệ thống
ngôn ngữ - những hiện tượng đồng nghĩa từ vựng và trong các văn bản - những
hiện tượng đồng nghĩa lời nói. Ở cả hai khu vực trên có thể có những từ và ngữ cố
định đồng nghĩa, có những cụm từ và cụm từ (tự do) đồng nghĩa và cả những câu
đồng nghĩa. [4, tr.192]
b. Đơn vị từ vựng đồng nghĩa và từ đồng nghĩa
Theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn, các đơn vị từ vựng đồng nghĩa gồm
các từ và các ngữ cố định có chức năng tương đương với từ như: hoa hồng, sân
bay, quần áo, ông bà, chậm như rùa, nghịch như quỷ sứ... Do đó, hiện tượng đồng
nghĩa có thể xảy ra giữa các từ. Ví dụ: nhìn - nhòm - dòm - ngó, mẹ - má- bầm- u,
xô- đẩy- ẩy, …hoặc giữa các ngữ cố định. Ví dụ: Được voi đòi tiên - Được đằng
chân lân đằng đầu; Đói cho sạch, rách cho thơm - Giấy rách giữ lấy lề...
18
Ngoài ra, hiện tượng đồng nghĩa còn xảy ra giữa một từ và một ngữ cố định:
xấu- xấu như ma, đen- đen như củ súng,…
Từ đó, ta có thể thấy rằng từ đồng nghĩa là trường hợp riêng quan trọng nhất
nằm trong cái được gọi là đơn vị từ vựng đồng nghĩa phân việt với đơn vị ngữ pháp
đồng nghĩa và tất cả đều nằm trong hiện tượng đồng nghĩa của ngôn ngữ. [39, tr.70]
1.2.2.2. Quan niệm về từ đồng nghĩa
Cho đến nay, trong lịch sử ngôn ngữ học có rất nhiều các quan niệm khác
nhau về từ đồng nghĩa. Sự bất đồng trước tiên trong khi giải quyết các vấn đề từ
đồng nghĩa là do kết cấu ngữ nghĩa đa dạng, phức tạp của từ gây nên. Mỗi từ không
phải bao giờ cũng chỉ có một nghĩa. Nhiều trường hợp một từ có nhiều nghĩa khác
nhau. Hiện tượng đa nghĩa này dẫn đến các quan niệm khác nhau về từ đồng nghĩa.
Nguyễn Văn Tu trong cuốn “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” đã đưa ra
quan niệm của mình về từ đồng nghĩa như sau: “Từ đồng nghĩa là nhiều từ khác
nhau cùng chỉ một sự vật, một đặc tính, một hành động nào đó. Đó là những tên
khác nhau của một hiện tượng. Những từ đồng nghĩa có một chỗ chung là việc định
danh”. [39, tr. 153]
Đỗ Hữu Châu quan niệm về từ đồng nghĩa: “Hiện tượng đồng nghĩa là hiện
tượng có nhiều mức độ tùy theo số lượng các nét nghĩa chung trong các từ. Mức độ
đồng nghĩa thấp nhất khi các từ chỉ có chung một nét nghĩa đồng nhất. Số lượng
các nét nghĩa đồng nhất tăng lên thì các từ càng đồng nghĩa với nhau. Mức độ
đồng nghĩa cao nhất xảy ra khi các từ đó có tất cả các nét nghĩa hoặc đại bộ phận
các nét nghĩa trùng nhau, chỉ khác ở một hoặc vài nét nghĩa cụ thể nào đó. [4,
tr.199]
Nguyễn Đức Tồn quan niệm rằng: Từ đồng nghĩa phải dựa trên cả hai
thành phần nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm: Hai đơn vị từ vựng/từ được gọi là
đồng khi chúng có vỏ ngữ âm khác nhau biểu thị các biểu vật hoặc các biểm niệm
giống nhau:
19
a. Nếu chúng có thể xuất hiện được trong kết cấu “A là B’ và đảo lại “B là
A” mà không cần phải chỉnh lý bằng cách thêm bớt nét nghĩa gì vào một trong hai
đơn vị/từ thì đó là những đơn vị từ vựng/ từ cùng nghĩa.
Nếu như để chúng có thể xuất hiện được trong các kết cấu “A là B” và đảo
ngược lại “B là A” cần có một sự chỉnh lý, thêm nét nghĩa nào đó vào một trong
hai đơn vị thì từ đó là những đơn vị từ vựng/ từ gần nghĩa” [39, tr.97]
Từ định nghĩa trên của tác giả Nguyễn Đức Tồn cho thấy, các từ đồng nghĩa
trước hết phải là những thuộc về cùng một từ loại (có như vậy chúng mới cùng xuất
hiện được trong kết cấu đồng nhất “A là B” và “B là A”). Trong ý nghĩa của chúng
có chứa những yếu tố đồng nhất. Các yếu tố khác nhau của các ý nghĩa này bị trung
hòa hóa trong những ngữ cảnh nhất định. Một số từ cực kì gần gũi về ý nghĩa được
gọi là những từ cùng nghĩa. Đối với trường hợp đặc biệt của các từ cùng nghĩa là
các từ đồng nghĩa tuyệt đối.
Trên cơ sở tiếp thu quan điểm của các nhà ngôn ngữ học như Đỗ Hữu Châu
và các nhà ngôn ngữ học đi trước, tác giả Nguyễn Đức Tồn đã chia các từ đồng
nghĩa ra thành ba tiểu loại như sau:
a. Các từ đồng nghĩa ý niệm
Các từ đồng nghĩa ý niệm là các từ đồng nghĩa trung tính về phong cách và
khác biệt nhau về sắc thái của ý nghĩa cơ bản, chung cho mỗi từ. Chẳng hạn, các từ
đừng - chớ là những từ đồng nghĩa ý niệm, có ý nghĩa chung là đều biểu thị ý
“Khuyên ngăn không nên làm điều gì”. Hoặc từ như: nhiệm vụ - nghĩa vụ - trách
nhiệm, ý đồ - ý định, cơ hội - thời cơ - dịp, địch - giặc - quân thù…
b. Các từ đồng nghĩa phong cách
Các từ đồng nghĩa phong cách là những từ đồng nhất về ý nghĩa của chúng
và khác nhau về màu sắc phong cách.
Chúng ta có thể xác định được một từ nào đó là từ đồng nghĩa phong cách
khi đối chiếu nó với từ trung tính về phong cách tương ứng. Vì vậy, có thể nói trong
20
mỗi cặp từ đồng nghĩa phong cách hoặc trong mỗi dãy đồng nghĩa phong cách chắc
chắn sẽ có từ trung tính về phong cách. Chẳng hạn như các từ đồng nghĩa phong
cách trong nhóm từ nói về “ăn” trong tiếng Việt: Ăn (trung tính), xơi, mời (sang
trọng), hốc, đớp (thông tục)…
Các từ đồng nghĩa phong cách thường không thuần nhất. Có thể tách chúng
thành hai nhóm: Nhóm các từ cổ và nhóm các từ đồng nghĩa phong cách tiếng Việt
hiện đại.
c. Các từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách
Các từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách là những từ và các đơn vị tương
đồng của chúng biểu thị cùng một khái niệm hoặc cùng một hiện tượng của hiện
thực khách quan và khác nhau không chỉ về màu sắc phong cách mà còn khác nhau
cả về sắc thái của ý nghĩa chung ở mỗi từ. Ví dụ:
- Trinh thám - do thám - thám thính, vẻ vang - quang vinh, hát- ca,…
Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn, trong ba loại từ đồng nghĩa trên thì hai nhóm
từ đồng nghĩa ý niệm và từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách là những từ gần nghĩa.
Còn từ đồng nghĩa phong cách là những từ cùng nghĩa.
1.3. Sự phát triển nghĩa của từ
Trong diễn tiến ngôn ngữ, kết cấu nghĩa của từ luôn luôn vận động phát triển,
sự biến đổi nghĩa là sự thực hiển nhiên trong nghĩa ngôn ngữ. Có thể nói phát triển
nghĩa, chính là một quá trình phát triển mở rộng các chức năng (định danh, biểu
đạt…) của từ. Đây chính là sự tăng lên về dung lượng nghĩa có trong một từ, tức là
tăng thêm các biến thể từ vựng- ngữ nghĩa trong một vỏ bọc âm thanh của từ, là sự
tăng lên về các nét nghĩa trong cấu trúc của một biến thể từ vựng - ngữ nghĩa, các
nét nghĩa trong một biến thể từ vựng cho phép chủ thể ngôn ngữ có thể sử dụng từ
đó để gọi tên, biểu thị những đối tượng mà trước đây chưa được gọi tên, biểu thị.
Điều đó có nghĩa là phạm vi ứng dụng nghĩa của từ đã được mở rộng ra. Phát triển
nghĩa, vì thế, sẽ cho phép mặt được biểu hiện của từ có sự tăng lên về các ý niệm,
21
các phạm trù nhận thức, mà vẫn giữ được nguyên vẹn mặt biểu hiện. Theo tác giả
Phạm Văn Lam cho rằng: Phát triển nghĩa của từ là quá trình phát triển, mở rộng
các chức năng của từ để từ đó có thể trỏ ra, gọi tên, biểu thị những đối tượng mà
trước đây chưa được trỏ ra, gọi tên, biểu thị; sự phát triển, sự phát triển mở rộng
chức năng của từ này phải được đa số các chủ thể sử dụng ngôn ngữ trong cộng
đồng nói năng chấp nhận. Đó chính là sự phát triển, mở rộng về phạm vi ứng dụng
của từ. [22, tr. 9]
Ngữ nghĩa học truyền thống đã phát hiện ra những quá trình phát triển ý
nghĩa cơ bản mà ngữ nghĩa học ngày nay không thể bác bỏ được . Đó là hai khuynh
hướng biến đổi: mở rộng và thu hẹp ý nghĩa (phát triển nghĩa và mất nghĩa), chuyển
đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ. Theo tác giả Lê Văn Thiêm; Phạm vi rộng hẹp
thể hiện ở số lượng và cả ở tính chất nét nghĩa. Có nét thiên về cái chung, nét nghĩa
phạm trù và nét nghĩa thiên về cụ thể, loại biệt, nét nghĩa khu biệt. [4, tr.311]
Mở rộng ý nghĩa là một quá trình phát triển từ cái riêng đến cái chung, từ cái
cụ thể đến trừu tượng. Ý nghĩa được hình thành nhờ quá trình này gọi là nghĩa mở
rộng. Ví dụ; Tính từ “đẹp”, ban đầu chỉ dùng ở khía cạnh hình thức, nhưng hiện nay
dùng rộng rãi ở cả phạm vi tình cảm, tinh thần, quan hệ. Chẳng hạn: tình cảm đẹp,
tấm lòng đẹp, đẹp lòng, đẹp lời…
Thu hẹp ý nghĩa là quá trình ngược lại. Phạm vi ý nghĩa của các từ phát
triển từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái cụ thể. Ví dụ: Từ
“mùi” là cảm giác do cơ quan khứu giác thu nhận được (nước là hợp chất
không màu, không mùi, không vị), nhưng khi nói “Miếng thịt có mùi rồi” thì
lại có ý nghĩa cụ thể là “mùi hôi”.
Tóm lại, mở rộng và thu hẹp ý nghĩa là quá trình chuyển từ khái niệm về loại
sang khái niệm về chủng (mở rộng) hoặc chuyển từ khái niệm về chủng sang khái
niệm về loại (thu hẹp). Quy luật tạo ra sự phát triển này là dựa vào các mối liên hệ
22
tương đồng và tiếp cận. Thể hiện ở các mối liên hệ đó, theo hình thức ẩn dụ và hoán
dụ. Đây là cơ sở để tạo ra các nghĩa bóng, các nghĩa phái sinh của từ. Ví dụ:
- Răng người và vật – răng lược, răng bừa
- Mũi người và vật – mũi thuyền, mũi kim
Đây là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật, hiện
tượng thông qua hình thức ẩn dụ.
Hay sự chuyển đổi tên gọi từ sự vật, hiện tượng này sang hiện tượng khác
dựa trên mối quan hệ logic giữa các sự vật, hiện tượng ấy qua hình thức hoán dụ.
Ví dụ: Nhà tôi – vợ tôi
Sự phát triển nghĩa của từ luôn đi cùng với sự phát triển của xã hội. Sự
biến đổi không ngừng của nghĩa do sự biến đổi của cuộc sống và cách sử dụng
ngôn ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt, giàu hình ảnh của con người đã góp phần
làm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn. Sự
phát triển ấy theo hai khuynh hướng cơ bản: mở rộng và thu hẹp ý nghĩa, chuyển
đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ. Những đơn vị từ vựng được lựa chọn để phát
triển nghĩa thường là những đơn vị mang những giá trị văn hóa ước định của cộng
đồng, được mọi người chấp nhận, sử dụng, dễ dàng nhập vào hệ thống từ vựng -
ngữ nghĩa như là một đơn vị khu biệt. Nghĩa là nó được đánh giá thuận lợi cho
công việc giao tiếp, được thẩm định về khả năng biểu đạt nghĩa và giá trị thẩm mỹ
khi đi vào hành chức.
1.4. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ
Trên thực tế, cấu trúc ý nghĩa của từ không nhất thành bất biến mà luôn
luôn vận động và phát triển. Tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong cuốn Từ và từ
vựng học tiếng Việt [13, tr162], cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân làm cho một
từ phát triển thêm các biến thể từ vựng - ngữ nghĩa, nhưng có thể quy vào các
yếu tố cơ bản sau đây.
- Do sự biến đổi, phát triển không ngừng của đời sống;
23
- Sự phát triển của nhận thức;
- Sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ;
- Tính quy ước của nghĩa.
Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, hiện tượng nhiều nghĩa là kết quả của sự chuyển
biến ý nghĩa của từ. Từ (đơn hoặc phức) lúc đầu mới xuất hiện đều chỉ có một nghĩa
biểu vật. Sau một thời gian được sử dụng, nó có thể có thêm những nghĩa biểu vật
mới. Các nghĩa biểu vật mới xuất hiện ngày càng nhiều thì nghĩa biểu niệm của nó
càng có khả năng biến đổi. [4, tr.147].
Từ các nguyên nhân dẫn đến sự chuyển nghĩa của từ, ngữ nghĩa học truyền
thống đã phát hiện ra những quá trình phát triển ý nghĩa cơ bản mà ngữ nghĩa học
hiện đại ngày nay không thể bác bỏ. Theo các tác giả Nguyễn Thiện Giáp và Đỗ
Hữu Châu, hiện tượng chuyển nghĩa của từ chủ yếu dựa vào hai phương thức ẩn dụ
và hoán dụ
Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hiện
tượng được so sánh với nhau. So sánh bộ phận được gọi là “đầu” của con người với
bộ phận trên của cái van xe đạp, chúng ta thấy có một điểm chung là “bộ phận trên,
trước hết”. Từ đó dẫn đến việc lấy tên gọi của bộ phận thân thể để biểu thị bộ phận
của cái van. Mặt khác, so sánh con vật với hàng người, đoàn người thấy cả hai đều
có bộ phận trước, bộ phận sau, do đó đã lấy tên bộ phận trước hết của vật chỉ bộ
phận trước hết của đoàn người, hàng người… Cứ phân tích như vậy, sẽ thấy các
nghĩa phái sinh của từ “đầu” đều là kết quả của quá trình chuyển nghĩa ẩn dụ.
Hoán dụ là hiện tượng chuyển tên gọi từ sự vật hoặc hiện tượng này sang sự
vật hoặc hiện tượng khác dựa trên một mối quan hệ logic giữa các sự vật hiện tượng
ấy. Căn cứ vào tính chất chất của các quan hệ mà có thể chia ra làm nhiều loại hoán
dụ khác nhau như: quan hệ giữa cái toàn thể và bộ phận, lấy không gian, địa điểm
thay cho những người sống ở đó... Ví dụ: “Nhà có 5 miệng ăn” lẽ ra là “nhà có 5
người ăn”. Đây là kiểu hoán dụ theo quan hệ lấy cái bộ phận thay cho toàn thể.
24
Nhìn chung, ẩn dụ và hoán dụ thường liên hệ với các hiện tượng mở rộng và
thu hẹp ý nghĩa. Những ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng hay ẩn dụ căn cứ vào sự
giống nhau về chức năng đồng thời cũng là một quá trình mở rộng ý nghĩa. Hoán
dụ thường liên hệ với hiện tượng thu hẹp ý nghĩa. Ẩn dụ, hoán dụ là phương thức
cơ bản tạo nên nghĩa mới cho từ.
1.5. Từ đa nghĩa
Hiện tượng đa nghĩa là một hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Nói
một cách đơn giản, đây là hiện tượng một đơn vị ngôn ngữ mà cấu tạo nội dung của
nó có nhiều nghĩa khác nhau. Điều này một mặt tạo ra tính đa dạng phong phú của
ngôn ngữ. Đây là hiện tượng biểu hiện một cách điển hình ở cấp độ từ vựng -
ngữ nghĩa. Ở cấp độ này hiện tượng đa nghĩa không chỉ bộc lộ gắn liền với
đặc điểm của từ mà còn thể hiện đặc điểm cấu tạo và phát triển của hệ thống
từ vựng - ngữ nghĩa của ngôn ngữ.
Người ta nhận thấy rằng một từ lúc mới sinh ra chỉ có một nghĩa, theo
dòng thời gian tồn tại và phát triển từ trở thành nhiều nghĩa. Sự xuất hiện
nghĩa mới của từ có quan hệ với sự phát triển một cách có quy luật và sự giàu
có, phong phú của thành phần từ vựng một ngôn ngữ. Nó là kết quả của sự
phát triển nghĩa của từ nói riêng và của hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa nói
chung, đồng thời cũng là biểu hiện, sản phẩm của sự phát triển ngôn ngữ văn
hoá, sự giàu có, phong phú tư duy và kinh nghiệm của cộng đồng người nói
một thứ tiếng nhất định. Chính vì vậy, các ngôn ngữ gắn liền với nền văn
minh tiên tiến thường phát triển với tỷ lệ cao những từ đa nghĩa. Phát triển từ
đa nghĩa còn là một biện pháp, một phương thức làm giàu vốn từ ngữ dân tộc.
Đa nghĩa là qui luật chung của ngôn ngữ nhân loại. Việc tìm hiểu những nét
tương đồng và dị biệt trong nội dung từ đa nghĩa của các dân tộc lại liên quan
đến ngôn ngữ và văn hoá của riêng của mỗi quốc gia. Bởi vì đặc điểm đa
25
nghĩa của mỗi ngôn ngữ như là sản phẩm sáng tạo, là thành tựu được tập thể
cộng đồng ngôn ngữ ấy xây dựng nên.
Cho đến nay đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau về từ đa nghĩa từ
vựng. Chẳng hạn như tác giả O.C.Akhmanôva cho rằng: “đa nghĩa là sự tồn
tại ở từ một số nghĩa vốn thường xuất hiện do việc sử dụng từ và sự phát triển
các nghĩa bóng của từ” (Dẫn theo Lê Quang Thiêm) [34, tr.305].
Tác giả Vũ Đức Nghiệu cho rằng: “Từ đa nghĩa là những từ có một số
nghĩa biểu thị những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc
biểu thị những đối tượng khác nhau của thực tại.”[6, tr.172]
Sau khi phân tích đánh giá một số cách hiểu tác giả Lê Quang Thiêm đã
đưa ra quan niệm của mình về từ đa nghĩa như sau: “Từ đa nghĩa là từ mà nội
dung bao gồm một số nghĩa khác nhau, các nghĩa này lập thành một hệ thống
nằm trong các mối quan hệ liên kết với nhau, gồm một vài nét nghĩa chung và
nhiều nét nghĩa loại biệt thường biểu thị các đối tượng khác nhau nhưng lại
được đặt cơ sở trên một sự giống nhau về chức năng, hình thức hoặc thuộc
tính nào đó của đối tượng”. [34, tr.305].
+ Các kiểu nghĩa của từ đa nghĩa
Các nghĩa của từ đa nghĩa được xây dựng và tổ chức theo những cách thức
và trật tự nhất định. Việc phân loại các nghĩa khác nhau của từ đa nghĩa giúp chúng
ta tìm ra được mối quan hệ của chúng và từ đó có cơ sở hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ.
- Dựa vào tiêu chí nguồn gốc của nghĩa, nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại:
nghĩa gốc và nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên, vốn có đối với một từ
nào đó. Vì thế nghĩa gốc thường là nghĩa không giải thích được lí do và có thể nhận
ra một cách độc lập không cần thông qua nghĩa khác. Nghĩa phái sinh là nghĩa có
sau được tạo nên trên cơ sở nghĩa gốc cho nên chúng thường có lí do và được nhận
ra qua nghĩa gốc của từ. Ví dụ, trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê [25] có định
nghĩa từ chân như sau:
26
1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người và động vật, dùng để đi, đứng,
thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người (Què chân; Vui
chân đi quá xa; Nước đến chân mới nhảy).
2. Chân của con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một
người với tư cách là thành viên của một tổ chức (có chân trong hội đồng; thiếu một
chân tổ tôm; chân sào).
Như vậy, trong hai nghĩa trên của từ chân thì nghĩa 1 là nghĩa gốc, nghĩa 2 là
nghĩa phái sinh.
- Dựa vào khả năng tồn tại độc lập của từ, nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại:
nghĩa tự do và nghĩa hạn chế. Nghĩa tự do là nghĩa được bộc lộ trong mọi hoàn
cảnh, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bắt buộc nào. Nghĩa hạn chế là nghĩa chỉ xuất
hiện trong một hoàn cảnh nhất định.
- Dựa vào mối quan hệ định danh giữa từ và đối tượng, nghĩa của từ đa nghĩa
gồm hai loại: nghĩa trực tiếp và nghĩa gián tiếp. Nếu một nghĩa trực tiếp phản ánh
đối tượng, làm cho từ gọi tên sự vật một cách trực tiếp thì đó là nghĩa trực tiếp
(nghĩa đen). Còn nếu một nghĩa gián tiếp phản ánh đối tượng, làm cho từ gọi tên sự
vật một cách gián tiếp (thông qua hình tượng hoặc nét đặc thù) thì đó là nghĩa gián
tiếp (nghĩa bóng)
- Nghĩa của từ đa nghĩa được chia thành nghĩa thường trực và nghĩa không
thường trực dựa vào tiêu chí nghĩa đang xét đã nằm trong cơ cấu chung ổn định của
nghĩa từ hay chưa. Một nghĩa được coi là nghĩa thường trực nếu nó đã đi vào cơ cấu
chung ổn định của nghĩa từ và được nhận thức một cách ổn định, như nhau trong
các hoàn cảnh khác nhau. Ngược lại, nếu có một nghĩa bất chợt nảy sinh trong một
hoàn cảnh nào đó trong quá trình sử dụng, sáng tạo ngôn ngữ, nó chưa hề đi vào cơ
cấu ổn định, vững chắc của nghĩa đó là nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh).
Trên đây là cách phân loại nghĩa của từ đa nghĩa thường gặp. Mỗi tiêu chí khác
nhau có hệ thống phân loại khác nhau. Trong thực tế, từ đa nghĩa không chỉ có 2, 3
27
nghĩa mà có từ có rất nhiều nghĩa. Nghĩa của từ đa nghĩa rất phong phú, đa dạng
nên khi phân tích nghĩa theo thế lưỡng phân thường là sẽ có một số nghĩa không
được gọi tên mà bị gộp chung với một nghĩa nào đó khái quát hơn.
Tiểu kết chương 1
Trong Chương 1, chúng tôi đã trình bày những cơ sở lí luận cơ bản
làm khung nghiên cứu cho luận văn như: khái niệm từ, cụm từ, nghĩa của
từ, sự phát triển nghĩa của từ, hiện tượng đồng nghĩa và hiện tượng chuyển
nghĩa, từ đa nghĩa. Trong diễn tiến ngôn ngữ, mối quan hệ giữa cái biểu
hiện và cái được biểu hiện không phải lúc nào cũng được duy trì, nó có thể,
một cách tiềm tàng, bị phá vỡ bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, biến đổi nghĩa
là sự thật thực hiển nhiên trong ngôn ngữ. Theo quan niệm truyền thống, có
hai khuynh hướng biến đổi: phát triển nghĩa và mất nghĩa. Trên thực tế, bất
kỳ một nghĩa nào đó đã xuất hiện, một cách tiềm năng, đều có khả năng tái
hiện ở những lần sau. Vì thế nếu một nghĩa nào đó không may bị mất đi, thì
nó vẫn có khả năng được sử dụng trở lại, bởi cái nghĩa ban đầu bao giờ
cũng là cái được con người dễ nhận diện nhất, được con người duy trì bảo
hộ nhiều nhất. Vì thế, biến đổi nghĩa cũng là phát triển nghĩa.
Trong ngữ nghĩa, hiện tượng đồng nghĩa thường xảy ra với hàng loạt
các đơn vị từ vựng và tạo nên các sắc thái biểu cảm khác nhau về ngữ
nghĩa. Vì vậy, trong một dãy đồng nghĩa, giữa các nghĩa của từ đồng nghĩa
là giống nhau song chúng khác nhau về sắc thái biểu cảm.
Hiện tượng chuyển nghĩa của từ tạo nên hiện tượng đa nghĩa từ vựng.
Có hai con đường chuyển nghĩa cơ bản là mở rộng nghĩa hoặc thu hẹp
nghĩa, thường được thực hiện thông qua ẩn dụ hoặc hoán dụ. Trong từ đa
nghĩa, giữa nghĩa gốc của từ với các nghĩa chuyển luôn có mối liên hệ nhất
định về nghĩa, tuy nhiên, các nghĩa phái sinh thường vận động theo hướng
28
ngày càng xa rời nghĩa gốc và trong những trường hợp cụ thể, giữa nghĩa
gốc và nghĩa chuyển còn xảy ra hiện tượng chuyển loại.
Đây là những tiền đề lý luận cơ bản giúp chúng tôi triển khai thực
hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trong chương 2 và chương 3 của luận văn.
29
Chương 2
NGỮ NGHĨA CỦA TỪ “ĂN” VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP
CỦA NÓ TRONG TIẾNG VIỆT
2.1. Ngữ nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống, mang
những nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Đối với người Việt, ăn
uống không chỉ đơn thuần là nét văn hóa về vật chất, một hoạt động nhằm đáp ứng
nhu cầu sinh học của cơ thể mà còn phản ánh phương diện văn hóa về tinh thần, là
tiếng nói của tâm hồn người Việt. Thông qua hoạt động ăn uống người ta có thể
hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa với những đạo
lý, phép tắc, phong tục, tập quán và cả triết lý nhân sinh… của mỗi cá nhân và rộng
hơn là cả một dân tộc. Cái ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tâm thức mỗi
người dân Việt. Có thể nói, mọi hoạt động của người Việt đều lấy “ăn” đặt lên làm
đầu: ăn uống, ăn ở, ăn mặc, ăn nói, ăn tiêu… Và do nhu cầu sử dụng thiên biến vạn
hóa về sắc thái, từ “ăn” cũng là một trong những từ có rất nhiều từ đồng nghĩa trong
tiếng Việt như: xơi, mời, nhậu, hốc, nốc, tọng, chén, đánh chén, đớp, dùng, làm…
sự phong phú trong lớp từ đồng nghĩa ấy đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ
vựng của tiếng Việt.
Trong Từ điển Tiếng Việt (2010) của Hoàng Phê (chủ biên) đã khái quát từ
“ăn” (động từ) là một từ đa nghĩa gồm có 13 nghĩa (nghĩa gốc và các nghĩa phái
sinh) như sau: [25, tr.29-33]
1. Tự cho vào cơ thể thức ăn nuôi sống. Ăn cơm. Thức ăn. Ăn có nhai, nói có
nghĩ (tng). Làm đủ ăn.
2. Ăn uống nhân dịp gì. Ăn cưới. Ăn liên hoan. Ăn tết.
3. (Máy móc, phương tiện vận tải) tiếp nhận cái cần thiết cho sự hoạt động.
Cho máy ăn dầu mỡ. Xe ăn tốn xăng. Tàu đang ăn hàng ở cảng.
30
4. (Kết hợp hạn chế). Nhận lấy để hưởng. Ăn hoa hồng. Ăn thừa tự. Ăn lương
tháng.
5. (Kng). Phải nhận lấy, chịu lấy (cái không hay; hàm ý mỉa mai). Ăn đòn. Ăn
đạn.
6. Giành về phần mình phần hơn, phần thắng (trong cuộc thi đấu). Ăn con xe.
Ăn giải. Ăn cuộc.
7. Hấp thu cho thấm vào, nhiễm vào trong bản thân. Vải ăn màu. Da ăn
nắng. Cá không ăn muối cá ươn (tng).
8. Gắn, dính chặt vào nhau, khớp với nhau. Hồ dán không ăn. Gạch ăn vôi
vữa. Phanh không ăn.
9. (Kết hợp hạn chế). Hợp với nhau, tạo nên một cái gì hài hòa. Hai màu rất
ăn với nhau. Người ăn ảnh.
10. Làm tiêu hao, hủy hại dần dần từng phần. Sương muối ăn bạc trắng cả
lá. Sơn ăn tùy mặt.
11. Lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó (nói về khu vực hoặc phạm vi tác
động của cái gì). Rễ tre lan ra tới ruộng. Sông ăn ra biển. Phong trào ăn sâu,
lan rộng.
12. (Kng). Là một phần ở ngoài phụ thuộc vào; thuộc về. Đám đất này ăn về
xã bên. Khoản này ăn vào ngân sách của tỉnh.
13. (Đơn vị tiền tệ, đo lường) có thể đổi ngang giá. Một dolla ăn mấy đồng
Việt Nam?
Cùng với sự phát triển của xã hội, trong quá trình sử dụng khi đi vào ngôn
bản và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nhóm từ nói về “ăn” được sử dụng khá linh
hoạt cho phù hợp với từng hoàn cảnh nhằm mang lại giá trị biểu cảm riêng. Các nét
nghĩa được mở rộng và theo thời gian các nét nghĩa phái sinh mới được hình thành
và ngày càng phong phú, làm giàu cho hệ thống từ vựng của tiếng Việt. Điều đó
cho thấy, quá trình vận động và phát triển nghĩa của từ “ăn” khá mạnh mẽ. Ngoài
31
những nghĩa gốc và nghĩa phái sinh được thống kê ở trên, trên thực tế chúng ta có
thể thấy “ăn” còn trở thành một yếu tố (thành tố) đóng vai trò như một hình vị cấu
tạo từ, có thể kết hợp với các hình vị khác để tạo ra các từ ghép khác nhau theo kiểu
chính phụ hoặc đẳng lập có chứa yếu tố “ăn”. Những đơn vị từ có chứa yếu tố “ăn”
này có thể mang nghĩa chỉ hoạt động ăn theo nghĩa gốc, có thể không mang nghĩa
chỉ hoạt động ăn mà bàn đến mọi phương diện đời sống của con người. Các nghĩa
của từ chứa yếu tố “ăn” này được người Việt chấp nhận và sử dụng trong cuộc sống
hàng ngày như: Ăn chơi, ăn nằm, ăn chặn… Đặc biệt có nhiều kết hợp với yếu tố
“ăn” mà trong đó không liên quan gì đến việc đưa thức ăn vào miệng và thực hiện
động tác nhai, nuốt. Mà từ “ăn” ở đây lại chỉ hành vi, lối sống, ta có thể hiểu như
một thứ nghề nghiệp, chẳng hạn như: Ăn sương, ăn trộm, ăn cắp…
Chúng ta có thể thấy, từ nghĩa gốc “ăn” để chỉ hoạt động “Tự cho vào cơ thể
thức ăn nuôi sống” cùng với sự phát triển của thời gian, các nét nghĩa phái sinh đã
hình thành và sự kết hợp của yếu tố “ăn” với các từ/ tổ hợp từ đã tạo ra rất nhiều
nghĩa mới thay thế hàng loạt các khái niệm khác. Theo sự khảo sát của Nguyễn Thị
Bích Hợp [18] khi miêu tả sự phát triển ngữ nghĩa của từ “ăn” theo mô hình tỏa tia,
tác giả đã bổ sung thêm hai nghĩa phái sinh mới so với các nét nghĩa trong Từ điển
tiếng Việt của Hoàng Phê [25], đó là: “ăn” nghĩa là “thực hiện hành động”: ăn vạ,
ăn hiếp, ăn hỏi, ăn diện, ăn thề, ăn nói, ăn mặc, ăn học; và “ăn” nghĩa là “quan hệ
thân xác”: ăn nằm, ăn cơm trước kẻng, đã ăn cô ta, ăn bánh trả tiền…
Ăn uống được dân gian Việt nam xếp lên hàng đầu “tứ khoái” của con
người. Nhà văn Tản Đà đối với văn hóa ẩm thực, ông đã nâng thành “lý luận 04
chữ W trong ăn uống”
1-Ăn cái gì ( What)?
2-Ăn lúc nào (When)?
3- Ăn ở đâu (Where)?
32
4- Ăn với ai (With whom)? [23, Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hà Nội đôi ba
vấn đề lý luận, tr.681]
Qua đó, để cho chúng ta thấy cái “ăn” đóng vai trò rất quan trọng đối với
người dân Việt. Chính vì vậy, đề tài về “ăn” đã được phản ánh rất đa dạng và phong
phú qua thành ngữ, truyện dân gian Việt Nam và các tác phẩm văn học. Bởi thế,
không phải ngẫu nhiên mà số lượng câu thành ngữ chứa thành tố “ăn” trong tiếng
Việt lại chiếm số lượng rất lớn. Thông qua việc khảo sát trong các cuốn từ điển
thành ngữ, các câu thành ngữ có chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt có tới 492 câu.
Ẩn chứa trong mỗi câu thành ngữ là những kinh nghiệm trong cuộc sống, những
giáo huấn về luân thường, đạo lý, cách ứng xử của con người với con người trong
xã hội. Chúng ta vẫn thường nghe những câu thành ngữ nói về thói quen trong ăn
uống của ông cha ta: Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống,… hay
lên án những kẻ vô ơn, bội nghĩa: ăn cháo đá bát… phê phán những thói hư tật xấu:
ăn xó mó niêu, ăn gian nói dối… Cho đến những kinh nghiệm đời thường trong
cuộc sống: Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau…
“Ăn” cũng là một trong những nguồn cảm hứng chính của các nhà văn
hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim
Lân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… đề tài về “miếng
ăn” được tái hiện dưới ngòi bút của các nhà văn vô cùng chân thực. Thông qua
cái “ăn” các tác giả đã cởi hết cái lớp áo bao phủ bên ngoài của đời sống của
người dân Việt Nam thời đó để phơi bày chuyện đời nhức nhối nhất, sự thiếu thốn,
sự đói khổ trở thành vấn nạn khủng khiếp chi phối mọi mặt của đời sống xã hội
Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. “Ăn” cũng là đề tài khơi nguồn cảm hứng
sáng tạo cho các nhà văn hiện đại trong thể loại Tùy bút như Nguyễn Tuân, Thạch
Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn, Mai Thục, Trần Đức Anh Sơn… đều là những tác giả đã
rất thành công khi viết về đề tài liên quan đến cái “ăn”, một trong những nhu cầu tất
yếu của cuộc sống nhưng thông qua ngòi bút của các nhà văn, cái “ăn” được nâng
33
lên thành một nghệ thuật, thành giá trị sống, một nét văn hóa tinh tế, rất riêng của
người Việt.
Có thể nói hoạt động “ăn” phản ánh đặc trưng văn hóa dân tộc vô cùng rõ
nét. Miếng ăn vừa thể hiện tính cộng đồng xã hội, vừa nói lên triết lý về đạo sống,
đồng thời nó cũng phản chiếu phép tắc xã hội. Văn hóa ăn trở thành một giá trị văn
hóa của mỗi làng, mỗi vùng và rộng hơn là của cả dân tộc.
2.2. Khả năng kết hợp của từ/yếu tố “ăn” trong tiếng Việt
Đối với người Việt, văn hóa ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong
đời sống con người, nó cũng hàm chứa những ý nghĩa triết lý của cuộc sống. Điều
đó rất dễ hiểu khi chúng ta thấy người xưa có câu “dĩ thực vi thiên” (ăn là quan
trọng nhất). Ý nghĩa của sự ăn là vô cùng đa dạng và sâu sắc. Bởi “Có thực mới vực
được đạo”, “Thực túc binh cường” (ăn đầy đủ thì quân đội mới hùng mạnh). Song
đối với người Việt, nhiều khi người ta ăn không phải vì ăn, mà vì tình, vì nghĩa: Vị
tình, vị nghĩa, ai vị đĩa xôi đầy. Hoặc đôi khi người ta ăn, chỉ cốt là để biết, để
thưởng thức, chứ không phải là thỏa mãn nhu cầu về vật chất thuần túy: Ăn lấy
thơm lấy tho, chứ ai ăn lấy no, lấy béo; ăn lấy vị, chứ ai lấy bị mà mang… Có thể
nói, đối với người Việt “Ăn” là cả một vấn đề ứng xử, vấn đề xã hội. Chuyện ăn
tưởng chừng quá quen thuộc hàng ngày đối với mọi người nhưng thực tế không
đơn giản như vậy. Trong dân gian từ xưa, người Việt rất coi trọng việc ăn uống: Từ
việc nấu nướng đến việc chọn lọc miếng ăn và đặc biệt là việc giao tiếp ứng xử
trong khi ăn uống. Bởi vậy mà kinh nghiệm truyền dạy con trẻ của người Việt
được truyền từ đời này sang đời khác rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Trong đó “học ăn” được đặt lên hàng đầu. Từ lâu người Việt đã ý thức được rằng:
Ăn cũng phải học, ăn là một khoa học. Bởi vậy, khi nghiên cứu vấn đề “ăn” của
người Việt theo góc độ ngôn ngữ và văn hóa là cả một vấn đề khoa học vô cùng
phong phú và ý nhị.
34
Người Việt có một số tiêu chuẩn đánh giá con người thông qua dung nhan,
dáng đi, giọng nói, tướng mạo... như “Người khôn con mắt đen xì, người dại con
mắt nửa chì, nửa thau”,“trông mặt mà bắt hình dong”,…Tuy nhiên, việc đánh giá
nhận xét con người thông qua việc ăn uống vẫn là phổ biến, nhiều mặt hơn và sâu
sắc hơn.
“Khôn ăn cái, dại ăn nước”
“Người khôn ăn miếng thịt gà,
Tuy rằng ăn ít nhưng mà no lâu,
Người dại ăn trái bồ nâu
Ăn no bĩnh bầu chẳng biết mùi ngon.”
Hay: “Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo”
Hoạt động “ăn” là một nét văn hóa vô cùng độc đáo thể hiện bản sắc văn
hóa cộng đồng và thế ứng xử của con người với con người trong xã hội. Điều đó
được phản ánh sinh động trong lớp từ vựng của ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, từ/yếu
tố “ăn” là một từ/yếu tố vô cùng đặc biệt, có khả năng kết hợp với rất nhiều từ loại
để làm chức năng vị ngữ trong câu. Ta có thể mô hình hóa khả năng kết hợp của
từ/yếu tố “ăn” như sau: Ăn + X. Trong đó “X” là một kết cấu mở, có thể là những
từ loại như danh từ, tính từ, động từ hoặc tổ hợp từ kết hợp với từ/yếu tố “ăn” khá
linh hoạt tạo ra tính đa chiều và đa hướng trong ngôn ngữ, nhằm thể hiện được lối
tư duy cũng như bản sắc văn hóa của người Việt thông qua cái “ăn”. Khi đi vào
hành chức, kết hợp với các từ/ tổ hợp từ, trong từng ngữ cảnh cụ thể, nghĩa của từ
“ăn” không còn giữ nguyên nghĩa gốc: “Tự cho vào cơ thể thức ăn nuôi sống” nữa
mà nó đã có sự chuyển nghĩa. Sự phát triển nghĩa của “ăn” có thể quy thành một số
nhóm dựa vào ý nghĩa khái quát của chúng như sau:
35
2.2.1. Ăn + mục đích
Sự kết hợp của “ăn” với các từ / tổ hợp từ đã tạo ra hàng loạt từ ghép biểu thị
hoạt động các dịp ăn uống của người Việt. Với kết cấu “Ăn + X”, trong đó tham tố
X ở đây là yếu tố mở, gắn liền với những từ “cụ thể” chỉ mục đích của việc ăn uống
như: Ăn hỏi, ăn mừng, ăn cưới, ăn liên hoan, ăn giỗ, ăn tết, ăn mày, ăn xin, ăn
kiêng, ăn hàng, ăn chay. Trong các kết hợp này, “ăn” thường được sử dụng ở nghĩa
gốc, ít khi chuyển nghĩa. Ví dụ:
- Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ, Ninh phải ở nhà coi mẹ. [2, Từ ngày
mẹ chết, tr.161]
- Có cụ giáo Hiệu trưởng mẹ mời đến ăn tết thân mật với gia đình. [ 23, Cái
bánh dẻo tròn, tr.192]
- Ăn cỗ mừng sinh nhật là một nét mới, trước kia chỉ có mừng thọ, thượng
thọ, lên lão và rất coi trọng nền nếp ngày giỗ. [ 23. Giỗ tết, tr.239]
- Mặc dù mới hơn 10h sáng (ngày 14/2) nhưng nhiều cơ quan, ban ngành
tỉnh Hà Tĩnh đã đóng cửa, nhân viên, lãnh đạo đều vắng mặt. Lý do là nghỉ sớm
để... ăn rằm [2]
- Vì thế, nếu bé được ăn đầy tháng thì cháu đã thoát được hết hai phần ba
của những rủi ro trong năm tuổi đầu tiên của cuộc đời.[3]
Tuy nhiên, trong một số ngữ cảnh cụ thể, khi mừng những sự kiện quan
trọng, có thể không có việc tổ chức ăn uống nhưng vẫn được gắn với “ăn” như “ăn
mừng chiến thắng” của đội bóng đá chẳng hạn. Trong trường hợp này, “ăn” không
được sử dụng với nghĩa gốc mà đã chuyển nghĩa chỉ hoạt động chúc mừng, mang
tính chất tinh thần. Ví dụ:
- Người Sài Gòn cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng lịch sử của U23
Việt Nam.[5]
Cùng trong mô hình kết hợp “Ăn + mục đích”, nhưng khi đi vào trong thành
ngữ, sự hoạt động của kết hợp này trong thành ngữ đã tạo nên nhiều hướng nghĩa
36
chuyển phong phú, phản ánh nhân cách, bản chất, hành vi, cách đối nhân xử thế của
con người trong xã hội. Ví dụ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” (chỉ những kẻ
khôn lỏi, vị kỷ, biết nắm bắt cơ hội, luôn quan tâm đến lợi ích cá nhân); Chưa ăn cỗ
đã chực lấy phần (ngoài nét nghĩa phản ánh tục lệ “lấy phần” khi ăn cỗ, còn hàm
nghĩa phê phán những kẻ bần tiện, tham lam, chỉ chăm chăm vào lợi ích của bản
thân).
Cách kết hợp “ăn + mục đích” đã tạo ra nhiều hướng nghĩa phái sinh cho
“ăn”. Chẳng hạn như từ “ăn chay” vốn để chỉ chế độ ăn uống gồm những thực
phẩm có nguồn gốc thực vật, với mục đích tu hành, hướng thiện, nhưng trong đời
sống hiện đại, “ăn chay” được chuyển nghĩa chỉ chuyện quan hệ tình dục, Ví dụ:
- Thì ra “ăn chay” ở đây không chỉ là không ăn thịt cá nữa mà là sẽ không
quan hệ sắc dục với tôi nữa.[7]
- Bắt chồng "ăn chay" suốt 9 tháng mang bầu, phụ nữ đã vô tình bỏ qua 5
lợi ích vô cùng bất ngờ cho sức khỏe của cả mẹ và bé [8]
Khi tham gia cấu tạo thành ngữ, “ăn chay” kết hợp với các tổ hợp từ cũng
tạo nên nghĩa biểu trưng cho lối sống ngay thẳng, trung thực: Ăn mặn nói ngay hơn
ăn chay nói dối. Điều đó cho chúng ta thấy thái độ của dân gian khá rõ ràng trong
quan niệm ăn uống và rộng hơn nữa chính là lối sống, nhân cách của con người.
Sự kết hợp của “ăn + mục đích” cũng tạo ra các từ ghép để chỉ thân phận, số kiếp
con người gắn liền với nghề nghiệp hay hoàn cảnh sống.Ví dụ:
- Ăn xin ở Thái Lan là phạm pháp, bị phạt tù và tiền [9]
- Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất. [2, Từ ngày mẹ chết, tr.163]
- “Ngày xưa có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải
cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa
từng cửa rồi mới vào ăn xin” [ 23, Những chiếc ấm đất, tr.206]
“Ăn mày, ăn xin” vốn chỉ hành động của những người chuyên kiếm sống
bằng việc đi xin của bố thí. Nhưng khi tham gia cấu tạo thành ngữ, sự kết hợp của
37
từ “ăn mày” với các tổ hợp từ đã tạo ra những hướng nghĩa khác như chỉ những
người do hoàn cảnh éo le phải vào nương nhờ nơi chùa chiền hoặc những người lên
chùa để xin lộc rơi vãi. “Ăn mày lộc phật”. Trong một số ngữ cảnh sử dụng, thành
ngữ này xuất hiện biến thể nghĩa như chỉ sự tham lam, vụ lợi. Ví dụ:
- Doanh nghiệp xây chùa, sau đó tung dịch vụ bủa vây trong chùa để kiếm
lợi từ tâm linh. Kiểu làm kinh tế này có khác nào "ăn mày" cửa phật [10]
- Thế nhưng, “ăn mày cửa Phật”, nhặt lộc rơi, lộc vãi cũng vì mục đích
kinh tế đấy mà nó an nhiên, thánh thiện biết bao nhiêu, thì những kiểu làm ăn dựa
vào cửa Phật để kiếm lợi đang khiến người ta cảm giác niềm tin của mình bị biến
thành phương tiện lợi dụng và bị móc túi một cách công nhiên mà chẳng biết
trách ai. [11]
Các thành ngữ có chứa “ăn mày” còn mang nhiều hướng nghĩa phê phán,
chẳng hạn như phê phán những người không ý thức được thân phận, hoàn cảnh của
mình, trong điều kiện thiếu thốn nhưng lại đòi hỏi người khác một cách thái quá: Ăn
mày đòi xôi gấc; lên án những kẻ đã quen thói nhờ vả, ăn bám người khác, được
hưởng lợi nhiều lần nhưng vẫn muốn lặp lại hành động cũ mặc dù biết là không
hay: Ăn mày quen ngõ; sự cảm thông chia sẻ cho những thân phận người nghèo
khổ, cùng cực, gặp những hoàn cảnh éo le: Ăn mày đánh đổ cầu ao.
2.2.2. Ăn + cách thức
Do điều kiện thiên nhiên và hoàn cảnh lịch sử dân tộc, mà việc ăn uống của
nhân dân ta từ bao đời nay, có lẽ nét độc đáo nhất chính là tính thực tiễn trong quan
niệm ăn uống. Đa số người dân Việt Nam, trong cuộc sống hàng ngày đều phải trải
qua nhiều khó khăn, vất vả, phải kiên trì vật lộn mới giành được sự sống còn, chính
vì lẽ đó việc ăn uống, trước tiên phải đảm bảo được sự sinh tồn của dân tộc. Cái
hay, cái khéo trong ẩm thực, có thể xuất hiện ngay trong quá trình tồn tại của con
người, sau đó mới trở thành nhu cầu thiết yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cái nguyên tắc mà con người đều chấp nhận “ăn để mà sống, chứ không phải sống
38
để mà ăn” đã là nguyên tắc thiết thực nhất của người dân Việt Nam. Bởi vậy, cùng
với sự phát triển của xã hội, ông cha ta có khá nhiều suy nghĩ xung quanh vấn đề về
“ăn”. Thông qua cách ăn, phương thức ăn đã nói lên được phần nào trình độ văn
hóa, nhân cách con người và đặc biệt là rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống .
Với kết cấu: Ăn + cách thức, ta có các kết hợp: ăn chực, ăn dở, ăn chịu, ăn
đong, ăn gỏi, ăn liền, ăn ngọn, ăn sương, ăn tạp, ăn theo, ăn vã, ăn xổi, ăn dè, ăn
vụng, ăn tục, ăn ghém… Các kết hợp trên khi đi với yếu tố ăn, nghĩa đen là chỉ hoạt
động ăn uống của con người với các cách thức “ăn” gắn với thói quen sinh hoạt
khác nhau, nhưng ở tầng nghĩa bóng, nhiều từ đã được chuyển nghĩa, dùng để chỉ
đặc điểm tính cách, nhân cách, hành động của con người hoặc mang ý nghĩa đánh
giá con người, thường với sắc thái ý nghĩa tiêu cực. Dựa trên nghĩa khái quát của cơ
chế tạo nghĩa của “ăn” kết hợp với “cách thức” có thể chia ra thành các nhóm sau:
a. Chỉ những tính cách tầm thường hay giả dối, lối sống tạm bợ
Ăn kết hợp với các từ/tổ hợp từ đã tạo nên các từ ghép hoặc cụm từ như ăn
xổi, ăn vã, ăn vụng, ăn tươi, ăn sống, ăn bốc… thông qua cách ăn, kiểu ăn, tư thế
ăn, tác phong ăn đã bộc lộ nhân cách và phong thái con người. Ngoài mang nghĩa
đen phản ánh cách thức ăn, nhiều từ đã chuyển nghĩa, phản ánh hành vi ứng xử, lối
sống, nhân cách của con người. Ví dụ:
- Xin thưa ngay là rất ngon, bao giờ “ăn vụng” cũng ngon hơn là ăn bình
thường, ăn hợp pháp.[12]
- Hết thời làm phim ‘ăn xổi’. [13]
Từ các ví dụ trên cho chúng ta thấy, yếu tố “ăn” được kết hợp các từ chỉ cách
thức ăn đã tạo nên những từ ghép biểu thị những khái niệm mới, phản ánh rất nhiều
khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của người dân Việt. Từ “ăn vụng” vốn trước
đây dùng để chỉ hành động ăn uống lén lút, vụng trộm khi người ta đói, nhưng nay
đa phần được dùng theo nghĩa chuyển, nó thể hiện hành động lén lút, cố tình che
39
đậy vì muốn che dấu động cơ xấu xa; hoặc hành vi ngoại tình bên ngoài đời sống
vợ chồng, trong đó tình dục chiếm phần quan trọng. Ví dụ:
- Nỗi niềm thư ký trẻ "ăn vụng" với sếp [14]
- Biết rõ chồng ăn vụng có con riêng 3 tuổi, vợ giả vờ làm ngơ, 4 năm sau
mới "lật bài ngửa" khiến chị em chắp tay nể phục [15]
- Chồng sốc nặng khi biết vợ 'ăn vụng' với 2 người đàn ông, còn có nhật ký
ngoại tình .[16]
- “Ăn vụng quên chùi mép”, chồng lộ bằng chứng ngoại tình không
thể ngờ [17]
- Chồng “ăn vụng” quá tinh vi [18]
Khi hoạt động trong thành ngữ, “ăn vụng” đã tham gia tạo nên hướng biểu
trưng của thành ngữ, chỉ những hành động lộ liễu, không biết che đậy, giấu giếm
những hành vi sai trái của mình. Ăn vụng không biết chùi mép; Đói ăn vụng, túng
làm càn, Ăn vụng quen mồm. Trong các ngữ cảnh có sử dụng thành ngữ này, ý
nghĩa biểu trưng trên thể hiện rất rõ. Ví dụ:
- Không cải cách tiền lương sẽ có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn” [19]
- Và từ tham, khi tặc lưỡi cho qua “tham vặt”, chuyện nhỏ thôi mà, thì có
thiếu mới vậy, “đói ăn vụng, túng làm càn”, nhưng rồi chính cái sự dung túng đó
vô tình đã chấp nhận “văn hóa tham vặt”, mà tới lúc không đói cũng ăn vụng,
không túng cũng làm càn, một nếp văn hóa xấu xí. [20]
Từ “ăn xổi” vốn để chỉ cách “ăn ngay, không phải đợi chế biến lâu”, tuy
nhiên trong đời sống ngôn ngữ hiện nay, từ “ăn xổi” thường được dùng với nghĩa
phái sinh: muốn đạt được kết quả ngay vì nóng vội, nôn nóng, muốn đốt cháy giai
đoạn. Ví dụ:
- Không thể xuất khẩu theo kiểu ăn xổi. [21]
40
- Khai thác rừng non chẳng khác gì bán lúa non, gỗ rừng trồng đang bị ăn
xổi, hiệu quả kinh tế thấp. [22]
- MV lên ngôi, nhạc Việt trở nên ăn xổi? [23]
Thành ngữ tiếng Việt cũng có câu Ăn xổi ở thì để phê phán những kẻ chỉ làm
việc qua loa nhưng muốn hưởng kết quả ngay, chỉ tính chuyện trước mắt, không
tính chuyện lâu dài; những người nông nổi, thiếu kiên nhẫn, dễ dẫn đến thất bại
trong công việc. Nghĩa biểu trưng trong thành ngữ cũng được thể hiện khá độc đáo
trong các ngữ cảnh. Ví dụ:
- Việc dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi lâu nay luôn được làm theo
lối “ăn xổi ở thì”, chộp giật và manh mún. [24]
- “Chúng ta cần tránh ăn xổi ở thì, bán giá cao, bán cắt cổ làm ảnh hưởng
đến môi trường du lịch”,... [25]
Người Việt cũng có một cách ăn nữa là “ăn tươi”, nghĩa đen để chỉ những loại
thức ăn chưa qua nấu nướng. Khi tham gia hoạt động trong thành ngữ, cách “ăn
tươi” ấy đã có sự chuyển nghĩa, góp phần tạo nên nghĩa của thành ngữ chỉ lối sống,
cách sinh hoạt bừa bãi của con người, ví dụ: “Ăn tươi nuốt sống” (phê phán những
kẻ có thói quen ăn uống xô bồ, sinh hoạt bừa bãi bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh). Khi đi
vào ngữ cảnh cụ thể, “ăn tươi nuốt sống” còn chỉ hành động mang mục đích xấu xa,
có ý đồ đen tối như hành vi bắt nạt hoặc chiếm đoạt. Ví dụ:
- Ai yêu nhau cũng muốn “ăn tươi nuốt sống”? [26]
- Mỗi lần nói chuyện bạn trai như muốn 'ăn tươi nuốt sống' tôi [27]
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng bắt gặp nhiều cách thức “ăn” khác
(mà không thấy xuất hiện trong từ điển) như: ăn ngồm ăn ngoàm, ăn ngoàm
ngoàm… để miểu tả các cách thức ăn uống suồng sã, tùy tiện, thiếu văn hóa, những
cách ăn uống ấy được coi là những nét xấu trong sinh hoạt và cần phải tránh. Ví dụ:
- Anh ăn ngoàm ngoạm. Trông thô bỉ quá. Rõ thật cái vẻ của một người cục
súc. [2, Con mèo, tr.81]
41
- Độ chợ Bắc Qua chưa xây dựng lại, thường gặp mấy cô gái ngồi xổm ngay
giữa nền chợ, ngả cái nón ra, bốc bún bằng tay chấm mắn tôm đựng trong cái chén
mẻ cóc gặm, ăn ngấu nghiến, ăn nhồm nhoàm, rồi quẹt ngang,vừa đi vừa đánh
đàn răng lách tách…. [ 23, Người Hà Nội ăn quà, tr.420]
- Những đứa kia, ngồm ngoàm ăn thật nhanh hết phần của chúng rồi xúm lại
xin Nhu. [ 2, Ở hiền, tr.238]
Trong kết hợp từ, tiếng Việt còn có “ăn + cách thức” là ăn bốc, chỉ cách ăn
dùng tay bốc thức ăn đưa thẳng lên miệng chứ không dùng đũa hay thìa, dĩa gắp,
lấy thức ăn như thường thấy. Đây là cách sinh hoạt của một số ít tộc người thiểu số,
được cho là kém văn minh và không đảm bảo vệ sinh, tuy nhiên, cũng chỉ cách ăn
uống của một bộ phận người có thói quen ăn uống thô tục, xô bồ, lối sinh hoạt bừa
bãi bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh. Khi hoạt động trong thành ngữ, những câu thành ngữ
“ăn bốc đái đứng”, “ăn bốc ăn bải” cũng mang ý nghĩa phê phán những kẻ bần
tiện, ăn uống thô tục. Có thể nói, ở nét nghĩa này ông bà ta đã lấy cái “ăn” để làm
thước đo đánh giá con người. Ngoài ý nghĩa miêu tả thông thường, thông qua đó để
phê phán những hành vi, lối sống hay nhân cách không phù hợp với chuẩn mực xã
hội, bị xã hội lên án, tẩy chay.
Có thể nói, sự kết hợp của yếu tố “ăn”: “ăn + cách thức” đã tạo ra rất nhiều từ
mang nghĩa phái sinh, biểu thị những khái niệm mới. Thông qua cách thức ăn đã
bộc lộ nhân cách và lối sống và cách ứng của mỗi con người. Các sắc thái nghĩa
trong các thành ngữ ở nhóm này chủ yếu lên án, phê phán những tính cách, lối sống
tầm thường hay giả dối, những thói hư tật xấu và những thói quen ăn uống, sinh
hoạt bừa bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh của con người thông qua cách thức ăn. Điều đó
góp phần khẳng định: Đối với người Việt, ăn uống là một thứ văn hóa nên đòi hỏi
mỗi con người cần phải có sự ứng xử tinh tế, có văn hóa trong ăn uống cũng như
trong cuộc sống hàng ngày. Những lối sống giả dối, tạm bợ hay cách ăn uống, sinh
hoạt bừa bãi, thiếu khoa học… đều không được xem là đáng phê phán, loại bỏ.
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

Más contenido relacionado

La actualidad más candente

Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...nataliej4
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...PinkHandmade
 
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT nataliej4
 
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam nataliej4
 
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtNghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtnataliej4
 
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn học
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn họcÁp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn học
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn họcDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Viết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamNghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...nataliej4
 

La actualidad más candente (20)

Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ xã hội học Anh- Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ xã hội học Anh- Việt, HAYLuận án: Đối chiếu thuật ngữ xã hội học Anh- Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ xã hội học Anh- Việt, HAY
 
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
CƠ SỞ NGÔN NGỮ HỌC VÀ TIẾNG VIỆT
 
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
 
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việtNghiên cứu từ láy trong tiếng việt
Nghiên cứu từ láy trong tiếng việt
 
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng ViệtLuận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
 
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đLuận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
 
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn học
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn họcÁp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn học
Áp dụng mô hình vòng tròn thảo luận văn chương trong dạy học nghị luận văn học
 
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAYLuận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
 
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ tiếng Hán và tiếng Việt
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ tiếng Hán và tiếng ViệtTừ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ tiếng Hán và tiếng Việt
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ tiếng Hán và tiếng Việt
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAYThành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
 
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt NamNghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong truyện cười dân gian Việt Nam
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
 
354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
 
Đề tài tìm hiểu từ ngữ tiếng Hàn gốc Anh, HOT 2018
Đề tài  tìm hiểu từ ngữ tiếng Hàn gốc Anh, HOT 2018Đề tài  tìm hiểu từ ngữ tiếng Hàn gốc Anh, HOT 2018
Đề tài tìm hiểu từ ngữ tiếng Hàn gốc Anh, HOT 2018
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 

Similar a NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...nataliej4
 
đề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtđề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtnataliej4
 
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...nataliej4
 
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...anh hieu
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn nataliej4
 
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC nataliej4
 
T vva ppgdtvotieuhoc
T vva ppgdtvotieuhocT vva ppgdtvotieuhoc
T vva ppgdtvotieuhocDuy Vọng
 
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...HanaTiti
 
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảm
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảmLuận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảm
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảmDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar a NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149 (20)

Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAYLuận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
 
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người ViệtTừ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
 
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
 
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
 
đề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việtđề Tài từ láy trong tiếng việt
đề Tài từ láy trong tiếng việt
 
Luận án: Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông, HOT
Luận án: Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông, HOTLuận án: Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông, HOT
Luận án: Ngôn ngữ giới trẻ qua phương tiện truyền thông, HOT
 
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAYLuận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
 
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
 
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...
Nghiên cứu về từ loại danh từ động từ tính từ đại từ quan hệ từ trong chương ...
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
 
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
 
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
 
T vva ppgdtvotieuhoc
T vva ppgdtvotieuhocT vva ppgdtvotieuhoc
T vva ppgdtvotieuhoc
 
Đề tài sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
Đề tài  sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAYĐề tài  sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
Đề tài sự tương đồng và khác biệt trong cách nói tôn kính, HAY
 
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
 
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...
Luận văn: Thiết kế và tổ chức hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lự...
 
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảm
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảmLuận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảm
Luận văn: Hoạt động trải nghiệm hỗ trợ phát triển năng lực viết văn biểu cảm
 
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...
Th s17.012 ảnh hưởng của ngôn ngữ nói đến ngôn ngữ viết của học sinh trung họ...
 

Más de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

Más de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
 
Quan Hệ Nhật Bản – Đông Nam Á Thời Cận Đại Từ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945
Quan Hệ Nhật Bản – Đông Nam Á Thời Cận Đại Từ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945Quan Hệ Nhật Bản – Đông Nam Á Thời Cận Đại Từ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945
Quan Hệ Nhật Bản – Đông Nam Á Thời Cận Đại Từ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945
 
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
 
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...
Lễ Hội Đền Thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân, Huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương Không ...
 
Đông Nam Á Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Nhật Bản Giai Đoạn 1992 – 2002 Một ...
Đông Nam Á Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Nhật Bản Giai Đoạn 1992 – 2002 Một ...Đông Nam Á Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Nhật Bản Giai Đoạn 1992 – 2002 Một ...
Đông Nam Á Trong Chính Sách Đối Ngoại Của Nhật Bản Giai Đoạn 1992 – 2002 Một ...
 
Giáo Dục Phổ Thông Huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái Từ Năm 1991 Đến Năm 2015
Giáo Dục Phổ Thông Huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái Từ Năm 1991 Đến Năm 2015Giáo Dục Phổ Thông Huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái Từ Năm 1991 Đến Năm 2015
Giáo Dục Phổ Thông Huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái Từ Năm 1991 Đến Năm 2015
 
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
 

Último

40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptx
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptxIELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptx
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptxNguynHn870045
 
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...Nguyen Thanh Tu Collection
 
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptlịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptLinhPham480
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...Nguyen Thanh Tu Collection
 
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxDay tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxngothevinhs6lite
 
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Último (17)

40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptx
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptxIELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptx
IELTS READING - Earth’s lakes are under threat.pptx
 
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
 
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptlịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
 
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
 
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
 
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
 
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxDay tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
 
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...
40 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN TIẾNG ANH NĂM HỌC 2024 - 2025 SỞ GIÁO...
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY SINH HỌC 10 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CẢ NĂM THEO CÔNG VĂ...
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 

NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI KHƯƠNG THỊ LAN PHƯƠNG NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI, 2020
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI KHƯƠNG THỊ LAN PHƯƠNG NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 8 22 90 20 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : TS. NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH HÀ NỘI, 2020
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không sao chép của ai. Các kết quả khảo sát và nghiên cứu đã nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. TÁC GIẢ LUẬN VĂN Khương Thị Lan Phương
  • 4. LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn này. Tôi xin chân thành cảm ơn các Thầy Cô giáo trong Khoa Ngôn ngữ học, Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu tại trường. Hà nội, ngày 13 tháng 6 năm 2020 Tác giả luận văn Khương Thị Lan Phương
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU........................................................................................................................1 Chương 1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT ............................................................................11 1.1. Khái niệm từ và những khái niệm liên quan...................................................11 1.2. Nghĩa của từ và hiện tượng đồng nghĩa............................................................14 1.3. Sự phát triển nghĩa của từ..................................................................................20 1.4. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ.......................................................................22 1.5. Từ đa nghĩa……………………………………………………………….24 Chương 2. NGỮ NGHĨA CỦA TỪ “ĂN” VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP CỦA NÓ TRONG TIẾNG VIỆT…………………………………………………...26 2.1. Ngữ nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt............................................................29 2.2. Khả năng kết hợp của từ “ăn” trong tiếng Việt................................................33 Chương 3. NGỮ NGHĨA VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP CỦA NHÓM TỪ ĐỒNG NGHĨA VỚI TỪ “ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT....................................59 3.1. Nhóm từ đồng nghĩa với từ “ăn” trong tiếng Việt...........................................59 3.2. Khả năng kết của những từ đồng nghĩa với từ “ăn” trong tiếng Việt……...60 KẾT LUẬN .................................................................................................................75 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN……………………………………………………………..79 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................78
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong quan niệm của người Việt Nam, gia đình là tế bào của xã hội, và cuộc sống sinh hoạt luôn gắn liền với bữa cơm gia đình – nơi ẩn chứa nhiều đạo lý, thể hiện tình cảm, yêu thương gắn kết giữa các thành viên, là linh hồn của hạnh phúc, và cũng là nơi truyền đạt những tư tưởng, truyền thống, những đạo lý từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ những phép cư xử tưởng chừng đơn giản thông qua cách ăn uống: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng đến quan niệm về cái ăn, cái mặc: Ăn lấy chắc, mặc lấy bền; Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp… ông bà ta muốn trao gửi đến thế hệ con cháu những thông điệp đầy chất nhân văn, một trong những điều đầu tiên, cơ bản nhất mà mỗi người đều cần phải học đó là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Như vậy, “ăn” không còn đơn giản chỉ là câu chuyện của việc duy trì sự sống, mà còn ẩn chứa trong đó những bài học về nhân cách, là quan niệm về nhân sinh, về cuộc sống và các đạo lý, các cách hành xử trong xã hội của con người. Có thể nói hoạt động ăn của con người không chỉ là hoạt động mang tính sinh học để duy trì sự sống mà còn mang tính văn hóa, gắn với mỗi cộng đồng với những thói quen, tập tục. Thông qua thói quen ăn uống, chúng ta có thể hiểu được phần nào đặc điểm tâm lý dân tộc, tập quán cũng như cách ứng xử của con người với môi trường. Bởi vậy, cùng với sự thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội, thì vốn từ vựng trong tiếng Việt nói chung và vốn từ vựng liên quan đến từ “ăn” nói riêng cũng không ngừng tăng lên, hoạt động “ăn” của con người dần vượt lên những giá trị duy trì sự sống, vươn tới tầm nghệ thuật. Điều đó được phản ánh khá sinh động trong ngôn ngữ.
  • 7. 2 Với những lý do nêu trên, tôi lựa chọn đề tài : Nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Với mong muốn thông qua sự nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu sự phát triển của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” cùng với quá trình phát triển của dân tộc, cũng như sự phát triển của nhóm từ này trong các mặt khác nhau của cuộc sống dưới góc độ ngôn ngữ học. Thông qua đó có thể góp một phần nhỏ vào nghiên cứu sự phát triển của từ vựng tiếng Việt nói chung, và của nhóm từ liên quan đến từ “ăn” nói riêng. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 2.1. Tình hình nghiên cứu về nghĩa và sự phát triển ngữ nghĩa của từ ở Việt Nam Việc nghiên cứu về nghĩa và sự phát triển nghĩa của từ trong tiếng Việt, là một trong những lĩnh vực được khá nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu. Bởi từ vựng là một bộ phận được coi là không ổn định nhất trong hệ thống ngôn ngữ, kết cấu nghĩa của từ luôn luôn vận động và phát triển, sự biến đổi nghĩa là một sự thực hiển nhiên và không ngừng thay đổi cùng với sự phát triển của xã hội. Ở Việt Nam các công trình nghiên cứu về ngữ nghĩa học, được thể hiện trong một số công trình nghiên cứu về từ vựng học, từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt của các tác giả như Nguyễn Văn Tu, trong cuốn “Từ vựng học tiếng Việt hiện đại” [40] đã đưa ra được nhiều quan điểm lý thuyết về sự biến đổi nghĩa. Ông đã trình bày về bản chất và nguyên nhân của biến đổi nghĩa, phân loại biến đổi nghĩa. Còn tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng sự thay đổi nghĩa của từ trong tiếng Việt do nguyên nhân đơn giản là nhằm đáp ứng nhu cầu tạo thêm từ mới của xã hội.[4] Bên cạnh đó, một số tác giả như Lê Quang Thiêm đã dành nhiều sự quan tâm đến biến đổi ý nghĩa của các yếu tố từ vựng. Trong ấn bản chuyên khảo về lịch sử từ vựng (2003), tác giả đã dành một số trang để
  • 8. 3 khảo sát, nghiên cứu sự phát triển nghĩa qua con đường đa nghĩa hóa trong tiếng Việt hiện đại (1858-1930). Đặc biệt, trong cuốn “Sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005” [35]. Đây là công trình Việt ngữ học nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống và sâu sắc nhất về sự phát triển nghĩa của từ vựng tiếng Việt trên quan điểm đồng đại, vận dụng phương pháp lịch sử so sánh, phân tích cấu trúc – hệ thống… Trên cơ sở đó có thể xác lập được các tầng nghĩa, kiểu nghĩa để từ đó tìm hiểu sự biến đổi, phát triển nghĩa từ vựng qua các mốc thời gian gắn liền với các sự kiện lịch sử và những thăng trầm của đất nước. Tác giả Nguyễn Đức Tồn trong “Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” [38] đã trình bày về đặc điểm của quá trình chuyển nghĩa của trường từ vựng chỉ động vật, thực vật, bộ phận cơ thể người (so sánh giữa tiếng Việt và tiếng Nga). Tác giả đã phân tích và thống kê lượng nghĩa chuyển, các phương thức chuyển nghĩa từ đó rút ra những nhận định về quá trình chuyển nghĩa của các trường từ vựng này. Tác giả Phạm Văn Lam (2007) trong “Bước đầu khảo sát sự phát triển ngữ nghĩa của một số nhóm từ vựng trong tiếng Việt từ năm 1945 đến nay” [22] đã khảo sát sự phát triển ngữ nghĩa của một số nhóm từ vựng danh từ thường được sử dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn từ năm 1945 đến nay. Nghiên cứu cho thấy, sự mở rộng và phát triển nghĩa của các nhóm từ gắn liền với sự phát triển xã hội cũng như tiến trình lịch sử của dân tộc qua quãng thời gian có nhiều biến động và phát triển quan trọng. Trên cơ sở khảo sát sự phát triển nghĩa theo hướng trí tuệ hóa và biểu trưng hóa, từ đó tác giả chỉ ra các xu hướng, con đường phát triển nghĩa của tiếng Việt, phân tích và lý giải các con đường phát triển ấy. Theo hướng nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, Lý Toàn Thắng trong “Ngôn ngữ học tri nhận nhìn
  • 9. 4 từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt” [31] đã áp dụng những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận vào thực tiễn tiếng Việt, đưa ra những luận giải và các kết luận rất có giá trị đối với sự phát triển ngữ nghĩa của từ trong tiếng Việt. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp trong bài viết “Ngữ nghĩa của từ “Ra”, “Vào” trong tiếng Việt nhìn từ góc độ nghiệm thân”[17] đã dùng lí thuyết nghiệm thân để lí giải con đường chuyển nghĩa của từ “ra”, “vào” trong tiếng Việt. Hay tác giả Nguyễn Thị Hiền (2018) trong “Sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận” [15] đã dùng cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận để làm rõ hiện tượng phát triển ngữ nghĩa. Đặc biệt là thông qua hai phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ và hoán dụ. Tác giả đã nghiên cứu hiện tượng chuyển nghĩa của từ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận để từ đó tìm ra các giá trị văn hóa và tư duy đặc thù của dân tộc thông qua việc sử dụng ngôn ngữ. Thông qua các công trình của một số tác giả trên cho thấy, việc nghiên cứu sự phát triển nghĩa trong tiếng Việt nói chung, trong thời gian gần đây đã dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Đặc biệt là các công trình nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận với những cấu trúc ẩn dụ ý niệm trong ngôn ngữ, đa dạng về nghĩa cũng như cách sử dụng, đã tạo nên những nét mới trong nghiên cứu sự phát triển nghĩa của từ trong tiếng Việt. 2.2. Tình hình nghiên cứu sự phát triển nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt Trong tiếng Việt, việc nghiên cứu về nhóm từ, ngữ nói về “ăn”, khởi điểm là Hoàng Tuệ trong bài viết “Câu chuyện tiếp tục về nghĩa của những từ đơn tiết” [43]. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích tính đa nghĩa của
  • 10. 5 từ “ăn”, đồng thời chỉ ra gần 40 nghĩa của từ này. Trên cơ sở từ nghĩa gốc của từ “ăn” đã làm nảy sinh bốn dòng nghĩa phái sinh như sau: 1. Dòng nghĩa tiếp thụ 2. Dòng nghĩa hưởng thụ 3. Dòng nghĩa hài hòa 4. Dòng nghĩa tiêu hao Từ đó, tác giả đã đưa ra một số nhận xét hết sức thú vị và độc đáo về sự phát triển nghĩa từ “ăn” trong văn hóa và trong đời sống của người Việt. Theo tác giả, mỗi dòng nghĩa là một trật tự biện chứng đi từ cụ thể đến khái quát. Các dòng nghĩa cũng tập hợp lại thành một trật tự cân đối và đẹp đẽ, đầy sức sống. Tiếp theo là đề tài nhiên cứu “Một số vấn đề văn hóa ăn, uống trong xã hội cổ truyền người Việt” [20] do Nguyễn Hải Kế (2004) chủ trì đề tài. Tác giả cho rằng: từ “ăn” trong tiếng Việt đã mở rộng, phát triển nghĩa bao hàm nghĩa bóng sang tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội… Qua từ “ăn” có thể nhìn thấy những nét cơ bản, phổ biến của xã hội Việt Nam ngày hôm qua. Cùng quan tâm đến vấn đề cái “ăn” trong văn hóa Việt, tác giả Vũ Ngọc Khánh trong cuốn sách “Văn hóa Việt Nam những điều học hỏi” [21] khi viết về văn hóa ẩm thực Việt Nam đã dành một chương để nói về đề tài này. Theo tác giả, trong ngôn ngữ Việt Nam, không có từ nào như từ “ăn” được ghép thành vô số những từ tố thông dụng trong tiếng nói con người. Có những từ phải suy nghĩ, phân tích mới thấy là ghép với từ “ăn” cũng là thích hợp. Nhưng có những từ không dính dáng gì đến chuyện “ăn”, mà vẫn phải dùng chữ ăn để làm thành phần của từ tố, từ vị. Chuyện ăn của người Việt quả là một bài học vô cùng đa dạng và tinh tế.
  • 11. 6 Nguyễn Đức Dân trong bài viết “Ăn, một từ kỳ thú” [7] đã khẳng định từ “ăn” có trong ngôn ngữ của mọi dân tộc bởi nó là một từ chỉ hoạt động cơ bản nhất của con người. “Ăn” là hành động gắn liền với con người ngay từ buổi sơ khai, nghĩa của từ “ăn” được mở rộng dần theo cách lấy khuôn mẫu con người để nhận thức vũ trụ. Và nó là một từ điển hình có nghĩa được mở rộng, con đường phát triển ngữ nghĩa của từ “ăn” vô cùng phong phú. “Ăn” từ nghĩa đen đến nghĩa ẩn dụ, rồi các nghĩa chuyển, nghĩa phái sinh là thiên biến vạn hóa, nó diễn tả mọi nhận thức của con người về cuộc sống quanh mình và về vũ trụ một cách rất chân thực nhưng cũng vô cùng tinh tế. Cùng trong mạch luận bàn về cái ăn, về ẩm thực, luận án “Đặc điểm trường ngữ nghĩa ẩm thực (trên tư liệu tiếng Hán và tiếng Việt) của Ngô Minh Nguyệt [23] là công trình chuyên sâu nghiên cứu về các từ ngữ ẩm thực ở Việt Nam. Tác giả tập trung nghiên cứu các từ, ngữ liên quan đến ăn uống, chỉ ra đặc điểm cấu trúc, đặc trưng ngữ nghĩa, từ đó nêu ra những hàm ý văn hóa của các từ ngữ ẩm thực: Đặc điểm con người, đặc trưng văn hóa ẩm thực trong tiếng Hán và tiếng Việt. Tác giả cho rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, ăn uống dần vượt lên giá trị duy trì sự sống, điều này được phản ánh sinh động trong ngôn ngữ. Có thể nói trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đều cho rằng con đường phát triển nghĩa của từ “ăn” là vô cùng phong phú, nó gắn liền với đặc trưng tư duy và văn hóa dân tộc. Bên cạnh những công trình nghiên cứu về sự phát triển nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt kể trên, thì việc nghiên cứu các thành ngữ có chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt cũng dành được sự quan tâm đặc biệt của một số tác giả. Trong đó tác giả Nguyễn Hữu Đạt (2010) với bài viết “Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ liên quan đến ‘văn hóa ăn’ và ‘văn hóa
  • 12. 7 mặc’ trong tiếng Việt” [8] đã đi sâu vào phân tích quá trình tạo nên nghĩa biểu trưng liên quan đến các thành ngữ biểu thị nội hàm “văn hóa ăn và văn hóa mặc” của người Việt, trên cơ sở đó để tìm ra mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa “văn hóa ăn và văn hóa mặc” trong tiếng Việt. Đây được xem là một trong các cơ sở hình thành nên nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam. Tác giả Đào Thị Hồng Quyết trong luận văn thạc sĩ “Đặc điểm của thành ngữ có chứa thành tố “Ăn” trong tiếng Việt” [29] cũng nghiên cứu trên khối liệu thành ngữ chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt, làm rõ đặc điểm ngữ nghĩa và đặc trưng tư duy văn hóa của người Việt, trong đó, tư duy về văn hóa ăn được thể hiện qua thành ngữ như tính cộng đồng trong bữa ăn, tính phép tắc xã hội, miếng ăn thể hiện triết lý về đạo sống của người dân Việt Nam. Tiếp cận theo hướng tri nhận, Nguyễn Thị Bích Hợp trong “Ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt” [17] đã nghiên cứu về miền ý niệm đồ ăn, với việc xây dựng mô hình cấu trúc miền đồ ăn gồm 5 nhóm lớn, tương ứng với 5 điển mẫu. Thông qua việc nghiên cứu các điển mẫu với 5 mô hình tỏa tia “cơm, ăn, mặn, bát, đói”, tác giả đã chứng minh rằng “ăn” là ý niệm có sự phát triển nghĩa mạnh nhất, từ một nghĩa gốc phái sinh 04 chùm nghĩa, rồi phát triển lên tổng số thành tố là 16 nghĩa. Các thành tố nghĩa mới có sự biến chuyển xa dần nghĩa trung tâm. Thông qua mô hình tỏa tia, cho thấy xu hướng tư duy ẩn dụ, hoán dụ trong quá trình ý niệm hóa tạo nên các nghĩa mới. Nguyễn Thị Hương (2017) với đề tài “Ẩn dụ ý niệm của phạm trù ăn uống trong tiếng Anh (đối chiếu với tiếng Việt) [18] đã nghiên cứu sự chuyển nghĩa, tỏa tia nghĩa của những điển mẫu là những từ chỉ phạm trù ăn, uống, từ nghĩa gốc, nghĩa phái sinh đến các ẩn dụ ý niệm trong hai ngôn ngữ.
  • 13. 8 Thông qua các công trình nghiên cứu của các tác giả trên, cho chúng ta thấy, việc nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của từ, ngữ nói về “ăn” tiếng Việt là tương đối phong phú. Tuy nhiên, việc đi sâu lí giải cơ chế hình thành những nghĩa đó, cũng như tìm hiểu các từ đồng nghĩa trong nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong Tiếng Việt, chưa dành được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của giới Việt ngữ. Điều đó đã gợi ý cho tôi thực hiện đề tài “Nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt”. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1 Mục đích nghiên cứu Mục đích của luận văn này là tìm hiểu sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần khẳng định khuynh hướng phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Thông qua đó, để hiểu rõ hơn về quan niệm sống, nhân sinh quan của người Việt về văn hóa ăn, mà sâu sắc hơn là cách nhìn nhận, đánh giá con người được thể hiện qua hoạt động “ăn”. 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận văn sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: - Tổng quan tình hình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu. - Xây dựng khung lý thuyết về ngữ nghĩa của từ và hiện tượng chuyển nghĩa của từ. - Khảo sát sự phát triển nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” được thể hiện trong ngữ cảnh, qua các kết hợp, thông qua đó, để có thể thấy được sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong giai đoạn hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu
  • 14. 9 Trong phạm vi của luận văn này đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu các nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt. Trên cơ sở đó nghiên cứu ngữ nghĩa và cơ chế tạo nghĩa của từ, xuất phát từ nghĩa gốc của từ “ăn” trong từ điển. - Luận văn xác định những từ, ngữ đồng nghĩa chỉ hoạt động “ăn” trong tiếng Việt và các kết hợp của nhóm từ này trong ngữ cảnh sử dụng, cũng như giá trị ngữ dụng của chúng trong ngữ cảnh. - Luận văn xác định các nghĩa chuyển của từ “ăn” trong tiếng Việt theo hướng xa dần với nghĩa gốc và hoạt động của nhóm này trong hành chức cũng như ý nghĩa ngữ dụng của chúng trong ngữ cảnh (khảo sát ngôn ngữ báo chí, trong văn chương và trong các thành ngữ). 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn khảo sát ngữ nghĩa của từ “ăn” và dãy đồng nghĩa của từ “ăn” trong Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê [25], Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt của tác giả Nguyễn Văn Tu [42]. Để xem xét các kết hợp của “ăn” trong hành chức, luận văn khảo sát hoạt động của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” (bao gồm cả các từ đồng nghĩa với từ “ăn”) trên ngôn ngữ báo chí (báo điện tử), trong một số tác phẩm văn học và trong thành ngữ. 4.3. Tư liệu nghiên cứu Nguồn tư liệu nghiên cứu chủ yếu của luận văn được lấy trong các cuốn Từ điển tiếng Việt, Từ điển thành ngữ Việt Nam, một số tác phẩm văn học. Bên cạnh đó luận văn còn khai thác tư liệu từ các trang Wed về thành ngữ tiếng Việt, một số bài viết, luận văn, luận án của các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự phát triển ngữ nghĩa của từ “ăn” đã xuất bản. Ngoài ra, luận văn còn khảo sát ngữ liệu dựa chủ yếu trên các trang báo điện tử như: báo Thanh niên ( https://thanhnien.vn/), báo Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/), báo Dân trí (https://dantri.com.vn/)…), báo Vietnamnet
  • 15. 10 https://vietnamnet.vn/ và một số trang báo điện tử khác được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Trong phạm vi luận văn này chúng tôi sẽ chủ yếu áp dụng một số phương pháp và thủ pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp miêu tả: Chúng tôi sử dụng phương pháp này nhằm xác định các nội hàm các khái niệm từ, nghĩa của từ, và các từ đồng nghĩa. - Phương pháp phân tích nghĩa nghĩa: Phương pháp này được sử dụng để phân tích nghĩa của từ để tìm ra nghĩa gốc, nghĩa phái sinh của từ. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn - Ý nghĩa lí luận: Việc nghiên cứu sự phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ, ngữ nói về “ăn” trong tiếng Việt góp phần khẳng định khuynh hướng phát triển ngữ nghĩa của nhóm từ “ăn” trong giai đoạn thực tế hiện nay. - Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể ứng dụng trong giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ và bản ngữ, cung cấp cơ sở giải thích nghĩa của từ “ăn” trong giảng dạy tiếng Việt, đặc biệt cho người nước ngoài học tiếng Việt; thông qua đó, góp phần làm rõ mối liên hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa và tư duy. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, và Phụ lục, nội dung luận văn gồm có ba chương: Chương 1. Cơ sở lí thuyết. Chương 2. Ngữ nghĩa của từ “ăn” và khả năng kết hợp của nó trong tiếng Việt Chương 3. Ngữ nghĩa và khả năng kết hợp của nhóm từ đồng nghĩa với từ “ăn” trong tiếng Việt
  • 16. 11 Chương 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Khái niệm từ và những khái niệm liên quan 1.1.1. Khái niệm từ Từ là một trong những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học. Khi nghiên cứu bất cứ một ngôn ngữ nào người ta cũng không thể bỏ qua việc xác định đơn vị này. Có rất nhiều quan niệm khác nhau về từ, bởi ở mỗi loại hình ngôn ngữ khác nhau, từ cũng có những đặc điểm riêng của mình. Vấn đề “từ” trong tiếng Việt cũng vậy, nó là vấn đề thuộc về lý luận cơ bản, vì toàn bộ hệ thống miêu tả ngôn ngữ phụ thuộc vào nó. Từ không chỉ là đơn vị cơ bản của từ vựng mà còn là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ nói chung. Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về từ. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào lý tưởng về từ có thể áp dụng cho mọi ngôn ngữ, bởi mỗi ngôn ngữ có những nét riêng biệt. Theo định nghĩa của tác giả Nguyễn Thiện Giáp, định nghĩa phổ biến hiện nay được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là phù hợp về từ là: “Từ là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, độc lập về ý nghĩa và hình thức” [12, tr.61] Đối với tiếng Việt, những tiếng như: hai, ba, ăn, ngủ, tôi nhà, tốt, đẹp,… và, tuy, nhưng…. đều được mọi người nhất trí coi là từ. Từ là đơn vị cơ bản của tiếng Việt và là đơn vị có thể đảm nhiệm nhiều chức năng nhất: - Chức năng cơ bản của từ là chức năng định đanh, nhưng trong dãy ngữ đoạn, từ còn mang chức năng “phân biệt nghĩa” bộc lộ ý nghĩa này hay ý nghĩ khác của những từ nhiều nghĩa. - Từ tham gia vào các mối liên hệ từ vựng trong ngữ đoạn. Chính đặc điểm này đã biến từ trở thành một loại đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, nằm trên giao điểm của hai trục tọa độ cơ bản trong tổ chức cấu trúc của ngôn ngữ - trục đối vị (trục dọc) và trục nối tiếp (trục ngang).
  • 17. 12 - Cấu trúc ngữ nghĩa của từ rất phức tạp, trong đó có cả nhân tố từ vựng lẫn nhân tố ngữ pháp. So với từ của các ngôn ngữ Ấn Âu thì từ của tiếng Việt có những đặc điểm sau: - Từ tiếng Việt là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Ví dụ: ăn là một từ có nghĩa, nhưng nếu phân tích ra thành /ă/ /n/ thì đó chỉ là những âm hoàn toàn không có nghĩa. - Từ tiếng Việt có thể có biến thể ngữ âm (ví dụ: trời và giời, trăng và giăng…), biến thể từ vựng - ngữ nghĩa (ví dụ: Các ý nghĩa khác nhau của từ ăn: ăn giải, xe ăn xăng, ăn ảnh, ăn nằm…) nhưng không có biến thể hình thái học. - Ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp gắn bó chặt chẽ với nhau ở trong từ tiếng Việt. Từ những đặc điểm trên của tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện Giáp đã rút ra định nghĩa về từ của tiếng Việt như sau: “Từ của tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa dùng để tạo câu nói, nó có hình thức của một âm tiết, một khối viết liền” [13, tr.77] Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định, nằm trong những kiểu cấu tạo nhất định, tất cả ứng với một kiểu ý nghĩa nhất định, lớn nhất trong tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu”. [4, tr.16]. Trong đó, các thành phần bên trong từ (thành phần ngữ âm, thành phần ngữ pháp, thành phần cấu tạo, thành phần ý nghĩa) không độc lập với nhau mà quy định lẫn nhau, thống nhất với nhau thành một tập thể gọi là từ. Và các thành phần ấy có tính đồng loạt chứ không phải chỉ có tính riêng biệt.
  • 18. 13 Chính nhờ tính đồng loạt của các thành phần mà khi gặp một hình thức ngữ âm nào đó, chúng ta mới có thể quyết định nó là từ nào và sử dụng nó theo cách nào. Ví dụ: Khi gặp hình thức ngữ âm “sơn”, dựa vào thành phần ngữ pháp và ý nghĩa chung với các từ tô, bôi, nhuộm…mà chúng ta quyết định và sử dụng nó như một động từ. Theo chúng tôi, mỗi khái niệm đều đề cập đến những khía cạnh khác nhau của từ tiếng Việt. Ví dụ như đơn vị cấu tạo từ, đặc điểm của từ… Tuy nhiên để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi lựa chọn khái niệm về “từ” theo quan điểm của tác giả Đỗ Hữu Châu. 1.1.2. Khái niệm ngữ Trong quá trình phát triển của dân tộc, một trong những thành tựu quan trọng nhất là sự mở rộng không ngừng những tư tưởng, những khái niệm mà con người có thể truyền đạt được. Con người cần thông báo cho nhau không chỉ cảm xúc, tri thức…mà còn có vô hạn các sự kiện trong đời sống. Hệ thống các từ trong tiếng Việt không đủ để biểu thị một số lượng lớn như thế các khái niệm, hiện tượng khác nhau. Từ đó phát sinh nhu cầu tất yếu là phải cấu tạo thêm những đơn vị từ vựng mới trên cơ sở những từ đã có sẵn. Những đơn vị như thế được gọi là ngữ, có giá trị tương đương với từ. Theo tác giả Nguyễn Thiện Giáp [13, tr. 537]: “Ngữ là những cụm từ sẵn có trong tiếng Việt, có giá trị tương đương với từ, có nhiều đặc điểm giống với từ”: - Chúng có thể tái hiện trong lời nói như các từ. - Về mặt cú pháp, chúng cũng có thể làm thành phần câu, tức là có tính độc lập về cú pháp.
  • 19. 14 - Về mặt ngữ nghĩa, chúng cũng biểu hiện những hiện tượng của thực tế khách quan, gắn liền với những kiểu hoạt động khác nhau của con người. Tính cố định và tính thành ngữ là hai đặc trưng cơ bản của ngữ. 1.2. Nghĩa của từ và hiện tượng đồng nghĩa 1.2.1. Khái niệm nghĩa của từ Không ai có thể phủ nhận ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Xét về mặt lý thuyết, ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu. Mỗi tín hiệu là một tổng thể do sự kết hợp giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện mà thành. Cái biểu hiện trong ngôn ngữ chính là hình thức ngữ âm, còn cái được biểu hiện là khái niệm (ý nghĩa) hay đối tượng được biểu thị. Hai mặt này luôn gắn kết với nhau, không tách rời nhau, giống như “hai mặt của một tờ giấy vậy”. Nghĩa của từ cùng với hình thức ngữ âm được hình thành và ổn định dần dần trong lịch sử phát triển ngôn ngữ của mỗi dân tộc. “Nghĩa của từ” là một trong những khái niệm quan trọng nhất của ngôn ngữ học. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Một số người cho rằng, nghĩa của từ là sự vật hay hiện tượng do từ biểu thị. Chẳng hạn, theo quan niệm này, nghĩa của từ cây là bản thân cái cây trong thực tế, nghĩa của các từ ăn, nói …từ tốt, xấu… là bản thân hành động, tính chất tương ứng. Trên thực tế, vì từ có quan hệ rất đa dạng với các hiện tượng khác cho nên nghĩa của từ cũng là một hiện tượng phức tạp. Ở Việt Nam, vận dụng những thành tựu nghiên cứu về nghĩa vào thực tế tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học cũng đã đưa ra quan điểm của mình về khái niệm nghĩa của từ như sau: Trong cuốn Từ vựng học tiếng Việt, tác giả Nguyễn Thiện Giáp sau khi đã trình bày các quan niệm khác nhau về nghĩa của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, đã đưa ra nhận định của mình về nghĩa của từ như sau: Nghĩa của từ là một đối tượng phức tạp, bao gồm một số thành tố đơn giản như sau:“nghĩa sở chỉ”, “nghĩa sở biểu”, “nghĩa sở dụng”, “nghĩa cấu trúc” [11, tr.126].
  • 20. 15 Theo tác giả Hoàng Phê, nghĩa của từ là “Một tập hợp những nét nghĩa có quan hệ quy định lẫn nhau. Mỗi nghĩa của từ là một tổ hợp đặc biệt những thành tố ngữ nghĩa, gọi là các nét nghĩa”; “Ý nghĩa của từ vừa là cái riêng cho từng từ, vừa là cái chung cho những từ cùng loại. Nắm được cái chung, cái riêng trong ý nghĩa thì mới thực sự hiểu từ, thực sự hiểu được những cái tinh tế trong từ và mới hiểu được những đặc sắc của từng ngôn ngữ ở những phương diện nội dung”. [26] Quan niệm của Hoàng Phê cho thấy, cấu trúc của nghĩa từ là một cấu trúc động, trong quá trình đi vào hoạt động, thường chỉ có một số nét nghĩa của từ có khả năng hiện thực hóa. Khả năng hiện thực hóa ấy là tùy thuộc vào từng ngữ cảnh mà chúng xuất hiện. Theo quan niệm của tác giả Đỗ Hữu Châu trong cuốn Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt [4, tr.103], ông cho rằng: Nghĩa của từ là có thể chia thành hai lớp nghĩa là lớp nghĩa cấu trúc hóa và lớp nghĩa liên hội. Trong lớp nghĩa cấu trúc bao gồm ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp. Nếu ý nghĩa ngữ pháp là ý nghĩa chung cho hàng loạt các từ (ý nghĩa hoạt động của các từ: ăn, uống, ngủ, cười, khóc…ý nghĩa sự vật của các từ: nhà, cây, sách, bút…) thì ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa riêng của từng từ. Ý nghĩa từ vựng tùy theo các chức năng mà từ chuyên đảm nhiệm, trong ý nghĩa của từ bao gồm các thành phần ý nghĩa sau đây: ý nghĩa biểu vật, ý nghĩa biểu niệm và ý nghĩa biểu thái. - Ý nghĩa biểu vật ứng với chức năng biểu vật. - Ý nghĩa biểu niệm ứng với chức năng biểu niệm. - Ý nghĩa biểu thái ứng với chức năng biểu thái. Ý nghĩa biểu vật của từ là sự phản ánh sự vật, hiện tượng…trong thực tế khách quan vào ngôn ngữ, nên sự vật hiện tượng là cơ sở nguồn gốc của ý nghĩa biểu vật. Nó mang tính võ đoán, quy ước của xã hội, đó là những mẩu, những mảnh trong những đoạn cắt của thực tế nhưng không hoàn toàn trùng với thực tế, có tính khái quát nên không gắn với hoạt động, tính chất cụ thể của sự vật.
  • 21. 16 Ý nghĩa biểu niệm của từ là thành phần cơ bản của ý nghĩa từ vựng. Sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào ngôn ngữ thành ý nghĩa biểu vật và từ có ý nghĩa biểu vật thì sẽ có ý nghĩa biểu niệm tương ứng. Ý nghĩa biểu niệm của từ là tập hợp của một số nét nghĩa chung và riêng được sắp xếp theo một tổ chức, một trật tự nhất định. Các từ thuộc các từ loại khác nhau, có cách tổ chức các nét nghĩa khác nhau. Còn các ý nghĩa biểu niệm của những từ trong một từ loại lại có tổ chức giống nhau. Giữa các nét nghĩa của chúng lại có quan hệ với nhau. Ví dụ, các nét nghĩa “đồ dùng” là dùng chung cho các từ bàn, ghế, giường, tủ… nhưng trong mỗi từ này lại có những nét nghĩa riêng biệt. Ý nghĩa biểu thái của từ là những nhân tố đánh giá, biểu thị cảm xúc và thái độ mà từ gợi ra cho người nói và người nghe. Đây thực tế là sự phản ánh mối quan hệ giữa từ và người sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: Từ “ôm” trong câu “Bà mẹ ôm con vào lòng” trung hòa về mặt biểu thái. Nhưng câu nói “Cả ngày chỉ ôm lấy cái điện thoại” thì từ “ôm” ở đây đã thể hiện thái độ chê trách. Ba thành phần ý nghĩa trên phản ánh việc xem xét, nhìn nhận từ ở các góc độ khác nhau. Vì từ là một thể thống nhất, sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của từ phải là sự hiểu biết thấu đáo từng mặt một nhưng cũng phải là sự hiểu biết tổng quát về những mối liên hệ quy định lẫn nhau giữa chúng. 1.2.2. Hiện tượng đồng nghĩa Hiện tượng đồng nghĩa là một vấn đề khá thú vị trong ngôn ngữ học. Theo Đại từ điển Bách Khoa Xô Viết, tập 23 [114], thuật ngữ chỉ hiện tượng đồng nghĩa thuật ngữ tiếng Anh là Synonymy có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Synònymia có nghĩa là “cùng tên” chỉ quan hệ giữa hai biểu thức đẳng nghĩa nhưng không đồng nhất. Tính chất đẳng nghĩa ở đây được hiểu là tính tương ứng, hoặc là với cùng một biểu vật (sự kiện, khách thể….), hoặc là cùng một biểu niệm (cái được biểu hiện thuộc tính ngôn ngữ). [dẫn theo 39, tr.66].
  • 22. 17 1.2.2.1. Phân biệt hiện tượng đồng nghĩa, đơn vị từ vựng đồng nghĩa và từ đồng nghĩa a. Hiện tượng đồng nghĩa Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn, đồng nghĩa là một trong những khái niệm có tính chất nền tảng nhất của ngôn ngữ học. Như chúng ta đã biết, trong ngôn ngữ học, chủ yếu các nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu hiện tượng đồng nghĩa biểu niệm. Các biểu thức A và B được gọi là đồng nghĩa nếu cái biểu hiện của chúng không như nhau. Nghĩa là: hình thức (A) ≠ hình thức (B), còn cái được biểu hiện của chúng là như nhau. Nghĩa là: Nội dung (A) = (B). Người ta thường nói đến hiện tượng đồng nghĩa khi cái được biểu hiện tương ứng là khá gần gũi với các khái niệm từ đồng nghĩa hay từ gần nghĩa. Theo Nguyễn Đức Tồn, hiện tượng đồng nghĩa có nội dung rất rộng, nó có thể xảy ra giữa các hình vị (ví dụ: vô- phi- bất), đơn vị từ vựng đồng nghĩa (ví dụ: chết, tử, ngoẻo, toi), các kết hợp cú pháp (ví dụ: Hương cao hơn Nam- Nam không cao bằng Hương). Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng hiện tượng đồng nghĩa có mặt trong hệ thống ngôn ngữ - những hiện tượng đồng nghĩa từ vựng và trong các văn bản - những hiện tượng đồng nghĩa lời nói. Ở cả hai khu vực trên có thể có những từ và ngữ cố định đồng nghĩa, có những cụm từ và cụm từ (tự do) đồng nghĩa và cả những câu đồng nghĩa. [4, tr.192] b. Đơn vị từ vựng đồng nghĩa và từ đồng nghĩa Theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn, các đơn vị từ vựng đồng nghĩa gồm các từ và các ngữ cố định có chức năng tương đương với từ như: hoa hồng, sân bay, quần áo, ông bà, chậm như rùa, nghịch như quỷ sứ... Do đó, hiện tượng đồng nghĩa có thể xảy ra giữa các từ. Ví dụ: nhìn - nhòm - dòm - ngó, mẹ - má- bầm- u, xô- đẩy- ẩy, …hoặc giữa các ngữ cố định. Ví dụ: Được voi đòi tiên - Được đằng chân lân đằng đầu; Đói cho sạch, rách cho thơm - Giấy rách giữ lấy lề...
  • 23. 18 Ngoài ra, hiện tượng đồng nghĩa còn xảy ra giữa một từ và một ngữ cố định: xấu- xấu như ma, đen- đen như củ súng,… Từ đó, ta có thể thấy rằng từ đồng nghĩa là trường hợp riêng quan trọng nhất nằm trong cái được gọi là đơn vị từ vựng đồng nghĩa phân việt với đơn vị ngữ pháp đồng nghĩa và tất cả đều nằm trong hiện tượng đồng nghĩa của ngôn ngữ. [39, tr.70] 1.2.2.2. Quan niệm về từ đồng nghĩa Cho đến nay, trong lịch sử ngôn ngữ học có rất nhiều các quan niệm khác nhau về từ đồng nghĩa. Sự bất đồng trước tiên trong khi giải quyết các vấn đề từ đồng nghĩa là do kết cấu ngữ nghĩa đa dạng, phức tạp của từ gây nên. Mỗi từ không phải bao giờ cũng chỉ có một nghĩa. Nhiều trường hợp một từ có nhiều nghĩa khác nhau. Hiện tượng đa nghĩa này dẫn đến các quan niệm khác nhau về từ đồng nghĩa. Nguyễn Văn Tu trong cuốn “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại” đã đưa ra quan niệm của mình về từ đồng nghĩa như sau: “Từ đồng nghĩa là nhiều từ khác nhau cùng chỉ một sự vật, một đặc tính, một hành động nào đó. Đó là những tên khác nhau của một hiện tượng. Những từ đồng nghĩa có một chỗ chung là việc định danh”. [39, tr. 153] Đỗ Hữu Châu quan niệm về từ đồng nghĩa: “Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có nhiều mức độ tùy theo số lượng các nét nghĩa chung trong các từ. Mức độ đồng nghĩa thấp nhất khi các từ chỉ có chung một nét nghĩa đồng nhất. Số lượng các nét nghĩa đồng nhất tăng lên thì các từ càng đồng nghĩa với nhau. Mức độ đồng nghĩa cao nhất xảy ra khi các từ đó có tất cả các nét nghĩa hoặc đại bộ phận các nét nghĩa trùng nhau, chỉ khác ở một hoặc vài nét nghĩa cụ thể nào đó. [4, tr.199] Nguyễn Đức Tồn quan niệm rằng: Từ đồng nghĩa phải dựa trên cả hai thành phần nghĩa biểu vật và nghĩa biểu niệm: Hai đơn vị từ vựng/từ được gọi là đồng khi chúng có vỏ ngữ âm khác nhau biểu thị các biểu vật hoặc các biểm niệm giống nhau:
  • 24. 19 a. Nếu chúng có thể xuất hiện được trong kết cấu “A là B’ và đảo lại “B là A” mà không cần phải chỉnh lý bằng cách thêm bớt nét nghĩa gì vào một trong hai đơn vị/từ thì đó là những đơn vị từ vựng/ từ cùng nghĩa. Nếu như để chúng có thể xuất hiện được trong các kết cấu “A là B” và đảo ngược lại “B là A” cần có một sự chỉnh lý, thêm nét nghĩa nào đó vào một trong hai đơn vị thì từ đó là những đơn vị từ vựng/ từ gần nghĩa” [39, tr.97] Từ định nghĩa trên của tác giả Nguyễn Đức Tồn cho thấy, các từ đồng nghĩa trước hết phải là những thuộc về cùng một từ loại (có như vậy chúng mới cùng xuất hiện được trong kết cấu đồng nhất “A là B” và “B là A”). Trong ý nghĩa của chúng có chứa những yếu tố đồng nhất. Các yếu tố khác nhau của các ý nghĩa này bị trung hòa hóa trong những ngữ cảnh nhất định. Một số từ cực kì gần gũi về ý nghĩa được gọi là những từ cùng nghĩa. Đối với trường hợp đặc biệt của các từ cùng nghĩa là các từ đồng nghĩa tuyệt đối. Trên cơ sở tiếp thu quan điểm của các nhà ngôn ngữ học như Đỗ Hữu Châu và các nhà ngôn ngữ học đi trước, tác giả Nguyễn Đức Tồn đã chia các từ đồng nghĩa ra thành ba tiểu loại như sau: a. Các từ đồng nghĩa ý niệm Các từ đồng nghĩa ý niệm là các từ đồng nghĩa trung tính về phong cách và khác biệt nhau về sắc thái của ý nghĩa cơ bản, chung cho mỗi từ. Chẳng hạn, các từ đừng - chớ là những từ đồng nghĩa ý niệm, có ý nghĩa chung là đều biểu thị ý “Khuyên ngăn không nên làm điều gì”. Hoặc từ như: nhiệm vụ - nghĩa vụ - trách nhiệm, ý đồ - ý định, cơ hội - thời cơ - dịp, địch - giặc - quân thù… b. Các từ đồng nghĩa phong cách Các từ đồng nghĩa phong cách là những từ đồng nhất về ý nghĩa của chúng và khác nhau về màu sắc phong cách. Chúng ta có thể xác định được một từ nào đó là từ đồng nghĩa phong cách khi đối chiếu nó với từ trung tính về phong cách tương ứng. Vì vậy, có thể nói trong
  • 25. 20 mỗi cặp từ đồng nghĩa phong cách hoặc trong mỗi dãy đồng nghĩa phong cách chắc chắn sẽ có từ trung tính về phong cách. Chẳng hạn như các từ đồng nghĩa phong cách trong nhóm từ nói về “ăn” trong tiếng Việt: Ăn (trung tính), xơi, mời (sang trọng), hốc, đớp (thông tục)… Các từ đồng nghĩa phong cách thường không thuần nhất. Có thể tách chúng thành hai nhóm: Nhóm các từ cổ và nhóm các từ đồng nghĩa phong cách tiếng Việt hiện đại. c. Các từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách Các từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách là những từ và các đơn vị tương đồng của chúng biểu thị cùng một khái niệm hoặc cùng một hiện tượng của hiện thực khách quan và khác nhau không chỉ về màu sắc phong cách mà còn khác nhau cả về sắc thái của ý nghĩa chung ở mỗi từ. Ví dụ: - Trinh thám - do thám - thám thính, vẻ vang - quang vinh, hát- ca,… Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn, trong ba loại từ đồng nghĩa trên thì hai nhóm từ đồng nghĩa ý niệm và từ đồng nghĩa ý niệm - phong cách là những từ gần nghĩa. Còn từ đồng nghĩa phong cách là những từ cùng nghĩa. 1.3. Sự phát triển nghĩa của từ Trong diễn tiến ngôn ngữ, kết cấu nghĩa của từ luôn luôn vận động phát triển, sự biến đổi nghĩa là sự thực hiển nhiên trong nghĩa ngôn ngữ. Có thể nói phát triển nghĩa, chính là một quá trình phát triển mở rộng các chức năng (định danh, biểu đạt…) của từ. Đây chính là sự tăng lên về dung lượng nghĩa có trong một từ, tức là tăng thêm các biến thể từ vựng- ngữ nghĩa trong một vỏ bọc âm thanh của từ, là sự tăng lên về các nét nghĩa trong cấu trúc của một biến thể từ vựng - ngữ nghĩa, các nét nghĩa trong một biến thể từ vựng cho phép chủ thể ngôn ngữ có thể sử dụng từ đó để gọi tên, biểu thị những đối tượng mà trước đây chưa được gọi tên, biểu thị. Điều đó có nghĩa là phạm vi ứng dụng nghĩa của từ đã được mở rộng ra. Phát triển nghĩa, vì thế, sẽ cho phép mặt được biểu hiện của từ có sự tăng lên về các ý niệm,
  • 26. 21 các phạm trù nhận thức, mà vẫn giữ được nguyên vẹn mặt biểu hiện. Theo tác giả Phạm Văn Lam cho rằng: Phát triển nghĩa của từ là quá trình phát triển, mở rộng các chức năng của từ để từ đó có thể trỏ ra, gọi tên, biểu thị những đối tượng mà trước đây chưa được trỏ ra, gọi tên, biểu thị; sự phát triển, sự phát triển mở rộng chức năng của từ này phải được đa số các chủ thể sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng nói năng chấp nhận. Đó chính là sự phát triển, mở rộng về phạm vi ứng dụng của từ. [22, tr. 9] Ngữ nghĩa học truyền thống đã phát hiện ra những quá trình phát triển ý nghĩa cơ bản mà ngữ nghĩa học ngày nay không thể bác bỏ được . Đó là hai khuynh hướng biến đổi: mở rộng và thu hẹp ý nghĩa (phát triển nghĩa và mất nghĩa), chuyển đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ. Theo tác giả Lê Văn Thiêm; Phạm vi rộng hẹp thể hiện ở số lượng và cả ở tính chất nét nghĩa. Có nét thiên về cái chung, nét nghĩa phạm trù và nét nghĩa thiên về cụ thể, loại biệt, nét nghĩa khu biệt. [4, tr.311] Mở rộng ý nghĩa là một quá trình phát triển từ cái riêng đến cái chung, từ cái cụ thể đến trừu tượng. Ý nghĩa được hình thành nhờ quá trình này gọi là nghĩa mở rộng. Ví dụ; Tính từ “đẹp”, ban đầu chỉ dùng ở khía cạnh hình thức, nhưng hiện nay dùng rộng rãi ở cả phạm vi tình cảm, tinh thần, quan hệ. Chẳng hạn: tình cảm đẹp, tấm lòng đẹp, đẹp lòng, đẹp lời… Thu hẹp ý nghĩa là quá trình ngược lại. Phạm vi ý nghĩa của các từ phát triển từ cái chung đến cái riêng, từ cái trừu tượng đến cái cụ thể. Ví dụ: Từ “mùi” là cảm giác do cơ quan khứu giác thu nhận được (nước là hợp chất không màu, không mùi, không vị), nhưng khi nói “Miếng thịt có mùi rồi” thì lại có ý nghĩa cụ thể là “mùi hôi”. Tóm lại, mở rộng và thu hẹp ý nghĩa là quá trình chuyển từ khái niệm về loại sang khái niệm về chủng (mở rộng) hoặc chuyển từ khái niệm về chủng sang khái niệm về loại (thu hẹp). Quy luật tạo ra sự phát triển này là dựa vào các mối liên hệ
  • 27. 22 tương đồng và tiếp cận. Thể hiện ở các mối liên hệ đó, theo hình thức ẩn dụ và hoán dụ. Đây là cơ sở để tạo ra các nghĩa bóng, các nghĩa phái sinh của từ. Ví dụ: - Răng người và vật – răng lược, răng bừa - Mũi người và vật – mũi thuyền, mũi kim Đây là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng thông qua hình thức ẩn dụ. Hay sự chuyển đổi tên gọi từ sự vật, hiện tượng này sang hiện tượng khác dựa trên mối quan hệ logic giữa các sự vật, hiện tượng ấy qua hình thức hoán dụ. Ví dụ: Nhà tôi – vợ tôi Sự phát triển nghĩa của từ luôn đi cùng với sự phát triển của xã hội. Sự biến đổi không ngừng của nghĩa do sự biến đổi của cuộc sống và cách sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt, giàu hình ảnh của con người đã góp phần làm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn. Sự phát triển ấy theo hai khuynh hướng cơ bản: mở rộng và thu hẹp ý nghĩa, chuyển đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ. Những đơn vị từ vựng được lựa chọn để phát triển nghĩa thường là những đơn vị mang những giá trị văn hóa ước định của cộng đồng, được mọi người chấp nhận, sử dụng, dễ dàng nhập vào hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa như là một đơn vị khu biệt. Nghĩa là nó được đánh giá thuận lợi cho công việc giao tiếp, được thẩm định về khả năng biểu đạt nghĩa và giá trị thẩm mỹ khi đi vào hành chức. 1.4. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ Trên thực tế, cấu trúc ý nghĩa của từ không nhất thành bất biến mà luôn luôn vận động và phát triển. Tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong cuốn Từ và từ vựng học tiếng Việt [13, tr162], cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân làm cho một từ phát triển thêm các biến thể từ vựng - ngữ nghĩa, nhưng có thể quy vào các yếu tố cơ bản sau đây. - Do sự biến đổi, phát triển không ngừng của đời sống;
  • 28. 23 - Sự phát triển của nhận thức; - Sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ; - Tính quy ước của nghĩa. Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, hiện tượng nhiều nghĩa là kết quả của sự chuyển biến ý nghĩa của từ. Từ (đơn hoặc phức) lúc đầu mới xuất hiện đều chỉ có một nghĩa biểu vật. Sau một thời gian được sử dụng, nó có thể có thêm những nghĩa biểu vật mới. Các nghĩa biểu vật mới xuất hiện ngày càng nhiều thì nghĩa biểu niệm của nó càng có khả năng biến đổi. [4, tr.147]. Từ các nguyên nhân dẫn đến sự chuyển nghĩa của từ, ngữ nghĩa học truyền thống đã phát hiện ra những quá trình phát triển ý nghĩa cơ bản mà ngữ nghĩa học hiện đại ngày nay không thể bác bỏ. Theo các tác giả Nguyễn Thiện Giáp và Đỗ Hữu Châu, hiện tượng chuyển nghĩa của từ chủ yếu dựa vào hai phương thức ẩn dụ và hoán dụ Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hiện tượng được so sánh với nhau. So sánh bộ phận được gọi là “đầu” của con người với bộ phận trên của cái van xe đạp, chúng ta thấy có một điểm chung là “bộ phận trên, trước hết”. Từ đó dẫn đến việc lấy tên gọi của bộ phận thân thể để biểu thị bộ phận của cái van. Mặt khác, so sánh con vật với hàng người, đoàn người thấy cả hai đều có bộ phận trước, bộ phận sau, do đó đã lấy tên bộ phận trước hết của vật chỉ bộ phận trước hết của đoàn người, hàng người… Cứ phân tích như vậy, sẽ thấy các nghĩa phái sinh của từ “đầu” đều là kết quả của quá trình chuyển nghĩa ẩn dụ. Hoán dụ là hiện tượng chuyển tên gọi từ sự vật hoặc hiện tượng này sang sự vật hoặc hiện tượng khác dựa trên một mối quan hệ logic giữa các sự vật hiện tượng ấy. Căn cứ vào tính chất chất của các quan hệ mà có thể chia ra làm nhiều loại hoán dụ khác nhau như: quan hệ giữa cái toàn thể và bộ phận, lấy không gian, địa điểm thay cho những người sống ở đó... Ví dụ: “Nhà có 5 miệng ăn” lẽ ra là “nhà có 5 người ăn”. Đây là kiểu hoán dụ theo quan hệ lấy cái bộ phận thay cho toàn thể.
  • 29. 24 Nhìn chung, ẩn dụ và hoán dụ thường liên hệ với các hiện tượng mở rộng và thu hẹp ý nghĩa. Những ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng hay ẩn dụ căn cứ vào sự giống nhau về chức năng đồng thời cũng là một quá trình mở rộng ý nghĩa. Hoán dụ thường liên hệ với hiện tượng thu hẹp ý nghĩa. Ẩn dụ, hoán dụ là phương thức cơ bản tạo nên nghĩa mới cho từ. 1.5. Từ đa nghĩa Hiện tượng đa nghĩa là một hiện tượng phổ biến trong mọi ngôn ngữ. Nói một cách đơn giản, đây là hiện tượng một đơn vị ngôn ngữ mà cấu tạo nội dung của nó có nhiều nghĩa khác nhau. Điều này một mặt tạo ra tính đa dạng phong phú của ngôn ngữ. Đây là hiện tượng biểu hiện một cách điển hình ở cấp độ từ vựng - ngữ nghĩa. Ở cấp độ này hiện tượng đa nghĩa không chỉ bộc lộ gắn liền với đặc điểm của từ mà còn thể hiện đặc điểm cấu tạo và phát triển của hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Người ta nhận thấy rằng một từ lúc mới sinh ra chỉ có một nghĩa, theo dòng thời gian tồn tại và phát triển từ trở thành nhiều nghĩa. Sự xuất hiện nghĩa mới của từ có quan hệ với sự phát triển một cách có quy luật và sự giàu có, phong phú của thành phần từ vựng một ngôn ngữ. Nó là kết quả của sự phát triển nghĩa của từ nói riêng và của hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa nói chung, đồng thời cũng là biểu hiện, sản phẩm của sự phát triển ngôn ngữ văn hoá, sự giàu có, phong phú tư duy và kinh nghiệm của cộng đồng người nói một thứ tiếng nhất định. Chính vì vậy, các ngôn ngữ gắn liền với nền văn minh tiên tiến thường phát triển với tỷ lệ cao những từ đa nghĩa. Phát triển từ đa nghĩa còn là một biện pháp, một phương thức làm giàu vốn từ ngữ dân tộc. Đa nghĩa là qui luật chung của ngôn ngữ nhân loại. Việc tìm hiểu những nét tương đồng và dị biệt trong nội dung từ đa nghĩa của các dân tộc lại liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá của riêng của mỗi quốc gia. Bởi vì đặc điểm đa
  • 30. 25 nghĩa của mỗi ngôn ngữ như là sản phẩm sáng tạo, là thành tựu được tập thể cộng đồng ngôn ngữ ấy xây dựng nên. Cho đến nay đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau về từ đa nghĩa từ vựng. Chẳng hạn như tác giả O.C.Akhmanôva cho rằng: “đa nghĩa là sự tồn tại ở từ một số nghĩa vốn thường xuất hiện do việc sử dụng từ và sự phát triển các nghĩa bóng của từ” (Dẫn theo Lê Quang Thiêm) [34, tr.305]. Tác giả Vũ Đức Nghiệu cho rằng: “Từ đa nghĩa là những từ có một số nghĩa biểu thị những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc biểu thị những đối tượng khác nhau của thực tại.”[6, tr.172] Sau khi phân tích đánh giá một số cách hiểu tác giả Lê Quang Thiêm đã đưa ra quan niệm của mình về từ đa nghĩa như sau: “Từ đa nghĩa là từ mà nội dung bao gồm một số nghĩa khác nhau, các nghĩa này lập thành một hệ thống nằm trong các mối quan hệ liên kết với nhau, gồm một vài nét nghĩa chung và nhiều nét nghĩa loại biệt thường biểu thị các đối tượng khác nhau nhưng lại được đặt cơ sở trên một sự giống nhau về chức năng, hình thức hoặc thuộc tính nào đó của đối tượng”. [34, tr.305]. + Các kiểu nghĩa của từ đa nghĩa Các nghĩa của từ đa nghĩa được xây dựng và tổ chức theo những cách thức và trật tự nhất định. Việc phân loại các nghĩa khác nhau của từ đa nghĩa giúp chúng ta tìm ra được mối quan hệ của chúng và từ đó có cơ sở hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ. - Dựa vào tiêu chí nguồn gốc của nghĩa, nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại: nghĩa gốc và nghĩa phái sinh. Nghĩa gốc là nghĩa đầu tiên, vốn có đối với một từ nào đó. Vì thế nghĩa gốc thường là nghĩa không giải thích được lí do và có thể nhận ra một cách độc lập không cần thông qua nghĩa khác. Nghĩa phái sinh là nghĩa có sau được tạo nên trên cơ sở nghĩa gốc cho nên chúng thường có lí do và được nhận ra qua nghĩa gốc của từ. Ví dụ, trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê [25] có định nghĩa từ chân như sau:
  • 31. 26 1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người và động vật, dùng để đi, đứng, thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người (Què chân; Vui chân đi quá xa; Nước đến chân mới nhảy). 2. Chân của con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức (có chân trong hội đồng; thiếu một chân tổ tôm; chân sào). Như vậy, trong hai nghĩa trên của từ chân thì nghĩa 1 là nghĩa gốc, nghĩa 2 là nghĩa phái sinh. - Dựa vào khả năng tồn tại độc lập của từ, nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại: nghĩa tự do và nghĩa hạn chế. Nghĩa tự do là nghĩa được bộc lộ trong mọi hoàn cảnh, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bắt buộc nào. Nghĩa hạn chế là nghĩa chỉ xuất hiện trong một hoàn cảnh nhất định. - Dựa vào mối quan hệ định danh giữa từ và đối tượng, nghĩa của từ đa nghĩa gồm hai loại: nghĩa trực tiếp và nghĩa gián tiếp. Nếu một nghĩa trực tiếp phản ánh đối tượng, làm cho từ gọi tên sự vật một cách trực tiếp thì đó là nghĩa trực tiếp (nghĩa đen). Còn nếu một nghĩa gián tiếp phản ánh đối tượng, làm cho từ gọi tên sự vật một cách gián tiếp (thông qua hình tượng hoặc nét đặc thù) thì đó là nghĩa gián tiếp (nghĩa bóng) - Nghĩa của từ đa nghĩa được chia thành nghĩa thường trực và nghĩa không thường trực dựa vào tiêu chí nghĩa đang xét đã nằm trong cơ cấu chung ổn định của nghĩa từ hay chưa. Một nghĩa được coi là nghĩa thường trực nếu nó đã đi vào cơ cấu chung ổn định của nghĩa từ và được nhận thức một cách ổn định, như nhau trong các hoàn cảnh khác nhau. Ngược lại, nếu có một nghĩa bất chợt nảy sinh trong một hoàn cảnh nào đó trong quá trình sử dụng, sáng tạo ngôn ngữ, nó chưa hề đi vào cơ cấu ổn định, vững chắc của nghĩa đó là nghĩa không thường trực (nghĩa ngữ cảnh). Trên đây là cách phân loại nghĩa của từ đa nghĩa thường gặp. Mỗi tiêu chí khác nhau có hệ thống phân loại khác nhau. Trong thực tế, từ đa nghĩa không chỉ có 2, 3
  • 32. 27 nghĩa mà có từ có rất nhiều nghĩa. Nghĩa của từ đa nghĩa rất phong phú, đa dạng nên khi phân tích nghĩa theo thế lưỡng phân thường là sẽ có một số nghĩa không được gọi tên mà bị gộp chung với một nghĩa nào đó khái quát hơn. Tiểu kết chương 1 Trong Chương 1, chúng tôi đã trình bày những cơ sở lí luận cơ bản làm khung nghiên cứu cho luận văn như: khái niệm từ, cụm từ, nghĩa của từ, sự phát triển nghĩa của từ, hiện tượng đồng nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa, từ đa nghĩa. Trong diễn tiến ngôn ngữ, mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện không phải lúc nào cũng được duy trì, nó có thể, một cách tiềm tàng, bị phá vỡ bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy, biến đổi nghĩa là sự thật thực hiển nhiên trong ngôn ngữ. Theo quan niệm truyền thống, có hai khuynh hướng biến đổi: phát triển nghĩa và mất nghĩa. Trên thực tế, bất kỳ một nghĩa nào đó đã xuất hiện, một cách tiềm năng, đều có khả năng tái hiện ở những lần sau. Vì thế nếu một nghĩa nào đó không may bị mất đi, thì nó vẫn có khả năng được sử dụng trở lại, bởi cái nghĩa ban đầu bao giờ cũng là cái được con người dễ nhận diện nhất, được con người duy trì bảo hộ nhiều nhất. Vì thế, biến đổi nghĩa cũng là phát triển nghĩa. Trong ngữ nghĩa, hiện tượng đồng nghĩa thường xảy ra với hàng loạt các đơn vị từ vựng và tạo nên các sắc thái biểu cảm khác nhau về ngữ nghĩa. Vì vậy, trong một dãy đồng nghĩa, giữa các nghĩa của từ đồng nghĩa là giống nhau song chúng khác nhau về sắc thái biểu cảm. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ tạo nên hiện tượng đa nghĩa từ vựng. Có hai con đường chuyển nghĩa cơ bản là mở rộng nghĩa hoặc thu hẹp nghĩa, thường được thực hiện thông qua ẩn dụ hoặc hoán dụ. Trong từ đa nghĩa, giữa nghĩa gốc của từ với các nghĩa chuyển luôn có mối liên hệ nhất định về nghĩa, tuy nhiên, các nghĩa phái sinh thường vận động theo hướng
  • 33. 28 ngày càng xa rời nghĩa gốc và trong những trường hợp cụ thể, giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển còn xảy ra hiện tượng chuyển loại. Đây là những tiền đề lý luận cơ bản giúp chúng tôi triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trong chương 2 và chương 3 của luận văn.
  • 34. 29 Chương 2 NGỮ NGHĨA CỦA TỪ “ĂN” VÀ KHẢ NĂNG KẾT HỢP CỦA NÓ TRONG TIẾNG VIỆT 2.1. Ngữ nghĩa của từ “ăn” trong tiếng Việt Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống, mang những nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Đối với người Việt, ăn uống không chỉ đơn thuần là nét văn hóa về vật chất, một hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh học của cơ thể mà còn phản ánh phương diện văn hóa về tinh thần, là tiếng nói của tâm hồn người Việt. Thông qua hoạt động ăn uống người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa với những đạo lý, phép tắc, phong tục, tập quán và cả triết lý nhân sinh… của mỗi cá nhân và rộng hơn là cả một dân tộc. Cái ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Việt. Có thể nói, mọi hoạt động của người Việt đều lấy “ăn” đặt lên làm đầu: ăn uống, ăn ở, ăn mặc, ăn nói, ăn tiêu… Và do nhu cầu sử dụng thiên biến vạn hóa về sắc thái, từ “ăn” cũng là một trong những từ có rất nhiều từ đồng nghĩa trong tiếng Việt như: xơi, mời, nhậu, hốc, nốc, tọng, chén, đánh chén, đớp, dùng, làm… sự phong phú trong lớp từ đồng nghĩa ấy đã góp phần làm phong phú thêm vốn từ vựng của tiếng Việt. Trong Từ điển Tiếng Việt (2010) của Hoàng Phê (chủ biên) đã khái quát từ “ăn” (động từ) là một từ đa nghĩa gồm có 13 nghĩa (nghĩa gốc và các nghĩa phái sinh) như sau: [25, tr.29-33] 1. Tự cho vào cơ thể thức ăn nuôi sống. Ăn cơm. Thức ăn. Ăn có nhai, nói có nghĩ (tng). Làm đủ ăn. 2. Ăn uống nhân dịp gì. Ăn cưới. Ăn liên hoan. Ăn tết. 3. (Máy móc, phương tiện vận tải) tiếp nhận cái cần thiết cho sự hoạt động. Cho máy ăn dầu mỡ. Xe ăn tốn xăng. Tàu đang ăn hàng ở cảng.
  • 35. 30 4. (Kết hợp hạn chế). Nhận lấy để hưởng. Ăn hoa hồng. Ăn thừa tự. Ăn lương tháng. 5. (Kng). Phải nhận lấy, chịu lấy (cái không hay; hàm ý mỉa mai). Ăn đòn. Ăn đạn. 6. Giành về phần mình phần hơn, phần thắng (trong cuộc thi đấu). Ăn con xe. Ăn giải. Ăn cuộc. 7. Hấp thu cho thấm vào, nhiễm vào trong bản thân. Vải ăn màu. Da ăn nắng. Cá không ăn muối cá ươn (tng). 8. Gắn, dính chặt vào nhau, khớp với nhau. Hồ dán không ăn. Gạch ăn vôi vữa. Phanh không ăn. 9. (Kết hợp hạn chế). Hợp với nhau, tạo nên một cái gì hài hòa. Hai màu rất ăn với nhau. Người ăn ảnh. 10. Làm tiêu hao, hủy hại dần dần từng phần. Sương muối ăn bạc trắng cả lá. Sơn ăn tùy mặt. 11. Lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó (nói về khu vực hoặc phạm vi tác động của cái gì). Rễ tre lan ra tới ruộng. Sông ăn ra biển. Phong trào ăn sâu, lan rộng. 12. (Kng). Là một phần ở ngoài phụ thuộc vào; thuộc về. Đám đất này ăn về xã bên. Khoản này ăn vào ngân sách của tỉnh. 13. (Đơn vị tiền tệ, đo lường) có thể đổi ngang giá. Một dolla ăn mấy đồng Việt Nam? Cùng với sự phát triển của xã hội, trong quá trình sử dụng khi đi vào ngôn bản và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nhóm từ nói về “ăn” được sử dụng khá linh hoạt cho phù hợp với từng hoàn cảnh nhằm mang lại giá trị biểu cảm riêng. Các nét nghĩa được mở rộng và theo thời gian các nét nghĩa phái sinh mới được hình thành và ngày càng phong phú, làm giàu cho hệ thống từ vựng của tiếng Việt. Điều đó cho thấy, quá trình vận động và phát triển nghĩa của từ “ăn” khá mạnh mẽ. Ngoài
  • 36. 31 những nghĩa gốc và nghĩa phái sinh được thống kê ở trên, trên thực tế chúng ta có thể thấy “ăn” còn trở thành một yếu tố (thành tố) đóng vai trò như một hình vị cấu tạo từ, có thể kết hợp với các hình vị khác để tạo ra các từ ghép khác nhau theo kiểu chính phụ hoặc đẳng lập có chứa yếu tố “ăn”. Những đơn vị từ có chứa yếu tố “ăn” này có thể mang nghĩa chỉ hoạt động ăn theo nghĩa gốc, có thể không mang nghĩa chỉ hoạt động ăn mà bàn đến mọi phương diện đời sống của con người. Các nghĩa của từ chứa yếu tố “ăn” này được người Việt chấp nhận và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như: Ăn chơi, ăn nằm, ăn chặn… Đặc biệt có nhiều kết hợp với yếu tố “ăn” mà trong đó không liên quan gì đến việc đưa thức ăn vào miệng và thực hiện động tác nhai, nuốt. Mà từ “ăn” ở đây lại chỉ hành vi, lối sống, ta có thể hiểu như một thứ nghề nghiệp, chẳng hạn như: Ăn sương, ăn trộm, ăn cắp… Chúng ta có thể thấy, từ nghĩa gốc “ăn” để chỉ hoạt động “Tự cho vào cơ thể thức ăn nuôi sống” cùng với sự phát triển của thời gian, các nét nghĩa phái sinh đã hình thành và sự kết hợp của yếu tố “ăn” với các từ/ tổ hợp từ đã tạo ra rất nhiều nghĩa mới thay thế hàng loạt các khái niệm khác. Theo sự khảo sát của Nguyễn Thị Bích Hợp [18] khi miêu tả sự phát triển ngữ nghĩa của từ “ăn” theo mô hình tỏa tia, tác giả đã bổ sung thêm hai nghĩa phái sinh mới so với các nét nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê [25], đó là: “ăn” nghĩa là “thực hiện hành động”: ăn vạ, ăn hiếp, ăn hỏi, ăn diện, ăn thề, ăn nói, ăn mặc, ăn học; và “ăn” nghĩa là “quan hệ thân xác”: ăn nằm, ăn cơm trước kẻng, đã ăn cô ta, ăn bánh trả tiền… Ăn uống được dân gian Việt nam xếp lên hàng đầu “tứ khoái” của con người. Nhà văn Tản Đà đối với văn hóa ẩm thực, ông đã nâng thành “lý luận 04 chữ W trong ăn uống” 1-Ăn cái gì ( What)? 2-Ăn lúc nào (When)? 3- Ăn ở đâu (Where)?
  • 37. 32 4- Ăn với ai (With whom)? [23, Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Hà Nội đôi ba vấn đề lý luận, tr.681] Qua đó, để cho chúng ta thấy cái “ăn” đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Việt. Chính vì vậy, đề tài về “ăn” đã được phản ánh rất đa dạng và phong phú qua thành ngữ, truyện dân gian Việt Nam và các tác phẩm văn học. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà số lượng câu thành ngữ chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt lại chiếm số lượng rất lớn. Thông qua việc khảo sát trong các cuốn từ điển thành ngữ, các câu thành ngữ có chứa thành tố “ăn” trong tiếng Việt có tới 492 câu. Ẩn chứa trong mỗi câu thành ngữ là những kinh nghiệm trong cuộc sống, những giáo huấn về luân thường, đạo lý, cách ứng xử của con người với con người trong xã hội. Chúng ta vẫn thường nghe những câu thành ngữ nói về thói quen trong ăn uống của ông cha ta: Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống,… hay lên án những kẻ vô ơn, bội nghĩa: ăn cháo đá bát… phê phán những thói hư tật xấu: ăn xó mó niêu, ăn gian nói dối… Cho đến những kinh nghiệm đời thường trong cuộc sống: Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau… “Ăn” cũng là một trong những nguồn cảm hứng chính của các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 như: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… đề tài về “miếng ăn” được tái hiện dưới ngòi bút của các nhà văn vô cùng chân thực. Thông qua cái “ăn” các tác giả đã cởi hết cái lớp áo bao phủ bên ngoài của đời sống của người dân Việt Nam thời đó để phơi bày chuyện đời nhức nhối nhất, sự thiếu thốn, sự đói khổ trở thành vấn nạn khủng khiếp chi phối mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. “Ăn” cũng là đề tài khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn hiện đại trong thể loại Tùy bút như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn, Mai Thục, Trần Đức Anh Sơn… đều là những tác giả đã rất thành công khi viết về đề tài liên quan đến cái “ăn”, một trong những nhu cầu tất yếu của cuộc sống nhưng thông qua ngòi bút của các nhà văn, cái “ăn” được nâng
  • 38. 33 lên thành một nghệ thuật, thành giá trị sống, một nét văn hóa tinh tế, rất riêng của người Việt. Có thể nói hoạt động “ăn” phản ánh đặc trưng văn hóa dân tộc vô cùng rõ nét. Miếng ăn vừa thể hiện tính cộng đồng xã hội, vừa nói lên triết lý về đạo sống, đồng thời nó cũng phản chiếu phép tắc xã hội. Văn hóa ăn trở thành một giá trị văn hóa của mỗi làng, mỗi vùng và rộng hơn là của cả dân tộc. 2.2. Khả năng kết hợp của từ/yếu tố “ăn” trong tiếng Việt Đối với người Việt, văn hóa ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, nó cũng hàm chứa những ý nghĩa triết lý của cuộc sống. Điều đó rất dễ hiểu khi chúng ta thấy người xưa có câu “dĩ thực vi thiên” (ăn là quan trọng nhất). Ý nghĩa của sự ăn là vô cùng đa dạng và sâu sắc. Bởi “Có thực mới vực được đạo”, “Thực túc binh cường” (ăn đầy đủ thì quân đội mới hùng mạnh). Song đối với người Việt, nhiều khi người ta ăn không phải vì ăn, mà vì tình, vì nghĩa: Vị tình, vị nghĩa, ai vị đĩa xôi đầy. Hoặc đôi khi người ta ăn, chỉ cốt là để biết, để thưởng thức, chứ không phải là thỏa mãn nhu cầu về vật chất thuần túy: Ăn lấy thơm lấy tho, chứ ai ăn lấy no, lấy béo; ăn lấy vị, chứ ai lấy bị mà mang… Có thể nói, đối với người Việt “Ăn” là cả một vấn đề ứng xử, vấn đề xã hội. Chuyện ăn tưởng chừng quá quen thuộc hàng ngày đối với mọi người nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong dân gian từ xưa, người Việt rất coi trọng việc ăn uống: Từ việc nấu nướng đến việc chọn lọc miếng ăn và đặc biệt là việc giao tiếp ứng xử trong khi ăn uống. Bởi vậy mà kinh nghiệm truyền dạy con trẻ của người Việt được truyền từ đời này sang đời khác rằng “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong đó “học ăn” được đặt lên hàng đầu. Từ lâu người Việt đã ý thức được rằng: Ăn cũng phải học, ăn là một khoa học. Bởi vậy, khi nghiên cứu vấn đề “ăn” của người Việt theo góc độ ngôn ngữ và văn hóa là cả một vấn đề khoa học vô cùng phong phú và ý nhị.
  • 39. 34 Người Việt có một số tiêu chuẩn đánh giá con người thông qua dung nhan, dáng đi, giọng nói, tướng mạo... như “Người khôn con mắt đen xì, người dại con mắt nửa chì, nửa thau”,“trông mặt mà bắt hình dong”,…Tuy nhiên, việc đánh giá nhận xét con người thông qua việc ăn uống vẫn là phổ biến, nhiều mặt hơn và sâu sắc hơn. “Khôn ăn cái, dại ăn nước” “Người khôn ăn miếng thịt gà, Tuy rằng ăn ít nhưng mà no lâu, Người dại ăn trái bồ nâu Ăn no bĩnh bầu chẳng biết mùi ngon.” Hay: “Người khôn ăn nói nửa chừng Để cho người dại nửa mừng nửa lo” Hoạt động “ăn” là một nét văn hóa vô cùng độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng và thế ứng xử của con người với con người trong xã hội. Điều đó được phản ánh sinh động trong lớp từ vựng của ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, từ/yếu tố “ăn” là một từ/yếu tố vô cùng đặc biệt, có khả năng kết hợp với rất nhiều từ loại để làm chức năng vị ngữ trong câu. Ta có thể mô hình hóa khả năng kết hợp của từ/yếu tố “ăn” như sau: Ăn + X. Trong đó “X” là một kết cấu mở, có thể là những từ loại như danh từ, tính từ, động từ hoặc tổ hợp từ kết hợp với từ/yếu tố “ăn” khá linh hoạt tạo ra tính đa chiều và đa hướng trong ngôn ngữ, nhằm thể hiện được lối tư duy cũng như bản sắc văn hóa của người Việt thông qua cái “ăn”. Khi đi vào hành chức, kết hợp với các từ/ tổ hợp từ, trong từng ngữ cảnh cụ thể, nghĩa của từ “ăn” không còn giữ nguyên nghĩa gốc: “Tự cho vào cơ thể thức ăn nuôi sống” nữa mà nó đã có sự chuyển nghĩa. Sự phát triển nghĩa của “ăn” có thể quy thành một số nhóm dựa vào ý nghĩa khái quát của chúng như sau:
  • 40. 35 2.2.1. Ăn + mục đích Sự kết hợp của “ăn” với các từ / tổ hợp từ đã tạo ra hàng loạt từ ghép biểu thị hoạt động các dịp ăn uống của người Việt. Với kết cấu “Ăn + X”, trong đó tham tố X ở đây là yếu tố mở, gắn liền với những từ “cụ thể” chỉ mục đích của việc ăn uống như: Ăn hỏi, ăn mừng, ăn cưới, ăn liên hoan, ăn giỗ, ăn tết, ăn mày, ăn xin, ăn kiêng, ăn hàng, ăn chay. Trong các kết hợp này, “ăn” thường được sử dụng ở nghĩa gốc, ít khi chuyển nghĩa. Ví dụ: - Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ, Ninh phải ở nhà coi mẹ. [2, Từ ngày mẹ chết, tr.161] - Có cụ giáo Hiệu trưởng mẹ mời đến ăn tết thân mật với gia đình. [ 23, Cái bánh dẻo tròn, tr.192] - Ăn cỗ mừng sinh nhật là một nét mới, trước kia chỉ có mừng thọ, thượng thọ, lên lão và rất coi trọng nền nếp ngày giỗ. [ 23. Giỗ tết, tr.239] - Mặc dù mới hơn 10h sáng (ngày 14/2) nhưng nhiều cơ quan, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đã đóng cửa, nhân viên, lãnh đạo đều vắng mặt. Lý do là nghỉ sớm để... ăn rằm [2] - Vì thế, nếu bé được ăn đầy tháng thì cháu đã thoát được hết hai phần ba của những rủi ro trong năm tuổi đầu tiên của cuộc đời.[3] Tuy nhiên, trong một số ngữ cảnh cụ thể, khi mừng những sự kiện quan trọng, có thể không có việc tổ chức ăn uống nhưng vẫn được gắn với “ăn” như “ăn mừng chiến thắng” của đội bóng đá chẳng hạn. Trong trường hợp này, “ăn” không được sử dụng với nghĩa gốc mà đã chuyển nghĩa chỉ hoạt động chúc mừng, mang tính chất tinh thần. Ví dụ: - Người Sài Gòn cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam.[5] Cùng trong mô hình kết hợp “Ăn + mục đích”, nhưng khi đi vào trong thành ngữ, sự hoạt động của kết hợp này trong thành ngữ đã tạo nên nhiều hướng nghĩa
  • 41. 36 chuyển phong phú, phản ánh nhân cách, bản chất, hành vi, cách đối nhân xử thế của con người trong xã hội. Ví dụ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” (chỉ những kẻ khôn lỏi, vị kỷ, biết nắm bắt cơ hội, luôn quan tâm đến lợi ích cá nhân); Chưa ăn cỗ đã chực lấy phần (ngoài nét nghĩa phản ánh tục lệ “lấy phần” khi ăn cỗ, còn hàm nghĩa phê phán những kẻ bần tiện, tham lam, chỉ chăm chăm vào lợi ích của bản thân). Cách kết hợp “ăn + mục đích” đã tạo ra nhiều hướng nghĩa phái sinh cho “ăn”. Chẳng hạn như từ “ăn chay” vốn để chỉ chế độ ăn uống gồm những thực phẩm có nguồn gốc thực vật, với mục đích tu hành, hướng thiện, nhưng trong đời sống hiện đại, “ăn chay” được chuyển nghĩa chỉ chuyện quan hệ tình dục, Ví dụ: - Thì ra “ăn chay” ở đây không chỉ là không ăn thịt cá nữa mà là sẽ không quan hệ sắc dục với tôi nữa.[7] - Bắt chồng "ăn chay" suốt 9 tháng mang bầu, phụ nữ đã vô tình bỏ qua 5 lợi ích vô cùng bất ngờ cho sức khỏe của cả mẹ và bé [8] Khi tham gia cấu tạo thành ngữ, “ăn chay” kết hợp với các tổ hợp từ cũng tạo nên nghĩa biểu trưng cho lối sống ngay thẳng, trung thực: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối. Điều đó cho chúng ta thấy thái độ của dân gian khá rõ ràng trong quan niệm ăn uống và rộng hơn nữa chính là lối sống, nhân cách của con người. Sự kết hợp của “ăn + mục đích” cũng tạo ra các từ ghép để chỉ thân phận, số kiếp con người gắn liền với nghề nghiệp hay hoàn cảnh sống.Ví dụ: - Ăn xin ở Thái Lan là phạm pháp, bị phạt tù và tiền [9] - Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất. [2, Từ ngày mẹ chết, tr.163] - “Ngày xưa có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin” [ 23, Những chiếc ấm đất, tr.206] “Ăn mày, ăn xin” vốn chỉ hành động của những người chuyên kiếm sống bằng việc đi xin của bố thí. Nhưng khi tham gia cấu tạo thành ngữ, sự kết hợp của
  • 42. 37 từ “ăn mày” với các tổ hợp từ đã tạo ra những hướng nghĩa khác như chỉ những người do hoàn cảnh éo le phải vào nương nhờ nơi chùa chiền hoặc những người lên chùa để xin lộc rơi vãi. “Ăn mày lộc phật”. Trong một số ngữ cảnh sử dụng, thành ngữ này xuất hiện biến thể nghĩa như chỉ sự tham lam, vụ lợi. Ví dụ: - Doanh nghiệp xây chùa, sau đó tung dịch vụ bủa vây trong chùa để kiếm lợi từ tâm linh. Kiểu làm kinh tế này có khác nào "ăn mày" cửa phật [10] - Thế nhưng, “ăn mày cửa Phật”, nhặt lộc rơi, lộc vãi cũng vì mục đích kinh tế đấy mà nó an nhiên, thánh thiện biết bao nhiêu, thì những kiểu làm ăn dựa vào cửa Phật để kiếm lợi đang khiến người ta cảm giác niềm tin của mình bị biến thành phương tiện lợi dụng và bị móc túi một cách công nhiên mà chẳng biết trách ai. [11] Các thành ngữ có chứa “ăn mày” còn mang nhiều hướng nghĩa phê phán, chẳng hạn như phê phán những người không ý thức được thân phận, hoàn cảnh của mình, trong điều kiện thiếu thốn nhưng lại đòi hỏi người khác một cách thái quá: Ăn mày đòi xôi gấc; lên án những kẻ đã quen thói nhờ vả, ăn bám người khác, được hưởng lợi nhiều lần nhưng vẫn muốn lặp lại hành động cũ mặc dù biết là không hay: Ăn mày quen ngõ; sự cảm thông chia sẻ cho những thân phận người nghèo khổ, cùng cực, gặp những hoàn cảnh éo le: Ăn mày đánh đổ cầu ao. 2.2.2. Ăn + cách thức Do điều kiện thiên nhiên và hoàn cảnh lịch sử dân tộc, mà việc ăn uống của nhân dân ta từ bao đời nay, có lẽ nét độc đáo nhất chính là tính thực tiễn trong quan niệm ăn uống. Đa số người dân Việt Nam, trong cuộc sống hàng ngày đều phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, phải kiên trì vật lộn mới giành được sự sống còn, chính vì lẽ đó việc ăn uống, trước tiên phải đảm bảo được sự sinh tồn của dân tộc. Cái hay, cái khéo trong ẩm thực, có thể xuất hiện ngay trong quá trình tồn tại của con người, sau đó mới trở thành nhu cầu thiết yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống. Cái nguyên tắc mà con người đều chấp nhận “ăn để mà sống, chứ không phải sống
  • 43. 38 để mà ăn” đã là nguyên tắc thiết thực nhất của người dân Việt Nam. Bởi vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, ông cha ta có khá nhiều suy nghĩ xung quanh vấn đề về “ăn”. Thông qua cách ăn, phương thức ăn đã nói lên được phần nào trình độ văn hóa, nhân cách con người và đặc biệt là rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống . Với kết cấu: Ăn + cách thức, ta có các kết hợp: ăn chực, ăn dở, ăn chịu, ăn đong, ăn gỏi, ăn liền, ăn ngọn, ăn sương, ăn tạp, ăn theo, ăn vã, ăn xổi, ăn dè, ăn vụng, ăn tục, ăn ghém… Các kết hợp trên khi đi với yếu tố ăn, nghĩa đen là chỉ hoạt động ăn uống của con người với các cách thức “ăn” gắn với thói quen sinh hoạt khác nhau, nhưng ở tầng nghĩa bóng, nhiều từ đã được chuyển nghĩa, dùng để chỉ đặc điểm tính cách, nhân cách, hành động của con người hoặc mang ý nghĩa đánh giá con người, thường với sắc thái ý nghĩa tiêu cực. Dựa trên nghĩa khái quát của cơ chế tạo nghĩa của “ăn” kết hợp với “cách thức” có thể chia ra thành các nhóm sau: a. Chỉ những tính cách tầm thường hay giả dối, lối sống tạm bợ Ăn kết hợp với các từ/tổ hợp từ đã tạo nên các từ ghép hoặc cụm từ như ăn xổi, ăn vã, ăn vụng, ăn tươi, ăn sống, ăn bốc… thông qua cách ăn, kiểu ăn, tư thế ăn, tác phong ăn đã bộc lộ nhân cách và phong thái con người. Ngoài mang nghĩa đen phản ánh cách thức ăn, nhiều từ đã chuyển nghĩa, phản ánh hành vi ứng xử, lối sống, nhân cách của con người. Ví dụ: - Xin thưa ngay là rất ngon, bao giờ “ăn vụng” cũng ngon hơn là ăn bình thường, ăn hợp pháp.[12] - Hết thời làm phim ‘ăn xổi’. [13] Từ các ví dụ trên cho chúng ta thấy, yếu tố “ăn” được kết hợp các từ chỉ cách thức ăn đã tạo nên những từ ghép biểu thị những khái niệm mới, phản ánh rất nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của người dân Việt. Từ “ăn vụng” vốn trước đây dùng để chỉ hành động ăn uống lén lút, vụng trộm khi người ta đói, nhưng nay đa phần được dùng theo nghĩa chuyển, nó thể hiện hành động lén lút, cố tình che
  • 44. 39 đậy vì muốn che dấu động cơ xấu xa; hoặc hành vi ngoại tình bên ngoài đời sống vợ chồng, trong đó tình dục chiếm phần quan trọng. Ví dụ: - Nỗi niềm thư ký trẻ "ăn vụng" với sếp [14] - Biết rõ chồng ăn vụng có con riêng 3 tuổi, vợ giả vờ làm ngơ, 4 năm sau mới "lật bài ngửa" khiến chị em chắp tay nể phục [15] - Chồng sốc nặng khi biết vợ 'ăn vụng' với 2 người đàn ông, còn có nhật ký ngoại tình .[16] - “Ăn vụng quên chùi mép”, chồng lộ bằng chứng ngoại tình không thể ngờ [17] - Chồng “ăn vụng” quá tinh vi [18] Khi hoạt động trong thành ngữ, “ăn vụng” đã tham gia tạo nên hướng biểu trưng của thành ngữ, chỉ những hành động lộ liễu, không biết che đậy, giấu giếm những hành vi sai trái của mình. Ăn vụng không biết chùi mép; Đói ăn vụng, túng làm càn, Ăn vụng quen mồm. Trong các ngữ cảnh có sử dụng thành ngữ này, ý nghĩa biểu trưng trên thể hiện rất rõ. Ví dụ: - Không cải cách tiền lương sẽ có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn” [19] - Và từ tham, khi tặc lưỡi cho qua “tham vặt”, chuyện nhỏ thôi mà, thì có thiếu mới vậy, “đói ăn vụng, túng làm càn”, nhưng rồi chính cái sự dung túng đó vô tình đã chấp nhận “văn hóa tham vặt”, mà tới lúc không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn, một nếp văn hóa xấu xí. [20] Từ “ăn xổi” vốn để chỉ cách “ăn ngay, không phải đợi chế biến lâu”, tuy nhiên trong đời sống ngôn ngữ hiện nay, từ “ăn xổi” thường được dùng với nghĩa phái sinh: muốn đạt được kết quả ngay vì nóng vội, nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn. Ví dụ: - Không thể xuất khẩu theo kiểu ăn xổi. [21]
  • 45. 40 - Khai thác rừng non chẳng khác gì bán lúa non, gỗ rừng trồng đang bị ăn xổi, hiệu quả kinh tế thấp. [22] - MV lên ngôi, nhạc Việt trở nên ăn xổi? [23] Thành ngữ tiếng Việt cũng có câu Ăn xổi ở thì để phê phán những kẻ chỉ làm việc qua loa nhưng muốn hưởng kết quả ngay, chỉ tính chuyện trước mắt, không tính chuyện lâu dài; những người nông nổi, thiếu kiên nhẫn, dễ dẫn đến thất bại trong công việc. Nghĩa biểu trưng trong thành ngữ cũng được thể hiện khá độc đáo trong các ngữ cảnh. Ví dụ: - Việc dàn dựng các tác phẩm dành cho thiếu nhi lâu nay luôn được làm theo lối “ăn xổi ở thì”, chộp giật và manh mún. [24] - “Chúng ta cần tránh ăn xổi ở thì, bán giá cao, bán cắt cổ làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch”,... [25] Người Việt cũng có một cách ăn nữa là “ăn tươi”, nghĩa đen để chỉ những loại thức ăn chưa qua nấu nướng. Khi tham gia hoạt động trong thành ngữ, cách “ăn tươi” ấy đã có sự chuyển nghĩa, góp phần tạo nên nghĩa của thành ngữ chỉ lối sống, cách sinh hoạt bừa bãi của con người, ví dụ: “Ăn tươi nuốt sống” (phê phán những kẻ có thói quen ăn uống xô bồ, sinh hoạt bừa bãi bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh). Khi đi vào ngữ cảnh cụ thể, “ăn tươi nuốt sống” còn chỉ hành động mang mục đích xấu xa, có ý đồ đen tối như hành vi bắt nạt hoặc chiếm đoạt. Ví dụ: - Ai yêu nhau cũng muốn “ăn tươi nuốt sống”? [26] - Mỗi lần nói chuyện bạn trai như muốn 'ăn tươi nuốt sống' tôi [27] Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng bắt gặp nhiều cách thức “ăn” khác (mà không thấy xuất hiện trong từ điển) như: ăn ngồm ăn ngoàm, ăn ngoàm ngoàm… để miểu tả các cách thức ăn uống suồng sã, tùy tiện, thiếu văn hóa, những cách ăn uống ấy được coi là những nét xấu trong sinh hoạt và cần phải tránh. Ví dụ: - Anh ăn ngoàm ngoạm. Trông thô bỉ quá. Rõ thật cái vẻ của một người cục súc. [2, Con mèo, tr.81]
  • 46. 41 - Độ chợ Bắc Qua chưa xây dựng lại, thường gặp mấy cô gái ngồi xổm ngay giữa nền chợ, ngả cái nón ra, bốc bún bằng tay chấm mắn tôm đựng trong cái chén mẻ cóc gặm, ăn ngấu nghiến, ăn nhồm nhoàm, rồi quẹt ngang,vừa đi vừa đánh đàn răng lách tách…. [ 23, Người Hà Nội ăn quà, tr.420] - Những đứa kia, ngồm ngoàm ăn thật nhanh hết phần của chúng rồi xúm lại xin Nhu. [ 2, Ở hiền, tr.238] Trong kết hợp từ, tiếng Việt còn có “ăn + cách thức” là ăn bốc, chỉ cách ăn dùng tay bốc thức ăn đưa thẳng lên miệng chứ không dùng đũa hay thìa, dĩa gắp, lấy thức ăn như thường thấy. Đây là cách sinh hoạt của một số ít tộc người thiểu số, được cho là kém văn minh và không đảm bảo vệ sinh, tuy nhiên, cũng chỉ cách ăn uống của một bộ phận người có thói quen ăn uống thô tục, xô bồ, lối sinh hoạt bừa bãi bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh. Khi hoạt động trong thành ngữ, những câu thành ngữ “ăn bốc đái đứng”, “ăn bốc ăn bải” cũng mang ý nghĩa phê phán những kẻ bần tiện, ăn uống thô tục. Có thể nói, ở nét nghĩa này ông bà ta đã lấy cái “ăn” để làm thước đo đánh giá con người. Ngoài ý nghĩa miêu tả thông thường, thông qua đó để phê phán những hành vi, lối sống hay nhân cách không phù hợp với chuẩn mực xã hội, bị xã hội lên án, tẩy chay. Có thể nói, sự kết hợp của yếu tố “ăn”: “ăn + cách thức” đã tạo ra rất nhiều từ mang nghĩa phái sinh, biểu thị những khái niệm mới. Thông qua cách thức ăn đã bộc lộ nhân cách và lối sống và cách ứng của mỗi con người. Các sắc thái nghĩa trong các thành ngữ ở nhóm này chủ yếu lên án, phê phán những tính cách, lối sống tầm thường hay giả dối, những thói hư tật xấu và những thói quen ăn uống, sinh hoạt bừa bãi, bẩn thỉu, mất vệ sinh của con người thông qua cách thức ăn. Điều đó góp phần khẳng định: Đối với người Việt, ăn uống là một thứ văn hóa nên đòi hỏi mỗi con người cần phải có sự ứng xử tinh tế, có văn hóa trong ăn uống cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Những lối sống giả dối, tạm bợ hay cách ăn uống, sinh hoạt bừa bãi, thiếu khoa học… đều không được xem là đáng phê phán, loại bỏ.