SlideShare a Scribd company logo
1 of 60
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
ĐỖ MẠNH HÙNG
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62.22.03.13
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
HUẾ - NĂM 2016
Công trình được hoàn thành tại
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Người hướng dẫn khoa học
1. PGS.TS. TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ
2. TS. NGUYỄN VĂN HOA
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm Luận án
cấp Đại học Huế tại:
Vào hồi ....giờ..... ngày ..... tháng .... năm 2016
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Đại học Sư phạm -
Đại học Huế
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Đỗ Mạnh Hùng (2013), “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
Việt Nam qua sự nhìn nhận, đánh giá của một số nhà nghiên
cứu Pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quan hệ Việt - Pháp:
Quá khứ và hiện tại, Hội Hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Thừa
Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa
học - Đại học Huế, (tháng 4-2013), tr.106-109.
2. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Phong trào yêu nước và cách mạng
Quảng Bình 30 năm đầu thế kỉ XX”, in trong Báo cáo khoa
học Hội thảo Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và
phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.456-467.
3. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Đặc điểm Cách mạng tháng Tám năm
1945 ở Quảng Bình”, in trong Báo cáo khoa học Hội thảo
Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển,
Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.500-512.
4. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Khởi nghĩa giành chính quyền tháng
8-1945 ở Hà Tĩnh”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 272, tr.22-26.
5. Đỗ Mạnh Hùng (2015), "Các cuộc thương lượng với quân đội
Nhật trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh
Bắc Trung Bộ", Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 285, tr.12-17.
6. Đỗ Mạnh Hùng (2016), "Vai trò của Việt Minh Nguyễn Tri
Phương đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm
1945 ở Thừa Thiên Huế", Tạp chí Khoa học Đại học Huế (đã
nhận đăng).
7. Đỗ Mạnh Hùng (2016), "Thừa Thiên Huế trong cuộc vận động
Cách mạng tháng Tám năm 1945", Đề tài cấp Đại học Huế
(đang chờ nghiệm thu).
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam thời cận hiện đại, Cách mạng tháng
Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại, đánh dấu một
bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám đã tạo ra những
tiền đề cho sự phát triển và thắng lợi của dân tộc Việt Nam từ 1945 đến nay.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một vấn đề khoa học được nhiều
nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và đã đạt được nhiều thành
tựu đáng kể. Bên cạnh những vấn đề chung của Cách mạng tháng Tám, một
số công trình mang tính khu vực và địa phương đã được tiếp cận. Cuộc vận
động Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh đã được nghiên cứu nhưng chủ yếu
còn dưới dạng mô tả, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa được đề cập. Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ là một vấn đề quan trọng nhưng
chưa được các nhà sử học nghiên cứu toàn diện và có hệ thống.
Đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các
tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là địa bàn chiến lược của xứ Trung Kì. Bộ máy cai trị
cũng như lực lượng quân sự của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở đây tương
đối mạnh. Vì vậy, Bắc Trung Bộ là một trong những trung tâm cách mạng của
cả nước.
Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc
Trung Bộ có một vị trí, vai trò quan trọng. Đây là một trong những khu vực
diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất ở tỉnh lị, trực
tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu và Chính phủ Trần Trọng Kim.
Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ có nét
sáng tạo về tập hợp lực lượng, phương thức khởi nghĩa và hình thái giành
chính quyền. Vì vậy, nghiên cứu Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các
tỉnh Bắc Trung Bộ là việc làm có ý nghĩa về mặt khoa học và có giá trị thực
tiễn sâu sắc.
Vì những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ” làm đề tài Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt
Nam.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là
Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Khu vực Bắc Trung Bộ đặt dưới lãnh đạo của Xứ
ủy Trung Kì, bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.
- Về thời gian: Từ ngày 1-9-1939 đến ngày 26-8-1945, là thời gian
trực tiếp chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu: Tái hiện có hệ thống và toàn diện về
cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan về vấn đề nghiên cứu để xác định các vấn đề cần tiếp tục
nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Phân tích bối cảnh lịch sử của cuộc vận động Cách mạng tháng
Tám ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Trình bày công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các
tỉnh Bắc Trung Bộ từ tháng 9-1939 đến tháng 8-1945.
- Làm sáng tỏ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm
1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Trên cơ sở đó, phân tích đặc điểm; ưu điểm, hạn chế; vai trò và bài
học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung
Bộ.
4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Nguồn tư liệu nghiên cứu
- Nguồn tài liệu thành văn
+ Tài liệu đã công bố
+ Tài liệu lưu trữ
- Nguồn tài liệu khảo sát điền dã
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực
cách mạng, xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ
trang, đặc biệt là khởi nghĩa giành chính quyền.
- Trong luận án, chúng tôi kết hợp phương pháp lịch sử, phương pháp
lôgic và các phương pháp cụ thể của chuyên ngành như miêu tả, phân tích,
tổng hợp; đồng thời, sử dụng phương pháp thống kê, so sánh và các phương
pháp liên ngành như điền dã, phỏng vấn nhân chứng...
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Thứ nhất, tái hiện toàn cảnh bức tranh lịch sử về Cách mạng tháng
Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ hai, rút ra đặc điểm đặt trong mối quan hệ đối sánh Cách mạng
tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh đồng bằng Bắc
Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ; nêu lên ưu điểm,
hạn chế; vai trò và bài học kinh nghiệm.
Thứ ba, cung cấp hệ thống tư liệu tương đối hoàn chỉnh về Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, luận án là tài liệu tham khảo để nghiên cứu và học tập Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở bậc đại học và cao đẳng; góp phần giáo dục
truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ, là tài liệu bổ ích giúp giáo viên ở các trường trung học phổ thông
biên soạn và giảng dạy phần lịch sử địa phương trong chương trình lịch sử.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm 4
chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
Chương 2: Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các
tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945).
Chương 3: Gấp rút chuẩn bị về mọi mặt và khởi nghĩa giành chính
quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 3-1945 đến tháng 8-1945).
Chương 4: Một số nhận xét về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Các tỉnh Bắc Trung Bộ nằm dọc theo ven biển, từ 160
đến 200
30’
vĩ
độ Bắc và từ 1060
02’
đến 1080
02’
kinh độ Đông bao gồm các tỉnh Thanh
Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một chủ đề khoa học lớn, hấp dẫn,
thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Liên quan đến Cách mạng
tháng Tám năm 1945 nói chung và ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã có
nhiều công trình được công bố, đề cập đến những khía cạnh khác nhau.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2.1. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt
Nam
1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
Ở nhóm này gồm các công trình tiêu biểu như: Trường Chinh (1946),
Cách mạng tháng Tám; Viện Sử học (1960), Cách mạng tháng Tám - Tổng
khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương; Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng
Trung ương (1967), Tìm hiểu tính chất và đặc điểm của Cách mạng tháng
Tám; Trường Chinh (1975), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt
Nam; Viện Lịch sử Đảng (1985), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945; Viện
Lịch sử Đảng (1995), Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945; Ngô Văn Minh
(2005), Cách mạng tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ; Nguyễn
Đình Cả (2010), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở đồng bằng Bắc Bộ;…
Các công trình nghiên cứu trên đây đã tập trung làm sáng tỏ về bối
cảnh lịch sử, quá trình chuẩn bị lực lượng, diễn biến, tính chất, đặc điểm, ý
nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Cách mạng
tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Một số công trình đã đề cập đến diễn biến
cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, trong đó có các tỉnh Bắc
Trung Bộ.
1.2.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước
Paul Mus (1952), Vietnam, Sociologie d’une guerre; Chales Fourniau
(1961), “Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam”; Stein Tonnesson (1991), The
Vietnamese Revolution of 1945, Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a
world at war; David G.Marr (1995), Vietnam 1945. The quest for power,
University of California press;…
Các công trình nghiên cứu trên đã có một số đánh giá hợp lí về Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân
nên một số tác giả chưa thấu hiểu được vai trò của Đảng Cộng sản Đông
Dương, Mặt trận Việt Minh và tính chủ động của nhân dân Việt Nam trong
quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Các công trình nghiên cứu
ít đề cập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
1.2.1.3. Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ và các bài nghiên
cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1963), Cuộc tọa đàm về
Cách mạng tháng Tám; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
(2010); Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ; Nguyễn Văn Trung (2012), Báo chí
của các cấp Đảng bộ Trung Kì trong những năm 1930 - 1945, Luận án Tiến sĩ
Lịch sử; Trần Huy Liệu (1956), “Mấy nét đặc biệt về Cách mạng tháng Tám”,
Tập san Văn Sử Địa, số 20; Nguyễn Công Bình (1960), “Bàn về tính chất
Cách mạng tháng Tám”, Nghiên cứu Lịch sử, số 17; Lương Sơn Châu (1970),
“Vấn đề thời cơ - Từ khởi nghĩa tháng Mười Nga đến khởi nghĩa tháng Tám
của Việt Nam, Nội san Nghiên cứu Lịch sử Đảng, số 03; Thanh Đạm (1975),
“Nghiên cứu vấn đề tầng lớp trung gian trong thời kì Cách mạng tháng Tám”,
Nghiên cứu Lịch sử, số 163; Nguyễn Thành (1990), “Cách mạng tháng Tám
1945 trong dư luận chính trị ở Pháp”, Nghiên cứu Lịch sử, số 04; Văn Tạo
(2005), “Cách mạng tháng Tám - thắng lợi của đường lối chiến lược, sách
lược chủ động và sáng tạo của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 739; Nguyễn
Hoàng Giáp (2010), “Tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám”, Tạp chí
Lịch sử Đảng, số 08;…
Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ và bài nghiên cứu trên đã cung
cấp những tư liệu mới, đặt ra nhiều vấn đề và đánh giá mới về Cách mạng
tháng Tám năm 1945. Trên cơ sở tập hợp các bài viết chuyên khảo, chúng
tôi đã có sự đối chứng, so sánh, mở rộng những nhận định, đánh giá về cuộc
vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
1.2.2. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ
1.2.2.1. Các công trình lịch sử địa phương
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thanh Hóa (1966); Sơ giản
lịch sử Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945); Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng
Tỉnh ủy Nghệ An (1966), Cách mạng tháng Tám 1939 - 1945; Ban Nghiên
cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1966), Thời kì Cách mạng tháng Tám
(1939 - 1945); Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Bình (1974),
Lịch sử Cách mạng tháng Tám Quảng Bình (sơ thảo); Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh Hà Tĩnh (1993), Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 1 (1930 - 1954); Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (1995), Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình,
tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1995),
Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (1996), Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1 (1930 -
1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1998), Lịch sử Đảng bộ
Nghệ An, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa
(2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 1954);...
Những công trình trên mới chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện
lịch sử có liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách
mạng của nhân dân tại các địa phương, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa
được đề cập. Có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết thấu đáo
hoặc còn đang tranh luận hay xác minh. Hầu hết các công trình ít khai thác
và sử dụng nguồn tư liệu của chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật.
1.2.2.2. Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và
các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử tỉnh Thừa
Thiên Huế (2015), Trí thức và tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng
tháng Tám - 70 năm nhìn lại, Kỉ yếu Hội thảo khoa học; Nguyễn Thị Đảm
(1994), Công nhân xí nghiệp vôi thủy Long Thọ (1896 - 1945), Luận án Phó
tiến sĩ khoa học Lịch sử; Trần Văn Thức (2003), Quá trình vận động cách
mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An thời kì 1939 - 1945, Luận án Tiến sĩ
Lịch sử; Nguyễn Tất Thắng (2012), Phong trào yêu nước và cách mạng Hà
Tĩnh từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến
sĩ Lịch sử; Lê Thị Tuyết Nhung (2011), Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
Quảng Trị, Luận văn Thạc sĩ sử học; Trần Văn Thức (2003), “Góp phần làm
sáng tỏ thêm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An”, Nghiên cứu
Lịch sử, số 01;…
1.2.3. Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình
nghiên cứu giải quyết
Vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ”
bước đầu đã được các nhà nghiên cứu đề cập ở một số góc độ khác nhau.
Tuy nhiên, do mục đích của các công trình, cho đến nay vẫn chưa có một công
trình nghiên cứu thật sự có tính hệ thống, toàn diện về vấn đề này dưới góc độ
khu vực.
1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở khảo cứu nguồn tài liệu từ nhiều phía, phân tích chính sách
thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và Nam triều ở các tỉnh Bắc Trung
Bộ từ năm 1939 đến năm 1945, nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm
sáng tỏ như: Những thủ đoạn vừa đàn áp khủng bố quyết liệt lực lượng cách
mạng trên địa bàn, vừa mua chuộc thâm độc nhằm lôi kéo, dụ dỗ những phần
tử nhẹ dạ, cả tin, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng các cấp
và khối đại đoàn kết các dân tộc ở Bắc Trung Bộ của thực dân Pháp và phát
xít Nhật.
Tái hiện một cách chi tiết và đầy đủ về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa
giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ năm 1939 đến năm 1945 trên
các khía cạnh cụ thể như: Sự vận dụng đường lối lãnh đạo cách mạng của
Đảng Cộng sản Đông Dương; quá trình xây dựng, khôi phục và thống nhất
tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn
cứ địa; tập dượt quần chúng đấu tranh.
Mặt khác, cần làm sáng tỏ quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ trên các phương diện: Phong trào khởi nghĩa từng
phần; việc nhận định tình hình, chớp thời cơ, chủ động đề ra kế hoạch khởi
nghĩa và diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Phân tích vai trò
của tầng lớp thanh niên trí thức trong quá trình giành chính quyền ở một số
địa phương. Rút ra những ưu điểm và hạn chế của Cách mạng tháng Tám
năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hơn nữa, cần làm nổi rõ đặc điểm về quá trình chuẩn bị, hình thái
vận động, phương thức khởi nghĩa giành chính quyền của Cách mạng tháng
Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ qua sự đối sánh với Cách mạng
tháng Tám ở các khu vực lân cận. Mặt khác, phân tích vai trò của Cách
mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đối với Cách mạng
tháng Tám năm 1945 trong toàn quốc và đối với sự nghiệp cách mạng của
nước bạn Lào. Đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị và
khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh, mà những kinh nghiệm đó có thể
vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ở Bắc Trung Bộ hiện nay.
Chương 2
QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ THÁNG 9-1939 ĐẾN THÁNG 3-1945)
2.1. TÌNH HÌNH CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ TRƯỚC CHIẾN
TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và
truyền thống yêu nước, cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ trước năm
1930
2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Trên một miền đất rộng, địa hình Bắc Trung Bộ rất đa dạng, có đủ
rừng núi, trung du, đồng bằng và thềm lục địa.
Bắc Trung Bộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng
mưa lớn, đồng bằng hẹp ngang, khiến cho hệ thống sông ngòi ở đây có
những nét đặc thù. Phần lớn các con sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông
Nam, qua nhiều miền địa hình, chủ yếu là rừng núi nên sông ngắn, dốc,
nước chảy xiết. Lưu lượng nước không nhiều, phụ thuộc vào chế độ mưa.
2.1.1.2. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội
Các tỉnh Bắc Trung Bộ với thành phố Huế là kinh đô của Nam triều,
cũng là nơi tập trung bộ máy cai trị của xứ Trung Kì bảo hộ. Triều đình
phong kiến đứng đầu là nhà vua, quan lại, hoàng tộc và 6 bộ đã trở thành
phương tiện phục vụ cho thực dân Pháp. Mọi hoạt động của triều đình đều
bị chi phối bởi Khâm sứ Trung Kì. Tại các tỉnh, chính quyền “bảo hộ” của
thực dân Pháp nắm hết mọi quyền hành chính và tư pháp.
Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1896), thực dân Pháp
tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô ngày càng
lớn đã tạo nên sự chuyển biến đáng kể của các khu vực kinh tế ở các tỉnh
Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, hệ thống trường học các cấp và cơ sở y tế có
bước phát triển so với thời gian trước.
Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã dẫn đến sự phân
hóa giai cấp trong xã hội ở các tỉnh ngày càng sâu sắc. Trừ một bộ phận tư
sản mại bản và đại địa chủ có quyền lợi gắn chặt với thực dân Pháp, cấu kết
với chúng, còn đại bộ phận địa chủ vừa và nhỏ, tiểu tư sản và tư sản dân tộc
đều có mâu thuẫn với thực dân Pháp, có tinh thần dân tộc. Giai cấp nông
dân và công nhân bị áp bức bóc lột hết sức nặng nề, là lực lượng đông đảo
và hăng hái của cách mạng.
Các điều kiện kinh tế, xã hội trên đây là tiền đề thúc đẩy nhân dân
các tỉnh Bắc Trung Bộ bước sang thời kì đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2.1.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), nhân dân các tỉnh Bắc
Trung Bộ đã kiên quyết đứng lên giết giặc cứu nước. Tiêu biểu là cuộc khởi
nghĩa năm Giáp Tuất (1874) do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Trần Quang Cán
lãnh đạo nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong phong trào Cần
Vương cuối thế kỉ XIX, Bắc Trung Bộ là khu vực mà phong trào đạt đến
đỉnh cao, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan
Đình Phùng lãnh đạo.
Bắc Trung Bộ là địa bàn chiến lược của phong trào yêu nước ở Việt
Nam đầu thế kỉ XX. Ngày 14-7-1925, các chính trị phạm mới ra tù và một
số thanh niên tân học tổ chức cuộc họp tại núi Con Mèo (Vinh - Bến Thủy)
quyết định thành lập Hội Phục Việt.
Có thể thấy, trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc,
nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hun đúc được cho mình một bản sắc
riêng, đó là sự cố kết với nhau để chống kẻ thù chung.
2.1.2. Sự ra đời của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của
nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ những năm 1930 - 1939
2.1.2.1. Sự ra đời của tổ chức Đảng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Sự hoạt động tích cực của lớp người cộng sản đầu tiên như: Hồ Tùng
Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh… đã dẫn đến sự ra
đời, đoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách
mạng đảng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3-1930, Phân cục
Trung ương Đảng tại Trung Kì được thành lập và đến giữa năm 1930 đổi tên
thành Xứ ủy Trung Kì do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Sau khi thành lập,
Xứ ủy cử cán bộ, đảng viên về các tỉnh để xây dựng, phát triển hệ thống tổ
chức Đảng. Tính đến cuối năm 1930 phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ hình
thành được hệ thống đảng bộ, gồm 6 ban tỉnh ủy: Vinh (3-1930), Nghệ An (3-
1930), Hà Tĩnh (3-1930), Quảng Trị (4-1930), Thừa Thiên (4-1930), Thanh
Hóa (7-1930); 20 thị ủy và huyện ủy; trên 239 chi bộ, 1.440 đảng viên.
Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập tại các tỉnh đánh dấu bước
phát triển quan trọng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại khu vực
này.
2.1.2.2. Phong trào cách mạng của nhân dân các tỉnh Bắc Trung
Bộ những năm 1930 - 1939
Dựa vào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong “Chính
cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” (2-1930) và “Luận cương chính trị” (10-
1930), Xứ ủy Trung Kì phát động quần chúng đấu tranh chống đế quốc và
phong kiến, đòi quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở đó, tổ chức Đảng các tỉnh Bắc Trung Bộ vận động quần
chúng đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Tiêu biểu là đợt đấu
tranh kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 diễn ra ở tất cả các tỉnh. Sau
đợt đấu tranh ngày 1-5-1930, phong trào tiếp tục phát triển cả về số lượng và
chất lượng. Từ đầu tháng 9-1930 trở đi, phong trào cách mạng ở Nghệ An,
Hà Tĩnh phát triển ngày càng quyết liệt, riêng ở Nghệ An và Hà Tĩnh nổ ra
1.209 cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.
Cơn bão táp cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh dâng lên mạnh mẽ, làm
cho hệ thống chính quyền của đế quốc phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều
nơi, đưa đến việc thành lập chính quyền Xô viết ở 200 làng thuộc tỉnh Nghệ
An và 172 làng ở Hà Tĩnh. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tiến hành
“khủng bố trắng”. Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kì ra nghị quyết phát
động quần chúng nhân dân đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kì, tại
các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, truyền đơn xuất
hiện ở nhiều nơi kêu gọi ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ và phản đối chính sách khủng
bố của thực dân Pháp. Bên cạnh đó, các cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra ở các
tỉnh. Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp tập trung lực lượng
và sử dụng các thủ đoạn thâm độc để đối phó. Do đó, từ giữa năm 1931,
phong trào tạm lắng và chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới.
Mặc dù bị tổn thất nặng nề nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng
cách mạng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn thể hiện tinh thần kiên cường bất
khuất, đấu tranh để khôi phục phong trào trong những năm 1932 - 1935.
Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của tù chính trị ở nhà lao các tỉnh. Cuộc đấu
tranh để phục hồi và phát triển hệ thống tổ chức Đảng đạt được những kết
quả quan trọng, đỉnh cao là việc lập lại các Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An,
Hà Tĩnh và hệ thống cơ sở đảng ở các huyện, tổng, làng. Phong trào đấu
tranh từng bước được khôi phục với sự xuất hiện các cuộc đấu tranh của
công nhân, nông dân và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Trước sự phục hồi
và phát triển của phong trào, thực dân Pháp tiến hành khủng bố. Đến cuối
năm 1935, tổ chức Đảng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên lần lượt bị vỡ.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, tháng
7-1936 Hội nghị Trung ương Đảng họp ở Thượng Hải để định ra đường lối
và phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Tỉnh ủy các tỉnh được lập
lại: Nghệ An (9-1936), Hà Tĩnh (10-1936), Thừa Thiên (4-1937), Quảng Trị
(7-1937). Đến thời gian này, Quảng Bình vẫn chưa lập được Tỉnh ủy.
Trên cơ sở đó, phong trào đấu tranh ở các tỉnh chuyển sang một giai
đoạn mới. Mở đầu là phong trào vận động tổ chức Đông Dương đại hội năm
1936, tiếp đến là các cuộc đón Godart đầu năm 1937. Trong những năm
1937 - 1938, tổ chức Đảng các tỉnh hai lần vận động bầu cử thắng lợi cho
các ứng cử viên của Mặt trân dân chủ vào Viện Dân biểu Trung Kì và đấu
tranh chống “Dự án tăng thuế” năm 1938. Các cuộc đấu tranh đòi dân sinh,
dân chủ của công nhân và nông dân liên tiếp nổ ra. Ở các tỉnh Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh còn có phong trào đòi “Phòng thủ Đông Dương” và cuộc
vận động ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống phát xít Nhật.
Kết quả của phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một trong những tiền
đề để các tỉnh Bắc Trung Bộ tiến hành công cuộc chuẩn bị giải phóng dân
tộc.
2.2. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
2.2.1. Bối cảnh lịch sử và sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng
Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương
2.2.1.1. Tình hình trong nước và các tỉnh Bắc Trung Bộ
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp
tiến công phong trào cách mạng Việt Nam. Chính quyền thuộc địa thực hiện
chính sách “kinh tế chiến tranh” nhằm cung cấp tối đa tiềm lực của Đông
Dương cho chính quốc. Tháng 9-1940, phát xít Nhật xâm lược Đông
Dương. Nhân dân Đông Dương phải chịu ách thống trị của cả Pháp lẫn
Nhật.
Được sự hậu thuẫn của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhiều đảng
phái và nhóm chính trị được thành lập. Ngày 5-10-1939, Bảo Đại ban hành
đạo dụ cấm tất cả các cuộc hội họp tuyên truyền cộng sản ở Trung Kì và tịch
thu các loại sách báo tiến bộ.
Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, thực dân Pháp tiến hành cuộc tổng điều
tra dân số, sắp xếp lại hệ thống hành chính nhằm tăng cường nguồn nhân lực
để thực hiện chính sách khai thác, bóc lột. Sau hiệp ước ngày 23-7-1941,
phát xít Nhật bắt đầu đưa quân vào các tỉnh. Thừa Thiên, Quảng Trị, Nghệ
An và Thanh Hóa trở thành các căn cứ quân sự quan trọng của Nhật.
Ở Bắc Trung Bộ, phần tử thân Nhật “sáng giá” nhất là Ngô Đình
Diệm. Giữa năm 1943, Ngô Đình Diệm cử Phan Thúc Ngộ sang Nhật bắt
liên lạc với Cường Để, đồng thời giao Đỗ Mậu thảo một kế hoạch, chuẩn bị
cho Cường Để về nước lập chính phủ thân Nhật.
Đi đôi với chính sách khủng bố về chính trị, thực dân Pháp tăng cường
bóc lột về kinh tế để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Nhân cơ hội chiến tranh,
tư sản mại bản, tư sản nước ngoài ở các tỉnh Bắc Trung Bộ ra sức vơ vét hàng
hóa, đầu cơ tích trữ làm cho hàng hóa càng khan hiếm. Ở các vùng nông thôn,
tầng lớp địa chủ, quan lại, kể cả tổng lí cũng dùng đủ mọi mưu mẹo để bóc lột
nhân dân. Vì vậy, đời sống của nông dân và công nhân hết sức khó khăn. Đời
sống của tiểu tư sản, tư sản, địa chủ vừa và nhỏ cũng sa sút. Không có con
đường nào khác, họ phải vùng dậy đấu tranh để lật đổ ách thống trị bạo tàn, thiết
lập nên một chế độ xã hội mới.
2.2.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương
Từ Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đến Hội nghị Trung ương 8,
Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng đấu
tranh trong tình hình mới với các nội dung quan trọng như: Đặt nhiệm vụ
giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất,
chỉ đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian phản quốc
chia cho dân cày, tiến hành giảm tô, giảm tức, chia lại công điền cho hợp lí,
tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng; tăng cường mặt trận dân tộc
thống nhất; nhấn mạnh đến sự đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương; chủ
trương về khởi nghĩa vũ trang và dự kiến hình thái khởi nghĩa là từ khởi
nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi.
2.2.2. Kết hợp chuẩn bị với đấu tranh tiến tới khởi nghĩa giành
chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
2.2.2.1. Khôi phục tổ chức cơ sở Đảng sau các đợt khủng bố của
thực dân Pháp
Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội nhưng sau một thời gian,
tổ chức Đảng ở phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ được củng cố lại và có bước
phát triển. Tính đến tháng 3-1945, 4/6 tỉnh ở Bắc Trung Bộ có tổ chức Đảng
là Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; trong đó 2 tỉnh có cơ
quan tỉnh ủy lãnh đạo là Thanh Hóa, Thừa Thiên. Các tỉnh Nghệ An, Hà
Tĩnh có đảng viên hoạt động song không lập lại được tổ chức Đảng. Tuy
chưa được đều khắp, thiếu vững chắc nhưng sự khôi phục lại bộ máy lãnh
đạo các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hệ thống tổ chức
của Đảng và trong lãnh đạo phong trào cách mạng.
2.2.2.2. Xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng
Xây dựng lực lượng chính trị
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-
1939, tổ chức Đảng các tỉnh chủ trương chuyển các tổ chức quần chúng từ
công khai thành các đoàn thể “phản đế”, nhờ đó hệ thống tổ chức quần
chúng có những nơi lên đến cấp huyện. Các tổ chức xã hội như Thanh niên
Phật tử, Thanh niên thể dục thể thao, Hội truyền bá quốc ngữ được thành
lập, thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên, trí thức, tín đồ Phật tử trên
địa bàn các tỉnh.
Sau khi nhận được “Nghị quyết Trung ương 8”, từ đầu cho đến cuối
năm 1942, tổ chức Đảng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng
Trị và Thừa Thiên đã thành lập Ủy ban Việt Minh hay Ủy ban vận động
Việt Minh ở một số nơi, đồng thời chuyển các hội phản đế thành các hội cứu
quốc, cơ sở Việt Minh hình thành ở Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định
(Thanh Hóa); Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An); Quảng Trạch, Bố
Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải
Lăng (Quảng Trị), Phong Điền, Huế, Phú Lộc (Thừa Thiên).
Đầu năm 1943, tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh vẫn chưa liên lạc được với
Trung ương. Trước tình hình đó, một số cán bộ đã thành lập một tổ chức
cách mạng, lấy tên là Hội Việt Nam cứu quốc. Sau khi thành lập, Hội Việt
Nam cứu quốc Hà Tĩnh bắt liên lạc được với tổ chức Đảng ở Nghệ An, nhận
được các tài liệu của Mặt trận Việt Minh. Tháng 4-1943, Hội Việt Nam cứu
quốc Hà Tĩnh đổi thành Mặt trận cứu quốc. Mặt trận cứu quốc Hà Tĩnh đã
tích cực xây dựng cơ sở ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm
Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê.
Điểm nổi bật trong xây dựng lực lượng chính trị ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ là sự phát triển của Hội truyền bá quốc ngữ. Thông qua hoạt động
của Hội, nhiều giáo viên và thanh niên đã liên lạc với tổ chức thanh niên cứu
quốc, trở thành cán bộ của quần chúng và Mặt trận Việt Minh.
Xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa
Đầu năm 1941, Xứ ủy lâm thời Trung Kì chủ trương tiến hành vũ
trang toàn dân chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kì, các tỉnh Bắc Trung Bộ
tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa. Tại Thanh Hóa, trên cơ
sở Hội phản đế cứu quốc phát triển mạnh, các cán bộ, đảng viên chỉ đạo xây
dựng lực lượng tự vệ, du kích ở các làng, tổng và trong số đó lựa chọn
những người đủ tiêu chuẩn xây dựng các tiểu tổ du kích. Cuối tháng 7-1941,
chiến khu Ngọc Trạo được thành lập. Ngày 19-9-1941, thành lập đội du kích
Ngọc Trạo gồm 21 chiến sĩ, đến cuối tháng 9-1941, quân số của đội lên tới
84 người và được phiên chế theo từng bộ môn.
Ngày 18-10-1941, thực dân Pháp huy động 500 lính và hàng ngàn
tuần đinh, chia làm bốn cánh quân bao vây chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc
chiến đấu diễn ra quyết liệt, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch
nên tối ngày 19-10-1941 đội du kích đã bí mật rút khỏi Ngọc Trạo, sau đó
phân tán lực lượng về địa phương.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng chiến khu Ngọc
Trạo là đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, có ảnh
hưởng lớn đối với nhân dân địa phương và các tỉnh xung quanh.
Tháng 3-1942, Ban liên lạc Đảng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
thành lập đội tự vệ gồm 13 chiến sĩ. Tại Phú Lộc (Thừa Thiên), tháng 7-
1942, thành lập đội tự vệ gồm 7 chiến sĩ, trang bị giáo mác, dao găm. Tháng
4-1943, Mặt trận cứu quốc Hà Tĩnh thành lập các đội tự vệ. Các căn cứ du
kích ở Ngàn Trươi và Truông Bát (Hương Khê) được xây dựng. Dưới hình
thức các nhóm học võ dân tộc, Việt Minh Thanh Hóa chọn lựa một số người
có đủ tiêu chuẩn vào các đội tự vệ cứu quốc. Tháng 3-1944, Tỉnh ủy Thanh
Hóa mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại Nga Sơn.
Sau khi Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”, các
tỉnh Bắc Trung Bộ đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Tại Thừa Thiên,
giữa năm 1944, Huyện ủy Phú Lộc tiến hành củng cố và phát triển đội tự vệ
Diêm Trường. Ngày 24-6-1944, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa
đề ra chủ trương gấp rút mở thêm nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự
ngắn hạn, mỗi huyện, phủ phải có một địa điểm bí mật huấn luyện chính trị,
quân sự. Phong trào luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi ở các phủ huyện. Tại
Hội nghị Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức vào ngày 3-3-1945 chủ
trương các đội tự vệ tiến hành tập kích, lấy vũ khí địch tự trang bị.
2.2.2.3. Đấu tranh chống đế quốc - phát xít và tay sai
Cùng lúc với những cố gắng khôi phục lại phong trào của các đảng
viên ở bên ngoài, các đảng viên trong các lao tù cũng tích cực hoạt động.
Hàng chục cuộc đấu tranh nổ ra tại các nhà lao trong năm 1940 và 1941.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc đấu tranh của các giai cấp, tầng lớp khác
liên tiếp nổ ra. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến
Thủy, Nhà máy diêm Hàm Rồng, đồn điền Rome ở Hướng Hóa (Quảng Trị)
với nhiều hình thức phong phú, buộc giới chủ phải nhượng bộ. Những vụ
kiện hào lí nhũng nhiễu, đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống sưu thuế,
chống thu thóc, chống phá hoa màu trồng bông là những hình thức đấu tranh
phổ biến của nông dân ở nông thôn các tỉnh. Một số địa chủ, phú nông và
hào lí có tinh thần dân tộc đã tham gia ủng hộ các cuộc đấu tranh của nông
dân.
Các cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng ngàn người dân được tổ
chức ở Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày 20 và 21-10-
1940. Ngày 4-1-1941, 2.000 học sinh thành phố Vinh đấu tranh chống chủ
hiệu buôn vải người Ấn Độ. Đặc biệt, ngày 13-1-1941, Nguyễn Văn Cung
chỉ huy binh lính Việt Nam yêu nước nổi dậy đánh chiếm các đồn Chợ
Rạng, Đô Lương và định tiến đánh chiếm thành phố Vinh. Ngày 22-1-1941,
nhân dân Hưng Nguyên - Nghệ An tổ chức mít tinh tại Chợ Liễu. Tiếp đó,
đêm 14-5-1941, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Sông Con (Hương Sơn - Hà
Tĩnh), quần chúng nhân dân đã tiến công tiêu diệt chủ đồn điền Ferrey. Lực
lượng tự vệ của một số địa phương tổ chức các cuộc phục kích vào các toán
binh lính đi tuần tra để giải vây cán bộ bị bắt. Tiêu biểu là trận phục kích
của tiểu đội tự vệ ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngày 14-7-1941. Ngày 4-12-
1943, nhân dân Hoằng Hóa đấu tranh ngăn cản đoàn xe chở 500 phu làm
đường của phát xít Nhật. Đặc biệt, đêm 21-9-1944, truyền đơn cách mạng
được rải ở thị xã Thanh Hóa và các phủ huyện đồng bằng, trung du trong
tỉnh, khiến chính quyền thực dân hết sức căm phẩn. Ngày 25-2-1945, học
sinh Trường Trung học bảo hộ Thanh Hóa bãi khóa để phản đối việc thực
dân Pháp bắt giữ giáo viên và học sinh của Trường.
Như vậy, từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945, mặc dù thực dân Pháp,
phát xít Nhật tiến hành khủng bố dữ dội phong trào cách mạng Việt Nam
nhưng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của các giai
cấp và tầng lớp khác nhau.
Chương 3
GẤP RÚT CHUẨN BỊ VỀ MỌI MẶT VÀ KHỞI NGHĨA
GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
(TỪ THÁNG 3-1945 ĐẾN THÁNG 8-1945)
3.1. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG SAU
KHI NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP
3.1.1. Âm mưu và thủ đoạn của phát xít Nhật
Đêm 9-3-1945, quân Nhật nổ súng đánh Pháp cùng lúc trên toàn
Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt và sau hơn một ngày thì đầu hàng
phát xít Nhật. Ngay sau đảo chính, Nhật tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt
Nam. Về phía Nam triều, Bảo Đại vốn là vua bù nhìn của thực dân Pháp trở
thành vua bù nhìn của phát xít Nhật. Ngày 17-4-1945, Chính phủ thân Nhật
do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng được thiết lập.
Sau ngày đảo chính Pháp, phát xít Nhật đưa khoảng 9.000 quân vào chiếm
đóng ở những vị trí quan trọng của các tỉnh và thực hiện chính sách cướp bóc hết
sức tàn bạo. Được sự hậu thuẫn của phát xít Nhật, các đảng phái chính trị thân
Nhật được thành lập, hoạt động mạnh và có mặt ở hầu khắp các tỉnh. Phát xít Nhật
còn mở trường dạy tiếng Nhật, tổ chức chiếu phim, thi đấu thể thao… nhằm lôi
kéo tầng lớp thanh niên, học sinh theo chúng. Chính sách thống trị tàn bạo của
phát xít Nhật đã đẩy nhân dân các tỉnh lâm vào con đường điêu đứng, bế tắc. Nạn
đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nói lên
sự thật đó.
Có thể nói, chính sách cướp bóc tàn bạo của phát xít Nhật đã phơi bày bản
chất của nó và đẩy nhanh quá trình cách mệnh hóa của các giai tầng ở Bắc Trung
Bộ.
3.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương
Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị
“Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” xác định kẻ thù chủ yếu
của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật, do đó khẩu hiệu “đánh
đuổi Pháp - Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” và
nêu khẩu hiệu “thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”, chống lại
Chính phủ Trần Trọng Kim, phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước
mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa, sẵn sàng chuyển qua hình
thức tổng khởi nghĩa khi đã đủ điều kiện. Đảng Cộng sản Đông Dương còn
đề ra một chủ trương sáng tạo là “phá kho thóc, giải quyết nạn đói”.
Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” có tác
dụng to lớn đối với sự phát triển của cao trào kháng Nhật cứu nước và cuộc
Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
3.2. GẤP RÚT XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VỀ MỌI MẶT TIẾN TỚI
KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
3.2.1. Xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng
Sau ngày 9-3-1945, nhiều cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm thoát
khỏi các nhà tù, căng an trí tập trung của đế quốc trở về địa phương hoạt
động. Được bổ sung cán bộ, hệ thống tổ chức Đảng một số tỉnh nhanh chóng
được khôi phục, củng cố.
Tháng 4-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được lập lại. Sau đó các
Phủ ủy Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Huyện ủy Gio Linh được lập lại.
Tháng 4-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa mở hội nghị bàn biện pháp triển khai chỉ
thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau hội nghị, Tỉnh ủy lâm thời
được củng cố. Tổ chức cơ sở Đảng được xây dựng ở các phủ, huyện Thạch
Thành, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Hà Trung, Hậu Lộc,
Nga Sơn, Nông Cống. Ngày 23-5-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Thừa Thiên
được triệu tập tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc) chủ trương đẩy mạnh công cuộc
chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ sau hội nghị trên, Tỉnh ủy lâm thời
Thừa Thiên được củng cố, tổ chức cơ sở Đảng được xây dựng ở các huyện, thị
trong tỉnh. Trong đó, thành phố Huế, huyện Phú Lộc đã lập được thị ủy và
huyện ủy lâm thời. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, do chưa có một tổ chức lãnh đạo
chung và cũng chưa bắt được liên lạc với Trung ương Đảng nên các cán bộ,
đảng viên tự phân công tỏa đi các nơi để bắt liên lạc và xây dựng cơ sở. Sau
một thời gian, các tổ chức cơ sở Đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh được phục hồi.
Tại Quảng Bình, tháng 6-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được
thành lập ở thị xã Đồng Hới gồm 6 đảng viên. Ở Quảng Trạch, Bố Trạch,
Quảng Ninh và Lệ Thủy, các tổ chức cơ sở Đảng có nhiều hoạt động chống
các chính sách của phát xít Nhật và tay sai.
Mặc dù tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh được phục hồi và hoạt động
khá tích cực, nhưng tại một số địa phương, giữa nhóm này với nhóm khác
vẫn còn có những hiện tượng thành kiến, nghi kị lẫn nhau. Trước tình hình
đó, ngày 27-6-1945, Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư kêu gọi các đồng
chí Trung Kì mau thống nhất lại.
Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong bối cảnh chưa khôi phục được Tỉnh
ủy, các cán bộ, đảng viên và những người yêu nước đã tập hợp nhau lại
trong tổ chức Việt Minh, hình thành nên hạt nhân để lãnh đạo phong trào.
Cuối tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được đổi tên thành Ban vận
động thống nhất Đảng bộ Quảng Trị. Ngày 2-7-1945, Ban vận động thống
nhất Đảng bộ Quảng Bình được thành lập.
3.2.2. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị
3.2.2.1. Xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh
Ở Quảng Trị, sau Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tổ chức vào
tháng 4-1945, Ủy ban Việt Minh từ phủ, huyện đến tổng, làng được thành
lập. Đông đảo công nhân, nông dân, thanh niên tham gia hội cứu quốc.
Từ tháng 4 đến tháng 7-1945, Ban cán sự Việt Minh được thành lập
ở nhiều phủ huyện trung du, đồng bằng, ven biển, xuống tận các tổng, xã,
làng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tính đến đầu tháng 8-1945, số quần chúng của
các hội cứu quốc trong tỉnh đã lên đến hàng chục vạn người.
Sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh (5-1945), ở Thừa Thiên tồn tại hai tổ
chức Việt Minh đó là: Việt Minh Nguyễn Tri Phương và Việt Minh Thuận
Hóa. Cuối tháng 6-1945, ban lãnh đạo hai tổ chức Việt Minh họp tại Huế
quyết định sáp nhập tổ chức Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn
Tri Phương và thống nhất kế hoạch hoạt động. Nhờ đó, đến tháng 7-1945,
Mặt trận Việt Minh được thành lập ở tất cả các huyện trong tỉnh. Nhiều nơi,
Chấp ủy Việt Minh được thành lập ở cấp tổng, xã.
Ngày 19-5-1945, Ban vận động Việt Minh Nghệ Tĩnh được thành
lập. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7-1945, Chấp ủy Việt Minh được thành
lập ở 15 phủ, huyện, thị xã và thành phố thuộc hai tỉnh. Ngày 8-8-1945, Đại
hội đại biểu Việt Minh Nghệ Tĩnh được tổ chức đã bầu Ban Chấp hành Việt
Minh Nghệ Tĩnh gồm 7 ủy viên, do Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư.
Ở Quảng Bình, cơ sở Việt Minh được thành lập ở Quảng Ninh,
Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa. Tại Đồng Hới, cơ sở Việt
Minh được hình thành trong nội thị và các làng ngoại ô. Ngày 4-7-1945, Hội
nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được tổ chức quyết định thống nhất lực
lượng Việt Minh. Sau hội nghị, Ban Chấp hành Việt Minh các tổng, làng
được thành lập. Các tổ chức cứu quốc được hình thành từ thành thị đến nông
thôn thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
3.2.2.2.Đẩymạnh hoạtđộng tuyên truyền chống phátxítNhật và tay sai
Trong việc xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính
quyền, công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng với phát xít Nhật và tay sai
có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, tổ chức Đảng và
Mặt trận Việt Minh các tỉnh đã sử dụng truyền đơn, báo chí để vạch mặt nền
độc lập giả hiệu, những thủ đoạn của phát xít Nhật và tay sai, động viên lòng
yêu nước và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân.
3.2.2.3. Lợi dụng tổ chức Thanh niên xã hội và “Việt Minh hóa”
học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế
Để làm thất bại âm mưu của các phần tử tay sai thân Nhật và tập hợp
đông đảo quần chúng nhân dân, Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ đề ra chủ
trương lợi dụng tổ chức Thanh niên xã hội với nhiều hình thức đấu tranh
linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các địa phương. Nhờ đó, Việt
Minh các tỉnh không những tránh được sự khủng bố và phá hoại của kẻ thù,
hạn chế địa bàn hoạt động của tay sai, mà còn lôi kéo được tuyệt đại bộ
phận quần chúng trong các tổ chức thân Nhật đi theo cách mạng.
Ngày 2-7-1945, Trường Thanh niên Tiền tuyến được thành lập, đồng
thời khai giảng khóa đào tạo đầu tiên và duy nhất của Trường gồm 43 học
viên. Ngay từ đầu trong Trường đã có một tổ Việt Minh gồm 3 người, sau
đó phát triển lên 5 người và thành lập Ban Việt Minh. Ban Việt Minh đã chủ
động bắt liên lạc với các nhóm Việt Minh công chức ở các trường học tại
Huế. Qua sự tuyên truyền vận động của Ban Việt Minh, đến giữa tháng 7-
1945, toàn bộ học viên của Trường đã ngả theo cách mạng.
3.2.2.4. Vận động các tầng lớp trung gian tham gia hội cứu quốc
Để vận động binh lính, các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa
Thiên thành lập Ban binh vận. Việt Minh các tỉnh xây dựng được cơ sở nội
ứng trong đồn bảo an binh, nắm được lính lệ canh gác ở một số phủ, huyện
đường hoặc vận động được một số binh lính làm nội ứng khi khởi nghĩa.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên đẩy mạnh
công tác vận động công chức, học sinh, nhân sĩ, trí thức tham gia các hội
cứu quốc và đạt được những kết quả quan trọng. Đối với các tôn giáo, chủ
trương của Việt Minh các tỉnh là vận động nắm tín đồ Phật giáo, Công giáo,
phân hóa cao độ để hạn chế sự chống đối của chức sắc phản động trong các
tôn giáo này.
Đối với Chính phủ Trần Trọng Kim, Việt Minh các tỉnh nêu rõ khẩu
hiệu đánh đổ nhưng đối với từng cá nhân trong nội các, ở cấp tỉnh, huyện,
các tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh có sách lược cụ thể với từng đối
tượng, trung lập hóa những đối tượng có thể trung lập được. Nhiều huyện
trưởng, tỉnh trưởng khi được vận động đều rất thiện chí, sẵn sàng hợp tác
với Việt Minh. Công tác vận động quan chức cao cấp trong triều đình Huế
và Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đạt được những kết quả quan trọng.
Như vậy, đến giữa tháng 8-1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng
được lực lượng chính trị đủ mạnh để bước vào khởi nghĩa giành chính quyền.
3.2.3. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa
Ở Thanh Hóa, Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 4-1945 chủ trương
phát triển các đội tự vệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vũ trang, xây dựng
chiến khu, vũ trang toàn dân tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đến trước
ngày khởi nghĩa, Thanh Hóa đã phát triển được một lực lượng vũ trang với
hơn 2 vạn chiến sĩ du kích và tự vệ. Tháng 7-1945, vùng giải phóng Triệu
Phong (Quảng Trị) được thành lập. Ở Hải Lăng, thành lập chiến khu Thượng
Nguyên - Phú Long. Các đội tự vệ được thành lập ở Cam Lộ, thị xã Quảng
Trị, Triệu Phong và Hải Lăng. Các lớp huấn luyện quân sự được tổ chức,
phong trào luyện tập quân sự phát triển rầm rộ, công khai trong quần chúng. Ở
Thừa Thiên, các đội tự vệ được thành lập tại nhiều địa phương thuộc các
huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc và thành
phố Huế. Ở Nghệ An, các đội tự vệ được thành lập và phát triển nhanh chóng,
rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Ở Hà Tĩnh, lực lượng tự vệ phát triển
nhanh ở các xã của huyện Can Lộc và Hương Sơn. Đến trước ngày khởi
nghĩa, toàn tỉnh có khoảng 1.000 đội viên tự vệ và đã xây dựng được các khu
căn cứ ở Tràng Sim, Khe Trầm (Hương Sơn), Truông Bát (Hương Khê). Ở
Quảng Bình, các đội tự vệ được thành lập ở thị xã Đồng Hới và các phủ,
huyện để làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính
quyền. Trung Thuần (Quảng Trạch), Võ Xá (Quảng Ninh), Bàu Rèng (Đồng
Hới) được xây dựng thành các khu căn cứ.
Cùng với việc phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa,
việc chuẩn bị vũ khí cũng được gấp rút thực hiện. Tính chung, đến trước
Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong 6 tỉnh số súng chỉ hơn 600
khẩu, phân bố rải rác ở nhiều phủ huyện. Vũ khí chủ yếu của tự vệ, du kích
vẫn là dao, kiếm, mã tấu, gậy.
Có thể nói, đến trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền, các tỉnh
Bắc Trung Bộ đã xây dựng được lực lượng cách mạng khá hùng hậu, sẵn
sàng cùng với cả nước “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
3.3. CAO TRÀO KHÁNG NHẬT CỨU NƯỚC
3.3.1. Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói
Trước thực tế nạn đói diễn ra ngày càng trầm trọng, tổ chức Đảng,
Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phát động phong trào đấu tranh cứu
đói diễn ra mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hình
thức đấu tranh phong phú.
Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói đã thu được nhiều thắng
lợi lớn. Thắng lợi đó không những đã giải quyết phần nào nạn đói trước mắt,
mà còn phát động được một phong trào quần chúng rộng lớn, tạo ra động
lực thực sự, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở các tỉnh Bắc Trung
Bộ.
3.3.2. Đẩy mạnh tuyên truyền xung phong, khởi nghĩa từng phần,
lập chính quyền cách mạng
Các đội tuyên truyền xung phong tỏa xuống các làng nổi trống, mõ,
tổ chức mít tinh đông người, treo cờ đỏ sao vàng, giăng biểu ngữ, công khai
giải thích chủ trương kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Các
cuộc mít tinh, biểu tình càng dồn dập, diễn ra đồng loạt ở nhiều phủ, huyện,
thị của các tỉnh với khí thế cờ giong trống thúc uy hiếp tinh thần tổng lí địa
phương, tấn công trực diện vào chính quyền cơ sở.
Trước khí thế sôi nổi của cách mạng, một số lí trưởng mang sổ sách,
con dấu nộp cho Việt Minh, một số chánh tổng thì lo sợ, không dám hoạt
động. Trên cơ sở đó, chính quyền cách mạng của nhân dân được thiết lập ở
nhiều làng thuộc huyện Hà Trung, Thiệu Hóa và Hoằng Hóa (Thanh Hóa);
Quảng Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình); Triệu Phong, Gio Linh (Quảng
Trị) và Phú Lộc (Thừa Thiên). Bên cạnh đó, cuộc khởi nghĩa từng phần cấp
huyện đã bùng nổ và giành được thắng lợi ở Hoằng Hóa.
Cao trào kháng Nhật cứu nước đánh dấu sự hoàn thành về cơ bản quá
trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
3.4. THỜI CƠ VÀ KẾ HOẠCH KHỞI NGHĨA CỦA ĐẢNG BỘ, MẶT
TRẬN VIỆT MINH CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
3.4.1. Thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh
Bắc Trung Bộ
Với sự kiện Mĩ thả 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố
Hirosima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), cùng với thắng lợi của Hồng
quân Liên Xô, phát xít Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều
kiện. Thời cơ của một tổng khởi nghĩa đã chín muồi trong toàn quốc.
Chớp lấy thời cơ thuận lợi, chiều ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng
và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, phát lệnh
tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc
của Đảng họp tại Tân Trào quyết định lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đề ra
chính sách về đối nội, đối ngoại cần thực hiện sau khi tổng khởi nghĩa thắng
lợi. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân đại hội cũng được tổ chức ở Tân Trào
đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách
lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí
Minh làm Chủ tịch.
Quyết định Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt
Minh đã đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, là điều kiện
có ý nghĩa hàng đầu để Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ lãnh đạo quần
chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong bối cảnh thời
cơ cách mạng ở đây đã chín muồi.
Tuy vậy, ở Bắc Trung Bộ, bên cạnh thời cơ thuận lợi cũng có một số
khó khăn. Tại thành phố Huế tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, công chức
tham gia trong chính quyền của thực dân Pháp, phát xít Nhật trước đây. Bảo
Đại và Trần Trọng Kim vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lực. Quân Nhật tập
trung ở Bắc Trung Bộ tương đối đông (khoảng 9.000 quân), lại chưa nhận
được lệnh hạ vũ khí đầu hàng, nhiều địa phương chưa nhận được lệnh tổng
khởi nghĩa. Ở miền núi các tỉnh, cơ sở cách mạng còn yếu, nhất là miền núi
tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Tình hình trên đây đặt ra cho Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất
là ở Thừa Thiên cần phải có đối sách phù hợp để đưa cách mạng đến thắng
lợi trọn vẹn, ít đổ máu và đảm bảo được khối đoàn kết để tiếp tục chống các
thế lực ngoại xâm.
3.4.2. Kế hoạch khởi nghĩa của các tỉnh Bắc Trung Bộ
Trong điều kiện liên lạc hết sức khó khăn, không máy móc chờ lệnh
của Trung ương Đảng, ngày 8-8-1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh đã nhạy bén
lập ra Ủy ban khởi nghĩa và chủ trương: “Cướp chính quyền bắt đầu từ xã
rồi đến huyện lị... Thành phố Vinh vì ở vào một trường hợp đặc biệt nên cần
phải chờ kết quả của các địa phương rồi mới định đoạt”. Sau khi tiếp nhận
được tin Nhật Bản đầu hàng các nước Đồng minh, chiều ngày 15-8-1945,
Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã ban hành lệnh khởi nghĩa.
Ngày 10-8-1945, Thường vụ Việt Minh Thừa Thiên họp và quyết
định: Sau khi phát xít Nhật đầu hàng các nước Đồng minh phải chớp thời cơ
phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, không chờ
lệnh của Trung ương. Ngày 20-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên
được thành lập do Tố Hữu làm Chủ tịch. Đêm 21-8-1945, Ủy ban khởi
nghĩa tỉnh họp và quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở
thành phố Huế vào ngày 23-8-1945.
Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa họp hội nghị mở rộng để thảo
luận việc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15-8-1945, Thanh Hóa nhận
được tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Mặc dù chưa nhận được lệnh khởi
nghĩa của Trung ương nhưng hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi
nghĩa và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, đồng thời phát động
toàn dân nổi dậy giành chính quyền vào đêm 18-8-1945.
Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Trị tiến hành họp để bàn kế hoạch
khởi nghĩa. Ngày 18-8-1945, trong khi Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đang họp
thì nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương do Trần Hữu Dực và Đặng
Thí đi dự Hội nghị thành lập Xứ ủy Trung Kì trở về truyền đạt. Hội nghị
quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và ngày khởi nghĩa chiếm thị
xã Quảng Trị là đêm 22 rạng sáng ngày 23-8-1945. Các phủ, huyện trong
tỉnh khởi nghĩa cùng ngày giờ trên. Các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ bao
gồm thị trấn Đông Hà, có nhiều quân Nhật đóng phải chậm lại 1 đến 3 ngày.
Ngày 15-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình tổ chức hội nghị để
bàn kế hoạch khởi nghĩa. Ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của
Trung ương, ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị và quyết
định: “Lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh. Khởi
nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lị Đồng Hới và các phủ, huyện trong cùng
một ngày, cùng một lúc, sau đó giải quyết hệ thống chính quyền tổng, xã”.
Như vậy, chủ trương khởi nghĩa ở các tỉnh Bắc Trung Bộ được tiến
hành sớm, thể hiện sự chủ động, sáng tạo của các tổ chức Việt Minh địa
phương.
3.5. DIỄN BIẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC
TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ NGÀY 15-8-1945 ĐẾN NGÀY 26-8-1945)
3.5.1. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Tĩnh (từ ngày 15-
8-1945 đến ngày 21-8-1945)
Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền thắng lợi
vào ngày 15-8-1945 với vai trò nổi bật của tầng lớp thanh niên trí thức. Tiếp
đó là khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các huyện Thạch Hà và Cẩm
Xuyên ngày 17-8-1945. Ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền ở thị xã Hà Tĩnh thắng lợi nhanh gọn, trở thành 1 trong 5 tỉnh giành
chính quyền sớm nhất trong cả nước ở tỉnh lị. Cũng trong ngày 18-8-1945,
chính quyền cách mạng được thiết lập ở huyện Kì Anh và Đức Thọ. Ngày
19-8-1945, quần chúng cách mạng huyện Nghi Xuân và Hương Sơn khởi
nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hương Khê là huyện cuối cùng giành
được chính quyền vào ngày 21-8-1945, đánh dấu thành công của Cách mạng
tháng Tám trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
3.5.2. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Nghệ An (từ ngày 17-
8-1945 đến ngày 26-8-1945)
Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên của Nghệ An giành chính quyền thắng
lợi vào ngày 17-8-1945. Tiếp đó, ngày 19-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ
Hưng Nguyên lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành giành chính quyền
thắng lợi. Ngày 21-8-1945, quần chúng cách mạng và lực lượng tự vệ vũ
trang phủ Diễn Châu, thành phố Vinh - Bến Thủy khởi nghĩa giành chính
quyền, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 22-8-1945,
nhân dân Nghĩa Đàn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tiếp
mạch thắng lợi trên, ngày 23-8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập
ở các phủ, huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Anh Sơn. Ngày 25-8-1945,
quần chúng cách mạng huyện Yên Thành nổi dậy giành chính quyền. Nghi
Lộc, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông, Vĩnh Hòa là những huyện, châu
cuối cùng ở Nghệ An giành chính quyền thắng lợi vào ngày 26-8-1945.
Trong vòng 10 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An
đã thành công, không đổ máu.
3.5.3. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa (từ ngày
19-8-1945 đến ngày 26-8-1945)
Ngày 19-8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập ở các phủ,
huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Đông Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc,
Thạch Thành, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc. Tiếp đó, khởi
nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia
vào ngày 20-8-1945. Ngày 21-8-1945, quần chúng cách mạng và tự vệ vũ
trang huyện Nông Cống khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thường
Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa là những
châu, phủ cuối cùng ở Thanh Hóa giành được chính quyền vào ngày 26-8-
1945.
Mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng
dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh, cuộc khởi nghĩa ở
Thanh Hóa đã thành công trong 8 ngày.
3.5.4. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thừa Thiên (từ ngày
19-8-1945 đến ngày 23-8-1945)
Phong Điền và Phú Lộc là hai huyện thí điểm giành chính quyền
thắng lợi vào ngày 19-8-1945. Tiếp đó khởi nghĩa giành chính quyền thắng
lợi ở huyện Hương Thủy và Phú Vang ngày 22-8-1945. Sáng ngày 23-8-
1945, cuộc khởi nghĩa chiếm huyện lị Hương Trà và Quảng Điền giành
được thắng lợi. Cũng trong ngày 23-8-1945, lực lượng tự vệ vũ trang, Thanh
niên Tiền tuyến kết hợp với quần chúng nhân dân nội thành và ngoại thành
tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thành phố Huế, thành
lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 30-8-1945, Bảo Đại tuyên
bố thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến lạc hậu ở
Việt Nam.
Với phương thức sử dụng lực lượng tự vệ vũ trang, Thanh niên Tiền
tuyến kết hợp với quần chúng cách mạng giành chính quyền từ huyện đến
tỉnh lị, khởi nghĩa ở Thừa Thiên giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn,
tránh được đổ máu ở một trong những địa bàn phức tạp nhất của cả nước.
3.5.5. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Bình (ngày 23-8-
1945)
Ngày 23-8-1945 thị xã Đồng Hới và tất cả các phủ, huyện trong tỉnh
(Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa) khởi nghĩa
giành chính quyền thắng lợi, thành lập UBNDCM lâm thời.
Diễn ra trong một ngày và giành thắng lợi, Quảng Bình là một trong
những tỉnh khởi nghĩa gọn nhất và nhanh nhất của cả nước.
3.5.6. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị (từ ngày
23-8-1945 đến ngày 25-8-1945)
Ngày 23-8-1945 các phủ huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong,
Hải Lăng và thị xã Quảng Trị giành chính quyền thắng lợi. Cam Lộ và
Hướng Hóa là hai huyện cuối cùng ở Quảng Trị giành được chính quyền vào
ngày 25-8-1945.
Với phương thức biểu tình vũ trang của quần chúng nhân dân, kết
hợp với thương lượng ngoại giao có sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ vũ trang,
khởi nghĩa tại Quảng Trị đã thành công nhanh chóng trên một địa bàn có
quân Nhật chiếm đóng tương đối đông.
Tóm lại, ở khu vực Bắc Trung Bộ, cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền bắt đầu từ Hà Tĩnh, tiếp đến là Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên,
Quảng Bình, Quảng Trị. Đến ngày 26-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính
quyền thắng lợi trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Chương 4
MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
4.1. ĐẶC ĐIỂM
4.1.1. Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các
tỉnh Bắc Trung Bộ diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng đã
đạt được những kết quả toàn diện, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của
các địa phương
4.1.2. Hình thái khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ linh hoạt và đa dạng
4.1.3. Phương thức khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ phong phú và độc đáo
4.2. ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ
4.2.1. Ưu điểm
4.2.1.1. Thống nhất về ý chí và quyết tâm, sáng tạo trong quá trình
xây dựng lực lượng cách mạng
4.2.1.2. Chủ động lên kế hoạch khởi nghĩa và giành chính quyền
thắng lợi sớm ở tỉnh lị
4.2.1.3. Vô hiệu hóa quân Nhật và thu được nhiều vũ khí của đối
phương
4.2.2. Hạn chế
4.2.2.1. Một số tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc, kỉ luật của Đảng
và chưa thanh toán triệt để tư tưởng hẹp hòi, cục bộ địa phương
4.2.2.2. Một số địa phương chưa chú trọng xây dựng cơ sở ở miền
núi, thiếu nhạy bén, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa
4.3. VAI TRÒ
4.3.1. Trực tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu, làm tan rã
Chính phủ Trần Trọng Kim, thiết lập hệ thống chính quyền dân chủ
nhân dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
4.3.2. Tác động đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền một số
tỉnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ
4.3.3. Có ảnh hưởng nhất định đối với sự nghiệp cách mạng của
nước bạn Lào
4.4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
4.4.1. Về phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và xây dựng
mặt trận dân tộc thống nhất
4.4.2. Về phương pháp xây dựng lực lượng cách mạng
4.4.3. Về nắm bắt thời cơ và chớp đúng thời cơ
4.4.4. Về công tác xây dựng Đảng
KẾT LUẬN
1. Là một trong những địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược của cả
nước, Bắc Trung Bộ từng được coi là “phên dậu”, là nơi sản sinh ra biết bao
anh hùng, hào kiệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân dân
các tỉnh Bắc Trung Bộ đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến
công chói lọi chống xâm lược và ách thống trị của ngoại bang. Trước Cách
mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ phải chịu ách áp
bức bóc lột hết sức nặng nề của đế quốc, phong kiến. Bên cạnh đó là các hiện
tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lụt thường xuyên xảy ra khiến đời
sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân và nông dân vô cùng điêu
đứng, cơ cực. Những điều kiện trên đây đã tôi luyện cho nhân dân các tỉnh
Bắc Trung Bộ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và anh dũng
trong đấu tranh chống cường quyền. Trước năm 1930, nhân dân các tỉnh Bắc
Trung Bộ đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến
tay sai nhưng đều thất bại. Từ tháng 2-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, cùng với nhân dân toàn quốc, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ
đã vùng lên với một khí thế vô cùng mãnh liệt và đạt tới đỉnh cao nhất của
phong trào cách mạng 1930 - 1931 là thành lập chính quyền Xô viết tại nhiều
làng xã thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sự ra đời, hoạt động của chính quyền
Xô viết thể hiện sức mạnh phi thường, sự sáng tạo của nhân dân các tỉnh,
không những biết đập tan xã hội cũ, còn biết thiết lập nên xã hội mới. Trong
những năm 1936 - 1939, khi tình hình biến chuyển thuận lợi, dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ nổi dậy
đấu tranh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, là một trong những khu vực
có phong trào phát triển mạnh của cả nước.
2. Từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đến khi Nhật đảo chính
Pháp là giai đoạn phong trào cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ phải trải
qua những thử thách hết sức ngặt nghèo. Các cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp,
kéo dài với quy mô chưa từng thấy của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai
đã làm cho tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng
không được thông suốt, Xứ ủy Trung Kì không còn, giao thông liên lạc giữa
các tỉnh bị gián đoạn, phần lớn cán bộ đảng viên bị bắt, mối liên hệ giữa cấp
ủy Đảng với nhân dân gặp khó khăn, đứt mạch. Cứ tưởng những trở lực đó sẽ
làm chùn bước chân của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở vùng
đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng này. Trái lại, sự mất mát và đau
thương cùng cực ấy đã hun đúc thành sức mạnh để nhân dân các tỉnh Bắc
Trung Bộ vùng lên giành lấy quyền sống, quyền làm người của mình. Đây
cũng là giai đoạn Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương chuyển hướng đấu
tranh trong hoàn cảnh lịch sử mới. Phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ đã kịp thời
thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông
Dương nên phong trào vẫn thể hiện được sự bền bỉ, liên tục, không để bị gián
đoạn kéo dài. Sau những lần bị bể vỡ phong trào lại được khôi phục, giai đoạn
sau cao hơn giai đoạn trước và có bước phát triển. Trong khi đó, tổ chức Đảng
một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh do không bắt kịp tình hình để chỉ đạo
phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, gây nên những ảnh hưởng
nhất định cho phong trào cách mạng. Tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng bị
thực dân, phát xít và tay sai triệt phá gần như tận gốc. Vì vậy, phong trào công
nhân và nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Sau ngày 9-3-1945 các tỉnh đã chạy đua với thời gian, kịp chuyển
phong trào trong khu vực lên thời kì tiền khởi nghĩa, bắt kịp với phong trào
của toàn quốc. Trong thời gian gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính
quyền (từ tháng 3 đến tháng 8-1945), tổ chức Đảng, Việt Minh các tỉnh đã
biết khéo léo kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị và nông thôn, biết lấy
nông thôn làm chỗ dựa nên đã phát động được phong trào toàn dân nhưng
cũng không xem nhẹ vai trò của thành thị. Xuất phát từ chủ trương, đường
lối của Trung ương và thực tiễn của địa phương, tổ chức Đảng, Mặt trận
Việt Minh các tỉnh phát động các phong trào đấu tranh thích hợp, đáp ứng
nguyện vọng tha thiết của quần chúng nhân dân nên đã tập hợp đông đảo
các giai tầng trong xã hội đi theo đường lối của Đảng. Tuy nhiên, trước và
trong thời kì tiền khởi nghĩa, tổ chức Đảng, Việt Minh các tỉnh ít chú ý đến
việc xây dựng cơ sở ở miền núi và vận động đồng bào các dân tộc ít người
tham gia cách mạng là một hạn chế lớn. Mặt khác, sau khi bắt được liên lạc
với Trung ương Đảng nhưng Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn không kịp lập lại
Đảng bộ là một thực tế lịch sử khó có thể chấp nhận được. Những thiếu sót
này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị và bước tiến của cuộc khởi
nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.
3. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ là biểu hiện sinh động của sự kết hợp hài hòa giữa đường lối của
Trung ương Đảng với chủ trương, biện pháp của tổ chức Đảng, Mặt trận
Việt Minh các tỉnh và sức mạnh đấu tranh quật cường của nhân dân để giành
lấy quyền độc lập, tự do. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở
các tỉnh Bắc Trung Bộ là thắng lợi của phương pháp, nghệ thuật chỉ đạo
khởi nghĩa sáng tạo, linh hoạt, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, kết hợp chặt
chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, giữa tuyên truyền,
thuyết phục, thương lượng với bạo lực… nhằm phân hóa và cô lập kẻ thù
đến cao độ, tranh thủ các lực lượng có thể tranh thủ được để giành thắng lợi
sớm và trọn vẹn. Đó là thắng lợi của tinh thần chủ động tiến công, nhận định
tình hình, chớp thời cơ và phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Ngoài những nét chung về phương thức khởi nghĩa như đã diễn ra tại nhiều
tỉnh, thành trong cả nước, tổ chức Đảng, Việt Minh một số tỉnh đã giải quyết
kịp thời và sáng tạo nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình giành chính quyền
tại một số phủ huyện, thành phố Vinh, thành phố Huế và các châu, phủ miền
núi của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An phù hợp với đặc điểm tình hình của từng
vùng, khu vực theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ đó, để lại
những nét độc đáo về phương thức giành chính quyền so với trong cả nước.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là
bước ngoặt trong tiến trình phát triển của các tỉnh, có ảnh hưởng lớn đối với
các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, có tác động đối với sự nghiệp cách
mạng của nước bạn Lào. Thắng lợi đó là bước tạo đà hết sức quan trọng để
nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ bước vào thời kì đấu tranh củng cố và bảo
vệ chính quyền dân chủ nhân dân; đồng thời góp phần phủ nhận các luận
điểm chưa xác thực của các nhà sử học nước ngoài về Cách mạng tháng
Tám năm 1945 ở Việt Nam.
4. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc
Trung Bộ có sự đóng góp quan trọng của tầng lớp thanh niên trí thức.
Trong giai đoạn đầy cam go thử thách của cách mạng các tỉnh Bắc
Trung Bộ (từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945), phong trào đấu tranh của học
sinh, hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, Hội Hướng đạo sinh ở một số
tỉnh đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền lòng yêu nước, mở rộng khối
đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy nhanh quá trình phân hóa trong các tầng lớp
tiểu tư sản, tăng cường thêm lực lượng ủng hộ cách mạng, tạo thêm sức mạnh
cho cuộc đấu tranh của các giai tầng khác, ngăn chặn âm mưu chia rẽ, phá
hoại cách mạng của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai. Sau ngày Nhật
đảo chính Pháp, nhiều thanh niên trí thức do liên lạc được với cơ sở ở Hà Nội
nên đã chủ động thành lập các tổ chức Việt Minh như ở Can Lộc (Hà Tĩnh),
thành phố Huế (Thừa Thiên) và đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành
chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên trí thức của tổ chức Thanh niên
xã hội, Hội Tân Việt Nam, Trường Thanh niên Tiền tuyến khi được cán bộ,
đảng viên vận động đã gia nhập các tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh,
trở thành một lực lượng chính trị to lớn, góp phần quan trọng tạo dựng ra lực
lượng vũ trang cách mạng của các tỉnh. Bản thân học viên Trường Thanh niên
Tiền tuyến là lực lượng vũ trang cách mạng với thành phần đặc biệt là thanh
niên trí thức. Đây được xem là lực lượng vũ trang nòng cốt đầu tiên của Việt
Minh Thuận Hóa bên cạnh lực lượng tự vệ cứu quốc của Việt Minh Nguyễn
Tri Phương. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, một số
nhóm thanh niên trí thức đã táo bạo, linh hoạt tổ chức khởi nghĩa giành chính
quyền thắng lợi như ở Can Lộc (Hà Tĩnh) hoặc trở thành lực lượng xung kích
cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như trường hợp các học viên Trường
Thanh niên Tiền tuyến ở thành phố Huế. Nhiều thanh niên trí thức còn đảm
trách các nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cách mạng ở một số
địa phương thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ.
5. Hơn 70 năm đã đi qua kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám
năm 1945, đất nước, xã hội và con người Việt Nam, trong đó có các tỉnh
Bắc Trung Bộ đã đạt được những bước tiến dài. Nghĩ về quá khứ, cuộc vận
động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn gợi mở
cho hiện tại những vấn đề thiết thực. Đó là về sự đoàn kết, thống nhất trong
nội bộ của tổ chức Đảng; về vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc sâu sát
thực tế, kịp thời dự báo, nắm bắt, giải đáp và tổng kết thực tiễn; là vấn đề
huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào nhân dân, là mối quan hệ gắn bó máu
thịt giữa Đảng và dân; là sự xã thân hi sinh, năng động, linh hoạt, dám nghĩ,
dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; là sự vận dụng sáng tạo đường lối,
chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương; là vấn đề xây
dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy yếu tố nội lực và bản lĩnh độc
lập tự chủ của nhân dân, của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, từ việc nhận
định tình hình, nắm bắt và chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm
1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ suy nghĩ cách tận dụng những thời cơ, vượt
qua các thách thức mới của thế giới, khu vực và của đất nước trong công
cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
HUE UNIVERSITY
COLLEGE OF EDUCATION
DO MANH HUNG
THE AUGUST REVOLUTION IN 1945
IN NORTH CENTRAL PROVINCES
Major: History of Viet Nam
Code: 62.22.03.13
THE SUMMARY OF DOCTORAL
DISSERTATION ON HISTORY
HUE - 2016
The work was completed at
College of Education - Hue University
The scientific supervisors:
1. Ass.Prof.Dr. Truong Cong Huynh Ky
2. Dr. Nguyen Van Hoa
Reviewer 1:
Reviewer 2:
Reviewer 3:
The dissertation was defended at the Council of
dissertation assessment of Hue University Council
at: …. on …./…./2016.
The dissertation can be further referred at the
Library College of Education - Hue University.
PUBLISHED RESEARCH WORKS OF THE AUTHOR
RELATED TO THE DISSERTATION
1. Do Manh Hung (2013), "The 1945 August Revolution in
Vietnam through the recognition and evaluation of French
researchers", Proceedings of Scietific Workshop on Vietnam
- France Relations: Past and present, Vietnam - France
Friendship Association in Thua Thien Hue province,
College of Education, College of Sciences - Hue University,
(April 2013), pages106-109.
2. Do Manh Hung (2014),"The Patriotic Revolutionary
Movemen in Quang Binh in 30 years in the early 20th
century", published in Scientific reports of the National
Conference on 410 years of formation and development of
Quang Binh, Political - Administrative Publishing House,
Hanoi, pages 456-467.
3. Do Manh Hung (2014), "Characteristics of the August
Revolution in 1945 in Quang Binh", published in Scientific
reports of the National Conference on 410 years of
formation and development of Quang Binh, Political -
Administrative Publishing House, Hanoi, pages 500-512.
4. Do Manh Hung (2014), "The Uprising to seize power in Ha
Tinh in August, 1945", Journal of Military History, No.
272, pages 22-26.
5. Do Manh Hung (2015), "The negotiations with the Japanese
army in the general uprising in August 1945 in the North
Central provinces", Journal of Military History, No. 285,
pages 12-17.
6. Do Manh Hung (2016), "The role of Viet Minh Nguyen Tri
Phuong to the victory of the August Revolution in 1945 in
Thua Thien Hue province", Journal of Hue University (got
published).
7. Do Manh Hung (2016), "Thua Thien Hue province in the
campaign of the August Revolution in 1945", Hue University
theses (pending acceptance).
INTRODUCTION
1. REASONS FOR CHOOSING THE TOPIC
In the process of Vietnam’s history in early modern period, the August
Revolution in 1945 is one of the great historical events, which marked a major
turning point in the nation's history. The August Revolution created the
preconditions for the development and victory of Vietnamese people from 1945 to
the present.
The August Revolution in 1945 is a scientific problem which has
been interested by many researchers at home and abroad and has made
remarkable achievements. Beside the general issues of the August
Revolution, a number of regional and local works have been accessed. The
campaign of the August Revolution in provinces has been studied but
mainly in descriptions and the characterization problems are almost not
mentioned. The 1945 August Revolution in North Central Coast is an
important issue but not yet studied comprehensively and systematically.
The North Central provinces contributed to the victory of the August
Revolution in 1945. This was a strategic area of the Central Coast. The ruling
apparatus and the military forces of the French colonialists and Japanese
fascists here were relatively strong. Therefore, North Central Coast was one of
the revolutionary centers of the country.
In the campaign of the August Revolution in 1945, the North Central
provinces played a critical role. This was one of the areas where first
uprisings to seize power succeeded, which directly terminated backward
feudalism and Tran Trong Kim government. The August Revolution
campaign in 1945 in North Central Coast had innovative features to gather
forces, methods and forms of insurrection to seize power. Therefore,
studying the August Revolution in 1945 in the North Central provinces has
scientific significance and deeply practical value.
For these above reasons, I chose the theme: “The August Revolution
in 1945 in the North Central provinces” as my Doctoral Research Topic.
2. OBJECT AND SCOPE OF THE RESEARCH:
2.1. Object of the research: The August Revolution in 1945 in the
North Central provinces.
2.2. Scope of the research:
- Place: North Central area under the leadership of the Regional Party
committee of the Central Vietnam, including the provinces of Thanh Hoa,
Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri and Thua Thien.
- Time: From September 1st
1939 to August 26th
1945-Time to
prepare and uprise to seize power in provinces.
3. RESEARCH PURPOSES AND TASKS
3.1. The research purpose: Recreating systematically and
comprehensively the campaign of the August Revolution in 1945 in the
North Central provinces.
3.2. The research tasks:
- Identifying the issues that need further studying of the August
Revolution in 1945 in the North Central provinces.
- Analyzing the historical context of the campaign of the August
Revolution in the North Central provinces.
- Presenting the preparation for the uprising to seize power in the
North Central provinces from September 1939 to August1945
- Clarifying the insurrection to seize power of the August Revolution
in 1945 in the North Central provinces.
- On that basis, analyzing characteristics, advantages and limitations, roles
and lessons learnt of the August Revolution in 1945 in the North Central
provinces.
4. RESEARCH RESOURCES AND METHODS
4.1. Research resources
- Written resources:
+ Published resources
+ Archives
- Fieldwork
4.2. Research methods
- The methodology of the thesis is the view of Marxism - Leninism,
the Communist Party of Vietnam and Ho Chi Minh thought on violent
revolution, building the Party, mobilizing the masses, building armed forces,
especially insurrection to seize power.
- The thesis was written on the basic of combining the historical
method, logical method and specific methods as description, analysis,
synthesis; simultaneously, using statistical methods, comparative and
interdisciplinary methods such as fieldwork, interviewing witnesses, etc.
5. CONTRIBUTIONS OF THE THESIS
Firstly, reappearing a panoramic history of the August Revolution in
1945 in the North Central provinces.
Secondly, drawing characteristics in the relationship among the 1945
August Revolution in the North Central provinces, the Northern Delta
provinces, the Southern Central Coastal provinces and the Southern
provinces; pointed out the advantages and limitations; roles; reasons of
victory and lessons learned.
Thirdly, providing a relatively complete documentation of the August
Revolution in 1945 in the North Central provinces.
Fourthly, the thesis is a reference to research and study the August
Revolution in 1945 at university and college; contributing to the revolutionary
and patriotic education for the strata in the North Central provinces, the useful
materials to help teachers in secondary schools to compile and teach local
history section.
6. STRUCTURE OF THE THESIS
In addition to the introduction, conclusion, references, appendices,
the thesis includes 4 chapters:
Chapter 1: Overview of the study related to the thesis.
Chapter 2: The process of preparing the uprising to seize power in
the North Central provinces (from 9-1939 to 3-1945).
Chapter 3: Rush preparation for all aspects and insurrection to seize
power in the North Central provinces (from 3-1945 to 8-1945).
Chapter 4: Comments and lessons learned.
Chapter 1
OVERVIEW OF THE STUDY RELATED TO THE THESIS
1.1. RESEARCH ISSUES
The North Central provinces are located along the coast, from 16o
to
20o
30' north latitude and from 1060
02’
to 1080
02’
east longitude including
Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri, Thua Thien Hue.
The August Revolution in 1945 is a major scientific theme, attracting
many researchers to study. There were many works published and mentioned
in different aspects related to the 1945 August Revolution in general and in
the North Central provinces in particular.
1.2. SITUATION RESEARCH
1.2.1. The works on the 1945 August Revolution in Vietnam
1.2.1.1. The national study
This group includes typical works such as: Truong Chinh (1946), The
August Revolution; Institute of History (1960), The August Revolution - The
Uprising in Hanoi and other localities; The Central Commission for the
research of Party History (1967), Studying the nature and characteristics of
the August Revolution; Truong Chinh (1975),
The Vietnamese People’s Democratic National Revolution; Party History
Institute (1985), The general uprising of August 1945; Party History Institute
(1995), History of the Revolution of August 1945; Ngo Van Minh (2005), The
August Revolution in the Southern Central Coastal provinces; Nguyen Dinh
Ca (2010), The general uprising of August 1945 in North Delta, etc.
The research works above focused on clarifying the historical
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

More Related Content

What's hot

Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí MinhNhững chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí MinhVuKirikou
 
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộc
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộcTư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộc
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộcAnh Dũng Phan
 
Lời mở đầu
Lời mở đầuLời mở đầu
Lời mở đầuánh linh
 
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật Thao An
 
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩaTiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩaThích Hô Hấp
 
Giáo trình lịch sử kinh tế
Giáo trình lịch sử kinh tếGiáo trình lịch sử kinh tế
Giáo trình lịch sử kinh tếbookboomingslide
 
81 cau hoi tu luan cn mac lenin
81 cau hoi tu luan cn mac lenin81 cau hoi tu luan cn mac lenin
81 cau hoi tu luan cn mac leninvanadinh2019
 
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh Quỹ Sống
 
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Thạch quyển và các dạng địa hình
Thạch quyển và các dạng địa hìnhThạch quyển và các dạng địa hình
Thạch quyển và các dạng địa hìnhNguyen Van Hung
 
Cách mạng tháng 8
Cách mạng tháng 8Cách mạng tháng 8
Cách mạng tháng 8Hoa Phượng
 
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí LẬP DỰ ÁN VIỆT
 
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MR
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MRcương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MR
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MRJoseph Hung
 

What's hot (20)

Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí MinhNhững chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những chuẩn mực đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh
 
HÀNH VI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC - TẢI FREE ZALO: 093...
HÀNH VI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC - TẢI FREE ZALO: 093...HÀNH VI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC - TẢI FREE ZALO: 093...
HÀNH VI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC - TẢI FREE ZALO: 093...
 
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộc
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộcTư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộc
Tư tưởng hồ chí minh về vấn đề dân tộc
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Lời mở đầu
Lời mở đầuLời mở đầu
Lời mở đầu
 
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật
Xây dựng chương trình Giáo dục nghệ thuật
 
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩaTiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
Tiểu luận “Bản chất nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa
 
Giáo trình lịch sử kinh tế
Giáo trình lịch sử kinh tếGiáo trình lịch sử kinh tế
Giáo trình lịch sử kinh tế
 
81 cau hoi tu luan cn mac lenin
81 cau hoi tu luan cn mac lenin81 cau hoi tu luan cn mac lenin
81 cau hoi tu luan cn mac lenin
 
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh
Giới thiệu dự án Hạnh phúc Xanh
 
TIỂU LUẬN Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởn...
TIỂU LUẬN  Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởn...TIỂU LUẬN  Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởn...
TIỂU LUẬN Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tư tưởn...
 
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
Những đặc điểm truyền thống của con người việt nam trong qúa trình công nghiệ...
 
Thạch quyển và các dạng địa hình
Thạch quyển và các dạng địa hìnhThạch quyển và các dạng địa hình
Thạch quyển và các dạng địa hình
 
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn duLuận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
 
Cách mạng tháng 8
Cách mạng tháng 8Cách mạng tháng 8
Cách mạng tháng 8
 
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí
Thuyết minh dự án nhà máy gia công cơ khí
 
Luận văn: Kiến trúc cảnh quan khu đô thị Cienco 5, quảng ninh
Luận văn: Kiến trúc cảnh quan khu đô thị Cienco 5, quảng ninhLuận văn: Kiến trúc cảnh quan khu đô thị Cienco 5, quảng ninh
Luận văn: Kiến trúc cảnh quan khu đô thị Cienco 5, quảng ninh
 
Luận văn:Quản lý Nhà nước về môi trường tại tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn:Quản lý Nhà nước về môi trường tại tỉnh Quảng NgãiLuận văn:Quản lý Nhà nước về môi trường tại tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn:Quản lý Nhà nước về môi trường tại tỉnh Quảng Ngãi
 
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MR
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MRcương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MR
cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng MR
 

Similar to Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhLuận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...NuioKila
 
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...nataliej4
 
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...nataliej4
 
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdfquangquang1534
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Wild Wolf
 
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdf
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdfBài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdf
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdfmaimai23102002
 
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docx
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docxN05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docx
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docxThyLinh700645
 
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạng
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạngKinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạng
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạngHồng Nhung (Ỉn con)
 
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdf
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdfBM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdf
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdfThaoNguyen480108
 

Similar to Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (20)

Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh HòaTổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
 
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhLuận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
 
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
 
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
 
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống MỹPhong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
 
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
 
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nướcLuận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước
 
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...
Luận văn: Chủ trương Duy Tân về kinh tế của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việ...
 
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...
GIÁO ÁN Bài Đảng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chủ...
 
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf
3. Tuần 1.1. Slide LSĐCSVN - Chương mở đầu.pdf
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]
 
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdf
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdfBài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdf
Bài giảng điện tử LSĐCSVN - Chương 1.1.pdf
 
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
 
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A LướiLuận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới
 
Đấu tranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ
Đấu tranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống MỹĐấu tranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ
Đấu tranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ
 
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docx
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docxN05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docx
N05_2 - Bản báo cáo giữa kì.docx
 
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạng
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạngKinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạng
Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động báo chí trước cách mạng
 
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAYLuận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
 
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdf
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdfBM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdf
BM TTHCM.Bài giảng môn Lịch sử Đảng CSVN-đã mở khóa.pdf
 
Luận án: Đảng vận động trí thức trong đấu tranh giải phóng dân tộc
Luận án: Đảng vận động trí thức trong đấu tranh giải phóng dân tộcLuận án: Đảng vận động trí thức trong đấu tranh giải phóng dân tộc
Luận án: Đảng vận động trí thức trong đấu tranh giải phóng dân tộc
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docxNỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx7E26NguynThThyLinh
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTrangL188166
 
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìchủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìanlqd1402
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfXem Số Mệnh
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...cogiahuy36
 
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxGame-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxxaxanhuxaxoi
 
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"LaiHoang6
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ haoBookoTime
 
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam........................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......thoa051989
 
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayGiáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayLcTh15
 
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfGIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfHngNguyn271079
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docxNỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
NỘI DUNG HỌC THI ôn thi môn LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
50 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docxTổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
Tổng hợp Ngữ pháp Tiếng Anh 11 cho học sinh.docx
 
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kìchủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
chủ nghĩa xã hội khoa học về đề tài cuối kì
 
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdfGieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
Gieo quẻ kinh dịch, xin xăm,Xin lộc thánh.pdf
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA NHÂN DÂN, DO NHÂN DÂN, VÌ NHÂN DÂN VÀ VẬ...
 
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptxGame-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
Game-Plants-vs-Zombies để ôn tập môn kinh tế chính trị.pptx
 
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
syllabus for the book "Tiếng Anh 6 i-Learn Smart World"
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
 
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
1第一课:你好.pptx. Chinese lesson 1: Hello.Nỉ hao
 
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam........................KHTN 9....................................Viet Nam.......
.................KHTN 9....................................Viet Nam.......
 
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayGiáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
 
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdfGIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
GIẢI-ĐỀ-CƯƠNG-NHẬP-MÔN-KHOA-HỌC-XÃ-HỘI-VÀ-NHÂN-VĂN-KHIÊM-BK69.pdf
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
GIÁO TRÌNH BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI THCS VÀ THI VÀO 10 THPT CHUYÊN MÔN TIẾNG A...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

  • 1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐỖ MẠNH HÙNG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62.22.03.13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HUẾ - NĂM 2016
  • 2. Công trình được hoàn thành tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Người hướng dẫn khoa học 1. PGS.TS. TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ 2. TS. NGUYỄN VĂN HOA Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm Luận án cấp Đại học Huế tại: Vào hồi ....giờ..... ngày ..... tháng .... năm 2016 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Đại học Sư phạm - Đại học Huế
  • 3. DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Đỗ Mạnh Hùng (2013), “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam qua sự nhìn nhận, đánh giá của một số nhà nghiên cứu Pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quan hệ Việt - Pháp: Quá khứ và hiện tại, Hội Hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, (tháng 4-2013), tr.106-109. 2. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Phong trào yêu nước và cách mạng Quảng Bình 30 năm đầu thế kỉ XX”, in trong Báo cáo khoa học Hội thảo Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.456-467. 3. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Đặc điểm Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Bình”, in trong Báo cáo khoa học Hội thảo Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.500-512. 4. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Hà Tĩnh”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 272, tr.22-26. 5. Đỗ Mạnh Hùng (2015), "Các cuộc thương lượng với quân đội Nhật trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ", Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 285, tr.12-17. 6. Đỗ Mạnh Hùng (2016), "Vai trò của Việt Minh Nguyễn Tri Phương đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế", Tạp chí Khoa học Đại học Huế (đã nhận đăng). 7. Đỗ Mạnh Hùng (2016), "Thừa Thiên Huế trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945", Đề tài cấp Đại học Huế (đang chờ nghiệm thu).
  • 4. MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong tiến trình lịch sử Việt Nam thời cận hiện đại, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám đã tạo ra những tiền đề cho sự phát triển và thắng lợi của dân tộc Việt Nam từ 1945 đến nay. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một vấn đề khoa học được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh những vấn đề chung của Cách mạng tháng Tám, một số công trình mang tính khu vực và địa phương đã được tiếp cận. Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh đã được nghiên cứu nhưng chủ yếu còn dưới dạng mô tả, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa được đề cập. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ là một vấn đề quan trọng nhưng chưa được các nhà sử học nghiên cứu toàn diện và có hệ thống. Đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là địa bàn chiến lược của xứ Trung Kì. Bộ máy cai trị cũng như lực lượng quân sự của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở đây tương đối mạnh. Vì vậy, Bắc Trung Bộ là một trong những trung tâm cách mạng của cả nước. Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ có một vị trí, vai trò quan trọng. Đây là một trong những khu vực diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất ở tỉnh lị, trực tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu và Chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ có nét sáng tạo về tập hợp lực lượng, phương thức khởi nghĩa và hình thái giành chính quyền. Vì vậy, nghiên cứu Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là việc làm có ý nghĩa về mặt khoa học và có giá trị thực tiễn sâu sắc. Vì những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” làm đề tài Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 2.2. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian: Khu vực Bắc Trung Bộ đặt dưới lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kì, bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. - Về thời gian: Từ ngày 1-9-1939 đến ngày 26-8-1945, là thời gian trực tiếp chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh.
  • 5. 3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 3.1. Mục đích nghiên cứu: Tái hiện có hệ thống và toàn diện về cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tổng quan về vấn đề nghiên cứu để xác định các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. - Phân tích bối cảnh lịch sử của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. - Trình bày công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ tháng 9-1939 đến tháng 8-1945. - Làm sáng tỏ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. - Trên cơ sở đó, phân tích đặc điểm; ưu điểm, hạn chế; vai trò và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Nguồn tư liệu nghiên cứu - Nguồn tài liệu thành văn + Tài liệu đã công bố + Tài liệu lưu trữ - Nguồn tài liệu khảo sát điền dã 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng, xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là khởi nghĩa giành chính quyền. - Trong luận án, chúng tôi kết hợp phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic và các phương pháp cụ thể của chuyên ngành như miêu tả, phân tích, tổng hợp; đồng thời, sử dụng phương pháp thống kê, so sánh và các phương pháp liên ngành như điền dã, phỏng vấn nhân chứng... 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN Thứ nhất, tái hiện toàn cảnh bức tranh lịch sử về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Thứ hai, rút ra đặc điểm đặt trong mối quan hệ đối sánh Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ; nêu lên ưu điểm, hạn chế; vai trò và bài học kinh nghiệm. Thứ ba, cung cấp hệ thống tư liệu tương đối hoàn chỉnh về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Thứ tư, luận án là tài liệu tham khảo để nghiên cứu và học tập Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở bậc đại học và cao đẳng; góp phần giáo dục
  • 6. truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, là tài liệu bổ ích giúp giáo viên ở các trường trung học phổ thông biên soạn và giảng dạy phần lịch sử địa phương trong chương trình lịch sử. 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Chương 2: Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945). Chương 3: Gấp rút chuẩn bị về mọi mặt và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 3-1945 đến tháng 8-1945). Chương 4: Một số nhận xét về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Các tỉnh Bắc Trung Bộ nằm dọc theo ven biển, từ 160 đến 200 30’ vĩ độ Bắc và từ 1060 02’ đến 1080 02’ kinh độ Đông bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một chủ đề khoa học lớn, hấp dẫn, thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói chung và ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã có nhiều công trình được công bố, đề cập đến những khía cạnh khác nhau. 1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.2.1. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam 1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước Ở nhóm này gồm các công trình tiêu biểu như: Trường Chinh (1946), Cách mạng tháng Tám; Viện Sử học (1960), Cách mạng tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương; Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1967), Tìm hiểu tính chất và đặc điểm của Cách mạng tháng Tám; Trường Chinh (1975), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam; Viện Lịch sử Đảng (1985), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945; Viện Lịch sử Đảng (1995), Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945; Ngô Văn Minh (2005), Cách mạng tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ; Nguyễn Đình Cả (2010), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở đồng bằng Bắc Bộ;… Các công trình nghiên cứu trên đây đã tập trung làm sáng tỏ về bối
  • 7. cảnh lịch sử, quá trình chuẩn bị lực lượng, diễn biến, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Một số công trình đã đề cập đến diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ. 1.2.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước Paul Mus (1952), Vietnam, Sociologie d’une guerre; Chales Fourniau (1961), “Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam”; Stein Tonnesson (1991), The Vietnamese Revolution of 1945, Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a world at war; David G.Marr (1995), Vietnam 1945. The quest for power, University of California press;… Các công trình nghiên cứu trên đã có một số đánh giá hợp lí về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên một số tác giả chưa thấu hiểu được vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và tính chủ động của nhân dân Việt Nam trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Các công trình nghiên cứu ít đề cập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 1.2.1.3. Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ và các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1963), Cuộc tọa đàm về Cách mạng tháng Tám; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (2010); Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ; Nguyễn Văn Trung (2012), Báo chí của các cấp Đảng bộ Trung Kì trong những năm 1930 - 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử; Trần Huy Liệu (1956), “Mấy nét đặc biệt về Cách mạng tháng Tám”, Tập san Văn Sử Địa, số 20; Nguyễn Công Bình (1960), “Bàn về tính chất Cách mạng tháng Tám”, Nghiên cứu Lịch sử, số 17; Lương Sơn Châu (1970), “Vấn đề thời cơ - Từ khởi nghĩa tháng Mười Nga đến khởi nghĩa tháng Tám của Việt Nam, Nội san Nghiên cứu Lịch sử Đảng, số 03; Thanh Đạm (1975), “Nghiên cứu vấn đề tầng lớp trung gian trong thời kì Cách mạng tháng Tám”, Nghiên cứu Lịch sử, số 163; Nguyễn Thành (1990), “Cách mạng tháng Tám 1945 trong dư luận chính trị ở Pháp”, Nghiên cứu Lịch sử, số 04; Văn Tạo (2005), “Cách mạng tháng Tám - thắng lợi của đường lối chiến lược, sách lược chủ động và sáng tạo của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 739; Nguyễn Hoàng Giáp (2010), “Tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 08;… Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ và bài nghiên cứu trên đã cung cấp những tư liệu mới, đặt ra nhiều vấn đề và đánh giá mới về Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trên cơ sở tập hợp các bài viết chuyên khảo, chúng tôi đã có sự đối chứng, so sánh, mở rộng những nhận định, đánh giá về cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 1.2.2. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
  • 8. các tỉnh Bắc Trung Bộ 1.2.2.1. Các công trình lịch sử địa phương Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thanh Hóa (1966); Sơ giản lịch sử Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945); Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (1966), Cách mạng tháng Tám 1939 - 1945; Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1966), Thời kì Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945); Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Bình (1974), Lịch sử Cách mạng tháng Tám Quảng Bình (sơ thảo); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (1993), Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (1995), Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1995), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (1996), Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1998), Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập 1 (1930 - 1954); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 1954);... Những công trình trên mới chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện lịch sử có liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng của nhân dân tại các địa phương, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa được đề cập. Có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết thấu đáo hoặc còn đang tranh luận hay xác minh. Hầu hết các công trình ít khai thác và sử dụng nguồn tư liệu của chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật. 1.2.2.2. Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (2015), Trí thức và tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám - 70 năm nhìn lại, Kỉ yếu Hội thảo khoa học; Nguyễn Thị Đảm (1994), Công nhân xí nghiệp vôi thủy Long Thọ (1896 - 1945), Luận án Phó tiến sĩ khoa học Lịch sử; Trần Văn Thức (2003), Quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An thời kì 1939 - 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử; Nguyễn Tất Thắng (2012), Phong trào yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử; Lê Thị Tuyết Nhung (2011), Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Trị, Luận văn Thạc sĩ sử học; Trần Văn Thức (2003), “Góp phần làm sáng tỏ thêm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An”, Nghiên cứu Lịch sử, số 01;… 1.2.3. Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình nghiên cứu giải quyết Vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” bước đầu đã được các nhà nghiên cứu đề cập ở một số góc độ khác nhau. Tuy nhiên, do mục đích của các công trình, cho đến nay vẫn chưa có một công
  • 9. trình nghiên cứu thật sự có tính hệ thống, toàn diện về vấn đề này dưới góc độ khu vực. 1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU Trên cơ sở khảo cứu nguồn tài liệu từ nhiều phía, phân tích chính sách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và Nam triều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ năm 1939 đến năm 1945, nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ như: Những thủ đoạn vừa đàn áp khủng bố quyết liệt lực lượng cách mạng trên địa bàn, vừa mua chuộc thâm độc nhằm lôi kéo, dụ dỗ những phần tử nhẹ dạ, cả tin, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng các cấp và khối đại đoàn kết các dân tộc ở Bắc Trung Bộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tái hiện một cách chi tiết và đầy đủ về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ năm 1939 đến năm 1945 trên các khía cạnh cụ thể như: Sự vận dụng đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương; quá trình xây dựng, khôi phục và thống nhất tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa; tập dượt quần chúng đấu tranh. Mặt khác, cần làm sáng tỏ quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trên các phương diện: Phong trào khởi nghĩa từng phần; việc nhận định tình hình, chớp thời cơ, chủ động đề ra kế hoạch khởi nghĩa và diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Phân tích vai trò của tầng lớp thanh niên trí thức trong quá trình giành chính quyền ở một số địa phương. Rút ra những ưu điểm và hạn chế của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hơn nữa, cần làm nổi rõ đặc điểm về quá trình chuẩn bị, hình thái vận động, phương thức khởi nghĩa giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ qua sự đối sánh với Cách mạng tháng Tám ở các khu vực lân cận. Mặt khác, phân tích vai trò của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong toàn quốc và đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào. Đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh, mà những kinh nghiệm đó có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ở Bắc Trung Bộ hiện nay. Chương 2 QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ THÁNG 9-1939 ĐẾN THÁNG 3-1945) 2.1. TÌNH HÌNH CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI 2.1.1. Điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và
  • 10. truyền thống yêu nước, cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ trước năm 1930 2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên Trên một miền đất rộng, địa hình Bắc Trung Bộ rất đa dạng, có đủ rừng núi, trung du, đồng bằng và thềm lục địa. Bắc Trung Bộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa lớn, đồng bằng hẹp ngang, khiến cho hệ thống sông ngòi ở đây có những nét đặc thù. Phần lớn các con sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua nhiều miền địa hình, chủ yếu là rừng núi nên sông ngắn, dốc, nước chảy xiết. Lưu lượng nước không nhiều, phụ thuộc vào chế độ mưa. 2.1.1.2. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Các tỉnh Bắc Trung Bộ với thành phố Huế là kinh đô của Nam triều, cũng là nơi tập trung bộ máy cai trị của xứ Trung Kì bảo hộ. Triều đình phong kiến đứng đầu là nhà vua, quan lại, hoàng tộc và 6 bộ đã trở thành phương tiện phục vụ cho thực dân Pháp. Mọi hoạt động của triều đình đều bị chi phối bởi Khâm sứ Trung Kì. Tại các tỉnh, chính quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp nắm hết mọi quyền hành chính và tư pháp. Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1896), thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô ngày càng lớn đã tạo nên sự chuyển biến đáng kể của các khu vực kinh tế ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, hệ thống trường học các cấp và cơ sở y tế có bước phát triển so với thời gian trước. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã dẫn đến sự phân hóa giai cấp trong xã hội ở các tỉnh ngày càng sâu sắc. Trừ một bộ phận tư sản mại bản và đại địa chủ có quyền lợi gắn chặt với thực dân Pháp, cấu kết với chúng, còn đại bộ phận địa chủ vừa và nhỏ, tiểu tư sản và tư sản dân tộc đều có mâu thuẫn với thực dân Pháp, có tinh thần dân tộc. Giai cấp nông dân và công nhân bị áp bức bóc lột hết sức nặng nề, là lực lượng đông đảo và hăng hái của cách mạng. Các điều kiện kinh tế, xã hội trên đây là tiền đề thúc đẩy nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ bước sang thời kì đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 2.1.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã kiên quyết đứng lên giết giặc cứu nước. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (1874) do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Trần Quang Cán lãnh đạo nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX, Bắc Trung Bộ là khu vực mà phong trào đạt đến đỉnh cao, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Bắc Trung Bộ là địa bàn chiến lược của phong trào yêu nước ở Việt
  • 11. Nam đầu thế kỉ XX. Ngày 14-7-1925, các chính trị phạm mới ra tù và một số thanh niên tân học tổ chức cuộc họp tại núi Con Mèo (Vinh - Bến Thủy) quyết định thành lập Hội Phục Việt. Có thể thấy, trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hun đúc được cho mình một bản sắc riêng, đó là sự cố kết với nhau để chống kẻ thù chung. 2.1.2. Sự ra đời của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ những năm 1930 - 1939 2.1.2.1. Sự ra đời của tổ chức Đảng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Sự hoạt động tích cực của lớp người cộng sản đầu tiên như: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh… đã dẫn đến sự ra đời, đoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3-1930, Phân cục Trung ương Đảng tại Trung Kì được thành lập và đến giữa năm 1930 đổi tên thành Xứ ủy Trung Kì do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Sau khi thành lập, Xứ ủy cử cán bộ, đảng viên về các tỉnh để xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức Đảng. Tính đến cuối năm 1930 phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ hình thành được hệ thống đảng bộ, gồm 6 ban tỉnh ủy: Vinh (3-1930), Nghệ An (3- 1930), Hà Tĩnh (3-1930), Quảng Trị (4-1930), Thừa Thiên (4-1930), Thanh Hóa (7-1930); 20 thị ủy và huyện ủy; trên 239 chi bộ, 1.440 đảng viên. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập tại các tỉnh đánh dấu bước phát triển quan trọng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại khu vực này. 2.1.2.2. Phong trào cách mạng của nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ những năm 1930 - 1939 Dựa vào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” (2-1930) và “Luận cương chính trị” (10- 1930), Xứ ủy Trung Kì phát động quần chúng đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, đòi quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, tổ chức Đảng các tỉnh Bắc Trung Bộ vận động quần chúng đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ. Tiêu biểu là đợt đấu tranh kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 diễn ra ở tất cả các tỉnh. Sau đợt đấu tranh ngày 1-5-1930, phong trào tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ đầu tháng 9-1930 trở đi, phong trào cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh phát triển ngày càng quyết liệt, riêng ở Nghệ An và Hà Tĩnh nổ ra 1.209 cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân. Cơn bão táp cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh dâng lên mạnh mẽ, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi, đưa đến việc thành lập chính quyền Xô viết ở 200 làng thuộc tỉnh Nghệ An và 172 làng ở Hà Tĩnh. Trước tình hình đó, thực dân Pháp tiến hành
  • 12. “khủng bố trắng”. Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kì ra nghị quyết phát động quần chúng nhân dân đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ. Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kì, tại các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa, truyền đơn xuất hiện ở nhiều nơi kêu gọi ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ và phản đối chính sách khủng bố của thực dân Pháp. Bên cạnh đó, các cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra ở các tỉnh. Trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp tập trung lực lượng và sử dụng các thủ đoạn thâm độc để đối phó. Do đó, từ giữa năm 1931, phong trào tạm lắng và chuyển sang một giai đoạn đấu tranh mới. Mặc dù bị tổn thất nặng nề nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn thể hiện tinh thần kiên cường bất khuất, đấu tranh để khôi phục phong trào trong những năm 1932 - 1935. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của tù chính trị ở nhà lao các tỉnh. Cuộc đấu tranh để phục hồi và phát triển hệ thống tổ chức Đảng đạt được những kết quả quan trọng, đỉnh cao là việc lập lại các Tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và hệ thống cơ sở đảng ở các huyện, tổng, làng. Phong trào đấu tranh từng bước được khôi phục với sự xuất hiện các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Trước sự phục hồi và phát triển của phong trào, thực dân Pháp tiến hành khủng bố. Đến cuối năm 1935, tổ chức Đảng các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên lần lượt bị vỡ. Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, tháng 7-1936 Hội nghị Trung ương Đảng họp ở Thượng Hải để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Tỉnh ủy các tỉnh được lập lại: Nghệ An (9-1936), Hà Tĩnh (10-1936), Thừa Thiên (4-1937), Quảng Trị (7-1937). Đến thời gian này, Quảng Bình vẫn chưa lập được Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, phong trào đấu tranh ở các tỉnh chuyển sang một giai đoạn mới. Mở đầu là phong trào vận động tổ chức Đông Dương đại hội năm 1936, tiếp đến là các cuộc đón Godart đầu năm 1937. Trong những năm 1937 - 1938, tổ chức Đảng các tỉnh hai lần vận động bầu cử thắng lợi cho các ứng cử viên của Mặt trân dân chủ vào Viện Dân biểu Trung Kì và đấu tranh chống “Dự án tăng thuế” năm 1938. Các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân và nông dân liên tiếp nổ ra. Ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh còn có phong trào đòi “Phòng thủ Đông Dương” và cuộc vận động ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống phát xít Nhật. Kết quả của phong trào dân chủ 1936 - 1939 là một trong những tiền đề để các tỉnh Bắc Trung Bộ tiến hành công cuộc chuẩn bị giải phóng dân tộc. 2.2. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN 2.2.1. Bối cảnh lịch sử và sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương 2.2.1.1. Tình hình trong nước và các tỉnh Bắc Trung Bộ
  • 13. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến công phong trào cách mạng Việt Nam. Chính quyền thuộc địa thực hiện chính sách “kinh tế chiến tranh” nhằm cung cấp tối đa tiềm lực của Đông Dương cho chính quốc. Tháng 9-1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Nhân dân Đông Dương phải chịu ách thống trị của cả Pháp lẫn Nhật. Được sự hậu thuẫn của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhiều đảng phái và nhóm chính trị được thành lập. Ngày 5-10-1939, Bảo Đại ban hành đạo dụ cấm tất cả các cuộc hội họp tuyên truyền cộng sản ở Trung Kì và tịch thu các loại sách báo tiến bộ. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, thực dân Pháp tiến hành cuộc tổng điều tra dân số, sắp xếp lại hệ thống hành chính nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện chính sách khai thác, bóc lột. Sau hiệp ước ngày 23-7-1941, phát xít Nhật bắt đầu đưa quân vào các tỉnh. Thừa Thiên, Quảng Trị, Nghệ An và Thanh Hóa trở thành các căn cứ quân sự quan trọng của Nhật. Ở Bắc Trung Bộ, phần tử thân Nhật “sáng giá” nhất là Ngô Đình Diệm. Giữa năm 1943, Ngô Đình Diệm cử Phan Thúc Ngộ sang Nhật bắt liên lạc với Cường Để, đồng thời giao Đỗ Mậu thảo một kế hoạch, chuẩn bị cho Cường Để về nước lập chính phủ thân Nhật. Đi đôi với chính sách khủng bố về chính trị, thực dân Pháp tăng cường bóc lột về kinh tế để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Nhân cơ hội chiến tranh, tư sản mại bản, tư sản nước ngoài ở các tỉnh Bắc Trung Bộ ra sức vơ vét hàng hóa, đầu cơ tích trữ làm cho hàng hóa càng khan hiếm. Ở các vùng nông thôn, tầng lớp địa chủ, quan lại, kể cả tổng lí cũng dùng đủ mọi mưu mẹo để bóc lột nhân dân. Vì vậy, đời sống của nông dân và công nhân hết sức khó khăn. Đời sống của tiểu tư sản, tư sản, địa chủ vừa và nhỏ cũng sa sút. Không có con đường nào khác, họ phải vùng dậy đấu tranh để lật đổ ách thống trị bạo tàn, thiết lập nên một chế độ xã hội mới. 2.2.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương Từ Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đến Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng đấu tranh trong tình hình mới với các nội dung quan trọng như: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian phản quốc chia cho dân cày, tiến hành giảm tô, giảm tức, chia lại công điền cho hợp lí, tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng; tăng cường mặt trận dân tộc thống nhất; nhấn mạnh đến sự đoàn kết ba dân tộc ở Đông Dương; chủ trương về khởi nghĩa vũ trang và dự kiến hình thái khởi nghĩa là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. 2.2.2. Kết hợp chuẩn bị với đấu tranh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
  • 14. 2.2.2.1. Khôi phục tổ chức cơ sở Đảng sau các đợt khủng bố của thực dân Pháp Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội nhưng sau một thời gian, tổ chức Đảng ở phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ được củng cố lại và có bước phát triển. Tính đến tháng 3-1945, 4/6 tỉnh ở Bắc Trung Bộ có tổ chức Đảng là Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; trong đó 2 tỉnh có cơ quan tỉnh ủy lãnh đạo là Thanh Hóa, Thừa Thiên. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có đảng viên hoạt động song không lập lại được tổ chức Đảng. Tuy chưa được đều khắp, thiếu vững chắc nhưng sự khôi phục lại bộ máy lãnh đạo các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hệ thống tổ chức của Đảng và trong lãnh đạo phong trào cách mạng. 2.2.2.2. Xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng Xây dựng lực lượng chính trị Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11- 1939, tổ chức Đảng các tỉnh chủ trương chuyển các tổ chức quần chúng từ công khai thành các đoàn thể “phản đế”, nhờ đó hệ thống tổ chức quần chúng có những nơi lên đến cấp huyện. Các tổ chức xã hội như Thanh niên Phật tử, Thanh niên thể dục thể thao, Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập, thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên, trí thức, tín đồ Phật tử trên địa bàn các tỉnh. Sau khi nhận được “Nghị quyết Trung ương 8”, từ đầu cho đến cuối năm 1942, tổ chức Đảng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên đã thành lập Ủy ban Việt Minh hay Ủy ban vận động Việt Minh ở một số nơi, đồng thời chuyển các hội phản đế thành các hội cứu quốc, cơ sở Việt Minh hình thành ở Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định (Thanh Hóa); Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An); Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị), Phong Điền, Huế, Phú Lộc (Thừa Thiên). Đầu năm 1943, tổ chức Đảng ở Hà Tĩnh vẫn chưa liên lạc được với Trung ương. Trước tình hình đó, một số cán bộ đã thành lập một tổ chức cách mạng, lấy tên là Hội Việt Nam cứu quốc. Sau khi thành lập, Hội Việt Nam cứu quốc Hà Tĩnh bắt liên lạc được với tổ chức Đảng ở Nghệ An, nhận được các tài liệu của Mặt trận Việt Minh. Tháng 4-1943, Hội Việt Nam cứu quốc Hà Tĩnh đổi thành Mặt trận cứu quốc. Mặt trận cứu quốc Hà Tĩnh đã tích cực xây dựng cơ sở ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê. Điểm nổi bật trong xây dựng lực lượng chính trị ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là sự phát triển của Hội truyền bá quốc ngữ. Thông qua hoạt động của Hội, nhiều giáo viên và thanh niên đã liên lạc với tổ chức thanh niên cứu quốc, trở thành cán bộ của quần chúng và Mặt trận Việt Minh. Xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa
  • 15. Đầu năm 1941, Xứ ủy lâm thời Trung Kì chủ trương tiến hành vũ trang toàn dân chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kì, các tỉnh Bắc Trung Bộ tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa. Tại Thanh Hóa, trên cơ sở Hội phản đế cứu quốc phát triển mạnh, các cán bộ, đảng viên chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ, du kích ở các làng, tổng và trong số đó lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn xây dựng các tiểu tổ du kích. Cuối tháng 7-1941, chiến khu Ngọc Trạo được thành lập. Ngày 19-9-1941, thành lập đội du kích Ngọc Trạo gồm 21 chiến sĩ, đến cuối tháng 9-1941, quân số của đội lên tới 84 người và được phiên chế theo từng bộ môn. Ngày 18-10-1941, thực dân Pháp huy động 500 lính và hàng ngàn tuần đinh, chia làm bốn cánh quân bao vây chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên tối ngày 19-10-1941 đội du kích đã bí mật rút khỏi Ngọc Trạo, sau đó phân tán lực lượng về địa phương. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng chiến khu Ngọc Trạo là đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc ở Thanh Hóa, có ảnh hưởng lớn đối với nhân dân địa phương và các tỉnh xung quanh. Tháng 3-1942, Ban liên lạc Đảng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thành lập đội tự vệ gồm 13 chiến sĩ. Tại Phú Lộc (Thừa Thiên), tháng 7- 1942, thành lập đội tự vệ gồm 7 chiến sĩ, trang bị giáo mác, dao găm. Tháng 4-1943, Mặt trận cứu quốc Hà Tĩnh thành lập các đội tự vệ. Các căn cứ du kích ở Ngàn Trươi và Truông Bát (Hương Khê) được xây dựng. Dưới hình thức các nhóm học võ dân tộc, Việt Minh Thanh Hóa chọn lựa một số người có đủ tiêu chuẩn vào các đội tự vệ cứu quốc. Tháng 3-1944, Tỉnh ủy Thanh Hóa mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại Nga Sơn. Sau khi Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”, các tỉnh Bắc Trung Bộ đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Tại Thừa Thiên, giữa năm 1944, Huyện ủy Phú Lộc tiến hành củng cố và phát triển đội tự vệ Diêm Trường. Ngày 24-6-1944, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đề ra chủ trương gấp rút mở thêm nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn, mỗi huyện, phủ phải có một địa điểm bí mật huấn luyện chính trị, quân sự. Phong trào luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi ở các phủ huyện. Tại Hội nghị Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được tổ chức vào ngày 3-3-1945 chủ trương các đội tự vệ tiến hành tập kích, lấy vũ khí địch tự trang bị. 2.2.2.3. Đấu tranh chống đế quốc - phát xít và tay sai Cùng lúc với những cố gắng khôi phục lại phong trào của các đảng viên ở bên ngoài, các đảng viên trong các lao tù cũng tích cực hoạt động. Hàng chục cuộc đấu tranh nổ ra tại các nhà lao trong năm 1940 và 1941. Bên cạnh đó, nhiều cuộc đấu tranh của các giai cấp, tầng lớp khác liên tiếp nổ ra. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến
  • 16. Thủy, Nhà máy diêm Hàm Rồng, đồn điền Rome ở Hướng Hóa (Quảng Trị) với nhiều hình thức phong phú, buộc giới chủ phải nhượng bộ. Những vụ kiện hào lí nhũng nhiễu, đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống sưu thuế, chống thu thóc, chống phá hoa màu trồng bông là những hình thức đấu tranh phổ biến của nông dân ở nông thôn các tỉnh. Một số địa chủ, phú nông và hào lí có tinh thần dân tộc đã tham gia ủng hộ các cuộc đấu tranh của nông dân. Các cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng ngàn người dân được tổ chức ở Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày 20 và 21-10- 1940. Ngày 4-1-1941, 2.000 học sinh thành phố Vinh đấu tranh chống chủ hiệu buôn vải người Ấn Độ. Đặc biệt, ngày 13-1-1941, Nguyễn Văn Cung chỉ huy binh lính Việt Nam yêu nước nổi dậy đánh chiếm các đồn Chợ Rạng, Đô Lương và định tiến đánh chiếm thành phố Vinh. Ngày 22-1-1941, nhân dân Hưng Nguyên - Nghệ An tổ chức mít tinh tại Chợ Liễu. Tiếp đó, đêm 14-5-1941, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Sông Con (Hương Sơn - Hà Tĩnh), quần chúng nhân dân đã tiến công tiêu diệt chủ đồn điền Ferrey. Lực lượng tự vệ của một số địa phương tổ chức các cuộc phục kích vào các toán binh lính đi tuần tra để giải vây cán bộ bị bắt. Tiêu biểu là trận phục kích của tiểu đội tự vệ ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngày 14-7-1941. Ngày 4-12- 1943, nhân dân Hoằng Hóa đấu tranh ngăn cản đoàn xe chở 500 phu làm đường của phát xít Nhật. Đặc biệt, đêm 21-9-1944, truyền đơn cách mạng được rải ở thị xã Thanh Hóa và các phủ huyện đồng bằng, trung du trong tỉnh, khiến chính quyền thực dân hết sức căm phẩn. Ngày 25-2-1945, học sinh Trường Trung học bảo hộ Thanh Hóa bãi khóa để phản đối việc thực dân Pháp bắt giữ giáo viên và học sinh của Trường. Như vậy, từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945, mặc dù thực dân Pháp, phát xít Nhật tiến hành khủng bố dữ dội phong trào cách mạng Việt Nam nhưng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của các giai cấp và tầng lớp khác nhau. Chương 3 GẤP RÚT CHUẨN BỊ VỀ MỌI MẶT VÀ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ THÁNG 3-1945 ĐẾN THÁNG 8-1945) 3.1. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG SAU KHI NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP 3.1.1. Âm mưu và thủ đoạn của phát xít Nhật Đêm 9-3-1945, quân Nhật nổ súng đánh Pháp cùng lúc trên toàn Đông Dương. Quân Pháp chống cự yếu ớt và sau hơn một ngày thì đầu hàng phát xít Nhật. Ngay sau đảo chính, Nhật tuyên bố “trao trả độc lập” cho Việt Nam. Về phía Nam triều, Bảo Đại vốn là vua bù nhìn của thực dân Pháp trở
  • 17. thành vua bù nhìn của phát xít Nhật. Ngày 17-4-1945, Chính phủ thân Nhật do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng được thiết lập. Sau ngày đảo chính Pháp, phát xít Nhật đưa khoảng 9.000 quân vào chiếm đóng ở những vị trí quan trọng của các tỉnh và thực hiện chính sách cướp bóc hết sức tàn bạo. Được sự hậu thuẫn của phát xít Nhật, các đảng phái chính trị thân Nhật được thành lập, hoạt động mạnh và có mặt ở hầu khắp các tỉnh. Phát xít Nhật còn mở trường dạy tiếng Nhật, tổ chức chiếu phim, thi đấu thể thao… nhằm lôi kéo tầng lớp thanh niên, học sinh theo chúng. Chính sách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật đã đẩy nhân dân các tỉnh lâm vào con đường điêu đứng, bế tắc. Nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nói lên sự thật đó. Có thể nói, chính sách cướp bóc tàn bạo của phát xít Nhật đã phơi bày bản chất của nó và đẩy nhanh quá trình cách mệnh hóa của các giai tầng ở Bắc Trung Bộ. 3.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” xác định kẻ thù chủ yếu của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật, do đó khẩu hiệu “đánh đuổi Pháp - Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” và nêu khẩu hiệu “thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”, chống lại Chính phủ Trần Trọng Kim, phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa, sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi đã đủ điều kiện. Đảng Cộng sản Đông Dương còn đề ra một chủ trương sáng tạo là “phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của cao trào kháng Nhật cứu nước và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. 3.2. GẤP RÚT XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VỀ MỌI MẶT TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN 3.2.1. Xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng Sau ngày 9-3-1945, nhiều cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm thoát khỏi các nhà tù, căng an trí tập trung của đế quốc trở về địa phương hoạt động. Được bổ sung cán bộ, hệ thống tổ chức Đảng một số tỉnh nhanh chóng được khôi phục, củng cố. Tháng 4-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được lập lại. Sau đó các Phủ ủy Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Huyện ủy Gio Linh được lập lại. Tháng 4-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa mở hội nghị bàn biện pháp triển khai chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau hội nghị, Tỉnh ủy lâm thời được củng cố. Tổ chức cơ sở Đảng được xây dựng ở các phủ, huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống. Ngày 23-5-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Thừa Thiên
  • 18. được triệu tập tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc) chủ trương đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ sau hội nghị trên, Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên được củng cố, tổ chức cơ sở Đảng được xây dựng ở các huyện, thị trong tỉnh. Trong đó, thành phố Huế, huyện Phú Lộc đã lập được thị ủy và huyện ủy lâm thời. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, do chưa có một tổ chức lãnh đạo chung và cũng chưa bắt được liên lạc với Trung ương Đảng nên các cán bộ, đảng viên tự phân công tỏa đi các nơi để bắt liên lạc và xây dựng cơ sở. Sau một thời gian, các tổ chức cơ sở Đảng ở Nghệ An và Hà Tĩnh được phục hồi. Tại Quảng Bình, tháng 6-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập ở thị xã Đồng Hới gồm 6 đảng viên. Ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, các tổ chức cơ sở Đảng có nhiều hoạt động chống các chính sách của phát xít Nhật và tay sai. Mặc dù tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh được phục hồi và hoạt động khá tích cực, nhưng tại một số địa phương, giữa nhóm này với nhóm khác vẫn còn có những hiện tượng thành kiến, nghi kị lẫn nhau. Trước tình hình đó, ngày 27-6-1945, Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư kêu gọi các đồng chí Trung Kì mau thống nhất lại. Ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong bối cảnh chưa khôi phục được Tỉnh ủy, các cán bộ, đảng viên và những người yêu nước đã tập hợp nhau lại trong tổ chức Việt Minh, hình thành nên hạt nhân để lãnh đạo phong trào. Cuối tháng 6-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được đổi tên thành Ban vận động thống nhất Đảng bộ Quảng Trị. Ngày 2-7-1945, Ban vận động thống nhất Đảng bộ Quảng Bình được thành lập. 3.2.2. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị 3.2.2.1. Xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh Ở Quảng Trị, sau Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tổ chức vào tháng 4-1945, Ủy ban Việt Minh từ phủ, huyện đến tổng, làng được thành lập. Đông đảo công nhân, nông dân, thanh niên tham gia hội cứu quốc. Từ tháng 4 đến tháng 7-1945, Ban cán sự Việt Minh được thành lập ở nhiều phủ huyện trung du, đồng bằng, ven biển, xuống tận các tổng, xã, làng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tính đến đầu tháng 8-1945, số quần chúng của các hội cứu quốc trong tỉnh đã lên đến hàng chục vạn người. Sau hội nghị cán bộ toàn tỉnh (5-1945), ở Thừa Thiên tồn tại hai tổ chức Việt Minh đó là: Việt Minh Nguyễn Tri Phương và Việt Minh Thuận Hóa. Cuối tháng 6-1945, ban lãnh đạo hai tổ chức Việt Minh họp tại Huế quyết định sáp nhập tổ chức Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn Tri Phương và thống nhất kế hoạch hoạt động. Nhờ đó, đến tháng 7-1945, Mặt trận Việt Minh được thành lập ở tất cả các huyện trong tỉnh. Nhiều nơi, Chấp ủy Việt Minh được thành lập ở cấp tổng, xã. Ngày 19-5-1945, Ban vận động Việt Minh Nghệ Tĩnh được thành lập. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7-1945, Chấp ủy Việt Minh được thành
  • 19. lập ở 15 phủ, huyện, thị xã và thành phố thuộc hai tỉnh. Ngày 8-8-1945, Đại hội đại biểu Việt Minh Nghệ Tĩnh được tổ chức đã bầu Ban Chấp hành Việt Minh Nghệ Tĩnh gồm 7 ủy viên, do Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư. Ở Quảng Bình, cơ sở Việt Minh được thành lập ở Quảng Ninh, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa. Tại Đồng Hới, cơ sở Việt Minh được hình thành trong nội thị và các làng ngoại ô. Ngày 4-7-1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được tổ chức quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh. Sau hội nghị, Ban Chấp hành Việt Minh các tổng, làng được thành lập. Các tổ chức cứu quốc được hình thành từ thành thị đến nông thôn thu hút đông đảo quần chúng tham gia. 3.2.2.2.Đẩymạnh hoạtđộng tuyên truyền chống phátxítNhật và tay sai Trong việc xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng với phát xít Nhật và tay sai có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh các tỉnh đã sử dụng truyền đơn, báo chí để vạch mặt nền độc lập giả hiệu, những thủ đoạn của phát xít Nhật và tay sai, động viên lòng yêu nước và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân. 3.2.2.3. Lợi dụng tổ chức Thanh niên xã hội và “Việt Minh hóa” học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế Để làm thất bại âm mưu của các phần tử tay sai thân Nhật và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ đề ra chủ trương lợi dụng tổ chức Thanh niên xã hội với nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các địa phương. Nhờ đó, Việt Minh các tỉnh không những tránh được sự khủng bố và phá hoại của kẻ thù, hạn chế địa bàn hoạt động của tay sai, mà còn lôi kéo được tuyệt đại bộ phận quần chúng trong các tổ chức thân Nhật đi theo cách mạng. Ngày 2-7-1945, Trường Thanh niên Tiền tuyến được thành lập, đồng thời khai giảng khóa đào tạo đầu tiên và duy nhất của Trường gồm 43 học viên. Ngay từ đầu trong Trường đã có một tổ Việt Minh gồm 3 người, sau đó phát triển lên 5 người và thành lập Ban Việt Minh. Ban Việt Minh đã chủ động bắt liên lạc với các nhóm Việt Minh công chức ở các trường học tại Huế. Qua sự tuyên truyền vận động của Ban Việt Minh, đến giữa tháng 7- 1945, toàn bộ học viên của Trường đã ngả theo cách mạng. 3.2.2.4. Vận động các tầng lớp trung gian tham gia hội cứu quốc Để vận động binh lính, các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên thành lập Ban binh vận. Việt Minh các tỉnh xây dựng được cơ sở nội ứng trong đồn bảo an binh, nắm được lính lệ canh gác ở một số phủ, huyện đường hoặc vận động được một số binh lính làm nội ứng khi khởi nghĩa. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên đẩy mạnh công tác vận động công chức, học sinh, nhân sĩ, trí thức tham gia các hội cứu quốc và đạt được những kết quả quan trọng. Đối với các tôn giáo, chủ
  • 20. trương của Việt Minh các tỉnh là vận động nắm tín đồ Phật giáo, Công giáo, phân hóa cao độ để hạn chế sự chống đối của chức sắc phản động trong các tôn giáo này. Đối với Chính phủ Trần Trọng Kim, Việt Minh các tỉnh nêu rõ khẩu hiệu đánh đổ nhưng đối với từng cá nhân trong nội các, ở cấp tỉnh, huyện, các tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh có sách lược cụ thể với từng đối tượng, trung lập hóa những đối tượng có thể trung lập được. Nhiều huyện trưởng, tỉnh trưởng khi được vận động đều rất thiện chí, sẵn sàng hợp tác với Việt Minh. Công tác vận động quan chức cao cấp trong triều đình Huế và Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đạt được những kết quả quan trọng. Như vậy, đến giữa tháng 8-1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng được lực lượng chính trị đủ mạnh để bước vào khởi nghĩa giành chính quyền. 3.2.3. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa Ở Thanh Hóa, Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 4-1945 chủ trương phát triển các đội tự vệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vũ trang, xây dựng chiến khu, vũ trang toàn dân tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đến trước ngày khởi nghĩa, Thanh Hóa đã phát triển được một lực lượng vũ trang với hơn 2 vạn chiến sĩ du kích và tự vệ. Tháng 7-1945, vùng giải phóng Triệu Phong (Quảng Trị) được thành lập. Ở Hải Lăng, thành lập chiến khu Thượng Nguyên - Phú Long. Các đội tự vệ được thành lập ở Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong và Hải Lăng. Các lớp huấn luyện quân sự được tổ chức, phong trào luyện tập quân sự phát triển rầm rộ, công khai trong quần chúng. Ở Thừa Thiên, các đội tự vệ được thành lập tại nhiều địa phương thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc và thành phố Huế. Ở Nghệ An, các đội tự vệ được thành lập và phát triển nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Ở Hà Tĩnh, lực lượng tự vệ phát triển nhanh ở các xã của huyện Can Lộc và Hương Sơn. Đến trước ngày khởi nghĩa, toàn tỉnh có khoảng 1.000 đội viên tự vệ và đã xây dựng được các khu căn cứ ở Tràng Sim, Khe Trầm (Hương Sơn), Truông Bát (Hương Khê). Ở Quảng Bình, các đội tự vệ được thành lập ở thị xã Đồng Hới và các phủ, huyện để làm nòng cốt cho quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Trung Thuần (Quảng Trạch), Võ Xá (Quảng Ninh), Bàu Rèng (Đồng Hới) được xây dựng thành các khu căn cứ. Cùng với việc phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, việc chuẩn bị vũ khí cũng được gấp rút thực hiện. Tính chung, đến trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong 6 tỉnh số súng chỉ hơn 600 khẩu, phân bố rải rác ở nhiều phủ huyện. Vũ khí chủ yếu của tự vệ, du kích vẫn là dao, kiếm, mã tấu, gậy. Có thể nói, đến trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã xây dựng được lực lượng cách mạng khá hùng hậu, sẵn sàng cùng với cả nước “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
  • 21. 3.3. CAO TRÀO KHÁNG NHẬT CỨU NƯỚC 3.3.1. Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói Trước thực tế nạn đói diễn ra ngày càng trầm trọng, tổ chức Đảng, Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phát động phong trào đấu tranh cứu đói diễn ra mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hình thức đấu tranh phong phú. Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói đã thu được nhiều thắng lợi lớn. Thắng lợi đó không những đã giải quyết phần nào nạn đói trước mắt, mà còn phát động được một phong trào quần chúng rộng lớn, tạo ra động lực thực sự, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 3.3.2. Đẩy mạnh tuyên truyền xung phong, khởi nghĩa từng phần, lập chính quyền cách mạng Các đội tuyên truyền xung phong tỏa xuống các làng nổi trống, mõ, tổ chức mít tinh đông người, treo cờ đỏ sao vàng, giăng biểu ngữ, công khai giải thích chủ trương kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Các cuộc mít tinh, biểu tình càng dồn dập, diễn ra đồng loạt ở nhiều phủ, huyện, thị của các tỉnh với khí thế cờ giong trống thúc uy hiếp tinh thần tổng lí địa phương, tấn công trực diện vào chính quyền cơ sở. Trước khí thế sôi nổi của cách mạng, một số lí trưởng mang sổ sách, con dấu nộp cho Việt Minh, một số chánh tổng thì lo sợ, không dám hoạt động. Trên cơ sở đó, chính quyền cách mạng của nhân dân được thiết lập ở nhiều làng thuộc huyện Hà Trung, Thiệu Hóa và Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Quảng Trạch, Quảng Ninh (Quảng Bình); Triệu Phong, Gio Linh (Quảng Trị) và Phú Lộc (Thừa Thiên). Bên cạnh đó, cuộc khởi nghĩa từng phần cấp huyện đã bùng nổ và giành được thắng lợi ở Hoằng Hóa. Cao trào kháng Nhật cứu nước đánh dấu sự hoàn thành về cơ bản quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. 3.4. THỜI CƠ VÀ KẾ HOẠCH KHỞI NGHĨA CỦA ĐẢNG BỘ, MẶT TRẬN VIỆT MINH CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ 3.4.1. Thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ Với sự kiện Mĩ thả 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirosima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), cùng với thắng lợi của Hồng quân Liên Xô, phát xít Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Thời cơ của một tổng khởi nghĩa đã chín muồi trong toàn quốc. Chớp lấy thời cơ thuận lợi, chiều ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đề ra chính sách về đối nội, đối ngoại cần thực hiện sau khi tổng khởi nghĩa thắng
  • 22. lợi. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân đại hội cũng được tổ chức ở Tân Trào đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Quyết định Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam, là điều kiện có ý nghĩa hàng đầu để Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong bối cảnh thời cơ cách mạng ở đây đã chín muồi. Tuy vậy, ở Bắc Trung Bộ, bên cạnh thời cơ thuận lợi cũng có một số khó khăn. Tại thành phố Huế tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, công chức tham gia trong chính quyền của thực dân Pháp, phát xít Nhật trước đây. Bảo Đại và Trần Trọng Kim vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lực. Quân Nhật tập trung ở Bắc Trung Bộ tương đối đông (khoảng 9.000 quân), lại chưa nhận được lệnh hạ vũ khí đầu hàng, nhiều địa phương chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa. Ở miền núi các tỉnh, cơ sở cách mạng còn yếu, nhất là miền núi tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Tình hình trên đây đặt ra cho Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là ở Thừa Thiên cần phải có đối sách phù hợp để đưa cách mạng đến thắng lợi trọn vẹn, ít đổ máu và đảm bảo được khối đoàn kết để tiếp tục chống các thế lực ngoại xâm. 3.4.2. Kế hoạch khởi nghĩa của các tỉnh Bắc Trung Bộ Trong điều kiện liên lạc hết sức khó khăn, không máy móc chờ lệnh của Trung ương Đảng, ngày 8-8-1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh đã nhạy bén lập ra Ủy ban khởi nghĩa và chủ trương: “Cướp chính quyền bắt đầu từ xã rồi đến huyện lị... Thành phố Vinh vì ở vào một trường hợp đặc biệt nên cần phải chờ kết quả của các địa phương rồi mới định đoạt”. Sau khi tiếp nhận được tin Nhật Bản đầu hàng các nước Đồng minh, chiều ngày 15-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã ban hành lệnh khởi nghĩa. Ngày 10-8-1945, Thường vụ Việt Minh Thừa Thiên họp và quyết định: Sau khi phát xít Nhật đầu hàng các nước Đồng minh phải chớp thời cơ phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, không chờ lệnh của Trung ương. Ngày 20-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên được thành lập do Tố Hữu làm Chủ tịch. Đêm 21-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh họp và quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Huế vào ngày 23-8-1945. Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa họp hội nghị mở rộng để thảo luận việc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15-8-1945, Thanh Hóa nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Mặc dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, đồng thời phát động
  • 23. toàn dân nổi dậy giành chính quyền vào đêm 18-8-1945. Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Trị tiến hành họp để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Ngày 18-8-1945, trong khi Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đang họp thì nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương do Trần Hữu Dực và Đặng Thí đi dự Hội nghị thành lập Xứ ủy Trung Kì trở về truyền đạt. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và ngày khởi nghĩa chiếm thị xã Quảng Trị là đêm 22 rạng sáng ngày 23-8-1945. Các phủ, huyện trong tỉnh khởi nghĩa cùng ngày giờ trên. Các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ bao gồm thị trấn Đông Hà, có nhiều quân Nhật đóng phải chậm lại 1 đến 3 ngày. Ngày 15-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình tổ chức hội nghị để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức hội nghị và quyết định: “Lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung cho toàn tỉnh. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lị Đồng Hới và các phủ, huyện trong cùng một ngày, cùng một lúc, sau đó giải quyết hệ thống chính quyền tổng, xã”. Như vậy, chủ trương khởi nghĩa ở các tỉnh Bắc Trung Bộ được tiến hành sớm, thể hiện sự chủ động, sáng tạo của các tổ chức Việt Minh địa phương. 3.5. DIỄN BIẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ NGÀY 15-8-1945 ĐẾN NGÀY 26-8-1945) 3.5.1. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Tĩnh (từ ngày 15- 8-1945 đến ngày 21-8-1945) Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền thắng lợi vào ngày 15-8-1945 với vai trò nổi bật của tầng lớp thanh niên trí thức. Tiếp đó là khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở các huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên ngày 17-8-1945. Ngày 18-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hà Tĩnh thắng lợi nhanh gọn, trở thành 1 trong 5 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước ở tỉnh lị. Cũng trong ngày 18-8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập ở huyện Kì Anh và Đức Thọ. Ngày 19-8-1945, quần chúng cách mạng huyện Nghi Xuân và Hương Sơn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hương Khê là huyện cuối cùng giành được chính quyền vào ngày 21-8-1945, đánh dấu thành công của Cách mạng tháng Tám trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 3.5.2. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Nghệ An (từ ngày 17- 8-1945 đến ngày 26-8-1945) Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên của Nghệ An giành chính quyền thắng lợi vào ngày 17-8-1945. Tiếp đó, ngày 19-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa phủ Hưng Nguyên lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành giành chính quyền thắng lợi. Ngày 21-8-1945, quần chúng cách mạng và lực lượng tự vệ vũ trang phủ Diễn Châu, thành phố Vinh - Bến Thủy khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 22-8-1945,
  • 24. nhân dân Nghĩa Đàn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tiếp mạch thắng lợi trên, ngày 23-8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập ở các phủ, huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Anh Sơn. Ngày 25-8-1945, quần chúng cách mạng huyện Yên Thành nổi dậy giành chính quyền. Nghi Lộc, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông, Vĩnh Hòa là những huyện, châu cuối cùng ở Nghệ An giành chính quyền thắng lợi vào ngày 26-8-1945. Trong vòng 10 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã thành công, không đổ máu. 3.5.3. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa (từ ngày 19-8-1945 đến ngày 26-8-1945) Ngày 19-8-1945, chính quyền cách mạng được thiết lập ở các phủ, huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Đông Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc. Tiếp đó, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia vào ngày 20-8-1945. Ngày 21-8-1945, quần chúng cách mạng và tự vệ vũ trang huyện Nông Cống khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa là những châu, phủ cuối cùng ở Thanh Hóa giành được chính quyền vào ngày 26-8- 1945. Mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh, cuộc khởi nghĩa ở Thanh Hóa đã thành công trong 8 ngày. 3.5.4. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thừa Thiên (từ ngày 19-8-1945 đến ngày 23-8-1945) Phong Điền và Phú Lộc là hai huyện thí điểm giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19-8-1945. Tiếp đó khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở huyện Hương Thủy và Phú Vang ngày 22-8-1945. Sáng ngày 23-8- 1945, cuộc khởi nghĩa chiếm huyện lị Hương Trà và Quảng Điền giành được thắng lợi. Cũng trong ngày 23-8-1945, lực lượng tự vệ vũ trang, Thanh niên Tiền tuyến kết hợp với quần chúng nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thành phố Huế, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Ngày 30-8-1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn chế độ phong kiến lạc hậu ở Việt Nam. Với phương thức sử dụng lực lượng tự vệ vũ trang, Thanh niên Tiền tuyến kết hợp với quần chúng cách mạng giành chính quyền từ huyện đến tỉnh lị, khởi nghĩa ở Thừa Thiên giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn, tránh được đổ máu ở một trong những địa bàn phức tạp nhất của cả nước. 3.5.5. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Bình (ngày 23-8- 1945) Ngày 23-8-1945 thị xã Đồng Hới và tất cả các phủ, huyện trong tỉnh
  • 25. (Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập UBNDCM lâm thời. Diễn ra trong một ngày và giành thắng lợi, Quảng Bình là một trong những tỉnh khởi nghĩa gọn nhất và nhanh nhất của cả nước. 3.5.6. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị (từ ngày 23-8-1945 đến ngày 25-8-1945) Ngày 23-8-1945 các phủ huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị giành chính quyền thắng lợi. Cam Lộ và Hướng Hóa là hai huyện cuối cùng ở Quảng Trị giành được chính quyền vào ngày 25-8-1945. Với phương thức biểu tình vũ trang của quần chúng nhân dân, kết hợp với thương lượng ngoại giao có sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ vũ trang, khởi nghĩa tại Quảng Trị đã thành công nhanh chóng trên một địa bàn có quân Nhật chiếm đóng tương đối đông. Tóm lại, ở khu vực Bắc Trung Bộ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền bắt đầu từ Hà Tĩnh, tiếp đến là Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị. Đến ngày 26-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chương 4 MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ 4.1. ĐẶC ĐIỂM 4.1.1. Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả toàn diện, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của các địa phương 4.1.2. Hình thái khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ linh hoạt và đa dạng 4.1.3. Phương thức khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ phong phú và độc đáo 4.2. ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ 4.2.1. Ưu điểm 4.2.1.1. Thống nhất về ý chí và quyết tâm, sáng tạo trong quá trình xây dựng lực lượng cách mạng 4.2.1.2. Chủ động lên kế hoạch khởi nghĩa và giành chính quyền thắng lợi sớm ở tỉnh lị 4.2.1.3. Vô hiệu hóa quân Nhật và thu được nhiều vũ khí của đối phương 4.2.2. Hạn chế 4.2.2.1. Một số tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc, kỉ luật của Đảng
  • 26. và chưa thanh toán triệt để tư tưởng hẹp hòi, cục bộ địa phương 4.2.2.2. Một số địa phương chưa chú trọng xây dựng cơ sở ở miền núi, thiếu nhạy bén, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa 4.3. VAI TRÒ 4.3.1. Trực tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu, làm tan rã Chính phủ Trần Trọng Kim, thiết lập hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ 4.3.2. Tác động đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ 4.3.3. Có ảnh hưởng nhất định đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào 4.4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM 4.4.1. Về phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất 4.4.2. Về phương pháp xây dựng lực lượng cách mạng 4.4.3. Về nắm bắt thời cơ và chớp đúng thời cơ 4.4.4. Về công tác xây dựng Đảng KẾT LUẬN 1. Là một trong những địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược của cả nước, Bắc Trung Bộ từng được coi là “phên dậu”, là nơi sản sinh ra biết bao anh hùng, hào kiệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công chói lọi chống xâm lược và ách thống trị của ngoại bang. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ phải chịu ách áp bức bóc lột hết sức nặng nề của đế quốc, phong kiến. Bên cạnh đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lụt thường xuyên xảy ra khiến đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân và nông dân vô cùng điêu đứng, cơ cực. Những điều kiện trên đây đã tôi luyện cho nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và anh dũng trong đấu tranh chống cường quyền. Trước năm 1930, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai nhưng đều thất bại. Từ tháng 2-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với nhân dân toàn quốc, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã vùng lên với một khí thế vô cùng mãnh liệt và đạt tới đỉnh cao nhất của phong trào cách mạng 1930 - 1931 là thành lập chính quyền Xô viết tại nhiều làng xã thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sự ra đời, hoạt động của chính quyền Xô viết thể hiện sức mạnh phi thường, sự sáng tạo của nhân dân các tỉnh, không những biết đập tan xã hội cũ, còn biết thiết lập nên xã hội mới. Trong những năm 1936 - 1939, khi tình hình biến chuyển thuận lợi, dưới sự lãnh đạo
  • 27. của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ nổi dậy đấu tranh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, là một trong những khu vực có phong trào phát triển mạnh của cả nước. 2. Từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đến khi Nhật đảo chính Pháp là giai đoạn phong trào cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ phải trải qua những thử thách hết sức ngặt nghèo. Các cuộc đàn áp, khủng bố liên tiếp, kéo dài với quy mô chưa từng thấy của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai đã làm cho tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng không được thông suốt, Xứ ủy Trung Kì không còn, giao thông liên lạc giữa các tỉnh bị gián đoạn, phần lớn cán bộ đảng viên bị bắt, mối liên hệ giữa cấp ủy Đảng với nhân dân gặp khó khăn, đứt mạch. Cứ tưởng những trở lực đó sẽ làm chùn bước chân của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng này. Trái lại, sự mất mát và đau thương cùng cực ấy đã hun đúc thành sức mạnh để nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ vùng lên giành lấy quyền sống, quyền làm người của mình. Đây cũng là giai đoạn Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương chuyển hướng đấu tranh trong hoàn cảnh lịch sử mới. Phần lớn các tỉnh Bắc Trung Bộ đã kịp thời thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương nên phong trào vẫn thể hiện được sự bền bỉ, liên tục, không để bị gián đoạn kéo dài. Sau những lần bị bể vỡ phong trào lại được khôi phục, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước và có bước phát triển. Trong khi đó, tổ chức Đảng một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh do không bắt kịp tình hình để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, gây nên những ảnh hưởng nhất định cho phong trào cách mạng. Tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng bị thực dân, phát xít và tay sai triệt phá gần như tận gốc. Vì vậy, phong trào công nhân và nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau ngày 9-3-1945 các tỉnh đã chạy đua với thời gian, kịp chuyển phong trào trong khu vực lên thời kì tiền khởi nghĩa, bắt kịp với phong trào của toàn quốc. Trong thời gian gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (từ tháng 3 đến tháng 8-1945), tổ chức Đảng, Việt Minh các tỉnh đã biết khéo léo kết hợp chặt chẽ phong trào thành thị và nông thôn, biết lấy nông thôn làm chỗ dựa nên đã phát động được phong trào toàn dân nhưng cũng không xem nhẹ vai trò của thành thị. Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Trung ương và thực tiễn của địa phương, tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh các tỉnh phát động các phong trào đấu tranh thích hợp, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của quần chúng nhân dân nên đã tập hợp đông đảo các giai tầng trong xã hội đi theo đường lối của Đảng. Tuy nhiên, trước và trong thời kì tiền khởi nghĩa, tổ chức Đảng, Việt Minh các tỉnh ít chú ý đến việc xây dựng cơ sở ở miền núi và vận động đồng bào các dân tộc ít người tham gia cách mạng là một hạn chế lớn. Mặt khác, sau khi bắt được liên lạc với Trung ương Đảng nhưng Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn không kịp lập lại
  • 28. Đảng bộ là một thực tế lịch sử khó có thể chấp nhận được. Những thiếu sót này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị và bước tiến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương. 3. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là biểu hiện sinh động của sự kết hợp hài hòa giữa đường lối của Trung ương Đảng với chủ trương, biện pháp của tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh các tỉnh và sức mạnh đấu tranh quật cường của nhân dân để giành lấy quyền độc lập, tự do. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là thắng lợi của phương pháp, nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa sáng tạo, linh hoạt, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, giữa tuyên truyền, thuyết phục, thương lượng với bạo lực… nhằm phân hóa và cô lập kẻ thù đến cao độ, tranh thủ các lực lượng có thể tranh thủ được để giành thắng lợi sớm và trọn vẹn. Đó là thắng lợi của tinh thần chủ động tiến công, nhận định tình hình, chớp thời cơ và phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Ngoài những nét chung về phương thức khởi nghĩa như đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tổ chức Đảng, Việt Minh một số tỉnh đã giải quyết kịp thời và sáng tạo nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình giành chính quyền tại một số phủ huyện, thành phố Vinh, thành phố Huế và các châu, phủ miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng, khu vực theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ đó, để lại những nét độc đáo về phương thức giành chính quyền so với trong cả nước. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là bước ngoặt trong tiến trình phát triển của các tỉnh, có ảnh hưởng lớn đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, có tác động đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào. Thắng lợi đó là bước tạo đà hết sức quan trọng để nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ bước vào thời kì đấu tranh củng cố và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân; đồng thời góp phần phủ nhận các luận điểm chưa xác thực của các nhà sử học nước ngoài về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. 4. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có sự đóng góp quan trọng của tầng lớp thanh niên trí thức. Trong giai đoạn đầy cam go thử thách của cách mạng các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945), phong trào đấu tranh của học sinh, hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ, Hội Hướng đạo sinh ở một số tỉnh đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền lòng yêu nước, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy nhanh quá trình phân hóa trong các tầng lớp tiểu tư sản, tăng cường thêm lực lượng ủng hộ cách mạng, tạo thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh của các giai tầng khác, ngăn chặn âm mưu chia rẽ, phá hoại cách mạng của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhiều thanh niên trí thức do liên lạc được với cơ sở ở Hà Nội
  • 29. nên đã chủ động thành lập các tổ chức Việt Minh như ở Can Lộc (Hà Tĩnh), thành phố Huế (Thừa Thiên) và đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên trí thức của tổ chức Thanh niên xã hội, Hội Tân Việt Nam, Trường Thanh niên Tiền tuyến khi được cán bộ, đảng viên vận động đã gia nhập các tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, trở thành một lực lượng chính trị to lớn, góp phần quan trọng tạo dựng ra lực lượng vũ trang cách mạng của các tỉnh. Bản thân học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến là lực lượng vũ trang cách mạng với thành phần đặc biệt là thanh niên trí thức. Đây được xem là lực lượng vũ trang nòng cốt đầu tiên của Việt Minh Thuận Hóa bên cạnh lực lượng tự vệ cứu quốc của Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, một số nhóm thanh niên trí thức đã táo bạo, linh hoạt tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi như ở Can Lộc (Hà Tĩnh) hoặc trở thành lực lượng xung kích cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như trường hợp các học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến ở thành phố Huế. Nhiều thanh niên trí thức còn đảm trách các nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cách mạng ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ. 5. Hơn 70 năm đã đi qua kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước, xã hội và con người Việt Nam, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đạt được những bước tiến dài. Nghĩ về quá khứ, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn gợi mở cho hiện tại những vấn đề thiết thực. Đó là về sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ của tổ chức Đảng; về vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc sâu sát thực tế, kịp thời dự báo, nắm bắt, giải đáp và tổng kết thực tiễn; là vấn đề huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào nhân dân, là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và dân; là sự xã thân hi sinh, năng động, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; là sự vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương; là vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy yếu tố nội lực và bản lĩnh độc lập tự chủ của nhân dân, của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, từ việc nhận định tình hình, nắm bắt và chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ suy nghĩ cách tận dụng những thời cơ, vượt qua các thách thức mới của thế giới, khu vực và của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
  • 30. HUE UNIVERSITY COLLEGE OF EDUCATION DO MANH HUNG THE AUGUST REVOLUTION IN 1945 IN NORTH CENTRAL PROVINCES Major: History of Viet Nam Code: 62.22.03.13 THE SUMMARY OF DOCTORAL DISSERTATION ON HISTORY HUE - 2016
  • 31. The work was completed at College of Education - Hue University The scientific supervisors: 1. Ass.Prof.Dr. Truong Cong Huynh Ky 2. Dr. Nguyen Van Hoa Reviewer 1: Reviewer 2: Reviewer 3: The dissertation was defended at the Council of dissertation assessment of Hue University Council at: …. on …./…./2016. The dissertation can be further referred at the Library College of Education - Hue University.
  • 32. PUBLISHED RESEARCH WORKS OF THE AUTHOR RELATED TO THE DISSERTATION 1. Do Manh Hung (2013), "The 1945 August Revolution in Vietnam through the recognition and evaluation of French researchers", Proceedings of Scietific Workshop on Vietnam - France Relations: Past and present, Vietnam - France Friendship Association in Thua Thien Hue province, College of Education, College of Sciences - Hue University, (April 2013), pages106-109. 2. Do Manh Hung (2014),"The Patriotic Revolutionary Movemen in Quang Binh in 30 years in the early 20th century", published in Scientific reports of the National Conference on 410 years of formation and development of Quang Binh, Political - Administrative Publishing House, Hanoi, pages 456-467. 3. Do Manh Hung (2014), "Characteristics of the August Revolution in 1945 in Quang Binh", published in Scientific reports of the National Conference on 410 years of formation and development of Quang Binh, Political - Administrative Publishing House, Hanoi, pages 500-512. 4. Do Manh Hung (2014), "The Uprising to seize power in Ha Tinh in August, 1945", Journal of Military History, No. 272, pages 22-26. 5. Do Manh Hung (2015), "The negotiations with the Japanese army in the general uprising in August 1945 in the North Central provinces", Journal of Military History, No. 285, pages 12-17. 6. Do Manh Hung (2016), "The role of Viet Minh Nguyen Tri Phuong to the victory of the August Revolution in 1945 in Thua Thien Hue province", Journal of Hue University (got published). 7. Do Manh Hung (2016), "Thua Thien Hue province in the campaign of the August Revolution in 1945", Hue University theses (pending acceptance).
  • 33. INTRODUCTION 1. REASONS FOR CHOOSING THE TOPIC In the process of Vietnam’s history in early modern period, the August Revolution in 1945 is one of the great historical events, which marked a major turning point in the nation's history. The August Revolution created the preconditions for the development and victory of Vietnamese people from 1945 to the present. The August Revolution in 1945 is a scientific problem which has been interested by many researchers at home and abroad and has made remarkable achievements. Beside the general issues of the August Revolution, a number of regional and local works have been accessed. The campaign of the August Revolution in provinces has been studied but mainly in descriptions and the characterization problems are almost not mentioned. The 1945 August Revolution in North Central Coast is an important issue but not yet studied comprehensively and systematically. The North Central provinces contributed to the victory of the August Revolution in 1945. This was a strategic area of the Central Coast. The ruling apparatus and the military forces of the French colonialists and Japanese fascists here were relatively strong. Therefore, North Central Coast was one of the revolutionary centers of the country. In the campaign of the August Revolution in 1945, the North Central provinces played a critical role. This was one of the areas where first uprisings to seize power succeeded, which directly terminated backward feudalism and Tran Trong Kim government. The August Revolution campaign in 1945 in North Central Coast had innovative features to gather forces, methods and forms of insurrection to seize power. Therefore, studying the August Revolution in 1945 in the North Central provinces has scientific significance and deeply practical value. For these above reasons, I chose the theme: “The August Revolution in 1945 in the North Central provinces” as my Doctoral Research Topic. 2. OBJECT AND SCOPE OF THE RESEARCH: 2.1. Object of the research: The August Revolution in 1945 in the North Central provinces. 2.2. Scope of the research: - Place: North Central area under the leadership of the Regional Party committee of the Central Vietnam, including the provinces of Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri and Thua Thien. - Time: From September 1st 1939 to August 26th 1945-Time to
  • 34. prepare and uprise to seize power in provinces. 3. RESEARCH PURPOSES AND TASKS 3.1. The research purpose: Recreating systematically and comprehensively the campaign of the August Revolution in 1945 in the North Central provinces. 3.2. The research tasks: - Identifying the issues that need further studying of the August Revolution in 1945 in the North Central provinces. - Analyzing the historical context of the campaign of the August Revolution in the North Central provinces. - Presenting the preparation for the uprising to seize power in the North Central provinces from September 1939 to August1945 - Clarifying the insurrection to seize power of the August Revolution in 1945 in the North Central provinces. - On that basis, analyzing characteristics, advantages and limitations, roles and lessons learnt of the August Revolution in 1945 in the North Central provinces. 4. RESEARCH RESOURCES AND METHODS 4.1. Research resources - Written resources: + Published resources + Archives - Fieldwork 4.2. Research methods - The methodology of the thesis is the view of Marxism - Leninism, the Communist Party of Vietnam and Ho Chi Minh thought on violent revolution, building the Party, mobilizing the masses, building armed forces, especially insurrection to seize power. - The thesis was written on the basic of combining the historical method, logical method and specific methods as description, analysis, synthesis; simultaneously, using statistical methods, comparative and interdisciplinary methods such as fieldwork, interviewing witnesses, etc. 5. CONTRIBUTIONS OF THE THESIS Firstly, reappearing a panoramic history of the August Revolution in 1945 in the North Central provinces. Secondly, drawing characteristics in the relationship among the 1945 August Revolution in the North Central provinces, the Northern Delta provinces, the Southern Central Coastal provinces and the Southern provinces; pointed out the advantages and limitations; roles; reasons of victory and lessons learned. Thirdly, providing a relatively complete documentation of the August
  • 35. Revolution in 1945 in the North Central provinces. Fourthly, the thesis is a reference to research and study the August Revolution in 1945 at university and college; contributing to the revolutionary and patriotic education for the strata in the North Central provinces, the useful materials to help teachers in secondary schools to compile and teach local history section. 6. STRUCTURE OF THE THESIS In addition to the introduction, conclusion, references, appendices, the thesis includes 4 chapters: Chapter 1: Overview of the study related to the thesis. Chapter 2: The process of preparing the uprising to seize power in the North Central provinces (from 9-1939 to 3-1945). Chapter 3: Rush preparation for all aspects and insurrection to seize power in the North Central provinces (from 3-1945 to 8-1945). Chapter 4: Comments and lessons learned. Chapter 1 OVERVIEW OF THE STUDY RELATED TO THE THESIS 1.1. RESEARCH ISSUES The North Central provinces are located along the coast, from 16o to 20o 30' north latitude and from 1060 02’ to 1080 02’ east longitude including Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri, Thua Thien Hue. The August Revolution in 1945 is a major scientific theme, attracting many researchers to study. There were many works published and mentioned in different aspects related to the 1945 August Revolution in general and in the North Central provinces in particular. 1.2. SITUATION RESEARCH 1.2.1. The works on the 1945 August Revolution in Vietnam 1.2.1.1. The national study This group includes typical works such as: Truong Chinh (1946), The August Revolution; Institute of History (1960), The August Revolution - The Uprising in Hanoi and other localities; The Central Commission for the research of Party History (1967), Studying the nature and characteristics of the August Revolution; Truong Chinh (1975), The Vietnamese People’s Democratic National Revolution; Party History Institute (1985), The general uprising of August 1945; Party History Institute (1995), History of the Revolution of August 1945; Ngo Van Minh (2005), The August Revolution in the Southern Central Coastal provinces; Nguyen Dinh Ca (2010), The general uprising of August 1945 in North Delta, etc. The research works above focused on clarifying the historical