SlideShare a Scribd company logo
1 of 174
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
TRẦN THỊ TÂM
ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO
VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG
GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
HÀ NỘI - 2019
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
TRẦN THỊ TÂM
ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO
VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG
GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Mã số: 62 22 03 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS,TS Nguyễn Thị Nga
2. TS Ngô Thị Thu Ngà
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
quy định.
Tác giả
Trần Thị Tâm
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 5
1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của Nho giáo về gia đình
và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 5
1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh hưởng
quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở
nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 18
1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến nguyên tắc và giải pháp phát huy
ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về
gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng
sông Hồng hiện nay 25
1.4. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học liên quan đến
luận án và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết 27
CHƯƠNG 2: QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 31
2.1. Quan niệm của Nho giáo về gia đình 31
2.2. Vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 61
2.3. Phương thức ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc
xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 71
CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI
VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG
SÔNG HỒNG HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 76
3.1. Đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng 76
3.2. Thực trạng của ảnh hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc
xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 81
3.3. Một số vấn đề đặt ra từ thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về
gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng
sông Hồng hiện nay 112
CHƯƠNG 4: NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG
TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA QUAN NIỆM
NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA
Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY 122
4.1. Nguyên tắc phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của
quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở
nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 122
4.2. Một số giải pháp chủ yếu phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng
gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 130
KẾT LUẬN 154
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN 157
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 158
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đảng và nhà nước ta đặc biệt đề cao vai trò của gia đình, coi đó là tế bào của
của xã hội. Đồng thời, Đảng và nhà nước cũng đưa ra nhiều chủ trương, chính sách
để xây dựng gia đình văn hóa nhằm góp phần vào sự phát triển đất nước. Gia đình
văn hóa là môi trường đầu tiên và tốt nhất hình thành nhân cách con người đồng
thời là tế bào quan trọng để xây dựng xã hội bởi gia đình là xuất phát điểm cho sự
triển khai các quy phạm luân lý theo hướng mở rộng từ nội ra ngoại. Một người có
thể tự giác tuân thủ các chuẩn mực hành vi đạo đức, thực hiện bổn phận, trách
nhiệm của mình đối với người khác và đối với xã hội hay không phải bắt nguồn từ
gia đình. Quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam chịu sự tác động mạnh
mẽ của văn hóa truyền thống đặc biệt là Nho giáo.
Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội của người Việt như trong
cuốn sách Nho giáo xưa và nay do tác giả Vũ Khiêu chủ biên viết: “Ở Việt Nam,
những mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, bè bạn, anh em trong một thời
gian hàng nghìn năm đều rập khuôn theo Nho giáo” [72, tr.379]. Hiện nay, một
trong những giá trị còn lại và ảnh hưởng sâu sắc nhất của Nho giáo đối với xã hội
Việt Nam đó là đạo đức gia đình. Đạo đức gia đình của Nho giáo đã được người
Việt tiếp nhận và cải biến đi để trở thành văn hóa gia truyền thống đặc trưng của
mình. Chính điều đó đã tạo nên một số khác biệt giữa Nho giáo Việt Nam và Nho
giáo Trung Quốc về vấn đề gia đình.
Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước
trong đó khu vực nông thôn chiếm phần lớn diện tích và dân số. Nông thôn đồng
bằng sông Hồng vốn là khu vực có phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu và là
một trong những nơi đầu tiên Nho giáo truyền vào Việt Nam nên ở đây lưu giữ
nhiều giá trị văn hóa Nho giáo lâu dài, đặc biệt là dấu ấn sâu đậm về văn hóa gia
đình. Bởi vậy, quan niệm của Nho giáo về gia đình đã ảnh hưởng đến quá trình xây
dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng trên cả hai bình diện tích
cực và hạn chế. Cụ thể, về ảnh hưởng tích cực: Nho giáo đề cao vai trò của gia đình
và các chuẩn mực như tôn ti trật tự, các thành viên phải có trách nhiệm quan tâm
lẫn nhau…, phù hợp với những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa. Mặt khác,
chủ nghĩa gia đình, tính gia trưởng cực đoan, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nghi lễ
2
rườm rà trong quan niệm của Nho giáo…, lại có ảnh hưởng tiêu cực đi ngược lại
với các tiêu chí tiến bộ, văn minh của gia đình văn hóa.
Hiện nay, quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông
Hồng chịu sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, công nghệ
thông tin... Bên cạnh những tác động tích cực thì những yếu tố này đã làm văn hóa
gia đình biến đổi theo chiều hướng tiêu cực như: gia tăng tình trạng ly hôn, tình
trạng mắc tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên; gia đình và các chuẩn mực đạo đức
truyền thống không được coi trọng, một số trật tự phép tắc trong gia đình bị đảo lộn,
các thành viên thiếu tình thương, trách nhiệm và sự quan tâm lẫn nhau, thanh thiếu
niên mắc tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng… Vì thế, giáo dục con người theo những
chuẩn mực đạo đức tiến bộ của Nho giáo sẽ góp phần khắc phục những tiêu cực do
sự tác động của các yếu tố trên.
Như vậy, chúng ta phải gạn đục khơi trong khi nghiên cứu ảnh hưởng của
quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa để khai
thác những giá trị tích cực và hạn chế những tiêu cực. Từ đó, chúng ta đưa ra những
giải pháp ứng xử với vấn đề này một cách phù hợp như tác giả Vũ Khiêu nhận xét:
“nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ
buông trôi cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo, đồng thời sẽ lãng
phí những nhân tố tích cực mà Nho giáo còn có thể đóng góp vào sự nghiệp của đất
nước ta hôm nay” [75, tr.40]. Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, tác
giả đã lựa chọn vấn đề “Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với
việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay”
làm đề tài luận án tiến sĩ triết học.
2. Mục tiêu và nhiêm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ lý luận và thực trạng ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo
về gia đình đến việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng
hiện nay, luận án đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy
ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực góp phần xây dựng gia đình văn
hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng.
3
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu đã nêu trên luận án sẽ giải quyết một số nhiệm vụ sau:
- Thứ nhất, tổng quan lại hệ thống các công trình nghiên cứu có liên quan
đến đề tài
- Thứ hai, trình bày có hệ thống một số vấn đề lý luận liên quan đến quan
niệm của Nho giáo về gia đình và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam
hiện nay.
- Thứ ba, phân tích, làm rõ thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về
gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng
hiện nay và một số vấn đề đặt ra.
- Thứ tư, đề xuất nguyên tắc và một số giải pháp chủ yếu phát huy ảnh hưởng
tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với
việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về gia đình và ảnh
hưởng của nó đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông
Hồng hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian nghiên cứu: nghiên cứu ở khu vực nông thôn của đồng
đồng bằng sông Hồng.
- Phạm vi thời gian nghiên cứu: trong luận án, tác giả nghiên cứu vấn đề ảnh
hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa
ở nông thôn đồng bằng sông Hồng từ năm 1986 đến nay.
- Phạm vi nội dung nghiên cứu: quan niệm của Nho giáo về gia đình có
nội dung rất phong phú nhưng trong luận án, tác giả tập trung nghiên cứu đạo
đức gia đình.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
- Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về vấn
đề gia đình.
4
- Luận án tiếp thu, kế thừa có chọn lọc và phát triển những giá trị khoa học
của một số công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến nội dung của luận án.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa
duy vật lịch sử, luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp như: phương pháp lịch
sử và phương pháp lôgic, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp đối
chiếu và so sánh…, để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ mà đề tài luận án đặt ra.
5. Đóng góp của luận án
- Làm rõ nội dung cơ bản của quan niệm Nho giáo về gia đình và quá trình
du nhập, biến đổi của các quan niệm này ở Việt Nam. Đồng thời, luận án làm rõ
một số nội dung cơ bản về xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
- Phân tích thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với
việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. Đồng
thời, luận án phân tích một số vấn đề đặt ra từ những ảnh hưởng ấy.
- Đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng
tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với
việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án góp phần vào việc tìm hiểu quan niệm của Nho giáo Trung Quốc
và Nho giáo Việt Nam về gia đình và ảnh hưởng của nó đối với việc xây dựng gia
đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng. Từ đó, luận án đề ra các nguyên
tắc và giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của
quan niệm Nho giáo về gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn
đồng bằng sông Hồng hiện nay.
- Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ nghiên cứu,
giảng dạy và học tập ở các trường học viện, đại học, cao đẳng hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình khoa học của tác giả liên
quan đến luận án và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 12 tiết.
5
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUAN NIỆM
CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về Nho giáo
Quan niệm của Nho giáo về gia đình có thể tìm thấy trong các tác phẩm gốc
và những công trình nghiên cứu về Nho giáo. Những công trình này tập trung
trình bày nguồn gốc ra đời của Nho giáo, các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo,
quá trình du nhập Nho giáo, sự ảnh hưởng và sự biến đổi của quan niệm Nho giáo
về gia đình ở Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến các công trình:
Về tác phẩm gốc của Nho giáo, tác giả luận án đọc và trích dẫn chủ yếu
trong cuốn Tứ thư tập chú của Chu Hy do Nguyễn Đức Lân dịch [66]. Có nhiều
công trình ghi lại nội dung của Nho giáo nhưng tác giả luận án cho rằng cuốn Tứ
thư tập chú của Chu Hy là đầy đủ và được dịch dễ hiểu nhất. Từ đó, tác giả luận
án lấy công trình này làm tài liệu học tập và nghiên cứu.
Cuốn sách Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh [1]. Đào Duy
Anh là một trong những người đầu tiên áp dụng phương pháp biện chứng của chủ
nghĩa Mác-Lênin vào nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam. Ông không tán thành hai
khuynh hướng ủng hộ nhiệt thành và phê phán kịch liệt Nho giáo như ở Trung
Quốc mà ông vận dụng phương pháp luận macxit để chỉ ra ưu, nhược một cách
khách quan nhưng tinh thần chung của tác phẩm này vẫn là phê phán. Điều này
không tránh khỏi vì đây là xu hướng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Đào Duy Anh không
tán thành quan điểm phủ định sạch trơn, coi khinh Nho giáo vì ông cho rằng: “dẫu
nó không thích hợp ở đời nay, mà công dụng nó, sự nghiệp nó, vẫn trọn vẹn trong
lịch sử, không ai có thể chối cãi hay xóa bỏ đi được” [1, tr.150]. Đào Duy Anh cũng
lưu ý các nhà Tân học về thái độ đối với văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và
với Khổng giáo nói riêng:
Khổng giáo ở nước ta xưa nay chưa từng có ai nghiên cứu cho tường
tận. Các nhà cựu học thì cho Khổng giáo là kim khoa ngọc luật, cứ học
6
theo cho đúng chứ không cần phải dùng trí phê bình. Còn các nhà tân
học thì khinh rẻ quá. Hiện nay ta phải đem phương pháp khoa học mà
nghiên cứu Khổng giáo thì mới biết rõ địa vị và công dụng của nó trong
lịch sử được [1, tr.1].
Cuốn sách Khổng học đăng của Phan Bội Châu [19]. Trong tác phẩm này,
tác giả đã chỉ ra cái hay, tích cực đồng thời phê phán những tiêu cực có liên quan
đến Nho giáo. Phan Bội Châu thấy được giá trị cao quý của đạo Khổng nên trước
việc nhiều người không đánh giá đúng đạo Khổng ông đã viết cuốn sách này nhằm
gửi lại cho các thế hệ sau nhận thức đúng về những giá trị của Nho giáo.
Cuốn sách Nho giáo của Trần Trọng Kim [79]. Tác giả muốn tìm hiểu quá
trình tồn tại, phát triển của Nho giáo và cái người ta đã vận dụng Nho giáo như thế
nào để hiểu rõ phần tinh túy của Nho giáo cũng như biết được tại sao mà “thành ra
hư hỏng”. Khi bàn về gia đình, Trần Trọng Kim cũng nhấn mạnh nhiều về đức hiếu.
Tác giả đề cao vai trò của hiếu và giảng giải thực hành hiếu như thế nào theo tinh
thần của Khổng Tử. Theo tác giả “Chữ hiếu trong Khổng giáo quan trọng như thế,
cho nên người đi học phải xét cho kỹ, chớ nên vội vàng phán đoán nông nổi mà
hiểu sai lầm” [79, tr.152].
Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Tác giả giải thích
những nội dung cơ bản của Nho giáo, đó là: tam tài, đạo đức và chính trị, nhà, nước,
thiên hạ, vấn đề học tập Nho giáo. Trái ngược với hai thái độ cực đoan (ca ngợi hay
phủ nhận) của các nhà Nho khác, Quang Đạm cho rằng “Nho giáo vốn đã có những
mặt hạn chế và tiêu cực nhất định cả đối với đương thời” [34, tr.464] nên nhiệm vụ
của chúng ta là “Cái chính là phải nhìn phải nhìn rõ những hậu quả xấu xa, tệ hại
của nó trong xã hội mới chúng ta để xóa bỏ cho triệt để và cũng phải nhìn rõ mặt
tích cực cơ bản của nó để giữ gìn và phát huy nhằm thúc đẩy sự nghiệp chúng ta
tiến lên” [34, tr.469].
Bài viết “Nền giáo dục theo tinh thần Nho giáo” của Đặng Đức Siêu được
trình bày trong cuốn sách Nho giáo xưa và nay do Vũ Khiêu chủ biên. Đặng Đức
Siêu đã trình bày mục đích, nội dung giáo dục và đưa ra những đánh giá tích cực
và hạn chế về nền giáo dục Nho giáo: “Nền giáo dục học thuật kéo dài qua hàng
trăm thế hệ ấy đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa, trong tâm
thế ứng xử của người Việt Nam” [72, tr.213]. Những di sản của Khổng giáo vẫn
7
bám sát chúng ta và phát huy ảnh hưởng (cả xấu lẫn tốt) nên theo tác giả “Vấn
đề đặt ra là cần phải tìm cách nhận diện chúng và xử lý chúng một cách khoa
học” để “đổi mới nội dung của những khái niệm gắn bó với những bậc thang giá
trị cũ, đem lại cho chúng sức sống mới trong thời đại mới,…” [72, tr.215-216].
Có thể thấy rằng, những công trình trên đã phác họa cho người đọc một cái
nhìn khá toàn diện về Nho giáo. Mặc dù có những ý kiến khác nhau trong việc đánh
giá hệ tư tưởng Nho giáo nhưng nhìn chung các tác giả đều khẳng định ảnh hưởng
tích cực của nó đến các lĩnh vực khác nhau của nước ta và đồng thời đặt ra vấn đề
cần kế thừa Nho giáo một cách khoa học.
1.1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của Nho
giáo về gia đình
Cuốn sách Đến hiện đại từ truyền thống của Trần Đình Hượu [63].Tác giả
đưa ra hai loại hình gia đình truyền thống cơ bản ở Việt Nam là gia đình nông dân
và gia đình nhà Nho. Tác giả chỉ ra ảnh hưởng của Nho giáo đối với các gia đình đó
là dùng tình, lễ để làm cho gia đình hòa thuận và nguyên tắc ứng xử là tôn trọng tôn
ti trật tự, đề cao tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Nét đặc sắc của cuốn sách này
là tác giả khẳng định gia đình truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo
sâu sắc nhưng tìm sự ảnh hưởng đó không chỉ nên căn cứ vào lý thuyết Nho giáo,
mà nên nhìn gia đình trong thể chế chính trị - kinh tế - xã hội tổ chức theo Nho giáo.
Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Trong chương IV của
cuốn sách này, tác giả bàn luận về phạm trù “Nhà” của Nho giáo. Từ việc nghiên
cứu quan niệm của Nho giáo về vai trò của gia đình và mối quan hệ giữa nhà và
nước, Quang Đạm kết luận: “luôn luôn nhớ kĩ rằng nhà là chỗ đứng vững chắc cần
phải giữ vững trong mọi quan hệ giữa người với người, trong quan hệ giữa con
người mình với đất nước và thiên hạ, đó là điểm rất cơ bản trong hệ tư tưởng Nho
giáo” [34, tr.173]. Tác giả cũng ra những nội dung cơ bản của đạo đức Nho giáo về
gia đình, đó là: “lối sống giữ chặt đẳng cấp tôn ti trật tự và quyền uy gia đình, tư
tưởng về hiếu và các biện pháp báo hiếu, tư tưởng trọng nam khinh nữ…, tất cả đều
nhằm mục đích “thống trị cả nước, cả thiên hạ bằng bộ máy gia tộc” [34, tr.189] và
“bảo vệ trước hết quyền lợi của gia tộc cầm quyền thống trị” [34, tr.191].
Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Tác
giả chỉ rõ những nội dung cơ bản trong xây dựng gia đình Nho giáo. Đó là: thứ
8
nhất, Nho giáo xây dựng gia đình theo nội dung hiếu đễ; thứ hai, Nho giáo rất mực
đề cao gia giáo; thứ ba, gia đình Nho giáo tuyệt đối phụ quyền gia trưởng. Về phần
đạo hiếu tác giả khẳng định:
Nho giáo đề cao chữ hiếu, cái hay là thực sự dạy con người thương yêu
kính trọng cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, gây dựng nên cơ nghiệp
cho con cái. Còn cái dở là đồng nghĩa tình yêu thương cha mẹ với yêu
thương ngai vàng nhà vua, nước của vua. Chấp nhận sự tước đoạt của
nhà vua như sự phụng dưỡng cha mẹ mình [32, tr.145].
Cuốn sách Văn hóa gia đình Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh [70]. Tác giả đã
trình bày rất đầy đủ về các vấn đề liên quan đến gia đình đó là: nền nếp và tập tục
và thực trạng của gia đình hiện nay. Tác giả chia ra ba loại gia đình trong xã hội
truyền thống Việt Nam, đó là: loại gia đình nhà Nho nghiêm túc; loại gia đình theo
Nho giáo một cách nệ cổ, máy móc áp dụng nguyên tắc hà khắc của Nho giáo; loại
gia đình bình dân. Cuối cùng tác giả kết luận: “Đã rõ là hầu hết gia đình Việt Nam
xưa (ngày nay thì ảnh hưởng cũng còn nhiều) đều theo Nho giáo” [70, tr.141].
Cuốn sách Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ của Nguyễn Tài Thư
[158]. Trong cuốn sách này ngoài việc phân tích xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu
- Chiến Quốc, quan niệm của các nhà Nho về vấn đề tính người thì tác giả tập trung
phân tích mối quan hệ của con người với các quan hệ tự nhiên và xã hội, đặc biệt
tác giả đề cập nhiều về các quan hệ trong gia đình. Trong đó, tác giả nhấn mạnh:
“hai phía của một mối quan hệ đều có nghĩa vụ với nhau và đều làm tiền đề cho đối
phương phải có thái độ thích hợp với mình” [158, tr.96-97].
Bài viết Sách gia huấn và vấn đề giáo dục gia đình theo quan niệm của các
nhà Nho Việt Nam của Đỗ Thị Hảo được in trong cuốn sách Nho giáo ở Việt Nam
của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Harvard - Yenching Hoa Kỳ [184]. Tác giả
khẳng định gia đình có vai trò quan trọng trong xã hội nên từ thời phong kiến các
nhà Nho Việt Nam đã rất quan tâm tới việc viết sách “gia huấn” để giáo dục con
cháu. Cùng với việc chỉ ra hệ thống sách “gia huấn”, tác giả quan tâm nhiều tới nội
dung giáo dục phụ nữ. Tác giả khẳng định: “chiếm phần quan trọng trong nội dung
sách “gia huấn” là vấn đề giáo dục phụ nữ” [184, tr.229].
Bài viết “Vấn đề trách nhiệm trong quan hệ gia đình qua tư tưởng của một số
nhà Nho Việt Nam” của Nguyễn Bá Cường trong cuốn Trách nhiệm xã hội của Nho
9
giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc [39]. Trong bài viết này, tác giả đã phân
tích rõ khái niệm trách nhiệm theo quan điểm Nho giáo đồng thời tác giả chỉ ra
quan điểm của các nhà Nho Việt Nam về trách nhiệm của của từng người thuộc ba
mối quan hệ cơ bản trong gia đình: cha- con, chồng- vợ, anh - em. Từ đó tác giả đưa
ra những bài học về trách nhiệm trong quan hệ gia đình hiện nay.
Bên cạnh việc khẳng định Nho giáo và quan niệm của Nho giáo về gia đình
có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người Việt, một số tác giả cũng cho rằng, quan
niệm của Nho giáo về gia đình ở Việt Nam đã được người Việt cải biến đi để phù
hợp với văn hóa người Việt, tiêu biểu như:
Bài viết “Nho giáo với văn hóa Việt Nam” của Trần Quốc Vượng được
đăng trong cuốn Nho giáo xưa và nay của Vũ Khiêu chủ biên [72]. Tác giả Trần
Quốc Vượng đã chỉ rõ sự khác biệt giữa trật tự tam cương của Nho giáo ở Trung
Quốc và Việt Nam: “Nho trọng CHA trong khi người Việt trọng MẸ, Nho trọng
CHỒNG trong khi người Việt trọng VỢ, Nho trọng VUA trong tôn quân trong khi
người Việt trọng LANG đại thống nhất” [72, tr.171]. Đây là sự biến đổi của Nho
giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc khi bàn luận về vấn đề gia đình.
Bài viết “Nhân dân Việt Nam dưới tác động của Khổng giáo” của Vũ
Khiêu đăng trong cuốn sách Nho giáo tại Việt Nam do Lê Sĩ Thắng chủ biên
[136]. Trong bài viết này, tác giả Vũ Khiêu chỉ ra điểm khác biệt trong quan niệm
về đạo vợ chồng và địa vị của người phụ nữ của Nho giáo Việt Nam so với Nho
giáo Trung Quốc. Theo tác giả, mối quan hệ vợ chồng Việt Nam bình đẳng hơn so
với Trung Quốc và người phụ nữ Việt Nam có địa vị cao hơn so với người phụ nữ
Trung Quốc. Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng nhân dân ta có thái độ
“phản ứng lại” trong quá trình tiếp nhận Tam cương Ngũ thường. Theo tác giả:
“Về quan hệ cha con, chồng vợ, truyền thống của dân tộc ta cũng rất khác với đạo
lý của Khổng Tử. Dân tộc ta từ lâu đời đã xây dựng những tình cảm sâu sắc và
thủy chung giữa cha mẹ với con cái và tình nghĩa vợ chồng, anh em, bè bạn. Đó là
những tình cảm tự nhiên bình đẳng, lành mạnh. Tình cảm ấy không giống như chữ
hiếu của Khổng Tử” [136, tr.269].
Cuốn sách Một số vấn đề Nho giáo ở Việt Nam của Phan Đại Doãn [28].
Trong nội dung này, tác giả trình bày sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình
10
truyền thống Việt Nam ở các vấn đề: nhà nước với gia đình, làng xã với gia đình,
dòng họ với gia đình. Nét đặc sắc trong cuốn sách này là tác giả đã chỉ ra điểm khác
biệt giữa địa vị của người phụ nữ Việt Nam: “Người vợ trong gia đình Việt Nam,
nhìn chung có vị trí cao hơn trong gia đình ở Trung Quốc và Nhật Bản. Đó là quan
hệ tương đối bình đẳng” [28, tr.172]. Đặc biệt, tác giả đã đưa ra những nhận xét về
gia huấn- thơ ca giáo dục đạo đức gia đình ở Việt Nam theo tinh thần Nho giáo.
Cuốn sách Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 3 của Nguyễn Khắc
Thuần [160]. Tác giả trình bày rõ ba mối quan hệ cơ bản trong gia đình của Nho
giáo Việt Nam. Về đạo hiếu, tác giả khẳng định: “Xã hội nước ta xưa kia tuy có
mượn những khái niệm của Đạo hiếu mà Nho gia đã nêu ra để xây dựng và củng cố
gia giáo, nhưng, Đạo hiếu của tổ tiên ta thoáng hơn, công bằng và cảm động hơn”
[160, tr.242]. Về đạo vợ chồng, tác giả có những đánh giá rất xác thực và tinh tế khi
nhận định: “Mối quan hệ vợ chồng trong Đạo vợ chồng của Nho gia là mối quan hệ
lệ thuộc, trong đó, người chồng có quyền uy rất lớn,… Đạo vợ chồng của tổ tiên ta
ngỡ như giản dị nhưng lại rất tinh tế và sâu sắc, ở đó, tình và nghĩa luôn luôn quyện
chặt với nhau, lòng thủy chung son sắt được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu”
[160, tr.244]. Về đạo anh em, theo tác giả Nho giáo Trung Quốc đề cao “quyền
huynh thế phụ” còn ở Việt Nam thì khác không chỉ đề cao tình huynh trưởng mà
còn đề cao quan hệ ruột thịt.
Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc
về quan niệm gia đình của Nho giáo dưới dạng những cuốn sách chuyên khảo được
dịch ra tiếng Việt trong những năm trở lại đây đã cho chúng ta một cái nhìn khá
toàn diện về nội dung cơ bản trong Nho giáo và những quan niệm về gia đình của
Nho giáo. Tiêu biểu:
Cuốn sách Gia giáo Trung Quốc cổ của Diêm Ái Dân [27]. Tác giả đã trình
bày vai trò của giáo dục đạo đức trong gia đình, những nội dung và phương pháp
của giáo dục đạo đức gia đình theo chuẩn mực của Nho giáo. Tác giả cũng đã đưa
ra lối giáo dục truyền thống trọng nam khinh nữ trong các gia đình Trung Quốc.
Đặc biệt trong phần cuối cuốn sách, tác giả đã đưa ra vai trò, mối quan hệ giữa giáo
dục gia đình với giáo dục tông tộc và ngoài xã hội. Tác giả khẳng định giáo dục
trong gia đình là một biện pháp của chính quyền nhằm ổn định xây dựng xã hội.
11
Cuốn sách Đạo hiếu trong Nho gia của Cao Vọng Chi [22]. Tác giả đã tìm
tòi, thu thập tất cả những tư liệu về đạo hiếu trong tư tưởng Nho gia truyền thống
của Trung Quốc. Tác giả luận giải một số sách liên quan đến giáo dục đức hiếu
cho người phụ nữ như Nữ hiếu kinh, Nữ luận ngữ. Tác giả trình bày ảnh hưởng
của Nho giáo, của đức hiếu đối với Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ở Việt
Nam, tác giả đã lấy dẫn chứng triều đình phong kiến thường giáo dục đức hiếu, đề
cao gương hiếu thảo (thời Minh Mạng nhà Nguyễn), tập tục thờ cúng tổ tiên, nền
nếp sinh hoạt gia đình theo tam, tứ đại đồng đường ở các vùng nông thôn.
Cuốn sách Nho gia với Trung Quốc ngày nay của Vi Chính Thông [151].
Với thái độ phê phán khách quan khoa học được phổ biến rộng rãi từ sau phong trào
văn hóa mới tại Trung Quốc, tác giả không phủ nhận những giá trị tích cực của đạo
đức Nho giáo nhưng tác giả cho rằng, phải chỉ rõ những hạn chế chủ yếu của nó
như: sự hiểu biết nông cạn về cuộc sống hay căn bệnh về đạo hiếu; chỉ khi nghiên
cứu và chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế của đạo đức Nho giáo mới giúp cho thế hệ
trẻ tránh khỏi những suy tưởng phiến diện về Nho giáo và để khắc phục những ảnh
hưởng không tốt của những quan điểm lạc hậu trong Nho giáo đối với sự phát triển
chung của đời sống xã hội Trung Quốc hiện đại. Đây cũng là bài học kinh nghiệm
cho Việt Nam trong cách khai thác các giá trị của Nho giáo.
Bên cạnh các cuốn sách nghiên cứu về Nho giáo và sự ảnh hưởng của nó đối
với đời sống xã hội Việt Nam còn có các bài viết: Quá trình du nhập và phát triển
của Nho giáo Việt Nam từ thời kỳ Bắc thuộc đến triều Lý của Trần Việt Thắng
[137], Đạo đức Nho giáo trong đời sống Việt Nam của Nguyễn Thế Kiệt [78], Đặc
điểm của Nho Việt của Nguyễn Hùng Hậu [52]...
Nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về gia đình có các bài báo: Lễ giáo
Nho gia phong kiến kìm hãm bước tiến lên của phụ nữ Việt Nam hiện nay của Lê
Văn Quán [119], Thử bàn về đạo“hiếu” của Nho gia của Lê Văn Quán [120], Nho
giáo và văn hóa ứng xử của người Việt bình dân trong quan hệ hôn nhân và gia
đình của Nguyễn Thị Kim Loan [89], Quan niệm của nhà Nho và người nông dân
về gia đình của Nguyễn Xuân Kính [80],… Bên cạnh việc khẳng định sự ảnh
hưởng sâu sắc của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với đời sống gia đình của
12
người Việt thì các tác giả đều thừa nhận sự biến đổi của những chuẩn mực đạo
đức gia đình Nho giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc. Trong đó:
Tác giả Nguyễn Thị Kim Loan đưa ra sự so sánh: Trong quan hệ cha- con,
Nho giáo chủ trương tinh thần áp đặt “Cha có thể không nhân từ, nhưng con
không thể không có hiếu - Cha muốn con chết mà con không chết là bất hiếu” thì
người Việt bình dân lại “Trẻ cậy cha, già cậy con - Con đâu, cha mẹ đấy”. Trong
quan hệ vợ- chồng, Nho giáo chủ trương đề cao đạo tam tòng “phu xướng, phụ
tùy” thì quan niệm của chúng ta là “của chồng, công vợ”, “lệnh ông không bằng
cồng bà”, “nhất vợ nhì giời”… Từ đó, tác giả chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản
của sự khúc xạ trên.
Tác giả Nguyễn Xuân Kính đã phân loại gia đình chủ yếu trong xã hội là
gia đình nhà Nho và gia đình nông dân. Gia đình nhà Nho ảnh hưởng nặng nề hơn
về tính gia trưởng mà nguyên nhân là: “Do đề cao quá khứ đến mức lấy quá khứ
làm mẫu mực, nhà Nho đã ít khi vượt được giới hạn của tính gia trưởng để có thể
phát biểu được như người nông dân: “Con hơn cha là nhà có phúc; Sau hơn trước,
nước được nhờ” [80, tr.51]. Người phụ nữ trong gia đình nông dân cũng được đề
cao hơn trong gia đình nhà Nho. Đặc biệt tác giả đã chỉ ra sự khác nhau khá rõ:
“về các mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, Nho giáo thường đề ra những yêu
cầu cần có tính chất lý tưởng, thậm chí không tưởng, chỉ chú ý đến mặt thuận, mặt
tốt đẹp. Trong khi đó, thực tế có cả mặt thuận và mặt chưa thuận, có cả điều hay
và điều dở” [80, tr.52].
Như vậy, các công trình trên đều khẳng định quan niệm của Nho giáo về
gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình ở nước ta. Đồng thời, nhiều nhà
nghiên cứu khẳng định có sự cải biến chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo
Việt Nam. Điều này làm cho các chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo Việt
Nam không khắt khe như Nho giáo bản địa. Đây chính là nét đặc sắc của người
Việt Nam trong việc tiếp thu và kế thừa văn hóa bên ngoài.
1.1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề xây dựng gia
đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay
Tài liệu nghiên cứu về gia đình rất phong phú tuy nhiên nghiên cứu riêng về xây
dựng gia đình văn hóa thì không nhiều. Chính vì vậy, muốn hiểu được xây dựng gia
đình văn hóa cần phải nghiên cứu từ tài liệu liên quan đến vấn đề gia đình từ đó chỉ ra
13
thực trạng văn hóa gia đình, một số biến đổi trong văn hóa gia đình hiện nay để có cái
nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về gia đình văn hóa. Trong đó:
Cuốn sách Gia đình học của Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý chủ biên[68].
Đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu về vấn đề gia đình bao gồm
cả lý luận và kết quả thực tiễn mà các tác giả trực tiếp khảo sát. Đặc biệt, các tác giả
đã chỉ ra sự khác biệt của văn hóa gia đình người Việt với văn hóa gia đình Nho
giáo, đó là gia đình Trung Hoa chú trọng nhiều tới mối quan hệ họ hàng, nghiêng về
bổn phận, trách nhiệm còn gia đình người Việt thì mang sắc thái xã hội, nghiêng
nhiều tới mối quan hệ tình cảm. Đồng thời các tác giả nhấn mạnh, chính văn hóa
phương Tây đã buộc văn hóa gia đình Việt Nam phải thức tỉnh: “những quan điểm
bảo thủ, cổ lỗ của gia đình Việt Nam vốn được che đậy cũng bộc lộ ngày càng rõ
nét hơn” [68, tr.126]. Mặt khác, chính văn hóa phương Tây cũng làm cho văn hóa
gia đình Việt Nam biến dạng theo nghĩa tiêu cực: “sự khủng hoảng của gia đình, sự
sai lệch trong định hướng giá trị về gia đình trước sức ép của thị trường hàng hóa và
đồng tiền, những vấn đề về tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc…, cũng là kết quả của sự
tiếp xúc văn hóa gia đình phương Tây” [68, tr.132]. Từ thực tiễn của văn hóa gia
đình Việt Nam, các tác giả đã xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao văn
hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cuốn sách Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh của Nguyễn Hữu Minh chủ biên [108].
Công trình này đã tập hợp các bài viết phân tích đánh giá thực trạng đạo đức gia
đình, những biến đổi về gia đình và đưa ra những yêu cầu cần được khắc phục,
tiêu biểu:
Bài viết Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay của Nguyễn
Hữu Minh. Tác giả đã phân tích sự biến đổi văn hóa gia đình hiện nay: sự gia tăng
của gia đình quốc tế - cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài qua môi giới; sự xuất hiện
nhiều hơn các gia đình gồm những người sống chung nhưng không kết hôn (tập
trung nhiều ở giới trẻ, khu công nhân), gia đình bố mẹ đi làm ăn xa lâu ngày mới về
để con cái cho ông bà chăm sóc… Tất cả những gia đình kiểu này đều không hợp
với gia đình truyền thống Nho giáo và đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế, tiêu cực của
nó. Từ đó, tác giả yêu cầu loại gia đình này rất cần được quan tâm nghiên cứu.
14
Bài viết Biến đổi giá trị trong mối quan hệ vợ chồng của Bùi Thị Hương
Trầm. Tác giả đã chỉ ra những biến đổi trong quan hệ vợ chồng: quyền sở hữu tài
sản, bình đẳng vợ chồng cùng thực trạng những vấn đề trên đang tồn tại trong xã
hội. Từ đó tác giả kết luận: “Ngày nay, quan hệ vợ chồng đã có sự bình đẳng hơn.
Người vợ và người chồng đều có quyền sở hữu tài sản, đều phải có nghĩa vụ với
nhau. Mệnh lệnh của người chồng được thay thế bằng sự trao đổi, thảo luận các
vấn đề quan trọng trong gia đình” [108, tr.272].
Bài viết Biến đổi của gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, hội nhập của đất nước và sự cần thiết ngăn chặn bạo hành gia đình
hiện nay của Lê Thi. Trọng tâm của bài viết tác giả nhận định:
Điểm nổi bật của sự chuyển biến từ gia đình truyền thống sang gia đình
hiện đại là: gia đình truyền thống hy sinh quyền lợi cá nhân, đỏi hỏi cá
nhân phục tùng lợi ích của gia đình và dòng họ… Ở gia đình hiện đại, là
xu hướng ngày càng đề cao sự giải phóng cá nhân, tự do và hạnh phúc cá
nhân trong gia đình [108, tr.536].
Cuốn sách Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam của Lê Ngọc Văn [180].
Tác giả khá công phu khi chỉ ra đặc điểm của gia đình truyền thống, gia đình hiện
đại và những biến đổi gia đình ở Việt Nam hiện nay cùng các nhân tố làm biến đổi.
Các nhân tố làm biến đổi gia đình đó là do công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và tác
động của nhà nước. Tác giả đưa ra những biến đổi về chức năng gia đình (kinh tế,
sinh đẻ, xã hội hóa, tâm lý - tình cảm) và biến đổi cấu trúc gia đình (quan hệ hôn
nhân, quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình). Nếu như trước kia
trong hôn nhân con cái là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì bây giờ con cái quyết
định hôn nhân có sự đồng ý của cha mẹ chiếm 66,2%, bố mẹ quyết định chỉ chiếm
6,6% [180, tr.297], xu hướng sống thử trước hôn nhân tăng lên [180, tr.320], mô
hình gia đình hạt nhân ngày càng tăng lên thay thế cho gia đình mở rộng…
Cuốn sách Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện gia đình và Giới, Quỹ nhi đồng Liên
hợp quốc (UNICEF) xuất bản [16]. Đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ và toàn
diện về gia đình Việt Nam với một số nội dung cơ bản như sau: một là, về quan hệ
gia đình, trong đó công trình tập trung vào nghiên cứu quan hệ hôn nhân, quan hệ
15
giữa vợ và chồng; cha mẹ và con cái; hai là, về vị thành niên và người cao tuổi
trong gia đình; ba là, về mâu thuẫn, xung đột và bạo lực gia đình; bốn là, về điều
kiện sống và phúc lợi gia đình… Đó là bức tranh cung cấp cho tác giả luận án
những thông tin về tình hình gia đình ở Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách Quản lý nhà nước về gia đình, lý luận và thực tiễn của Lê Thị
Quý [128]. Đây là nguồn tài liệu bổ ích cung cấp kiến thức quản lý nhà nước về gia
đình phục vụ cho nghiên cứu gia đình trong giai đoạn hiện nay. Theo các tác giả,
hiện nay gia đình Việt Nam bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ cũng phải
đối diện với rất nhiều thách thức và đang xuất hiện những dấu hiệu của sự khủng
hoảng, tan vỡ. Từ đó, các tác giả chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
trong đó phần quan trọng thuộc về sự nhận thức của người dân, quản lý nhà nước về
gia đình còn yếu kém và nhiều gia đình còn xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục, bảo
vệ con cái. Sau đó, các tác giả đi đến kết luận: “các gia đình nếu không được hỗ trợ,
không được chuẩn bị đầy đủ về vật chất, tinh thần và nhận thức, sẽ không đủ năng
lực đối phó với những biến động và sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội và
không làm tròn được chức năng của mình” [128, tr.7].
Cuốn sách Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới của Trần Hữu
Tòng, Trương Thìn [163]. Đây là công trình tập hợp nhiều bài viết của các nhà
nghiên cứu về vấn đề xây dựng gia đình văn hóa. Nội dung của cuốn sách được chia
làm ba phần cơ bản. Trong đó: phần một là các bài viết giới thiệu một số quan điểm
của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới; phần
hai là các bài viết về vấn đề gia đình và gia đình văn hóa với những tiêu chuẩn cụ
thể; phần ba là những bài viết chỉ ra kinh nghiệm và định hướng cuộc vận động xây
dựng gia đình văn hóa ở một số địa phương trên địa bàn cả nước.
Đề tài cấp Bộ Đánh giá việc thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay
và xây dựng tiêu chí gia đình văn hóa trong giai đoạn mới do Lê Trung Trấn chủ trì
[167]. Với việc thực hiện điều tra xã hội học của một số tỉnh ở cả ba khu vực Bắc,
Trung, Nam tác giả đã đưa ra kết luận thực trạng việc xây dựng gia đình văn hóa
và tiêu chí gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Đó là:
Gia đình văn hóa được xây dựng dựa trên cơ sở xác định được các giá
trị và các chuẩn mực của gia đình Việt Nam hiện đại… Sự kết hợp các
16
giá trị truyền thống và giá trị mới bảo đảm cho văn hóa gia đình Việt
Nam không bị đứt đoạn cũng như không tụt hậu, đáp ứng được những
đòi hỏi của thời kỳ CNH, HĐH đất nước [167, tr.148].
Tác giả đề cao việc kế thừa những chuẩn mực truyền thống và hiện đại- là
nhân tố cho việc xây dựng gia đình văn hóa thành công.
Cuốn sách Vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người
Việt Nam của Lê Thi [139]. Tác giả dành nhiều tâm huyết nghiên cứu sự phát triển
của gia đình Việt Nam và chức năng giáo dục con người qua các giai đoạn lịch sử
của đất nước trước và trong quá trình Đổi mới. Ngoài ra, tác giả đưa nêu sự cần
thiết của việc hợp tác giữa gia đình với nhà trường và các thiết chế xã hội khác.
Đặc biệt, tác giả còn đưa là những tiêu chí của một gia đình hạnh phúc, đó là: “Gia
đình hoà thuận vợ chồng con cái; con ngoan, học giỏi tiến bộ; con cái khỏe mạnh,
sống có văn hóa; kinh tế vững vàng, vợ chồng có nghề nghiệp ổn định; chăm sóc
cha mẹ già yếu” [139, tr.183]. Thực tế, những tiêu chuẩn này là sự cụ thể hóa các
tiêu chí của gia đình văn hóa.
Cuốn sách Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia
đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Nguyễn Hữu Minh và Nata Duvvury, Patricia
thuộc Đại học Quốc gia Ireland, Galway thực hiện [107]. Đây là tài liệu rất có giá
trị trong việc nghiên cứu vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam. Các tác giả phân
tích vấn đề: bối cảnh xã hội, thực trạng bạo lực gia đình, tác động của bạo lực do
chồng hoặc bạn tình gây ra đối với người phụ nữ với những số liệu hoàn toàn mới.
Từ đó các tác giả đưa ra những khuyến nghị nhằm hạn chế và khắc phục hậu quả
của bạo lực gia đình đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh những cuốn sách trên còn rất nhiều bài báo liên quan đến việc xây
dựng gia đình, xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Trong đó:
Bài viết “Quá trình phát triển nhận thức của Đảng - Nhà nước về hôn nhân
gia đình và xây dựng gia đình văn hóa” của Nguyễn Thị Hà [42]. Tác giả đã đi
sâu phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của Đảng và nước ta về hôn nhân,
gia đình và xây dựng gia đình văn hóa từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa và qua các kỳ đại hội của Đảng. Bài báo khẳng định vai trò quan trọng
của việc xây dựng gia đình văn hóa trong nhận thức của Đảng. Đây là những tiền
17
đề lý luận giúp tác giả luận án tiếp thu và kế thừa nội dung nghiên cứu, những
quan điểm chính sách của Đảng và nhà nước ta.
Bài viết “Mấy vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ đổi
mới” của Bùi Thị Ngọc Lan [81]. Trước tiên tác giả đưa ra những yếu tố tác động
đến quá trình xây dựng gia đình văn hóa hiện nay. Trong đó, tác giả khẳng định
nhân tố truyền thống tác động đến xây dựng gia đình văn hóa trên cả hai mặt tích
cực và tiêu cực. Đồng thời, tác giả đưa ra một số vấn đề liên quan đến xây dựng
gia đình văn hóa cần giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa tính đa dạng phong phú của
các loại hình gia đình với những tiêu chuẩn chung có tính thống nhất trong việc
xây dựng gia đình văn hóa; công tác tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa chưa
được làm tốt; công tác giám sát kiểm tra việc thực hiện xây dựng gia đình văn hóa
chưa được tiến hành thường xuyên.
Trong bài viết Văn hóa gia đình Việt Nam: Các giá trị truyền thống và hiện
đại tác giả Đào Thị Mai Ngọc [111] đã đưa ra lý luận tổng quát về gia đình, chức
năng của văn hóa gia đình. Tác giả cho rằng: “Hệ thống giá trị văn hóa của gia
đình khi đã hình thành có vai trò chi phối, điều tiết các quan hệ gia đình, chi phối
phương thức ứng xử của các thành viên trong gia đình” [111, tr.115]. Tiếp đó tác
giả đưa ra những biến đổi trong văn hóa gia đình hiện nay. Cuối cùng, tác giả đưa
ra một số giải pháp nhằm xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam hiện đại.
Như vậy, những bài viết này đã cung cấp cho tác giả luận án tri thức liên
quan đến gia đình văn hóa và chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về
quản lý gia đình văn hóa. Các tác giả cũng chỉ ra vai trò của gia đình và việc giữ
gìn văn hóa gia đình truyền thống, đưa ra thực trạng biến đổi văn hóa gia đình ở
nước ta hiện nay.
Ngoài ra, còn có nhiều công trình luận án tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề gia
đình, tiêu biểu như: Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay của Lê
Văn Hùng [60], Giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay của Hà Thị
Bắc [8], Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi
trung học cơ sở ở Hà Nội hiện nay của Nguyễn Thị Tố Uyên [175]… Nhìn chung
các luận án trên đều khẳng định vai trò của gia đình, thực trạng đạo đức gia đình ở
18
nước ta hiện nay và từ đó đã đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng đạo đức gia
đình trong thời kỳ hiện đại.
Như vậy, các công trình trên đã phân tích chủ trương của Đảng, chính sách
của nhà nước về vai trò của gia đình, thực trạng cùng những biến đổi của văn hóa
gia đình, quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đây là những
tài liệu rất có giá trị cung cấp tri thức lý luận và thực tiễn cho tác giả luận án kế
thừa và phát triển trong công trình của mình.
1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ẢNH HƯỞNG
QUAN NIỆM NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH
VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY - THỰC
TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
1.2.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến đặc điểm của gia đình
ở nông thôn đồng bằng sông Hồng
Đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng được trình bày
thành nội dung nhỏ trong các công trình nghiên cứu Việt Nam văn hóa sử cương
của Đào Duy Anh [2], Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc [113], Cơ sở văn
hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm [138], Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc
Vượng [189]… Các công trình này đều phân tích những nét sinh hoạt văn hóa gia
đình đặc trưng ở khu vực Bắc Bộ và điểm chung là các tác giả đều khẳng định sự
ảnh hưởng khá rõ nét của Nho giáo đối với gia đình ở khu vực này. Ngoài những
tác phẩm trên còn có nhiều bài viết trình bày rõ vấn đề này như:
Bài viết Một đặc trưng về cơ cấu và chức năng gia đình Việt Nam ở đồng
bằng sông Hồng của Mai Huy Bích [10, tr.52-53]. Khi bàn luận về đặc trưng của
gia đình ở khu vực đồng bằng sông Hồng tác giả khẳng định: “mang nhiều nét độc
đáo, đặc thù Á Đông, có những độ chênh nhất định so với lý thuyết và quan niệm
của xã hội học gia đình phương Tây” [10, tr.52]. Những đặc trưng đó là: tính cộng
đồng, tư tưởng dòng dõi, tính huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng
dòng dõi thể hiện ở nhu cầu của người dân muốn có và phải có bằng được con trai
để nối dõi tông đường. Nói về điều này, tác giả mượn lời của học giả nước ngoài
khi nói về đặc trưng của gia đình nơi đây: “tầm quan trọng của việc có con trai được
nhấn mạnh hơn ở Thái Lan hay Miến Điện” [10, tr.53].
19
Bài viết Nơi cư trú sau hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng của Mai Huy Bích
[12, tr.33-42]. Tác giả chỉ ra cách hiểu sao cho đúng về thuật ngữ “về nhà chồng” -
đó không chỉ là về ở vị trí không gian mà còn là học nếp sinh hoạt của nhà chồng.
Điều này thể hiện rõ sự ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tác giả còn
chỉ ra nếp sống sinh hoạt đặc trưng trong gia đình của người dân đó là: đề cao đạo
đức, lòng hiếu thảo, sự sinh hoạt sum vầy theo tinh thần của Nho giáo. Mượn lời
nhà nghiên cứu Castillo về gia đình Việt Nam là “cư trú trong hình thái hạt nhân,
nhưng về chức năng lại là gia đình mở rộng”, tác giả nhận xét: “nên lưu ý là dù chỉ
sống chung với bố mẹ một thời gian nhất định hay lâu dài, dù tách hộ hay không,
gia đình con cái lớn và cha mẹ già thường vẫn cố gắng hỗ trợ nhau” [12, tr.40].
1.2.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh
hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa
ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay
Sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia
đình văn hóa ở Việt Nam thông qua các phương thức khác nhau. Mặt khác, có
nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa gia đình Việt
Nam nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của quan niệm Nho
giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam nói chung và
nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng theo các tiêu chí của Bộ Văn hóa Thể
thao và Du lịch. Vì vậy, muốn nghiên cứu vấn đề này cần phải đi từ một số công
trình cơ bản:
Cuốn sách Nho giáo và gia đình của Vũ Khiêu chủ biên [73]. Trong tác
phẩm này, các tác giả trình bày vấn đề gia đình theo trình tự: vị trí, những quy tắc
trong quan hệ gia đình theo Nho giáo. Đánh giá về vấn đề gia đình trong Nho giáo,
các tác giả đã có nhận định: “Chung quanh vấn đề gia đình, Nho giáo đã có những
kiến giải thích hợp, góp phần xây dựng và duy trì những quan hệ xã hội ổn định
trong những điều kiện lịch sử nhất định, đồng thời cũng có không ít những tiêu cực,
gây tai hại không nhỏ lúc bấy giờ và còn để lại hậu quả xấu cho đến ngày hôm nay”
[73, tr.10]. Từ đó các tác giả chỉ rõ nhiệm vụ của giới nghiên cứu:
Cần có sự phân tích đúng đắn, rút ra được nhận xét về những mặt được
và chưa được, hợp lý và không hợp lý, sàng lọc lấy những gì truyền
thống tốt đẹp của dân tộc để kết thừa và phát huy hoặc cải tạo, vạch ra
20
những gì lạc hậu, cản trở việc tiến bộ cần phê phán hoặc loại bỏ, nhằm
xây dựng cuộc sống mới và gia đình văn hóa mới, phù hợp với tình hình
thực tế của đất nước ta hôm nay [73, tr.28].
Cuốn sách Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu [74]. Tác giả đã
phân tích sự du nhập và phát triển của Nho giáo vào nước ta và sự thất bại đầy bi
kịch của Nho giáo trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Bên cạnh đó, tác giả
còn chỉ ra những bài học kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo
khi vận dụng Nho giáo. Tác giả dành một chương để bàn về Vấn đề Nho giáo trong
gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh việc chỉ ra mặt tích cực của sự ảnh hưởng
của Nho giáo đối với gia đình hiện nay thì tác giả cũng chỉ trích sự ảnh hưởng tiêu
cực: “Chủ nghĩa gia đình, căn bệnh bén rễ, ăn sâu trong xã hội cũ, tạo ra xích mích
giữa các gia đình và dòng họ, dẫn đến sự ganh đua đố kỵ, thậm chí thù ghét và tiêu
diệt lẫn nhau” [74, tr.149]. Cuối cùng tác giả kết luận:
Trong xã hội ta hôm nay và ngày mai, gia đình vẫn tiếp tục giữ một vai
trò quan trọng trong sự nghiệp chung của đất nước. Nho giáo sẽ tiếp tục
đem lại cho chúng ta nhiều điều bổ ích, nhưng chúng ta không thể tiếp
thu toàn bộ quy tắc sinh hoạt của Nho giáo cũng không thể bắt chước
nước này hay nước khác ở cách đã tiếp thu như thế nào những quan điểm
Nho giáo về gia đình để phục vụ cho chế độ xã hội của họ [74, tr.157].
Cuốn sách Văn hóa gia đình của Vũ Ngọc Khánh [70]. Mặc dù cũng chỉ ra
sự ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với gia đình đó là nó cổ súy cho quyền gia
trưởng, làm suy giảm giá trị và ý thức của cá nhân nhưng Vũ Ngọc Khánh cũng
khẳng định vai trò tích cực của Nho giáo đối với gia đình:
Nét đặc sắc nữa của Nho giáo trong vấn đề gia đình là đưa con người
vào hoàn cảnh thiết thực, không cần ảo tưởng, không phải trông cậy gì
ở những chuyện huyền bí duy tâm. Không cần phải tìm đến thiên
đường hay nát bàn nào cả. Con người có thể làm nên hạnh phúc đó là
hạnh phúc của gia đình. Khổng giáo khác với Phật, Đạo hay Gia tô là ở
đó [70, tr.130].
Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Sau
khi chỉ ra đặc điểm và những ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình thì tác giả
cũng đưa ra những nhận xét về gia đình Nho giáo như: nó tự bộc lộ những mâu
21
thuẫn vô lý, gia đình Nho giáo nhiều điều không còn phù hợp với xã hội Việt Nam
ngày nay. Từ đó, tác giả chỉ ra mô hình gia đình Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo
tác giả, trong việc xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa chúng ta vẫn tiếp thu chữ
hiếu đễ ở gia đình Nho giáo, gây thói quen nhận thức xã hội về đạo lý làm người,
tiếp thu giáo dục gia đình Nho giáo.
Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Trong mục phạm trù
Nhà tác giả đã chỉ ra mối quan hệ giữa nhà và nước, mặt hạn chế của quan niệm gia
đình của Nho giáo còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội nước ta hiện nay. Đó
là: tình cảm gia đình quá nặng, sự tính toán vì danh lợi riêng của gia đình quá nhiều;
chế độ gia đình trị với nhiều biến tướng, biến dạng của nó; tác phong gia trưởng còn
là một chứng bệnh tệ hại ở nhiều nơi… Từ đó, tác giả đưa ra một số bài học khi vận
dụng đạo đức gia đình của Nho giáo để xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa.
Bài viết “Đi tìm những đặc trưng của gia đình Việt Nam truyền thống” của
Đặng Cảnh Khanh được đăng trong cuốn sách Nghiên cứu gia đình và giới thời kỳ
đổi mới do Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh [106]. Tác giả trăn trở với vấn
đề có hay không một mô hình gia đình được gọi là gia đình Việt Nam truyền
thống? Với việc khẳng định là có thì tác giả đã chỉ ra những đặc trưng của mô
hình đó, chính là: dấu ấn cộng đồng trong gia đình Việt Nam. Theo tác giả, chính
sự tôn trọng và tuân thủ tính cộng đồng là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn
hóa gia đình, đó là: 1. Sự tôn trọng gia đình, tôn trọng các quan hệ gia đình, đề cao
hạnh phúc gia đình; 2. Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt
không phải là sự giàu sang mà là tình nghĩa. Tác giả cũng so sánh khác biệt giữa
gia đình Việt Nam và gia đình Trung Quốc: “gia đình Việt Nam truyền thống
nghiêng nhiều về mặt quan hệ tình cảm, tình nghĩa còn gia đình Nho giáo nghiêng
nhiều về mặt bổn phận, trách nhiệm, lễ nghĩa” [106, tr.144]. Tác giả đưa ra một số
biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam trước những đòi
hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong số các biện pháp
này, đối với văn hóa gia đình của Nho giáo tác giả khẳng định: “Bên cạnh những
giá trị về tính nhân văn và nhân đạo những mặt tích cực nó cũng có những “cái
nhọt”, những “cục thịt thừa” mà nói như Lỗ Tấn nếu cắt bỏ đi lại tốt hơn” [106,
tr.161]. Đây là công trình khoa học có giá trị giúp tác giả luận án kế thừa và phát
22
triển trong việc tiếp cận và trình bày nội dung về sự ảnh hưởng của đạo đức gia
đình Nho giáo đến đời sống của người dân nông thôn đồng bằng sông Hồng.
Bài viết “Vấn đề giáo dục các giá trị truyền thống trong gia đình qua một
khảo sát xã hội học” của Đặng Cảnh Khanh được đăng trong cuốn sách Quản lý
nhà nước về gia đình lý luận và thực tiễn do Lê Thị Quý. Sau khi thực hiện khảo sát
xã hội học trên một số địa bàn, tác giả rút ra kết luận: “Nền nếp gia đình và truyền
thống dòng họ vẫn là điều thường xuyên được truyền dạy trong gia đình” [128,
tr.113], “lòng hiếu thảo là giá trị truyền thống được quan tâm giáo dục nhiều nhất
trong các gia đình hiện nay”, “lòng yêu nước vẫn là giá trị truyền thống hàng đầu
được coi trọng trong giáo dục gia đình”, “phần lớn các gia đình được hỏi nhấn
mạnh tới việc truyền dạy cho con cháu đức tính cần cù chịu khó và ý chí vươn lên
trong cuộc sống” [128, tr.113-118].
Cuốn sách Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay của Nguyễn Thị
Thọ [149]. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra những nhận xét về tầm quan
trọng của gia đình trong việc giáo dục con người và những chuẩn mực căn bản của
đạo đức gia đình. Những chuẩn mực này dựa trên quan niệm truyền thống trong đó
có các yếu tố đạo đức của Nho giáo như Từ và Hiếu, tình nghĩa, thủy chung, hòa
thuận. Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra những tác động của kinh tế thị trường đến
đạo đức gia đình. Đặc biệt, tác giả phân tích sâu sắc sự tác động tiêu cực của kinh tế
thị trường đối với đạo đức gia đình làm cho“một số giá trị truyền thống đang có
biểu hiện giảm sút như: lòng hiếu thảo, sự tôn sư trọng đạo, tinh thần đoàn kết…”
[149, tr.140-141].
Cuốn sách Ứng xử của người dân đồng bằng sông Hồng trong gia đình của
Lê Thị Thanh Hương chủ biên [61]. Đây là công trình công phu của tập thể tác giả
thực hiện điều tra xã hội học liên quan đến ứng xử của người dân đồng bằng sông
Hồng trong gia đình ở 3 khu vực: thành phố, thị trấn, nông thôn trong đó các tác giả
tập trung nhiều ở vùng nông thôn với hai chủ đề cơ bản: 1. ứng xử trong quan hệ vợ
chồng. 2. ứng xử trong mối quan hệ ông bà - con - cháu. Các tác giả tập trung vào
nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình về mặt: vai trò đóng góp
kinh tế, vai trò đóng góp lao động việc nhà, vai trò giáo dục trong gia đình, sự trách
nhiệm, quan tâm, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Các
tác giả cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của đạo đức gia đình Nho giáo đối với văn
23
hóa gia đình ở đồng bằng sông Hồng: “Cách ứng xử có hiếu như đúng nghĩa của nó
vẫn luôn được xem trọng” [61, tr.278], “Hiện nay đại đa số ông bà vẫn tham gia vào
việc giáo dục thế hệ các cháu” [61, tr.279]. Đồng thời thông qua các kết quả điều tra
các tác giả khẳng định sự thay đổi về ứng xử trong gia đình ở đồng bằng sông
Hồng, đó là: “Ứng xử của bố mẹ với con hiện nay có xu hướng “mở” hơn, tôn trọng
hơn “cái tôi” của thế hệ con cháu” [61, tr.280]. Công trình này có ý nghĩa quan
trọng đối với tác giả luận án bởi vì nó đã cung cấp cấp các số liệu phong phú, sát
thực với đề tài của luận án.
Cuốn sách Thuyết tam tòng, tứ đức trong Nho giáo và ảnh hưởng của nó đối
với người phụ nữ Việt Nam hiện nay của Nguyễn Thị Vân [178]. Tác giả đã trình bày
quan niệm của Nho giáo về người phụ nữ thông qua thuyết tam tòng, tứ đức. Bao
trùm cả học thuyết này đó là sự trọng nam khinh nữ. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân
tích sự biến đổi trong quan niệm về người phụ nữ của Nho giáo Việt Nam so với Nho
giáo Trung Quốc. Đồng thời, tác giả chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của
thuyết tam tòng, tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay. Đây là tài liệu quan
trọng để tác giả luận án kế thừa trong việc phân tích ảnh hưởng của quan niệm Nho
giáo về gia đình đối với người phụ nữ Việt Nam.
Có nhiều bài báo đề cập tới vai trò, sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia
đình hiện nay, tiêu biểu như:
Bài viết Nho giáo và văn hóa gia đình hiện nay đăng trên tạp chí Nghiên cứu
văn hóa nghệ thuật của Lê Thị Quý [127]. Tác giả đã khái quát những nội dung
chính trong quan niệm của Nho giáo về gia đình và chỉ ra mặt tiêu cực đối với vấn
đề gia đình hiện nay như cha mẹ ít quan tâm tới vấn đề giáo dục đạo đức cho con
cái, con cái bạc đãi cha mẹ, tình trạng ly hôn ngày càng cao… Từ đó, tác giả đưa ra
ba bài học để xây dựng văn hóa gia đình hiện nay: bài học về xây dựng kỷ cương
gia đình, bài học về giáo dục gia đình, bài học về việc xây dựng mối quan hệ giữa
gia đình và xã hội. Những bài học này được xây dựng trên nền tảng kế thừa những
yếu tố tích cực của đạo đức gia đình của Nho giáo như tác giả đã nhận xét: “quảng
đại quần chúng nhân dân cũng xây dựng gia đình theo quy tắc của Nho giáo bởi vì
những hạt nhân hợp lý của học thuyết này trong việc giáo dục lòng yêu thương đối
với con người, bắt đầu từ tình yêu thương gia đình rất phù hợp với đạo lý và dân tộc
Việt Nam” [103, tr.50].
24
Bài viết Tư tưởng Nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở Việt
Nam hiện nay của Minh Anh [5]. Tác giả khái quát những nội dung cơ bản của Nho
giáo về gia đình, đó là sự coi trọng vai trò của gia đình. Theo tác giả, những tư
tưởng trên của Nho giáo ở một mặt nào đó có thể phù hợp với Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó tác giả cũng chỉ ra
một số nội dung trong đạo đức gia đình Nho giáo không còn phù hợp với tính chất
dân chủ của gia đình mới. Cuối cùng, tác giả đưa ra kết luận: “Có thể nói rằng, nếu
loại bỏ những tư tưởng bảo thủ, mất dân chủ thì việc kế thừa những giá trị luân lý
tích cực của Nho giáo về gia đình để xây dựng gia đình mới nhằm đáp ứng được sự
phát triển của đất nước là điều nên làm” [5, tr.24].
Bài viết “Mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái” của Lê Thi. Dựa trên
số liệu của cuộc điều tra: “Quan niệm, nhận thức về hôn nhân gia đình của các thế
hệ Việt Nam ở một số vùng đồng bằng sông Hồng”, tác giả tìm hiểu những thay đổi
trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái dưới tác động của môi trường sống hiện đại.
Tác giả chỉ ra tư tưởng trọng nam khinh nữ đã làm gia tăng tỷ lệ nạo hút thai nhi nữ
và mất cân bằng giới tính khi sinh và cha mẹ đã có những cách ứng xử phù hợp dựa
trên việc giảng giải. Tuy nhiên, khó khăn chính của cha mẹ là thiếu thời gian chăm
sóc con cái do áp lực kiếm sống. Tác giả cho rằng, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau
giữa cha mẹ và con cái đang là xu hướng của nhiều gia đình hiện nay.
Bài viết Mấy vấn đề thực trạng xây dựng gia đình văn hóa tại đồng bằng
sông Hồng của Nguyễn Thị Kim Hoa [53]. Tác giả đã đưa ra kết quả của việc khảo
sát vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng qua ba tỉnh: Hưng
Yên, Vĩnh Phúc. Thông qua cuộc khảo sát này, tác giả chỉ ra thành tựu, hạn chế và
nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa. Từ đó,
tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng của xây dựng gia
đình văn hóa tại khu vực này. Đối với tác giả luận án, tài liệu này có nghĩa quan
trọng trong việc giúp tác giả kế thừa những kết quả điều tra để phục vụ tính thực
tiễn của luận án.
Như vậy, các công trình khoa học trên đã giúp cho tác giả luận án những tri
thức liên quan đến thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối
với xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng. Điểm chung của các công
25
trình trên là không phủ nhận vai trò của đạo đức gia đình Nho giáo đối với xây dựng
gia đình văn hóa ở nước ta nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng.
1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN NGUYÊN
TẮC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH
HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA QUAN NIỆM NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
HIỆN NAY
Đã có rất nhiều công trình khoa học đưa ra những giải pháp có giá trị trong
việc nghiên cứu về: xây dựng gia đình, ảnh hưởng của đạo đức truyền thống, đạo
đức Nho giáo, quan niệm của Nho giáo về xây dựng đạo đức và gia đình ở nước ta,
tiêu biểu là:
Cuốn sách Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu [74]. Ở đây, tác
giả đề cập tới “Vấn đề Nho giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay” và ở phần kết
luận và kiến nghị, tác giả đã đưa ra quan điểm học tập các quốc gia thuộc nhóm
“Con Rồng châu Á” trong việc khai thác Nho giáo. Bởi vì theo tác giả: “Các nước
nói trên đã giữ lại mối quan hệ cổ truyền trong gia đình để ràng buộc con người vào
trật tự xã hội. Nó củng cố thêm mối quan hệ có tính chất gia đình giữa nhà nước và
công dân, giữa chủ và thợ” [74, tr.190]. Trước việc đề cao đạo đức gia đình của
Nho giáo và muốn khắc phục những hạn chế mà nó gây ra tác giả yêu cầu:
Cần khôi phục lại và đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “gia đình văn
hóa” với nội dung mới. Chúng tôi tin tưởng rằng sự quan tâm của Đảng
và Nhà nước đối với vấn đề gia đình hôm nay sẽ vừa đáp ứng nhu cầu
đổi mới của đất nước vừa khai thác những truyền thống tốt đẹp của gia
đình cũ, trong đó có những nhân tố tích cực của Nho giáo [74, tr.192].
Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Sau
khi chỉ ra những điều phù hợp và không phù hợp của gia đình Nho giáo hiện nay tác
giả đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để xây dựn gia đình văn hóa. Đó là: 1. Tạo cơ
sở kinh tế cho việc chăm sóc người già; 2. Gây dựng thói quen nhận thức xã hội về
đạo lý làm người, là ở chỗ con người biết nhớ về cội nguồn. 3. Tiếp thu lối giáo dục
gia đình Nho giáo.
Cuốn sách Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam của Lê Ngọc Văn [180].
Tác giả đã đưa hệ thống các giải pháp- kiến nghị chủ yếu xây dựng gia đình Việt
26
Nam thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đó là: 1. Tăng cường sự lãnh
đạo của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo, tổ chức, quản lý của Nhà nước đối với công
tác gia đình; 2. Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hóa công tác truyền thông, giáo dục,
vận động, tư vấn xây dựng gia đình phát triển bền vững; 3. Tiếp tục xây dựng và
hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến
gia đình; 4. Xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam phát triển bền vững theo các
loại hình gia đình, nghề nghiệp và nhóm xã hội; 5. Tăng cường công tác nghiên
cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình.
Cuốn sách Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay của Nguyễn Thị
Thọ [149]. Từ việc chỉ ra thực trạng của kinh tế thị trường tác động đến gia đình
Việt Nam hiện nay tác giả đã đưa ra một số giải pháp định hướng đối với việc xây
dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay. Đó là: 1. Nâng cao nhận thức cho toàn
thể xã hội về vai trò của giáo dục đạo đức gia đình; 2. Xác lập và đẩy mạnh giáo
dục hệ chuẩn mực đạo đức gia đình hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những
giá trị đạo đức gia đình truyền thống; 3. Tăng cường kết hợp vai trò của gia đình,
nhà trường và các tổ chức xã hội, tôn giáo trong giáo dục đạo đức gia đình.
Bên cạnh đó còn có môt số bài viết tiêu biểu như:
Bài viết Mấy vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ đổi mới
của Bùi Thị Ngọc Lan [81]. Tác giả đưa ra các nhóm giải pháp để tiếp tục xây dựng
gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: 1. Tăng cường công tác tuyên
truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; 2. Rà soát
lại các văn bản đã ban hành để phát hiện ra các bất cập, những hạn chế làm cơ sở
cho việc xây dựng chính sách và cơ chế quản lý phù hợp với từng đối tượng, hoàn
cảnh; 3. Cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện và tiền đề cần thiết giúp gia
đình thích ứng được với những tác động của những biến đổi đó, nhất là vấn đề kinh
tế; 4. Xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ chuyên trách
về vấn đề gia đình.
Bài viết Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của Nguyễn
Thiện Trưởng [171]. Sau khi khái quát một số quan điểm của Đảng và nhà nước ta
về hôn nhân, gia đình, phân tích cụ thể một số tiêu cực trong thực trạng gia đình ở
Việt Nam hiện nay tác giả đã đưa ra một số nhiệm vụ cần thực hiện: 1. Cần nhận
thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công xây
27
dựng đất nước; 2. Quan tâm hơn nữa đến công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ
thường xuyên; 3. Coi trọng công tác giáo dục đời sống gia đình; 4. Tiếp tục đẩy
mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; 5. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng
và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa; 6. Đổi mới đa dạng hóa
công tác truyền thông, tăng cường giáo dục đến từng hộ gia đình pháp luật, chính
sách liến quan đến xây dựng gia đình; 7. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống
pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình.
Các công trình trên cung cấp cho tác giả luận án cái nhìn khá toàn điện về hệ
thống giải pháp trong việc khai thác ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình
đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
1.4. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHOA
HỌC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA LUẬN ÁN CẦN
TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT
1.4.1. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công
bố liên quan đến luận án
Nông thôn đồng bằng sông Hồng là khu vực chịu sự ảnh hưởng của Nho
giáo khá đậm nét trong đó quan niệm của Nho giáo về gia đình. Hiện nay, vấn đề
coi trọng gia đình và giáo dục chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo có ý nghĩa
lớn trong việc xây dựng gia đình văn hóa khu vực này. Sau khi khảo sát những
nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung ảnh hưởng quan niệm của Nho
giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng
ssông Hồng hiện nay, tác giả thấy rằng:
Một là, đối với nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của
Nho giáo về gia đình và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Nhóm công trình trên đã cung cấp cho tác giả luận án một cái nhìn sâu sắc và
toàn diện về quá trình ra đời, phát triển của Nho giáo, nội dung cơ bản trong quan
niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình, quá trình du nhập, biến đổi của những
quan niệm đó đã tạo nên nét đặc thù trong quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt
Nam. Do vậy, khi nghiên cứu quan niệm của Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo
Việt Nam về gia đình, tác giả không kỳ vọng đem đến một sự hiểu biết mới nào về
vấn đề này mà chỉ kế thừa và tổng kết những thành quả nghiên cứu của những
người đi trước. Bởi vậy, tác giả chỉ tập hợp một cách khái quát và có hệ thống quan
28
niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình, những nội dung cơ bản và những nhân
tố làm biến đổi quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Đồng thời, tác giả
phân tích sâu một số nội dung của sự biến đổi cùng các nhân tố làm biến đổi vì điều
này đã tạo ra nét riêng vô cùng đặc sắc trong quan niệm về gia đình của Nho giáo
Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu về gia đình, xây dựng gia đình văn hóa hết sức
phong phú. Các tác giả trước đó đã chỉ ra chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của nhà nước, một số chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
về xây dựng và phát triển gia đình văn hóa ở Việt Nam. Đồng thời có rất nhiều công
trình chỉ ra thực trạng văn hóa gia đình, kết quả của quá trình xây dựng gia đình văn
hóa và một số nhân tố ảnh hưởng tới việc xây dựng gia đình văn hóa.
Đối với những công trình nghiên cứu về phương thức ảnh hưởng của quan
niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam đã
giúp tác giả tìm hiểu và trả lời cho câu hỏi vì sao bệ đỡ của Nho giáo là nhà nước
phong kiến không còn nữa mà hiện nay văn hóa gia đình Việt Nam lại vẫn chịu ảnh
hưởng của đạo đức gia đình của Nho giáo đến thế.
Hai là, đối với nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh
hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở
nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
Các công trình liên quan đến đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng
sông Hồng đã giúp cho tác giả luận án hiểu biết về điều kiện kinh tế - xã hội, con
người và văn hóa truyền thống đặc trưng và sự biến đổi của văn hóa gia đình ở nông
thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
Ở các công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng ảnh hưởng, hầu hết các
tác giả đều khẳng định quan niệm của Nho giáo về gia đình có ảnh hưởng sâu sắc
đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam nói chung và nông thôn đồng
bằng sông Hồng nói riêng. Sự ảnh hưởng này thông qua phong tục tập quán, cao
dao tục ngữ, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Chính sự ảnh hưởng của
quan niệm Nho giáo về gia đình đối với gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng
khá sâu sắc nên đã tạo ra nét đặc thù của văn hóa gia đình ở nơi đây.
29
Ba là, nhóm những công trình nghiên cứu liên quan đến nguyên tắc và giải
pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho
giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng
sông Hồng hiện nay.
Nhóm công trình trên là những tài liệu tham khảo có giá trị quan trọng đối
với tác giả luận án khi trình bày chương 4. Tuy nhiên, các tác giả của các công trình
trên mới chỉ đưa ra những giải pháp của việc xây dựng gia đình văn hóa nói chung,
xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới hoặc là đưa ra giải pháp khai thác
Nho giáo trong hoàn cảnh mới chứ chưa bàn thẳng vào vấn đề khai thác quan niệm
của Nho giáo về gia đình vào việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay. Chính vì
vậy, bên cạnh việc kế thừa, tổng kết những thành tựu của các công trình trước đó,
tác giả luận án cũng căn cứ theo cách tiếp cận và nội dung nghiên cứu của mình để
đưa ra nguyên tắc và giải pháp phù hợp với hướng nghiên cứu đề tài của mình.
1.4.2. Những vấn đề đặt ra mà tác giả luận án phải tiếp tục nghiên cứu
Như đã trình bày ở trên, có rất nhiều công trình nghiên cứu về Nho giáo;
quan niệm của Nho giáo về gia đình; sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia
đình đối với văn hóa gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện nay; vai trò của
gia đình, tiêu chí của gia đình văn hóa và thực tiễn xây dựng gia đình văn hóa ở
Việt Nam nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng. Tuy nhiên, việc
nghiên cứu này trong các công trình khoa học trên mới dừng lại ở mức độ là các
phần nhỏ liên quan đến gia đình hoặc văn hóa gia đình trong chủ đề văn hóa làng xã
vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng hoặc ở các bài báo có tính chất tổng kết các
thành tựu của thực trạng xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng.
Cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu sự ảnh hưởng quan niệm
của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng
bằng sông Hồng theo các tiêu chí của xây dựng gia đình văn hóa do Bộ Văn hóa thể
thao và Du lịch đưa ra. Chính vì vậy, nhiệm vụ của tác giả luận án là kế thừa những
thành tựu nghiên cứu của các công trình trước đó để xây dựng lại một cách có hệ
thống và phân tích đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nữa những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực
của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc thực hiện các tiêu chí của xây
dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
30
Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, tác giả luận
án tiếp tục triển khai nghiên cứu làm rõ những vấn đề sau:
- Trình bày một cách có hệ thống một số nội dung chủ yếu trong quan niệm
về gia đình của Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo Việt Nam cùng những biến đổi,
các nhân tố làm biến đổi quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Phân tích
các vấn đề liên quan đến gia đình văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa và các nhân
tố ảnh hưởng đến xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời phân
tích các phương thức ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc
xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
- Phân tích và làm rõ đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông
Hồng, thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây
dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay và vấn đề đặt ra.
- Đề xuất nguyên tắc và giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn
chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng
gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
31
Chương 2
QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH
2.1.1. Quan niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình
Thứ nhất, quan niệm về vai trò của gia đình
Theo từ điển tiếng Việt, gia đình là “tập hợp người cùng sống chung thành
một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng
máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” [185, tr.357]. Theo quan niệm
của Nho giáo thì trong mỗi gia đình luôn phải có một người đàn ông đứng đầu và có
quyền uy tối cao đối với các thành viên còn lại. Chữ “gia” còn được hiểu đồng
nghĩa với “gia tộc” cùng với các quan hệ họ hàng hết sức phức tạp có thể gồm ba họ
(tam tộc) hay chín họ (cửu tộc) gắn bó ràng buộc chặt chẽ.
Về vai trò của gia đình, Nho giáo cho rằng gia đình là gốc của đất nước và
thiên hạ như Mạnh Tử đã nói trong sách Đại học: “Người ta thường nhắc tới thành
ngữ “Thiên hạ quốc gia” để chỉ rõ: “Gốc của thiên hạ là đất nước, gốc của đất nước
là gia đình, gốc của gia đình là bản thân” [66, tr.1024]. Trong quan niệm của các
nhà Nho thì nhà- gia đình là gốc, là nền tảng của đất nước thậm chí nhà, nước, thiên
hạ chủ yếu khác nhau về quy mô, phạm vi còn nội dung và cách quản lý thì cơ bản
giống nhau. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định luận điểm “thiên hạ gốc nước, nước
gốc ở nhà” cùng với nguyên lý người quân tử phải “tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ” thể hiện một tư duy lôgic nhất quán.
Chính vì gia đình là nền tảng của xã hội nên việc giáo dục đạo đức trong gia
đình có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng xã hội thái bình, thịnh trị. Đối với
việc giáo dục đạo đức gia đình thì các nhà Nho chủ trương xây dựng gia đình hòa
thuận, sum vầy và mọi người biết quan tâm lẫn nhau. Dẫn giải về điều này, trong
sách Kinh Thi các nhà Nho đã khẳng định: “Vợ con vui vầy, như đánh đàn sắt, đàn
cầm. Anh em hòa thuận, vui vẻ mà hấp dẫn. Hòa thuận với mọi người trong nhà,
vui với vợ con mày”. Có như vậy thì Khổng Tử cho rằng: “Cha mẹ hài lòng lắm
thay!” [66, tr.112]. Như vậy, Nho giáo luôn đề cao sự hòa thuận, tình yêu thương sẻ
chia của mọi người trong gia đình.
32
Bởi vì gia đình là nền tảng của xã hội nên nó góp phần hình thành, quy định
tính chất của xã hội. Đó là khi gia đình có nền nếp gia phong, tôn ti trật tự thì đất
nước mới có kỷ cương, phép tắc và ngược lại, khi đạo đức trong gia đình bị đảo lộn,
hư hỏng thì đất nước sẽ rối ren. Điều này đã được ghi rất rõ trong sách Đại học:
“Một nhà nhân hậu, cả nước phát huy lòng nhân. Một nhà từ nhượng, cả nước phát
huy lòng từ nhượng. Một người tham lam ngang ngược, cả nước làm loạn” [66,
tr.44]. Do đó, một xã hội trật tự kỷ cương thì trước hết cần phải có những gia đình
hội tụ tính tôn ti trật tự, hòa thuận và mọi người quan tâm tới nhau.
Nho giáo đề cao vai trò của gia đình và giáo dục đạo đức gia đình xuất phát
từ ba nguyên nhân cơ bản:
Một là, Nho giáo đề xướng đường lối đức trị để lập lại xã hội trật tự, kỉ
cương. Bởi vì Nho giáo ra đời vào thời Xuân Thu- Chiến Quốc- là thời kỳ rối ren
nhất của xã hội Trung Quốc cổ đại với những lễ giáo đạo đức của nhà Chu bị đảo
lộn. Mặt khác, các nhà Nho quan niệm đạo đức gắn liền với chính trị, chính trị
chẳng qua là sự mở rộng của đạo đức. Khổng Tử là người đề cao tư tưởng “đức trị”
sau đó Mạnh Tử kế thừa và phát triển thành đường lối “nhân chính”, “nhân nghĩa”.
Chính vì vậy, các nhà Nho chủ trương giáo dục đạo đức để con người ứng xử theo
những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo.
Hai là, trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến ở Trung Hoa thường
xuyên diễn ra cảnh tượng kẻ đứng đầu trực tiếp hoặc gián tiếp dựa vào một thế lực
gia tộc, họ hàng huyết thống để tranh giành nhau quyền trị quốc. Sức mạnh gia tộc
có vai trò lớn trong hình thành và giữ gìn quyền lực của giai cấp cầm quyền. Từ
thực tiễn đó, các nhà Nho đã đề cao vai trò của gia đình và hình thành chủ nghĩa
gia đình.
Ba là, bản thân các nhà Nho đều đề cao mối quan hệ mật thiết giữa gia đình-
nước- thiên hạ. Theo họ, giáo dục đạo đức trong gia đình nhằm làm cho mỗi thành
viên ứng xử theo phép tắc, tôn ti trật tự để từ đó họ sẽ ứng xử tuân theo các quy
định của nhà nước như sách Đại học ghi rõ: “Nhà ngăn nắp thì sau nước mới trị an.
Nước trị an thì sau thiên hạ mới thái bình” [66, tr.17] bởi vậy:
Trị nước ắt phải tề gia trước đã” có nghĩa là “người nhà mà mình không
dạy nổi lại có thể dạy dỗ người khác, là chuyện không hề có. Vì thế
người quân tử không rời khỏi nhà mà nên được việc giáo dục trong nước:
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

More Related Content

What's hot

Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...PinkHandmade
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...NuioKila
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNBùi Quang Xuân
 
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởng
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởngTiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởng
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởngDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNGLUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNGOnTimeVitThu
 
Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa châu thổ Bắc BộVùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa châu thổ Bắc BộHoàng Mai
 

What's hot (20)

Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô HoaLuận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
Luận án: Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô Hoa
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
 
Luận án: Hôn nhân hiện nay của người ê-đê ở tỉnh Đắk Lắk
Luận án: Hôn nhân hiện nay của người ê-đê ở tỉnh Đắk LắkLuận án: Hôn nhân hiện nay của người ê-đê ở tỉnh Đắk Lắk
Luận án: Hôn nhân hiện nay của người ê-đê ở tỉnh Đắk Lắk
 
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAYLuận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh LongLuận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở Vĩnh Long
 
Luận án: Lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng, HAY
Luận án: Lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng, HAYLuận án: Lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng, HAY
Luận án: Lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng, HAY
 
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
 
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởng
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởngTiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởng
Tiểu luận Tư tưởng triết học của nho giáo và sự ảnh hưởng
 
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà NộiLuận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNGLUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
 
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAYĐề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
 
Luận văn: Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc và Việt Nam, HAY, 9đ
 
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docxBáo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
 
Đề tài: Nghi lễ hỏa thiêu của người Khmer với sức khỏe cộng đồng
Đề tài: Nghi lễ hỏa thiêu của người Khmer với sức khỏe cộng đồngĐề tài: Nghi lễ hỏa thiêu của người Khmer với sức khỏe cộng đồng
Đề tài: Nghi lễ hỏa thiêu của người Khmer với sức khỏe cộng đồng
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAYLuận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
 
Luận văn thạc sĩ: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên, HOT
Luận văn thạc sĩ: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên, HOTLuận văn thạc sĩ: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên, HOT
Luận văn thạc sĩ: Những di tích thời đại Đá ở Thái Nguyên, HOT
 
Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa châu thổ Bắc BộVùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ
 
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú ThọĐề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
 

Similar to Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...
Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...
Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...luanvantrust
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068jackjohn45
 

Similar to Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620 (20)

Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi ...
Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi ...Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi ...
Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi ...
 
Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...
Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...
Luận án: Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình văn h...
 
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...
Quản lý nhà nước về xây dựng gia đình văn hoá ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh B...
 
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAYẢnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAYLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
 
Quản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo Tại Tỉnh Bình Dương
Quản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo Tại Tỉnh Bình DươngQuản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo Tại Tỉnh Bình Dương
Quản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo Tại Tỉnh Bình Dương
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
 
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.docTóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
 
Luận văn: Quản lý đối với hoạt động tôn giáo ở huyện Điện Biên, 9đ
Luận văn: Quản lý đối với hoạt động tôn giáo ở huyện Điện Biên, 9đLuận văn: Quản lý đối với hoạt động tôn giáo ở huyện Điện Biên, 9đ
Luận văn: Quản lý đối với hoạt động tôn giáo ở huyện Điện Biên, 9đ
 
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
 
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
Lý luận chung về gia đình và liên hệ với thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện ...
 
Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên
Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây NguyênẢnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên
Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên
 
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.docLuận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
 
Luận án: Văn hóa gia đình truyền thống của người Lào, HAY
Luận án: Văn hóa gia đình truyền thống của người Lào, HAYLuận án: Văn hóa gia đình truyền thống của người Lào, HAY
Luận án: Văn hóa gia đình truyền thống của người Lào, HAY
 
Luận văn: Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam, HAYLuận văn: Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Hoàn thiện pháp luật về gia đình ở Việt Nam, HAY
 
Luận án: Pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay, HAYLuận án: Pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Pháp luật về gia đình ở Việt Nam hiện nay, HAY
 
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068
Tiểu luận văn hóa ứng xử trong gia đình việt nam hiện nay 9871068
 
Đề tài: Quản lý hoạt động tôn giáo bàn huyện Đô Lương, HAY
Đề tài: Quản lý hoạt động tôn giáo bàn huyện Đô Lương, HAYĐề tài: Quản lý hoạt động tôn giáo bàn huyện Đô Lương, HAY
Đề tài: Quản lý hoạt động tôn giáo bàn huyện Đô Lương, HAY
 
Luận văn: Quản lý về hoạt động tôn giáo tại huyện Đô Lương, 9đ
Luận văn: Quản lý về hoạt động tôn giáo tại huyện Đô Lương, 9đLuận văn: Quản lý về hoạt động tôn giáo tại huyện Đô Lương, 9đ
Luận văn: Quản lý về hoạt động tôn giáo tại huyện Đô Lương, 9đ
 
Gia đình vùng ĐB sông Hồng trong xây dựng nông thôn mới, HAY
Gia đình vùng ĐB sông Hồng trong xây dựng nông thôn mới, HAYGia đình vùng ĐB sông Hồng trong xây dựng nông thôn mới, HAY
Gia đình vùng ĐB sông Hồng trong xây dựng nông thôn mới, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfXem Số Mệnh
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...PhcTrn274398
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hardBookoTime
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiTruongThiDiemQuynhQP
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem Số Mệnh
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
 
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mạiNhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
Nhóm 10-Xác suất và thống kê toán-đại học thương mại
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 

Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo trong xây dựng gia đình văn hóa - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH TRẦN THỊ TÂM ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2019
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH TRẦN THỊ TÂM ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ Mã số: 62 22 03 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS,TS Nguyễn Thị Nga 2. TS Ngô Thị Thu Ngà HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Trần Thị Tâm
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 5 1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của Nho giáo về gia đình và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 5 1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 18 1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến nguyên tắc và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 25 1.4. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học liên quan đến luận án và những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục giải quyết 27 CHƯƠNG 2: QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 31 2.1. Quan niệm của Nho giáo về gia đình 31 2.2. Vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 61 2.3. Phương thức ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay 71 CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 76 3.1. Đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng 76 3.2. Thực trạng của ảnh hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 81 3.3. Một số vấn đề đặt ra từ thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 112 CHƯƠNG 4: NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA QUAN NIỆM NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY 122 4.1. Nguyên tắc phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 122 4.2. Một số giải pháp chủ yếu phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay 130 KẾT LUẬN 154 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 157 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 158
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Đảng và nhà nước ta đặc biệt đề cao vai trò của gia đình, coi đó là tế bào của của xã hội. Đồng thời, Đảng và nhà nước cũng đưa ra nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng gia đình văn hóa nhằm góp phần vào sự phát triển đất nước. Gia đình văn hóa là môi trường đầu tiên và tốt nhất hình thành nhân cách con người đồng thời là tế bào quan trọng để xây dựng xã hội bởi gia đình là xuất phát điểm cho sự triển khai các quy phạm luân lý theo hướng mở rộng từ nội ra ngoại. Một người có thể tự giác tuân thủ các chuẩn mực hành vi đạo đức, thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình đối với người khác và đối với xã hội hay không phải bắt nguồn từ gia đình. Quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam chịu sự tác động mạnh mẽ của văn hóa truyền thống đặc biệt là Nho giáo. Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội của người Việt như trong cuốn sách Nho giáo xưa và nay do tác giả Vũ Khiêu chủ biên viết: “Ở Việt Nam, những mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, bè bạn, anh em trong một thời gian hàng nghìn năm đều rập khuôn theo Nho giáo” [72, tr.379]. Hiện nay, một trong những giá trị còn lại và ảnh hưởng sâu sắc nhất của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam đó là đạo đức gia đình. Đạo đức gia đình của Nho giáo đã được người Việt tiếp nhận và cải biến đi để trở thành văn hóa gia truyền thống đặc trưng của mình. Chính điều đó đã tạo nên một số khác biệt giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Trung Quốc về vấn đề gia đình. Đồng bằng sông Hồng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước trong đó khu vực nông thôn chiếm phần lớn diện tích và dân số. Nông thôn đồng bằng sông Hồng vốn là khu vực có phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu và là một trong những nơi đầu tiên Nho giáo truyền vào Việt Nam nên ở đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa Nho giáo lâu dài, đặc biệt là dấu ấn sâu đậm về văn hóa gia đình. Bởi vậy, quan niệm của Nho giáo về gia đình đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng trên cả hai bình diện tích cực và hạn chế. Cụ thể, về ảnh hưởng tích cực: Nho giáo đề cao vai trò của gia đình và các chuẩn mực như tôn ti trật tự, các thành viên phải có trách nhiệm quan tâm lẫn nhau…, phù hợp với những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa. Mặt khác, chủ nghĩa gia đình, tính gia trưởng cực đoan, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nghi lễ
  • 6. 2 rườm rà trong quan niệm của Nho giáo…, lại có ảnh hưởng tiêu cực đi ngược lại với các tiêu chí tiến bộ, văn minh của gia đình văn hóa. Hiện nay, quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng chịu sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin... Bên cạnh những tác động tích cực thì những yếu tố này đã làm văn hóa gia đình biến đổi theo chiều hướng tiêu cực như: gia tăng tình trạng ly hôn, tình trạng mắc tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên; gia đình và các chuẩn mực đạo đức truyền thống không được coi trọng, một số trật tự phép tắc trong gia đình bị đảo lộn, các thành viên thiếu tình thương, trách nhiệm và sự quan tâm lẫn nhau, thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng… Vì thế, giáo dục con người theo những chuẩn mực đạo đức tiến bộ của Nho giáo sẽ góp phần khắc phục những tiêu cực do sự tác động của các yếu tố trên. Như vậy, chúng ta phải gạn đục khơi trong khi nghiên cứu ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa để khai thác những giá trị tích cực và hạn chế những tiêu cực. Từ đó, chúng ta đưa ra những giải pháp ứng xử với vấn đề này một cách phù hợp như tác giả Vũ Khiêu nhận xét: “nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ buông trôi cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo, đồng thời sẽ lãng phí những nhân tố tích cực mà Nho giáo còn có thể đóng góp vào sự nghiệp của đất nước ta hôm nay” [75, tr.40]. Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, tác giả đã lựa chọn vấn đề “Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ triết học. 2. Mục tiêu và nhiêm vụ nghiên cứu 2.1. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở làm rõ lý luận và thực trạng ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đến việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay, luận án đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực góp phần xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng.
  • 7. 3 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục tiêu đã nêu trên luận án sẽ giải quyết một số nhiệm vụ sau: - Thứ nhất, tổng quan lại hệ thống các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài - Thứ hai, trình bày có hệ thống một số vấn đề lý luận liên quan đến quan niệm của Nho giáo về gia đình và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. - Thứ ba, phân tích, làm rõ thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay và một số vấn đề đặt ra. - Thứ tư, đề xuất nguyên tắc và một số giải pháp chủ yếu phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về gia đình và ảnh hưởng của nó đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi không gian nghiên cứu: nghiên cứu ở khu vực nông thôn của đồng đồng bằng sông Hồng. - Phạm vi thời gian nghiên cứu: trong luận án, tác giả nghiên cứu vấn đề ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng từ năm 1986 đến nay. - Phạm vi nội dung nghiên cứu: quan niệm của Nho giáo về gia đình có nội dung rất phong phú nhưng trong luận án, tác giả tập trung nghiên cứu đạo đức gia đình. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận - Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về vấn đề gia đình.
  • 8. 4 - Luận án tiếp thu, kế thừa có chọn lọc và phát triển những giá trị khoa học của một số công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến nội dung của luận án. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp như: phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp đối chiếu và so sánh…, để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ mà đề tài luận án đặt ra. 5. Đóng góp của luận án - Làm rõ nội dung cơ bản của quan niệm Nho giáo về gia đình và quá trình du nhập, biến đổi của các quan niệm này ở Việt Nam. Đồng thời, luận án làm rõ một số nội dung cơ bản về xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. - Phân tích thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. Đồng thời, luận án phân tích một số vấn đề đặt ra từ những ảnh hưởng ấy. - Đề xuất một số nguyên tắc và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Luận án góp phần vào việc tìm hiểu quan niệm của Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo Việt Nam về gia đình và ảnh hưởng của nó đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng. Từ đó, luận án đề ra các nguyên tắc và giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. - Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập ở các trường học viện, đại học, cao đẳng hiện nay. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình khoa học của tác giả liên quan đến luận án và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 12 tiết.
  • 9. 5 Chương 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 1.1.1. Những công trình nghiên cứu về Nho giáo Quan niệm của Nho giáo về gia đình có thể tìm thấy trong các tác phẩm gốc và những công trình nghiên cứu về Nho giáo. Những công trình này tập trung trình bày nguồn gốc ra đời của Nho giáo, các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, quá trình du nhập Nho giáo, sự ảnh hưởng và sự biến đổi của quan niệm Nho giáo về gia đình ở Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến các công trình: Về tác phẩm gốc của Nho giáo, tác giả luận án đọc và trích dẫn chủ yếu trong cuốn Tứ thư tập chú của Chu Hy do Nguyễn Đức Lân dịch [66]. Có nhiều công trình ghi lại nội dung của Nho giáo nhưng tác giả luận án cho rằng cuốn Tứ thư tập chú của Chu Hy là đầy đủ và được dịch dễ hiểu nhất. Từ đó, tác giả luận án lấy công trình này làm tài liệu học tập và nghiên cứu. Cuốn sách Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh [1]. Đào Duy Anh là một trong những người đầu tiên áp dụng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam. Ông không tán thành hai khuynh hướng ủng hộ nhiệt thành và phê phán kịch liệt Nho giáo như ở Trung Quốc mà ông vận dụng phương pháp luận macxit để chỉ ra ưu, nhược một cách khách quan nhưng tinh thần chung của tác phẩm này vẫn là phê phán. Điều này không tránh khỏi vì đây là xu hướng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Đào Duy Anh không tán thành quan điểm phủ định sạch trơn, coi khinh Nho giáo vì ông cho rằng: “dẫu nó không thích hợp ở đời nay, mà công dụng nó, sự nghiệp nó, vẫn trọn vẹn trong lịch sử, không ai có thể chối cãi hay xóa bỏ đi được” [1, tr.150]. Đào Duy Anh cũng lưu ý các nhà Tân học về thái độ đối với văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và với Khổng giáo nói riêng: Khổng giáo ở nước ta xưa nay chưa từng có ai nghiên cứu cho tường tận. Các nhà cựu học thì cho Khổng giáo là kim khoa ngọc luật, cứ học
  • 10. 6 theo cho đúng chứ không cần phải dùng trí phê bình. Còn các nhà tân học thì khinh rẻ quá. Hiện nay ta phải đem phương pháp khoa học mà nghiên cứu Khổng giáo thì mới biết rõ địa vị và công dụng của nó trong lịch sử được [1, tr.1]. Cuốn sách Khổng học đăng của Phan Bội Châu [19]. Trong tác phẩm này, tác giả đã chỉ ra cái hay, tích cực đồng thời phê phán những tiêu cực có liên quan đến Nho giáo. Phan Bội Châu thấy được giá trị cao quý của đạo Khổng nên trước việc nhiều người không đánh giá đúng đạo Khổng ông đã viết cuốn sách này nhằm gửi lại cho các thế hệ sau nhận thức đúng về những giá trị của Nho giáo. Cuốn sách Nho giáo của Trần Trọng Kim [79]. Tác giả muốn tìm hiểu quá trình tồn tại, phát triển của Nho giáo và cái người ta đã vận dụng Nho giáo như thế nào để hiểu rõ phần tinh túy của Nho giáo cũng như biết được tại sao mà “thành ra hư hỏng”. Khi bàn về gia đình, Trần Trọng Kim cũng nhấn mạnh nhiều về đức hiếu. Tác giả đề cao vai trò của hiếu và giảng giải thực hành hiếu như thế nào theo tinh thần của Khổng Tử. Theo tác giả “Chữ hiếu trong Khổng giáo quan trọng như thế, cho nên người đi học phải xét cho kỹ, chớ nên vội vàng phán đoán nông nổi mà hiểu sai lầm” [79, tr.152]. Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Tác giả giải thích những nội dung cơ bản của Nho giáo, đó là: tam tài, đạo đức và chính trị, nhà, nước, thiên hạ, vấn đề học tập Nho giáo. Trái ngược với hai thái độ cực đoan (ca ngợi hay phủ nhận) của các nhà Nho khác, Quang Đạm cho rằng “Nho giáo vốn đã có những mặt hạn chế và tiêu cực nhất định cả đối với đương thời” [34, tr.464] nên nhiệm vụ của chúng ta là “Cái chính là phải nhìn phải nhìn rõ những hậu quả xấu xa, tệ hại của nó trong xã hội mới chúng ta để xóa bỏ cho triệt để và cũng phải nhìn rõ mặt tích cực cơ bản của nó để giữ gìn và phát huy nhằm thúc đẩy sự nghiệp chúng ta tiến lên” [34, tr.469]. Bài viết “Nền giáo dục theo tinh thần Nho giáo” của Đặng Đức Siêu được trình bày trong cuốn sách Nho giáo xưa và nay do Vũ Khiêu chủ biên. Đặng Đức Siêu đã trình bày mục đích, nội dung giáo dục và đưa ra những đánh giá tích cực và hạn chế về nền giáo dục Nho giáo: “Nền giáo dục học thuật kéo dài qua hàng trăm thế hệ ấy đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa, trong tâm thế ứng xử của người Việt Nam” [72, tr.213]. Những di sản của Khổng giáo vẫn
  • 11. 7 bám sát chúng ta và phát huy ảnh hưởng (cả xấu lẫn tốt) nên theo tác giả “Vấn đề đặt ra là cần phải tìm cách nhận diện chúng và xử lý chúng một cách khoa học” để “đổi mới nội dung của những khái niệm gắn bó với những bậc thang giá trị cũ, đem lại cho chúng sức sống mới trong thời đại mới,…” [72, tr.215-216]. Có thể thấy rằng, những công trình trên đã phác họa cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về Nho giáo. Mặc dù có những ý kiến khác nhau trong việc đánh giá hệ tư tưởng Nho giáo nhưng nhìn chung các tác giả đều khẳng định ảnh hưởng tích cực của nó đến các lĩnh vực khác nhau của nước ta và đồng thời đặt ra vấn đề cần kế thừa Nho giáo một cách khoa học. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của Nho giáo về gia đình Cuốn sách Đến hiện đại từ truyền thống của Trần Đình Hượu [63].Tác giả đưa ra hai loại hình gia đình truyền thống cơ bản ở Việt Nam là gia đình nông dân và gia đình nhà Nho. Tác giả chỉ ra ảnh hưởng của Nho giáo đối với các gia đình đó là dùng tình, lễ để làm cho gia đình hòa thuận và nguyên tắc ứng xử là tôn trọng tôn ti trật tự, đề cao tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ. Nét đặc sắc của cuốn sách này là tác giả khẳng định gia đình truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc nhưng tìm sự ảnh hưởng đó không chỉ nên căn cứ vào lý thuyết Nho giáo, mà nên nhìn gia đình trong thể chế chính trị - kinh tế - xã hội tổ chức theo Nho giáo. Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Trong chương IV của cuốn sách này, tác giả bàn luận về phạm trù “Nhà” của Nho giáo. Từ việc nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về vai trò của gia đình và mối quan hệ giữa nhà và nước, Quang Đạm kết luận: “luôn luôn nhớ kĩ rằng nhà là chỗ đứng vững chắc cần phải giữ vững trong mọi quan hệ giữa người với người, trong quan hệ giữa con người mình với đất nước và thiên hạ, đó là điểm rất cơ bản trong hệ tư tưởng Nho giáo” [34, tr.173]. Tác giả cũng ra những nội dung cơ bản của đạo đức Nho giáo về gia đình, đó là: “lối sống giữ chặt đẳng cấp tôn ti trật tự và quyền uy gia đình, tư tưởng về hiếu và các biện pháp báo hiếu, tư tưởng trọng nam khinh nữ…, tất cả đều nhằm mục đích “thống trị cả nước, cả thiên hạ bằng bộ máy gia tộc” [34, tr.189] và “bảo vệ trước hết quyền lợi của gia tộc cầm quyền thống trị” [34, tr.191]. Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Tác giả chỉ rõ những nội dung cơ bản trong xây dựng gia đình Nho giáo. Đó là: thứ
  • 12. 8 nhất, Nho giáo xây dựng gia đình theo nội dung hiếu đễ; thứ hai, Nho giáo rất mực đề cao gia giáo; thứ ba, gia đình Nho giáo tuyệt đối phụ quyền gia trưởng. Về phần đạo hiếu tác giả khẳng định: Nho giáo đề cao chữ hiếu, cái hay là thực sự dạy con người thương yêu kính trọng cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, gây dựng nên cơ nghiệp cho con cái. Còn cái dở là đồng nghĩa tình yêu thương cha mẹ với yêu thương ngai vàng nhà vua, nước của vua. Chấp nhận sự tước đoạt của nhà vua như sự phụng dưỡng cha mẹ mình [32, tr.145]. Cuốn sách Văn hóa gia đình Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh [70]. Tác giả đã trình bày rất đầy đủ về các vấn đề liên quan đến gia đình đó là: nền nếp và tập tục và thực trạng của gia đình hiện nay. Tác giả chia ra ba loại gia đình trong xã hội truyền thống Việt Nam, đó là: loại gia đình nhà Nho nghiêm túc; loại gia đình theo Nho giáo một cách nệ cổ, máy móc áp dụng nguyên tắc hà khắc của Nho giáo; loại gia đình bình dân. Cuối cùng tác giả kết luận: “Đã rõ là hầu hết gia đình Việt Nam xưa (ngày nay thì ảnh hưởng cũng còn nhiều) đều theo Nho giáo” [70, tr.141]. Cuốn sách Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ của Nguyễn Tài Thư [158]. Trong cuốn sách này ngoài việc phân tích xã hội Trung Quốc thời Xuân Thu - Chiến Quốc, quan niệm của các nhà Nho về vấn đề tính người thì tác giả tập trung phân tích mối quan hệ của con người với các quan hệ tự nhiên và xã hội, đặc biệt tác giả đề cập nhiều về các quan hệ trong gia đình. Trong đó, tác giả nhấn mạnh: “hai phía của một mối quan hệ đều có nghĩa vụ với nhau và đều làm tiền đề cho đối phương phải có thái độ thích hợp với mình” [158, tr.96-97]. Bài viết Sách gia huấn và vấn đề giáo dục gia đình theo quan niệm của các nhà Nho Việt Nam của Đỗ Thị Hảo được in trong cuốn sách Nho giáo ở Việt Nam của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Harvard - Yenching Hoa Kỳ [184]. Tác giả khẳng định gia đình có vai trò quan trọng trong xã hội nên từ thời phong kiến các nhà Nho Việt Nam đã rất quan tâm tới việc viết sách “gia huấn” để giáo dục con cháu. Cùng với việc chỉ ra hệ thống sách “gia huấn”, tác giả quan tâm nhiều tới nội dung giáo dục phụ nữ. Tác giả khẳng định: “chiếm phần quan trọng trong nội dung sách “gia huấn” là vấn đề giáo dục phụ nữ” [184, tr.229]. Bài viết “Vấn đề trách nhiệm trong quan hệ gia đình qua tư tưởng của một số nhà Nho Việt Nam” của Nguyễn Bá Cường trong cuốn Trách nhiệm xã hội của Nho
  • 13. 9 giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc [39]. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích rõ khái niệm trách nhiệm theo quan điểm Nho giáo đồng thời tác giả chỉ ra quan điểm của các nhà Nho Việt Nam về trách nhiệm của của từng người thuộc ba mối quan hệ cơ bản trong gia đình: cha- con, chồng- vợ, anh - em. Từ đó tác giả đưa ra những bài học về trách nhiệm trong quan hệ gia đình hiện nay. Bên cạnh việc khẳng định Nho giáo và quan niệm của Nho giáo về gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người Việt, một số tác giả cũng cho rằng, quan niệm của Nho giáo về gia đình ở Việt Nam đã được người Việt cải biến đi để phù hợp với văn hóa người Việt, tiêu biểu như: Bài viết “Nho giáo với văn hóa Việt Nam” của Trần Quốc Vượng được đăng trong cuốn Nho giáo xưa và nay của Vũ Khiêu chủ biên [72]. Tác giả Trần Quốc Vượng đã chỉ rõ sự khác biệt giữa trật tự tam cương của Nho giáo ở Trung Quốc và Việt Nam: “Nho trọng CHA trong khi người Việt trọng MẸ, Nho trọng CHỒNG trong khi người Việt trọng VỢ, Nho trọng VUA trong tôn quân trong khi người Việt trọng LANG đại thống nhất” [72, tr.171]. Đây là sự biến đổi của Nho giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc khi bàn luận về vấn đề gia đình. Bài viết “Nhân dân Việt Nam dưới tác động của Khổng giáo” của Vũ Khiêu đăng trong cuốn sách Nho giáo tại Việt Nam do Lê Sĩ Thắng chủ biên [136]. Trong bài viết này, tác giả Vũ Khiêu chỉ ra điểm khác biệt trong quan niệm về đạo vợ chồng và địa vị của người phụ nữ của Nho giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc. Theo tác giả, mối quan hệ vợ chồng Việt Nam bình đẳng hơn so với Trung Quốc và người phụ nữ Việt Nam có địa vị cao hơn so với người phụ nữ Trung Quốc. Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng nhân dân ta có thái độ “phản ứng lại” trong quá trình tiếp nhận Tam cương Ngũ thường. Theo tác giả: “Về quan hệ cha con, chồng vợ, truyền thống của dân tộc ta cũng rất khác với đạo lý của Khổng Tử. Dân tộc ta từ lâu đời đã xây dựng những tình cảm sâu sắc và thủy chung giữa cha mẹ với con cái và tình nghĩa vợ chồng, anh em, bè bạn. Đó là những tình cảm tự nhiên bình đẳng, lành mạnh. Tình cảm ấy không giống như chữ hiếu của Khổng Tử” [136, tr.269]. Cuốn sách Một số vấn đề Nho giáo ở Việt Nam của Phan Đại Doãn [28]. Trong nội dung này, tác giả trình bày sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình
  • 14. 10 truyền thống Việt Nam ở các vấn đề: nhà nước với gia đình, làng xã với gia đình, dòng họ với gia đình. Nét đặc sắc trong cuốn sách này là tác giả đã chỉ ra điểm khác biệt giữa địa vị của người phụ nữ Việt Nam: “Người vợ trong gia đình Việt Nam, nhìn chung có vị trí cao hơn trong gia đình ở Trung Quốc và Nhật Bản. Đó là quan hệ tương đối bình đẳng” [28, tr.172]. Đặc biệt, tác giả đã đưa ra những nhận xét về gia huấn- thơ ca giáo dục đạo đức gia đình ở Việt Nam theo tinh thần Nho giáo. Cuốn sách Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 3 của Nguyễn Khắc Thuần [160]. Tác giả trình bày rõ ba mối quan hệ cơ bản trong gia đình của Nho giáo Việt Nam. Về đạo hiếu, tác giả khẳng định: “Xã hội nước ta xưa kia tuy có mượn những khái niệm của Đạo hiếu mà Nho gia đã nêu ra để xây dựng và củng cố gia giáo, nhưng, Đạo hiếu của tổ tiên ta thoáng hơn, công bằng và cảm động hơn” [160, tr.242]. Về đạo vợ chồng, tác giả có những đánh giá rất xác thực và tinh tế khi nhận định: “Mối quan hệ vợ chồng trong Đạo vợ chồng của Nho gia là mối quan hệ lệ thuộc, trong đó, người chồng có quyền uy rất lớn,… Đạo vợ chồng của tổ tiên ta ngỡ như giản dị nhưng lại rất tinh tế và sâu sắc, ở đó, tình và nghĩa luôn luôn quyện chặt với nhau, lòng thủy chung son sắt được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu” [160, tr.244]. Về đạo anh em, theo tác giả Nho giáo Trung Quốc đề cao “quyền huynh thế phụ” còn ở Việt Nam thì khác không chỉ đề cao tình huynh trưởng mà còn đề cao quan hệ ruột thịt. Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về quan niệm gia đình của Nho giáo dưới dạng những cuốn sách chuyên khảo được dịch ra tiếng Việt trong những năm trở lại đây đã cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về nội dung cơ bản trong Nho giáo và những quan niệm về gia đình của Nho giáo. Tiêu biểu: Cuốn sách Gia giáo Trung Quốc cổ của Diêm Ái Dân [27]. Tác giả đã trình bày vai trò của giáo dục đạo đức trong gia đình, những nội dung và phương pháp của giáo dục đạo đức gia đình theo chuẩn mực của Nho giáo. Tác giả cũng đã đưa ra lối giáo dục truyền thống trọng nam khinh nữ trong các gia đình Trung Quốc. Đặc biệt trong phần cuối cuốn sách, tác giả đã đưa ra vai trò, mối quan hệ giữa giáo dục gia đình với giáo dục tông tộc và ngoài xã hội. Tác giả khẳng định giáo dục trong gia đình là một biện pháp của chính quyền nhằm ổn định xây dựng xã hội.
  • 15. 11 Cuốn sách Đạo hiếu trong Nho gia của Cao Vọng Chi [22]. Tác giả đã tìm tòi, thu thập tất cả những tư liệu về đạo hiếu trong tư tưởng Nho gia truyền thống của Trung Quốc. Tác giả luận giải một số sách liên quan đến giáo dục đức hiếu cho người phụ nữ như Nữ hiếu kinh, Nữ luận ngữ. Tác giả trình bày ảnh hưởng của Nho giáo, của đức hiếu đối với Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, tác giả đã lấy dẫn chứng triều đình phong kiến thường giáo dục đức hiếu, đề cao gương hiếu thảo (thời Minh Mạng nhà Nguyễn), tập tục thờ cúng tổ tiên, nền nếp sinh hoạt gia đình theo tam, tứ đại đồng đường ở các vùng nông thôn. Cuốn sách Nho gia với Trung Quốc ngày nay của Vi Chính Thông [151]. Với thái độ phê phán khách quan khoa học được phổ biến rộng rãi từ sau phong trào văn hóa mới tại Trung Quốc, tác giả không phủ nhận những giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo nhưng tác giả cho rằng, phải chỉ rõ những hạn chế chủ yếu của nó như: sự hiểu biết nông cạn về cuộc sống hay căn bệnh về đạo hiếu; chỉ khi nghiên cứu và chỉ rõ những ưu điểm và hạn chế của đạo đức Nho giáo mới giúp cho thế hệ trẻ tránh khỏi những suy tưởng phiến diện về Nho giáo và để khắc phục những ảnh hưởng không tốt của những quan điểm lạc hậu trong Nho giáo đối với sự phát triển chung của đời sống xã hội Trung Quốc hiện đại. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong cách khai thác các giá trị của Nho giáo. Bên cạnh các cuốn sách nghiên cứu về Nho giáo và sự ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội Việt Nam còn có các bài viết: Quá trình du nhập và phát triển của Nho giáo Việt Nam từ thời kỳ Bắc thuộc đến triều Lý của Trần Việt Thắng [137], Đạo đức Nho giáo trong đời sống Việt Nam của Nguyễn Thế Kiệt [78], Đặc điểm của Nho Việt của Nguyễn Hùng Hậu [52]... Nghiên cứu quan niệm của Nho giáo về gia đình có các bài báo: Lễ giáo Nho gia phong kiến kìm hãm bước tiến lên của phụ nữ Việt Nam hiện nay của Lê Văn Quán [119], Thử bàn về đạo“hiếu” của Nho gia của Lê Văn Quán [120], Nho giáo và văn hóa ứng xử của người Việt bình dân trong quan hệ hôn nhân và gia đình của Nguyễn Thị Kim Loan [89], Quan niệm của nhà Nho và người nông dân về gia đình của Nguyễn Xuân Kính [80],… Bên cạnh việc khẳng định sự ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với đời sống gia đình của
  • 16. 12 người Việt thì các tác giả đều thừa nhận sự biến đổi của những chuẩn mực đạo đức gia đình Nho giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc. Trong đó: Tác giả Nguyễn Thị Kim Loan đưa ra sự so sánh: Trong quan hệ cha- con, Nho giáo chủ trương tinh thần áp đặt “Cha có thể không nhân từ, nhưng con không thể không có hiếu - Cha muốn con chết mà con không chết là bất hiếu” thì người Việt bình dân lại “Trẻ cậy cha, già cậy con - Con đâu, cha mẹ đấy”. Trong quan hệ vợ- chồng, Nho giáo chủ trương đề cao đạo tam tòng “phu xướng, phụ tùy” thì quan niệm của chúng ta là “của chồng, công vợ”, “lệnh ông không bằng cồng bà”, “nhất vợ nhì giời”… Từ đó, tác giả chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản của sự khúc xạ trên. Tác giả Nguyễn Xuân Kính đã phân loại gia đình chủ yếu trong xã hội là gia đình nhà Nho và gia đình nông dân. Gia đình nhà Nho ảnh hưởng nặng nề hơn về tính gia trưởng mà nguyên nhân là: “Do đề cao quá khứ đến mức lấy quá khứ làm mẫu mực, nhà Nho đã ít khi vượt được giới hạn của tính gia trưởng để có thể phát biểu được như người nông dân: “Con hơn cha là nhà có phúc; Sau hơn trước, nước được nhờ” [80, tr.51]. Người phụ nữ trong gia đình nông dân cũng được đề cao hơn trong gia đình nhà Nho. Đặc biệt tác giả đã chỉ ra sự khác nhau khá rõ: “về các mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, Nho giáo thường đề ra những yêu cầu cần có tính chất lý tưởng, thậm chí không tưởng, chỉ chú ý đến mặt thuận, mặt tốt đẹp. Trong khi đó, thực tế có cả mặt thuận và mặt chưa thuận, có cả điều hay và điều dở” [80, tr.52]. Như vậy, các công trình trên đều khẳng định quan niệm của Nho giáo về gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình ở nước ta. Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định có sự cải biến chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo Việt Nam. Điều này làm cho các chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo Việt Nam không khắt khe như Nho giáo bản địa. Đây chính là nét đặc sắc của người Việt Nam trong việc tiếp thu và kế thừa văn hóa bên ngoài. 1.1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay Tài liệu nghiên cứu về gia đình rất phong phú tuy nhiên nghiên cứu riêng về xây dựng gia đình văn hóa thì không nhiều. Chính vì vậy, muốn hiểu được xây dựng gia đình văn hóa cần phải nghiên cứu từ tài liệu liên quan đến vấn đề gia đình từ đó chỉ ra
  • 17. 13 thực trạng văn hóa gia đình, một số biến đổi trong văn hóa gia đình hiện nay để có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về gia đình văn hóa. Trong đó: Cuốn sách Gia đình học của Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý chủ biên[68]. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu về vấn đề gia đình bao gồm cả lý luận và kết quả thực tiễn mà các tác giả trực tiếp khảo sát. Đặc biệt, các tác giả đã chỉ ra sự khác biệt của văn hóa gia đình người Việt với văn hóa gia đình Nho giáo, đó là gia đình Trung Hoa chú trọng nhiều tới mối quan hệ họ hàng, nghiêng về bổn phận, trách nhiệm còn gia đình người Việt thì mang sắc thái xã hội, nghiêng nhiều tới mối quan hệ tình cảm. Đồng thời các tác giả nhấn mạnh, chính văn hóa phương Tây đã buộc văn hóa gia đình Việt Nam phải thức tỉnh: “những quan điểm bảo thủ, cổ lỗ của gia đình Việt Nam vốn được che đậy cũng bộc lộ ngày càng rõ nét hơn” [68, tr.126]. Mặt khác, chính văn hóa phương Tây cũng làm cho văn hóa gia đình Việt Nam biến dạng theo nghĩa tiêu cực: “sự khủng hoảng của gia đình, sự sai lệch trong định hướng giá trị về gia đình trước sức ép của thị trường hàng hóa và đồng tiền, những vấn đề về tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc…, cũng là kết quả của sự tiếp xúc văn hóa gia đình phương Tây” [68, tr.132]. Từ thực tiễn của văn hóa gia đình Việt Nam, các tác giả đã xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuốn sách Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh của Nguyễn Hữu Minh chủ biên [108]. Công trình này đã tập hợp các bài viết phân tích đánh giá thực trạng đạo đức gia đình, những biến đổi về gia đình và đưa ra những yêu cầu cần được khắc phục, tiêu biểu: Bài viết Gia đình Việt Nam và một số vấn đề đặt ra hiện nay của Nguyễn Hữu Minh. Tác giả đã phân tích sự biến đổi văn hóa gia đình hiện nay: sự gia tăng của gia đình quốc tế - cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài qua môi giới; sự xuất hiện nhiều hơn các gia đình gồm những người sống chung nhưng không kết hôn (tập trung nhiều ở giới trẻ, khu công nhân), gia đình bố mẹ đi làm ăn xa lâu ngày mới về để con cái cho ông bà chăm sóc… Tất cả những gia đình kiểu này đều không hợp với gia đình truyền thống Nho giáo và đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế, tiêu cực của nó. Từ đó, tác giả yêu cầu loại gia đình này rất cần được quan tâm nghiên cứu.
  • 18. 14 Bài viết Biến đổi giá trị trong mối quan hệ vợ chồng của Bùi Thị Hương Trầm. Tác giả đã chỉ ra những biến đổi trong quan hệ vợ chồng: quyền sở hữu tài sản, bình đẳng vợ chồng cùng thực trạng những vấn đề trên đang tồn tại trong xã hội. Từ đó tác giả kết luận: “Ngày nay, quan hệ vợ chồng đã có sự bình đẳng hơn. Người vợ và người chồng đều có quyền sở hữu tài sản, đều phải có nghĩa vụ với nhau. Mệnh lệnh của người chồng được thay thế bằng sự trao đổi, thảo luận các vấn đề quan trọng trong gia đình” [108, tr.272]. Bài viết Biến đổi của gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập của đất nước và sự cần thiết ngăn chặn bạo hành gia đình hiện nay của Lê Thi. Trọng tâm của bài viết tác giả nhận định: Điểm nổi bật của sự chuyển biến từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại là: gia đình truyền thống hy sinh quyền lợi cá nhân, đỏi hỏi cá nhân phục tùng lợi ích của gia đình và dòng họ… Ở gia đình hiện đại, là xu hướng ngày càng đề cao sự giải phóng cá nhân, tự do và hạnh phúc cá nhân trong gia đình [108, tr.536]. Cuốn sách Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam của Lê Ngọc Văn [180]. Tác giả khá công phu khi chỉ ra đặc điểm của gia đình truyền thống, gia đình hiện đại và những biến đổi gia đình ở Việt Nam hiện nay cùng các nhân tố làm biến đổi. Các nhân tố làm biến đổi gia đình đó là do công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và tác động của nhà nước. Tác giả đưa ra những biến đổi về chức năng gia đình (kinh tế, sinh đẻ, xã hội hóa, tâm lý - tình cảm) và biến đổi cấu trúc gia đình (quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình). Nếu như trước kia trong hôn nhân con cái là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy thì bây giờ con cái quyết định hôn nhân có sự đồng ý của cha mẹ chiếm 66,2%, bố mẹ quyết định chỉ chiếm 6,6% [180, tr.297], xu hướng sống thử trước hôn nhân tăng lên [180, tr.320], mô hình gia đình hạt nhân ngày càng tăng lên thay thế cho gia đình mở rộng… Cuốn sách Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện gia đình và Giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) xuất bản [16]. Đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ và toàn diện về gia đình Việt Nam với một số nội dung cơ bản như sau: một là, về quan hệ gia đình, trong đó công trình tập trung vào nghiên cứu quan hệ hôn nhân, quan hệ
  • 19. 15 giữa vợ và chồng; cha mẹ và con cái; hai là, về vị thành niên và người cao tuổi trong gia đình; ba là, về mâu thuẫn, xung đột và bạo lực gia đình; bốn là, về điều kiện sống và phúc lợi gia đình… Đó là bức tranh cung cấp cho tác giả luận án những thông tin về tình hình gia đình ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách Quản lý nhà nước về gia đình, lý luận và thực tiễn của Lê Thị Quý [128]. Đây là nguồn tài liệu bổ ích cung cấp kiến thức quản lý nhà nước về gia đình phục vụ cho nghiên cứu gia đình trong giai đoạn hiện nay. Theo các tác giả, hiện nay gia đình Việt Nam bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức và đang xuất hiện những dấu hiệu của sự khủng hoảng, tan vỡ. Từ đó, các tác giả chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên trong đó phần quan trọng thuộc về sự nhận thức của người dân, quản lý nhà nước về gia đình còn yếu kém và nhiều gia đình còn xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con cái. Sau đó, các tác giả đi đến kết luận: “các gia đình nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ về vật chất, tinh thần và nhận thức, sẽ không đủ năng lực đối phó với những biến động và sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội và không làm tròn được chức năng của mình” [128, tr.7]. Cuốn sách Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới của Trần Hữu Tòng, Trương Thìn [163]. Đây là công trình tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu về vấn đề xây dựng gia đình văn hóa. Nội dung của cuốn sách được chia làm ba phần cơ bản. Trong đó: phần một là các bài viết giới thiệu một số quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới; phần hai là các bài viết về vấn đề gia đình và gia đình văn hóa với những tiêu chuẩn cụ thể; phần ba là những bài viết chỉ ra kinh nghiệm và định hướng cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa ở một số địa phương trên địa bàn cả nước. Đề tài cấp Bộ Đánh giá việc thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay và xây dựng tiêu chí gia đình văn hóa trong giai đoạn mới do Lê Trung Trấn chủ trì [167]. Với việc thực hiện điều tra xã hội học của một số tỉnh ở cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam tác giả đã đưa ra kết luận thực trạng việc xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Đó là: Gia đình văn hóa được xây dựng dựa trên cơ sở xác định được các giá trị và các chuẩn mực của gia đình Việt Nam hiện đại… Sự kết hợp các
  • 20. 16 giá trị truyền thống và giá trị mới bảo đảm cho văn hóa gia đình Việt Nam không bị đứt đoạn cũng như không tụt hậu, đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ CNH, HĐH đất nước [167, tr.148]. Tác giả đề cao việc kế thừa những chuẩn mực truyền thống và hiện đại- là nhân tố cho việc xây dựng gia đình văn hóa thành công. Cuốn sách Vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam của Lê Thi [139]. Tác giả dành nhiều tâm huyết nghiên cứu sự phát triển của gia đình Việt Nam và chức năng giáo dục con người qua các giai đoạn lịch sử của đất nước trước và trong quá trình Đổi mới. Ngoài ra, tác giả đưa nêu sự cần thiết của việc hợp tác giữa gia đình với nhà trường và các thiết chế xã hội khác. Đặc biệt, tác giả còn đưa là những tiêu chí của một gia đình hạnh phúc, đó là: “Gia đình hoà thuận vợ chồng con cái; con ngoan, học giỏi tiến bộ; con cái khỏe mạnh, sống có văn hóa; kinh tế vững vàng, vợ chồng có nghề nghiệp ổn định; chăm sóc cha mẹ già yếu” [139, tr.183]. Thực tế, những tiêu chuẩn này là sự cụ thể hóa các tiêu chí của gia đình văn hóa. Cuốn sách Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Nguyễn Hữu Minh và Nata Duvvury, Patricia thuộc Đại học Quốc gia Ireland, Galway thực hiện [107]. Đây là tài liệu rất có giá trị trong việc nghiên cứu vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam. Các tác giả phân tích vấn đề: bối cảnh xã hội, thực trạng bạo lực gia đình, tác động của bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra đối với người phụ nữ với những số liệu hoàn toàn mới. Từ đó các tác giả đưa ra những khuyến nghị nhằm hạn chế và khắc phục hậu quả của bạo lực gia đình đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những cuốn sách trên còn rất nhiều bài báo liên quan đến việc xây dựng gia đình, xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Trong đó: Bài viết “Quá trình phát triển nhận thức của Đảng - Nhà nước về hôn nhân gia đình và xây dựng gia đình văn hóa” của Nguyễn Thị Hà [42]. Tác giả đã đi sâu phân tích quá trình chuyển biến nhận thức của Đảng và nước ta về hôn nhân, gia đình và xây dựng gia đình văn hóa từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và qua các kỳ đại hội của Đảng. Bài báo khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa trong nhận thức của Đảng. Đây là những tiền
  • 21. 17 đề lý luận giúp tác giả luận án tiếp thu và kế thừa nội dung nghiên cứu, những quan điểm chính sách của Đảng và nhà nước ta. Bài viết “Mấy vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ đổi mới” của Bùi Thị Ngọc Lan [81]. Trước tiên tác giả đưa ra những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng gia đình văn hóa hiện nay. Trong đó, tác giả khẳng định nhân tố truyền thống tác động đến xây dựng gia đình văn hóa trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Đồng thời, tác giả đưa ra một số vấn đề liên quan đến xây dựng gia đình văn hóa cần giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa tính đa dạng phong phú của các loại hình gia đình với những tiêu chuẩn chung có tính thống nhất trong việc xây dựng gia đình văn hóa; công tác tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa chưa được làm tốt; công tác giám sát kiểm tra việc thực hiện xây dựng gia đình văn hóa chưa được tiến hành thường xuyên. Trong bài viết Văn hóa gia đình Việt Nam: Các giá trị truyền thống và hiện đại tác giả Đào Thị Mai Ngọc [111] đã đưa ra lý luận tổng quát về gia đình, chức năng của văn hóa gia đình. Tác giả cho rằng: “Hệ thống giá trị văn hóa của gia đình khi đã hình thành có vai trò chi phối, điều tiết các quan hệ gia đình, chi phối phương thức ứng xử của các thành viên trong gia đình” [111, tr.115]. Tiếp đó tác giả đưa ra những biến đổi trong văn hóa gia đình hiện nay. Cuối cùng, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam hiện đại. Như vậy, những bài viết này đã cung cấp cho tác giả luận án tri thức liên quan đến gia đình văn hóa và chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về quản lý gia đình văn hóa. Các tác giả cũng chỉ ra vai trò của gia đình và việc giữ gìn văn hóa gia đình truyền thống, đưa ra thực trạng biến đổi văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, còn có nhiều công trình luận án tiến sĩ nghiên cứu về vấn đề gia đình, tiêu biểu như: Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay của Lê Văn Hùng [60], Giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay của Hà Thị Bắc [8], Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở ở Hà Nội hiện nay của Nguyễn Thị Tố Uyên [175]… Nhìn chung các luận án trên đều khẳng định vai trò của gia đình, thực trạng đạo đức gia đình ở
  • 22. 18 nước ta hiện nay và từ đó đã đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng đạo đức gia đình trong thời kỳ hiện đại. Như vậy, các công trình trên đã phân tích chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về vai trò của gia đình, thực trạng cùng những biến đổi của văn hóa gia đình, quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đây là những tài liệu rất có giá trị cung cấp tri thức lý luận và thực tiễn cho tác giả luận án kế thừa và phát triển trong công trình của mình. 1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ẢNH HƯỞNG QUAN NIỆM NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 1.2.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng Đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng được trình bày thành nội dung nhỏ trong các công trình nghiên cứu Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh [2], Bản sắc văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc [113], Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm [138], Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc Vượng [189]… Các công trình này đều phân tích những nét sinh hoạt văn hóa gia đình đặc trưng ở khu vực Bắc Bộ và điểm chung là các tác giả đều khẳng định sự ảnh hưởng khá rõ nét của Nho giáo đối với gia đình ở khu vực này. Ngoài những tác phẩm trên còn có nhiều bài viết trình bày rõ vấn đề này như: Bài viết Một đặc trưng về cơ cấu và chức năng gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng của Mai Huy Bích [10, tr.52-53]. Khi bàn luận về đặc trưng của gia đình ở khu vực đồng bằng sông Hồng tác giả khẳng định: “mang nhiều nét độc đáo, đặc thù Á Đông, có những độ chênh nhất định so với lý thuyết và quan niệm của xã hội học gia đình phương Tây” [10, tr.52]. Những đặc trưng đó là: tính cộng đồng, tư tưởng dòng dõi, tính huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng dòng dõi thể hiện ở nhu cầu của người dân muốn có và phải có bằng được con trai để nối dõi tông đường. Nói về điều này, tác giả mượn lời của học giả nước ngoài khi nói về đặc trưng của gia đình nơi đây: “tầm quan trọng của việc có con trai được nhấn mạnh hơn ở Thái Lan hay Miến Điện” [10, tr.53].
  • 23. 19 Bài viết Nơi cư trú sau hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng của Mai Huy Bích [12, tr.33-42]. Tác giả chỉ ra cách hiểu sao cho đúng về thuật ngữ “về nhà chồng” - đó không chỉ là về ở vị trí không gian mà còn là học nếp sinh hoạt của nhà chồng. Điều này thể hiện rõ sự ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tác giả còn chỉ ra nếp sống sinh hoạt đặc trưng trong gia đình của người dân đó là: đề cao đạo đức, lòng hiếu thảo, sự sinh hoạt sum vầy theo tinh thần của Nho giáo. Mượn lời nhà nghiên cứu Castillo về gia đình Việt Nam là “cư trú trong hình thái hạt nhân, nhưng về chức năng lại là gia đình mở rộng”, tác giả nhận xét: “nên lưu ý là dù chỉ sống chung với bố mẹ một thời gian nhất định hay lâu dài, dù tách hộ hay không, gia đình con cái lớn và cha mẹ già thường vẫn cố gắng hỗ trợ nhau” [12, tr.40]. 1.2.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay Sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam thông qua các phương thức khác nhau. Mặt khác, có nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn hóa gia đình Việt Nam nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng theo các tiêu chí của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Vì vậy, muốn nghiên cứu vấn đề này cần phải đi từ một số công trình cơ bản: Cuốn sách Nho giáo và gia đình của Vũ Khiêu chủ biên [73]. Trong tác phẩm này, các tác giả trình bày vấn đề gia đình theo trình tự: vị trí, những quy tắc trong quan hệ gia đình theo Nho giáo. Đánh giá về vấn đề gia đình trong Nho giáo, các tác giả đã có nhận định: “Chung quanh vấn đề gia đình, Nho giáo đã có những kiến giải thích hợp, góp phần xây dựng và duy trì những quan hệ xã hội ổn định trong những điều kiện lịch sử nhất định, đồng thời cũng có không ít những tiêu cực, gây tai hại không nhỏ lúc bấy giờ và còn để lại hậu quả xấu cho đến ngày hôm nay” [73, tr.10]. Từ đó các tác giả chỉ rõ nhiệm vụ của giới nghiên cứu: Cần có sự phân tích đúng đắn, rút ra được nhận xét về những mặt được và chưa được, hợp lý và không hợp lý, sàng lọc lấy những gì truyền thống tốt đẹp của dân tộc để kết thừa và phát huy hoặc cải tạo, vạch ra
  • 24. 20 những gì lạc hậu, cản trở việc tiến bộ cần phê phán hoặc loại bỏ, nhằm xây dựng cuộc sống mới và gia đình văn hóa mới, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước ta hôm nay [73, tr.28]. Cuốn sách Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu [74]. Tác giả đã phân tích sự du nhập và phát triển của Nho giáo vào nước ta và sự thất bại đầy bi kịch của Nho giáo trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra những bài học kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo khi vận dụng Nho giáo. Tác giả dành một chương để bàn về Vấn đề Nho giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh việc chỉ ra mặt tích cực của sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình hiện nay thì tác giả cũng chỉ trích sự ảnh hưởng tiêu cực: “Chủ nghĩa gia đình, căn bệnh bén rễ, ăn sâu trong xã hội cũ, tạo ra xích mích giữa các gia đình và dòng họ, dẫn đến sự ganh đua đố kỵ, thậm chí thù ghét và tiêu diệt lẫn nhau” [74, tr.149]. Cuối cùng tác giả kết luận: Trong xã hội ta hôm nay và ngày mai, gia đình vẫn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung của đất nước. Nho giáo sẽ tiếp tục đem lại cho chúng ta nhiều điều bổ ích, nhưng chúng ta không thể tiếp thu toàn bộ quy tắc sinh hoạt của Nho giáo cũng không thể bắt chước nước này hay nước khác ở cách đã tiếp thu như thế nào những quan điểm Nho giáo về gia đình để phục vụ cho chế độ xã hội của họ [74, tr.157]. Cuốn sách Văn hóa gia đình của Vũ Ngọc Khánh [70]. Mặc dù cũng chỉ ra sự ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đối với gia đình đó là nó cổ súy cho quyền gia trưởng, làm suy giảm giá trị và ý thức của cá nhân nhưng Vũ Ngọc Khánh cũng khẳng định vai trò tích cực của Nho giáo đối với gia đình: Nét đặc sắc nữa của Nho giáo trong vấn đề gia đình là đưa con người vào hoàn cảnh thiết thực, không cần ảo tưởng, không phải trông cậy gì ở những chuyện huyền bí duy tâm. Không cần phải tìm đến thiên đường hay nát bàn nào cả. Con người có thể làm nên hạnh phúc đó là hạnh phúc của gia đình. Khổng giáo khác với Phật, Đạo hay Gia tô là ở đó [70, tr.130]. Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Sau khi chỉ ra đặc điểm và những ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình thì tác giả cũng đưa ra những nhận xét về gia đình Nho giáo như: nó tự bộc lộ những mâu
  • 25. 21 thuẫn vô lý, gia đình Nho giáo nhiều điều không còn phù hợp với xã hội Việt Nam ngày nay. Từ đó, tác giả chỉ ra mô hình gia đình Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo tác giả, trong việc xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa chúng ta vẫn tiếp thu chữ hiếu đễ ở gia đình Nho giáo, gây thói quen nhận thức xã hội về đạo lý làm người, tiếp thu giáo dục gia đình Nho giáo. Cuốn sách Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm [34]. Trong mục phạm trù Nhà tác giả đã chỉ ra mối quan hệ giữa nhà và nước, mặt hạn chế của quan niệm gia đình của Nho giáo còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội nước ta hiện nay. Đó là: tình cảm gia đình quá nặng, sự tính toán vì danh lợi riêng của gia đình quá nhiều; chế độ gia đình trị với nhiều biến tướng, biến dạng của nó; tác phong gia trưởng còn là một chứng bệnh tệ hại ở nhiều nơi… Từ đó, tác giả đưa ra một số bài học khi vận dụng đạo đức gia đình của Nho giáo để xây dựng gia đình xã hội chủ nghĩa. Bài viết “Đi tìm những đặc trưng của gia đình Việt Nam truyền thống” của Đặng Cảnh Khanh được đăng trong cuốn sách Nghiên cứu gia đình và giới thời kỳ đổi mới do Nguyễn Hữu Minh, Trần Thị Vân Anh [106]. Tác giả trăn trở với vấn đề có hay không một mô hình gia đình được gọi là gia đình Việt Nam truyền thống? Với việc khẳng định là có thì tác giả đã chỉ ra những đặc trưng của mô hình đó, chính là: dấu ấn cộng đồng trong gia đình Việt Nam. Theo tác giả, chính sự tôn trọng và tuân thủ tính cộng đồng là cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa gia đình, đó là: 1. Sự tôn trọng gia đình, tôn trọng các quan hệ gia đình, đề cao hạnh phúc gia đình; 2. Chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt không phải là sự giàu sang mà là tình nghĩa. Tác giả cũng so sánh khác biệt giữa gia đình Việt Nam và gia đình Trung Quốc: “gia đình Việt Nam truyền thống nghiêng nhiều về mặt quan hệ tình cảm, tình nghĩa còn gia đình Nho giáo nghiêng nhiều về mặt bổn phận, trách nhiệm, lễ nghĩa” [106, tr.144]. Tác giả đưa ra một số biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế của gia đình Việt Nam trước những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong số các biện pháp này, đối với văn hóa gia đình của Nho giáo tác giả khẳng định: “Bên cạnh những giá trị về tính nhân văn và nhân đạo những mặt tích cực nó cũng có những “cái nhọt”, những “cục thịt thừa” mà nói như Lỗ Tấn nếu cắt bỏ đi lại tốt hơn” [106, tr.161]. Đây là công trình khoa học có giá trị giúp tác giả luận án kế thừa và phát
  • 26. 22 triển trong việc tiếp cận và trình bày nội dung về sự ảnh hưởng của đạo đức gia đình Nho giáo đến đời sống của người dân nông thôn đồng bằng sông Hồng. Bài viết “Vấn đề giáo dục các giá trị truyền thống trong gia đình qua một khảo sát xã hội học” của Đặng Cảnh Khanh được đăng trong cuốn sách Quản lý nhà nước về gia đình lý luận và thực tiễn do Lê Thị Quý. Sau khi thực hiện khảo sát xã hội học trên một số địa bàn, tác giả rút ra kết luận: “Nền nếp gia đình và truyền thống dòng họ vẫn là điều thường xuyên được truyền dạy trong gia đình” [128, tr.113], “lòng hiếu thảo là giá trị truyền thống được quan tâm giáo dục nhiều nhất trong các gia đình hiện nay”, “lòng yêu nước vẫn là giá trị truyền thống hàng đầu được coi trọng trong giáo dục gia đình”, “phần lớn các gia đình được hỏi nhấn mạnh tới việc truyền dạy cho con cháu đức tính cần cù chịu khó và ý chí vươn lên trong cuộc sống” [128, tr.113-118]. Cuốn sách Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay của Nguyễn Thị Thọ [149]. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra những nhận xét về tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con người và những chuẩn mực căn bản của đạo đức gia đình. Những chuẩn mực này dựa trên quan niệm truyền thống trong đó có các yếu tố đạo đức của Nho giáo như Từ và Hiếu, tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận. Bên cạnh đó tác giả cũng đưa ra những tác động của kinh tế thị trường đến đạo đức gia đình. Đặc biệt, tác giả phân tích sâu sắc sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với đạo đức gia đình làm cho“một số giá trị truyền thống đang có biểu hiện giảm sút như: lòng hiếu thảo, sự tôn sư trọng đạo, tinh thần đoàn kết…” [149, tr.140-141]. Cuốn sách Ứng xử của người dân đồng bằng sông Hồng trong gia đình của Lê Thị Thanh Hương chủ biên [61]. Đây là công trình công phu của tập thể tác giả thực hiện điều tra xã hội học liên quan đến ứng xử của người dân đồng bằng sông Hồng trong gia đình ở 3 khu vực: thành phố, thị trấn, nông thôn trong đó các tác giả tập trung nhiều ở vùng nông thôn với hai chủ đề cơ bản: 1. ứng xử trong quan hệ vợ chồng. 2. ứng xử trong mối quan hệ ông bà - con - cháu. Các tác giả tập trung vào nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình về mặt: vai trò đóng góp kinh tế, vai trò đóng góp lao động việc nhà, vai trò giáo dục trong gia đình, sự trách nhiệm, quan tâm, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Các tác giả cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của đạo đức gia đình Nho giáo đối với văn
  • 27. 23 hóa gia đình ở đồng bằng sông Hồng: “Cách ứng xử có hiếu như đúng nghĩa của nó vẫn luôn được xem trọng” [61, tr.278], “Hiện nay đại đa số ông bà vẫn tham gia vào việc giáo dục thế hệ các cháu” [61, tr.279]. Đồng thời thông qua các kết quả điều tra các tác giả khẳng định sự thay đổi về ứng xử trong gia đình ở đồng bằng sông Hồng, đó là: “Ứng xử của bố mẹ với con hiện nay có xu hướng “mở” hơn, tôn trọng hơn “cái tôi” của thế hệ con cháu” [61, tr.280]. Công trình này có ý nghĩa quan trọng đối với tác giả luận án bởi vì nó đã cung cấp cấp các số liệu phong phú, sát thực với đề tài của luận án. Cuốn sách Thuyết tam tòng, tứ đức trong Nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay của Nguyễn Thị Vân [178]. Tác giả đã trình bày quan niệm của Nho giáo về người phụ nữ thông qua thuyết tam tòng, tứ đức. Bao trùm cả học thuyết này đó là sự trọng nam khinh nữ. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích sự biến đổi trong quan niệm về người phụ nữ của Nho giáo Việt Nam so với Nho giáo Trung Quốc. Đồng thời, tác giả chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của thuyết tam tòng, tứ đức đối với người phụ nữ Việt Nam hiện nay. Đây là tài liệu quan trọng để tác giả luận án kế thừa trong việc phân tích ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với người phụ nữ Việt Nam. Có nhiều bài báo đề cập tới vai trò, sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với gia đình hiện nay, tiêu biểu như: Bài viết Nho giáo và văn hóa gia đình hiện nay đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật của Lê Thị Quý [127]. Tác giả đã khái quát những nội dung chính trong quan niệm của Nho giáo về gia đình và chỉ ra mặt tiêu cực đối với vấn đề gia đình hiện nay như cha mẹ ít quan tâm tới vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái, con cái bạc đãi cha mẹ, tình trạng ly hôn ngày càng cao… Từ đó, tác giả đưa ra ba bài học để xây dựng văn hóa gia đình hiện nay: bài học về xây dựng kỷ cương gia đình, bài học về giáo dục gia đình, bài học về việc xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Những bài học này được xây dựng trên nền tảng kế thừa những yếu tố tích cực của đạo đức gia đình của Nho giáo như tác giả đã nhận xét: “quảng đại quần chúng nhân dân cũng xây dựng gia đình theo quy tắc của Nho giáo bởi vì những hạt nhân hợp lý của học thuyết này trong việc giáo dục lòng yêu thương đối với con người, bắt đầu từ tình yêu thương gia đình rất phù hợp với đạo lý và dân tộc Việt Nam” [103, tr.50].
  • 28. 24 Bài viết Tư tưởng Nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay của Minh Anh [5]. Tác giả khái quát những nội dung cơ bản của Nho giáo về gia đình, đó là sự coi trọng vai trò của gia đình. Theo tác giả, những tư tưởng trên của Nho giáo ở một mặt nào đó có thể phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó tác giả cũng chỉ ra một số nội dung trong đạo đức gia đình Nho giáo không còn phù hợp với tính chất dân chủ của gia đình mới. Cuối cùng, tác giả đưa ra kết luận: “Có thể nói rằng, nếu loại bỏ những tư tưởng bảo thủ, mất dân chủ thì việc kế thừa những giá trị luân lý tích cực của Nho giáo về gia đình để xây dựng gia đình mới nhằm đáp ứng được sự phát triển của đất nước là điều nên làm” [5, tr.24]. Bài viết “Mối quan hệ ứng xử giữa cha mẹ và con cái” của Lê Thi. Dựa trên số liệu của cuộc điều tra: “Quan niệm, nhận thức về hôn nhân gia đình của các thế hệ Việt Nam ở một số vùng đồng bằng sông Hồng”, tác giả tìm hiểu những thay đổi trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái dưới tác động của môi trường sống hiện đại. Tác giả chỉ ra tư tưởng trọng nam khinh nữ đã làm gia tăng tỷ lệ nạo hút thai nhi nữ và mất cân bằng giới tính khi sinh và cha mẹ đã có những cách ứng xử phù hợp dựa trên việc giảng giải. Tuy nhiên, khó khăn chính của cha mẹ là thiếu thời gian chăm sóc con cái do áp lực kiếm sống. Tác giả cho rằng, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái đang là xu hướng của nhiều gia đình hiện nay. Bài viết Mấy vấn đề thực trạng xây dựng gia đình văn hóa tại đồng bằng sông Hồng của Nguyễn Thị Kim Hoa [53]. Tác giả đã đưa ra kết quả của việc khảo sát vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng qua ba tỉnh: Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Thông qua cuộc khảo sát này, tác giả chỉ ra thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng của xây dựng gia đình văn hóa tại khu vực này. Đối với tác giả luận án, tài liệu này có nghĩa quan trọng trong việc giúp tác giả kế thừa những kết quả điều tra để phục vụ tính thực tiễn của luận án. Như vậy, các công trình khoa học trên đã giúp cho tác giả luận án những tri thức liên quan đến thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng. Điểm chung của các công
  • 29. 25 trình trên là không phủ nhận vai trò của đạo đức gia đình Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng. 1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA QUAN NIỆM NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY Đã có rất nhiều công trình khoa học đưa ra những giải pháp có giá trị trong việc nghiên cứu về: xây dựng gia đình, ảnh hưởng của đạo đức truyền thống, đạo đức Nho giáo, quan niệm của Nho giáo về xây dựng đạo đức và gia đình ở nước ta, tiêu biểu là: Cuốn sách Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu [74]. Ở đây, tác giả đề cập tới “Vấn đề Nho giáo trong gia đình Việt Nam hiện nay” và ở phần kết luận và kiến nghị, tác giả đã đưa ra quan điểm học tập các quốc gia thuộc nhóm “Con Rồng châu Á” trong việc khai thác Nho giáo. Bởi vì theo tác giả: “Các nước nói trên đã giữ lại mối quan hệ cổ truyền trong gia đình để ràng buộc con người vào trật tự xã hội. Nó củng cố thêm mối quan hệ có tính chất gia đình giữa nhà nước và công dân, giữa chủ và thợ” [74, tr.190]. Trước việc đề cao đạo đức gia đình của Nho giáo và muốn khắc phục những hạn chế mà nó gây ra tác giả yêu cầu: Cần khôi phục lại và đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “gia đình văn hóa” với nội dung mới. Chúng tôi tin tưởng rằng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề gia đình hôm nay sẽ vừa đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước vừa khai thác những truyền thống tốt đẹp của gia đình cũ, trong đó có những nhân tố tích cực của Nho giáo [74, tr.192]. Cuốn sách Nho giáo với văn hóa Việt Nam của Nguyễn Đăng Duy [32]. Sau khi chỉ ra những điều phù hợp và không phù hợp của gia đình Nho giáo hiện nay tác giả đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để xây dựn gia đình văn hóa. Đó là: 1. Tạo cơ sở kinh tế cho việc chăm sóc người già; 2. Gây dựng thói quen nhận thức xã hội về đạo lý làm người, là ở chỗ con người biết nhớ về cội nguồn. 3. Tiếp thu lối giáo dục gia đình Nho giáo. Cuốn sách Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam của Lê Ngọc Văn [180]. Tác giả đã đưa hệ thống các giải pháp- kiến nghị chủ yếu xây dựng gia đình Việt
  • 30. 26 Nam thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đó là: 1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo, tổ chức, quản lý của Nhà nước đối với công tác gia đình; 2. Đẩy mạnh, đổi mới và đa dạng hóa công tác truyền thông, giáo dục, vận động, tư vấn xây dựng gia đình phát triển bền vững; 3. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình; 4. Xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam phát triển bền vững theo các loại hình gia đình, nghề nghiệp và nhóm xã hội; 5. Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình. Cuốn sách Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay của Nguyễn Thị Thọ [149]. Từ việc chỉ ra thực trạng của kinh tế thị trường tác động đến gia đình Việt Nam hiện nay tác giả đã đưa ra một số giải pháp định hướng đối với việc xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay. Đó là: 1. Nâng cao nhận thức cho toàn thể xã hội về vai trò của giáo dục đạo đức gia đình; 2. Xác lập và đẩy mạnh giáo dục hệ chuẩn mực đạo đức gia đình hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị đạo đức gia đình truyền thống; 3. Tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, tôn giáo trong giáo dục đạo đức gia đình. Bên cạnh đó còn có môt số bài viết tiêu biểu như: Bài viết Mấy vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình văn hóa thời kỳ đổi mới của Bùi Thị Ngọc Lan [81]. Tác giả đưa ra các nhóm giải pháp để tiếp tục xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: 1. Tăng cường công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; 2. Rà soát lại các văn bản đã ban hành để phát hiện ra các bất cập, những hạn chế làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách và cơ chế quản lý phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh; 3. Cần có những quy định cụ thể để tạo điều kiện và tiền đề cần thiết giúp gia đình thích ứng được với những tác động của những biến đổi đó, nhất là vấn đề kinh tế; 4. Xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ cán bộ chuyên trách về vấn đề gia đình. Bài viết Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của Nguyễn Thiện Trưởng [171]. Sau khi khái quát một số quan điểm của Đảng và nhà nước ta về hôn nhân, gia đình, phân tích cụ thể một số tiêu cực trong thực trạng gia đình ở Việt Nam hiện nay tác giả đã đưa ra một số nhiệm vụ cần thực hiện: 1. Cần nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công xây
  • 31. 27 dựng đất nước; 2. Quan tâm hơn nữa đến công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; 3. Coi trọng công tác giáo dục đời sống gia đình; 4. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; 5. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hóa; 6. Đổi mới đa dạng hóa công tác truyền thông, tăng cường giáo dục đến từng hộ gia đình pháp luật, chính sách liến quan đến xây dựng gia đình; 7. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình. Các công trình trên cung cấp cho tác giả luận án cái nhìn khá toàn điện về hệ thống giải pháp trong việc khai thác ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. 1.4. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT 1.4.1. Khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố liên quan đến luận án Nông thôn đồng bằng sông Hồng là khu vực chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo khá đậm nét trong đó quan niệm của Nho giáo về gia đình. Hiện nay, vấn đề coi trọng gia đình và giáo dục chuẩn mực đạo đức gia đình của Nho giáo có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng gia đình văn hóa khu vực này. Sau khi khảo sát những nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng ssông Hồng hiện nay, tác giả thấy rằng: Một là, đối với nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến quan niệm của Nho giáo về gia đình và vấn đề xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Nhóm công trình trên đã cung cấp cho tác giả luận án một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về quá trình ra đời, phát triển của Nho giáo, nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình, quá trình du nhập, biến đổi của những quan niệm đó đã tạo nên nét đặc thù trong quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Do vậy, khi nghiên cứu quan niệm của Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo Việt Nam về gia đình, tác giả không kỳ vọng đem đến một sự hiểu biết mới nào về vấn đề này mà chỉ kế thừa và tổng kết những thành quả nghiên cứu của những người đi trước. Bởi vậy, tác giả chỉ tập hợp một cách khái quát và có hệ thống quan
  • 32. 28 niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình, những nội dung cơ bản và những nhân tố làm biến đổi quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Đồng thời, tác giả phân tích sâu một số nội dung của sự biến đổi cùng các nhân tố làm biến đổi vì điều này đã tạo ra nét riêng vô cùng đặc sắc trong quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Những công trình nghiên cứu về gia đình, xây dựng gia đình văn hóa hết sức phong phú. Các tác giả trước đó đã chỉ ra chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, một số chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về xây dựng và phát triển gia đình văn hóa ở Việt Nam. Đồng thời có rất nhiều công trình chỉ ra thực trạng văn hóa gia đình, kết quả của quá trình xây dựng gia đình văn hóa và một số nhân tố ảnh hưởng tới việc xây dựng gia đình văn hóa. Đối với những công trình nghiên cứu về phương thức ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam đã giúp tác giả tìm hiểu và trả lời cho câu hỏi vì sao bệ đỡ của Nho giáo là nhà nước phong kiến không còn nữa mà hiện nay văn hóa gia đình Việt Nam lại vẫn chịu ảnh hưởng của đạo đức gia đình của Nho giáo đến thế. Hai là, đối với nhóm công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng của ảnh hưởng quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. Các công trình liên quan đến đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng đã giúp cho tác giả luận án hiểu biết về điều kiện kinh tế - xã hội, con người và văn hóa truyền thống đặc trưng và sự biến đổi của văn hóa gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. Ở các công trình nghiên cứu liên quan đến thực trạng ảnh hưởng, hầu hết các tác giả đều khẳng định quan niệm của Nho giáo về gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng. Sự ảnh hưởng này thông qua phong tục tập quán, cao dao tục ngữ, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Chính sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng khá sâu sắc nên đã tạo ra nét đặc thù của văn hóa gia đình ở nơi đây.
  • 33. 29 Ba là, nhóm những công trình nghiên cứu liên quan đến nguyên tắc và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay. Nhóm công trình trên là những tài liệu tham khảo có giá trị quan trọng đối với tác giả luận án khi trình bày chương 4. Tuy nhiên, các tác giả của các công trình trên mới chỉ đưa ra những giải pháp của việc xây dựng gia đình văn hóa nói chung, xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ đổi mới hoặc là đưa ra giải pháp khai thác Nho giáo trong hoàn cảnh mới chứ chưa bàn thẳng vào vấn đề khai thác quan niệm của Nho giáo về gia đình vào việc xây dựng gia đình văn hóa hiện nay. Chính vì vậy, bên cạnh việc kế thừa, tổng kết những thành tựu của các công trình trước đó, tác giả luận án cũng căn cứ theo cách tiếp cận và nội dung nghiên cứu của mình để đưa ra nguyên tắc và giải pháp phù hợp với hướng nghiên cứu đề tài của mình. 1.4.2. Những vấn đề đặt ra mà tác giả luận án phải tiếp tục nghiên cứu Như đã trình bày ở trên, có rất nhiều công trình nghiên cứu về Nho giáo; quan niệm của Nho giáo về gia đình; sự ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với văn hóa gia đình Việt Nam trong truyền thống và hiện nay; vai trò của gia đình, tiêu chí của gia đình văn hóa và thực tiễn xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam nói chung và nông thôn đồng bằng sông Hồng nói riêng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này trong các công trình khoa học trên mới dừng lại ở mức độ là các phần nhỏ liên quan đến gia đình hoặc văn hóa gia đình trong chủ đề văn hóa làng xã vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng hoặc ở các bài báo có tính chất tổng kết các thành tựu của thực trạng xây dựng gia đình văn hóa ở đồng bằng sông Hồng. Cho đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu sự ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng theo các tiêu chí của xây dựng gia đình văn hóa do Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đưa ra. Chính vì vậy, nhiệm vụ của tác giả luận án là kế thừa những thành tựu nghiên cứu của các công trình trước đó để xây dựng lại một cách có hệ thống và phân tích đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nữa những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc thực hiện các tiêu chí của xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
  • 34. 30 Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, tác giả luận án tiếp tục triển khai nghiên cứu làm rõ những vấn đề sau: - Trình bày một cách có hệ thống một số nội dung chủ yếu trong quan niệm về gia đình của Nho giáo Trung Quốc và Nho giáo Việt Nam cùng những biến đổi, các nhân tố làm biến đổi quan niệm về gia đình của Nho giáo Việt Nam. Phân tích các vấn đề liên quan đến gia đình văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa và các nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời phân tích các phương thức ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay. - Phân tích và làm rõ đặc điểm của gia đình ở nông thôn đồng bằng sông Hồng, thực trạng ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay và vấn đề đặt ra. - Đề xuất nguyên tắc và giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của quan niệm Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng gia đình văn hóa ở nông thôn đồng bằng sông Hồng hiện nay.
  • 35. 31 Chương 2 QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 2.1. QUAN NIỆM CỦA NHO GIÁO VỀ GIA ĐÌNH 2.1.1. Quan niệm của Nho giáo Trung Quốc về gia đình Thứ nhất, quan niệm về vai trò của gia đình Theo từ điển tiếng Việt, gia đình là “tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” [185, tr.357]. Theo quan niệm của Nho giáo thì trong mỗi gia đình luôn phải có một người đàn ông đứng đầu và có quyền uy tối cao đối với các thành viên còn lại. Chữ “gia” còn được hiểu đồng nghĩa với “gia tộc” cùng với các quan hệ họ hàng hết sức phức tạp có thể gồm ba họ (tam tộc) hay chín họ (cửu tộc) gắn bó ràng buộc chặt chẽ. Về vai trò của gia đình, Nho giáo cho rằng gia đình là gốc của đất nước và thiên hạ như Mạnh Tử đã nói trong sách Đại học: “Người ta thường nhắc tới thành ngữ “Thiên hạ quốc gia” để chỉ rõ: “Gốc của thiên hạ là đất nước, gốc của đất nước là gia đình, gốc của gia đình là bản thân” [66, tr.1024]. Trong quan niệm của các nhà Nho thì nhà- gia đình là gốc, là nền tảng của đất nước thậm chí nhà, nước, thiên hạ chủ yếu khác nhau về quy mô, phạm vi còn nội dung và cách quản lý thì cơ bản giống nhau. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định luận điểm “thiên hạ gốc nước, nước gốc ở nhà” cùng với nguyên lý người quân tử phải “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thể hiện một tư duy lôgic nhất quán. Chính vì gia đình là nền tảng của xã hội nên việc giáo dục đạo đức trong gia đình có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng xã hội thái bình, thịnh trị. Đối với việc giáo dục đạo đức gia đình thì các nhà Nho chủ trương xây dựng gia đình hòa thuận, sum vầy và mọi người biết quan tâm lẫn nhau. Dẫn giải về điều này, trong sách Kinh Thi các nhà Nho đã khẳng định: “Vợ con vui vầy, như đánh đàn sắt, đàn cầm. Anh em hòa thuận, vui vẻ mà hấp dẫn. Hòa thuận với mọi người trong nhà, vui với vợ con mày”. Có như vậy thì Khổng Tử cho rằng: “Cha mẹ hài lòng lắm thay!” [66, tr.112]. Như vậy, Nho giáo luôn đề cao sự hòa thuận, tình yêu thương sẻ chia của mọi người trong gia đình.
  • 36. 32 Bởi vì gia đình là nền tảng của xã hội nên nó góp phần hình thành, quy định tính chất của xã hội. Đó là khi gia đình có nền nếp gia phong, tôn ti trật tự thì đất nước mới có kỷ cương, phép tắc và ngược lại, khi đạo đức trong gia đình bị đảo lộn, hư hỏng thì đất nước sẽ rối ren. Điều này đã được ghi rất rõ trong sách Đại học: “Một nhà nhân hậu, cả nước phát huy lòng nhân. Một nhà từ nhượng, cả nước phát huy lòng từ nhượng. Một người tham lam ngang ngược, cả nước làm loạn” [66, tr.44]. Do đó, một xã hội trật tự kỷ cương thì trước hết cần phải có những gia đình hội tụ tính tôn ti trật tự, hòa thuận và mọi người quan tâm tới nhau. Nho giáo đề cao vai trò của gia đình và giáo dục đạo đức gia đình xuất phát từ ba nguyên nhân cơ bản: Một là, Nho giáo đề xướng đường lối đức trị để lập lại xã hội trật tự, kỉ cương. Bởi vì Nho giáo ra đời vào thời Xuân Thu- Chiến Quốc- là thời kỳ rối ren nhất của xã hội Trung Quốc cổ đại với những lễ giáo đạo đức của nhà Chu bị đảo lộn. Mặt khác, các nhà Nho quan niệm đạo đức gắn liền với chính trị, chính trị chẳng qua là sự mở rộng của đạo đức. Khổng Tử là người đề cao tư tưởng “đức trị” sau đó Mạnh Tử kế thừa và phát triển thành đường lối “nhân chính”, “nhân nghĩa”. Chính vì vậy, các nhà Nho chủ trương giáo dục đạo đức để con người ứng xử theo những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo. Hai là, trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến ở Trung Hoa thường xuyên diễn ra cảnh tượng kẻ đứng đầu trực tiếp hoặc gián tiếp dựa vào một thế lực gia tộc, họ hàng huyết thống để tranh giành nhau quyền trị quốc. Sức mạnh gia tộc có vai trò lớn trong hình thành và giữ gìn quyền lực của giai cấp cầm quyền. Từ thực tiễn đó, các nhà Nho đã đề cao vai trò của gia đình và hình thành chủ nghĩa gia đình. Ba là, bản thân các nhà Nho đều đề cao mối quan hệ mật thiết giữa gia đình- nước- thiên hạ. Theo họ, giáo dục đạo đức trong gia đình nhằm làm cho mỗi thành viên ứng xử theo phép tắc, tôn ti trật tự để từ đó họ sẽ ứng xử tuân theo các quy định của nhà nước như sách Đại học ghi rõ: “Nhà ngăn nắp thì sau nước mới trị an. Nước trị an thì sau thiên hạ mới thái bình” [66, tr.17] bởi vậy: Trị nước ắt phải tề gia trước đã” có nghĩa là “người nhà mà mình không dạy nổi lại có thể dạy dỗ người khác, là chuyện không hề có. Vì thế người quân tử không rời khỏi nhà mà nên được việc giáo dục trong nước: