SlideShare a Scribd company logo
1 of 108
Người Đàn Bà Hạnh Phúc
Tác giả: Ang Son Yoo
Lời Nói Đầu
"Với bó hoa lòng biết ơn ,
tôi khiêm cung dâng tặng quyển sách nầy lên cho
Chúa và Cưú Chúa Giê-xu Christ ,
người bạn đời và người bạn đồng công
trọn đời của tôi ."
Cùng Quí Độc Giả Việt Nam
Kính Thưa Quí Thân Hữu và Tín Hữu Việt Nam:
Một trăm mười năm về trước, ở Đại Hàn không có một tín hữu Tin Lành nào
hết. Hầu hết dân chúng theo Khổng Giáo hoặc Phật Giáo. Nhưng ngày nay,
khoảng một phần ba dân tộc Nam Hàn tin thờ Chúa. Bảy trong số mười Hội
Thánh lớn nhất trên thế giới nằm ở Nam Hàn. Có khoảng 7,000 Giáo sĩ Tin
Lành người Đại Hàn đang truyền giáo tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Vì ảnh hưởng của cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và áp lực quân sự thường
xuyên của Bắc Hàn, các tín hữu Tin Lành ở Nam Hàn đã học cách nương
dựa nơi Chúa và hết lòng hầu việc Chúa. Họ thực sự xác tín Chúa Giê-xu là
Đấng sống và Ngài là Đấng không hề thay đổi.
Dù sự phát triển của Hội Thánh đang chậm lại do tình hình kinh tế trong
vòng mười năm qua, hầu hết các Hội Thánh vẫn giữ những buổi nhóm cầu
nguyện 5 giờ sáng của họ. Mức độ dự phần truyền giáo và dâng hiến của họ
vẫn được kể là đứng đầu giữa các Hội Thánh ở Á Châu.
Sau Thế Chiến Thứ hai, càng ngày càng có nhiều người Đại Hàn di cư đến
Hoa Kỳ. Đi đến đâu họ cũng thành lập Hội Thánh. Trong khi người tín hữu
Trung Hoa với gần 200 năm lịch sử đã thiết lập được khoảng 1,000 Hội
Thánh người Hoa tại Hoa Kỳ; tín hữu người Việt trên 25 năm lịch sử đã xây
dựng được hơn 200 Hội Thánh người Việt tại Hoa Kỳ; thì người Đại Hàn với
50 năm lịch sử đã xây dựng được hơn 4,000 Hội Thánh người Đại Hàn tại
Hoa Kỳ.
Người tín hữu Đại Hàn đã kinh nghiệm nhiều về Chúa. Họ đã nêu gương
sáng thờ phượng và hầu việc Chúa cho nhiều dân tộc trên thế giới. Chúng ta
có thể noi gương họ và cùng với họ hiệp tác hầu việc Chúa, đem Tin Lành
truyền bá khắp thế giới, để hoàn thành Đại Mạng Lịnh Chúa giao.
Tôi có may mắn hiệp tác với một số Hội Thánh và tín hữu Đại Hàn. Nay tôi
lại may mắn hiệp tác để chuyển ngữ quyển sách "Người Đàn Bà Hạnh Phúc"
của Nữ Mục sư Yoo, Ang Son, từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Tôi được khích lệ
rất nhiều khi đọc và dịch quyển sách nầy. Đây là quyển sách rất có giá trị vì
nó không phải là lý thuyết nhưng là kinh nghiệm thực tế. Đây là từng trải
của một người kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa giữa những khổ đau,
giống như từng trải của nhiều người Việt Nam trên con đường theo Chúa.
Tôi hết lòng giới thiệu quí độc giả Việt Nam quyển sách nầy và xin quí vị
tiếp tay giới thiệu quyển sách nầy cho nhiều người cùng đọc. Ước mong
Đức Chúa Trời dùng quyển sách nầy để dẫn quí vị đến nguồn hạnh phúc mà
chỉ có Chúa Giê-xu có khả năng ban cho những người đặt trọn niềm tin nơi
Ngài. Muốn thật hết lòng.
Chân thành cảm ơn quí vị.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ , Dallas .
Lời Tựa
Đề tài quyển sách nầy đang thu hút rất nhiều người.
Ai lại không muốn hạnh phúc?
Tác giả quyển sách nầy là một nữ Mục sư. Số phận của bà thật kỳ diệu. Khi
lên mười hai tuổi bà được kêu gọi để phục vụ những người già. Đời sống
của bà đầy dẫy những thăng trầm, ánh sáng và bóng tối, vui vẻ và buồn bã,
bình an và rắc rối. Bà đã từng trải tất cả trong suốt đời bà. Nhưng đời sống
bà cũng đầy dẫy sức sống thuộc linh. Bà vâng giữ giao ước của Đức Chúa
Trời. Trong Ngài bà đi theo những qui luật của tình yêu thương chân thật,
của sự thương xót và của sự trung tín là những điều làm nên người đàn bà
hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn noi theo và bắt chước đời sống của
những vĩ nhân. Bà Yoo, Ang Son là người đàn bà biết rõ sự thật về những
điều có thể thay đổi đồng thời cũng biết chấp nhận những gì không thể thay
đổi. Đức Chúa Trời đã ban cho bà ân tứ khôn ngoan để biết phân biệt giữa
hai điều nầy.
Ý tưởng về quyển sách nầy ra đời như thế nào? Tôi đã nghe về Mục sư Yoo,
Ang Son ở Nước Nga là nơi Hội Thánh Truyền Giáo Manna rất nổi danh
giữa vòng các tín hữu Tin Lành. Vào tháng Mười Một năm 1998 khi tôi đến
Hoa Kỳ, tôi có cơ hội dự nhóm ở Hội Thánh nầy. Tôi được khích lệ khi tôi
nghe bà rao giảng với quyền năng của ân điển, tình yêu và niềm hy vọng
trong tiếng nói của bà. Vào tháng Giêng năm 1999, tôi được mời đến nhà bà.
Chúng tôi thông công nhau cách ấm áp trong sự đầy dẫy Thánh Linh và ân
điển Chúa. Lúc đó có một số tín hữu của Hội Thánh đang có mặt. Khi tôi
nhìn bà Mục sư, tôi cảm thấy như Đức Thánh Linh đang phán với tôi rằng bà
phải kể lại cho mọi người trên thế giới về bà. Tôi không biết gì hết về câu
chuyện đời bà. Tôi đã nghĩ về những phụ nữ Nga, những buồn đau, khó
khăn và đời sống vô vọng của họ. Tôi nói, "Mục sư ơi, xin hãy viết một
quyển sách cho những phụ nữ Nga về cách nào bà đã trở thành một người
đàn bà hạnh phúc. Ở Nga những người bị áp bức nhiều nhất là người phu nữ.
Bà phải kể cho họ nghe cách làm thể nào để họ cũng có thể trở thành những
người hạnh phúc. Tôi bắt đầu nói và nhấn mạnh cách tha thiết dường như có
Ai đó đang nói qua tôi. Bà Mục sư chỉ lắng nghe tôi và mỉm cười khi tôi tiếp
tục thuyết phục bà viết quyển sách nầy. Và, một phép lạ xảy ra! Sau ba
tháng, quyển "Người Đàn Bà Hạnh Phúc" đã được viết ra, xuất bản bằng
tiếng Đại Hàn và đã dược dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga.
Quyển sách "Người Đàn Bà Hạnh Phúc" cung cấp con đường dẫn đến dòng
sông hạnh phúc đồng thời đem lại hy vọng và niềm tin rằng chỉ có tình yêu
của Đấng Christ và Đức Chúa Trời mới có thể làm cho một người hạnh
phúc. Tôi tin rằng quyển sách nầy sẽ dẫn dắt nhiều người đàn bà bất hạnh
đến cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là nguồn gốc thực sự của hạnh phúc. Hội
Thánh Truyền Giáo Manna đã hưởng ứng sự kêu gọi cao cả của Đức Chúa
Trời. Ngợi khen Chúa.
Tháng Hai năm 1999
Svetlana Nemchevska
Phóng viên Truyền Thanh và Truyền Hình
Nga và Hoa Kỳ.
Mời bạn đến “Dòng sông Hạnh phúc"
Ngày nay khi nhìn lại cuộc đời 75 tuổi của tôi, tôi muốn mời quí độc giả hãy
đến với cái nguồn mạch của niềm vui chân thật vốn đã khiến tôi trở thành
người đàn bà hạnh phúc nhất thế giới!
Tôi muốn giới thiệu bạn đến với Ngài, là Đấng đã ban phước cho tôi trước
khi tôi lọt lòng mẹ. Ngài cũng là Đấng chẳng bao giờ thất hứa.
Ngài đã chẳng bao giờ để cho tôi sống trong đói khát, trần truồng hay không
nhà không cửa. Ngài đã luôn luôn bồng ẳm tôi khi tôi cô đơn, thương tổn
hay khóc than.
Ngài đã nói chuyện với tôi, luôn luôn với lời nói yêu thương, an bình và an
ủi. Ngài đã đi với tôi trong những đường hầm tối tăm của cuộc đời. Ngài đã
hứa ban cho tôi sự sống vĩnh cửu cũng như sự hiện diện của Ngài trên thế
giới nầy.
Ngài nắm tay dắt tôi lên tận đỉnh núi. Ngài bảo vệ tôi và trở nên nơi ẩn náu
của tôi.
Nếu tôi có một lời ước trước khi chấm dứt cuộc đời, thì đó là lời ước được
mời bạn đến cùng dòng sông hạnh phúc nầy và bạn được đích thân gặp
Ngài. Tôi cầu mong bạn bước vào con thuyền tình yêu đẹp đẽ của Ngài mà
Ngài đã chuẩn bị cho bạn từ lâu. Tôi cầu mong bạn đồng hành với Ngài từ
nay cho đến đời đời.
Ang Son Yoo
Tháng Hai, 1999
Mười Hai Giỏ Đầy Hạnh Phúc
Giỏ Đầy Thứ Nhất Phước Lành Của Gia-cốp
Giỏ Đầy Thứ Hai Người Tôi Gặp
Năm Hai Mươi Ba Tuổi
Giỏ Đầy Thứ Ba Tha Thứ Và Lại Tha Thứ
Giỏ Đầy Thứ Tư Con Có Thật Lòng
Yêu Ta Chăng?
Giỏ Đầy Thứ Năm An Ủi Kẻ Hèn Mọn
Giỏ Đầy Thứ Sáu Tôi Nghĩ Mọi Sự
Đều Là Của Tôi
Giỏ Đầy Thứ Bảy Thấp Hèn Nơi Đồng Vắng
Giỏ Đầy Thứ Tám Con Có Thể Nào Đi Qua
Trũng Tội Lỗi Chăng?
Giỏ Đầy Thứ Chín Và Rồi, Sau Đó
Giỏ Đầy Thứ Mười Mang Những Quả Thật Đẹp
Giỏ Đầy Thứ Mười Một Người Đàn Bà Gieo Giống
Giỏ Đầy Thứ Mười Hai Chén Tôi Đầy Tràn
Giỏ Đầy Thứ Nhất: PHƯỚC LÀNH CỦA GIA-CỐP
Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi
Qua Trũng Bóng Chết
Giỏ Đầy Thứ Nhất
Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông nội tôi còn sống là lúc ông đang nằm trên
giường tại phòng mình. Tôi ra khỏi phòng ông nội và vào phòng mình để
ngủ. Nhưng vào lúc tôi sắp thiếp đi thì có tiếng ai đó la lên, "Ông nội qua
đời rồi!" Cả nhà tôi khóc. Tôi nhảy ra khỏi giường và chạy đến phòng của
ông.
Một tấm vải trắng được phủ lên thi thể của ông nội tôi, người hết lòng
thương yêu tôi. Chỉ mới đây thôi, ông còn đặt một tay lên đầu tôi, còn tay
kia giơ qua khỏi đầu mình và nói điều gì đó mà tôi không thể hiểu. Rồi ông
bảo, "Ang Son, bây giờ cháu về ngủ đi."
Tôi vẫn còn cảm thấy bàn tay run run và giọng nói yếu ớt của ông ở gần tôi
lắm. Tôi không tin rằng ông nội đã chết.
Khi ông nội còn sống, ông rất yêu thương tôi. Tôi khóc lớn và nói rằng, "Tại
sao ông nội qua đời mà không phải là bà nội?" Rồi tôi lại khóc.
Cả làng ai cũng biết ông nội rất thương tôi. Ông bồng ẵm tôi từ khi tôi còn
nhỏ, đã được gần mười năm từ lúc con trai trưởng của ông (là cha tôi) lập
gia đình. Ông nội đặt cho tôi cái tên độc nhất vô nhị, "Ang Son" nghĩa là
"con của chim sơn ca." Đây là một loài chim đẹp trên thế giới thuộc họ này.
Ông rất sung sướng khi đặt cho tôi cái tên như thế.
Mẹ tôi là con dâu đầu tiên của ông nội tôi. Bà đi đến một ngôi làng khác, cải
trang để đi tới một Shaman (nơi cử hành nghi thức tôn giáo của người đa
thần) để nguyền rủa cái tên "Ang Son" vì bà rất ghét cái tên đó. Một ngày
nọ, ông nội về nhà với bàn tay đầy máu, ông đã dùng tay không đánh vào
một thân cây. Sau đó, ông nói với gia đình là ông không thể tiếp tục sống
chung với người con dâu thờ lạy hình tượng. Ông thu dọn đồ đạc và đi lên
Seoul, nơi con trai thứ hai của ông đang sống. Trước khi ông qua đời, ông
gọi cha tôi, lúc đó đang ở Wonsan, bảo đem tôi lên Seoul. Cha tôi xin phép
trường học của tôi và đưa tôi lên Seoul bằng xe lửa.
Khi thấy tôi, cô tôi hét to lên, "Ang Son tới rồi!" Ông nội tôi bình thường
vốn im lặng, nhưng hôm đó ông đã kêu lớn tên tôi và cười rất tươi.
Vào đêm thứ ba ở Seoul, lúc tôi đang ngủ thì cha tôi đánh thức tôi dậy và
đưa tôi đến phòng ông nội. Khi tôi bước vào phòng với đôi mắt còn mơ ngủ,
ông nội bảo mọi người trong nhà đi ra để tôi ở lại. Trong căn phòng hầu như
trống trải, ông nội yên lặng nhìn tôi với cái nhìn trìu mến. Lúc đó, tôi vẫn
còn nửa mê nửa tỉnh nên không biết chuyện gì đang xảy ra. Một lúc sau, ông
đặt bàn tay yếu ớt của mình lên đầu tôi, còn tay kia giơ lên cao. Ông bắt đầu
nói chuyện "với một người nào đó," và tôi không biết đó là ai. Tôi vẫn còn
buồn ngủ. Tôi định hỏi ông là," Ông ơi, ông đang làm gì vậy?" Nhưng tôi
chưa kịp hỏi thì ông đã nói với giọng run run rằng, "Ang Son ạ, xong rồi
cháu. Bây giờ, cháu có thể về phòng ngủ." Tôi gật đầu, mắt mở một cách
khó khăn. Tôi đứng dậy và rời phòng ông nội.
Và tôi, đứa bé gái 12 tuổi trong bộ đồ tang "ricksha," đứng đó trong dòng
người đến viếng lễ tang ông nội. Tôi miên man suy nghĩ và tò mò về những
điều mà ông nội đã nói và làm năm ngày trước đó. Tôi tiếc vì đã không hỏi
ông những điều đó có ý nghĩa như thế nào. Suốt đám tang, tôi khóc trong
niềm thương tiếc khôn nguôi vì biết mình sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa.
Ông nội thương yêu tôi lắm. Và mọi ký ức này dường như mới chỉ xảy ra
hôm qua mà thôi.
Tôi nay đã 75 tuổi. Giờ đây, khi nhìn lại quãng đời của mình, tôi hiểu ra điều
ông nội tôi đã làm vào buổi tối hôm ấy.
Ông đã đặt tay lên tôi và chúc phước cho tôi, đứa cháu gái mà ông rất mực
yêu thương. Đó là những ơn phước mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Giờ đây, đứa cháu gái đó đã lớn, gần bằng tuổi của ông nội lúc đó. Và tôi đã
nhận biết những ơn phước vô cùng quý giá mà ông đã chúc lành cho tôi
nhiều năm về trước.
Tình yêu bao la của ông nội xuất phát từ đâu? Tình yêu mà bằng một chút
hơi tàn của mình, ông đã dốc đổ ra cho tôi? Ông biết rằng những điều ông có
đến từ Đấng là nguồn của mọi phước lành.
Đó là lý do tại sao ông nội đợi tôi đến và bằng hơi thở cuối cùng của mình,
ông đã cầu xin Đấng ấy chăm sóc đứa cháu yêu dấu của mình. Và Đấng đã
nhậm lời cầu xin của ông nội thật đã nắm tay đứa bé gái ấy và đồng đi với cô
trong suốt 75 năm qua.
Qua Trũng Bóng Chết
Ông nội tôi, người đã đưa tôi đến với Đấng là nguồn của mọi phước lành,
khi còn trẻ đã gặp một nhà Truyền giáo người Mỹ, lúc Đại Hàn đang ở dưới
triều đại nhà Lee. Sau đó, ông đã cắt đi búi tóc của mình và hằng ngày theo
chân nhà Truyền giáo ấy đi khắp mọi nơi. Cha mẹ của ông vốn cực kỳ bảo
thủ, đã rất tức giận vì nghĩ rằng đứa con thứ tư của mình đã bị ma quỷ
phương Tây ám. Vì lẽ đó, gia đình đã từ ông. Ông đã tự bươn chải kiếm
sống và đã trở thành bác sĩ Đông Y ở Wonsan, Bắc Hàn. Ông trở thành vị
Trưởng lão thứ nhất của nhà thờ Tin Lành đầu tiên trong thành phố.
Sau đó, ông đã cùng vợ và hai con trai lánh sang Trung Quốc vì ông phản
đối việc thờ lạy hình tượng Hoàng Đế dưới quyền lực của người Nhật. Ông
mở phòng khám Đông Y và trở nên giàu có. Ông đã hỗ trợ tài chính cho
chính quyền lâm thời Đại Hàn tại Thượng Hải, Trung Quốc, lúc đó đang
trong tư thế chuẩn bị giành độc lập. Ông đi đến nhiều thành phố của Trung
Quốc và thành lập nhà thờ ở đó. Nhiều người đã kể lại, có vô số bệnh nhân
đã được chữa lành khi được bàn tay ông nội chạm đến. Tiếng lành đồn xa, và
ông luôn bận rộn với bệnh nhân đến từ khắp nơi xa gần trong cả nước.
Cha tôi tốt nghiệp trường Đại Học Meigi nổi tiếng ở Nhật Bản và quyết định
theo gương của cha ông, tức ông nội tôi, là người căm ghét người Nhật vì sự
thờ lạy hình tượng của họ. Cuối cùng, cha tôi mở tiệm kinh doanh dược thảo
Đông Y. Sau khi Đại Hàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân
Nhật, ông trở thành Thị trưởng của thành phố Wonsan. Ông cưới mẹ tôi, và
tôi chào đời vào ngày 10 tháng Ba, 1924.
Trong những năm tháng đi học, tôi rất hay mắc cỡ, chủ yếu là vì cái tên độc
nhất vô nhị mà ông nội đã đặt cho tôi. Vì cái tên ấy mà có một lần, trong lúc
điểm danh, giáo viên đã kêu tôi đứng dậy.
Tôi lớn lên trong môt gia đình đầy tình yêu thương. Là con một của một gia
đình giàu có, tôi được dành trọn mọi sự quan tâm chăm sóc. Tôi tốt nghiệp
phổ thông Trung học ở trường Luci, nằm gần bãi biển tuyệt đẹp ở Wonsan;
và sau đó tốt nghiệp Đại Học Nữ Ehwa sau khi học xong Kinh Tế Đối Nội.
Năm tôi tốt nghiệp Đại học (lúc đó tôi 20 tuổi), chú tôi, Tiến sĩ Sukchan
Yoo, giới thiệu tôi với ông Jin Ho Kim. Ông Jin Ho Kim đã học quản trị
kinh doanh tại Đại Học Meigi, Nhật Bản. Chúng tôi cưới nhau cũng vào năm
ấy.
Khi tôi đang sống ở Wonsan, Bắc Hàn, thì quốc gia đang ở trong giai đoạn
cực kỳ rối ren dưới sự cai quản của Liên-xô và Mỹ. Chồng tôi phải ngưng
việc kinh doanh và đi xuống miền Nam.
Chồng tôi một mình ra đi vào tháng năm, 1947, hứa sẽ sớm trở về với gia
đình. Hoàn cảnh ngày càng trở nên tồi tệ và tôi buộc phải đi xuống miền
Nam cùng với hai đứa con còn nhỏ của mình.
Đứa con đầu lòng của tôi được người dẫn đường cõng trên lưng, còn tôi
cõng đứa bé hơn. Chúng tôi phải trèo lên núi Odai trong bóng tối dầy đặc.
Tôi chưa từng đi bộ một mình trong ban đêm bao giờ. Tôi không thể kiểm
soát đôi chân đang run lẩy bẩy của mình. Tôi tự hỏi, "Làm sao mình có thể
qua nổi cái dốc núi này với đứa con trên lưng trong đêm tối mịt mùng như
thế ?"
Tôi nghe nói ngọn núi này nổi tiếng có nhiều rắn độc. Tim tôi đập mạnh
trong nỗi sợ hãi và tuyệt vọng cùng cực khi tôi cất bước trong bóng đêm mù
mịt ấy. Bất thình lình, tôi nhìn thấy ánh sáng.
Đó là một thứ ánh sáng rất đặc biệt. Nó giống như tia sáng phát ra từ cây đèn
pin và dẫn tôi đi từng bước một. Tôi không nhìn thấy môt cái gì ngoại trừ
bước đi kế tiếp mà tôi sắp sửa bước.
Cả vùng núi tối đen như mực, ấy thế mà tia sáng nhỏ bé ấy, cùng với gang
bàn chân tôi đã chỉ đường cho tôi, chính xác chỗ tôi cần phải bước. Tia sáng
này từ đâu ra nhỉ? Ai đang làm việc này? Nếu quân đội Bắc Hàn phát hiện ra
chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ bị giết. Vào thời điểm ấy, sự sống của tôi
không nằm trong tay tôi nữa. Nếu như đứa con nhỏ tôi đang cõng cất tiếng
khóc thì… Ấy thế mà nó đang ngủ rất say trên lưng của tôi. Ai là người đang
giúp tôi bước qua trũng bóng chết?
Chúng tôi đi bộ, rồi leo núi suốt đêm, và cuối cùng thì tới được bờ sông
Imjn. Nấp mình trong bụi cây, chúng tôi chờ cho đến khi trời sụp tối trở lại.
Cuối cùng, có một chiếc thuyền cập vào bờ sông. Những người lánh nạn
xuống miền Nam ra khỏi những bụi cây và lẳng lặng bước xuống thuyền.
Người dẫn đường với đứa con nhỏ của tôi trên lưng cùng tôi cũng bước
xuống thuyền.
Đúng lúc ấy, một giọng nói thấp cùng với tiếng suỵt vang lên từ phía sau
lưng tôi, "Tất cả sẽ chết nếu đứa bé này khóc, hãy ra khỏi thuyền đi!" Chúng
tôi đã leo núi suốt đêm với ước mong được vào thuyền. Điều này có nghĩa là
chúng tôi đang cầm chắc cái chết trong tay. Chúng tôi khóc và nài nỉ xin
được vào thuyền, và người đàn ông nói, "Tôi sẽ để bà lên nếu bà liệng hai
đứa trẻ xuống sông."
Làm sao tôi có thể giết con để cứu lấy mạng sống của mình? Những con mắt
trên thuyền làm tôi hoảng sợ. Rốt cuộc, họ đẩy người dẫn đường và tôi ra
khỏi thuyền và rời bến.
Chiếc thuyền bắt đầu băng qua sông, bỏ lại chúng tôi đằng sau. Tôi khóc với
tấm lòng buồn bã và sự đau đớn tột cùng. Người dẫn đường bảo tôi đi dọc
theo con sông, tìm chỗ cạn và hẹp đủ để có thể băng qua. Chúng tôi đi bộ hai
mươi phút trong sự tuyệt vọng hoàn toàn.
Thình lình, tôi nghe tiếng súng máy chát chúa vang lên từ đàng sau. Chúng
tôi vội tìm chỗ trốn và nhìn lại hướng bờ sông. Một số đông quân lính đang
bắn xả vào chiếc thuyền, lúc bấy giờ đã đi được nửa đoạn đường. Một vài
phút sau, chiếc thuyền chìm xuống cùng với tiếng la khóc thảm thiết của
những người trong thuyền ấy. Dòng sông tỉnh lặng trở lại, một lần nữa sự
chết đã kề cận tôi.
Tôi không tài nào nhấc chân lên nổi sau khi chứng kiến những gì vừa xảy ra
ngay trước mắt. Ai đã giải cứu tôi khỏi cái chết khủng khiếp này? Người cứu
tôi dường như đã biết trước tất cả những việc sắp xảy ra. Ai đã đem tôi ra
khỏi những giây phút hiểm nghèo đó?
Những hòn đá phủ đầy rêu khiến lòng sông vô cùng trơn trợt. Người dẫn
đường phải lấy dây rơm cột chặt những đôi giày cao su của chúng tôi lại để
phòng khi chúng tôi trợt chân khỏi những hòn đá ấy. Tôi bước chầm chậm
theo người dẫn đường. Đầu tháng Năm, nước sông lạnh buốt. Càng lúc, sông
trở nên sâu hơn và nước dâng lên tới ngực tôi; con tôi ở đàng sau thì nước đã
ngập qua khỏi lưng gần tới cổ. Tôi cố vươn mình càng cao càng tốt bằng
cách đi nhón gót. Nhưng dòng nước chảy mạnh khiến tôi không thể bước
thêm một bước nào nữa. Tôi tự nhủ, "Mình sẽ chết chìm thôi."
Chính vào lúc ấy, một người nào đó nhẹ nhàng nâng đôi vai tôi lên, và tôi
biết chắc rằng chân tôi không còn đụng đáy sông nữa. Ai đã nâng cánh tay
và đôi vai tôi lên để tôi có thể vượt qua dòng nước tối đen ấy?
Tôi không biết Đấng cứu mạng sống tôi, con tôi và người dẫn đường khỏi
những tình thế nguy nan và những nỗi ưu phiền là ai. Nhưng ba năm sau, tôi
đã khám phá ra Đấng ấy khi tôi gặp Ngài trên đường đi tị nạn lúc cuộc chiến
tranh Đại Hàn diễn ra. Chính Ngài đã giải cứu tôi khỏi những tình thế tưởng
chừng đã bế tắc.
Rốt cuộc, chúng tôi tới được Seoul và gặp chú tôi, Tiến sĩ Sukhan Yoo, đang
tiếp tế cho người nghèo tại dưỡng đường Nhân Dân của ông. Vào lúc ông
nghĩ rằng đứa cháu gái của mình đã chết, thì tôi bước vào cùng với hai đứa
con nhỏ. Chú tôi và chồng tôi khóc lên vì sung sướng.
"Ôi! Ang Son, nếu cháu có mệnh hệ gì thì làm sao chú dám gặp mặt ông nội
của cháu đây?" Ông cầm tay tôi và khóc rất nhiều. Sau chiến tranh Triều
Tiên, chú tôi mua một mảnh đất ở Seoul và dự trù xây một bệnh viện. Nhưng
cuối cùng ông đã quyết thực hiện theo di chúc của ông nội.
Việc giáo dục thế hệ trẻ là một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với tương lai của
Đại Hàn. Vì thế ông mở trường dạy kinh tế chính trị, và đây chính là cơ sở
cho sự ra đời của trường Đại học Kunkook. Sau này chồng tôi, lúc đó đã có
công việc kinh doanh của riêng mình, đã cùng chú tôi mua bảy trăm mẫu đất
ở ngoại ô, thành lập trường Đại học Kunkook (mang ý nghĩa xây dựng đất
nước.)
Chồng tôi vừa là Giám đốc Điều hành, vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị
cho đến khi ông mất vào tháng 12, 1968. Chú tôi, Tiến sĩ Yoo được Tổng
Thống Đại Hàn ban tặng huân chương vì sự đóng góp của ông cho sự nghiệp
giáo dục ở Đại Hàn. Ông là tác giả của quyển sách nổi tiếng "Cuộc Cách
Mạng Thầm Lặng," sau này đã trở thành nền tảng cho quyển "Phong Trào
Mới Ở Làng Xã" của Tổng Thống Park Chung Hee.
Chú thích :
Phần chú thích này nhằm giúp cho độc giả nắm rõ về các con của Mục sư
Yoo được đề cập tới trong sách. Bà có cả thảy bảy người con. Con đầu lòng
của bà là bé trai được người dẫn đường cõng trên lưng, cháu đã qua đời ở
Seoul khi chưa đầy một tuổi. Người con thứ nhì là bé gái mà bà cõng lúc
vượt sông. Hiện giờ, cô đang sống ở Los Angeles. Người con thứ ba là bé
gái đã qua đời lúc chín tuổi vì bệnh bạch hầu. Người con thứ tư được sinh ra
trong khoảng thời gian tị nạn và hiện giờ đang sống ở Los Angeles. Người
con trai thứ năm đang sinh sống ở San Diego, California. Người con gái thứ
sáu của bà về sau đã qua đời ở Los Angeles. Và người con trai thứ bảy hiện
đang định cư ở Los Angeles, Hoa Kỳ.
Giỏ Đầy Thứ Hai: NGƯỜI TÔI GẶP NĂM HAI MƯƠI BA TUỔI
Đường Tới Trại Tị Nạn
Bình Minh Của Tuổi Hai Mươi Ba
Bà Điên Từ Seoul Đến
Một Trái Nhỏ Đường Tới Trại Tị Nạn
Sau khi sống được ba năm ở Seoul trong suốt cuộc Chiến tranh Triều Tiên,
vào tháng Sáu năm 1950, tôi đi lánh nạn ở Bugok, cách Seoul 25 dặm về
phía Nam.
Ngày 31 tháng Mười Hai, 1950, con trai thứ hai của tôi chào đời. Một vài
ngày sau, ngày 4 tháng Giêng, tôi phải đi tị nạn vì quân đội Trung Hoa bắt
đầu dính líu vào cuộc chiến Triều Tiên.
Đó là một ngày mùa đông trời rét mướt, và tôi phải ra đi với đứa con mới
chào đời được vài ngày của mình. Cha tôi phải ở lại Bugok để chăm sóc bà
nội tôi, lúc ấy đã 91 tuổi.
Tất cả những người còn lại trong gia đình đều phải đi tìm chỗ lánh nạn. Khi
quân đội Trung Hoa kéo đến Bugok, cha tôi đã làm thông dịch cho cả làng vì
ông nói thạo tiếng Trung Quốc; nhờ vậy mà cả làng thoát chết.
Tôi rời khỏi Bugok bằng xe bò. Tôi nung một hòn đá lớn để tôi và hai con
ngồi lên cho ấm. Tôi cắm bốn khúc cây ở bốn góc chiếc xe kéo và phủ lên
đó một cái mền để che cho bớt lạnh, dầu vậy tuyết vẫn cứ len vào căn lều
nhỏ xíu ấy của chúng tôi.
Cha tôi đã khóc lóc thảm thiết vì không có dấu hiệu nào đảm bảo cho sự trở
lại của đứa con gái của mình. Cô mới vừa sanh con được vài ngày! Thời tiết
tháng Giêng ở Đại Hàn lúc nào cũng giá rét. Trời rét buốt và chúng tôi cảm
thấy sợ hãi và tuyệt vọng.
Tôi thấy nhiều xác chết bên đường, hoặc chết vì đạn của quân lính hoặc chết
vì lạnh. Có nhiều vết máu trải dài trên tuyết trắng. Tôi ôm chặt lấy đứa con
mới được bốn ngày tuổi của mình. Tôi run rẩy trong cái lạnh kinh hồn của
mùa đông, còn hàm răng thì đánh lập cập một cách không thể kiểm soát.
Dường như chúng tôi đã ngồi trên chiếc xe lắc lư ấy đã lâu lắm.
Rốt cuộc, chúng tôi tới một ngôi làng nhỏ bé tên là Donjitgol, nằm trên
đường dẫn tới thành phố Suwol. Tôi muốn dừng lại ở một quán trọ để được
sưởi ấm nhưng bị từ chối vì tôi có quá nhiều con nhỏ. Tôi chỉ biết đứng
ngoài cửa mà khóc. Rồi thì có ai đó bảo tôi đến xin trọ ở ngôi nhà bán gạo
cũng nằm trên con đường đó.
Tôi nài nỉ chủ quán xem chừng mấy đứa con của tôi một lúc để tôi đi đến
cửa hàng gạo. Tôi đến và gõ cửa nhưng không thấy ai lên tiếng. Mặt trời
mùa đông ngắn ngủi đã sắp sửa khuất bóng. Tôi nghĩ mình sẽ chết cóng
cùng với đứa con của mình. Vào chính lúc ấy, đứa con đang ngủ trong lòng
tôi thình lình khóc ré lên một cách khác thường. Cánh cửa mà nãy giờ vẫn
khóa chặt trước những cú nện thình thịch của tôi cuối cùng đã cót két mở ra.
Một bà cụ già ló đầu ra khỏi cánh cửa. Trông bà có vẻ phúc hậu. Bà nói,
"Đứa bé mới sinh à? Chị đi tị nạn sao?" "Con dâu tôi cùng cháu tôi cũng đã
đi tị nạn. Tôi cứ tưởng như cháu tôi đã quay về."
Rồi bà nói, giọng nghẹn ngào,"Chị hãy vào đây."
Bà nói với tôi rằng bà chưa hề mở cửa cho bất kỳ người tị nạn nào, dù trời
có giá lạnh bao nhiêu đi chăng nữa. Tâm hồn của bà cụ lạnh lùng và băng
giá cũng giống như mùa đông vậy. Nhưng lần này, ai đã làm cho tấm lòng ấy
tan chảy để bà có thể mở cửa nhà mình ra cho tôi?
Tôi bước vào một căn phòng nhỏ, ấm áp và đặt con tôi nằm trên một cái
mền. Nó thôi khóc và ngủ thiếp đi. Bà cụ đem cho tôi bữa ăn tối nhưng tôi
không thể ăn vì mãi lo cho hai đứa con mà tôi đã để lại quán trọ. Tôi kể lại
toàn bộ câu chuyện cho bà cụ nghe và bà nói, "Chị đem mấy đứa kia lại đây
luôn đi." Tức thì, tôi phóng ra cửa và chạy tới quán trọ. Có đến hơn ba mươi
người đang chen chúc trong căn phòng chật hẹp. Tôi thấy hai con tôi đang
đứng ở góc phòng trong nước mắt và sợ hãi. Tôi đưa chúng về nhà bà cụ.
Không biết bao nhiêu người đã bị chết cóng. Nhưng ai đã quan tâm săn sóc
tôi? Ngôi nhà này vốn là nơi bán gạo trước khi chiến tranh bùng nổ, vì thế
bà cụ luôn có đủ gạo để ăn, còn căn phòng thì lúc nào cũng ấm cúng. Tôi cứ
luôn tự hỏi ai đang chăm sóc tôi giữa một nơi bị chiến tranh tàn phá như thế
này.
Tôi ở lại nhà bà cụ trong nhiều ngày. Tôi sửa soạn nhanh những buổi cơm
trưa cho những người lính đi ngang qua nhà. Tôi trở nên giống như con dâu
của bà cụ. Tôi chăm sóc bà và trông coi nhà cửa với tất cả tấm lòng của
mình. Tôi còn may đồ cho bà bằng chiếc máy may mà một người tị nạn đã
đưa cho bà để đổi lấy gạo và lúa mạch. Bà cụ rất sung sướng khi thấy bộ đồ
tôi may cho bà.
Mùa xuân đến cũng là lúc hòa bình trở lại mang theo những tin tức về việc
ngừng bắn. Tôi muốn rời khỏi nhà bà cụ đã tiếp đãi tôi cùng các con tôi vô
cùng tử tế. Nhưng tôi không thể ra đi cùng hai con nhỏ và đứa bé mới sinh
trên lưng. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại thở dài và nôn nóng về nhà. Và đến một
ngày, một bàn tay cứu giúp xuất hiện. Đó là những người lính mà nhiều lần
tôi đã nấu cơm trưa cho họ ăn. Họ vui mừng được trả ơn tôi bằng cách cõng
hai đứa con tôi trên lưng.
Ngày khởi hành đã tới. Bà cụ rất buồn khi thấy chúng tôi ra đi nên xin chúng
tôi nán lại thêm một ngày nữa. Tôi không thể nói lời từ chối với bà và để bà
lại một mình nên chúng tôi ở lại nhà bà thêm một đêm nữa.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã bà cụ đáng mến ở làng Dongjitol để trở
về Bugok. Đi bộ được nửa ngày thì chúng tôi đến chợ Balahn. Chúng tôi để
ý dường như nó bị bỏ trống và không có một bóng người nào ở đó cả. Một
ông cụ trong làng đã rướm nước mắt khi cho chúng tôi hay là tất cả phụ nữ
trong làng đều đã bị quân địch hãm hiếp khi chúng rút quân. Tôi thấy những
chiếc ủng cao su phụ nữ nằm rải rác trên mặt đất. Một lần nữa, tôi dâng lên
những lời cảm tạ đầy nước mắt.
Nếu tôi đi khỏi làng sớm hơn một ngày, thì tôi đã trở thành một trong những
nạn nhân rồi. Tôi ở lại làng một đêm để bình tĩnh trở lại. Tôi lại đặt câu hỏi,
"Ai đã luôn bảo vệ và cứu giúp tôi trong những hoàn cảnh hiểm nguy và
kinh khiếp này?" Tôi cứ trằn trọc suốt đêm với câu hỏi ấy và đến gần sáng
mới có thể chợp mắt được.
Khi chúng tôi về tới con đường làng của Bugok, một người đàn bà biết tôi
đã chạy đến nhà cha tôi và hét ầm lên, "Ang Son đang về đến, cô ấy và lũ trẻ
vẫn còn sống."
Cha tôi nghĩ tôi và các con tôi đã chết trên đường đi lánh nạn. Ông chạy
chân không đến và giang tay ôm chầm lấy tôi; ông khóc như một đứa trẻ.
Ông không thể nào tin rằng không một ai trong chúng tôi bị thương và
chúng tôi đều còn sống khoẻ mạnh. Chồng tôi, trước đó chia tay chúng tôi
để đi lánh nạn, giờ đây từ Busan đã trở về. Hai tháng sau, chồng, chú và cha
tôi cùng lên Seoul để phát triển dự án xây dựng một Trường Đại Học. Tôi ở
lại Bugok với các con vì Seoul vẫn còn là một thành phố hoang tàn và đổ nát
do hậu quả của chiến tranh.
Buổi Bình Minh Của Tuổi Hai Mươi Ba
Một ngày đầu hè, khi tôi đang ngồi nghỉ trên đồng lúa thì có một người phụ
nữ trẻ đến gần. Bà mặc một chiếc áo jogori trắng (áo truyền thống Đại Hàn
của nữ giới) và một chiếc chima đen (loại váy đặc thù của Đại Hàn.) Quần
áo của bà trông gọn gàng và sạch sẽ, bà không giống như một phụ nữ nhà
quê. Bà ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu nói về những chuyện lặt vặt. Rồi bà
hỏi tôi có biết bài hát, "Tôi nghe Chúa Cứu Thế phán sức lực của con thật
nhỏ mọn thay" hay không? Tôi ghét cay ghét đắng sự nhã nhặn của bà ấy.
Dẫu đang sống tị nạn ở nông thôn, nhưng từ nhỏ tôi đã đi nhà thờ và thậm
chí đã tốt nghiệp Đại Học (vốn là một điều hiếm thấy, nhất là đối với phụ nữ
vào thời ấy.) Tôi không hề giống như những phụ nữ quê mùa như bà ấy nghĩ.
Nhưng vì phép lịch sự, tôi đã hát bài Thánh ca đó.
Bà ấy quan sát tôi một cách tỉ mỉ và xin tôi hát lại một lần nữa, và trong lúc
hát thì suy nghĩ về ý nghĩa của lời bài hát. Tôi tự nhủ, "Tại sao bà ấy lại yêu
cầu mình làm việc này nhỉ?" Hát là hát chứ có khác gì đâu. Tôi cố che giấu
lòng kiêu hãnh của mình. Nhưng có một cảm giác không thể cưỡng lại được
đã khiến tôi mở miệng hát và chiêm nghiệm ý nghĩa của bài hát đó. Tôi hát
nhiều lần liên tục và một lúc lâu sau, niềm kiêu hãnh của tôi bị chế ngự,
nước mắt tôi bắt đầu lăn dài trên má.
Tôi suy nghĩ đến đất nước đang đau khổ vì chiến tranh. Tôi cảm thấy mình
thật nhỏ bé và yếu ớt giữa tất cả những nỗi đau thương này. Trong suốt cuộc
đời ngắn ngủi, nhiều lần cái chết chỉ cách tôi trong gang tấc. Tôi suy nghĩ và
biết rằng tôi không còn ở đây nếu không có một người nào đó ra tay giúp đỡ.
Tôi sẽ không còn ngồi đây nếu bàn tay ấy không đưa dắt tôi qua thung lũng
của bóng chết.
Tiếng khóc thổn thức của tôi dần dần trở nên to hơn. Tôi đau đớn vô cùng
khi nhìn lại cuộc đời đầy những gian nan của mình. Và người phụ nữ ấy bảo
tôi phải ăn năn. Thế là cơn giận của tôi bắt đầu nổi lên. Tôi nghĩ, "Bà ấy là ai
mà dám nói với mình như thế?"
"Tại sao mình phải bối rối trước người phụ nữ này?" Trong cơn tức giận, tôi
đã đáp rằng, "Tôi không phải là một tội nhân. Tôi không phạm tội gì cả.
Đừng có sỉ nhục tôi như thế. Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có. Tôi chỉ
giúp người khác chứ chưa hề lấy của ai, thậm chí một cây bút chì cũng
không. Tôi chưa hề đắm đuối khuôn mặt của người đàn ông nào ngoài chồng
tôi ra. Trong đời mình, tôi chưa hề phạm tội bao giờ."
Người phụ nữ ấy chỉ lắng nghe trong yên lặng. Sau đó, bà cười và nói với
tôi, "Trong thành phố có nhà thờ Giám Lý Bugok. Nhà thờ đã bị hư hại
nhiều vì chiến tranh nhưng cô có thể đến và nhóm với chúng tôi."
Người phụ nữ ấy đã không đáp trả lại những câu nói ngây ngô của tôi. Bà
đứng dậy và đi khỏi cánh đồng. Tôi về nhà lòng buồn bực. Suốt đêm tôi
không ngừng suy nghĩ về người phụ nữ lạ mặt mà tôi đã gặp hồi sáng.
"Người đàn bà ấy là ai? Tại sao lại bảo mình phải ăn năn?"
Vài ngày sau, tôi thức dậy vào lúc rạng đông. Tôi để những củ khoai tây
cùng những trái bắp luộc cạnh gối của các con tôi lúc chúng vẫn còn say
giấc. Tôi ra khỏi phòng và chặn một hòn đá lớn trước cửa. Tôi đi đến nhà
thờ với đứa con út trên lưng. Nhà thờ cách khoảng chừng bốn dặm về phía
bên kia đường rày. Tôi bước vào ngôi nhà thờ không một bóng người và quỳ
xuống nền nhà. Những lời đầu tiên của tôi là, "Chúa yêu dấu của con, bà ấy
bảo con phải ăn năn nhưng con không nghĩ ra được mình đã phạm lỗi gì.
Nhưng nếu Ngài nghĩ con là tội nhân, thì xin hãy chỉ cho con biết."
Tôi ngồi một mình trong nhà thờ và cầu nguyện; nhưng vẫn không nghĩ ra
được một tội nào. Tôi cõng con tôi trở về nhà. Tôi lập lại việc này trong
vòng một tuần. Vào rạng sáng ngày thứ bảy, tôi lại ra khỏi nhà và đặt đứa
con nhỏ trên sàn nhà bên cạnh tôi. Tôi lặp lại cùng một lời cầu nguyện, "Lạy
Chúa yêu dấu, xin hãy chỉ cho con biết tội của mình." Và khi lời cầu nguyện
chưa kết thúc thì tôi đã thấy một khải tượng bằng chính mắt của mình.
Khải tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là khi tôi học Tiểu học. Mẹ tôi may cho tôi
một bộ đồ lót bằng vải hoa rất đẹp nhưng tôi không thích. Tôi cởi ra và
quẳng xuống cánh đồng lúa. Mẹ tôi nhặt bộ đồ lên và đi theo tôi đến Trường
vì sợ rằng tôi sẽ bị cảm lạnh. Nhưng tôi đã nổi giận với bà về việc ấy.
Trong khải tượng kế tiếp, tôi thấy mẹ tôi đem hộp cơm trưa đến Trường cho
tôi (vì đang là mùa đông nên nếu bỏ cơm sẵn vào cặp thì đến trưa cơm sẽ trở
nên nguội lạnh); bà đứng đợi trước lớp học tay cầm hộp cơm. Thế mà tôi đã
cáu gắt với bà vì bà đã làm tôi ngượng ngùng trước đám bạn của tôi. Bà đã
xin lỗi tôi.
Rồi sau đó, tôi thấy mình đang chơi đùa với các bạn. Tôi thường hất tung
tấm trải lên rồi bỏ đi khi tôi không thích chơi những trò chơi đó. Nếu tôi gây
lộn với các bạn tôi thì không bao giờ tôi muốn làm hòa mà biến chúng thành
kẻ thù của tôi. Lúc đã lập gia đình, có lần chồng tôi nhờ tôi khâu lại mấy cái
nút bị lỏng, tôi đã đáp trả chồng tôi,"Sao anh lại kêu em? Anh làm hư thì bây
giờ hãy tự mình khâu lại đi." Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đối xử thô lỗ
với chồng tôi và nhiều người khác. Tôi thấy từng tội lỗi tôi đã phạm trong
hai mươi ba năm của cuộc đời mình chạy qua như phim đèn chiếu. Tâm hồn
tôi đau đớn tột cùng. Tôi thấy mình đầy tội lỗi và vô cùng xấu xa, thế mà tôi
đã chối những tội lỗi ấy. Tôi hổ thẹn vì con người mình. Lần này, tôi khóc
trong sự thống hối sâu xa về những tội lỗi ấy. Tôi đấm ngực với lòng ăn năn
chân thành. Và việc ấy bắt đầu từ buổi bình minh kéo dài cho đến khi mặt
trời lặn.
Người phụ nữ ấy đã đem con tôi ra ngoài và chăm sóc nó, nhưng thậm chí
tôi cũng không hề biết. Tôi bò lê, lăn lộn, khóc lóc và ăn năn tội lỗi mình.
"Chúa có thể tha thứ cho một người đàn bà vô dụng như con chăng? Con
thật sự ăn năn, Chúa ôi. Xin hãy tha thứ cho sự kiêu ngạo, sự bướng bỉnh,
tính ích kỷ và trái tim không có tình thương của con."
Từ trên trời cao, Ngài đã nghe thấy tiếng khóc của tâm hồn tôi. Bằng giọng
nói thật dịu dàng và đầy lòng thương xót, Ngài đã gọi tôi và phán rằng, "Ang
Son, con yêu dấu của Ta, Ta đã chết cho tội lỗi của con rồi." Lúc tôi đang
khóc và ăn năn tội mình, tôi quay đầu nhìn về nơi phát ra tiếng nói. Tôi lẩm
nhẩm, "Ôi, Chúa tôi!" Tôi thấy Ngài bị hành hình trên thập tự giá vì tội lỗi
của tôi. Chính mắt tôi đã trông thấy rõ ràng.
Ngài bị treo trên cây thập tự. Chiếc mão gai Ngài đội khiến cho đầu Ngài
chảy máu. Máu tuôn lai láng từ trán Ngài, ướt đẫm khuôn mặt của Ngài. Tôi
thấy những vết thương sâu huắm do bị gai đâm. Thân thể Ngài rã rời và đau
đớn cùng cực ở từng chiếc xương và từng khớp nối. Bàn tay, bàn chân Ngài
đầy những vết máu khô đỏ sậm. Hông Ngài bị toát ra vì giáo đâm. Máu từ
vết thương vẫn còn chảy. Toàn thân Ngài rách nát và đầy máu vì bị đánh bởi
roi da. Không có sự chết nào dã man và rùng rợn hơn thế. Tôi nhắm mắt lại
vì không còn đủ can đảm để tiếp tục nhìn thấy cảnh tượng ấy.
Nhưng ngay cả khi tôi nhắm mắt lại, hình ảnh Ngài chịu khổ trên cây thập
giá vẫn không hề biến mất. Tôi thét lớn vì ghê tởm tội lỗi của mình và vì
tình yêu vĩ đại và lòng thương xót vô biên mà Ngài đã dành cho tôi.
"Chúa ôi, chính con đã khiến Chúa phải chết thảm thương trên thập hình như
thế. Ôi Chúa của con, xin hãy tha thứ cho con, con xin Ngài."
Tôi ăn năn tội mình rất lâu. Sự ngạo mạn, sự ích kỷ và sự công bình của tôi,
tất cả đều vỡ vụn ra trước mặt Ngài. Chính trong ngôi nhà thờ nhỏ bé ở
Bugok ấy, một người đàn bà tội lỗi đã được tái sinh. Quỳ trên tấm thảm rơm
trải sàn, tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi đã đối diện với thân vị của Chúa Cứu
Thế Giê-xu.
Tôi đã không biết chính Ngài là Đấng đã dẫn dắt và đem tôi ra khỏi những
giờ phút nguy nan khi tôi đi trong trũng bóng chết. Tôi vô cùng hổ thẹn
trước mặt Ngài. Tôi úp mặt xuống đất và không tài nào dịch chuyển khỏi tư
thế ấy.
Chính ngày hôm ấy, tôi đã quyết định hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa.
"Con chỉ là một người vợ, một người mẹ của ba đứa con, nhưng giờ đây con
sẽ trở nên một đầy tớ trung tín của Ngài." Tôi giơ cao tay lên và hứa nguyện
dâng mình cho Chúa.
Bà Điên Từ Seoul Đến
"Bà điên từ Seoul đến ấy là ai vậy?" Mọi người trong thành phố hỏi nhau.
Đó là biệt danh mà người dân Bugok gán cho tôi. Họ có lý do khi gọi tôi là
"bà điên."
Mỗi ngày họ thấy tôi xuất hiện vào lúc bình minh, cõng con trên lưng và
hướng về nhà thờ. Con đường dẫn tới nhà thờ thì hẹp và tối. Đó là một con
đường rùng rợn và đáng sợ. Thỉnh thoảng, có vài thây người chết được tìm
thấy trên con đường ấy. Nhưng tôi không hề run sợ và kinh khủng. Họ nghĩ
tôi khùng mới dám băng qua cái nghĩa địa ấy mỗi ngày.
Chồng tôi từ Seoul trở về nói mọi việc đã đâu vào đấy. Ông bảo tôi và ba
con lên Seoul. Nhưng tôi không thể dễ dàng bỏ đi, vì chính tại nơi ấy, vào
một buổi bình minh, tôi đã gặp Ngài một cách thật sống động và rõ ràng.
Người phụ nữ gặp tôi trên cánh đồng lúa là bà Mục sư Myung Hwa Young.
Bà làm Mục sư Phụ tá cho Mục sư Yoo Jaehun, đang phục vụ trên một ngọn
núi cầu nguyện. Vì vậy, bà được bổ nhiệm về Hội Thánh Giám Lý Thứ Nhất
ở Bugok. Hàng ngày, tôi theo chân Mục sư Myung, học cách yêu thương và
phục vụ người khác trong đời sống. Cùng đi với chúng tôi có bà Lee, cũng là
một thuộc viên của Hội Thánh. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo và
thường bị chồng chửi rủa, đánh đập. Tuy vậy, bà vẫn cố gắng đi nhóm vào
ngày Chúa nhật.
Bà Lee chở con mình đến nhà thờ bằng xe đạp. Mục sư Myung dành sự quan
tâm đặc biệt cho người đàn bà ấy và dường như không đoái hoài gì đến tôi.
Tôi là người tín hữu tận tụy với bà nhất, vậy mà bà chỉ chú ý đến bà Lee. Tôi
bỏ về nhà, vô cùng tức tối và nghĩ rằng mình sẽ không đi nhà thờ nữa.
Đến một buổi trưa nọ, con trai tôi bị sốt cao. Tôi cầu nguyện và đặt túi
chườm lên đầu thằng bé, nhưng nó vẫn không hạ sốt chút nào. Tôi sợ hãi
cõng con chạy đến nhà thờ. Tôi mở cửa nhà thờ và thấy Mục sư Myung đang
quỳ gối cầu nguyện trước tòa giảng. Tôi rón rén lại gần, trong lòng sợ rằng
bà sẽ nổi giận với tôi vì việc tôi bỏ về sớm ngày hôm ấy. Rồi lời cầu nguyện
của bà đến tai tôi, "Chúa yêu dấu của con, xin Ngài tha thứ cho cô ấy. Cô ấy
vẫn còn là một đứa trẻ trong đức tin của mình. Xin Ngài hãy đem cô ấy đến
với nhà thờ một lần nữa." Tôi cảm thấy hối hận và hổ thẹn khi nghe lời cầu
nguyện ấy.
Bà Mục sư thấy tôi và vui mừng bắt tay tôi. Tôi khóc và nói với bà rằng con
tôi bị sốt rất cao. Bà đặt tay lên trán con tôi và khẩn thiết cầu nguyện. Ngay
tức khắc, nhiệt độ con tôi trở lại bình thường. Sự việc này làm tôi ngại
ngùng trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, câu chuyện này sau đó đã trở
nên một bài làm chứng tuyệt vời cho những thành viên nữ trong chức vụ của
tôi như là một bài học về hậu quả của sự ganh tị và lòng đố kỵ.
Một Trái Nhỏ
"Cô à, tôi sẽ trả lương cho cô như thế nào đây?" vợ của ông Cảnh sát trưởng
địa phương hỏi tôi khi tôi đang giặt tã cho con của bà ở gần máy bơm nước.
"Hãy lên đây ăn trưa với tôi trước khi về nhà." Bà ấy nổi tiếng khắp vùng vì
tính tình hung tợn, bà thường chửi bới và nắm tóc chồng mình. Khi tôi tiếp
xúc với bà lần đầu tiên, tôi muốn biến người phụ nữ bất hạnh nhất vùng ấy
thành một người hạnh phúc bằng cách nói cho bà nghe về Chúa Giê-xu. Tôi
muốn chia sẻ với bà tình yêu của Ngài và niềm hạnh phúc thật mà tôi đã
từng trải. Nhưng không một người phụ nữ nào dám đến gần bà vì tính tình
của bà. Thậm chí, họ còn tránh chào hỏi bà.
Vậy là tôi quyết định tiếp cận bà. Một ngày nọ, tôi gõ cửa nhà bà. Bà nghĩ
tôi là một người tị nạn lao động chân tay muốn xin thức ăn nên bà không
ngần ngại mở cửa. Hằng ngày, tôi đến nhà bà giặt tã lót và quần áo cho đứa
con nhỏ của bà. Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng bà hỏi tôi, "Tại sao cô làm
việc cho tôi mà không hề nhận tiền công? Thậm chí cô cũng không nhận lời
mời ăn bữa trưa với tôi. Lý do nào khiến cô đến đây mỗi ngày và làm việc
không công?" Câu hỏi của bà khiến tôi vô cùng sung sướng. Tôi đáp, "Tôi
không muốn bất cứ điều gì cả, nhưng chỉ mong bà giúp cho một chuyện. Tôi
muốn bà đến nhà thờ, dù chỉ một lần." Bà nói, "Chỉ thế thôi sao? Vậy thì tôi
có thể đi đến đó một lần."
Vậy là cuối cùng, vợ của ông Cảnh sát trưởng địa phương đã đến nhà thờ!
Nhưng rõ ràng bà không cảm thấy thoải mái, suốt buổi nhóm, bà trông có vẻ
sợ sệt. Niềm hy vọng và sự mong chờ của tôi tan biến. Trông bà thật lạnh
lùng, không một chút cảm động. Sau buổi nhóm, bà lặng lẽ ra về.
Tôi hơi do dự nhưng tự hỏi mình rằng, "Mình có nên dừng ở đây hay là thử
hỏi bà ấy thêm một lần nữa?" Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sự mạnh dạn, và
tôi quyết định quay trở lại nhà người phụ nữ ấy. Tôi lại đến nhà bà mỗi ngày
để giặt tã lót và quần áo cho con của bà.
"Cô à, lần này cô muốn gì ở tôi?" Tôi nói, "Nếu bà đến nhà thờ một lần nữa
thì đó là tiền công mà bà trả cho tôi." Bà đáp, "Điều ấy không khó. Và tôi
không mất gì cả." Nhưng bà lại trở về nhà mà không được cảm động hay
biến đổi một chút nào cả. Sự việc này lặp lại một vài lần cho đến một ngày
Chúa Nhật nọ, tôi để ý thấy bà đưa tay lên mặt nhiều lần, và sau đó đôi vai
bà rung lên.
Buổi nhóm đã kết thúc, nhưng bà vẫn ngồi yên tại chỗ. Bà đang lau nước
mắt của mình. Cuối cùng tia sáng tình yêu của Chúa đã làm tan chảy trái tim
lạnh giá và vô cảm của bà. Tia sáng đến từ Đức Chúa Trời đã làm bà biến
đổi. Từ một người bất hạnh, bà đã trở thành một người đàn bà hạnh phúc.
Một ngày kia, ông Cảnh sát trưởng gửi lá thư nói rằng ông muốn gặp chúng
tôi. Mục sư Myung cùng tôi đi đến Sở Cảnh sát của thị trấn. Ông chào hỏi
chúng tôi với một lòng biết ơn sâu xa vì vợ ông nay đã là một con người
được đổi mới hoàn toàn. Để đền đáp lại việc này, ông hỏi liệu ông có thể
giúp gì cho chúng tôi. Vào thời điểm đó, chúng tôi đang cầu nguyện cho
ngôi nhà thờ bị hư hại nặng nề của chúng tôi. Ông nói một cách thận trọng,
"Chúng tôi tìm thấy thi thể của một người lính ngoài chiến trường. Chúng
tôi đã lục soát người anh ta để xem có họ hàng thân thích gì không. Chúng
tôi không tìm thấy bất cứ giấy tờ gì, nhưng chúng tôi phát hiện một túi vàng
cục được cột chặt vào miếng băng quấn ngang hông của anh ta. Nếu số vàng
có thể giúp gì cho các cô, thì tôi muốn các cô dùng chỗ này cho nhà thờ; vì
nếu tôi có thuật lại việc này cho chính quyền thì một ai đó ở cấp trên cũng sẽ
giữ lấy số vàng này làm của riêng. Chẳng thà tôi thấy số vàng này được sử
dụng cho một mục đích tốt."
Chúng tôi cảm ơn ông Cảnh sát trưởng và dùng số vàng để mua vật liệu xây
dựng cần thiết. Cứ mỗi sáng, những người phụ nữ trong nhà thờ được chia
vào từng nhóm và bắt đầu công việc kiến thiết nhà thờ. Một hôm, khi tôi ở
công trường và đang đẩy một chiếc xe goòng cũ kỹ chất đầy gạch thì bỗng
nhiên một cái báng xe rớt ra khỏi càng xe. Thế là cả chiếc xe cùng với số
gạch chất trên đó nghiêng qua và đổ lên bàn chân trái của tôi.
Tôi nghe tiếng rắc nơi chân trái, cùng tiếng xương gãy. Tôi té xuống trong
sự đau đớn dữ dội.
"Ôi Chúa ôi!" Tôi cất tiếng khóc. Trong đầu tôi hiện lên khuôn mặt của
chồng tôi bảo tôi lên Seoul.
Tôi sẽ giải thích với chồng tôi việc này như thế nào đây? Tôi hình dung hình
ảnh tôi bước về nhà với cái chân trái bị thương. Mục sư Myung hoảng hốt
chạy đến và giúp tôi trấn tĩnh lại. Bà đem cái xe và lượm từng viên gạch ra
khỏi chân tôi. Cái chân trái của tôi đong đưa vì xương bị gãy. Tôi khóc trong
sự hốt hoảng và run rẩy. Bà đặt tôi nằm xuống đất, nhẹ nhàng đặt tay lên
chân trái của tôi và bắt đầu cầu nguyện khẩn thiết. Bà xin Chúa cất khỏi tôi
sự đau đớn và chữa lành cái chân gãy của tôi, hầu sự vinh hiển được quy về
danh Chúa. Trong lúc bà cầu nguyện, những giọt nước mắt của bà rơi xuống
chân tôi. Và trong chính khoảnh khắc ấy, tôi nghe một tiếng rắc ở chân trái
và cơn đau lập tức biến mất. Tôi kinh ngạc vô cùng! Tôi nhìn xuống chân
mình và thử sờ nắn. Nó đã lành hẳn và tôi không còn cảm thấy đau đớn gì
cả! Điều duy nhất còn lại là một vết thâm trên chân nơi cái xương bị gãy.
Chúng tôi đồng thanh thốt lên trong niềm hân hoan, "Chính Ngài đã làm
điều đó!" Ngài đã đến với tôi khi tôi ở trong tình trạng nguy kịch. Bàn tay bị
đinh đóng đầy máu của Ngài đã chạm vào tôi. Tôi đứng dậy và chạy. Các chị
em đứng quanh tôi đều vỗ tay tung hô Chúa. Ngài đã luôn hiện diện khi tôi
cần Ngài. Tôi quì gối xuống và dâng lên Ngài lời cảm tạ và ngợi khen chân
thành của mình.
Nhà thờ Giám Lý Bugok gần nhà ga xe lửa, xây bằng xi-măng trải qua bốn
mươi lăm năm vẫn còn đứng đó. Dĩ nhiên là nhà thờ không thể nói được,
nhưng chắc chắn là chúng tôi biết và nhớ tất cả những điều lạ lùng đã xảy ra
ở đó.
Giỏ Đầy Thứ Ba: Tha Thứ Và Lại Tha Thứ
Cuộc Tình Bí Mật Của Chồng Tôi
Cây Thông Con Bật Gốc
Đứa Con Gái Chôn Cất Trong Lòng Tôi .
Ngôi Nhà Nguyện Không Còn Nữa
Không Còn Chỗ Đứng
Cuộc Tình Bí Mật Của Chồng Tôi
"Bây giờ, hãy lựa chọn, hoặc tôi hoặc người tên Giê-xu." Một ngày nọ,
chồng tôi từ Trường trở về nhà sớm và yêu cầu tôi phải chọn lựa giữa ông và
Chúa Giê-xu.
Tôi đã đến Seoul để đoàn tụ với chồng tôi sau ba năm sống trong tình yêu
thương và sự thông công nhân ái với Mục sư Myung và các tín hữu trong
Hội Thánh mà tôi không thể nào quên.
Chồng tôi đã cùng với chú tôi lập Trường Đại học Kunkook. Hai người cùng
nhau làm việc cật lực để tìm kiếm và huấn luyện nhân tài cho đất nước Đại
Hàn.
Sau khi lên Seoul, tôi đi nhóm ở Hội Thánh Giám lý Pildong. Lúc ấy, nhà
thờ đang được xây mới lại. Vậy là tôi bảo chồng tôi, lúc ấy đang điều hành
một công ty cung cấp gỗ, hãy dâng những loại gỗ tốt nhất cho công việc xây
cất nhà thờ. Tôi nỗ lực giúp đỡ và phục vụ Hội Thánh cùng các vị Mục sư và
những Sinh viên Thần đạo với tất cả những vật liệu cùng tiền bạc mà tôi có
thể dâng.
Mỗi Chúa Nhật, chồng tôi muốn tôi đi dã ngoại với ông, nhưng tôi luôn từ
chối và thay vào đó tôi đi đến nhà thờ để phục vụ Chúa.
Lối sống này kéo dài được ba năm, và chồng tôi buộc tôi phải đi đến quyết
định cuối cùng. "Cô không bao giờ đi chơi với tôi vào những ngày Chúa
Nhật. Còn những ngày lễ, khi bà con họ hàng đến nhà ta chơi đánh bài thì cô
không bao giờ tham gia. Cô đã làm tôi vô cùng mắc cở trước mặt các chị em
và họ hàng của tôi. Tôi đã hết sức chịu đựng rồi. Bây giờ, cô phải chọn giữa
tôi và người tên Giê-xu kia. Tôi không muốn cô tiếp tục đến nhà thờ nữa.
Hoặc là tôi sẽ cưới vợ bé để có thể cùng tôi chia sẻ những thú vui của mình."
Tôi nhìn chồng tôi, tim tôi tan vỡ khi biết rằng mình sẽ phải đi đến quyết
định này. Chồng tôi thở dài và chờ đợi câu trả lời của tôi. Ông là một người
chồng đặc biệt đối với tôi. Ông có tài, có giáo dục và danh vọng. Ông là một
người cha đáng kính của bốn đứa con của tôi và là một người chồng mà tôi
phải nhờ cậy cho đến suốt đời. Ông là một người chồng không chỗ trách
được. Tôi nghĩ thầm, tôi chưa bao giờ tận hưởng tình thương thật sự mà ông
dành cho tôi vì chiến tranh và ly tán. Chẳng lẽ cuộc sống gia đình tôi đến
đây là chấm dứt sao?
Khi chồng tôi đẩy tôi vào chỗ phải chọn lựa, tôi đã nghĩ tôi không thể bỏ
người chồng đã chu cấp cho tôi trong ngần ấy năm. Và chính lúc ấy, ngay
trước mắt tôi hiện ra rõ ràng một gương mặt. Đó chính là Ngài, Đấng đã
tuôn huyết vì tôi.
Ai đã yêu thương, bồng ẵm tôi những lúc tôi bước đi trong trũng bóng chết?
Ai đã luôn cận kề bên tôi bất chấp thời gian và không gian? Không ai khác
ngoại trừ Ngài.
Ai đã gánh lấy mọi án phạt, chịu đau đớn trăm bề; ai đã bị khinh bạc, bị sỉ
nhục vì cớ tội lỗi của tôi?
Làm sao tôi có thể nói lời đoạn tuyệt với Ngài được? Tôi cố gắng tự chủ và
mở miệng nói cách chậm rãi và thận trọng, "Anh yêu, em yêu anh. Anh là
một người chồng tuyệt vời và là một người cha đáng kính đối với các con,
nhưng em không thể quên được Đấng đã ban cho em sự sống và tình yêu
thương thật."
"Dù khó khăn đến đâu, em cũng sẽ phục tùng và nghe lời anh với tư cách là
một người vợ và người mẹ của bốn đứa con. Em sẽ cố gắng hết sức. Nhưng
xin anh hãy hiểu cho em và thay đổi ý kiến của anh."
"Nếu thế thì anh muốn em hãy cùng anh tận hưởng những thú vui đời này.
Anh muốn em đi chơi với anh và các con vào ngày Chúa Nhật."
"Em xin anh, anh bảo em làm chuyện gì cũng được, nhưng chỉ trong sáu
ngày, còn ngày Chúa Nhật em phải đến nhà thờ. Em không thể bỏ Chúa
được."
Chồng tôi nghe những lời tôi nói. Và dường như ông đã có quyết định cho
riêng mình.
"Thế à? Vậy nếu đó là điều em muốn, thì em cứ làm theo cách của mình.
Còn anh sẽ theo cách của anh để hưởng thụ cuộc sống trên thế giới này."
Chồng tôi cảm thấy như ông đã bị phản bội. Ông rời khỏi nhà trong tiếng thở
dài.
Khi nhìn thấy ông rời khỏi nhà, tôi ngã quỵ xuống đất như là trời sập vậy.
Lúc đó, tôi hai mươi tám tuổi. Tôi phục vụ chồng tôi trong mười bảy năm
nữa cho đến khi ông qua đời trong cô đơn và đau đớn. Một trong những từng
trải đau lòng nhất của tôi là khi chồng tôi bảo tôi chuẩn bị bữa trưa ngoài
trời để ông có thể đi chơi cùng với một người bạn khác phái vào ngày Chúa
Nhật. Hầu như mỗi Chúa Nhật, tôi đều dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn trưa cho
ông và người phụ nữ kia. Tôi thường nhìn họ đi khỏi nhà trong lúc nước mắt
cứ trào ra. Sau đó, tôi dẫn các con đến nhà thờ.
Tôi ngửa trông nơi Chúa, chờ đợi một cách hạ mình và nhẫn nại. Tôi tin
rằng chồng tôi sẽ nhận biết Chúa khi ông thấy tấm lòng chân thật của tôi. Vì
thế tôi vâng phục trong yên lặng.
Một ngày kia, chú tôi gọi điện hỏi, "Chú nghe có tin đồn về chồng cháu,
điều đó có phải là sự thật không?"
"Không đâu chú ơi. Điều đó hoàn toàn không đúng. Chắc có ai đó ganh tị
nên dựng chuyện nói xấu vì ảnh sẽ là người nối nghiệp chú. Xin hãy tin
cháu. Cháu là người biết rõ mọi chuyện."
"Vì cháu đã nói vậy nên chú sẽ xem đây chỉ là tin đồn mà thôi." Rồi ông cúp
máy.
Trở về thời điểm cách đây năm mươi năm, nếu một nhà mô phạm có vợ bé
thì ông ta phải từ chức vì tai tiếng trong xã hội. Sau sự việc ấy, có vài câu
hỏi được đặt ra nhưng tôi phủ nhận tất cả mọi lời cáo buộc và nhất định bảo
vệ chồng tôi. Sau này, khi biết chuyện, chồng tôi đã cảm ơn tôi. Tôi nói với
ông rằng ấy là chính Chúa đã làm điều đó. Tôi sẽ chờ đợi và vượt qua mọi
nỗi đau để giữ cho gia đình được êm ấm và nuôi dạy tốt các con tôi. Có
nhiều lúc chồng tôi không về nhà, lúc ấy tôi nhìn chiếc giường trống trải và
chỉ biết quỳ gối xuống trước Chúa. Và cứ mỗi lần như thế, Ngài khỏa lấp
tâm hồn cô quạnh của tôi bằng sự bình an và sự vỗ về của Ngài. Sự can đảm
Ngài ban cho tôi đã giúp tôi tiếp tục bước đi và tha thứ cho chồng tôi một
lần nữa.
Chính sự tha thứ vô biên mà Ngài đã đặt trong tâm hồn tôi đã khiến cho
người vợ bé của chồng tôi có thể có mặt tại tang lễ của ông khi ông qua đời.
Việc người vợ bé xuất hiện trước công chúng trong lễ tang của chồng mình
chưa hề được nghe thấy bao giờ. Tôi có một sự sắp xếp đặc biệt để bà có thể
đến nhà bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của chồng tôi. Hôm trước khi
qua đời vì bệnh cao huyết áp và tiểu đường, ông nhờ tôi chuẩn bị một ngân
phiếu có ghi một số tiền đáng kể. Tôi đã đưa tấm ngân phiếu cho người phụ
nữ ấy. Bà có hai con trai, và số tiền ấy được dùng để trang trải học phí cho
hai đứa bé. Không phải tôi mà chính Chúa đã khiến tôi có thể tha thứ.
Ngoài ra, tôi còn sắp xếp để tên hai con trai của bà ấy được khắc chung với
tên các con tôi trên bia mộ chồng tôi. Tôi vẫn muốn dành cho bà ấy phần đất
trống bên cạnh mộ chồng tôi khi bà qua đời. Tôi biết sống không có chồng,
người mà bà có thể nhờ cậy, thật là chật vật biết bao. Cuộc sống hôn nhân
của bà là một cuộc sống hoàn toàn trong bóng tối, không hề có chút ánh
sáng. Tình yêu chớm nở của bà thật ngắn ngủi vì chẳng bao lâu, bà đã mất
người chồng của mình. Chắc chắn bà cảm thấy cô đơn và trống vắng lắm.
Sự khoan dung trong trái tim tôi đã giúp tôi có thể bỏ qua cuộc tình lén lút
của chồng tôi. Nhưng nó không xuất phát từ tôi mà chỉ từ Ngài mà thôi. Dù
chồng tôi không hiểu được tấm lòng của tôi nhưng tôi vẫn yêu thương và
kính trọng ông.
Ông yêu đất nước và con người Đại Hàn. Ông đã cống hiến cuộc đời mình
cho cho việc giáo dục trí tuệ của những con người trẻ tuổi hầu có thể dẫn dắt
tương lai của nước Đại Hàn. Thậm chí trước khi chết, ông cũng không đi
nhà thờ với tôi. Tôi nghĩ rằng ông không đến nhà thờ vì mặc cảm về gia đình
thứ hai của mình và vì ông bị dày vò bởi nỗi ân hận đã làm tổn thương tôi.
Tuy vậy, ông đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong những công tác của nhà thờ như
giúp đỡ người nghèo cùng nhiều việc khác nữa.
Nhiều lần tôi suy nghĩ về chồng tôi và tự hỏi không biết trên thế giới có bao
nhiêu gia đình đang trải qua những gì mà tôi đã từng trải.
Thậm chí tôi không thể nhớ đã bao nhiêu lần tôi cầu nguyện trong nước mắt
để chồng tôi được cứu. Tôi đã cầu khẩn với Chúa không thôi. Duy chỉ mình
Ngài thấu hiểu tấm lòng của tôi.
Cây Thông Con Bật Gốc
Lại một cây thông con bị bứng gốc.
Tôi đang ở trên núi gần ngôi nhà nguyện với đứa con trên lưng. Trời mưa
tầm tã, tôi chỉ có một tấm nylon che vừa con tôi và đầu tôi. Tôi ghì chặt cây
thông con và khóc lớn với Chúa.
"Con không thể làm được. Con đã cố gắng tha thứ cho ông ấy nhưng không
thể. Xin Ngài giúp con. Xin hãy giúp con."
Người tôi ướt đẫm mưa và nước mắt. Tôi vật lộn với cây thông bé nhỏ. Cuôi
cùng cây thông bật gốc và tôi ngã vào vũng sình bên đồi.
Tôi không thể nào tha thứ cho ông ta. Tôi đã quyết định hàng trăm lần trong
đầu là sẽ tha thứ cho ông ta. Nhưng ngay lúc tôi nghe thấy giọng nói của ông
thì lòng căm hờn lại nổi lên trong tôi. Cuối cùng, tôi đã chạy lên ngọn núi
cầu nguyện và khẩn cầu thâu đêm ở đó. Nhưng sự căm ghét vẫn tồn tại trong
lòng tôi. Tôi bỏ cuộc và quay về nhà với con tim trống rỗng và một thân xác
rã rời.
Ngày hôm sau, chồng tôi bảo tôi chuẩn bị cơm tối cho một người khách,
Giáo sư D. H. Lee. Tôi cay đắng với cái tên đó. Ông ta đã làm tôi xấu hổ
trước mặt chồng tôi khi ông gọi tôi là "người đàn bà ngu xuẩn, hóa điên vì
Chúa Giê-xu." Ông bảo chồng tôi bỏ tôi và nhiều lần giới thiệu cho chồng
tôi những người phụ nữ khác. Ông ta là một con người độc ác và đã đem đến
cho tôi không biết bao nhiêu là đau khổ.
Tôi bước vào phòng sau khi làm xong bữa tối trong nhà bếp. Làm thế nào tôi
có thể tha thứ cho một kẻ thù như người đàn ông này. Tôi đã cố gắng nhưng
vẫn không thể. Tôi thật sự cần Chúa. Tôi cầu xin Ngài giúp tôi tha thứ cho
ông ta.
Chuông cửa reo và tôi mĩm cười một cách gắng gượng khi ông Lee bước
vào. Tôi mời ông vào với một giọng điệu khác hẳn.
"Xin mời ông vào đây. Tôi đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn. Chúc ông
ngon miệng và xin cứ ở lại đây chừng nào ông muốn." Tôi không còn là tôi
nữa. Tôi véo vào tay mình và nhận thấy tôi hoàn toàn tỉnh táo nhưng đấy
không phải là tôi. Tất cả mọi sự thù hận còn chất chứa trong lòng tôi mới vài
phút trước đây bỗng tan biến hết. Tôi thấy mình đang bày tỏ cho người đàn
ông này một sự quan tâm trìu mến cùng sự ấm áp thật sự từ trong nơi sâu
thẳm của trái tim tôi.
Dáng điệu vụng về của ông từ từ tiến vào phòng khách. Tôi đi theo ông và từ
đằng sau tôi nhìn thấy chiếc áo sơ-mi nhăn nhúm của ông. Vợ ông đã qua
đời một vài năm trước đó. Hiện ông sống với các con. Tôi muốn an ủi ông
ta. Tôi phục vụ bữa tối với một tấm lòng chân thành và yêu thương. Ông nán
lại khá lâu với chồng tôi. Lúc ông sắp sửa ra về, tôi tặng ông một món ăn
đặc biệt để ông mang về.
Khuya hôm đó, tôi cứ trằn trọc mãi vì những điều đã xảy đến với tôi. Tôi
không hiểu việc gì đã xảy ra. Làm sao việc ấy có thể xảy ra được. Tôi cứ
nằm trở qua trở lại trên chiếc gối của mình. Chính lúc ấy, tôi nghe giọng nói
ngọt ngào của Ngài.
"Này con yêu dấu, chẳng phải con đã xin Ta giúp đỡ những gì con không thể
tự mình làm được đó sao? Ta há chẳng phán rằng hãy xin sẽ được, hãy tìm
sẽ gặp sao? Con không biết rằng Ta đã ban cho con tấm lòng của Ta để con
thay mặt cho Ta mà cư xử với mọi người sao?"
"Vâng, đúng vậy, thưa Chúa." Tôi bật dậy trong niềm phấn chấn. Ngài biết
rõ những nan đề của tôi, và Ngài đã thực hiện công tác tuyệt vời của Ngài
trong tôi. Không những Ngài đã chữa lành chân của tôi mà còn hàn gắn con
tim bị thương tổn của tôi và đã biến nó thành một con tim kỳ diệu. Ngài đã
thấy tôi khép kín cửa lòng mình và Ngài đã đến để ban cho tôi một tấm lòng
tuyệt vời. Giờ đây, tôi đã có thể nếm trải được lòng thương xót của Ngài.
Lòng khoan dung của con người thật là ít ỏi. Một khi lòng tự ái của họ bị tổn
thương thì ngọn lửa căm ghét sẽ thổi phừng lên và điều đó chỉ làm xuất hiện
thêm nhiều kẻ thù mà thôi. Thậm chí trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con
cái, giữa vợ và chồng, giữa những người bạn và những người láng giềng,
con người cũng không thể đập vỡ được bức tường ganh ghét ấy. Nhưng Ngài
đã phán đó không phải là đường lối đúng đắn.
Ngài giúp tất cả những ai đưa tay xin Ngài cứu giúp và Ngài ban cho họ một
tấm lòng đầy tình thương và sự thương xót để có thể hạ bức tường ghen ghét
và than vãn xuống. Lòng yêu thương và vị tha của Ngài đã biến rễ đắng trở
nên rễ ngọt. Chính Ngài đã gieo hạt giống hạnh phúc vào lòng của con
người.
Từ hôm ấy trở đi, ông Lee đã trở nên nhu mì hơn. Một ngày nọ, ông hỏi tôi,
"Chẳng lẽ cô không ghét tôi sao? Làm sao cô có thể thân thiện với tôi như
thế được?"
Tôi mỉm cười với ông và giới thiệu về Chúa cho ông và tặng cho ông quyển
Kinh Thánh bìa da để ông đọc. Một thời gian sau, tôi nghe chồng tôi nói đứa
con út của ông Lee đang nằm trong bệnh viện. Thằng bé phải nhập viện vì
bệnh lao và thấp khớp. Mỗi ngày, tôi đều đến bệnh viện thăm cháu. Tôi tắm
rửa, thay đồ cho nó và đem cho nó trái cây như mẹ nó đã từng làm.
Từ giờ phút ấy trở đi, ông Lee đã gặp được Đấng mà tôi đã gặp năm tôi hai
mươi ba tuổi. Ông đã ăn năn thống hối với một tấm lòng tan vỡ khi ông tiếp
nhận Chúa. Ngày ông gặp Chúa, ông đã đến gặp tôi và xin tôi tha thứ cho
ông không biết bao nhiêu lần. Ông thuật lại cho tôi những gì mà đứa con út
đã nói với ông.
"Ba ơi, con thấy hình ảnh của mẹ con trong cô ấy. Con thì nặng, nhưng cô ấy
đã bồng con lên, gội đầu và rửa mặt cho con. Con nghĩ chắc chắn đó là mẹ
của con. Sau ba, cô ấy là người con thương yêu nhất. Con đã cảm ơn cô ấy
rồi, nhưng tại sao ba lại không?" Từ lúc ấy, Giáo sư Lee trở thành một người
đàn ông hạnh phúc. Và ông trở nên một trong những người bạn thân thiết
nhất của chồng tôi.
Đứa Con Gái Chôn Trong Lòng Tôi
"Ông nói sao? Kyungsook, con gái tôi không sống được tới ngày mai sao?"
Tôi khóc với vị Bác sĩ đến thăm viếng nhà tôi. Ông nói vi trùng bạch hầu đã
lan đến tim của con tôi. Đã quá trễ. Ông nói nếu được phát hiện hai ba ngày
trước thì đã có thể cứu sống đứa bé. Tôi quỵ xuống sàn nhà và khóc như một
đứa trẻ.
Một vài ngày trước đó, Kyungsook đi học về và kêu rằng cháu bị sốt. Tôi
đem cháu đến một Bác sĩ Nhi khoa ở khu lân cận. Bác sĩ nói cháu chỉ bị cảm
lạnh. Ông bảo tôi đừng lo lắng và ông kê đơn thuốc cảm lạnh cho cháu.
Nhưng sau hai ngày uống thuốc, cháu không những không hạ sốt mà lại còn
trở nên khó thở. Chúng tôi gọi điện cho một Bác sĩ chuyên khoa và mời ông
đến nhà. Và ông kết luận vi trùng bạch hầu đã lan đến tim của cháu. Nhưng
vì không được phát hiện ở giai đoạn đầu nên bây giờ đã quá trễ để có thể
cứu cháu. Điều đó hoàn toàn không chấp nhận được. Chúng tôi có tiền.
Thuốc thang có sẵn. Chính việc chẩn đoán sai trật của vị Bác sĩ Nhi khoa ấy
đã đưa đến cái chết của đứa con gái đầu lòng của tôi.
Kyungsook là một đứa bé đặc biệt. Cháu có nhiều tài. Cháu chơi được đàn
dương cầm và đoạt giải quốc gia trong một cuộc thi vẽ. Trong lớp, cháu luôn
được xếp hạng danh dự. Cháu chỉ mới học lớp hai ở trường Tiểu học. Tôi
yêu cháu nhất nhà.
Một Giáo viên Trường Chúa Nhật đang theo học tại Đại Chủng Viện của Hội
Thánh Giám Lý được nghỉ phép dài hạn vì bị bệnh đã đến thăm tôi. Cô đã
nằm mơ thấy Kyungsook mặc áo đầm trắng đang đi tới một nơi nào đó.
Kyungsook nắm tay cô và trò chuyện với cô. Rồi cháu nhắm mắt lại và chìm
vào một giấc ngủ dài. Kyungsook đã ra đi một cách đẹp đẽ và lặng lẽ.
Ngày đám tang của cháu, tôi trở về từ nơi mai táng và ngã vật ra giường,
mọi tấm rèm cửa hạ xuống. Tại sao bi kịch này lại xảy đến cho tôi? Tôi đã
làm điều gì sai trái trước mặt Ngài? Tôi cảm thấy con gái yêu dấu của tôi
đang dang rộng đôi tay và chạy đến với tôi. Tôi không tài nào chịu đựng nỗi
cơn đau đang dằn xé tâm can mình. Mọi sự thống khổ, mọi nỗi ưu phiền
trong cuộc đời của tôi không thể nào sánh được với nỗi đau mất cháu
Kyungsook. Tôi căm ghét vị Bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh trạng của con tôi.
Tối hôm ấy, lúc tôi đã rơi vào nỗi tuyệt vọng hoàn toàn, thậm chí không còn
cử động được ngón tay của mình thì Ngài đã đến thăm tôi. Đêm ấy, trời rất
tối và dường như đó là một đêm dài vô tận. Ngài đã đến với tôi bằng tình
yêu không biến đổi của Ngài, "Con yêu dấu của Ta, không lâu nữa con sẽ
gặp lại cháu và ở với cháu mãi mãi." Khi Ngài đang nói chuyện với tôi bằng
giọng nói thân thương trìu mến của Ngài, tôi nghe tiếng hát của muôn vàn
thiên sứ rằng, "Ôi thiên đàng tuyệt đẹp, lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan.
Thời tiết buốt giá của mùa đông sẽ biến nên những ngày xuân mát dịu. Chúa
đã sửa soạn một chỗ, và đó sẽ là nơi ở vĩnh cửu của tôi."
Bài hát tuyệt vời của các thiên sứ đến với đôi tai và tâm hồn tôi, nó lấp đầy
trong tôi sự bình an thiên thượng mà không gì có thể so sánh được. Nỗi ưu
phiền tức thì trở nên niềm vui. Sự đau đớn dày vò phút chốc tiêu biến và tôi
cảm nhận sự an ủi kỳ diệu đến từ trên cao. Tiếng thở dài trở nên bài hát ngợi
khen, bóng tối sự chết lập tức bị xua tan bởi ánh sáng của sự sống. Vâng
đúng rồi, lời Chúa phán, "Vì chưng của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng
ở đó," đã trở nên sống động và mang đến cho tôi một nguồn an ủi vô biên.
Sau khi chôn cất đứa con gái chín tuổi của tôi, tôi lại trở thành một người
đàn bà hạnh phúc. Một vài ngày sau, toàn bộ gia đình và họ hàng của tôi họp
lại để bàn về việc đệ đơn kiện vị Bác sĩ đã chẩn đoán sai gây nên cái chết
của con gái tôi. Sắc mặt ai nấy đều rất giận dữ. Tôi lấy lại niềm hạnh phúc
của mình và mở miệng nói với họ, "Nếu chúng ta khởi tố ông ta và đưa ông
ta vào tù, liệu điều đó có làm Kyungsook sống lại chăng? Ông ta đã phải bị
dằn vặt suốt đời vì việc này rồi. Hơn nữa, vợ và con ông ta đâu có lỗi gì mà
phải mang lấy mặc cảm tội lỗi ấy. Nếu chúng ta không thể đem cho họ sự an
ủi, thì xin đừng làm cho họ đau đớn thêm. Hãy để chuyện này lại phía sau và
quên nó đi."
Nếu có ai đó muốn truy tố vụ này, thì người đó phải là tôi, với tư cách là mẹ
của cháu. Nhưng là mẹ của cháu, tôi đã nài xin họ đừng đệ đơn kiện. Không
ai bàn cãi thêm với sự nài xin chân thành của tôi. Ai có thể thương
Kyungsook hơn chính mẹ của cháu chứ?
Tất cả sự tha thứ ấy không phải từ tôi mà ra nhưng đến từ Đấng đã ban cho
tôi quyền năng tha thứ lạ lùng và sức lực mới mẻ để bươn tới phía trước.
Từ tận đáy lòng mình, tôi dâng lời cảm tạ lên Đấng đã giúp tôi có khả năng
thực hiện những việc này.
Ngôi Nhà Nguyện Không Còn Nữa
"Bà Yoo ơi, xin hãy về đây mau. Mọi người chúng tôi đang ở trong tình
trạng nguy cấp." Đó là giọng nói của một bà lớn tuổi điện thoại từ nước Đại
Hàn bên kia Thái Bình Dương. Tôi có thể nhận ra giọng nói của bà ngay lập
tức. Đó là một bà cụ già ở Agok-ri, một làng nhỏ ở Đại Hàn. Tôi đã giật
mình tỉnh thức vào lúc nửa đêm sau khi nhận cú điện đó. Tôi không thể tin
được những điều đã nghe trên điện thoại. Chẳng lẽ tấm lòng của người đàn
ông ấy đã trở nên nghèo ngặt và không còn đáng tin cậy nữa sao?
Cách đây khoảng bốn mươi năm, có một Mục sư trẻ đến với tôi. Ông nói
ông muốn cầu nguyện cho đất nước Đại Hàn và mong muốn có một nhà
nguyện hoạt động theo kiểu tự túc tự dưỡng. Ông ta đầy những ước vọng và
năng lực. Điều đó khiến tôi cảm phục lắm. Ông đề xuất việc xây dựng một
nhà nguyện và một nông trang, nơi những vị Mục sư về hưu có thể đến cư
ngụ và cầu nguyện suốt những năm tháng còn lại của đời họ.
Tôi bị thu hút bởi ý tưởng ấy và đồng tình với đề xuất của ông. Tôi để dành
tiền và mua đất ở Yougin từng chút một. Rốt cuộc là vùng đất mua được
gồm có một ngọn núi nhỏ, một mảnh đất nông trang nhân tạo và một dòng
suối (sau này thành bể lai cá giống).
Chúng tôi thu hoạch lúa và nhiều loại rau trong mảnh đất nông trang rộng
lớn. Tất cả mọi người trong thị trấn đều tham gia vào việc xây dựng ngôi
nhà nguyện. Thậm chí những đứa bé cũng góp phần bằng việc chuyển đá và
dọn dẹp. Mọi người đều hiệp một lòng trong đức tin để dự phần vào công tác
này. Vị Mục sư trẻ rao giảng Tin Lành và cầu nguyện ngày và đêm khắp nơi
trong làng. Tôi đã từ Seoul đến thăm làng mỗi tháng một lần và cùng tham
dự những bữa tiệc yêu thương lẫn những phước hạnh thuộc linh. Thật là một
dự án đầy vinh hiển. Chúng tôi hết thảy đều tạ ơn Ngài. Những dân làng có
tâm hồn thật đẹp. Khi tôi di cư sang Mỹ năm năm sau ngày chồng tôi qua
đời, họ đã cùng khóc với tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau trên thiên đàng.
Thế mà giờ đây, ngôi nhà nguyện trông thật xấu xí. Ngôi nhà nhỏ bị nứt toạt
ra, còn tòa giảng, nơi dùng để cầu nguyện cho quốc gia thì bị đổ vỡ. Làm
sao người ta có thể làm những việc như thế được? Tôi có thể hình dung ra
những người dân vô tội ở Agok-ri. Tôi là người duy nhất có thể giải quyết
vấn đề. Vì thế, tôi quyết định trở lại Đại Hàn.
Khi tôi đến nơi, tôi thấy đúng như những điều tôi đã nghe trên điện thoại.
Tôi thấy sự căm ghét hiện ra trên khuôn mặt của họ hơn là niềm vui và sự
hạnh phúc. Tôi gặp riêng vị Mục sư trẻ và nghe ông ta kể lại đầu đuôi sự
việc. Tôi bảo ông nên rời khỏi làng.
“Vấn đề đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Họ không tin cậy ông vì ông đã làm
tổn thương họ. Tôi muốn ông rời khỏi làng với một mảnh đất nào đó. Hãy
bán mảnh đất ấy đi và dựng một nhà thờ mới ở một làng khác.”
Mục sư lắng nghe và đáp, “Tôi sẽ làm theo những điều bà nói.” Và ông rời
khỏi làng. Tôi cảm ơn ông ta vì đã hợp tác với tôi để giải quyết vấn đề rắc
rối này. Tôi ở lại qua đêm với dân làng, tôi an ủi họ và cầu nguyện cho họ.
Nhưng ngày hôm sau, vị Mục sư đó đến gặp tôi. Ông nói, “Bà Yoo ạ, bây
giờ mọi chuyện đã ổn rồi. Giấy tờ đã được giải quyết và ghi vô sổ bộ xong.
Xin bà đừng dính dáng vào việc này và xin hãy lìa khỏi thị trấn này đi.”
Tôi không thể tin vào tai mình. Sự phản bội này là gì đây? Làm sao ông ta
có thể nói như thế? Người đàn ông này không còn là một tôi tớ Chúa nữa.
Ông đã thay đổi và trở thành một con người có tấm lòng độc ác. Ông đã khởi
đầu với một mục đích đúng đắn cho Chúa nhưng cuối cùng đã chọn đường
lối tham lam của Ma quỷ.
Đức Chúa Trời đã đem tôi trở về Đại Hàn vì cớ ông ta và cho ông có một cơ
hội để ăn năn nhưng ông đã chọn con đường dẫn tới sự hủy hoại. Ông đã
từng tràn trề năng lực và khao khát phục vụ Chúa. Ông đã từng rao giảng
Tin Lành cho ba lễ trong một ngày. Ông vui sướng vì được làm việc và đổ
mồ hôi vì sự vinh hiển của Chúa.
Điều gì đã khiến ông trở nên mù quáng đến thế? Chẳng lẽ ân điển cứu chuộc
của Ngài đã bị đem ra đổi chác bằng sự đam mê của xác thịt và lòng tham
của mắt? Tôi sụp xuống sàn nhà và ngửa trông nơi Chúa. Bà cụ gọi điện cho
tôi vào lúc nửa đêm đứng cạnh tôi. Bà cũng đang khóc, nước mắt chảy dài
trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt cháy nắng và
đôi bàn tay thô ráp vì công việc đồng án của bà, lòng tôi lại càng quặn thắt
hơn nữa.
Từ lúc tôi đi Mỹ, hàng ngày vào lúc bình minh, có một số dân làng đến nhà
nguyện để cầu nguyện với Chúa. Họ rất yêu mến Chúa. Từng viên gạch xây
nhà thờ là bằng chứng cho tình yêu chân thật và mồ hôi nước mắt của họ đổ
ra vì cớ Chúa. Nhưng giờ đây, tội lỗi của một người đã đem đến cho họ lòng
hận thù và sự tuyệt vọng. Đây chính là trái đắng sinh ra từ tội lỗi độc hại.
Tôi rời Agok-ri mà lòng trống không và tuyệt vọng vô cùng. Tôi bước đi
trên con đường làng; ngọn núi, nông trang, dòng suối, những hàng cây, trời
xanh và bầu không khí trong trẻo tất cả vẫn y nguyên. Chỉ có một điều thay
đổi, đó là tấm lòng của vị Mục sư ấy.
Tôi còn nhớ như in bốn mùa hết sức đặc biệt và xinh đẹp. Mùa xuân với
tiếng suối chảy róc rách lúc tuyết tan, mùa hè với tiếng ve kêu ra rả, tiếng dế
kêu trong những đêm mùa thu khuya khoắc, và tiếng tuyết rơi lặng lẽ vào
mùa đông.
Trong những buổi thông công thâu đêm của chúng tôi, chúng tôi nói về ân
điển dư dật và tình yêu vô đối của Chúa, và ca tụng Ngài bằng những bài hát
chất ngất niềm vui xuất phát từ tấm lòng chân thành của chúng tôi.
Tôi lấy khăn tay lau nước mắt khi đi ngang những ruộng lúa trên đường ra
khỏi làng và tự hứa rằng, “Cho đến chết tôi cũng sẽ không trở lại nơi này
nữa.”
Tôi trở về Los Angeles với một vết sẹo hằn sâu tiềm ẩn trong lòng. Trong
căn hộ nhỏ của mình, tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho vị Mục
sư không biết suy xét ấy và an ủi dân làng Agok-ri cùng con tim tan vỡ của
tôi. Chẳng mấy chốc, một dòng bình an đã tràn ngập tâm hồn tôi. Thần linh
Ngài đến và ôm lấy đôi vai tôi một cách vô cùng êm dịu.
Không Còn Chỗ Đứng
"Thưa Mục sư, ông không thể buộc ông ấy từ chức. Ông ấy là một một Mục
sư trẻ tuổi. Vì tương lai ông ấy, hãy yêu cầu ông ấy tự từ chức vì lý do cá
nhân."
Trong nhà thờ là hơn năm trăm thuộc viên chính thức của Hội Thánh đang
trong tâm trạng căng thẳng. Một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi giơ tay và
đứng dậy phát biểu như thế. Bầu không khí im lặng bao trùm cả phòng
nhóm.
Tôi rời Hội Thánh Giám lý Pildong và đến nhóm ở một Hội Thánh lớn ở
Seoul. Tôi đã làm hết sức mình để trung tín phục vụ Chúa và giúp đỡ các
Mục sư. Tôi đặc biệt thân thiết với vị Mục sư Quản Nhiệm và giúp đỡ cho
gia đình ông về mặt tài chính bằng cách này hay cách khác.
Một ngày nọ, một thử thách lớn xảy đến với Hội Thánh. Người vợ trẻ tuổi
của vị Mục sư phụ tá bị ngộ độc khí carbondioxide. Bà không thể làm việc
nhà nên Hội Thánh sắp xếp để một thiếu nữ đến giúp bà.
Mấy hôm sau, lúc cô gái chuẩn bị ra về thì ông Mục sư cũng vừa đi thăm
viếng một gia đình tín hữu về đến. Ông ngỏ lời cám ơn cô gái và vỗ lưng cô.
Cô gái xoay người lại và vô tình, tay của vị Mục sư chạm vào ngực của cô.
Không biết bằng cách nào mà việc này lại trở thành một vấn đề nghiêm
trọng được đem ra bàn luận trong cuộc họp của các tín hữu. Họ đồng ý cách
chức ông.
Nhưng tôi tin tưởng vị Mục sư trẻ này. Bản thân ông ấy cũng là dân tị nạn từ
miền Bắc và đã học ở Trường Thần Học trải qua những năm chiến tranh và
mọi sự kham khổ. Dù ông nghèo nhưng ông thỏa lòng với cuộc sống giản dị
và trong sạch của mình. Trong mắt tôi, ông là người đáng kính về nhiều mặt.
Rõ ràng là có một số người vì lòng đố kỵ đã tung tin đồn này để gieo rắc
tiếng xấu. Và vấn đề này đã được đem ra xem xét tại cuộc họp của Hội Đồng
Hội Thánh bao gồm ba mươi Trưởng lão và hơn năm trăm thuộc viên chính
thức của Hội Thánh. Khi buổi họp đang sắp đi đến chỗ kết thúc với sự nhất
trí là vị Mục sư Phụ tá phải bị cách chức, theo như vị Mục sư Quản Nhiệm
đã khẳng định. Ngay lúc đó có một giọng nói rất rõ ràng lọt vào tai tôi và hỏi
rằng,
"Con cũng tin như vậy à?"
"Không phải thế đâu, ông ấy chỉ là nạn nhân."
"Thế thì, hãy đứng dậy."
Tôi giơ tay phải xin phát biểu và đứng dậy, thậm chí tôi chưa biết gì về điều
ấy. Cả Hội Thánh xao động và mọi người đổ dồn sự chú ý của họ vào tôi.
Tôi biết đó là ý muốn của Chúa. Tôi mở miệng nói cách dạn dĩ. "Chính ở
đây, tôi đã được dạy phải tha thứ và khỏa lấp lỗi lầm của người khác. Đó là
đường lối của Chúa và đó là đường lối đúng đắn. Mục sư Phụ tá không hề cố
ý chạm vào ngực của cô gái, đó chỉ là một sự tình cờ. Nếu buộc phải cách
chức ông ấy theo nguyên tắc của Hội Thánh thì hãy bảo ông ấy từ chức vì lý
do cá nhân chứ không phải vì Hội Thánh ép buộc. Làm như thế, ít ra ông ấy
cũng có thể từ giã các tín hữu trong Hội Thánh."
Vị Mục sư Quản Nhiệm hạ cặp mắt lạnh lùng của mình xuống tòa giảng
nhưng tôi không thể nào rút lời được. Nếu tôi biết điều phải mà lại vì số
đông mà thỏa hiệp thì tôi cũng sai lầm giống như họ. Tôi sẽ giống như muối
mất mặn. Tôi cảm nhận được sự tức giận thổi bùng lên trong lòng mình,
nhưng đó không phải là cơn giận của tôi mà là cơn giận của Chúa. Ngài thấy
vị quan tòa bất công tự xem mình là công bình. Ông ta đứng ra xét đoán
người khác trong khi chính mình là kẻ giả hình.
Người ta đem đến cho Ngài một người đàn bà bị buộc tội ngoại tình và
chuẩn bị hành quyết bà bằng cách ném đá. Nhưng Ngài đã phán với những
người ấy rằng, "Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá
vào người." Khi họ nghe những lời này, họ bị chính lương tâm mình cáo
trách và từng người một bỏ đi. Ngài phán với người đàn bà đang run rẫy vì
sợ hãi, "Này bà kia, Ta không định tội ngươi. Hãy đi, và đừng phạm tội
nữa."
Đúng rồi, tôi đã nghe giọng nói phán những lời nầy. Chính Đấng Thánh
khiết không muốn kết án những tội nhân nhưng muốn tha thứ cho họ. Lẽ nào
chúng ta thánh khiết hơn Ngài sao? Chúng ta cũng là những tội nhân được
tha thứ nhờ ân điển của Ngài. Đoán xét người khác là hành động của lòng tự
cao và sự vô ơn đối với ân điển cứu chuộc của Ngài. Đó là bài học mà Ngài
đã dạy cho tôi.
Nhưng ý tưởng tha thứ bởi ân điển của Ngài không được Hội Thánh đồng
tình và vị Mục sư trẻ đã bị Hội Thánh cách chức (dứt phép thông công.) Tôi
cũng phải rời khỏi Hội Thánh trước những ánh mắt lạnh lùng và sự căm ghét
đổ dồn về phía mình. Từ sau sự việc ấy, trong nhà tôi nảy sinh ra nhiều nan
đề mới. Tôi đã nhận được nhiều món quà do người ta gởi đến biếu chồng tôi.
Và tôi đem hầu hết những món quà ấy đến nhà Mục sư hoặc văn phòng của
nhà thờ. Thậm chí chồng tôi còn nói đùa tại sao lại không đem luôn những
chai rượu whisky đến đó. Tôi đã toàn tâm toàn ý tận hiến cho Hội Thánh
ngày và đêm. Giờ đây, bằng cách nào tôi làm cho ông ấy hiểu lý do tôi phải
rời khỏi Hội Thánh đây?
Một hôm, lúc đang dùng bữa tối, tôi hỏi chồng tôi, "Anh yêu, nếu em bị
bệnh nặng và đang ở giai đoạn cuối thì anh có giúp chữa lành cho em
không?" "Dĩ nhiên rồi, anh sẽ giúp em chữa bệnh bất kể chi phí là bao
nhiêu."
"Vậy thì hãy giúp cho mơ ước của em trở thành hiện thực như thể anh đang
giúp em thoát khỏi căn bệnh ấy vậy."
"Được rồi, hãy nói anh nghe mơ ước của em xem anh có thể làm gì được
không."
"Xin hãy xây cho em một ngôi nhà thờ."
Chồng tôi là một người lanh trí và ông đọc được những suy nghĩ của tôi.
"Anh nghĩ anh có thể giúp em xây một nhà thờ mới. Anh luôn nghĩ đến sự
hy sinh của em, việc em nuôi dưỡng con cái và lo toan công việc nhà và anh
muốn làm một điều gì đó cho em."
Đó là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của ngôi nhà thờ nằm trên đồi Buam-
dong, nhà thờ "Samae" (Ba tình thương.)
Nhà thờ có diện tích 4,300 bộ vuông với 12,000 bộ vuông khuôn viên, trong
đó có 1,000 bộ vuông dành cho tư thất Mục sư. Tôi cung hiến ngôi đền thờ
này cho Chúa vào tháng Năm, 1966. Tôi mời một Mục sư nổi tiếng đến lo
cho Hội Thánh và cầu nguyện cho sự tăng trưởng của Hội Thánh.
Một ngày kia, Mục sư đến gặp tôi và đưa đơn xin từ chức với lý do là tín
hữu trong Hội Thánh nghe theo tôi và kính trọng tôi hơn ông ấy. Ông không
thể dắt dẫn tín hữu, ngoài ra ông còn chỉ ra một số bất tiện trong công tác
quản trị Hội Thánh. Vì thế, ông quyết định từ chức. Ai đã gieo hạt giống của
sự tối tăm này? Bấy giờ, tôi mới nhận ra có đôi lần, Mục sư đã tránh mặt tôi.
Tôi quyết định không hỏi ông bất cứ điều gì cả. Tôi chỉ cầu hỏi Chúa trước
cây thập tự và ngửa trông nơi Ngài. Tôi không thể để ông ấy ra đi. Khi Hội
Thánh được hoàn tất, nó đã được cung hiến cho Chúa chứ không phải tôi.
Nếu tôi trở thành trung tâm của Hội Thánh thì tôi nên đi khỏi đây. Ngài đã
dạy tôi, "Chớ tranh luận vì quyền lợi của con." Tôi phải theo ý muốn của
Ngài hơn là ý của tôi.
“Tôi sẽ đi khỏi đây, còn Mục sư hãy ở lại chăn dắt bầy chiên của Chúa.” Khi
tôi đi xuống đồi, bỏ lại phía sau ngôi nhà thờ, nước mắt tôi cứ trào ra. Ngôi
nhà thờ này là phần thưởng của chồng tôi cho tôi. Tôi nghĩ Chúa đã ban cho
tôi món quà đó. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ phục vụ Hội Thánh tại đó cho đến khi
tôi qua đời. Và đó là lời cam kết của tôi lúc cung hiến đền thờ, chỉ cách đó
chưa đầy hai năm.
Nhà của chúng tôi ở phía sau Nhà Xanh (tương tự như Toà Bạch Ốc ở Mỹ)
và nhà thờ thì nằm bên kia đường. Nhà thờ ở rất gần nhà của tôi nhưng tôi
không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Tôi đi một con đường khác để tránh gặp
mặt các tín hữu ở đó.
Nhiều lần tôi quyết đinh trở lại nhà thờ nhưng tôi không muốn đem đến sự
hiểu lầm cho bất cứ ai. Tôi đã không ghé lại nhà thờ ấy trong suốt ba mươi
năm.
Năm vừa qua (1998), tôi trở về Đại Hàn và tôi đến thăm nhà thờ, lần đầu
tiên kể từ lúc tôi ra đi; bởi vì tôi có cảm giác đây sẽ là lần viếng thăm cuối
cùng trước khi tôi chết.
Có một lần chồng tôi hỏi, “Nhà thờ thế nào hả em? Không có vấn đề gì
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc
Nguoi dan ba hanh phuc

More Related Content

What's hot

What's hot (16)

Ephata 623
Ephata 623Ephata 623
Ephata 623
 
Lich su mot so bai thanh ca
Lich su mot so bai thanh caLich su mot so bai thanh ca
Lich su mot so bai thanh ca
 
Quan Âm Hương Tích - Thích Nhất Hạnh
Quan Âm Hương Tích - Thích Nhất HạnhQuan Âm Hương Tích - Thích Nhất Hạnh
Quan Âm Hương Tích - Thích Nhất Hạnh
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 617
Ephata 617Ephata 617
Ephata 617
 
Ephata 618
Ephata 618Ephata 618
Ephata 618
 
Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
Ephata 612
Ephata 612Ephata 612
Ephata 612
 
Ephata 622
Ephata 622Ephata 622
Ephata 622
 
So 139
So 139So 139
So 139
 
So 139
So 139So 139
So 139
 
So 179
So 179So 179
So 179
 
Ephata 619
Ephata 619Ephata 619
Ephata 619
 
Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25 Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25
 
Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25 Trang tin nhà Gioan số 25
Trang tin nhà Gioan số 25
 
So 176
So 176So 176
So 176
 

Viewers also liked

Patisserie Valerie Case Study
Patisserie Valerie Case StudyPatisserie Valerie Case Study
Patisserie Valerie Case StudyKristian Gates
 
CV Ariel Alfaro 2016 - English
CV Ariel Alfaro 2016 - EnglishCV Ariel Alfaro 2016 - English
CV Ariel Alfaro 2016 - EnglishAriel Alfaro
 
Stories from the Makers: Creating pervasive performance
Stories from the Makers: Creating pervasive performanceStories from the Makers: Creating pervasive performance
Stories from the Makers: Creating pervasive performanceLancaster University
 
Copper Hills Community Church
Copper Hills Community ChurchCopper Hills Community Church
Copper Hills Community ChurchMatt Knorr
 
Deber 7-cap-2-matlab-nise
Deber 7-cap-2-matlab-niseDeber 7-cap-2-matlab-nise
Deber 7-cap-2-matlab-niseALEX PORRAS
 
Sistemas de control para ingenieria 3ra edicion norman s. nise sol
Sistemas de control para ingenieria  3ra edicion  norman s. nise solSistemas de control para ingenieria  3ra edicion  norman s. nise sol
Sistemas de control para ingenieria 3ra edicion norman s. nise solNielsy Quiroga
 
Civics berkeley free clinic
Civics berkeley free clinicCivics berkeley free clinic
Civics berkeley free clinicLarman Smith
 
La vivienda contemporánea
La vivienda contemporáneaLa vivienda contemporánea
La vivienda contemporáneaarq_d_d
 

Viewers also liked (14)

Patisserie Valerie Case Study
Patisserie Valerie Case StudyPatisserie Valerie Case Study
Patisserie Valerie Case Study
 
Top mba college in pune
Top mba college in puneTop mba college in pune
Top mba college in pune
 
CV Ariel Alfaro 2016 - English
CV Ariel Alfaro 2016 - EnglishCV Ariel Alfaro 2016 - English
CV Ariel Alfaro 2016 - English
 
R10527LogisticsbrochureFINAL
R10527LogisticsbrochureFINALR10527LogisticsbrochureFINAL
R10527LogisticsbrochureFINAL
 
досвід проектної діяльності
досвід проектної діяльностідосвід проектної діяльності
досвід проектної діяльності
 
Stories from the Makers: Creating pervasive performance
Stories from the Makers: Creating pervasive performanceStories from the Makers: Creating pervasive performance
Stories from the Makers: Creating pervasive performance
 
Clifford Poulard Resume
Clifford Poulard ResumeClifford Poulard Resume
Clifford Poulard Resume
 
Copper Hills Community Church
Copper Hills Community ChurchCopper Hills Community Church
Copper Hills Community Church
 
Deber 7-cap-2-matlab-nise
Deber 7-cap-2-matlab-niseDeber 7-cap-2-matlab-nise
Deber 7-cap-2-matlab-nise
 
Mba college in pune
Mba college in puneMba college in pune
Mba college in pune
 
Sistemas de control para ingenieria 3ra edicion norman s. nise sol
Sistemas de control para ingenieria  3ra edicion  norman s. nise solSistemas de control para ingenieria  3ra edicion  norman s. nise sol
Sistemas de control para ingenieria 3ra edicion norman s. nise sol
 
Civics berkeley free clinic
Civics berkeley free clinicCivics berkeley free clinic
Civics berkeley free clinic
 
La otra materialidad ...
La otra materialidad ...La otra materialidad ...
La otra materialidad ...
 
La vivienda contemporánea
La vivienda contemporáneaLa vivienda contemporánea
La vivienda contemporánea
 

Similar to Nguoi dan ba hanh phuc

Man-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxMan-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxoVnHip
 
Phuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-thePhuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-theco_doc_nhan
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHuong Vu
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHuong Vu
 
Su phu tran long ho
Su phu tran long hoSu phu tran long ho
Su phu tran long honhatthai1969
 
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseOneBodyVillage
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucLong Do Hoang
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucco_doc_nhan
 
Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu   Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu Xephang Daihoc
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songco_doc_nhan
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songLong Do Hoang
 
Tấm lòng vàng
Tấm lòng vàngTấm lòng vàng
Tấm lòng vàngTrong Hoang
 
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxHÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxTOAN Kieu Bao
 

Similar to Nguoi dan ba hanh phuc (20)

Duc tin nang dong
Duc tin nang dongDuc tin nang dong
Duc tin nang dong
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 
Man-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxMan-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptx
 
Phuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-thePhuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-the
 
Ephata 604
Ephata 604Ephata 604
Ephata 604
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toi
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toi
 
Su phu tran long ho
Su phu tran long hoSu phu tran long ho
Su phu tran long ho
 
Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.
 
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 
Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu   Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Ephata 600
Ephata 600Ephata 600
Ephata 600
 
Sống để trao tặng
Sống để trao tặngSống để trao tặng
Sống để trao tặng
 
Tấm lòng vàng
Tấm lòng vàngTấm lòng vàng
Tấm lòng vàng
 
Chua Bai Dinh
Chua Bai DinhChua Bai Dinh
Chua Bai Dinh
 
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxHÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 

Nguoi dan ba hanh phuc

  • 1. Người Đàn Bà Hạnh Phúc Tác giả: Ang Son Yoo Lời Nói Đầu "Với bó hoa lòng biết ơn , tôi khiêm cung dâng tặng quyển sách nầy lên cho Chúa và Cưú Chúa Giê-xu Christ , người bạn đời và người bạn đồng công trọn đời của tôi ." Cùng Quí Độc Giả Việt Nam Kính Thưa Quí Thân Hữu và Tín Hữu Việt Nam: Một trăm mười năm về trước, ở Đại Hàn không có một tín hữu Tin Lành nào hết. Hầu hết dân chúng theo Khổng Giáo hoặc Phật Giáo. Nhưng ngày nay, khoảng một phần ba dân tộc Nam Hàn tin thờ Chúa. Bảy trong số mười Hội Thánh lớn nhất trên thế giới nằm ở Nam Hàn. Có khoảng 7,000 Giáo sĩ Tin Lành người Đại Hàn đang truyền giáo tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Vì ảnh hưởng của cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và áp lực quân sự thường xuyên của Bắc Hàn, các tín hữu Tin Lành ở Nam Hàn đã học cách nương dựa nơi Chúa và hết lòng hầu việc Chúa. Họ thực sự xác tín Chúa Giê-xu là Đấng sống và Ngài là Đấng không hề thay đổi. Dù sự phát triển của Hội Thánh đang chậm lại do tình hình kinh tế trong vòng mười năm qua, hầu hết các Hội Thánh vẫn giữ những buổi nhóm cầu nguyện 5 giờ sáng của họ. Mức độ dự phần truyền giáo và dâng hiến của họ vẫn được kể là đứng đầu giữa các Hội Thánh ở Á Châu. Sau Thế Chiến Thứ hai, càng ngày càng có nhiều người Đại Hàn di cư đến Hoa Kỳ. Đi đến đâu họ cũng thành lập Hội Thánh. Trong khi người tín hữu Trung Hoa với gần 200 năm lịch sử đã thiết lập được khoảng 1,000 Hội Thánh người Hoa tại Hoa Kỳ; tín hữu người Việt trên 25 năm lịch sử đã xây dựng được hơn 200 Hội Thánh người Việt tại Hoa Kỳ; thì người Đại Hàn với 50 năm lịch sử đã xây dựng được hơn 4,000 Hội Thánh người Đại Hàn tại Hoa Kỳ. Người tín hữu Đại Hàn đã kinh nghiệm nhiều về Chúa. Họ đã nêu gương sáng thờ phượng và hầu việc Chúa cho nhiều dân tộc trên thế giới. Chúng ta có thể noi gương họ và cùng với họ hiệp tác hầu việc Chúa, đem Tin Lành truyền bá khắp thế giới, để hoàn thành Đại Mạng Lịnh Chúa giao. Tôi có may mắn hiệp tác với một số Hội Thánh và tín hữu Đại Hàn. Nay tôi lại may mắn hiệp tác để chuyển ngữ quyển sách "Người Đàn Bà Hạnh Phúc"
  • 2. của Nữ Mục sư Yoo, Ang Son, từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Tôi được khích lệ rất nhiều khi đọc và dịch quyển sách nầy. Đây là quyển sách rất có giá trị vì nó không phải là lý thuyết nhưng là kinh nghiệm thực tế. Đây là từng trải của một người kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa giữa những khổ đau, giống như từng trải của nhiều người Việt Nam trên con đường theo Chúa. Tôi hết lòng giới thiệu quí độc giả Việt Nam quyển sách nầy và xin quí vị tiếp tay giới thiệu quyển sách nầy cho nhiều người cùng đọc. Ước mong Đức Chúa Trời dùng quyển sách nầy để dẫn quí vị đến nguồn hạnh phúc mà chỉ có Chúa Giê-xu có khả năng ban cho những người đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Muốn thật hết lòng. Chân thành cảm ơn quí vị. Mục sư Nguyễn Văn Huệ , Dallas . Lời Tựa Đề tài quyển sách nầy đang thu hút rất nhiều người. Ai lại không muốn hạnh phúc? Tác giả quyển sách nầy là một nữ Mục sư. Số phận của bà thật kỳ diệu. Khi lên mười hai tuổi bà được kêu gọi để phục vụ những người già. Đời sống của bà đầy dẫy những thăng trầm, ánh sáng và bóng tối, vui vẻ và buồn bã, bình an và rắc rối. Bà đã từng trải tất cả trong suốt đời bà. Nhưng đời sống bà cũng đầy dẫy sức sống thuộc linh. Bà vâng giữ giao ước của Đức Chúa Trời. Trong Ngài bà đi theo những qui luật của tình yêu thương chân thật, của sự thương xót và của sự trung tín là những điều làm nên người đàn bà hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn noi theo và bắt chước đời sống của những vĩ nhân. Bà Yoo, Ang Son là người đàn bà biết rõ sự thật về những điều có thể thay đổi đồng thời cũng biết chấp nhận những gì không thể thay đổi. Đức Chúa Trời đã ban cho bà ân tứ khôn ngoan để biết phân biệt giữa hai điều nầy. Ý tưởng về quyển sách nầy ra đời như thế nào? Tôi đã nghe về Mục sư Yoo, Ang Son ở Nước Nga là nơi Hội Thánh Truyền Giáo Manna rất nổi danh giữa vòng các tín hữu Tin Lành. Vào tháng Mười Một năm 1998 khi tôi đến Hoa Kỳ, tôi có cơ hội dự nhóm ở Hội Thánh nầy. Tôi được khích lệ khi tôi nghe bà rao giảng với quyền năng của ân điển, tình yêu và niềm hy vọng trong tiếng nói của bà. Vào tháng Giêng năm 1999, tôi được mời đến nhà bà. Chúng tôi thông công nhau cách ấm áp trong sự đầy dẫy Thánh Linh và ân điển Chúa. Lúc đó có một số tín hữu của Hội Thánh đang có mặt. Khi tôi
  • 3. nhìn bà Mục sư, tôi cảm thấy như Đức Thánh Linh đang phán với tôi rằng bà phải kể lại cho mọi người trên thế giới về bà. Tôi không biết gì hết về câu chuyện đời bà. Tôi đã nghĩ về những phụ nữ Nga, những buồn đau, khó khăn và đời sống vô vọng của họ. Tôi nói, "Mục sư ơi, xin hãy viết một quyển sách cho những phụ nữ Nga về cách nào bà đã trở thành một người đàn bà hạnh phúc. Ở Nga những người bị áp bức nhiều nhất là người phu nữ. Bà phải kể cho họ nghe cách làm thể nào để họ cũng có thể trở thành những người hạnh phúc. Tôi bắt đầu nói và nhấn mạnh cách tha thiết dường như có Ai đó đang nói qua tôi. Bà Mục sư chỉ lắng nghe tôi và mỉm cười khi tôi tiếp tục thuyết phục bà viết quyển sách nầy. Và, một phép lạ xảy ra! Sau ba tháng, quyển "Người Đàn Bà Hạnh Phúc" đã được viết ra, xuất bản bằng tiếng Đại Hàn và đã dược dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga. Quyển sách "Người Đàn Bà Hạnh Phúc" cung cấp con đường dẫn đến dòng sông hạnh phúc đồng thời đem lại hy vọng và niềm tin rằng chỉ có tình yêu của Đấng Christ và Đức Chúa Trời mới có thể làm cho một người hạnh phúc. Tôi tin rằng quyển sách nầy sẽ dẫn dắt nhiều người đàn bà bất hạnh đến cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là nguồn gốc thực sự của hạnh phúc. Hội Thánh Truyền Giáo Manna đã hưởng ứng sự kêu gọi cao cả của Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa. Tháng Hai năm 1999 Svetlana Nemchevska Phóng viên Truyền Thanh và Truyền Hình Nga và Hoa Kỳ. Mời bạn đến “Dòng sông Hạnh phúc" Ngày nay khi nhìn lại cuộc đời 75 tuổi của tôi, tôi muốn mời quí độc giả hãy đến với cái nguồn mạch của niềm vui chân thật vốn đã khiến tôi trở thành người đàn bà hạnh phúc nhất thế giới! Tôi muốn giới thiệu bạn đến với Ngài, là Đấng đã ban phước cho tôi trước khi tôi lọt lòng mẹ. Ngài cũng là Đấng chẳng bao giờ thất hứa. Ngài đã chẳng bao giờ để cho tôi sống trong đói khát, trần truồng hay không nhà không cửa. Ngài đã luôn luôn bồng ẳm tôi khi tôi cô đơn, thương tổn hay khóc than. Ngài đã nói chuyện với tôi, luôn luôn với lời nói yêu thương, an bình và an ủi. Ngài đã đi với tôi trong những đường hầm tối tăm của cuộc đời. Ngài đã hứa ban cho tôi sự sống vĩnh cửu cũng như sự hiện diện của Ngài trên thế giới nầy. Ngài nắm tay dắt tôi lên tận đỉnh núi. Ngài bảo vệ tôi và trở nên nơi ẩn náu
  • 4. của tôi. Nếu tôi có một lời ước trước khi chấm dứt cuộc đời, thì đó là lời ước được mời bạn đến cùng dòng sông hạnh phúc nầy và bạn được đích thân gặp Ngài. Tôi cầu mong bạn bước vào con thuyền tình yêu đẹp đẽ của Ngài mà Ngài đã chuẩn bị cho bạn từ lâu. Tôi cầu mong bạn đồng hành với Ngài từ nay cho đến đời đời. Ang Son Yoo Tháng Hai, 1999 Mười Hai Giỏ Đầy Hạnh Phúc Giỏ Đầy Thứ Nhất Phước Lành Của Gia-cốp Giỏ Đầy Thứ Hai Người Tôi Gặp Năm Hai Mươi Ba Tuổi Giỏ Đầy Thứ Ba Tha Thứ Và Lại Tha Thứ Giỏ Đầy Thứ Tư Con Có Thật Lòng Yêu Ta Chăng? Giỏ Đầy Thứ Năm An Ủi Kẻ Hèn Mọn Giỏ Đầy Thứ Sáu Tôi Nghĩ Mọi Sự Đều Là Của Tôi Giỏ Đầy Thứ Bảy Thấp Hèn Nơi Đồng Vắng Giỏ Đầy Thứ Tám Con Có Thể Nào Đi Qua Trũng Tội Lỗi Chăng? Giỏ Đầy Thứ Chín Và Rồi, Sau Đó Giỏ Đầy Thứ Mười Mang Những Quả Thật Đẹp Giỏ Đầy Thứ Mười Một Người Đàn Bà Gieo Giống Giỏ Đầy Thứ Mười Hai Chén Tôi Đầy Tràn Giỏ Đầy Thứ Nhất: PHƯỚC LÀNH CỦA GIA-CỐP Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi Qua Trũng Bóng Chết Giỏ Đầy Thứ Nhất
  • 5. Ông Nội Yêu Dấu Của Tôi Lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông nội tôi còn sống là lúc ông đang nằm trên giường tại phòng mình. Tôi ra khỏi phòng ông nội và vào phòng mình để ngủ. Nhưng vào lúc tôi sắp thiếp đi thì có tiếng ai đó la lên, "Ông nội qua đời rồi!" Cả nhà tôi khóc. Tôi nhảy ra khỏi giường và chạy đến phòng của ông. Một tấm vải trắng được phủ lên thi thể của ông nội tôi, người hết lòng thương yêu tôi. Chỉ mới đây thôi, ông còn đặt một tay lên đầu tôi, còn tay kia giơ qua khỏi đầu mình và nói điều gì đó mà tôi không thể hiểu. Rồi ông bảo, "Ang Son, bây giờ cháu về ngủ đi." Tôi vẫn còn cảm thấy bàn tay run run và giọng nói yếu ớt của ông ở gần tôi lắm. Tôi không tin rằng ông nội đã chết. Khi ông nội còn sống, ông rất yêu thương tôi. Tôi khóc lớn và nói rằng, "Tại sao ông nội qua đời mà không phải là bà nội?" Rồi tôi lại khóc. Cả làng ai cũng biết ông nội rất thương tôi. Ông bồng ẵm tôi từ khi tôi còn nhỏ, đã được gần mười năm từ lúc con trai trưởng của ông (là cha tôi) lập gia đình. Ông nội đặt cho tôi cái tên độc nhất vô nhị, "Ang Son" nghĩa là "con của chim sơn ca." Đây là một loài chim đẹp trên thế giới thuộc họ này. Ông rất sung sướng khi đặt cho tôi cái tên như thế. Mẹ tôi là con dâu đầu tiên của ông nội tôi. Bà đi đến một ngôi làng khác, cải trang để đi tới một Shaman (nơi cử hành nghi thức tôn giáo của người đa thần) để nguyền rủa cái tên "Ang Son" vì bà rất ghét cái tên đó. Một ngày nọ, ông nội về nhà với bàn tay đầy máu, ông đã dùng tay không đánh vào một thân cây. Sau đó, ông nói với gia đình là ông không thể tiếp tục sống chung với người con dâu thờ lạy hình tượng. Ông thu dọn đồ đạc và đi lên Seoul, nơi con trai thứ hai của ông đang sống. Trước khi ông qua đời, ông gọi cha tôi, lúc đó đang ở Wonsan, bảo đem tôi lên Seoul. Cha tôi xin phép trường học của tôi và đưa tôi lên Seoul bằng xe lửa. Khi thấy tôi, cô tôi hét to lên, "Ang Son tới rồi!" Ông nội tôi bình thường vốn im lặng, nhưng hôm đó ông đã kêu lớn tên tôi và cười rất tươi. Vào đêm thứ ba ở Seoul, lúc tôi đang ngủ thì cha tôi đánh thức tôi dậy và đưa tôi đến phòng ông nội. Khi tôi bước vào phòng với đôi mắt còn mơ ngủ, ông nội bảo mọi người trong nhà đi ra để tôi ở lại. Trong căn phòng hầu như trống trải, ông nội yên lặng nhìn tôi với cái nhìn trìu mến. Lúc đó, tôi vẫn còn nửa mê nửa tỉnh nên không biết chuyện gì đang xảy ra. Một lúc sau, ông đặt bàn tay yếu ớt của mình lên đầu tôi, còn tay kia giơ lên cao. Ông bắt đầu nói chuyện "với một người nào đó," và tôi không biết đó là ai. Tôi vẫn còn buồn ngủ. Tôi định hỏi ông là," Ông ơi, ông đang làm gì vậy?" Nhưng tôi
  • 6. chưa kịp hỏi thì ông đã nói với giọng run run rằng, "Ang Son ạ, xong rồi cháu. Bây giờ, cháu có thể về phòng ngủ." Tôi gật đầu, mắt mở một cách khó khăn. Tôi đứng dậy và rời phòng ông nội. Và tôi, đứa bé gái 12 tuổi trong bộ đồ tang "ricksha," đứng đó trong dòng người đến viếng lễ tang ông nội. Tôi miên man suy nghĩ và tò mò về những điều mà ông nội đã nói và làm năm ngày trước đó. Tôi tiếc vì đã không hỏi ông những điều đó có ý nghĩa như thế nào. Suốt đám tang, tôi khóc trong niềm thương tiếc khôn nguôi vì biết mình sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Ông nội thương yêu tôi lắm. Và mọi ký ức này dường như mới chỉ xảy ra hôm qua mà thôi. Tôi nay đã 75 tuổi. Giờ đây, khi nhìn lại quãng đời của mình, tôi hiểu ra điều ông nội tôi đã làm vào buổi tối hôm ấy. Ông đã đặt tay lên tôi và chúc phước cho tôi, đứa cháu gái mà ông rất mực yêu thương. Đó là những ơn phước mà không tiền bạc nào có thể mua được. Giờ đây, đứa cháu gái đó đã lớn, gần bằng tuổi của ông nội lúc đó. Và tôi đã nhận biết những ơn phước vô cùng quý giá mà ông đã chúc lành cho tôi nhiều năm về trước. Tình yêu bao la của ông nội xuất phát từ đâu? Tình yêu mà bằng một chút hơi tàn của mình, ông đã dốc đổ ra cho tôi? Ông biết rằng những điều ông có đến từ Đấng là nguồn của mọi phước lành. Đó là lý do tại sao ông nội đợi tôi đến và bằng hơi thở cuối cùng của mình, ông đã cầu xin Đấng ấy chăm sóc đứa cháu yêu dấu của mình. Và Đấng đã nhậm lời cầu xin của ông nội thật đã nắm tay đứa bé gái ấy và đồng đi với cô trong suốt 75 năm qua. Qua Trũng Bóng Chết Ông nội tôi, người đã đưa tôi đến với Đấng là nguồn của mọi phước lành, khi còn trẻ đã gặp một nhà Truyền giáo người Mỹ, lúc Đại Hàn đang ở dưới triều đại nhà Lee. Sau đó, ông đã cắt đi búi tóc của mình và hằng ngày theo chân nhà Truyền giáo ấy đi khắp mọi nơi. Cha mẹ của ông vốn cực kỳ bảo thủ, đã rất tức giận vì nghĩ rằng đứa con thứ tư của mình đã bị ma quỷ phương Tây ám. Vì lẽ đó, gia đình đã từ ông. Ông đã tự bươn chải kiếm sống và đã trở thành bác sĩ Đông Y ở Wonsan, Bắc Hàn. Ông trở thành vị Trưởng lão thứ nhất của nhà thờ Tin Lành đầu tiên trong thành phố. Sau đó, ông đã cùng vợ và hai con trai lánh sang Trung Quốc vì ông phản đối việc thờ lạy hình tượng Hoàng Đế dưới quyền lực của người Nhật. Ông mở phòng khám Đông Y và trở nên giàu có. Ông đã hỗ trợ tài chính cho chính quyền lâm thời Đại Hàn tại Thượng Hải, Trung Quốc, lúc đó đang trong tư thế chuẩn bị giành độc lập. Ông đi đến nhiều thành phố của Trung
  • 7. Quốc và thành lập nhà thờ ở đó. Nhiều người đã kể lại, có vô số bệnh nhân đã được chữa lành khi được bàn tay ông nội chạm đến. Tiếng lành đồn xa, và ông luôn bận rộn với bệnh nhân đến từ khắp nơi xa gần trong cả nước. Cha tôi tốt nghiệp trường Đại Học Meigi nổi tiếng ở Nhật Bản và quyết định theo gương của cha ông, tức ông nội tôi, là người căm ghét người Nhật vì sự thờ lạy hình tượng của họ. Cuối cùng, cha tôi mở tiệm kinh doanh dược thảo Đông Y. Sau khi Đại Hàn được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân Nhật, ông trở thành Thị trưởng của thành phố Wonsan. Ông cưới mẹ tôi, và tôi chào đời vào ngày 10 tháng Ba, 1924. Trong những năm tháng đi học, tôi rất hay mắc cỡ, chủ yếu là vì cái tên độc nhất vô nhị mà ông nội đã đặt cho tôi. Vì cái tên ấy mà có một lần, trong lúc điểm danh, giáo viên đã kêu tôi đứng dậy. Tôi lớn lên trong môt gia đình đầy tình yêu thương. Là con một của một gia đình giàu có, tôi được dành trọn mọi sự quan tâm chăm sóc. Tôi tốt nghiệp phổ thông Trung học ở trường Luci, nằm gần bãi biển tuyệt đẹp ở Wonsan; và sau đó tốt nghiệp Đại Học Nữ Ehwa sau khi học xong Kinh Tế Đối Nội. Năm tôi tốt nghiệp Đại học (lúc đó tôi 20 tuổi), chú tôi, Tiến sĩ Sukchan Yoo, giới thiệu tôi với ông Jin Ho Kim. Ông Jin Ho Kim đã học quản trị kinh doanh tại Đại Học Meigi, Nhật Bản. Chúng tôi cưới nhau cũng vào năm ấy. Khi tôi đang sống ở Wonsan, Bắc Hàn, thì quốc gia đang ở trong giai đoạn cực kỳ rối ren dưới sự cai quản của Liên-xô và Mỹ. Chồng tôi phải ngưng việc kinh doanh và đi xuống miền Nam. Chồng tôi một mình ra đi vào tháng năm, 1947, hứa sẽ sớm trở về với gia đình. Hoàn cảnh ngày càng trở nên tồi tệ và tôi buộc phải đi xuống miền Nam cùng với hai đứa con còn nhỏ của mình. Đứa con đầu lòng của tôi được người dẫn đường cõng trên lưng, còn tôi cõng đứa bé hơn. Chúng tôi phải trèo lên núi Odai trong bóng tối dầy đặc. Tôi chưa từng đi bộ một mình trong ban đêm bao giờ. Tôi không thể kiểm soát đôi chân đang run lẩy bẩy của mình. Tôi tự hỏi, "Làm sao mình có thể qua nổi cái dốc núi này với đứa con trên lưng trong đêm tối mịt mùng như thế ?" Tôi nghe nói ngọn núi này nổi tiếng có nhiều rắn độc. Tim tôi đập mạnh trong nỗi sợ hãi và tuyệt vọng cùng cực khi tôi cất bước trong bóng đêm mù mịt ấy. Bất thình lình, tôi nhìn thấy ánh sáng. Đó là một thứ ánh sáng rất đặc biệt. Nó giống như tia sáng phát ra từ cây đèn pin và dẫn tôi đi từng bước một. Tôi không nhìn thấy môt cái gì ngoại trừ bước đi kế tiếp mà tôi sắp sửa bước. Cả vùng núi tối đen như mực, ấy thế mà tia sáng nhỏ bé ấy, cùng với gang bàn chân tôi đã chỉ đường cho tôi, chính xác chỗ tôi cần phải bước. Tia sáng
  • 8. này từ đâu ra nhỉ? Ai đang làm việc này? Nếu quân đội Bắc Hàn phát hiện ra chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ bị giết. Vào thời điểm ấy, sự sống của tôi không nằm trong tay tôi nữa. Nếu như đứa con nhỏ tôi đang cõng cất tiếng khóc thì… Ấy thế mà nó đang ngủ rất say trên lưng của tôi. Ai là người đang giúp tôi bước qua trũng bóng chết? Chúng tôi đi bộ, rồi leo núi suốt đêm, và cuối cùng thì tới được bờ sông Imjn. Nấp mình trong bụi cây, chúng tôi chờ cho đến khi trời sụp tối trở lại. Cuối cùng, có một chiếc thuyền cập vào bờ sông. Những người lánh nạn xuống miền Nam ra khỏi những bụi cây và lẳng lặng bước xuống thuyền. Người dẫn đường với đứa con nhỏ của tôi trên lưng cùng tôi cũng bước xuống thuyền. Đúng lúc ấy, một giọng nói thấp cùng với tiếng suỵt vang lên từ phía sau lưng tôi, "Tất cả sẽ chết nếu đứa bé này khóc, hãy ra khỏi thuyền đi!" Chúng tôi đã leo núi suốt đêm với ước mong được vào thuyền. Điều này có nghĩa là chúng tôi đang cầm chắc cái chết trong tay. Chúng tôi khóc và nài nỉ xin được vào thuyền, và người đàn ông nói, "Tôi sẽ để bà lên nếu bà liệng hai đứa trẻ xuống sông." Làm sao tôi có thể giết con để cứu lấy mạng sống của mình? Những con mắt trên thuyền làm tôi hoảng sợ. Rốt cuộc, họ đẩy người dẫn đường và tôi ra khỏi thuyền và rời bến. Chiếc thuyền bắt đầu băng qua sông, bỏ lại chúng tôi đằng sau. Tôi khóc với tấm lòng buồn bã và sự đau đớn tột cùng. Người dẫn đường bảo tôi đi dọc theo con sông, tìm chỗ cạn và hẹp đủ để có thể băng qua. Chúng tôi đi bộ hai mươi phút trong sự tuyệt vọng hoàn toàn. Thình lình, tôi nghe tiếng súng máy chát chúa vang lên từ đàng sau. Chúng tôi vội tìm chỗ trốn và nhìn lại hướng bờ sông. Một số đông quân lính đang bắn xả vào chiếc thuyền, lúc bấy giờ đã đi được nửa đoạn đường. Một vài phút sau, chiếc thuyền chìm xuống cùng với tiếng la khóc thảm thiết của những người trong thuyền ấy. Dòng sông tỉnh lặng trở lại, một lần nữa sự chết đã kề cận tôi. Tôi không tài nào nhấc chân lên nổi sau khi chứng kiến những gì vừa xảy ra ngay trước mắt. Ai đã giải cứu tôi khỏi cái chết khủng khiếp này? Người cứu tôi dường như đã biết trước tất cả những việc sắp xảy ra. Ai đã đem tôi ra khỏi những giây phút hiểm nghèo đó? Những hòn đá phủ đầy rêu khiến lòng sông vô cùng trơn trợt. Người dẫn đường phải lấy dây rơm cột chặt những đôi giày cao su của chúng tôi lại để phòng khi chúng tôi trợt chân khỏi những hòn đá ấy. Tôi bước chầm chậm theo người dẫn đường. Đầu tháng Năm, nước sông lạnh buốt. Càng lúc, sông trở nên sâu hơn và nước dâng lên tới ngực tôi; con tôi ở đàng sau thì nước đã ngập qua khỏi lưng gần tới cổ. Tôi cố vươn mình càng cao càng tốt bằng
  • 9. cách đi nhón gót. Nhưng dòng nước chảy mạnh khiến tôi không thể bước thêm một bước nào nữa. Tôi tự nhủ, "Mình sẽ chết chìm thôi." Chính vào lúc ấy, một người nào đó nhẹ nhàng nâng đôi vai tôi lên, và tôi biết chắc rằng chân tôi không còn đụng đáy sông nữa. Ai đã nâng cánh tay và đôi vai tôi lên để tôi có thể vượt qua dòng nước tối đen ấy? Tôi không biết Đấng cứu mạng sống tôi, con tôi và người dẫn đường khỏi những tình thế nguy nan và những nỗi ưu phiền là ai. Nhưng ba năm sau, tôi đã khám phá ra Đấng ấy khi tôi gặp Ngài trên đường đi tị nạn lúc cuộc chiến tranh Đại Hàn diễn ra. Chính Ngài đã giải cứu tôi khỏi những tình thế tưởng chừng đã bế tắc. Rốt cuộc, chúng tôi tới được Seoul và gặp chú tôi, Tiến sĩ Sukhan Yoo, đang tiếp tế cho người nghèo tại dưỡng đường Nhân Dân của ông. Vào lúc ông nghĩ rằng đứa cháu gái của mình đã chết, thì tôi bước vào cùng với hai đứa con nhỏ. Chú tôi và chồng tôi khóc lên vì sung sướng. "Ôi! Ang Son, nếu cháu có mệnh hệ gì thì làm sao chú dám gặp mặt ông nội của cháu đây?" Ông cầm tay tôi và khóc rất nhiều. Sau chiến tranh Triều Tiên, chú tôi mua một mảnh đất ở Seoul và dự trù xây một bệnh viện. Nhưng cuối cùng ông đã quyết thực hiện theo di chúc của ông nội. Việc giáo dục thế hệ trẻ là một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với tương lai của Đại Hàn. Vì thế ông mở trường dạy kinh tế chính trị, và đây chính là cơ sở cho sự ra đời của trường Đại học Kunkook. Sau này chồng tôi, lúc đó đã có công việc kinh doanh của riêng mình, đã cùng chú tôi mua bảy trăm mẫu đất ở ngoại ô, thành lập trường Đại học Kunkook (mang ý nghĩa xây dựng đất nước.) Chồng tôi vừa là Giám đốc Điều hành, vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi ông mất vào tháng 12, 1968. Chú tôi, Tiến sĩ Yoo được Tổng Thống Đại Hàn ban tặng huân chương vì sự đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục ở Đại Hàn. Ông là tác giả của quyển sách nổi tiếng "Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng," sau này đã trở thành nền tảng cho quyển "Phong Trào Mới Ở Làng Xã" của Tổng Thống Park Chung Hee. Chú thích : Phần chú thích này nhằm giúp cho độc giả nắm rõ về các con của Mục sư Yoo được đề cập tới trong sách. Bà có cả thảy bảy người con. Con đầu lòng của bà là bé trai được người dẫn đường cõng trên lưng, cháu đã qua đời ở Seoul khi chưa đầy một tuổi. Người con thứ nhì là bé gái mà bà cõng lúc vượt sông. Hiện giờ, cô đang sống ở Los Angeles. Người con thứ ba là bé gái đã qua đời lúc chín tuổi vì bệnh bạch hầu. Người con thứ tư được sinh ra trong khoảng thời gian tị nạn và hiện giờ đang sống ở Los Angeles. Người con trai thứ năm đang sinh sống ở San Diego, California. Người con gái thứ
  • 10. sáu của bà về sau đã qua đời ở Los Angeles. Và người con trai thứ bảy hiện đang định cư ở Los Angeles, Hoa Kỳ. Giỏ Đầy Thứ Hai: NGƯỜI TÔI GẶP NĂM HAI MƯƠI BA TUỔI Đường Tới Trại Tị Nạn Bình Minh Của Tuổi Hai Mươi Ba Bà Điên Từ Seoul Đến Một Trái Nhỏ Đường Tới Trại Tị Nạn Sau khi sống được ba năm ở Seoul trong suốt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, vào tháng Sáu năm 1950, tôi đi lánh nạn ở Bugok, cách Seoul 25 dặm về phía Nam. Ngày 31 tháng Mười Hai, 1950, con trai thứ hai của tôi chào đời. Một vài ngày sau, ngày 4 tháng Giêng, tôi phải đi tị nạn vì quân đội Trung Hoa bắt đầu dính líu vào cuộc chiến Triều Tiên. Đó là một ngày mùa đông trời rét mướt, và tôi phải ra đi với đứa con mới chào đời được vài ngày của mình. Cha tôi phải ở lại Bugok để chăm sóc bà nội tôi, lúc ấy đã 91 tuổi. Tất cả những người còn lại trong gia đình đều phải đi tìm chỗ lánh nạn. Khi quân đội Trung Hoa kéo đến Bugok, cha tôi đã làm thông dịch cho cả làng vì ông nói thạo tiếng Trung Quốc; nhờ vậy mà cả làng thoát chết. Tôi rời khỏi Bugok bằng xe bò. Tôi nung một hòn đá lớn để tôi và hai con ngồi lên cho ấm. Tôi cắm bốn khúc cây ở bốn góc chiếc xe kéo và phủ lên đó một cái mền để che cho bớt lạnh, dầu vậy tuyết vẫn cứ len vào căn lều nhỏ xíu ấy của chúng tôi. Cha tôi đã khóc lóc thảm thiết vì không có dấu hiệu nào đảm bảo cho sự trở lại của đứa con gái của mình. Cô mới vừa sanh con được vài ngày! Thời tiết tháng Giêng ở Đại Hàn lúc nào cũng giá rét. Trời rét buốt và chúng tôi cảm thấy sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi thấy nhiều xác chết bên đường, hoặc chết vì đạn của quân lính hoặc chết vì lạnh. Có nhiều vết máu trải dài trên tuyết trắng. Tôi ôm chặt lấy đứa con mới được bốn ngày tuổi của mình. Tôi run rẩy trong cái lạnh kinh hồn của mùa đông, còn hàm răng thì đánh lập cập một cách không thể kiểm soát. Dường như chúng tôi đã ngồi trên chiếc xe lắc lư ấy đã lâu lắm. Rốt cuộc, chúng tôi tới một ngôi làng nhỏ bé tên là Donjitgol, nằm trên đường dẫn tới thành phố Suwol. Tôi muốn dừng lại ở một quán trọ để được sưởi ấm nhưng bị từ chối vì tôi có quá nhiều con nhỏ. Tôi chỉ biết đứng ngoài cửa mà khóc. Rồi thì có ai đó bảo tôi đến xin trọ ở ngôi nhà bán gạo cũng nằm trên con đường đó. Tôi nài nỉ chủ quán xem chừng mấy đứa con của tôi một lúc để tôi đi đến
  • 11. cửa hàng gạo. Tôi đến và gõ cửa nhưng không thấy ai lên tiếng. Mặt trời mùa đông ngắn ngủi đã sắp sửa khuất bóng. Tôi nghĩ mình sẽ chết cóng cùng với đứa con của mình. Vào chính lúc ấy, đứa con đang ngủ trong lòng tôi thình lình khóc ré lên một cách khác thường. Cánh cửa mà nãy giờ vẫn khóa chặt trước những cú nện thình thịch của tôi cuối cùng đã cót két mở ra. Một bà cụ già ló đầu ra khỏi cánh cửa. Trông bà có vẻ phúc hậu. Bà nói, "Đứa bé mới sinh à? Chị đi tị nạn sao?" "Con dâu tôi cùng cháu tôi cũng đã đi tị nạn. Tôi cứ tưởng như cháu tôi đã quay về." Rồi bà nói, giọng nghẹn ngào,"Chị hãy vào đây." Bà nói với tôi rằng bà chưa hề mở cửa cho bất kỳ người tị nạn nào, dù trời có giá lạnh bao nhiêu đi chăng nữa. Tâm hồn của bà cụ lạnh lùng và băng giá cũng giống như mùa đông vậy. Nhưng lần này, ai đã làm cho tấm lòng ấy tan chảy để bà có thể mở cửa nhà mình ra cho tôi? Tôi bước vào một căn phòng nhỏ, ấm áp và đặt con tôi nằm trên một cái mền. Nó thôi khóc và ngủ thiếp đi. Bà cụ đem cho tôi bữa ăn tối nhưng tôi không thể ăn vì mãi lo cho hai đứa con mà tôi đã để lại quán trọ. Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện cho bà cụ nghe và bà nói, "Chị đem mấy đứa kia lại đây luôn đi." Tức thì, tôi phóng ra cửa và chạy tới quán trọ. Có đến hơn ba mươi người đang chen chúc trong căn phòng chật hẹp. Tôi thấy hai con tôi đang đứng ở góc phòng trong nước mắt và sợ hãi. Tôi đưa chúng về nhà bà cụ. Không biết bao nhiêu người đã bị chết cóng. Nhưng ai đã quan tâm săn sóc tôi? Ngôi nhà này vốn là nơi bán gạo trước khi chiến tranh bùng nổ, vì thế bà cụ luôn có đủ gạo để ăn, còn căn phòng thì lúc nào cũng ấm cúng. Tôi cứ luôn tự hỏi ai đang chăm sóc tôi giữa một nơi bị chiến tranh tàn phá như thế này. Tôi ở lại nhà bà cụ trong nhiều ngày. Tôi sửa soạn nhanh những buổi cơm trưa cho những người lính đi ngang qua nhà. Tôi trở nên giống như con dâu của bà cụ. Tôi chăm sóc bà và trông coi nhà cửa với tất cả tấm lòng của mình. Tôi còn may đồ cho bà bằng chiếc máy may mà một người tị nạn đã đưa cho bà để đổi lấy gạo và lúa mạch. Bà cụ rất sung sướng khi thấy bộ đồ tôi may cho bà. Mùa xuân đến cũng là lúc hòa bình trở lại mang theo những tin tức về việc ngừng bắn. Tôi muốn rời khỏi nhà bà cụ đã tiếp đãi tôi cùng các con tôi vô cùng tử tế. Nhưng tôi không thể ra đi cùng hai con nhỏ và đứa bé mới sinh trên lưng. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại thở dài và nôn nóng về nhà. Và đến một ngày, một bàn tay cứu giúp xuất hiện. Đó là những người lính mà nhiều lần tôi đã nấu cơm trưa cho họ ăn. Họ vui mừng được trả ơn tôi bằng cách cõng hai đứa con tôi trên lưng. Ngày khởi hành đã tới. Bà cụ rất buồn khi thấy chúng tôi ra đi nên xin chúng tôi nán lại thêm một ngày nữa. Tôi không thể nói lời từ chối với bà và để bà
  • 12. lại một mình nên chúng tôi ở lại nhà bà thêm một đêm nữa. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi từ giã bà cụ đáng mến ở làng Dongjitol để trở về Bugok. Đi bộ được nửa ngày thì chúng tôi đến chợ Balahn. Chúng tôi để ý dường như nó bị bỏ trống và không có một bóng người nào ở đó cả. Một ông cụ trong làng đã rướm nước mắt khi cho chúng tôi hay là tất cả phụ nữ trong làng đều đã bị quân địch hãm hiếp khi chúng rút quân. Tôi thấy những chiếc ủng cao su phụ nữ nằm rải rác trên mặt đất. Một lần nữa, tôi dâng lên những lời cảm tạ đầy nước mắt. Nếu tôi đi khỏi làng sớm hơn một ngày, thì tôi đã trở thành một trong những nạn nhân rồi. Tôi ở lại làng một đêm để bình tĩnh trở lại. Tôi lại đặt câu hỏi, "Ai đã luôn bảo vệ và cứu giúp tôi trong những hoàn cảnh hiểm nguy và kinh khiếp này?" Tôi cứ trằn trọc suốt đêm với câu hỏi ấy và đến gần sáng mới có thể chợp mắt được. Khi chúng tôi về tới con đường làng của Bugok, một người đàn bà biết tôi đã chạy đến nhà cha tôi và hét ầm lên, "Ang Son đang về đến, cô ấy và lũ trẻ vẫn còn sống." Cha tôi nghĩ tôi và các con tôi đã chết trên đường đi lánh nạn. Ông chạy chân không đến và giang tay ôm chầm lấy tôi; ông khóc như một đứa trẻ. Ông không thể nào tin rằng không một ai trong chúng tôi bị thương và chúng tôi đều còn sống khoẻ mạnh. Chồng tôi, trước đó chia tay chúng tôi để đi lánh nạn, giờ đây từ Busan đã trở về. Hai tháng sau, chồng, chú và cha tôi cùng lên Seoul để phát triển dự án xây dựng một Trường Đại Học. Tôi ở lại Bugok với các con vì Seoul vẫn còn là một thành phố hoang tàn và đổ nát do hậu quả của chiến tranh. Buổi Bình Minh Của Tuổi Hai Mươi Ba Một ngày đầu hè, khi tôi đang ngồi nghỉ trên đồng lúa thì có một người phụ nữ trẻ đến gần. Bà mặc một chiếc áo jogori trắng (áo truyền thống Đại Hàn của nữ giới) và một chiếc chima đen (loại váy đặc thù của Đại Hàn.) Quần áo của bà trông gọn gàng và sạch sẽ, bà không giống như một phụ nữ nhà quê. Bà ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu nói về những chuyện lặt vặt. Rồi bà hỏi tôi có biết bài hát, "Tôi nghe Chúa Cứu Thế phán sức lực của con thật nhỏ mọn thay" hay không? Tôi ghét cay ghét đắng sự nhã nhặn của bà ấy. Dẫu đang sống tị nạn ở nông thôn, nhưng từ nhỏ tôi đã đi nhà thờ và thậm chí đã tốt nghiệp Đại Học (vốn là một điều hiếm thấy, nhất là đối với phụ nữ vào thời ấy.) Tôi không hề giống như những phụ nữ quê mùa như bà ấy nghĩ. Nhưng vì phép lịch sự, tôi đã hát bài Thánh ca đó. Bà ấy quan sát tôi một cách tỉ mỉ và xin tôi hát lại một lần nữa, và trong lúc hát thì suy nghĩ về ý nghĩa của lời bài hát. Tôi tự nhủ, "Tại sao bà ấy lại yêu
  • 13. cầu mình làm việc này nhỉ?" Hát là hát chứ có khác gì đâu. Tôi cố che giấu lòng kiêu hãnh của mình. Nhưng có một cảm giác không thể cưỡng lại được đã khiến tôi mở miệng hát và chiêm nghiệm ý nghĩa của bài hát đó. Tôi hát nhiều lần liên tục và một lúc lâu sau, niềm kiêu hãnh của tôi bị chế ngự, nước mắt tôi bắt đầu lăn dài trên má. Tôi suy nghĩ đến đất nước đang đau khổ vì chiến tranh. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu ớt giữa tất cả những nỗi đau thương này. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi, nhiều lần cái chết chỉ cách tôi trong gang tấc. Tôi suy nghĩ và biết rằng tôi không còn ở đây nếu không có một người nào đó ra tay giúp đỡ. Tôi sẽ không còn ngồi đây nếu bàn tay ấy không đưa dắt tôi qua thung lũng của bóng chết. Tiếng khóc thổn thức của tôi dần dần trở nên to hơn. Tôi đau đớn vô cùng khi nhìn lại cuộc đời đầy những gian nan của mình. Và người phụ nữ ấy bảo tôi phải ăn năn. Thế là cơn giận của tôi bắt đầu nổi lên. Tôi nghĩ, "Bà ấy là ai mà dám nói với mình như thế?" "Tại sao mình phải bối rối trước người phụ nữ này?" Trong cơn tức giận, tôi đã đáp rằng, "Tôi không phải là một tội nhân. Tôi không phạm tội gì cả. Đừng có sỉ nhục tôi như thế. Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có. Tôi chỉ giúp người khác chứ chưa hề lấy của ai, thậm chí một cây bút chì cũng không. Tôi chưa hề đắm đuối khuôn mặt của người đàn ông nào ngoài chồng tôi ra. Trong đời mình, tôi chưa hề phạm tội bao giờ." Người phụ nữ ấy chỉ lắng nghe trong yên lặng. Sau đó, bà cười và nói với tôi, "Trong thành phố có nhà thờ Giám Lý Bugok. Nhà thờ đã bị hư hại nhiều vì chiến tranh nhưng cô có thể đến và nhóm với chúng tôi." Người phụ nữ ấy đã không đáp trả lại những câu nói ngây ngô của tôi. Bà đứng dậy và đi khỏi cánh đồng. Tôi về nhà lòng buồn bực. Suốt đêm tôi không ngừng suy nghĩ về người phụ nữ lạ mặt mà tôi đã gặp hồi sáng. "Người đàn bà ấy là ai? Tại sao lại bảo mình phải ăn năn?" Vài ngày sau, tôi thức dậy vào lúc rạng đông. Tôi để những củ khoai tây cùng những trái bắp luộc cạnh gối của các con tôi lúc chúng vẫn còn say giấc. Tôi ra khỏi phòng và chặn một hòn đá lớn trước cửa. Tôi đi đến nhà thờ với đứa con út trên lưng. Nhà thờ cách khoảng chừng bốn dặm về phía bên kia đường rày. Tôi bước vào ngôi nhà thờ không một bóng người và quỳ xuống nền nhà. Những lời đầu tiên của tôi là, "Chúa yêu dấu của con, bà ấy bảo con phải ăn năn nhưng con không nghĩ ra được mình đã phạm lỗi gì. Nhưng nếu Ngài nghĩ con là tội nhân, thì xin hãy chỉ cho con biết." Tôi ngồi một mình trong nhà thờ và cầu nguyện; nhưng vẫn không nghĩ ra được một tội nào. Tôi cõng con tôi trở về nhà. Tôi lập lại việc này trong vòng một tuần. Vào rạng sáng ngày thứ bảy, tôi lại ra khỏi nhà và đặt đứa con nhỏ trên sàn nhà bên cạnh tôi. Tôi lặp lại cùng một lời cầu nguyện, "Lạy
  • 14. Chúa yêu dấu, xin hãy chỉ cho con biết tội của mình." Và khi lời cầu nguyện chưa kết thúc thì tôi đã thấy một khải tượng bằng chính mắt của mình. Khải tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là khi tôi học Tiểu học. Mẹ tôi may cho tôi một bộ đồ lót bằng vải hoa rất đẹp nhưng tôi không thích. Tôi cởi ra và quẳng xuống cánh đồng lúa. Mẹ tôi nhặt bộ đồ lên và đi theo tôi đến Trường vì sợ rằng tôi sẽ bị cảm lạnh. Nhưng tôi đã nổi giận với bà về việc ấy. Trong khải tượng kế tiếp, tôi thấy mẹ tôi đem hộp cơm trưa đến Trường cho tôi (vì đang là mùa đông nên nếu bỏ cơm sẵn vào cặp thì đến trưa cơm sẽ trở nên nguội lạnh); bà đứng đợi trước lớp học tay cầm hộp cơm. Thế mà tôi đã cáu gắt với bà vì bà đã làm tôi ngượng ngùng trước đám bạn của tôi. Bà đã xin lỗi tôi. Rồi sau đó, tôi thấy mình đang chơi đùa với các bạn. Tôi thường hất tung tấm trải lên rồi bỏ đi khi tôi không thích chơi những trò chơi đó. Nếu tôi gây lộn với các bạn tôi thì không bao giờ tôi muốn làm hòa mà biến chúng thành kẻ thù của tôi. Lúc đã lập gia đình, có lần chồng tôi nhờ tôi khâu lại mấy cái nút bị lỏng, tôi đã đáp trả chồng tôi,"Sao anh lại kêu em? Anh làm hư thì bây giờ hãy tự mình khâu lại đi." Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đối xử thô lỗ với chồng tôi và nhiều người khác. Tôi thấy từng tội lỗi tôi đã phạm trong hai mươi ba năm của cuộc đời mình chạy qua như phim đèn chiếu. Tâm hồn tôi đau đớn tột cùng. Tôi thấy mình đầy tội lỗi và vô cùng xấu xa, thế mà tôi đã chối những tội lỗi ấy. Tôi hổ thẹn vì con người mình. Lần này, tôi khóc trong sự thống hối sâu xa về những tội lỗi ấy. Tôi đấm ngực với lòng ăn năn chân thành. Và việc ấy bắt đầu từ buổi bình minh kéo dài cho đến khi mặt trời lặn. Người phụ nữ ấy đã đem con tôi ra ngoài và chăm sóc nó, nhưng thậm chí tôi cũng không hề biết. Tôi bò lê, lăn lộn, khóc lóc và ăn năn tội lỗi mình. "Chúa có thể tha thứ cho một người đàn bà vô dụng như con chăng? Con thật sự ăn năn, Chúa ôi. Xin hãy tha thứ cho sự kiêu ngạo, sự bướng bỉnh, tính ích kỷ và trái tim không có tình thương của con." Từ trên trời cao, Ngài đã nghe thấy tiếng khóc của tâm hồn tôi. Bằng giọng nói thật dịu dàng và đầy lòng thương xót, Ngài đã gọi tôi và phán rằng, "Ang Son, con yêu dấu của Ta, Ta đã chết cho tội lỗi của con rồi." Lúc tôi đang khóc và ăn năn tội mình, tôi quay đầu nhìn về nơi phát ra tiếng nói. Tôi lẩm nhẩm, "Ôi, Chúa tôi!" Tôi thấy Ngài bị hành hình trên thập tự giá vì tội lỗi của tôi. Chính mắt tôi đã trông thấy rõ ràng. Ngài bị treo trên cây thập tự. Chiếc mão gai Ngài đội khiến cho đầu Ngài chảy máu. Máu tuôn lai láng từ trán Ngài, ướt đẫm khuôn mặt của Ngài. Tôi thấy những vết thương sâu huắm do bị gai đâm. Thân thể Ngài rã rời và đau đớn cùng cực ở từng chiếc xương và từng khớp nối. Bàn tay, bàn chân Ngài đầy những vết máu khô đỏ sậm. Hông Ngài bị toát ra vì giáo đâm. Máu từ
  • 15. vết thương vẫn còn chảy. Toàn thân Ngài rách nát và đầy máu vì bị đánh bởi roi da. Không có sự chết nào dã man và rùng rợn hơn thế. Tôi nhắm mắt lại vì không còn đủ can đảm để tiếp tục nhìn thấy cảnh tượng ấy. Nhưng ngay cả khi tôi nhắm mắt lại, hình ảnh Ngài chịu khổ trên cây thập giá vẫn không hề biến mất. Tôi thét lớn vì ghê tởm tội lỗi của mình và vì tình yêu vĩ đại và lòng thương xót vô biên mà Ngài đã dành cho tôi. "Chúa ôi, chính con đã khiến Chúa phải chết thảm thương trên thập hình như thế. Ôi Chúa của con, xin hãy tha thứ cho con, con xin Ngài." Tôi ăn năn tội mình rất lâu. Sự ngạo mạn, sự ích kỷ và sự công bình của tôi, tất cả đều vỡ vụn ra trước mặt Ngài. Chính trong ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Bugok ấy, một người đàn bà tội lỗi đã được tái sinh. Quỳ trên tấm thảm rơm trải sàn, tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi đã đối diện với thân vị của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi đã không biết chính Ngài là Đấng đã dẫn dắt và đem tôi ra khỏi những giờ phút nguy nan khi tôi đi trong trũng bóng chết. Tôi vô cùng hổ thẹn trước mặt Ngài. Tôi úp mặt xuống đất và không tài nào dịch chuyển khỏi tư thế ấy. Chính ngày hôm ấy, tôi đã quyết định hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa. "Con chỉ là một người vợ, một người mẹ của ba đứa con, nhưng giờ đây con sẽ trở nên một đầy tớ trung tín của Ngài." Tôi giơ cao tay lên và hứa nguyện dâng mình cho Chúa. Bà Điên Từ Seoul Đến "Bà điên từ Seoul đến ấy là ai vậy?" Mọi người trong thành phố hỏi nhau. Đó là biệt danh mà người dân Bugok gán cho tôi. Họ có lý do khi gọi tôi là "bà điên." Mỗi ngày họ thấy tôi xuất hiện vào lúc bình minh, cõng con trên lưng và hướng về nhà thờ. Con đường dẫn tới nhà thờ thì hẹp và tối. Đó là một con đường rùng rợn và đáng sợ. Thỉnh thoảng, có vài thây người chết được tìm thấy trên con đường ấy. Nhưng tôi không hề run sợ và kinh khủng. Họ nghĩ tôi khùng mới dám băng qua cái nghĩa địa ấy mỗi ngày. Chồng tôi từ Seoul trở về nói mọi việc đã đâu vào đấy. Ông bảo tôi và ba con lên Seoul. Nhưng tôi không thể dễ dàng bỏ đi, vì chính tại nơi ấy, vào một buổi bình minh, tôi đã gặp Ngài một cách thật sống động và rõ ràng. Người phụ nữ gặp tôi trên cánh đồng lúa là bà Mục sư Myung Hwa Young. Bà làm Mục sư Phụ tá cho Mục sư Yoo Jaehun, đang phục vụ trên một ngọn núi cầu nguyện. Vì vậy, bà được bổ nhiệm về Hội Thánh Giám Lý Thứ Nhất ở Bugok. Hàng ngày, tôi theo chân Mục sư Myung, học cách yêu thương và phục vụ người khác trong đời sống. Cùng đi với chúng tôi có bà Lee, cũng là
  • 16. một thuộc viên của Hội Thánh. Bà xuất thân từ một gia đình nghèo và thường bị chồng chửi rủa, đánh đập. Tuy vậy, bà vẫn cố gắng đi nhóm vào ngày Chúa nhật. Bà Lee chở con mình đến nhà thờ bằng xe đạp. Mục sư Myung dành sự quan tâm đặc biệt cho người đàn bà ấy và dường như không đoái hoài gì đến tôi. Tôi là người tín hữu tận tụy với bà nhất, vậy mà bà chỉ chú ý đến bà Lee. Tôi bỏ về nhà, vô cùng tức tối và nghĩ rằng mình sẽ không đi nhà thờ nữa. Đến một buổi trưa nọ, con trai tôi bị sốt cao. Tôi cầu nguyện và đặt túi chườm lên đầu thằng bé, nhưng nó vẫn không hạ sốt chút nào. Tôi sợ hãi cõng con chạy đến nhà thờ. Tôi mở cửa nhà thờ và thấy Mục sư Myung đang quỳ gối cầu nguyện trước tòa giảng. Tôi rón rén lại gần, trong lòng sợ rằng bà sẽ nổi giận với tôi vì việc tôi bỏ về sớm ngày hôm ấy. Rồi lời cầu nguyện của bà đến tai tôi, "Chúa yêu dấu của con, xin Ngài tha thứ cho cô ấy. Cô ấy vẫn còn là một đứa trẻ trong đức tin của mình. Xin Ngài hãy đem cô ấy đến với nhà thờ một lần nữa." Tôi cảm thấy hối hận và hổ thẹn khi nghe lời cầu nguyện ấy. Bà Mục sư thấy tôi và vui mừng bắt tay tôi. Tôi khóc và nói với bà rằng con tôi bị sốt rất cao. Bà đặt tay lên trán con tôi và khẩn thiết cầu nguyện. Ngay tức khắc, nhiệt độ con tôi trở lại bình thường. Sự việc này làm tôi ngại ngùng trong một thời gian khá lâu. Tuy nhiên, câu chuyện này sau đó đã trở nên một bài làm chứng tuyệt vời cho những thành viên nữ trong chức vụ của tôi như là một bài học về hậu quả của sự ganh tị và lòng đố kỵ. Một Trái Nhỏ "Cô à, tôi sẽ trả lương cho cô như thế nào đây?" vợ của ông Cảnh sát trưởng địa phương hỏi tôi khi tôi đang giặt tã cho con của bà ở gần máy bơm nước. "Hãy lên đây ăn trưa với tôi trước khi về nhà." Bà ấy nổi tiếng khắp vùng vì tính tình hung tợn, bà thường chửi bới và nắm tóc chồng mình. Khi tôi tiếp xúc với bà lần đầu tiên, tôi muốn biến người phụ nữ bất hạnh nhất vùng ấy thành một người hạnh phúc bằng cách nói cho bà nghe về Chúa Giê-xu. Tôi muốn chia sẻ với bà tình yêu của Ngài và niềm hạnh phúc thật mà tôi đã từng trải. Nhưng không một người phụ nữ nào dám đến gần bà vì tính tình của bà. Thậm chí, họ còn tránh chào hỏi bà. Vậy là tôi quyết định tiếp cận bà. Một ngày nọ, tôi gõ cửa nhà bà. Bà nghĩ tôi là một người tị nạn lao động chân tay muốn xin thức ăn nên bà không ngần ngại mở cửa. Hằng ngày, tôi đến nhà bà giặt tã lót và quần áo cho đứa con nhỏ của bà. Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng bà hỏi tôi, "Tại sao cô làm việc cho tôi mà không hề nhận tiền công? Thậm chí cô cũng không nhận lời mời ăn bữa trưa với tôi. Lý do nào khiến cô đến đây mỗi ngày và làm việc
  • 17. không công?" Câu hỏi của bà khiến tôi vô cùng sung sướng. Tôi đáp, "Tôi không muốn bất cứ điều gì cả, nhưng chỉ mong bà giúp cho một chuyện. Tôi muốn bà đến nhà thờ, dù chỉ một lần." Bà nói, "Chỉ thế thôi sao? Vậy thì tôi có thể đi đến đó một lần." Vậy là cuối cùng, vợ của ông Cảnh sát trưởng địa phương đã đến nhà thờ! Nhưng rõ ràng bà không cảm thấy thoải mái, suốt buổi nhóm, bà trông có vẻ sợ sệt. Niềm hy vọng và sự mong chờ của tôi tan biến. Trông bà thật lạnh lùng, không một chút cảm động. Sau buổi nhóm, bà lặng lẽ ra về. Tôi hơi do dự nhưng tự hỏi mình rằng, "Mình có nên dừng ở đây hay là thử hỏi bà ấy thêm một lần nữa?" Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sự mạnh dạn, và tôi quyết định quay trở lại nhà người phụ nữ ấy. Tôi lại đến nhà bà mỗi ngày để giặt tã lót và quần áo cho con của bà. "Cô à, lần này cô muốn gì ở tôi?" Tôi nói, "Nếu bà đến nhà thờ một lần nữa thì đó là tiền công mà bà trả cho tôi." Bà đáp, "Điều ấy không khó. Và tôi không mất gì cả." Nhưng bà lại trở về nhà mà không được cảm động hay biến đổi một chút nào cả. Sự việc này lặp lại một vài lần cho đến một ngày Chúa Nhật nọ, tôi để ý thấy bà đưa tay lên mặt nhiều lần, và sau đó đôi vai bà rung lên. Buổi nhóm đã kết thúc, nhưng bà vẫn ngồi yên tại chỗ. Bà đang lau nước mắt của mình. Cuối cùng tia sáng tình yêu của Chúa đã làm tan chảy trái tim lạnh giá và vô cảm của bà. Tia sáng đến từ Đức Chúa Trời đã làm bà biến đổi. Từ một người bất hạnh, bà đã trở thành một người đàn bà hạnh phúc. Một ngày kia, ông Cảnh sát trưởng gửi lá thư nói rằng ông muốn gặp chúng tôi. Mục sư Myung cùng tôi đi đến Sở Cảnh sát của thị trấn. Ông chào hỏi chúng tôi với một lòng biết ơn sâu xa vì vợ ông nay đã là một con người được đổi mới hoàn toàn. Để đền đáp lại việc này, ông hỏi liệu ông có thể giúp gì cho chúng tôi. Vào thời điểm đó, chúng tôi đang cầu nguyện cho ngôi nhà thờ bị hư hại nặng nề của chúng tôi. Ông nói một cách thận trọng, "Chúng tôi tìm thấy thi thể của một người lính ngoài chiến trường. Chúng tôi đã lục soát người anh ta để xem có họ hàng thân thích gì không. Chúng tôi không tìm thấy bất cứ giấy tờ gì, nhưng chúng tôi phát hiện một túi vàng cục được cột chặt vào miếng băng quấn ngang hông của anh ta. Nếu số vàng có thể giúp gì cho các cô, thì tôi muốn các cô dùng chỗ này cho nhà thờ; vì nếu tôi có thuật lại việc này cho chính quyền thì một ai đó ở cấp trên cũng sẽ giữ lấy số vàng này làm của riêng. Chẳng thà tôi thấy số vàng này được sử dụng cho một mục đích tốt." Chúng tôi cảm ơn ông Cảnh sát trưởng và dùng số vàng để mua vật liệu xây dựng cần thiết. Cứ mỗi sáng, những người phụ nữ trong nhà thờ được chia vào từng nhóm và bắt đầu công việc kiến thiết nhà thờ. Một hôm, khi tôi ở công trường và đang đẩy một chiếc xe goòng cũ kỹ chất đầy gạch thì bỗng
  • 18. nhiên một cái báng xe rớt ra khỏi càng xe. Thế là cả chiếc xe cùng với số gạch chất trên đó nghiêng qua và đổ lên bàn chân trái của tôi. Tôi nghe tiếng rắc nơi chân trái, cùng tiếng xương gãy. Tôi té xuống trong sự đau đớn dữ dội. "Ôi Chúa ôi!" Tôi cất tiếng khóc. Trong đầu tôi hiện lên khuôn mặt của chồng tôi bảo tôi lên Seoul. Tôi sẽ giải thích với chồng tôi việc này như thế nào đây? Tôi hình dung hình ảnh tôi bước về nhà với cái chân trái bị thương. Mục sư Myung hoảng hốt chạy đến và giúp tôi trấn tĩnh lại. Bà đem cái xe và lượm từng viên gạch ra khỏi chân tôi. Cái chân trái của tôi đong đưa vì xương bị gãy. Tôi khóc trong sự hốt hoảng và run rẩy. Bà đặt tôi nằm xuống đất, nhẹ nhàng đặt tay lên chân trái của tôi và bắt đầu cầu nguyện khẩn thiết. Bà xin Chúa cất khỏi tôi sự đau đớn và chữa lành cái chân gãy của tôi, hầu sự vinh hiển được quy về danh Chúa. Trong lúc bà cầu nguyện, những giọt nước mắt của bà rơi xuống chân tôi. Và trong chính khoảnh khắc ấy, tôi nghe một tiếng rắc ở chân trái và cơn đau lập tức biến mất. Tôi kinh ngạc vô cùng! Tôi nhìn xuống chân mình và thử sờ nắn. Nó đã lành hẳn và tôi không còn cảm thấy đau đớn gì cả! Điều duy nhất còn lại là một vết thâm trên chân nơi cái xương bị gãy. Chúng tôi đồng thanh thốt lên trong niềm hân hoan, "Chính Ngài đã làm điều đó!" Ngài đã đến với tôi khi tôi ở trong tình trạng nguy kịch. Bàn tay bị đinh đóng đầy máu của Ngài đã chạm vào tôi. Tôi đứng dậy và chạy. Các chị em đứng quanh tôi đều vỗ tay tung hô Chúa. Ngài đã luôn hiện diện khi tôi cần Ngài. Tôi quì gối xuống và dâng lên Ngài lời cảm tạ và ngợi khen chân thành của mình. Nhà thờ Giám Lý Bugok gần nhà ga xe lửa, xây bằng xi-măng trải qua bốn mươi lăm năm vẫn còn đứng đó. Dĩ nhiên là nhà thờ không thể nói được, nhưng chắc chắn là chúng tôi biết và nhớ tất cả những điều lạ lùng đã xảy ra ở đó. Giỏ Đầy Thứ Ba: Tha Thứ Và Lại Tha Thứ Cuộc Tình Bí Mật Của Chồng Tôi Cây Thông Con Bật Gốc Đứa Con Gái Chôn Cất Trong Lòng Tôi . Ngôi Nhà Nguyện Không Còn Nữa Không Còn Chỗ Đứng Cuộc Tình Bí Mật Của Chồng Tôi "Bây giờ, hãy lựa chọn, hoặc tôi hoặc người tên Giê-xu." Một ngày nọ, chồng tôi từ Trường trở về nhà sớm và yêu cầu tôi phải chọn lựa giữa ông và Chúa Giê-xu.
  • 19. Tôi đã đến Seoul để đoàn tụ với chồng tôi sau ba năm sống trong tình yêu thương và sự thông công nhân ái với Mục sư Myung và các tín hữu trong Hội Thánh mà tôi không thể nào quên. Chồng tôi đã cùng với chú tôi lập Trường Đại học Kunkook. Hai người cùng nhau làm việc cật lực để tìm kiếm và huấn luyện nhân tài cho đất nước Đại Hàn. Sau khi lên Seoul, tôi đi nhóm ở Hội Thánh Giám lý Pildong. Lúc ấy, nhà thờ đang được xây mới lại. Vậy là tôi bảo chồng tôi, lúc ấy đang điều hành một công ty cung cấp gỗ, hãy dâng những loại gỗ tốt nhất cho công việc xây cất nhà thờ. Tôi nỗ lực giúp đỡ và phục vụ Hội Thánh cùng các vị Mục sư và những Sinh viên Thần đạo với tất cả những vật liệu cùng tiền bạc mà tôi có thể dâng. Mỗi Chúa Nhật, chồng tôi muốn tôi đi dã ngoại với ông, nhưng tôi luôn từ chối và thay vào đó tôi đi đến nhà thờ để phục vụ Chúa. Lối sống này kéo dài được ba năm, và chồng tôi buộc tôi phải đi đến quyết định cuối cùng. "Cô không bao giờ đi chơi với tôi vào những ngày Chúa Nhật. Còn những ngày lễ, khi bà con họ hàng đến nhà ta chơi đánh bài thì cô không bao giờ tham gia. Cô đã làm tôi vô cùng mắc cở trước mặt các chị em và họ hàng của tôi. Tôi đã hết sức chịu đựng rồi. Bây giờ, cô phải chọn giữa tôi và người tên Giê-xu kia. Tôi không muốn cô tiếp tục đến nhà thờ nữa. Hoặc là tôi sẽ cưới vợ bé để có thể cùng tôi chia sẻ những thú vui của mình." Tôi nhìn chồng tôi, tim tôi tan vỡ khi biết rằng mình sẽ phải đi đến quyết định này. Chồng tôi thở dài và chờ đợi câu trả lời của tôi. Ông là một người chồng đặc biệt đối với tôi. Ông có tài, có giáo dục và danh vọng. Ông là một người cha đáng kính của bốn đứa con của tôi và là một người chồng mà tôi phải nhờ cậy cho đến suốt đời. Ông là một người chồng không chỗ trách được. Tôi nghĩ thầm, tôi chưa bao giờ tận hưởng tình thương thật sự mà ông dành cho tôi vì chiến tranh và ly tán. Chẳng lẽ cuộc sống gia đình tôi đến đây là chấm dứt sao? Khi chồng tôi đẩy tôi vào chỗ phải chọn lựa, tôi đã nghĩ tôi không thể bỏ người chồng đã chu cấp cho tôi trong ngần ấy năm. Và chính lúc ấy, ngay trước mắt tôi hiện ra rõ ràng một gương mặt. Đó chính là Ngài, Đấng đã tuôn huyết vì tôi. Ai đã yêu thương, bồng ẵm tôi những lúc tôi bước đi trong trũng bóng chết? Ai đã luôn cận kề bên tôi bất chấp thời gian và không gian? Không ai khác ngoại trừ Ngài. Ai đã gánh lấy mọi án phạt, chịu đau đớn trăm bề; ai đã bị khinh bạc, bị sỉ nhục vì cớ tội lỗi của tôi? Làm sao tôi có thể nói lời đoạn tuyệt với Ngài được? Tôi cố gắng tự chủ và mở miệng nói cách chậm rãi và thận trọng, "Anh yêu, em yêu anh. Anh là
  • 20. một người chồng tuyệt vời và là một người cha đáng kính đối với các con, nhưng em không thể quên được Đấng đã ban cho em sự sống và tình yêu thương thật." "Dù khó khăn đến đâu, em cũng sẽ phục tùng và nghe lời anh với tư cách là một người vợ và người mẹ của bốn đứa con. Em sẽ cố gắng hết sức. Nhưng xin anh hãy hiểu cho em và thay đổi ý kiến của anh." "Nếu thế thì anh muốn em hãy cùng anh tận hưởng những thú vui đời này. Anh muốn em đi chơi với anh và các con vào ngày Chúa Nhật." "Em xin anh, anh bảo em làm chuyện gì cũng được, nhưng chỉ trong sáu ngày, còn ngày Chúa Nhật em phải đến nhà thờ. Em không thể bỏ Chúa được." Chồng tôi nghe những lời tôi nói. Và dường như ông đã có quyết định cho riêng mình. "Thế à? Vậy nếu đó là điều em muốn, thì em cứ làm theo cách của mình. Còn anh sẽ theo cách của anh để hưởng thụ cuộc sống trên thế giới này." Chồng tôi cảm thấy như ông đã bị phản bội. Ông rời khỏi nhà trong tiếng thở dài. Khi nhìn thấy ông rời khỏi nhà, tôi ngã quỵ xuống đất như là trời sập vậy. Lúc đó, tôi hai mươi tám tuổi. Tôi phục vụ chồng tôi trong mười bảy năm nữa cho đến khi ông qua đời trong cô đơn và đau đớn. Một trong những từng trải đau lòng nhất của tôi là khi chồng tôi bảo tôi chuẩn bị bữa trưa ngoài trời để ông có thể đi chơi cùng với một người bạn khác phái vào ngày Chúa Nhật. Hầu như mỗi Chúa Nhật, tôi đều dậy sớm để chuẩn bị đồ ăn trưa cho ông và người phụ nữ kia. Tôi thường nhìn họ đi khỏi nhà trong lúc nước mắt cứ trào ra. Sau đó, tôi dẫn các con đến nhà thờ. Tôi ngửa trông nơi Chúa, chờ đợi một cách hạ mình và nhẫn nại. Tôi tin rằng chồng tôi sẽ nhận biết Chúa khi ông thấy tấm lòng chân thật của tôi. Vì thế tôi vâng phục trong yên lặng. Một ngày kia, chú tôi gọi điện hỏi, "Chú nghe có tin đồn về chồng cháu, điều đó có phải là sự thật không?" "Không đâu chú ơi. Điều đó hoàn toàn không đúng. Chắc có ai đó ganh tị nên dựng chuyện nói xấu vì ảnh sẽ là người nối nghiệp chú. Xin hãy tin cháu. Cháu là người biết rõ mọi chuyện." "Vì cháu đã nói vậy nên chú sẽ xem đây chỉ là tin đồn mà thôi." Rồi ông cúp máy. Trở về thời điểm cách đây năm mươi năm, nếu một nhà mô phạm có vợ bé thì ông ta phải từ chức vì tai tiếng trong xã hội. Sau sự việc ấy, có vài câu hỏi được đặt ra nhưng tôi phủ nhận tất cả mọi lời cáo buộc và nhất định bảo vệ chồng tôi. Sau này, khi biết chuyện, chồng tôi đã cảm ơn tôi. Tôi nói với ông rằng ấy là chính Chúa đã làm điều đó. Tôi sẽ chờ đợi và vượt qua mọi
  • 21. nỗi đau để giữ cho gia đình được êm ấm và nuôi dạy tốt các con tôi. Có nhiều lúc chồng tôi không về nhà, lúc ấy tôi nhìn chiếc giường trống trải và chỉ biết quỳ gối xuống trước Chúa. Và cứ mỗi lần như thế, Ngài khỏa lấp tâm hồn cô quạnh của tôi bằng sự bình an và sự vỗ về của Ngài. Sự can đảm Ngài ban cho tôi đã giúp tôi tiếp tục bước đi và tha thứ cho chồng tôi một lần nữa. Chính sự tha thứ vô biên mà Ngài đã đặt trong tâm hồn tôi đã khiến cho người vợ bé của chồng tôi có thể có mặt tại tang lễ của ông khi ông qua đời. Việc người vợ bé xuất hiện trước công chúng trong lễ tang của chồng mình chưa hề được nghe thấy bao giờ. Tôi có một sự sắp xếp đặc biệt để bà có thể đến nhà bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của chồng tôi. Hôm trước khi qua đời vì bệnh cao huyết áp và tiểu đường, ông nhờ tôi chuẩn bị một ngân phiếu có ghi một số tiền đáng kể. Tôi đã đưa tấm ngân phiếu cho người phụ nữ ấy. Bà có hai con trai, và số tiền ấy được dùng để trang trải học phí cho hai đứa bé. Không phải tôi mà chính Chúa đã khiến tôi có thể tha thứ. Ngoài ra, tôi còn sắp xếp để tên hai con trai của bà ấy được khắc chung với tên các con tôi trên bia mộ chồng tôi. Tôi vẫn muốn dành cho bà ấy phần đất trống bên cạnh mộ chồng tôi khi bà qua đời. Tôi biết sống không có chồng, người mà bà có thể nhờ cậy, thật là chật vật biết bao. Cuộc sống hôn nhân của bà là một cuộc sống hoàn toàn trong bóng tối, không hề có chút ánh sáng. Tình yêu chớm nở của bà thật ngắn ngủi vì chẳng bao lâu, bà đã mất người chồng của mình. Chắc chắn bà cảm thấy cô đơn và trống vắng lắm. Sự khoan dung trong trái tim tôi đã giúp tôi có thể bỏ qua cuộc tình lén lút của chồng tôi. Nhưng nó không xuất phát từ tôi mà chỉ từ Ngài mà thôi. Dù chồng tôi không hiểu được tấm lòng của tôi nhưng tôi vẫn yêu thương và kính trọng ông. Ông yêu đất nước và con người Đại Hàn. Ông đã cống hiến cuộc đời mình cho cho việc giáo dục trí tuệ của những con người trẻ tuổi hầu có thể dẫn dắt tương lai của nước Đại Hàn. Thậm chí trước khi chết, ông cũng không đi nhà thờ với tôi. Tôi nghĩ rằng ông không đến nhà thờ vì mặc cảm về gia đình thứ hai của mình và vì ông bị dày vò bởi nỗi ân hận đã làm tổn thương tôi. Tuy vậy, ông đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong những công tác của nhà thờ như giúp đỡ người nghèo cùng nhiều việc khác nữa. Nhiều lần tôi suy nghĩ về chồng tôi và tự hỏi không biết trên thế giới có bao nhiêu gia đình đang trải qua những gì mà tôi đã từng trải. Thậm chí tôi không thể nhớ đã bao nhiêu lần tôi cầu nguyện trong nước mắt để chồng tôi được cứu. Tôi đã cầu khẩn với Chúa không thôi. Duy chỉ mình Ngài thấu hiểu tấm lòng của tôi. Cây Thông Con Bật Gốc
  • 22. Lại một cây thông con bị bứng gốc. Tôi đang ở trên núi gần ngôi nhà nguyện với đứa con trên lưng. Trời mưa tầm tã, tôi chỉ có một tấm nylon che vừa con tôi và đầu tôi. Tôi ghì chặt cây thông con và khóc lớn với Chúa. "Con không thể làm được. Con đã cố gắng tha thứ cho ông ấy nhưng không thể. Xin Ngài giúp con. Xin hãy giúp con." Người tôi ướt đẫm mưa và nước mắt. Tôi vật lộn với cây thông bé nhỏ. Cuôi cùng cây thông bật gốc và tôi ngã vào vũng sình bên đồi. Tôi không thể nào tha thứ cho ông ta. Tôi đã quyết định hàng trăm lần trong đầu là sẽ tha thứ cho ông ta. Nhưng ngay lúc tôi nghe thấy giọng nói của ông thì lòng căm hờn lại nổi lên trong tôi. Cuối cùng, tôi đã chạy lên ngọn núi cầu nguyện và khẩn cầu thâu đêm ở đó. Nhưng sự căm ghét vẫn tồn tại trong lòng tôi. Tôi bỏ cuộc và quay về nhà với con tim trống rỗng và một thân xác rã rời. Ngày hôm sau, chồng tôi bảo tôi chuẩn bị cơm tối cho một người khách, Giáo sư D. H. Lee. Tôi cay đắng với cái tên đó. Ông ta đã làm tôi xấu hổ trước mặt chồng tôi khi ông gọi tôi là "người đàn bà ngu xuẩn, hóa điên vì Chúa Giê-xu." Ông bảo chồng tôi bỏ tôi và nhiều lần giới thiệu cho chồng tôi những người phụ nữ khác. Ông ta là một con người độc ác và đã đem đến cho tôi không biết bao nhiêu là đau khổ. Tôi bước vào phòng sau khi làm xong bữa tối trong nhà bếp. Làm thế nào tôi có thể tha thứ cho một kẻ thù như người đàn ông này. Tôi đã cố gắng nhưng vẫn không thể. Tôi thật sự cần Chúa. Tôi cầu xin Ngài giúp tôi tha thứ cho ông ta. Chuông cửa reo và tôi mĩm cười một cách gắng gượng khi ông Lee bước vào. Tôi mời ông vào với một giọng điệu khác hẳn. "Xin mời ông vào đây. Tôi đã chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn. Chúc ông ngon miệng và xin cứ ở lại đây chừng nào ông muốn." Tôi không còn là tôi nữa. Tôi véo vào tay mình và nhận thấy tôi hoàn toàn tỉnh táo nhưng đấy không phải là tôi. Tất cả mọi sự thù hận còn chất chứa trong lòng tôi mới vài phút trước đây bỗng tan biến hết. Tôi thấy mình đang bày tỏ cho người đàn ông này một sự quan tâm trìu mến cùng sự ấm áp thật sự từ trong nơi sâu thẳm của trái tim tôi. Dáng điệu vụng về của ông từ từ tiến vào phòng khách. Tôi đi theo ông và từ đằng sau tôi nhìn thấy chiếc áo sơ-mi nhăn nhúm của ông. Vợ ông đã qua đời một vài năm trước đó. Hiện ông sống với các con. Tôi muốn an ủi ông ta. Tôi phục vụ bữa tối với một tấm lòng chân thành và yêu thương. Ông nán lại khá lâu với chồng tôi. Lúc ông sắp sửa ra về, tôi tặng ông một món ăn đặc biệt để ông mang về. Khuya hôm đó, tôi cứ trằn trọc mãi vì những điều đã xảy đến với tôi. Tôi
  • 23. không hiểu việc gì đã xảy ra. Làm sao việc ấy có thể xảy ra được. Tôi cứ nằm trở qua trở lại trên chiếc gối của mình. Chính lúc ấy, tôi nghe giọng nói ngọt ngào của Ngài. "Này con yêu dấu, chẳng phải con đã xin Ta giúp đỡ những gì con không thể tự mình làm được đó sao? Ta há chẳng phán rằng hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp sao? Con không biết rằng Ta đã ban cho con tấm lòng của Ta để con thay mặt cho Ta mà cư xử với mọi người sao?" "Vâng, đúng vậy, thưa Chúa." Tôi bật dậy trong niềm phấn chấn. Ngài biết rõ những nan đề của tôi, và Ngài đã thực hiện công tác tuyệt vời của Ngài trong tôi. Không những Ngài đã chữa lành chân của tôi mà còn hàn gắn con tim bị thương tổn của tôi và đã biến nó thành một con tim kỳ diệu. Ngài đã thấy tôi khép kín cửa lòng mình và Ngài đã đến để ban cho tôi một tấm lòng tuyệt vời. Giờ đây, tôi đã có thể nếm trải được lòng thương xót của Ngài. Lòng khoan dung của con người thật là ít ỏi. Một khi lòng tự ái của họ bị tổn thương thì ngọn lửa căm ghét sẽ thổi phừng lên và điều đó chỉ làm xuất hiện thêm nhiều kẻ thù mà thôi. Thậm chí trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa những người bạn và những người láng giềng, con người cũng không thể đập vỡ được bức tường ganh ghét ấy. Nhưng Ngài đã phán đó không phải là đường lối đúng đắn. Ngài giúp tất cả những ai đưa tay xin Ngài cứu giúp và Ngài ban cho họ một tấm lòng đầy tình thương và sự thương xót để có thể hạ bức tường ghen ghét và than vãn xuống. Lòng yêu thương và vị tha của Ngài đã biến rễ đắng trở nên rễ ngọt. Chính Ngài đã gieo hạt giống hạnh phúc vào lòng của con người. Từ hôm ấy trở đi, ông Lee đã trở nên nhu mì hơn. Một ngày nọ, ông hỏi tôi, "Chẳng lẽ cô không ghét tôi sao? Làm sao cô có thể thân thiện với tôi như thế được?" Tôi mỉm cười với ông và giới thiệu về Chúa cho ông và tặng cho ông quyển Kinh Thánh bìa da để ông đọc. Một thời gian sau, tôi nghe chồng tôi nói đứa con út của ông Lee đang nằm trong bệnh viện. Thằng bé phải nhập viện vì bệnh lao và thấp khớp. Mỗi ngày, tôi đều đến bệnh viện thăm cháu. Tôi tắm rửa, thay đồ cho nó và đem cho nó trái cây như mẹ nó đã từng làm. Từ giờ phút ấy trở đi, ông Lee đã gặp được Đấng mà tôi đã gặp năm tôi hai mươi ba tuổi. Ông đã ăn năn thống hối với một tấm lòng tan vỡ khi ông tiếp nhận Chúa. Ngày ông gặp Chúa, ông đã đến gặp tôi và xin tôi tha thứ cho ông không biết bao nhiêu lần. Ông thuật lại cho tôi những gì mà đứa con út đã nói với ông. "Ba ơi, con thấy hình ảnh của mẹ con trong cô ấy. Con thì nặng, nhưng cô ấy đã bồng con lên, gội đầu và rửa mặt cho con. Con nghĩ chắc chắn đó là mẹ của con. Sau ba, cô ấy là người con thương yêu nhất. Con đã cảm ơn cô ấy
  • 24. rồi, nhưng tại sao ba lại không?" Từ lúc ấy, Giáo sư Lee trở thành một người đàn ông hạnh phúc. Và ông trở nên một trong những người bạn thân thiết nhất của chồng tôi. Đứa Con Gái Chôn Trong Lòng Tôi "Ông nói sao? Kyungsook, con gái tôi không sống được tới ngày mai sao?" Tôi khóc với vị Bác sĩ đến thăm viếng nhà tôi. Ông nói vi trùng bạch hầu đã lan đến tim của con tôi. Đã quá trễ. Ông nói nếu được phát hiện hai ba ngày trước thì đã có thể cứu sống đứa bé. Tôi quỵ xuống sàn nhà và khóc như một đứa trẻ. Một vài ngày trước đó, Kyungsook đi học về và kêu rằng cháu bị sốt. Tôi đem cháu đến một Bác sĩ Nhi khoa ở khu lân cận. Bác sĩ nói cháu chỉ bị cảm lạnh. Ông bảo tôi đừng lo lắng và ông kê đơn thuốc cảm lạnh cho cháu. Nhưng sau hai ngày uống thuốc, cháu không những không hạ sốt mà lại còn trở nên khó thở. Chúng tôi gọi điện cho một Bác sĩ chuyên khoa và mời ông đến nhà. Và ông kết luận vi trùng bạch hầu đã lan đến tim của cháu. Nhưng vì không được phát hiện ở giai đoạn đầu nên bây giờ đã quá trễ để có thể cứu cháu. Điều đó hoàn toàn không chấp nhận được. Chúng tôi có tiền. Thuốc thang có sẵn. Chính việc chẩn đoán sai trật của vị Bác sĩ Nhi khoa ấy đã đưa đến cái chết của đứa con gái đầu lòng của tôi. Kyungsook là một đứa bé đặc biệt. Cháu có nhiều tài. Cháu chơi được đàn dương cầm và đoạt giải quốc gia trong một cuộc thi vẽ. Trong lớp, cháu luôn được xếp hạng danh dự. Cháu chỉ mới học lớp hai ở trường Tiểu học. Tôi yêu cháu nhất nhà. Một Giáo viên Trường Chúa Nhật đang theo học tại Đại Chủng Viện của Hội Thánh Giám Lý được nghỉ phép dài hạn vì bị bệnh đã đến thăm tôi. Cô đã nằm mơ thấy Kyungsook mặc áo đầm trắng đang đi tới một nơi nào đó. Kyungsook nắm tay cô và trò chuyện với cô. Rồi cháu nhắm mắt lại và chìm vào một giấc ngủ dài. Kyungsook đã ra đi một cách đẹp đẽ và lặng lẽ. Ngày đám tang của cháu, tôi trở về từ nơi mai táng và ngã vật ra giường, mọi tấm rèm cửa hạ xuống. Tại sao bi kịch này lại xảy đến cho tôi? Tôi đã làm điều gì sai trái trước mặt Ngài? Tôi cảm thấy con gái yêu dấu của tôi đang dang rộng đôi tay và chạy đến với tôi. Tôi không tài nào chịu đựng nỗi cơn đau đang dằn xé tâm can mình. Mọi sự thống khổ, mọi nỗi ưu phiền trong cuộc đời của tôi không thể nào sánh được với nỗi đau mất cháu Kyungsook. Tôi căm ghét vị Bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh trạng của con tôi. Tối hôm ấy, lúc tôi đã rơi vào nỗi tuyệt vọng hoàn toàn, thậm chí không còn cử động được ngón tay của mình thì Ngài đã đến thăm tôi. Đêm ấy, trời rất tối và dường như đó là một đêm dài vô tận. Ngài đã đến với tôi bằng tình yêu không biến đổi của Ngài, "Con yêu dấu của Ta, không lâu nữa con sẽ
  • 25. gặp lại cháu và ở với cháu mãi mãi." Khi Ngài đang nói chuyện với tôi bằng giọng nói thân thương trìu mến của Ngài, tôi nghe tiếng hát của muôn vàn thiên sứ rằng, "Ôi thiên đàng tuyệt đẹp, lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan. Thời tiết buốt giá của mùa đông sẽ biến nên những ngày xuân mát dịu. Chúa đã sửa soạn một chỗ, và đó sẽ là nơi ở vĩnh cửu của tôi." Bài hát tuyệt vời của các thiên sứ đến với đôi tai và tâm hồn tôi, nó lấp đầy trong tôi sự bình an thiên thượng mà không gì có thể so sánh được. Nỗi ưu phiền tức thì trở nên niềm vui. Sự đau đớn dày vò phút chốc tiêu biến và tôi cảm nhận sự an ủi kỳ diệu đến từ trên cao. Tiếng thở dài trở nên bài hát ngợi khen, bóng tối sự chết lập tức bị xua tan bởi ánh sáng của sự sống. Vâng đúng rồi, lời Chúa phán, "Vì chưng của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó," đã trở nên sống động và mang đến cho tôi một nguồn an ủi vô biên. Sau khi chôn cất đứa con gái chín tuổi của tôi, tôi lại trở thành một người đàn bà hạnh phúc. Một vài ngày sau, toàn bộ gia đình và họ hàng của tôi họp lại để bàn về việc đệ đơn kiện vị Bác sĩ đã chẩn đoán sai gây nên cái chết của con gái tôi. Sắc mặt ai nấy đều rất giận dữ. Tôi lấy lại niềm hạnh phúc của mình và mở miệng nói với họ, "Nếu chúng ta khởi tố ông ta và đưa ông ta vào tù, liệu điều đó có làm Kyungsook sống lại chăng? Ông ta đã phải bị dằn vặt suốt đời vì việc này rồi. Hơn nữa, vợ và con ông ta đâu có lỗi gì mà phải mang lấy mặc cảm tội lỗi ấy. Nếu chúng ta không thể đem cho họ sự an ủi, thì xin đừng làm cho họ đau đớn thêm. Hãy để chuyện này lại phía sau và quên nó đi." Nếu có ai đó muốn truy tố vụ này, thì người đó phải là tôi, với tư cách là mẹ của cháu. Nhưng là mẹ của cháu, tôi đã nài xin họ đừng đệ đơn kiện. Không ai bàn cãi thêm với sự nài xin chân thành của tôi. Ai có thể thương Kyungsook hơn chính mẹ của cháu chứ? Tất cả sự tha thứ ấy không phải từ tôi mà ra nhưng đến từ Đấng đã ban cho tôi quyền năng tha thứ lạ lùng và sức lực mới mẻ để bươn tới phía trước. Từ tận đáy lòng mình, tôi dâng lời cảm tạ lên Đấng đã giúp tôi có khả năng thực hiện những việc này. Ngôi Nhà Nguyện Không Còn Nữa "Bà Yoo ơi, xin hãy về đây mau. Mọi người chúng tôi đang ở trong tình trạng nguy cấp." Đó là giọng nói của một bà lớn tuổi điện thoại từ nước Đại Hàn bên kia Thái Bình Dương. Tôi có thể nhận ra giọng nói của bà ngay lập tức. Đó là một bà cụ già ở Agok-ri, một làng nhỏ ở Đại Hàn. Tôi đã giật mình tỉnh thức vào lúc nửa đêm sau khi nhận cú điện đó. Tôi không thể tin được những điều đã nghe trên điện thoại. Chẳng lẽ tấm lòng của người đàn ông ấy đã trở nên nghèo ngặt và không còn đáng tin cậy nữa sao? Cách đây khoảng bốn mươi năm, có một Mục sư trẻ đến với tôi. Ông nói
  • 26. ông muốn cầu nguyện cho đất nước Đại Hàn và mong muốn có một nhà nguyện hoạt động theo kiểu tự túc tự dưỡng. Ông ta đầy những ước vọng và năng lực. Điều đó khiến tôi cảm phục lắm. Ông đề xuất việc xây dựng một nhà nguyện và một nông trang, nơi những vị Mục sư về hưu có thể đến cư ngụ và cầu nguyện suốt những năm tháng còn lại của đời họ. Tôi bị thu hút bởi ý tưởng ấy và đồng tình với đề xuất của ông. Tôi để dành tiền và mua đất ở Yougin từng chút một. Rốt cuộc là vùng đất mua được gồm có một ngọn núi nhỏ, một mảnh đất nông trang nhân tạo và một dòng suối (sau này thành bể lai cá giống). Chúng tôi thu hoạch lúa và nhiều loại rau trong mảnh đất nông trang rộng lớn. Tất cả mọi người trong thị trấn đều tham gia vào việc xây dựng ngôi nhà nguyện. Thậm chí những đứa bé cũng góp phần bằng việc chuyển đá và dọn dẹp. Mọi người đều hiệp một lòng trong đức tin để dự phần vào công tác này. Vị Mục sư trẻ rao giảng Tin Lành và cầu nguyện ngày và đêm khắp nơi trong làng. Tôi đã từ Seoul đến thăm làng mỗi tháng một lần và cùng tham dự những bữa tiệc yêu thương lẫn những phước hạnh thuộc linh. Thật là một dự án đầy vinh hiển. Chúng tôi hết thảy đều tạ ơn Ngài. Những dân làng có tâm hồn thật đẹp. Khi tôi di cư sang Mỹ năm năm sau ngày chồng tôi qua đời, họ đã cùng khóc với tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau trên thiên đàng. Thế mà giờ đây, ngôi nhà nguyện trông thật xấu xí. Ngôi nhà nhỏ bị nứt toạt ra, còn tòa giảng, nơi dùng để cầu nguyện cho quốc gia thì bị đổ vỡ. Làm sao người ta có thể làm những việc như thế được? Tôi có thể hình dung ra những người dân vô tội ở Agok-ri. Tôi là người duy nhất có thể giải quyết vấn đề. Vì thế, tôi quyết định trở lại Đại Hàn. Khi tôi đến nơi, tôi thấy đúng như những điều tôi đã nghe trên điện thoại. Tôi thấy sự căm ghét hiện ra trên khuôn mặt của họ hơn là niềm vui và sự hạnh phúc. Tôi gặp riêng vị Mục sư trẻ và nghe ông ta kể lại đầu đuôi sự việc. Tôi bảo ông nên rời khỏi làng. “Vấn đề đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Họ không tin cậy ông vì ông đã làm tổn thương họ. Tôi muốn ông rời khỏi làng với một mảnh đất nào đó. Hãy bán mảnh đất ấy đi và dựng một nhà thờ mới ở một làng khác.” Mục sư lắng nghe và đáp, “Tôi sẽ làm theo những điều bà nói.” Và ông rời khỏi làng. Tôi cảm ơn ông ta vì đã hợp tác với tôi để giải quyết vấn đề rắc rối này. Tôi ở lại qua đêm với dân làng, tôi an ủi họ và cầu nguyện cho họ. Nhưng ngày hôm sau, vị Mục sư đó đến gặp tôi. Ông nói, “Bà Yoo ạ, bây giờ mọi chuyện đã ổn rồi. Giấy tờ đã được giải quyết và ghi vô sổ bộ xong. Xin bà đừng dính dáng vào việc này và xin hãy lìa khỏi thị trấn này đi.” Tôi không thể tin vào tai mình. Sự phản bội này là gì đây? Làm sao ông ta có thể nói như thế? Người đàn ông này không còn là một tôi tớ Chúa nữa. Ông đã thay đổi và trở thành một con người có tấm lòng độc ác. Ông đã khởi
  • 27. đầu với một mục đích đúng đắn cho Chúa nhưng cuối cùng đã chọn đường lối tham lam của Ma quỷ. Đức Chúa Trời đã đem tôi trở về Đại Hàn vì cớ ông ta và cho ông có một cơ hội để ăn năn nhưng ông đã chọn con đường dẫn tới sự hủy hoại. Ông đã từng tràn trề năng lực và khao khát phục vụ Chúa. Ông đã từng rao giảng Tin Lành cho ba lễ trong một ngày. Ông vui sướng vì được làm việc và đổ mồ hôi vì sự vinh hiển của Chúa. Điều gì đã khiến ông trở nên mù quáng đến thế? Chẳng lẽ ân điển cứu chuộc của Ngài đã bị đem ra đổi chác bằng sự đam mê của xác thịt và lòng tham của mắt? Tôi sụp xuống sàn nhà và ngửa trông nơi Chúa. Bà cụ gọi điện cho tôi vào lúc nửa đêm đứng cạnh tôi. Bà cũng đang khóc, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt cháy nắng và đôi bàn tay thô ráp vì công việc đồng án của bà, lòng tôi lại càng quặn thắt hơn nữa. Từ lúc tôi đi Mỹ, hàng ngày vào lúc bình minh, có một số dân làng đến nhà nguyện để cầu nguyện với Chúa. Họ rất yêu mến Chúa. Từng viên gạch xây nhà thờ là bằng chứng cho tình yêu chân thật và mồ hôi nước mắt của họ đổ ra vì cớ Chúa. Nhưng giờ đây, tội lỗi của một người đã đem đến cho họ lòng hận thù và sự tuyệt vọng. Đây chính là trái đắng sinh ra từ tội lỗi độc hại. Tôi rời Agok-ri mà lòng trống không và tuyệt vọng vô cùng. Tôi bước đi trên con đường làng; ngọn núi, nông trang, dòng suối, những hàng cây, trời xanh và bầu không khí trong trẻo tất cả vẫn y nguyên. Chỉ có một điều thay đổi, đó là tấm lòng của vị Mục sư ấy. Tôi còn nhớ như in bốn mùa hết sức đặc biệt và xinh đẹp. Mùa xuân với tiếng suối chảy róc rách lúc tuyết tan, mùa hè với tiếng ve kêu ra rả, tiếng dế kêu trong những đêm mùa thu khuya khoắc, và tiếng tuyết rơi lặng lẽ vào mùa đông. Trong những buổi thông công thâu đêm của chúng tôi, chúng tôi nói về ân điển dư dật và tình yêu vô đối của Chúa, và ca tụng Ngài bằng những bài hát chất ngất niềm vui xuất phát từ tấm lòng chân thành của chúng tôi. Tôi lấy khăn tay lau nước mắt khi đi ngang những ruộng lúa trên đường ra khỏi làng và tự hứa rằng, “Cho đến chết tôi cũng sẽ không trở lại nơi này nữa.” Tôi trở về Los Angeles với một vết sẹo hằn sâu tiềm ẩn trong lòng. Trong căn hộ nhỏ của mình, tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho vị Mục sư không biết suy xét ấy và an ủi dân làng Agok-ri cùng con tim tan vỡ của tôi. Chẳng mấy chốc, một dòng bình an đã tràn ngập tâm hồn tôi. Thần linh Ngài đến và ôm lấy đôi vai tôi một cách vô cùng êm dịu. Không Còn Chỗ Đứng
  • 28. "Thưa Mục sư, ông không thể buộc ông ấy từ chức. Ông ấy là một một Mục sư trẻ tuổi. Vì tương lai ông ấy, hãy yêu cầu ông ấy tự từ chức vì lý do cá nhân." Trong nhà thờ là hơn năm trăm thuộc viên chính thức của Hội Thánh đang trong tâm trạng căng thẳng. Một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi giơ tay và đứng dậy phát biểu như thế. Bầu không khí im lặng bao trùm cả phòng nhóm. Tôi rời Hội Thánh Giám lý Pildong và đến nhóm ở một Hội Thánh lớn ở Seoul. Tôi đã làm hết sức mình để trung tín phục vụ Chúa và giúp đỡ các Mục sư. Tôi đặc biệt thân thiết với vị Mục sư Quản Nhiệm và giúp đỡ cho gia đình ông về mặt tài chính bằng cách này hay cách khác. Một ngày nọ, một thử thách lớn xảy đến với Hội Thánh. Người vợ trẻ tuổi của vị Mục sư phụ tá bị ngộ độc khí carbondioxide. Bà không thể làm việc nhà nên Hội Thánh sắp xếp để một thiếu nữ đến giúp bà. Mấy hôm sau, lúc cô gái chuẩn bị ra về thì ông Mục sư cũng vừa đi thăm viếng một gia đình tín hữu về đến. Ông ngỏ lời cám ơn cô gái và vỗ lưng cô. Cô gái xoay người lại và vô tình, tay của vị Mục sư chạm vào ngực của cô. Không biết bằng cách nào mà việc này lại trở thành một vấn đề nghiêm trọng được đem ra bàn luận trong cuộc họp của các tín hữu. Họ đồng ý cách chức ông. Nhưng tôi tin tưởng vị Mục sư trẻ này. Bản thân ông ấy cũng là dân tị nạn từ miền Bắc và đã học ở Trường Thần Học trải qua những năm chiến tranh và mọi sự kham khổ. Dù ông nghèo nhưng ông thỏa lòng với cuộc sống giản dị và trong sạch của mình. Trong mắt tôi, ông là người đáng kính về nhiều mặt. Rõ ràng là có một số người vì lòng đố kỵ đã tung tin đồn này để gieo rắc tiếng xấu. Và vấn đề này đã được đem ra xem xét tại cuộc họp của Hội Đồng Hội Thánh bao gồm ba mươi Trưởng lão và hơn năm trăm thuộc viên chính thức của Hội Thánh. Khi buổi họp đang sắp đi đến chỗ kết thúc với sự nhất trí là vị Mục sư Phụ tá phải bị cách chức, theo như vị Mục sư Quản Nhiệm đã khẳng định. Ngay lúc đó có một giọng nói rất rõ ràng lọt vào tai tôi và hỏi rằng, "Con cũng tin như vậy à?" "Không phải thế đâu, ông ấy chỉ là nạn nhân." "Thế thì, hãy đứng dậy." Tôi giơ tay phải xin phát biểu và đứng dậy, thậm chí tôi chưa biết gì về điều ấy. Cả Hội Thánh xao động và mọi người đổ dồn sự chú ý của họ vào tôi. Tôi biết đó là ý muốn của Chúa. Tôi mở miệng nói cách dạn dĩ. "Chính ở đây, tôi đã được dạy phải tha thứ và khỏa lấp lỗi lầm của người khác. Đó là đường lối của Chúa và đó là đường lối đúng đắn. Mục sư Phụ tá không hề cố ý chạm vào ngực của cô gái, đó chỉ là một sự tình cờ. Nếu buộc phải cách
  • 29. chức ông ấy theo nguyên tắc của Hội Thánh thì hãy bảo ông ấy từ chức vì lý do cá nhân chứ không phải vì Hội Thánh ép buộc. Làm như thế, ít ra ông ấy cũng có thể từ giã các tín hữu trong Hội Thánh." Vị Mục sư Quản Nhiệm hạ cặp mắt lạnh lùng của mình xuống tòa giảng nhưng tôi không thể nào rút lời được. Nếu tôi biết điều phải mà lại vì số đông mà thỏa hiệp thì tôi cũng sai lầm giống như họ. Tôi sẽ giống như muối mất mặn. Tôi cảm nhận được sự tức giận thổi bùng lên trong lòng mình, nhưng đó không phải là cơn giận của tôi mà là cơn giận của Chúa. Ngài thấy vị quan tòa bất công tự xem mình là công bình. Ông ta đứng ra xét đoán người khác trong khi chính mình là kẻ giả hình. Người ta đem đến cho Ngài một người đàn bà bị buộc tội ngoại tình và chuẩn bị hành quyết bà bằng cách ném đá. Nhưng Ngài đã phán với những người ấy rằng, "Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người." Khi họ nghe những lời này, họ bị chính lương tâm mình cáo trách và từng người một bỏ đi. Ngài phán với người đàn bà đang run rẫy vì sợ hãi, "Này bà kia, Ta không định tội ngươi. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa." Đúng rồi, tôi đã nghe giọng nói phán những lời nầy. Chính Đấng Thánh khiết không muốn kết án những tội nhân nhưng muốn tha thứ cho họ. Lẽ nào chúng ta thánh khiết hơn Ngài sao? Chúng ta cũng là những tội nhân được tha thứ nhờ ân điển của Ngài. Đoán xét người khác là hành động của lòng tự cao và sự vô ơn đối với ân điển cứu chuộc của Ngài. Đó là bài học mà Ngài đã dạy cho tôi. Nhưng ý tưởng tha thứ bởi ân điển của Ngài không được Hội Thánh đồng tình và vị Mục sư trẻ đã bị Hội Thánh cách chức (dứt phép thông công.) Tôi cũng phải rời khỏi Hội Thánh trước những ánh mắt lạnh lùng và sự căm ghét đổ dồn về phía mình. Từ sau sự việc ấy, trong nhà tôi nảy sinh ra nhiều nan đề mới. Tôi đã nhận được nhiều món quà do người ta gởi đến biếu chồng tôi. Và tôi đem hầu hết những món quà ấy đến nhà Mục sư hoặc văn phòng của nhà thờ. Thậm chí chồng tôi còn nói đùa tại sao lại không đem luôn những chai rượu whisky đến đó. Tôi đã toàn tâm toàn ý tận hiến cho Hội Thánh ngày và đêm. Giờ đây, bằng cách nào tôi làm cho ông ấy hiểu lý do tôi phải rời khỏi Hội Thánh đây? Một hôm, lúc đang dùng bữa tối, tôi hỏi chồng tôi, "Anh yêu, nếu em bị bệnh nặng và đang ở giai đoạn cuối thì anh có giúp chữa lành cho em không?" "Dĩ nhiên rồi, anh sẽ giúp em chữa bệnh bất kể chi phí là bao nhiêu." "Vậy thì hãy giúp cho mơ ước của em trở thành hiện thực như thể anh đang giúp em thoát khỏi căn bệnh ấy vậy." "Được rồi, hãy nói anh nghe mơ ước của em xem anh có thể làm gì được
  • 30. không." "Xin hãy xây cho em một ngôi nhà thờ." Chồng tôi là một người lanh trí và ông đọc được những suy nghĩ của tôi. "Anh nghĩ anh có thể giúp em xây một nhà thờ mới. Anh luôn nghĩ đến sự hy sinh của em, việc em nuôi dưỡng con cái và lo toan công việc nhà và anh muốn làm một điều gì đó cho em." Đó là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của ngôi nhà thờ nằm trên đồi Buam- dong, nhà thờ "Samae" (Ba tình thương.) Nhà thờ có diện tích 4,300 bộ vuông với 12,000 bộ vuông khuôn viên, trong đó có 1,000 bộ vuông dành cho tư thất Mục sư. Tôi cung hiến ngôi đền thờ này cho Chúa vào tháng Năm, 1966. Tôi mời một Mục sư nổi tiếng đến lo cho Hội Thánh và cầu nguyện cho sự tăng trưởng của Hội Thánh. Một ngày kia, Mục sư đến gặp tôi và đưa đơn xin từ chức với lý do là tín hữu trong Hội Thánh nghe theo tôi và kính trọng tôi hơn ông ấy. Ông không thể dắt dẫn tín hữu, ngoài ra ông còn chỉ ra một số bất tiện trong công tác quản trị Hội Thánh. Vì thế, ông quyết định từ chức. Ai đã gieo hạt giống của sự tối tăm này? Bấy giờ, tôi mới nhận ra có đôi lần, Mục sư đã tránh mặt tôi. Tôi quyết định không hỏi ông bất cứ điều gì cả. Tôi chỉ cầu hỏi Chúa trước cây thập tự và ngửa trông nơi Ngài. Tôi không thể để ông ấy ra đi. Khi Hội Thánh được hoàn tất, nó đã được cung hiến cho Chúa chứ không phải tôi. Nếu tôi trở thành trung tâm của Hội Thánh thì tôi nên đi khỏi đây. Ngài đã dạy tôi, "Chớ tranh luận vì quyền lợi của con." Tôi phải theo ý muốn của Ngài hơn là ý của tôi. “Tôi sẽ đi khỏi đây, còn Mục sư hãy ở lại chăn dắt bầy chiên của Chúa.” Khi tôi đi xuống đồi, bỏ lại phía sau ngôi nhà thờ, nước mắt tôi cứ trào ra. Ngôi nhà thờ này là phần thưởng của chồng tôi cho tôi. Tôi nghĩ Chúa đã ban cho tôi món quà đó. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ phục vụ Hội Thánh tại đó cho đến khi tôi qua đời. Và đó là lời cam kết của tôi lúc cung hiến đền thờ, chỉ cách đó chưa đầy hai năm. Nhà của chúng tôi ở phía sau Nhà Xanh (tương tự như Toà Bạch Ốc ở Mỹ) và nhà thờ thì nằm bên kia đường. Nhà thờ ở rất gần nhà của tôi nhưng tôi không bao giờ đặt chân đến đó nữa. Tôi đi một con đường khác để tránh gặp mặt các tín hữu ở đó. Nhiều lần tôi quyết đinh trở lại nhà thờ nhưng tôi không muốn đem đến sự hiểu lầm cho bất cứ ai. Tôi đã không ghé lại nhà thờ ấy trong suốt ba mươi năm. Năm vừa qua (1998), tôi trở về Đại Hàn và tôi đến thăm nhà thờ, lần đầu tiên kể từ lúc tôi ra đi; bởi vì tôi có cảm giác đây sẽ là lần viếng thăm cuối cùng trước khi tôi chết. Có một lần chồng tôi hỏi, “Nhà thờ thế nào hả em? Không có vấn đề gì