SlideShare una empresa de Scribd logo
1 de 107
BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
      CỤC VĂN HOÁ CƠ SỞ
         **************




SỐNG TẬN CÙNG VỚI ĐẤT
           Tập Bút ký đạt giải và tham dự cuộc thi
 “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới”




                       Hà Nội – 2010




                                1
MỤC LỤC

1. Làng trước sóng – Trần Công Sử
2. Ba Hạo – Phạm Huy Thưởng
3. Sống tận cùng với đất – Vương Hữu Thái
4. Vượt qua số phận – Phạm Văn Thúy
5. Trên 12 tầng núi – Phùng Kim Trọng
6. Gặp chủ tịch La Đà ký – Trần Kim Anh
7. Sau ngày con trâu về bản – Hoàng Nghiệp
8. Cánh đồng không ma – Trương Văn Định
9. Gặp lại “Tam gia cầu treo”
10. Qua mùa bão giông – Nguyễn Thị Thu Giang
11. Nhà khoa học chân đất – Hoàng Giang Phú
12. Một ngày ở khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Lê Hồng Lâm




                                    2
Lời nói đầu
      Ngày 06 tháng 02 năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có
Quyết định số 410/QĐ - BVHTTDL giao Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cuộc thi
sáng tác văn học về đề tài Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ
đổi mới với chủ đề Nông thôn Việt Nam đổi mới và phát triển cho các thể loại
truyện, ký và kịch bản văn học. Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp tích cực của
Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt
Nam, thu hút nhiều cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả
nước tham gia.

      Đặc biệt với đặc trưng thể loại, những tác phẩm ký đã trực tiếp ghi chép,
phản ánh trực diện những vấn đề nóng hổi, thời sự của nông nghiệp, nông dân,
nông thôn Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển, biểu dương người
nông dân Việt Nam khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, đột phá trong cách làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các tác phẩm phản
ánh đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có những trăn trở, những
biến đổi sâu sắc trong sự tiếp biến văn hóa, kỹ năng và năng lực hành động của
con người ở nông thôn hiện nay. Đồng thời lý giải những vấn đề bức xúc trong
suy nghĩ, việc làm đối với người nông dân đứng trước những tiêu cực, những
hành động trái với lợi ích của nhân dân, với sự phát triển chung; nêu được những
giải pháp và hướng đi đúng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp,
nông dân và nông thôn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Đảng ta.

      Cục văn hóa cơ sở trân trọng giới thiệu tập bút ký Sống tận cùng với đất gồm
những tác phẩm dự thi đạt giải và những tác phẩm có chất lượng khá của cuộc thi
với đông đảo bạn đọc.

                                        3
Trong qúa trình biên tập, in ấn không tránh khỏi thiếu sót, mong độc giả
thông cảm và góp ý kiến xây dựng. Xin trân trọng cảm ơn.


                                             Cục Văn hóa cơ sở




                                      4
Phạm Huy Thưởng

                                 BA HẠO
1.
     Nhìn đám dưa hấu lên xanh mơn mởn, ngắm những trái dưa hấu lớn nhanh
như thổi Đỗ Quý Hạo không khỏi mừng thầm. Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa là
Tết. Tết năm nay gia đình anh thắng vài chục cây vàng là cái chắc. Thật đáng
đồng vốn đưa vào, đáng công sức bỏ ra.

    Nhưng rồi mọi sự xảy ra đâu có theo ý muốn con người. Đùng một cái 4
hecta dưa hấu đổ bệnh than. Cây lá cứ bám muội đen mà thui chết dần dần. Càng
ra công phun thuốc cây càng lụi. Ai mách thứ thuốc gì là Hạo mua về phun ngay.
Càng ra công cứu đám dưa hấu càng hỏng. Cho đến lúc không cứu được nữa Hạo
bỏ 40 công dưa hấu không lấy được một trái bày bàn thờ Tết.

     Nỗi đau thua thiệt rồi cũng qua đi. Nhưng có một điều cứ uất nghẹn trong
lòng người. Một câu hỏi cứ day dứt, lẩn quẩn trong đầu Đỗ Quý Hạo: “Vì sao
người ta bệnh chữa thuốc thì khỏi mà cái cây bị bệnh thì khó chữa đến như
vậy ?” Anh quyết định mò vào lĩnh vực chữa bệnh cho cây trồng. Đó là chuyện
đã xảy ra 18 năm trước. Câu chuyện về một nông dân vùng tứ giác Long Xuyên
đi tìm những lời giải của khoa học cây trồng.

    Đỗ Quý Hạo bắt đầu việc học bằng cách tìm đến các chuyên gia để học hỏi về
cây trồng, trước hết là cây lúa. Anh tới trường Đại học Cần Thơ và các trường đại
học trên thành phố Hồ Chí Minh. Có điều hay là trước nhiệt tình của một nông
dân ham hiểu biết như thế giáo sư nào cũng tận tình chỉ bảo cho anh. Anh còn
được đưa vào tận phòng thí nghiệm để xem những tiêu bản vi khuẩn gây bệnh.
Khi biết là anh đã mua một kính hiển vi trị giá cả cây vàng, các giáo sư… không
ngại chỉ dẫn cho anh cả cách làm một tiêu bản. Từ kính hiển vi khung trắng anh
cải tiến thành kính hiển vi nền đen. Nhờ đó mà càng ngày Hạo càng hiểu các lọai
cây trồng và bệnh trên các lọai cây. Dần dần trong nhà anh hình thành một phòng
thí nghiệm và một tủ sách kỹ thuật nông nghiệp.

    Có phương tiện trong tay, Hạo tự tìm những lời giải cho những loài cây mà
anh trồng ra. Nhìn cây dưa hấu lớn nhanh mỗi ngày. Hạo đặt câu hỏi “Trái dưa
hấu phát triển mạnh nhất vào lúc nào trong ngày”. Và qua những thí nghiệm, Hạo
biết rằng trái dưa hấu chỉ lớn vào ban đêm. Những phát hiện như vậy càng làm


                                        5
cho Hạo thêm hứng thú vì có được những hiểu biết mới. Và những kết quả trong
công việc động viên Đỗ Quý Hạo. Đó là những trái dưa hấu nặng 15 kg. Là
những lứa dưa An Tiêm 95 mà trên 50% sản lượng là những trái nặng trên 10kg.

                         Tôi được sinh ra trong một vùng nông thôn, nhà nghèo
                  nên học đến hết lớp 7. Năm 1976 đến tuổi tôi nhập ngũ vào
                  lữ đoàn 22 thiết giáp, quân đoàn 4. Năm 1980 tôi ra quân và
                  tôi về thăm gia đình chị gái đang sống tại Kiên Giang. Ngắm
                  nhìn những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát tôi thầm ước
                  mình được đem sức trẻ của mình ra cống hiến cho quê hương
                  này. Sau đó tôi quyết định về quê đưa cha mẹ cùng gia đình ở
                  Thái Bình vào đây lập nghiệp. ( Trích báo cáo của Ba Hạo ).

    Căn nhà gỗ ba gian lợp tôn, gió lùa bốn phía. Căn nhà dựng vững chắc bên bờ
kinh. Bốn bức vách của căn nhà thu hút tôi. Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài hơn
cả giàu sang bạc tiền. Trên nền gỗ nhôm nhoam dòng chữ mầu trắng nổi lên mồn
một. Câu khác : Dẫu có bạc vàng trăm ngàn lượng. Không bằng kinh sử một vài
pho. Một tuyên ngôn đầy thách thức. Tôi từng đọc câu này ở đâu nhỉ. Lâu rồi.
Khi đó tôi chỉ nghĩ đó là thói ngông nghênh của một ông chủ phẫn chí. Ở đây thì
khác. Tôi cười nghĩ bụng. Nói ngông thế thôi chứ, cha con anh Hạo này sắp đầy
một bụng chữ rồi. Trên hai bên vách khác lại được bọc giấy trắng. Giấy đã ngả
màu nhưng vẫn thấy rõ trên đó những công thức ADN, tên những loài vi khuẩn
gây bệnh cây, những tên thuốc… Thấy tôi chăm chú nhìn những hình đó, Hạo
giải thích:

   - Đó là hồi tôi mới học. Tính hay quên nên tôi viết lên đó để ghi nhớ.

    Trên đầu vách ngay bên cửa ra vào là mấy giòng chữ: “Đề phòng rầy nâu 25
- 30/12. Giải quyết đạo ôn trước trổ. Đề phòng nhện dé trước trổ”. Cẩm nang
sản xuất cho lúa vụ này của anh ta. Lúa đã trổ bông. Bông như đuôi trâu, lá như
lá mía. Những cây lúa trong 9 hecta ruộng của Hạo phát triển đúng như thế.
Xuống tận ruộng xem xét, Thanh Nhanh, ông chủ hãng sản xuất phân bón Đại
Nông đánh giá:

   - Lúa này chắc ăn 40 giạ một công.

    Tiền lời của chỗ lúa này là để nuôi hai đứa con đang học đại học trên thành
phố Hồ Chí Minh. Tôi nhớ Hạo đã kể cho chúng tôi nghe như vậy. Để tiện cho
các con có chỗ ăn học, tiện cho việc lên thủ phủ miền Nam tầm sư học đạo, Hạo
đã mua một miếng đất và xây nhà ở Quận 2. Anh ta tính toán xuýt xoa tiết rẻ :


                                        6
- Tiền làm nhà trên đó, khi đó có thể mua thêm 25 hecta đất ở đây. Tiếc lắm
chứ, nhưng biết làm sao được. Nghe lời than thở của Hạo, tôi cười trong bụng.
Cậu coi chữ quý hơn vàng mà. Anh ta ngưng nói, nhìn nét mặt tôi và hiểu điều tôi
không nói ra miệng mà tiếp. Cha con tôi đang cần chữ mà. Miếng đất trên đó đã
giúp cho cha con tôi tiếp thu bao nhiêu là kiến thức. Bà xã tôi cai quản cơ ngơi
trên đó và chăm nom cho hai đứa con ăn học. Tôi cai quản dưới này với thằng
con mới lấy vợ.

     Anh ta tính vậy cũng phải, hai ông con lên thành phố, không quản lý chặt,
ham học không bằng ham chơi, vô phúc lại dính vào chích hút thì có mà tàn
mạng. Hạo lôi ở gần bàn ra mấy cái bọc cho chúng tôi coi. Anh ta nói như khoe:

    - Em cũng thử làm vi lượng cho lúa đó. Đây là Suynfat đồng. Anh đưa ra cái
bọc có chất bột màu xanh nước biển và nói. Thằng này hàm lượng chỉ có 75 phần
triệu nhưng thiếu nó là hạt lúa kém mẩy và rụng đầu bông. Anh ta chỉ mấy cái
bọc kia mà nói những tên khoa học của mấy thứ muối kẽm, muối môlipđen,
bôron…

   Chẳng biết từ lúc nào câu chuyện của chúng tôi xoay qua đề tài WTO và
APEC. Có lẽ tại bức ảnh Hạo và ông chủ hãng phân bón Đại Nông chụp ở Hà
Nội. Cả hai sách cặp Samsonite trên tay. Họ đứng trước phòng họp quốc tế có cái
mái lượn sóng… Đó là tấm ảnh chụp khi hai người đi dự Đại hội toàn quốc của
Hiệp hội Doanh nghiệp tại Hà Nội.

   - Ngày nay khi đất nước đã thực sự hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường phát
huy ở nhịp độ cao thì điều gì là quan trọng nhất đối với nông dân ta? Tôi thử nêu
câu hỏi. Tôi nghĩ cả hai người mới đi dự một hội nghị lớn ở Hà Nội, được các
đồng chí trung ương Đảng đến dự, gặp gỡ, nói chuyện hẳn là họ có những suy
nghĩ thức thời.

    - Có nhiều vấn đề đặt ra song tôi nghĩ cái mà chúng ta phải phát huy mạnh
hơn là làm ăn phải tính toán bài bản trước sau. Chỉ có vậy công việc mới thực sự
đem lại hiệu quả. Hai người, Thanh Nhanh và Đỗ Qúy Hạo nói nhiều nữa nhưng
tôi nghĩ đây là một mấu chốt. Và tôi được nghe câu chuyện trồng khoai lang vụ
này của Đỗ Qúy Hạo.

    Như mọi năm, Hạo chồng tiền thuê mướn đất. Anh chồng 110 triệu đồng để
thuê 19 hecta đất. Hạo nói:

   - Năm nay elnino tiếp tục tác hại nặng. Trời sẽ hạn, lại thêm bệnh vàng lùn
xoắn lá bà con phải phá lúa. Tất nhiên thế vào đó sẽ là cây khoai lang. Tất cả sẽ

                                        7
đổ vào cây khoai lang. Diện tích khoai lang sẽ tăng. Giá khoai củ sẽ hạ. Đó là
quy luật. Nhưng tôi vẫn trồng khoai. Vì khoai lang của tôi vẫn đang ăn khách. Có
điều phải tính tóan cách trồng khác với mọi năm.

    Thế là anh trồng khoai sớm hơn. Để có khoai củ sớm, Hạo bỏ một vụ lúa trên
đất thuê mướn. Hạo áp dụng phương pháp lên vồng để cho củ to hơn. Vậy là anh
chủ động cả về thời vụ, chủng lọai và chất lượng sản phẩm. Anh bỏ khỏan tiền
lời trồng lúa để thu lời cây khoai. Một khoản lời chắc chắn, ổn định hơn. Đúng
lúc này, cây lúa trên các cánh đồng mới trổ bông thì những vồng khoai trong 19
hecta đất của Hạo đã lên xanh um.

                                            ***

    Bộ loa của cái máy thu hình 21 incs treo trên cao bỗng rộ lên tiếng hò reo của
trận đấu bóng đá. Màn hình đang chạy một chương trình truyền hình trực tiếp của
VTV3. Tôi ngạc nhiên tại sao ở giữa cánh đồng xung quanh chỉ lúa là lúa này lại
có nguồn điện. Hạo lại đoán đúng ý tôi mà nói :

   - Tôi chạy máy đèn. Năm giờ hết một lít xăng.

    Chi phí có tăng lên nhưng cha con anh ta đáng được hưởng những tiện nghi
này. Doanh thu của 600 - 700 tấn khoai lang củ xuất khẩu và 4.000 đến 5.000 giạ
lúa hàng năm gánh nổi cho gia đình anh những chi phí gia tăng ấy. Âu cũng là
giữ gìn cho cuộc sống có chất lượng để sáng tạo nhiều hơn.

   Trầm ngâm một chút Hạo nói :

    - Khách hàng Nhật bản và Trung Quốc đã tới xem tận ruộng khoai nhà tôi.
Họ vừa ý lắm. Nhưng khoai nhà tôi phải xuất qua một địa chỉ khác ở thành phố
HCM. 1kg khoai hạng nhất tôi chỉ được có 1.800 đồng, nhưng họ xuất khẩu ăn
tới 4 USD. Vậy nên tôi chỉ mong mở được một cái Website. Với trang web ấy
mình sẽ có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nhiều khách hàng hơn. Hy vọng mình
sẽ làm ăn lớn hơn, vững vàng hơn.

      Cũng hay. www.khoailangvn . Một cái tên miền thú vị. Tôi chúc anh ta
sớm đạt được ước mơ ấy.

      2.

      Trời mới mưa, đường xấu, không chạy được xe máy nên tôi phải đi vỏ máy
vào trong đồng. Một cái lán rộng khoảng hơn trăm mét vuông hiện trên bờ kinh

                                        8
bên phải, gần như đối diện với khu nhà làm việc của trang trại. Ba cỗ máy kéo
nước sơn đỏ chói rực rỡ dưới nắng. Những chiếc máy kéo Fiat của Ytali nổi tiếng
là bền và khỏe. Ba máy này với phụ tùng cày sới kèm theo, rẻ cũng phải 600 triệu
đồng. Từ trong lán mới dựng vang lên tiếng nói, ánh lửa hàn lấp lóa và tiếng
máy mài xoe xóe cà trên bề mặt kim loại. Khung cảnh và âm thanh đó hiện trên
một vùng lúa xanh ngăn ngắt trông thật bắt mắt, nghe thật vui tai.
       - Đó là xưởng cơ khí. Anh chàng trẻ măng, người chạy vỏ máy lên tiếng.
       Vậy là đã ba năm tôi mới tới đây. Vẫn là điện tự phát. Tôi nghĩ bụng, bởi
quanh đây vẫn chưa hề thấy bóng dáng những cây cột và đường dây.
       Dưới lòng kinh, một nhóm người đang chôn một cây bạch đàn lớn mà ta dễ
nhận ra đó là những trụ đứng của một cây cầu. Đỗ Quý Hạo có mặt trong đám
này. Hạo giơ tay vẫy chào tôi từ xa. So với lần gặp nhau ba năm trước Hạo mập
hơn. Vì thế nhìn anh ta như thể lùn đi. Nước da cũng đen hơn. Thật tình trông
anh ta lúc này giống một con gấu giữa đám người. Một con gấu đặc sệt nông dân
với bộ óc tinh quái. Khó mà nhận ra Hạo trong hình ảnh một đại gia tay cầm cặp
Samsonai chụp ảnh trước phòng họp Quốc Tế tại thủ đô Hà Nội năm nào.
       Hạo đưa tôi vào trong lán cơ khí. Tới bên một bộ phận máy có cái thùng
tròn cao với cơ cấu nối sau máy kéo. Hạo nói không dấu vẻ phô trương.
       - Đây là máy thu hoạch khoai lang tôi mới sáng chế ra.
       Liền đó Hạo kể rất chi tiết về tính năng chuyên dụng của cỗ máy. Nào là
máy có bánh xe ngầm nhằm cắt đứt dây khoai và làm vỡ đất. Nào là máy có
thùng hút một phần đất vụn để lộ ra nửa trên củ khoai v.v… Nhờ cái máy này
Hạo giảm được non nửa số nhân công thu hoạch. Tỷ lệ và chất lượng khoai xuất
khẩu đạt cao hơn nhờ vỏ khoai không còn bị chầy sát. Tôi nhẩm tính, cái máy
này có thể đem lại cho anh ta hàng trăm triệu đồng tiền lời mỗi vụ. Chưa kể nhờ
có máy thu hoạch tiến độ thu hoạch khẩn trương và chủ động hơn, đáp ứng kịp
thời những nhu cầu cấp bách của khách hàng, từ đó tạo ra được ưu thế mới trong
thị trường.
       - Vậy thì từ đâu mà bạn có thiết kế của cái máy này ?
       - Thì tôi đi tham quan ở một số nơi, tham khảo thêm một số máy thu hoạch
khác rồi tự hình dung ra, thiết kế và chế tạo nó. Kỹ thuật gò, hàn, mài, lắp ráp
làm tại xưởng nhà. Kỹ thuật cắt gọt thuê tại xưởng khác.
       Dẫn tôi tới một cái máy khác nằm ở một góc lán, Hạo cho biết :
       - Đây là máy trồng khoai, vun luống và rải phân bón lót. Cũng là máy
chuyên dùng cho khoai lang do xưởng cơ khí của nhà làm. Máy này hoạt động rất
ngon. Tôi đang theo dõi điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Sau đó có thể phổ biến
cho bà con quanh vùng sử dụng.
       Anh ta gãi gãi cái mũi một cách rất trẻ con. Động tác ấy ở con người to
đùng khiến anh ta có cái vẻ rất dí dỏm. Hạo kể tiếp về những cái máy khác mà
anh ta sẽ còn tiếp tục cho ra đời. Đó là những máy chuyên dùng trên cánh đồng

                                       9
khoai. Chẳng hạn như máy đào rãnh. Hạo mô tả bằng cách vẽ nguyệch ngoạc mô
hình trên tờ giấy một mặt có chữ.
       - Vì cánh đồng này tôi áp dụng kiểu tưới thấm. Bởi vậy giữa hai luống
khoai phải có một mương nhỏ 40x40cm. Đào bằng tay cả hệ thống mương này
rất tốn công. Bởi tổng chiều dài của mương trên cánh đồng lên tới 50km. Mà vụ
nào cũng phải đào. Lên luống trồng khoai xong mới đào mương tưới. Đến khi thu
hoạch lại lấp đi.
       Còn phải có máy phun thuốc diệt cỏ mà lại là phun bên dưới lá khoai, Hạo
nói tiếp. Cái máy này anh ta cũng đã có ý tưởng sẵn sàng. Chỉ còn thể hiện cụ thể
và chế tạo.
       Chúng tôi không dừng lại câu chuyện về xưởng cơ khí ở đây. Bởi vì rõ
ràng không bao lâu nữa đây phải là một trung tâm cơ khí lớn hơn. Ba Hạo đang
tính phải sắm một hai cái máy tiện. Cho dù là chỉ để phục vụ riêng cho nhu cầu
chế tạo sửa chữa cho máy móc “ của nhà” cũng phải cần có một cỗ máy tiện.
Chưa nói đến việc tại sao lại không mở rộng xưởng phục vụ cho nhu cầu sửa
chữa cơ khí trên một vùng nông nghiệp nhiều ngàn hecta nơi đây. Có điều là mua
sắm trong nam hoặc nhân thể ra bắc để lùng kiếm thêm một số thiết bị cơ khí
khác nữa thì anh ta còn phải tính thêm.
       Vậy là trên cánh đồng khoai 52 hecta này, Quý Hạo đã bước sang một
cung cách làm ăn mới. Cơ giới hóa. Với ba cái máy kéo và ba dàn cày sới, Hạo
đã chủ động hoàn toàn khâu làm đất. Cũng với sức máy, Hạo đã hoàn toàn cơ khí
hóa khâu trồng trọt và thu hoạch. Đắp xong cái bờ vùng dài 10km bao quanh
vùng khoai và hệ thống bơm tưới hoàn chỉnh từ nhiều năm nay Hạo đã chủ động
hoàn toàn khâu tưới tiêu bằng máy… Chính cơ giới hóa đã giúp anh ta giảm trên
30% giá thành sản xuất. Cơ giới hóa còn cho anh ta khả năng rút ngắn thời gian
trong từng khâu sản xuất. Điều đó cho Ba Hạo lợi thế linh hoạt phù hợp với yêu
cầu biến động không ngừng của thị trường. Và do đó hơn lúc nào hết Ba Hạo
đứng rất vững trên thị trường hiện đại đầy sóng gió.
       Về trưa trời nắng đẹp. Cây cối được cơn mưa sớm rửa sạch tỏa ra sức sống
sinh động. Đứng từ đầu bờ vùng nhìn suốt chiều dài 2km rưỡi tới đầu bờ vùng
bên kia tôi đã thấy hút tầm nhìn. Chợt nhận ra một điều khiến tôi thắc mắc. Phải
chăng vùng đất này đã thuộc về Đỗ Quý Hạo ? Mà vì một lý do nào đó Hạo chưa
dám nhận là mình chủ sở hữu ? Tôi cũng biết anh ta đã có 10 hecta đất từ lâu. hỏi
:
       - Có phải vùng đất 52ha này là anh đang thuê của 14 chủ khác nhau ?
Anh ta gật đầu xác nhận. Vậy sao ông dám bỏ ra 130 triệu đồng mà làm cái bờ
vùng đồ sộ này ?
       Tôi nhìn vào tận mắt anh ta và anh ta cũng nhìn tôi như vậy.
       - Tôi thuê đất với giá rất cao. Hạo nhấn mạnh hai chữ rất cao. Vừa nói anh
ta vừa khẽ lắc lắc cái đầu. Những 7 tấn lúa một hecta năm đó. Mà là thuê dài hạn.

                                       10
Tất nhiên là nếu anh thuê ruộng lẻ, từng vụ lẻ giá thuê có thể nhỉnh hơn một chút.
Song thuê dài hạn thì giá tôi thuê là cao nhất rồi đó. Tôi dám chịu giá đó là bởi
vì, nếu mình chọn được giống tốt, kỹ thuật trồng trọt của mình cho ra sản phẩm
như ý, đón đúng thời điểm ăn giá, lại gặp được đúng khách hàng thì khoai lang
của tôi cho thu nhập cao gấp ba lần lúa. Thu nhập ấy chịu được chi phí cho tôi
thuê đất.
       Hạo từng thuê đất nhiều nơi. Có năm anh thuê tới trên trăm hecta. Và cuối
cùng anh chọn được vùng này là hợp với cây khoai lang hơn cả. Hạo cũng tìm
được cách dừng chân ở đây cho cây khoai lang của mình. Dưới những hình thức
cụ thể khác nhau sự tích tụ đang diễn ra ở đây. Quy luật vẫn luôn luôn là quy
luật.
       - Trong vùng khoai này anh Thưởng ạ, có một miếng đất đối với tôi là cực
kỳ quý giá. Hạo chỉ tay cho tôi thấy miếng đất khoảng hơn một trăm mét vuông.
Trên đó tôi chỉ thấy lèo tèo những dây khoai lang, lá xanh lá nâu xen lẫn. Không
biết là đám khoai đó cực kỳ quý giá với anh ta ở chỗ nào.
       Chừng như hiểu được ánh mắt của tôi, Hạo tiếp lời. Đó là miếng đát tàng
trữ các loại giống khoai của tôi đó.
       - Các loại giống khoai ?
       - Đúng. Trên thế giới có tất thảy 64 giống khoai lang khác nhau thì ở đây
Hạo có 32 giống. Trước đây vườn nhà chỉ có 22 giống. Mới đây, các anh ở Viện
Lúa ĐBSCL đến thăm, Hạo đổi được thêm 10 giống nữa. Bỏ công bao năm trời
sưu tầm đã để lại cho Hạo một kho tàng trên miếng đất đó. Tôi để ý khi nào khoái
chí anh ta xưng tên. Khi thân mật anh ta bỏ đại từ “ Tôi”, xưng “ Em”.
       Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ tôi nghe Hạo say sưa kể về việc sưu tầm
khoai lang giống trong nước.

                                Những người nông dân chân lấm, tay bùn trực
                         tiếp lao động như chúng tôi đã biết tìm bệnh cây bằng
                         kính hiển vi, bán sản phẩm qua mạng internet, giao
                         dịch với khách hàng bằng e-mail, thanh toán bằng tài
                         khoản ngân hàng, quản lý sản xuất bằng vi tính, giám
                         sát sản xuất bằng viễn kính và camera. Trang trại còn
                         đầu tư một thư viện có đến vài ngàn đầu sách để bổ trợ
                         kiến thức sản xuất và kinh doanh. Một công viên nho
                         nhỏ có vườn trồng cây lưu niệm mãi mãi ghi nhận bước
                         chân của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các
                         thương gia trong và ngoài nước đến thăm. (Trích báo
                         cáo của Ba Hạo)




                                       11
Từ trong nhà bước ra, một vị khách nước da sẫm, tướng hơi to con tay cầm
cặp samsonai. Vị khách này bước vào chiếc taxi và xe chạy nhanh ra hướng Hà
Nội. Vị khách hơi nhoài người tới trước dặn người lái:
       - Cậu chạy ra đường 5 đi Hải Phòng. Cậu cứ chạy tới. Khi nào cần dừng xe
tôi kêu. Đi bao nhiêu cây số và mất bao nhiêu thời gian dừng xe chờ đợi cậu tính
tiền tôi trả đầy đủ.
       Qua cầu Chui Gia Lâm xe quẹo vào đường 5 và bon bon chạy tới. Khi đó
hai bên đường 5 còn thông thoáng chứ không chật chội những xưởng máy, kho
hàng và trụ sở doanh nghiệp như ngày nay. Vị khách chăm chăm nhìn qua cửa
kinh sang những cánh đồng bên lộ xe đông đúc. Vị khách kêu:
       - Dừng xe.
       Vị khách tự mở cửa xe ra ngoài. Ông ta đi thẳng xuống cánh đồng. Đến
đúng những mảnh ruộng trồng khoai lang. Ông ta đi sâu vào một ruộng khoai, rồi
hai ruộng khoai. Mỗi nơi, ông ta ngồi xuống bên rãnh khoai xem xét. Cũng có
ruộng ông ta bới gốc, rút ra con dao nhíp nhẹ cắt lấy một nhánh dây. Ông ta cuộn
nhánh dây bỏ vào một cái túi nilon rồi trở lại đường quốc lộ lên xe giục lái xe đi
tiếp. Cứ vậy ông ta dừng xe hàng chục lần. Mặc dù đã chùi giày cẩn thận mỗi khi
về xe, vị khách nọ cũng đưa vào xe vô khối đất vụn. Xe tới Quán Toan địa đầu
vào thành phố Hải Phòng vị khách kêu người lái xe chạy tới.
       Tới khi vào phố đông, không còn những ruộng khoai, vị khách kêu ngừng
xe tính tiền. Người lái xe nhìn đồng hồ cây số tính tiền. Và rồi cả tiền cây số cả
tiền chờ người lái tính thành tiền là 1.200.000 đồng. Vị khách vui vẻ trả tiền, ôm
mớ bọc dây khoai trở vô khách sạn.
       Vị khách gây tò mò cho người lái xe taxi chẳng phải ai xa lạ, chính là Đỗ
Quý Hạo. Lần đó anh ta được mời ra Hà Nội dự một hội nghị. Có một ngày nghỉ
anh ta thuê xe lên đường 5 sưu tầm giống khoai. Chuyến đi qua bốn tỉnh Hà Nội,
Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đó, trên 20 lần dừng lại các ruộng khoai, Hạo
tốn một triệu hai trăm ngàn đồng và lấy được bốn giống khoai mới. Chuyến đi
tính ra cũng bộn tiền vì giá xăng khi đó mới có chưa đến 7.000 đồng một lít.
                                          ***
       Vậy là trong ba năm trời, mọi khâu về kỹ thuật trồng khoai lang đều đã
được Ba Hạo tính toán và làm xong. Và chắc rằng những gì bất trắc về kỹ thuật
có thể xảy ra trên ruộng khoai của mình, Đỗ Quý Hạo đều có thể giải quyết được.
Tôi cứ nhớ mãi một câu Hạo đã nói với tôi trong lần gặp nhau này.
       - Hiện bây giờ và mãi về sau tôi sẽ chỉ làm khoai lang. Nhưng từ nay tôi đã
là một công nhân nông nghiệp rồi đó.
       Tôi thấy rõ nét tinh quái trên khuôn mặt Ba Hạo khi anh ta nói câu nói này.
Tôi cho rằng có một người nông dân đã trở thành công nhân ngay trên đồng
ruộng của mình. Bước tiến ấy cũng thật thú vị đấy chứ.



                                       12
3.

        Lại nói đến cái Website của Đỗ Quý Hạo. Cả chục năm trời anh chàng mơ
đến một cái Website riêng thì đến năm 2007 Hạo cũng làm được. Tuy nhiên khi
vào được mạng thì anh ta mới biết rằng đã có một Website khoailangbahao.com
đã nằm chình ình ở đó. Hóa ra Hạo đã chậm chân hơn một ai đó. Hạo cắn răng
chịu sự chen ngang này. Anh chàng uất lên vì ước mơ của mình đến lúc hiện thực
thì lại bị phá đám. Hạo thương lượng với chủ kia để sang lại cái tên miền mà đã
bao năm mơ ước. Anh chàng nhận được một cái giá kinh hồn: 10.000USD! Cuối
cùng anh ta đành phải lấy tên cho Website của mình là khoailangbahao.com.vn.
Hàng năm trời Hạo cứ thắc mắc vì sao cái tên miền ấy lại bị lọt ra ngoài và bị
chiếm trước. Mà thật ra về nội dung cái website kia cũng chẳng có mấy chuyện
về khoai lang, toàn là thông tin bạc nhạc. Ba Hạo mới nhớ rằng, trên một vài diễn
đàn cả ở trong nam và ngoài bắc, Hạo từng công khai nói lên mơ ước của mình
về việc lập một Website với tên miềm như thế. Nói chuyện đó, có vẻ như Ba Hạo
muốn công khai xí phần trước cái tên miền thú vị của mình. Để rồi đến lúc Hạo
mới ngã ngửa ra là thời đại mới có những “luật”, những lối chơi riêng mà ta phải
hội nhập. Một lối chơi mà mình không chấp nhận không được. Càng ấm ức về
việc những thông tin của mình sẽ bị nhiễu trên mạng, Hạo càng hiểu thêm rằng
hóa ra cái tên miền của mình cũng đáng đồng tiền.
        Và đúng như mơ ước lâu nay của anh khi đã thành hiện thực. Bốn tháng
sau khi Website lên mạng, khách hàng đầu tiên từ Nhật đã tìm tới. Khoai lang Ba
Hạo đã tìm được tới khách hàng. Việc mua bán tuy chưa được trực tiếp, nhưng so
với trước đã giảm được nhiều khâu trung gian. Và cũng từ việc tham gia mạng
Hạo tìm được không biết bao nhiêu là thông tin bổ ích. Hóa ra sản lượng khoai
lang trên thế giới là 127 triệu tấn năm. Trong đó Trung Quốc chiếm 90 triệu tấn.
Tuy nhiên cái anh chàng to đùng ấy có trong tay tới 80% sản lượng khoai lang
thế giới này không sẵn lắm những giống khoai ngon. Như khoai tím Nhật chẳng
hạn, gần như toàn bộ sản lượng loại này Ba Hạo bán tại Quảng Châu. Giống
khoai này lại đang chiếm một ưu thế trên cánh đồng khoai Ba Hạo. Một thông tin
ấy thôi đã cho Hạo bao nhiêu ý tưởng làm ăn mới mẻ. Đó là cách anh ta quyết
định chọn lựa quy trình sản xuất, là việc nghiên cứu cải tạo giống trong phòng thí
nghiệm và trên cánh đồng khảo nghiệm mà Hạo tiếp tục làm không chỉ với tư
cách một người thợ trồng trọt mà là công việc của nhà nghiên cứu.
        Ba Hạo kể rất chi tiết cho tôi nghe về những con số, những tên gọi, những
ký hiệu… Có những tên gọi ngoại ngữ anh ta ghi lại cho tôi trên một miếng giấy.
Có lẽ tại bởi khó khăn của anh ta trong việc phát âm ngoại ngữ và khó khăn hạn
chế của tôi về tiếp nhận tiếng Anh mà Ba Hạo làm vậy. Âu cũng là để thuận lợi
cho cả hai chúng tôi. Phải tiếp xúc với những kiến thức ấy bao nhiêu lần anh ta

                                       13
mới thuộc vanh vách như vậy? Ba Hạo đã học tập như thế nào? Đó là một câu
chuyện rất dài và rất nhiều chi tiết.
       Sau mấy tiếng đồng hồ lang thang trong siêu thị sách Lê Lợi về nhà anh ta
rất phấn chấn. Những quyển sách mà anh ta ôm về là nguyên nhân của niềm vui
ấy. Đặc biệt là cuốn sách viết về Feramol - Bẫy dụ bọ Hà của giáo sư tiến sĩ
Nguyễn Công Hào. Trong nhà sách, đứng dựa lưng vào một bên giá sách, anh ta
đã đọc cả tiếng đồng hồ cuốn sách đó. Thoạt đầu anh ta đọc mục lục. Thấy hay
anh ta đọc lướt một vài trang. Rồi anh ta đọc kỹ đoạn nói về nguyên tắc chế tạo
một Feramol. Anh ta nghiệm thấy một điều là các nhà khoa học thực sự viết sách
cũng không rắc rối lắm. Kể cả những vấn đề rất chuyên sâu cũng được các tác giả
xịn đó viết ra thật dễ hiểu. Điều quan trọng là người đọc có hứng thú với đề tài
được đề cập đến trong sách hay không. Về nhà anh ta bỏ mọi việc đó ôm cuốn
sách lên võng nằm. Rất từ tốn anh ta ngốn hết chương này đến chương khác.
Cũng có chỗ khó hiểu anh ta phải nghiền ngẫm. Có chỗ anh ta đánh dấu lại để rồi
nghiên cứu tiếp. Đọc gần hết cuốn sách anh ta đã nghĩ tới việc phải tìm cho được
tác giả để làm quen và hỏi thêm một số điều anh ta đã đánh dấu trong sách.
       Mấy ngày sau anh ta gọi điện thoại tới nhà xuất bản. Cô trực tổng đài cho
Hạo số điện Ban Biên tập. Từ đó anh ta có số điện thoại Trung tâm Khoa học tự
nhiên Quốc gia. Rồi anh ta có tiếp số điện thoại Phân viện Hóa học các hợp chất
thiên nhiên, bởi giáo sư tiến sĩ viện trưởng Nguyễn Công Hào phụ trách phân
viện đó. Rồi cứ thế, anh ta phải mất gần 20 cú điện thoại mới gặp trực tiếp trên
máy vị giáo sư viện trưởng… Hóa ra gặp được ngài giáo sư tiến sĩ viện trưởng
tuy rắc rối một chút song cũng không khó gì mấy. Bởi giáo sư đã được nghe mấy
vị khác nói về anh nông dân Đỗ Quý Hạo nên anh ta có thể nói thẳng vào những
thắc mắc của mình từ cuốn sách anh ta đã đọc. Và sau đó chính giáo sư Nguyễn
Công Hào đã đưa ngay đề tài của mình về thực hành ngay trên cánh đồng khoai
Ba Hạo. Lần đó Hạo được học, được làm đến thỏa mãn một đề tài khoa học cấp
quốc gia.
       Chính vì tìm gặp được các nhà khoa học mà Hạo có thể giải quyết được
nhiều vấn đề nảy sinh trên cánh đồng khoai. Anh ta cũng tích lũy được nhiều kiến
thức trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Nhiều GSTS ở Đại học Nông
nghiệp I Hà Nội cho Hạo sách đoc và tư vấn cho anh ta về cây khoai lang, dinh
dưỡng cây trồng và nguồn gốc đất đai. Giảng viên kỹ sư Nguyễn Thị Nghiêm và
nhiều thầy cô giáo ở Đại học Cần Thơ giúp cho Hạo những kiến thức về truyền
nhiễm, nấm, vi rút, vi khuẩn… bệnh cây. Các GSTS Nguyễn Văn Luận, Lê Văn
Mạnh ở Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long thì tư vấn cho Hạo những kiến
thức về sự quang hợp, tích lũy và vận chuyển tinh bột của cây khoai lang. Tại
Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam có Thạc sĩ Nguyễn Quang Chơn, và TS
Nguyễn Văn Nghĩa truyền đạt cho Hạo kiến thức về đất, vi sinh và chế phẩm
công nghệ cao. Hạo còn được dự thính nhiều khóa học về kinh tế tại Đại học An

                                      14
Giang. Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hỗ trợ cho Hạo về thổ nhưỡng, mùa
vụ,…
       Đỗ Quý Hạo không phải là một nhà nghiên cứu, cũng không phải một học
giả, chắc chắn là như vậy. Những kiến thức tổng hợp và việc thực hành chăm chỉ,
khoa học trên cánh đồng giúp anh hiểu cây khoai lang một cách toàn diện, triệt
để. Với Hạo cuộc đời cây khoai lang chẳng khác cuộc đời một con người.
       - Cây khoai sinh trưởng trong 130 ngày. Hai tháng đầu tôi can thiệp vào
đời sống của nó mọi biện pháp tích cực nhất. Những biện pháp nhằm giúp nó
phát triển tối đa bộ máy quang hợp, tích lũy tinh bột. Từ tháng thứ ba tôi để nó
phát triển tự nhiên, không can thiệp nữa. Khoảng thời gian này đủ cho cây khoai
chuyển hóa tất cả những gì mà nó đã tiếp nhận được từ tay tôi. Để rồi đến lúc
hiểu rằng nó phải chuyển toàn bộ tinh bột xuống củ. Củ khoai, đó là di sản thừa
kế loài khoai lang để lại cho con cháu…
       Trở lại câu chuyện bên cánh đồng khoai.
       - Còn đây là miếng vườn khảo nghiệm. Nó cũng giống như là đi trinh sát
trong quân đội. Có lẽ đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên của tôi khiến Hạo ngưng lời.
Anh ta nhìn lại tôi với nụ cười tinh quái. Đúng. Công tác trinh sát. Tôi có đi bộ
đội chứ bộ. Bốn năm dẹp loạn Pôn Pốt ở Campuchia đó. Khảo nghiệm để tìm ra
quy trình sản xuất phù hợp cho mỗi giống khoai trồng ở ngay tại đất Mỹ Hiếp
Sơn này. Khảo nghiệm nói thì lớn song chính là tôi phải tìm ra cho được mật độ
trồng, cách làm đất và công thức phân bón cùng những quy luật chăm sóc khác
thích hợp cho mỗi giống. Ví dụ nhờ tự khảo nghiệm tôi rút ra với khoai sữa thì
giảm kali, manhê, tăng boron; Với khoai Benga Raoma thì tăng đạm, tăng kali,
giảm nitơ… Việc này cũng rắc rối và rất tốn thời gian. Bởi tôi phải tìm ra chính
xác liều lượng của những tăng giảm ấy. Hơn nữa còn phải tìm công thức tối ưu.
Có nhiều giống khoai để làm gì nếu không tìm ra được giống cây ngon nhất, năng
suất cao nhất, tiêu thụ tốt nhất trong thị trường xuất khẩu? Chưa nói đến việc
khảo nghiệm không chỉ là phục tráng giống mà còn phải tìm ra cách cải tạo, nâng
cao chất lượng giống khoai.
       Trên miếng đất rộng hơn 100 mét vuông. Mỗi vụ anh ta khảo nghiệm sáu
loại cây giống. Mỗi năm hai vụ, với 34 giống khoai đang có, anh ta phải mất ba
năm mới giáp một vòng khảo nghiệm. Vòng sau là những khảo nghiệp sâu hơn
cho những giống khoai chọn lọc ban đầu. Những giống khoai triển vọng Hạo
đang theo dõi vụ này đã cho những kết quả thú vị. Cái giống khoai Viên Điền ấy,
thiên hạ đã bỏ đi. Bởi đó là loại khoai nhạt nhẽo, nhiều sơ. Nó vô duyên với cả
những cái bụng đói chứ không nói đến cái thú ăn chơi, ăn cho vui miệng. Vậy mà
sau mấy lần khảo nghiệm, giống khoai Viên Điền ở trang trại Ba Hạo cho rất
nhiều tinh bột. Khoai này dùng nấu rượu cực kỳ hiệu quả. Thoạt đầu Hạo đã tính
bỏ loại này, sau anh ta cứ đưa vào khảo nghiệm bởi anh ta muốn củng cố, xác
định chính xác độ tin cậy phương pháp khoa học của mình.

                                       15
Cũng vậy, những giống khoai Bí Nhật, Tím Nhật, Nhân Ngọc, Tầu
Nghẹn… ngoài đời chúng cũng là những giống bình thường thôi. Qua khảo
nghiệm ở trại khoai Ba Hạo chúng nổi rõ những phẩm chất không ai ngờ. Những
củ khoai Bí Nhật trở nên ngọt như chấm đường. Miếng khoai Nhân Ngọc mềm
ngon như củ ấu. Lát khoai Tầu Nghẹn luộc xong ăn chẳng khác gì miếng bánh
in…
      Và sự thực thì thương hiệu Khoai lang Ba Hạo đang chiếm được niềm tin.
Anh ta làm quen với anh ta. Bởi kể : mấy người bà con ở Tuyên Quang có gọi
điện vào hỏi thăm: Có mấy cái xe tải chở khoai lang lên vùng núi ngoài đó. Bên
ngoài thành xe tải họ treo tấm băng - rôn ghi Khoai lang Ba Hạo. “Vậy có đúng
là khoai lang của nhà mình không?” Hạo nghe tin điện thoại đó mà cứ thấy tê tê
vùng rốn. Còn tôi biết khoai lang Ba Hạo từ ngày chưa con kênh Rạch Giồng bên
vườn sau nhà tôi mấy ngày không nghe người ta rao bán “Khoai lang Ba Hạo”.

                   Khi khởi nghiệp gia đình tôi chỉ canh tác có hơn 2 công đất
                   năng suất thấp. Sau 25 năm đến nay diện tích tăng 200 lần,
                   năng suất tăng 7 lần, và sản lượng tăng hơn ngàn lần. Hiện
                   nay mỗi năm tôi canh tác trên dưới 100ha sản lượng 2000
                   đến 3000 tấn khoai lang. Trên cánh đồng khoai lang chúng
                   tôi đã sản xuất bằng cơ giới hầu hết các khâu từ cày, sới, lên
                   luống, bón phân, phun thuốc, tưới tiêu, thu hoạch. Chúng tôi
                   đang ứng dụng đạt kết quả các giải pháp theo tiêu chuẩn
                   LOBAN GAP. (Trích báo cáo của Đỗ Quý Hạo)

        Tất nhiên là khảo nghiệm thì chỉ cho mình hiểu biết cách thức trồng trọt để
đạt hiệu quả cao nhất. Còn việc chọn giống nào để trồng thì phải kết hợp cả khảo
nghiệm với nghiên cứu mùa vụ và thị trường mới có quyết định chính xác.
        Tôi chợt nhớ ra một vấn đề khác nên hỏi tiếp:
        - Dân gian có câu “Khoai ruộng lạ. Cá ao quen”, ông trồng khoai chuyên
canh trên một vùng đất như vậy liệu có vấn đề gì xảy ra về công nghệ?
        Chừng như vấn đề này cũng đã được Hạo xem xét từ lâu. Anh ta trả lời
mau mắn:
        - Sở dĩ người ta tổng kết luận “khoai ruộng lạ” cũng bởi sẽ xảy ra hai vấn
đề nếu ta làm đất chuyên canh. Một là, sâu bệnh. Hai là, đất sẽ bị cạn kiệt dinh
dưỡng. Về sâu bệnh mình đã chắc chắn là cây khoai có mấy loại bệnh chủ yếu:
nấm thối dây lá, nấm thối mềm củ và nấm chết nhánh… Cái bệnh nấm thối mềm
củ có thể làm hại tới 80% sản lượng. Song mình đã biết thuốc và biết cách phòng
trị thì cũng không đáng quan ngại lắm. Bởi vì không chỉ chống và trị bệnh mà
mình còn có biện pháp phòng bệnh nữa thì kết quả cũng khá triệt để. Còn những
phát sinh do đất thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng thì mình biết rõ quy luật sinh

                                        16
trưởng và nhu cầu chăm sóc của từng giống khoai, lại đảm bảo thêm bằng giải
pháp vi lượng thì cũng có phương sách lâu dài. Và hơn nữa, em vẫn đang tiếp tục
khảo nghiệm mà.
       Đỗ Quý Hạo đưa ánh mắt nhìn xa xăm rồi nói:
       - Đây cũng chưa hẳn đã là phương án tối ưu cho những năm tới. Nhiều lúc
em cảm thấy bị bó buộc vì cái sản lượng khoai lang hiện có rồi. Anh ta nhoài
người tới gần tôi trầm giọng tâm sự. Chắc chắn là phải tính đến một cái nhà máy
chế biến khoai lang tại đây thôi anh ạ. Em nghĩ là cha con em phải làm và sẽ làm
được.
       Tôi nhìn anh ta. Ôi con mắt ấy chưa bao giờ tôi thấy nó thật như lúc này.
Tôi phải chuyển góc nhìn ra khỏi đôi mắt của anh ta.
       Chợt nhớ câu châm ngôn của Ba Hạo. Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài
hơn cả giầu sang bạc tiền. Nay thì họ đã có cả cái hơn và cái kém. Cả chữ và cả
vàng. Cả tài năng và bạc tiền, và đôla. Vậy mà anh ta còn muốn hơn nữa.
       Có một điều tôi nghĩ cả năm nay mà tôi chưa nói với anh ta và chắc là anh
ta cũng không biết. Con đường anh ta đã đi hai chục năm nay, phải chăng chính
là con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nước ta? Một con đường
Đảng ta đã ghi rất rõ trong đường lối của Đảng.
       Tôi nói vậy không biết có quá lời hay không.




                                      17
LÀNG TRƯỚC SÓNG

                                                                 Trần Cụng Sử

        Đó là một làng biển.
        Hẳn như vậy! Làng ấy nổi tiếng đấy! chẳng những thế mà khoảng hai mươi
năm nay kể từ bài báo của Thế Nghĩa - phóng viên báo nhân dân thường trú tại
Thanh Hóa cho in trên báo nhân dân với cái tên rất gợi “làng ăn mày Quảng
Thái” có thờ ông thành hoàng là “người ăn mày”, “Thần ăn mày”... bỗng dưng
nổi lên như cồn. Người ta truyền miệng nhau hư hư thực thực về cái thần phả
vừa bí hiểm lại vừa diễu cợt rằng con cháu trong làng hàng năm có cái tục ăn
mày về cúng cụ thành hoàng thì mới làm ăn yên ổn, phát đạt. Điều ấy thành lệ
làng “hoành tráng” vào dịp mùng một tháng hai âm lịch hàng năm cúng tế linh
đình, trai thanh gái tú thì khiêng kiệu, rước lọng, các cụ già thì tế lễ hàng dọc
hàng ngang hết ra biển làm lễ cầu ngư, lại vào đồng làm lễ cầu nông. Đó là chính
lễ. Còn việc ăn uống của làng thì phải vài ba ngày mới gọi tạm xong, còn có nhà
thì rả rích dăm hôm mới thỏa. Nào là khách xa, bạn gần mời mọc nhau đến kỳ no
say mới được trở lại nhà, nào là từ ông già cho đến thanh niên những ngày này ra
đường rượu say túy lúy, chân nam đá chân chiêu... Sau những ngày cúng cụ
thành hoàng, con cháu trong làng lại “bị, gậy” lên đường có lúc đến trắng làng để
mong “hành khất” no đủ, để rồi đến dịp mùng một tháng hai kéo nhau về cúng
cụ. Lại còn có cả tin đồn ủy ban nhân dân xã cấp giấy thông hành cho dân đi ăn
xin... Thật thế ư? Chẳng nhẽ có một ông thần ăn mày siêu phàm đến thế ư? Sự
siêu phàm của cụ xui được cả chính quyền sở tại cấp giấy thông hành? Chao ơi,
chuyện cứ như từ hành tinh khác truyền về chứ làm gì có một làng quê kỳ lạ đến
như vậy? Nhưng mà tên làng, tên xã có thật trên bản đồ hành chính của quốc gia
này, làm sao mà từ hành tinh khác bay đến đây! Thế là tin lành đồn xa, tin dữ đồn
xa thu hút sự tò mò của bao người đối với làng Quảng Thái, báo chí thỉnh thoảng
nói về làng, dư luận thêu dệt về làng không chỉ người hàng tỉnh biết mà người cả
nước biết về một cái tên làng Quảng Thái như một “thương hiệu đau buồn”...
         Tôi vốn là bạn chiến đấu với anh Cao Tiến Việt ở Binh đoàn Cửu Long
người ở làng này, hiện nay là Chủ tịch xã Quảng Thái. Nhiều lần anh mời tôi về
chơi, nhưng do bận bịu công việc, đường sá xa xôi, với lại từ ngày phục viên về
quê, phải lo bao nhiêu thứ của hậu phương người lính mà cái nghèo, cái đói cứ
bám riết, đành làm một cuộc “cách mạng” đưa cha mẹ, vợ con lên miền núi tỉnh
Hòa Bình xây dựng kinh tế mới, mãi sau này anh em mới liên lạc được với nhau.
Thế mà chuyện làng Quảng Thái của Việt cũng bay lên đến tận miền núi nơi tôi
đang sinh sống. Vốn là cộng tác viên của báo Binh đoàn trước đây, khi nghe tin


                                       18
đồn như vậy, tôi điện cho Việt để hiểu thực hư thế nào thì được Việt nói rằng
chuyện nó dài lắm, khi nào có điều kiện mời ông về chơi với nhau dăm bữa, nửa
tháng may ra mới nói hết với ông được. Nhân việc cùng anh em cơ quan đi nghỉ
hè ở Sầm Sơn tôi mới có dịp về thăm Việt và gia đình theo chỉ dẫn của anh qua
điện thoại và dự định ở lại chơi mấy hôm còn thăm vài thằng bạn chiến đấu quê ở
ven biển Quảng Xương, Tĩnh Gia.
        Buổi chiều, khi cái nắng tháng bảy đã dịu, tôi bắt chiếc xe ôm về Quảng
Thái. Người lái xe ôm cũng đã đứng tuổi, có bộ ria mép đậm nhưng không được
chăm chút nên có mấy cái đã chờm qua môi trên. Với một giọng tự tin, liến
thoắng, anh nói với tôi:
       - Ông về Quảng Thái, về làng ăn mày à? Dễ thôi, 15 ngàn đồng, chỉ vài
chục phút là đến ngay.
       - Sao? Anh cũng biết đó là làng ăn mày à?
       - Thì người ta đồn ầm lên đấy thôi! Mà nghe nói bây giờ dân ở đấy giàu có
lên là cũng nhờ “ăn mày” đấy!
       - Hóa ra anh cũng chỉ nghe nói...
       - Người ta còn nói là thờ ông thành hoàng là người ăn mày rất thiêng...
       - Thế à?
       Câu chuyện lúc được, lúc chăng thì chiếc hon đa đã đưa chúng tôi về đến
Quảng Thái. Tôi hỏi thăm chủ tịch Cao Tiến Việt thì mọi người đều nhiệt tình chỉ
lối. Chẳng mấy chốc tôi đã có mặt tại nhà chủ tịch xã Quảng Thái. Vì đã điện
thoại hẹn nhau nên khi tôi đến, Việt đã đợi ở nhà. Anh em tay bắt mặt mừng vì
lâu ngày mới gặp nhau. Việt gọi vào trong bếp:
       - Em ơi, anh Sử về chơi. Chị Đụa - vợ anh đang nấu trong bếp nghe có
khách ra chào:
       - Bác đi đường xa có mệt lắm không? Anh Việt nhà em nhắc bác luôn đấy.
       - Dễ đến hơn hai chục năm anh em mới gặp nhau nên cái mệt tan biến đâu
mất rồi. Tôi cười.
       - Em bận bếp núc một tý, hai anh em nghỉ ngơi rồi chuẩn bị cơm nước. Chị
Đụa vào bếp...
                                   *
                                 * *
       Sau khi tôi và Việt tắm táp xong thì bữa cơm tối cũng được dọn ra trên
chiếc chiếu hoa trải ở hiên nhà. Chiều xuống nhanh, chỉ còn một vệt sáng yếu ớt
hắt lên rặng dừa trước mặt. Bóng đêm đã bắt đầu bò ra. Vẫn những cơn gió biển
thổi vào lồng lộng, mát mẻ. Một mâm cơm thịnh soạn toàn là đồ ăn hải sản như
cua biển luộc, mực hấp, cá thu sốt cà chua, tôm he, rau nộm và vài món ăn ở biển
tôi không kịp nhớ hết. Bữa cơm có cả nhà cùng dự.




                                      19
- Hôm nay khách quí từ rừng núi xa xôi Hòa Bình về với biển, chỉ chiêu
đãi ông bạn toàn đồ biển thôi đấy nhá. Đây thì có bia, có rượu ông thích gì cứ cho
ý kiến.
       - Toàn thứ hải sản này thì dùng rượu là hợp phải không? Tôi trả lời.
       - Đồng ý! Một hũ rượu ngâm rắn biển mà dân địa phương gọi là “đẻn”
được Việt mang ra! Trong bữa cơm, anh em ôn lại những chuyện xưa kia ở chiến
trường, chuyện hậu chiến trở về địa phương mưu sinh gian khổ, vất vả, vật lộn
với đời thường, với những thăng trầm năm tháng tồn tại để vượt lên... Bữa cơm
vừa xong thì có một vài người nữa đến chơi, người nào cũng lực lưỡng, cánh tay
rắn chắc, nước da đỏ au. Người thì chào chú, người thì chào mợ, người thì chào
chủ tịch... và họ không quên chào tôi: chào ông. Ấm nước chè xanh chị Đụa bê ra
còn nóng, khói nghi ngút, hương vị thơm mát. Chị rót ra bát mời mọi người. Họ
vừa uống nước, vừa hút thuốc lào và tán gẫu. Họ nói chuyện với nhau về thời tiết,
về đi khơi, đi lộng... Những kinh nghiệm đi biển của mình đều được trình làng.
Một người trạc bốn mươi tuổi cất giọng:
       - Làm thằng ngư dân ở vùng biển bãi ngang này chỉ khổ suốt đời thôi. Đi
khơi không được. Sắm thuyền thì không chỗ neo đậu, chỉ vài cái bè rách kéo lên
bãi, đẩy xuống sóng chạy ra vài sải nước đánh chồng, đánh chéo lưới lên nhau thì
lấy đâu ra cá... Không như trong miền Nam, thuyền đi khơi dăm bảy ngày, khi
nào đầy ắp cá thì mới về. Như vậy, thì sao nói là họ không no, không giàu? Nói
có ông bạn của chủ tịch thông cảm cho, ngư dân vùng bãi ngang như chúng tôi
khổ như con chó. Bây giờ đang mùa biển thì ở nhà, dù thu hoạch không được là
bao, nhưng nó sướng vì mình làm chủ được cái nghề của mình. Dăm bữa, nửa
tháng nữa biển động triền miên thì kéo nhau đi đánh cá thuê cho thiên hạ... Lại
bài ca Phan Rang, Phan Thiết, Bà Rỵa - Vũng Tàu... hãy lên đường thôi anh em
ơi... Cái giọng hài hước của anh ngư dân làm mọi người cười rộ. Họ còn chen
vào vài câu chế diễu hài hước về nghề biền, đánh cá biển làm cho không khí vui
hẳn lên... Trong lòng tôi lắng xuống. Chẳng nhẽ nghề biển ở đây khắc nghiệt đến
thế ư? Qua câu chuyện của họ, tôi biết được họ không thuần túy là những người
bám trụ ở làng. Bởi những địa danh họ kể, những con người họ từng gặp, những
cuộc vật lộn với biển cả xứ người... Trong lòng họ luôn có một khát khao trở về
sống giữa quê hương, làm sao cho quê mình giàu có, nghề biển quê mình khấm
khá hẳn lên... Trăng mười tám nhô khỏi rặng dừa trước mặt, sân nhà Việt tràn
đầy ánh trăng, tràn đầy những câu chuyện biển... Khuya, mọi người lục tục ra về.
Chị Đụa thu dọn xong cũng đã đi nghỉ. Những ngọn gió biển vẫn đều đặn thổi
vào, bầu trời vằng vặc trăng sao. Việt hỏi tôi:
       - Ông thấy dân biển thế nào?
       - Hào sảng, ăn to nói lớn, vui vẻ và mến khách! Tôi cũng chỉ trả lời bẵng
những cảm nhận ban đầu.



                                       20
- Còn một đức tính nữa mà ông chưa hình dung nổi, đó là chịu đựng gian
khổ, gan lì trước sóng gió, bão dông, và thẳng thắn... Việt nói.
       - Môi trường sống làm nên đức tính con người. Tôi khẳng định! Tôi đang
định nói điều gì liên quan đến môi trường sống, đến những điều đồn đại về làng
của Việt mà tôi đặt ra trong chuyến đi thăm bạn lần này. Bỗng Việt hỏi tôi:
       - Ông có thức khuya được không?
       - Trăng thanh gió mát, không khí trong lành nên thơ như thế này mà ngủ
sớm thì có phí không cơ chứ?!
       - Ừ, thế thì được!Việt đồng tình.
       - Tôi muốn quan tâm một vấn đề mà đau đáu bấy lâu nay?
       - Chắc lại chuyện làng ăn mày Quảng Thái mà mấy năm trước ông gọi điện
hỏi tôi?
       - Đúng đấy! Chuyện ấy là như thế nào? Có phải làng ta có ông thành hoàng
là thần ăn mày không? Ăn mày là lệ làng ư? Là nét văn hóa truyền thống vốn tồn
tại như một số làng ăn mày khác trong cộng đồng dân cư Việt Nam?
       - Trước hết khẳng định với ông bạn rằng: thành hoàng làng tôi là những vị
quan lớn, đưa con dân về đây khai phá đất hoang lập đồn điền trên vùng cát trắng
bãi ngang này. Thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” dưới triều Lê Thánh
Tông. Không chỉ một vị thành hoàng mà làng tôi có tới hai vị thành hoàng, đó là
ông họ Tô và ông họ Uông. Còn tục ăn mày thì không có, nhưng dân đi ăn mày
thì có, thậm chí như một hội chứng dân ăn mày Quảng Thái. Có tiếng xe máy đến
cổng rồi rẽ vào nhà Việt. Tiếng xe vừa tắt thì giọng nói oang oang đã tràn vào
sân:
       - Các chú làm gì mà bây giờ chưa ngủ?
       - Anh đấy à? Anh ngồi đây uống nước.
       - Tao qua chỗ ông ngoại về ngang đây thấy còn đèn, còn người...
       - Đây là anh Sử bạn em từ Hòa Bình vào chơi, còn đây là ông anh Tô Vũ
Đưa, đồng hao với tôi, cũng bộ đội về, nguyên là Bí thư đảng ủy xã này khóa
1992 - 1994. Ôi, nói đến lịch sử làng thì ông anh rành lắm... Việt giới thiệu một
hồi và lái câu chuyện tôi đang nghe dở sang anh Đưa. Dáng vóc lực lưỡng, mái
tóc hoa râm, đặc biệt đôi mắt ánh lên sự thông minh của anh cùng với cái bắt tay
rất chặt, giọng nói hồ hởi nên anh em chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Hút
điếu thuốc lào, uống chén trà nóng, anh nối tiếp câu chuyện về làng. Làng có từ
bao giờ? Có tục ăn mày không mà nổi tiếng đến thế? Đúng là tốn bao giấy mực
của cánh nhà báo viết về làng vừa đúng vừa sai. Vì sao như vậy ạ? Vì cánh nhà
báo về làng cũng chỉ gặp mấy ông xã rồi cưỡi ngựa xem hoa một vài nơi mà xã
giới thiệu, chỉ dẫn. Thế là tai đực, tai cái viết bài. Nhiều bài báo viết về làng đọc
xong thấy tức anh ách, vì họ chẳng hiểu gì làng chúng tôi cả.
       - Ví dụ? Tôi cắt ngang. Anh Đưa uống thêm ngụm nước nữa và nói một
mạch:

                                         21
- Làng Đồn Điền chúng tôi thờ nhị vị thành hoàng và tứ vị thánh nương.
Sự thật là như thế. Nhị vị thành hoàng là hai ông quan dưới triều Lê Thánh Tông
có tên tuổi, có hàm vị hẳn hoi, đó là cụ Tô Văn Bảo tự chính Đạo và cụ Uông
Ngọc Châu. Riêng cụ Tô Chính Đạo thì tôi nắm chắc tiểu sử của ngài. Đó là cụ
thủy tổ của ba chi họ Tô làng Đồn Điền này. Trong tờ Thông tin họ Tô Việt Nam
số 9, mục “Người họ Tô xưa và nay” in vào tháng 6 năm 2006 có ghi rất rõ:
       Quận công Tô Văn Bảo, thủy tổ họ Tô làng Đồn Điền, Thanh Hóa có xuất
xứ như thế này: “Ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo thường gọi Tô Chính Đạo,
người làng Bao Hàm, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, Trấn Sơn
Nam. Thi đậu giải nguyên thời Lê Thái Tông, khoa thi 1438; được bổ nhậm chức
Thanh Hoa Thừa Tuyên xứ - sứ thần. Khi nhỏ ham học, văn võ song toàn, có
lòng độ lượng. Khi làm quan Thừa Tuyên ở Thanh Hoa được nhân dân khắp
vùng kính trọng. Thời gian này, Ngài được đặc sai đi đánh dẹp giặc Chiêm
Thành ra quấy nhiễu vùng Nghệ An, ngày khải hoàn được phong tước Quận
công.
       Năm thứ 3 Quang Thuận- Hồng Đức (1461), ngài cùng đại thần Lê Công
Bình phụng chỉ: Dụ dân lập ấp kiến an quốc nội, sử dụng lực lượng (tù nhân, tội
phạm) dưới sự quản lý của quân đội đi khai phá các sở Đồn Điền ở nam phần
Thanh Hoa gồm ba huyện Nông Cống, Ngọc Sơn (Tĩnh Gia bây giờ) và Quảng
xương của phủ Tỉnh Ninh. Lúc bấy giờ trên địa bàn Quảng Xương có nhiều sở
Đồn Điền, riêng sở Đồn Điền (Quảng Thái) do sứ quan Tô Văn Bảo người Bao
Hàm và sứ quan Uông Ngọc Châu người Vườn Đào đảm trách. Doanh trại và
phủ quan đóng ở Đồn Điền (Quảng Thái), nên mới có tên làng Đồn Điền, dân
quanh vùng có khi còn gọi là làng Sở hoặc sở Đồn Điền. Đến bây giờ làng còn
lưu giữ những tên gọi mang dấu ấn thời xa xưa ấy như: Ngõ Trại, Đồng Phủ,
Rào Quan, Đồng Trực, Bàn Cờ, Mả Chúa, Đồng Bể, ngõ ông Thầy... Ngoài sở
chính Đồn Điền (Quảng Thái), các ngài còn góp công khai phá các sở vệ tinh
như: Tào Lâm (Nông Cống), Tiên Linh, Cá Nổ (Ngọc Sơn), Lưu Vệ, Thái Lai, Cô
Đồng, Cô Bái, Thủ Phủ, Ngọc giáp, Bể Thôn (Quảng Xương)...
       Với công dẹp giặc cứu nước, xuất sắc thực thi chính sách: Kiến ấp chấn
an quốc nội, tiến hành khai khẩn đất hoang, dụ dân lập làng tăng gia sản xuất,
đồn trú dinh lũy phòng vệ biên cương. Ngài được Triều sau phong trật “phúc
thần” và giao cho dân làng Đồn Điền phụng sự.
                                Bản sắc
       Sắc: Thanh Hoa tỉnh, Quảng Xương huyện, Thủ Chính tổng, Đồn Điền
thôn phụng sự:
       Lê triều Đồn Điền quan Tô Văn bảo tự Chính Đạo chi tôn thần Hộ quốc tý
dân, niệm trước linh ứng tứ kim, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu
đàm ân lễ Long đăng trật, tước phong vị đoan túc: Dực Bảo trung hưng Linh
Phù Phúc Thần chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu Bảo ngã lê dân khâm tai.

                                      22
Khải Định Cửu niên, thất nguyệt, Nhị thập tứ nhật.

                                Dịch sắc

       Sắc ban cho thôn Đồn Điền, tổng Thủ Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh
Thanh Hoa phụng sự:
       Quan Đồn Điền triều Lê, Tô Văn Bảo tự Chính Đạo bậc tôn thần có công
giúp nước, cứu dân một nỗi niềm thiêng liêng ứng nghiệm, tới nay gặp tiết Đại
Khánh, Trẫm đã bốn mươi tuổi, Trẫm ban chiếu báo đáp ơn sâu, Lễ phong lên
trật Phúc thần bảo vệ sự nghiệp trung hưng đất nước; ta cho phép lê dân thờ
phụng, hãy kính vâng theo chiếu.
                           Khải Định, ngày 24 tháng 7 năm thứ 9.
       ...
       Ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo mất vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch, dân
làng Đồn Điền lập đền thờ cùng với ngài Uông Ngọc Châu là nhị vị thành hoàng
làng Đồn Điền.
       (Theo tài liệu của Hậu duệ đời thứ 14: Tô Ngọc Cừ đã qui tiên).
       - Anh có biết nhà ông Tô Ngọc Cừ ở đâu không? Chỗ ba cây dừa trước
mặt. Đấy là một gia phong, nho học. Chính nhờ có chữ mà từ các cụ đã ghi lại sử
sách của làng cho con cháu sau này có thêm tư liệu để làm hồ sơ đề nghị công
nhận Nghè làng Đồn Điền là Di tích lịch sử văn hóa. Thế đấy! Vậy mà người ta
chẳng chịu tìm hiểu gì, gán cho các vị thành hoàng là người ăn mày, anh thấy thế
nào? Có phải là bịa đặt không?
       - Thế còn lệ làng mùng một tháng hai? Tôi hỏi.
       - Đấy là chuyện về ngài Tiền chánh Lãnh binh thủy quân thời Lê: Tô
Trung Thành. Ngài là cháu nội của cụ Tô Chính Đạo, thuộc chi Tô Vũ chúng tôi
sau này. Chuyện kể lại rằng vào dịp tết Nguyên Đán, ngài Tiền chánh thủy quân
đưa quân đi đánh giặc Chiêm Thành ra quấy nhiễu vùng biển Nghệ An. Khi
thắng lợi trở về triều đình thì các binh thuyền của ngài đi ngang biển quê, khi ấy
là 27 tháng giêng, ngài truyền cho quân lính neo thuyền chiến lại và lên bờ thăm
nhà và dân làng. Nhân khúc khải hoàn ca trở về, ông khao quân lính và dân làng
ăn tết lại tại quê hương ba ngày. Đến ngày mùng một tháng hai thì ngài cùng
quân lính xuống thuyền trở về triều đình. Dân làng nấu bánh chưng, giết lợn, gà
cùng các sản vật của quê hương, hát xướng tiễn đưa đại quân xuống thuyền. Và
từ đó cho đến nay trở thành ngày lệ làng ăn tết lại để tưởng nhớ công lao của ngài
và quân lính bận việc đánh giặc không về ăn tết cùng gia đình. Anh không biết
đấy thôi, bây giờ kinh tế khá thì dân làng ăn cả tết lớn và tết lại. Chứ như trước
đây, kinh tế khó khăn, có nhà nhịn ăn tết lớn để tập trung cho tết mùng một tháng
hai.



                                       23
- Hóa ra là như thế! Tôi như được đắm mình trong không gian văn hóa của
làng qua giọng kể của anh Tô Vũ Đưa. Thế thì “nghề ăn mày” có từ bao giờ? Tôi
đưa ra câu hỏi.
       - Xuất phát điểm từ sau cơn bão số 6 năm 1980. Khi ấy anh em mình đang
ở biên giới Tây Nam. Biết, mà chẳng làm gì được! Việt tiếp chuyện.
       - Nguyên nhân có từ đâu à? Đói! Thậm đói! Anh cũng biết rồi đấy, sau
chiến thắng 1975, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh lại vừa phải đương đầu với
cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc. Cái đói mang tính toàn quốc, nhưng ở
vùng biển này thì đã đói lại còn rách rưới và khổ sở hơn nhiều. Khi tâm cơn bão
số 6 tràn qua đây vào giữa tháng 10 năm 1980, nhà cửa bị phá sạch, cây cối gẫy,
đổ ngổn ngang, làng như một trận hủy diệt của B52. Nhiều trận bão trước đây
cũng gây thiệt hại nặng nề, nhưng sau bão dăm bữa, nửa tháng thì biển lặng, tôm
cá được mùa. Riêng năm 1980 ấy lại thật oái oăm, sau bão, biển động một lèo
cho đến tết Nguyên Đán. Thế là đói, đói triền miên, đến ngọn rau má trong đồng
cũng không còn mầm rễ để mọc. Anh em họ mạc, bà con chòm xóm lần hồi bữa
rau, bữa cháo với nhau cũng đã cạn kiệt. Không biết làm gì để sống. Trước tết
một tháng, có một ông trong làng ra Quảng Ninh thăm con là bộ đội Hải quân
cũng với mục đích xem có cứu đỡ được gì cho gia đình. Nhưng ra đến nơi thì
toàn bộ đơn vị của con chuyển ra đảo làm nhiệm vụ. Không gặp được con, ông
đành trở về nhưng tiền tàu xe không có. Ông nghĩ cách là đi bộ đến đâu xin ăn
đến đó rồi cũng về được đến quê. Cứ dọc ven biển mà đi, sẵn có nghề đánh cá
biển có ai thuê vá lưới cũng được... Không ngờ đi đến đâu, khi nghe ông kể hoàn
cảnh bão gió, đói khát, ra tìm con không gặp ai cũng thương. Người thì cho tiền,
người thì cho gạo, người thì thuê vá lưới... có người còn giúp cho việc bán gạo
mang tiền về cho nhẹ nhưng ông không đồng ý. ở nhà cần gạo, cần khoai chứ có
tiền thì lấy đâu ra gạo mà mua. Gần một tháng trên đường ông cũng lên được tàu
Nam Định - Thanh Hóa và trở về làng với hai bì gạo gánh nặng trĩu vai. Ông chia
gạo cho anh em họ mạc, bà con lối xóm mỗi nhà một ít ăn tết. Sau tết năm đó
ông đi, một vài người theo ông, rồi nhiều người theo ông, rồi thành phong trào cả
làng... Dân làng nói với nhau: “Thà đi ăn mày phúc thiên hạ còn hơn ngồi nhà ăn
cắp vặt của nhau”. Những năm 1982 - 1984 thấy không trụ nổi cảnh sống ở quê,
nhiều gia đình đã tự nguyện xin đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam như
Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Đắc Lắc... Đến bây giờ,
nhiều gia đình đã định cư ổn định, kinh tế phát triển, con cháu học hành giỏi
giang. Nếu chỉ dừng lại như thế thì khi biển lặng phải ở nhà sinh sống, nhưng
đằng này thì không. Họ so sánh giữa lao động biển và lao động “xin” thì lao động
“xin” vẫn có hiệu quả kinh tế hơn, đỡ phải sắm ngư lưới cụ, tránh được những tai
họa bất thường do biển đem lại. Nhiều người coi “xin” như là một nghề kiếm
sống. Bất chấp sự dè bĩu của dư luận, từ ông bà già đến trẻ em rủ nhau lũ lượt
lang thang. Đặc biệt, sau mấy mùa giáp hạt của năm 1987 - 1989, làng lại bị cơn

                                       24
bão số 6 năm 1990 tràn vào, lần này cũng bị tàn phá không kém gì cơn bão số 6
năm 1980, thậm chí năm ấy, trong vòng 10 ngày tới ba cơn bão tràn vào. Làng
quê lại đứng trước một thử thách lớn, chưa thoát nghèo lại bị đói. Nghề biển thì
mất trắng không thu hoạch, nếu có thu hoạch thì không đủ tiền mua khoai lang,
mua gạo. Họ có những so sánh thật có lý, nếu đi đánh cá biển tròn một ngày giỏi
ra mỗi ngư dân chỉ kiếm được từ một ngìn đến hai ngìn đồng là cùng, còn đi “ăn
xin” hay đi làm “cửu vạn” một ngày chí ít cũng được vài chục nghìn để ra sau khi
đã trả tiền trọ và ăn uống mà không phải lộng, khơi khó nhọc. Thế là bài ca lang
thang, tha phương cầu thực không chỉ rộ lên ở làng Đồn Điền Quảng Thái mà nó
còn kéo theo các làng, các xã chung quanh như Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng
Nhân, Quảng Lộc, làng Hà Đông cùng xã... Cái điều giản dị là phải sống, phải
tìm nguồn sống, phải thoát cái đói!
       Trước cảnh làng quê xơ xác, trường học vắng bóng học sinh, có lúc trong
lớp chỉ còn 5 - 6 em theo học, dư luận xã hội đàm tiếu, diễu cợt, Đảng bộ và đảng
viên trong toàn xã họp trước hết phải làm gương vận động người thân của mình ở
nhà. Có như vậy mới vận động người khác được. Nhưng hiệu lực của sự làm
gương đó chỉ được thời gian ngắn, rồi không vợ, con thì anh em, cha mẹ, họ hàng
của các Đảng viên lại “lên đường”. Hội chứng “ăn mày” làm nhức nhối dư luận
và đau đầu lãnh đạo chính quyền địa phương. Huyện ủy xuống chỉ đạo, đảng ủy
xã họp bàn ngăn chặn hiện tượng ăn mày ở Quảng Thái. Các tổ chức xã hội từ
Trung ương đến các nhà hảo tâm vào cuộc. Tại hội nghị huyện Đảng bộ huyện
Quảng Xương năm 1992, vấn đề tha phương cầu thực của bà con trong huyện
đưa vào chương trình nghị sự, tìm cách tháo gỡ. Hội thảo quốc tế trong chương
trình nghiên cứu Việt Nam của Hà Lan về vấn đề Tha phương cầu thực ở Quảng
Thái được tổ chức vào tháng 7/1997 do Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tri lúc
đó là Bí thư huyện ủy chủ trì và kết luận, đó là một hiện tượng xã hội mà trên thế
giới ở đâu cũng có. Như vậy, đây không phải là vấn đề tâm linh thờ phụng thần
ăn mày như người ta thêu dệt. Trước hết, hãy gọi con em trở về đi học, tạo công
ăn việc làm cho các gia đình, xin các dự án trong nước và quốc tế về hỗ trợ và ổn
định đời sống cho bà con không chỉ cho Quảng Thái mà cho các xã có đời sống
tương tự như Quảng Thái. Rồi bà con cũng đã trở về, lớp học lại đông như cũ.
Nhưng cái đói chưa chịu buông tha cái xứ này. Hiện tượng “ăn xin” có giảm dần,
người ta chuyển sang các công việc khác như đánh giầy, bán báo, bán vé số...
nghĩa là vẫn cứ phải xa quê kiếm sống. Nhưng các cháu đã chịu ở nhà đi học, các
bậc cha mẹ cũng đã thấy được sự học hành tiến bộ của các con nên đã đầu tư.
Phải nói, mất khoảng hơn chục năm dân Đồn Điền không có một học sinh nào
vào được đại học hay cao đẳng. Bởi vì có học đến nơi đến chốn đâu mà thi cử!
Chứ dân Đồn Điền đã học là giỏi nổi tiếng khắp vùng. Trước đây không năm nào
là không có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả cấp quốc gia. Nhưng mất
khoảng chục năm như vậy, anh thấy có đau không? Anh nói như một nỗi đau dồn

                                       25
nén, tiếc nuối cho sự học của con em trong làng. Nhưng chục năm nay thì khác,
trường lớp khang trang, các cháu đua nhau học. Hàng năm tỷ lệ thi đậu vào các
trường đại học rất cao. Năm nào cũng có khoảng 15 - 20 em đậu vào đại học, đặc
biệt năm 2005 - 2006 đã có tới 36 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Tuy mang tiếng là làng “ăn mày” như vậy, nhưng từ trước đến nay con em của
làng cũng có nhiều người thành đạt trong xã hội. Hiện nay, cú cỏn bộ lónh đạo
Trung ương, có cán bộ cao cấp trong quân đội, cán bộ các cấp từ tỉnh đến
huyện... Đấy là niềm vui, là sự kích thích đối với quê hương. Còn các triều đại
trước cũng có các cụ Cử, cụ Tú. Đối với làng, đó như mạch chảy truyền thống
văn hóa không thể không tự hào. Anh Đưa dừng lại uống nước và làm một hơi
thuốc lào, anh phả khói vào đêm dưới ánh trăng tan ra như một làn mây mỏng
bay đi trong gió biển. Anh ngẩng mặt nhìn trời và nói:
       - Trăng mười tám vượt qua đỉnh đầu như thế này chắc phải hai giờ sáng
rồi. Tôi xem đồng hồ đeo tay và chính xác là 2 giờ 3 phút sáng. Anh Đưa xin
phép ra về chuẩn bị lưới chài còn đi biển, hẹn tôi chiều hôm sau đến nhà chơi.
Việt đề nghị tôi đi ngủ...
                                      *
                                     * *
       Khi Việt gọi tôi dậy đã hơn bảy giờ sáng. Tôi làm vệ sinh cá nhân xong và
ăn sáng. Chị Đụa đưa ra một mâm bánh cuốn với cá biển kho và mắm tôm vắt
chanh. Thứ mắm tôm đỏ au, đặc quánh mùi thơm lựng lần đầu tiên tôi thưởng
thức, chỉ vùng biển này người ta mới làm được. Anh Việt rót ra hai ly rượu gọi là
“chào buổi sáng”, bữa ăn đơn giản mà đậm đà vị biển. Biết Việt buổi sáng không
bận công việc nên tôi đề nghị anh cho đi chơi quanh trong xã, trong làng. Cơm
nước xong, chiếc hon đa chở hai anh em đi trên đường làng đã bê tông hóa và
chạy thẳng ra bãi biển. Mùa này biển lặng, ngoài xa có những chiếc mảng luồng
đánh bắt hải sản, gần bờ có mấy người lội cà kheo đánh moi, nước ngập tận cổ.
Đây đó trên bãi biển có những dòng người đang kéo rùng, họ nối vào nhau bằng
một sợi dây thừng, còng lưng đi lùi đối mặt với biển. Một bãi biển phẳng và đẹp,
cát trắng mịn màng. Những con dã tràng xe cát nhỏ xíu như đang đùa dỡn với
sóng... Việt đưa tôi đến ngồi trên một cái mảng luồng hôm nay không đi biển.
Chúng tôi ngồi và nhìn ra khơi xa. Ngoài kia, đảo Hòn Mê hiện lên xanh mồn
một, phía bên trái trên kia là núi Sầm Sơn. Ngồi trước biển, Việt nói những điều
chân thật. Anh tâm sự:
       Đêm qua anh Đưa đã kể cho ông nghe những câu chuyện về làng, thực sự
làng này nghèo và đói. Nhà tranh vách nứa là cơ bản. Cứ mỗi đợt bão tràn vào y
như là phải xây dựng lại. Cái ở thì tạm bợ, cái ăn thì phụ thuộc vào biển. Đời
sống bấp bênh. Trước tình cảnh dân “lang thang” kiếm sống, Đảng bộ chính
quyền xã cùng với các thôn quán triệt tinh thần là phải tháo gỡ, nâng cao đời
sống cho dân. Đảng viên phải gương mẫu trong việc phát triển kinh tế, phải học

                                       26
hỏi kinh nghiệm các nơi có hoàn cảnh tương tự như mình mà họ giàu có mang về
áp dụng cho quê. Đảng viên không chỉ nói mà phải làm, phải hành động. Một
cuộc chiến đấu với cái đói, nghèo mà Đảng viên là những người tiên phong xung
trận. Năm 2002, lãnh đạo xã có anh Tào Quang Đảnh là bí thư Đảng ủy, mình là
chủ tịch cùng với đồng chí Phạm Trọng Lan, Bí thư chi bộ Đồn Điền đều là
những cựu chiến binh, khăn gói lên đường vào các tỉnh duyên hải miền Trung và
miền Nam đi thăm quan, học tập kinh nghiệm nuôi tôm trên cát của họ. Hơn hai
tháng đặt chân lên các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh
Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, bọn mình cũng học hỏi được kinh
nghiệm nuôi tôm trên cát. Cái mừng xen lẫn cái lo. Mừng vì đây là cơ hội để
nhân ra cách làm ăn mới cho dân, lo vì vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc, mùa đông
miền Bắc, rồi đầu ra... Nhưng đã quyết là phải làm! Thề là mình, anh Đảnh và
anh Lan hùn vốn vào với nhau làm trước để rút kinh nghiệm nhân rộng cho dân.
Vừa tiền vay của ngân hàng, vừa tiền huy động của anh em họ mạc tới hơn 200
triệu. Một chiến dịch đào cát làm ao, mua ni lông lót, mua máy bơm nước biển
phải đến hơn ba tháng mới tạm gọi là hoàn chỉnh. Mẻ tôm giống đầu tiên thả
xuống mà lòng cứ lo ngay ngáy, cả ba gia đình thay phiên nhau trực, thức đêm
thức hôm, thấy đàn tôm phát triển bình thường, nhiều người đến tham quan.
Nhiều nhà đã chuẩn bị bãi cát làm theo. Đùng một cái, khi đàn tôm sắp thu
hoạch thì sóng biển tràn vào làm vỡ một đoạn bờ, thế là tôm ùa ra biển. Bọn
mình phải huy động nhiều người giữ bờ, chắn lưới mới vớt vát được một ít. Thế
là công toi! Niềm hy vọng đổi đời cho dân vừa chợt lóe đã bị dập tắt. Phải lo trả
nợ cho ngân hàng và anh em... Vợ con tuy không nói nhưng trong lòng tiếc công,
tiếc của cứ ngẩn ngơ... Không chịu! Thua keo này ta bày keo khác! Lãnh đạo xã
lại đi tìm việc làm, tìm đối tác và mang được về cho dân nghề thêu ren, tuy còn
qui mô nhỏ nhưng cũng giải quyết được công ăn việc làm cho một số người. Cán
bộ đầu tư làm trang trại như anh Tô Vũ Lỵ, phó chủ tịch xã; anh Trần Công
Trường, anh Hoàng An đều là cán bộ, làm trang trại vài năm nay. Trang trại của
các anh trước mắt là cá - lúa kết hợp, đã có hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông
nghiệp đang có xu hướng góp ruộng lại với nhau, dồn điền đổi thửa để làm theo
mô hình lúa - cá kết hợp. Sắp tới xã sẽ mở một xí nghiệp dạy nghề may cho con
em và là xí nghiệp vệ tinh của công ty may xuất khẩu Thanh Hóa. Trong một dự
án chiến lược xây dựng đường du lịch ven biển bãi ngang này, bờ biển kè đá thật
dầy, thật sâu và chắc chắn để mở rộng du lịch từ Sầm Sơn xuống phía nam.
Chúng tôi chuẩn bị tâm thế và phong cách làm du lịch. ở đây phù hợp với du lịch
gia đình, du lịch nhỏ. Ông thấy đấy, bãi biển của chúng tôi có đẹp không nào?
Chủ trương của Đảng ủy tạo cho con em mình nhiều việc làm, đa ngành nghề, có
thế mới mong thoát khỏi cảnh nghèo đói.
        - Thế còn nghề biển, các ông định hướng cho tương lai thế nào? Tôi hỏi.



                                       27
- Thú thực, đó là câu hỏi lớn mà lãnh đạo, chính quyền chúng tôi có nhiều
trăn trở. Muốn kiếm ăn phát đạt thì phải đánh bắt xa bờ. Nhưng ở đây làm gì có
cửa sông, cửa lạch để tàu lớn về neo đậu. Có lần chúng tôi đã có chủ trương mở
ngư trường lên cửa sông Mã hoặc xuống cửa Ghép và đi đặt vấn đề với các xã
bạn, nhưng đều bị từ chối. Đành vậy, cải tiến bè mảng, lắp máy, cải tiến ngư cụ,
lưới chài là cách làm thiết thực với vùng biển bãi ngang này. Đó mới chỉ là giải
pháp tình thế, còn muốn làm ăn lớn thì phải nghĩ cách khác.
       - Đúng là khó thật! Tôi công nhận. Khi ấy mẻ lưới rùng vừa cạn cách chỗ
chúng tôi ngồi không xa. Việt dẫn tôi xuống xem. Thấy chúng tôi, họ chào đón
hồ hởi. Chủ tịch ơi, công toi mất thôi. Từ sáng tới giờ kéo hai mẻ rùng mà chỉ đủ
ăn khoai. Giọng một phụ nữ đứng tuổi vừa nói. Cả mẻ rùng kéo lên chỉ được
chừng dăm cân cá bé xíu. Tôi nhìn quanh đếm thử khoảng 20 người có trong
buổi lao động biển này. Ông chủ nghề rùng Lê Ngọc Kỳ đến cạnh chúng tôi phân
bua:
       - Biển lặng đến cùng kiệt, thế này thì chỉ treo niêu thôi!
       - Nếu mỗi ngày đi biển thế này thu hoạch cho mỗi lao động được bao
nhiêu? Tôi hỏi.
       - Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được thì chia làm ba, chủ nghề một phần,
nghề một phần, những người làm thuê một phần. Anh cứ tính thử xem từ giờ đến
trưa, khi nước đầy bờ là nghỉ, chúng tôi chỉ kéo ba mẻ lưới nữa là hết. Có thể
trúng lớn, có thể chẳng có gì.
       - Thế thì phụ thuộc vào biển quá nhỉ?!
       - Biết làm sao được anh! Anh Kỳ trả lời tôi.
       - Ta đi chơi một vòng quanh xã nhá. Việt nói.
       - Đồng ý! Chúng tôi chào mọi người.
       Việt đẩy xe máy xuống mép sóng, bây giờ thủy triều đang xuống kiệt, mặt
cát chắc nịch, mịn màng, chiếc xe chạy êm ru về phía ủy ban xã. Toàn bộ trung
tâm hành chính xã được xây dựng khang trang, khu trường học nổi bật trong
nắng sớm. Việt dừng lại và chỉ cho tôi:
       - Kia là trường Trung học cơ sở hai tầng vừa khánh thành hôm qua có 20
phòng học đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Còn kia là trường Tiểu học có 16 phòng,
bên cạnh là trường mầm non có 10 phòng. Đây là công trình Nhà nước và nhân
dân cùng làm, một sự đầu tư chiều sâu cho tương lai con em chúng ta. Chúng tôi
đi dạo quanh làng, quanh xã, nhà cửa đã được xây dựng khang trang, đường bê
tông hóa từng ngõ ngách thay những con đường cát bụi, lầy lội trước kia... Tôi
thấy làng xóm đang có sự khởi sắc. Buột miệng tôi hỏi:
       - Này, nhà cửa khang trang quá, có phải do đi “ăn mày” mang về không?
       - Có một phần trước kia, bây giờ do lao động vất vả mà có.
       - Có còn người đi “hành khất” nữa không?
       - Không! Nhưng đi bán vé số, bán báo, đánh giầy vẫn còn một ít người.

                                       28
- Đó là lao động chân chính! Tôi nói.
      - Thì biết thế, nhưng vẫn cứ mang tiếng là lang thang...

       Một ngày trôi nhanh, buổi chiều theo lời mời, tôi đến chơi nhà anh Tô Vũ
Đưa và ăn cơm cùng anh chị. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về làng từ trước
đến nay. Dân làng đa tài, từ cụ Huynh giỏi võ đến cụ Lương Tải giỏi vật. Anh kể
về dân Đồn Điền đã đến sới vật là các đô vật làng khác, huyện khác phải dè
chừng kính nể. Có những miếng vật truyền thống từ thuở trước các cụ truyền lại,
đặc biệt là miếng gồng kèo dưới. Vì thế mà năm 1962, làng có đô Thanh từng
đoạt giải nhì toàn miền Bắc về môn vật tự do. Học giỏi, võ vật giỏi, nhưng cái
đói, cái nghèo vẫn còn bám riết lấy làng. Bù lại tình làng nghĩa xóm lại bền chặt,
cưu mang. Anh nói với tôi rằng làng bây giờ có khởi sắc hơn, nhưng nhu cầu
cuộc sống cũng đòi hỏi cao hơn. Đảng bộ, chính quyền đã cố gắng, dân đã có
cách làm ăn, không phải “hành khất” như trước. Những dự án tương lai đưa ra
một triển vọng tốt đẹp. Nhưng trước mắt, cuộc sống của ngư dân vẫn còn bấp
bênh trước sóng...
   Đêm khuya, chia tay anh chị tôi về nhà Việt. Nằm trên giường thao thức mãi,
  tiếng sóng biển rì rầm vọng vào. Câu chuyện anh Đưa kể như một minh chứng
 cho làng quê ven biển đã tồn tại gần 600 năm, qua thăng trầm của thời gian. Con
  người và trí tuệ nơi đây thật đáng quí, nhưng giải quyết vấn đề cơ bản của cuộc
  sống là thoát nghèo ở một vùng biển bãi ngang như Quảng Thái là một câu hỏi
lớn. Phải có những đề án mang tính khả thi và phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài
   cho cả một vùng... Tôi cứ miên man như vậy cùng sóng biển…




                                       29
SỐNG TẬN CÙNG VỚI ĐẤT
                                                               Vương Hữu Thái

Tôi và Phú mỗi đứa cầm một cái sào dài cỡ bốn mét phần trên gắn cái liềm cong
để tỉa đám chồi vượt vô dụng trên thân cây cà phê. Thường khi ra giêng, sau tết
dài bận rộn và mệt mỏi là người ta lên rẫy làm cái công việc này, nhẹ thì có nhẹ
nhưng cứ phải ngửa cổ tìm nhánh chồi trên cao nên đâm ra mỏi cổ rồi cả chóng
chán. Phú lảm nhảm “cái xứ quái này cà phê cứ để vượt cao năm sáu mét, tốn
công tốn phân”. Mà thật, nơi này là Bảo Lộc chỉ cách Di Linh có vài chục cây số
mà cánh thức khống chế chiều cao cà phê lại khác, trong khi cùng điều kiện thiên
nhiên, thổ nhưỡng đất bazan đỏ quạnh, tôi nghĩ khác biệt chắc ở tập quán, mà cái
phần này thì đâu cũng có lý riêng, thôi thì cuối cùng vẫn là năng suất và hiệu quả
tùy theo từng vùng khác nhau rồi khoa học mới được biết sau.
        Tôi thích bắt tay vào việc mà không chần chừ, còn Phú gắn công việc với
khoa học, theo sau là năng suất và hiệu quả. Nó đang ấp ủ một dự định nghe thì
lọt tai, nhưng áp dụng không phải chuyện dễ, cũng không quá mới mà cũng
không quá cũ. Đó là cưa đốn thân cà phê độ mươi mười lăm tuổi năng suất kém,
thoái hóa…để ghép chồi đầu dòng nắn suất cao từ vườn giống nhà nước, mà
đúng hơn là của Viện nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Dự án thì có sẵn, nhưng ít
khi người dân biết mà dẫu biết cũng chẳng dám làm… quả là cái khó, tôi thừa
hiểu chỉ tầm cỡ trang trại mới dám dấn thân, nhưng biết đâu Phú làm được thì
sao? Ngoài quyết tâm nó còn có phần nổi trội hơn đám thanh niên như có học
thức, nhà thuộc loại có tiếng tăm nhờ mấy vụ trúng mùa cà phê mà lại bán được
cơ hội giá cao, rồi xây nhà lớn như cái biệt thự. Mà vùng đất này những năm gần
đây đã có nhiều ngôi “Biệt thự cà phê” mọc lên, đủ ám chỉ cây cà phê có thể đưa
người ở đây đến chỗ khá giả, cuộc sống tươm tất. Tôi và mọi người ở đây đều
biết như thế, nên không gì bằng người trong cuộc, dù bộn bề khó khăn thế nào thì
cây trồng này ở đất Tây Nguyên là cây mơ ước, của niềm tin hy vọng, tươi rói
rực rỡ vào độ mùa cuối năm, giữa khi lác đác vẫn còn rơi rớt cơn mưa dai dẳng
thấm đất, thấm luôn cả sức người bền chặt gắn với đất…
         Trưa đến nắng lên cao đến đỉnh đầu, sau một hồi leo dốc lượn giáp vòng
quả đồi, tôi và Phú trở về căn chòi nhỏ có khoảng sân trống trông thẳng ra rặng
keo đen cao vút để nghỉ ngơi. Phú phe phẩy cái nón “TUẤN à! Rẫy nhà mày bị
rệp sáp tấn công nặng quá, nội tuần tới phải xịt thuốc thôi”, vừa nghe đến đây tôi
bỗng thấy bòn người vác cái xạc nai đi uể oải từ dưới chân đồi lên, đúng là ông
Sáu rồi - ông được gọi là “lão nông tri điền” - vì gắn bó vùng đất này từ hồi rừng
hoang vu còn Mễn, heo rừng luẩn quẩn. Giờ tuổi cao nhưng ông vẫn thích lên rẫy
như thú tiêu khiển, vì ở nhà hay vướng vào chyện rượu chè rủ rê đâm hư người.


                                       30
Lần mò một hồi ông mới lên tới chòi, thoáng thấy tụi tôi ông đã dõng dạc “cứ
nhìn mấy màng trắng như màng nhện bám quanh chùm nụ cà phê là biết thất bát
cái chắc, dịch rệp sáp lan rộng mà xịt thuốc hoài chẳng nhằm nhò gì, bữa nọ nghe
nói nhà thằng Phú xịt thuốc gì hay lắm mà!”. Tôi với tay lấy trong làn chùm bánh
nếp nhân đậu mà Mẹ tôi mua từ sáng. Phú bóc cái bánh nhai ngấu nghiến kể lể
“cháu học được cách trừ hiệu quả với loại thuốc chứa hoạt chất methidathionxitj
cách quãng 10 ngày từ khi chớm dịch, bà con mình mua đủ thứ thuốc đắt tiền, rồi
nghe đồn thổi tùm lum chứ ít ai chịu tìm hiểu theo hướng dẫn của khuyến nông”.
Ông Sáu có mang theo ve rượu con rót ra cái cốc nhỏ bắt hai đứa cùng uống “Ừ!
Có lý đó, vậy mà tụi bán thuốc trừ sâu cứ bày vẽ kiếm tiền, mà dân mình cứ thế
nghe răm rắp… thôi uống với tao cốc nữa… tụi mày uống không bằng tao uống
gắng… đúng là loại cái, chán bỏ mẹ!” Nể ông Sáu tụi tôi nhấp một tý, ai đời giữa
trưa mà bày ra uống rượu, nhưng ông vẫn tỉnh bơ thao thao kể chuyện làm ăn,
chuyện cà phê đang rớt giá chắc lại một phen lao đao. Gì chứ chuyện “bao tử” là
ông ra vẻ rành rọt từng chút bởi chứng kiến bao thăng trầm,vinh nhục ở vùng đất
này. Phú cũng tranh luận bàn cãi khá sôi nổi với ông Sáu, đây là sở trường của nó
khi gặp đúng đối tượng khơi mào lên vấn đề gai góc, thiết thực của cuộc sống…
Cái chòi nhỏ xiêu vẹo tự nhiên lại náo động hẳn lên bất kể cái nắng như đổ lửa
đang chiếu xuống, le lói qua từng tán lá cà phê, hứa hẹn đợt tưới gay gắt cực
nhọc nữa đang độ đến gần… mà cũng có khi trời thương bất chợt mưa xuống thì
sao, ở vùng đất này dám lắm chứ???
         Mùa tưới nhộn nhịp ở suốt con sông Ba Kẻ cách núi Chúa non vài dặm,
quả đồi Tà Ngào được xem là vùng đất tốt nhưng có gió lốc quật ngược vào mùa
não. Nơi đây mảnh rẫy của nhà tôi cỡ tám sào, còn nhà Phú thuộc loại “nhà giàu”
cỡ tám hecsta toàn chủng Robusta, mà đầu rẫy còn mảnh trà Shan cổ thụ xum xuê
vẫn được duy trì. Dọc theo con sông mùa này nước lên đồi cao tưới cà phê và xảy
ra nhiều tranh chấp giành giật nguồn nước. Nắng gắt nước cạn kiệt, nhiều lúc rẫy
tôi và Phú phải luân phiên tưới đêm cỡ từ trời tối đến quãng gà gáy, tưới vào lúc
này thuận tiện vì nước lên mà ít người giành giật cãi cọ, nhưng ngặt nỗi có gió rét
từ núi tạt xuống khiến tê tái buốt cả người, dầu khăn quàng kín cổ và khoác hai
ba lớp áo. Cũng may có ông Sáu bỏ lều mình tình nguyện đến chòi tôi thức khuya
hỗ trợ việc nấu cháo gà, cháo cá… để lấy sức kéo ống tưới, dĩ nhiên phải kêu
thêm người phụ vì công việc luôn tay luôn chân. Thường thì cỡ nửa tháng hay
một tháng mới phải tưới lại đợt khác, đó là vùng cao nguyên Bảo Lộc này không
ngặt nghèo chuyện tưới tắm như ở miền Đông nên đúng… được hạt cà phê mà đổ
mồ hôi sôi nước mắt. Nhưng bù lại nếu trúng mùa trúng giá thì đời lại lên hương.
Để chống đỡ cái nắng quái ác và hạn chế việc bốc thoát hơi nước, Phú đi tiên
phong dùng máy phát cỏ cắt sát gốc thay vì dãy cỏ cho chết. Phương pháp này
còn có ưu điểm là chống xói mòn,cỏ mục làm xốp đất. Thấy có nhiều người trong
vùng bắt chước theo Phú, đó là cách “sống chung với cỏ” để cân bằng sinh thái,

                                        31
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất
Sống tận cùng với đất

Más contenido relacionado

La actualidad más candente

Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015casahanoi
 
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaTự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaĐình Tuấn Phạm
 
Bí mật Phan Thiên Ân
Bí mật Phan Thiên ÂnBí mật Phan Thiên Ân
Bí mật Phan Thiên ÂnHieu Phong
 
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu   đinh tiến luyệnAnh chi yêu dấu   đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyệnstruyen68
 
88 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 588 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 5dung nguyễn
 
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioi
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioiBi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioi
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioiSon Pham
 
Truyen 18+ hay nhat
Truyen 18+ hay nhatTruyen 18+ hay nhat
Truyen 18+ hay nhatthanh mom
 
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xi
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xiPhát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xi
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xiJackson Linh
 
Những bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹNhững bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹCuc Nguyen
 
Mơ một miền xanh
Mơ một miền xanh  Mơ một miền xanh
Mơ một miền xanh Xephang Daihoc
 
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7Lớp 7 Gia sư
 
Truyen hai ngam ma cuoi 02
Truyen hai ngam ma cuoi 02Truyen hai ngam ma cuoi 02
Truyen hai ngam ma cuoi 02truyentranh
 
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiBi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiHi House
 

La actualidad más candente (16)

Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
Nhật ký Casa Hanoi tháng 7/2015
 
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaTự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
 
Bí mật Phan Thiên Ân
Bí mật Phan Thiên ÂnBí mật Phan Thiên Ân
Bí mật Phan Thiên Ân
 
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu   đinh tiến luyệnAnh chi yêu dấu   đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
 
88 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 588 đề văn cảm thụ lớp 5
88 đề văn cảm thụ lớp 5
 
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioi
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioiBi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioi
Bi mat cua phan thien an nguoi giau nhat the gioi
 
Bi mat cua_phan_thien_an
Bi mat cua_phan_thien_anBi mat cua_phan_thien_an
Bi mat cua_phan_thien_an
 
Truyen 18+ hay nhat
Truyen 18+ hay nhatTruyen 18+ hay nhat
Truyen 18+ hay nhat
 
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xi
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xiPhát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xi
Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét môn-đô đờ A-mi-xi
 
Những bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹNhững bài văn tả mẹ
Những bài văn tả mẹ
 
Hoa phuong
Hoa phuongHoa phuong
Hoa phuong
 
Mơ một miền xanh
Mơ một miền xanh  Mơ một miền xanh
Mơ một miền xanh
 
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7
Giáo án dạy phụ đạo môn Ngữ Văn lớp 7
 
[Sách] Nghệ thuật sống 3
[Sách] Nghệ thuật sống 3[Sách] Nghệ thuật sống 3
[Sách] Nghệ thuật sống 3
 
Truyen hai ngam ma cuoi 02
Truyen hai ngam ma cuoi 02Truyen hai ngam ma cuoi 02
Truyen hai ngam ma cuoi 02
 
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiBi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
 

Destacado

Case submission template (3)
Case submission template (3)Case submission template (3)
Case submission template (3)bibris
 
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di Venezia
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di VeneziaProgetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di Venezia
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di VeneziaProgettoELI4U
 
Bpf ppsb structura studiu
Bpf ppsb structura studiuBpf ppsb structura studiu
Bpf ppsb structura studiurafaello_2012
 
Silver philigri work
Silver philigri workSilver philigri work
Silver philigri workGaurav Rai
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...IJERD Editor
 
The War Within
The War WithinThe War Within
The War WithinHamzaB94
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)IJERD Editor
 
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54Jaturapad Pratoom
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)IJERD Editor
 
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijeva
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijevaMonika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijeva
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijevaMoja Geografija
 
nrega shikayat lokayukta bhopal mp
nrega shikayat lokayukta bhopal mpnrega shikayat lokayukta bhopal mp
nrega shikayat lokayukta bhopal mpYograj Tiwari
 
mmms!gru9
mmms!gru9mmms!gru9
mmms!gru9Mmilva
 
виктория игоревна четвергова
виктория игоревна четверговавиктория игоревна четвергова
виктория игоревна четверговаvika1995pobeda
 
Concept GPS (Global Performance System)
Concept GPS (Global Performance System)Concept GPS (Global Performance System)
Concept GPS (Global Performance System)Ciroussel Ciroussel
 

Destacado (20)

Case submission template (3)
Case submission template (3)Case submission template (3)
Case submission template (3)
 
Tugas mira
Tugas miraTugas mira
Tugas mira
 
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di Venezia
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di VeneziaProgetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di Venezia
Progetto ELI4U - Convegno Conclusivo - WP5 - Attività 9 - Comune di Venezia
 
Bpf ppsb structura studiu
Bpf ppsb structura studiuBpf ppsb structura studiu
Bpf ppsb structura studiu
 
Tips&trik
Tips&trikTips&trik
Tips&trik
 
Silver philigri work
Silver philigri workSilver philigri work
Silver philigri work
 
Feliz navidad
Feliz navidadFeliz navidad
Feliz navidad
 
Pedsovet 06.11.2012
Pedsovet 06.11.2012Pedsovet 06.11.2012
Pedsovet 06.11.2012
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJE...
 
The War Within
The War WithinThe War Within
The War Within
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
 
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54
การรับรองรางวัลสูงสุดระดับชาติขึ้นไป ว12/54
 
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
Welcome to International Journal of Engineering Research and Development (IJERD)
 
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijeva
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijevaMonika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijeva
Monika Bulut, 8.b - Rijeke crnomorskog slijeva
 
nrega shikayat lokayukta bhopal mp
nrega shikayat lokayukta bhopal mpnrega shikayat lokayukta bhopal mp
nrega shikayat lokayukta bhopal mp
 
mmms!gru9
mmms!gru9mmms!gru9
mmms!gru9
 
Kalkulus Afit
Kalkulus AfitKalkulus Afit
Kalkulus Afit
 
виктория игоревна четвергова
виктория игоревна четверговавиктория игоревна четвергова
виктория игоревна четвергова
 
Concept GPS (Global Performance System)
Concept GPS (Global Performance System)Concept GPS (Global Performance System)
Concept GPS (Global Performance System)
 
Sandwich book
Sandwich bookSandwich book
Sandwich book
 

Similar a Sống tận cùng với đất

Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Lien quan den tin nguong
Lien quan den tin nguongLien quan den tin nguong
Lien quan den tin nguongNam Ninh Hà
 
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hội
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hộiChuyên đề văn hóa pháp luật & xã hội
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hộilongvanhien
 
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017Venerable Thich Nguyen Tang
 
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiBi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiNikos Scavo
 
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giớiBí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giớiDoan Hung Pomelo
 
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hội
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hộiVăn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hội
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hộilongvanhien
 
Cây cảnh 225 trang
Cây cảnh 225 trangCây cảnh 225 trang
Cây cảnh 225 trangDam Nguyen
 
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdf
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdfHồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdf
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdfMan_Ebook
 
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội nataliej4
 
Hoi kynguyendangmanh
Hoi kynguyendangmanhHoi kynguyendangmanh
Hoi kynguyendangmanhMai Thanh
 
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồngTrò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồnglongvanhien
 
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămTổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămNgoc Gia Han Nguyen
 
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016nataliej4
 
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boDon ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boChau Duong
 
Nhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công BằngNhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công BằngDinh Hieu
 
Nhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đờiNhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đờiHung Duong
 

Similar a Sống tận cùng với đất (20)

Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Sinh kế hiện nay của người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum - Gửi miễn phí qu...
 
Lien quan den tin nguong
Lien quan den tin nguongLien quan den tin nguong
Lien quan den tin nguong
 
Mekong 3 2014
Mekong 3 2014Mekong 3 2014
Mekong 3 2014
 
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hội
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hộiChuyên đề văn hóa pháp luật & xã hội
Chuyên đề văn hóa pháp luật & xã hội
 
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017
Văn hóa phật giáo, số 270, ngày 01 04 2017
 
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioiBi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
Bi mat cua_phan_thien_an_nguoi_giau_nhat_the_gioi
 
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giớiBí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới
Bí mật của Phan Thiên Ân- Người giàu nhất thế giới
 
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hội
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hộiVăn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hội
Văn hiến Việt Nam - Chuyên đề Pháp luật văn hóa và xã hội
 
Cây cảnh 225 trang
Cây cảnh 225 trangCây cảnh 225 trang
Cây cảnh 225 trang
 
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdf
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdfHồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdf
Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống nhân trí dũng việt nam.pdf
 
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội
Khám Phá Các Làng Nghề - Mười Lộ Trình Quanh Hà Nội
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Van hien (so 05) new
Van hien (so 05)   newVan hien (so 05)   new
Van hien (so 05) new
 
Hoi kynguyendangmanh
Hoi kynguyendangmanhHoi kynguyendangmanh
Hoi kynguyendangmanh
 
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồngTrò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
Trò diễn và trò chơi trong lễ hội lồng tồng
 
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămTổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
 
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
 
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boDon ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
 
Nhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công BằngNhân Quả Công Bằng
Nhân Quả Công Bằng
 
Nhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đờiNhân quả báo ứng hiện đời
Nhân quả báo ứng hiện đời
 

Más de longvanhien

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnlongvanhien
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏelongvanhien
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bàlongvanhien
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấmlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnlongvanhien
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnlongvanhien
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnlongvanhien
 

Más de longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
 

Último

CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx22146042
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Xem Số Mệnh
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfXem Số Mệnh
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfXem Số Mệnh
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11zedgaming208
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...PhcTrn274398
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Último (20)

CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
 
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
Luận giải tử vi của 12 con giáp năm 2024 chi tiết và chính xác -...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdfLinh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
Linh kiện điện tử - Điện tử số sáng tạo VN.pdf
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
 
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
ĐẢNG LÃNH ĐẠO HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN GIÀNH ĐỘC LẬP HOÀN TOÀN, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯ...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
TỔNG HỢP 30 ĐỀ THI CHỌN HSG CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN VÙNG DUYÊN HẢI & ĐỒNG BẰNG...
 

Sống tận cùng với đất

  • 1. BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỤC VĂN HOÁ CƠ SỞ ************** SỐNG TẬN CÙNG VỚI ĐẤT Tập Bút ký đạt giải và tham dự cuộc thi “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới” Hà Nội – 2010 1
  • 2. MỤC LỤC 1. Làng trước sóng – Trần Công Sử 2. Ba Hạo – Phạm Huy Thưởng 3. Sống tận cùng với đất – Vương Hữu Thái 4. Vượt qua số phận – Phạm Văn Thúy 5. Trên 12 tầng núi – Phùng Kim Trọng 6. Gặp chủ tịch La Đà ký – Trần Kim Anh 7. Sau ngày con trâu về bản – Hoàng Nghiệp 8. Cánh đồng không ma – Trương Văn Định 9. Gặp lại “Tam gia cầu treo” 10. Qua mùa bão giông – Nguyễn Thị Thu Giang 11. Nhà khoa học chân đất – Hoàng Giang Phú 12. Một ngày ở khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Lê Hồng Lâm 2
  • 3. Lời nói đầu Ngày 06 tháng 02 năm 2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 410/QĐ - BVHTTDL giao Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới với chủ đề Nông thôn Việt Nam đổi mới và phát triển cho các thể loại truyện, ký và kịch bản văn học. Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp tích cực của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, thu hút nhiều cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước tham gia. Đặc biệt với đặc trưng thể loại, những tác phẩm ký đã trực tiếp ghi chép, phản ánh trực diện những vấn đề nóng hổi, thời sự của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển, biểu dương người nông dân Việt Nam khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đột phá trong cách làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các tác phẩm phản ánh đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang có những trăn trở, những biến đổi sâu sắc trong sự tiếp biến văn hóa, kỹ năng và năng lực hành động của con người ở nông thôn hiện nay. Đồng thời lý giải những vấn đề bức xúc trong suy nghĩ, việc làm đối với người nông dân đứng trước những tiêu cực, những hành động trái với lợi ích của nhân dân, với sự phát triển chung; nêu được những giải pháp và hướng đi đúng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Đảng ta. Cục văn hóa cơ sở trân trọng giới thiệu tập bút ký Sống tận cùng với đất gồm những tác phẩm dự thi đạt giải và những tác phẩm có chất lượng khá của cuộc thi với đông đảo bạn đọc. 3
  • 4. Trong qúa trình biên tập, in ấn không tránh khỏi thiếu sót, mong độc giả thông cảm và góp ý kiến xây dựng. Xin trân trọng cảm ơn. Cục Văn hóa cơ sở 4
  • 5. Phạm Huy Thưởng BA HẠO 1. Nhìn đám dưa hấu lên xanh mơn mởn, ngắm những trái dưa hấu lớn nhanh như thổi Đỗ Quý Hạo không khỏi mừng thầm. Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa là Tết. Tết năm nay gia đình anh thắng vài chục cây vàng là cái chắc. Thật đáng đồng vốn đưa vào, đáng công sức bỏ ra. Nhưng rồi mọi sự xảy ra đâu có theo ý muốn con người. Đùng một cái 4 hecta dưa hấu đổ bệnh than. Cây lá cứ bám muội đen mà thui chết dần dần. Càng ra công phun thuốc cây càng lụi. Ai mách thứ thuốc gì là Hạo mua về phun ngay. Càng ra công cứu đám dưa hấu càng hỏng. Cho đến lúc không cứu được nữa Hạo bỏ 40 công dưa hấu không lấy được một trái bày bàn thờ Tết. Nỗi đau thua thiệt rồi cũng qua đi. Nhưng có một điều cứ uất nghẹn trong lòng người. Một câu hỏi cứ day dứt, lẩn quẩn trong đầu Đỗ Quý Hạo: “Vì sao người ta bệnh chữa thuốc thì khỏi mà cái cây bị bệnh thì khó chữa đến như vậy ?” Anh quyết định mò vào lĩnh vực chữa bệnh cho cây trồng. Đó là chuyện đã xảy ra 18 năm trước. Câu chuyện về một nông dân vùng tứ giác Long Xuyên đi tìm những lời giải của khoa học cây trồng. Đỗ Quý Hạo bắt đầu việc học bằng cách tìm đến các chuyên gia để học hỏi về cây trồng, trước hết là cây lúa. Anh tới trường Đại học Cần Thơ và các trường đại học trên thành phố Hồ Chí Minh. Có điều hay là trước nhiệt tình của một nông dân ham hiểu biết như thế giáo sư nào cũng tận tình chỉ bảo cho anh. Anh còn được đưa vào tận phòng thí nghiệm để xem những tiêu bản vi khuẩn gây bệnh. Khi biết là anh đã mua một kính hiển vi trị giá cả cây vàng, các giáo sư… không ngại chỉ dẫn cho anh cả cách làm một tiêu bản. Từ kính hiển vi khung trắng anh cải tiến thành kính hiển vi nền đen. Nhờ đó mà càng ngày Hạo càng hiểu các lọai cây trồng và bệnh trên các lọai cây. Dần dần trong nhà anh hình thành một phòng thí nghiệm và một tủ sách kỹ thuật nông nghiệp. Có phương tiện trong tay, Hạo tự tìm những lời giải cho những loài cây mà anh trồng ra. Nhìn cây dưa hấu lớn nhanh mỗi ngày. Hạo đặt câu hỏi “Trái dưa hấu phát triển mạnh nhất vào lúc nào trong ngày”. Và qua những thí nghiệm, Hạo biết rằng trái dưa hấu chỉ lớn vào ban đêm. Những phát hiện như vậy càng làm 5
  • 6. cho Hạo thêm hứng thú vì có được những hiểu biết mới. Và những kết quả trong công việc động viên Đỗ Quý Hạo. Đó là những trái dưa hấu nặng 15 kg. Là những lứa dưa An Tiêm 95 mà trên 50% sản lượng là những trái nặng trên 10kg. Tôi được sinh ra trong một vùng nông thôn, nhà nghèo nên học đến hết lớp 7. Năm 1976 đến tuổi tôi nhập ngũ vào lữ đoàn 22 thiết giáp, quân đoàn 4. Năm 1980 tôi ra quân và tôi về thăm gia đình chị gái đang sống tại Kiên Giang. Ngắm nhìn những cánh đồng rộng mênh mông bát ngát tôi thầm ước mình được đem sức trẻ của mình ra cống hiến cho quê hương này. Sau đó tôi quyết định về quê đưa cha mẹ cùng gia đình ở Thái Bình vào đây lập nghiệp. ( Trích báo cáo của Ba Hạo ). Căn nhà gỗ ba gian lợp tôn, gió lùa bốn phía. Căn nhà dựng vững chắc bên bờ kinh. Bốn bức vách của căn nhà thu hút tôi. Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài hơn cả giàu sang bạc tiền. Trên nền gỗ nhôm nhoam dòng chữ mầu trắng nổi lên mồn một. Câu khác : Dẫu có bạc vàng trăm ngàn lượng. Không bằng kinh sử một vài pho. Một tuyên ngôn đầy thách thức. Tôi từng đọc câu này ở đâu nhỉ. Lâu rồi. Khi đó tôi chỉ nghĩ đó là thói ngông nghênh của một ông chủ phẫn chí. Ở đây thì khác. Tôi cười nghĩ bụng. Nói ngông thế thôi chứ, cha con anh Hạo này sắp đầy một bụng chữ rồi. Trên hai bên vách khác lại được bọc giấy trắng. Giấy đã ngả màu nhưng vẫn thấy rõ trên đó những công thức ADN, tên những loài vi khuẩn gây bệnh cây, những tên thuốc… Thấy tôi chăm chú nhìn những hình đó, Hạo giải thích: - Đó là hồi tôi mới học. Tính hay quên nên tôi viết lên đó để ghi nhớ. Trên đầu vách ngay bên cửa ra vào là mấy giòng chữ: “Đề phòng rầy nâu 25 - 30/12. Giải quyết đạo ôn trước trổ. Đề phòng nhện dé trước trổ”. Cẩm nang sản xuất cho lúa vụ này của anh ta. Lúa đã trổ bông. Bông như đuôi trâu, lá như lá mía. Những cây lúa trong 9 hecta ruộng của Hạo phát triển đúng như thế. Xuống tận ruộng xem xét, Thanh Nhanh, ông chủ hãng sản xuất phân bón Đại Nông đánh giá: - Lúa này chắc ăn 40 giạ một công. Tiền lời của chỗ lúa này là để nuôi hai đứa con đang học đại học trên thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhớ Hạo đã kể cho chúng tôi nghe như vậy. Để tiện cho các con có chỗ ăn học, tiện cho việc lên thủ phủ miền Nam tầm sư học đạo, Hạo đã mua một miếng đất và xây nhà ở Quận 2. Anh ta tính toán xuýt xoa tiết rẻ : 6
  • 7. - Tiền làm nhà trên đó, khi đó có thể mua thêm 25 hecta đất ở đây. Tiếc lắm chứ, nhưng biết làm sao được. Nghe lời than thở của Hạo, tôi cười trong bụng. Cậu coi chữ quý hơn vàng mà. Anh ta ngưng nói, nhìn nét mặt tôi và hiểu điều tôi không nói ra miệng mà tiếp. Cha con tôi đang cần chữ mà. Miếng đất trên đó đã giúp cho cha con tôi tiếp thu bao nhiêu là kiến thức. Bà xã tôi cai quản cơ ngơi trên đó và chăm nom cho hai đứa con ăn học. Tôi cai quản dưới này với thằng con mới lấy vợ. Anh ta tính vậy cũng phải, hai ông con lên thành phố, không quản lý chặt, ham học không bằng ham chơi, vô phúc lại dính vào chích hút thì có mà tàn mạng. Hạo lôi ở gần bàn ra mấy cái bọc cho chúng tôi coi. Anh ta nói như khoe: - Em cũng thử làm vi lượng cho lúa đó. Đây là Suynfat đồng. Anh đưa ra cái bọc có chất bột màu xanh nước biển và nói. Thằng này hàm lượng chỉ có 75 phần triệu nhưng thiếu nó là hạt lúa kém mẩy và rụng đầu bông. Anh ta chỉ mấy cái bọc kia mà nói những tên khoa học của mấy thứ muối kẽm, muối môlipđen, bôron… Chẳng biết từ lúc nào câu chuyện của chúng tôi xoay qua đề tài WTO và APEC. Có lẽ tại bức ảnh Hạo và ông chủ hãng phân bón Đại Nông chụp ở Hà Nội. Cả hai sách cặp Samsonite trên tay. Họ đứng trước phòng họp quốc tế có cái mái lượn sóng… Đó là tấm ảnh chụp khi hai người đi dự Đại hội toàn quốc của Hiệp hội Doanh nghiệp tại Hà Nội. - Ngày nay khi đất nước đã thực sự hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường phát huy ở nhịp độ cao thì điều gì là quan trọng nhất đối với nông dân ta? Tôi thử nêu câu hỏi. Tôi nghĩ cả hai người mới đi dự một hội nghị lớn ở Hà Nội, được các đồng chí trung ương Đảng đến dự, gặp gỡ, nói chuyện hẳn là họ có những suy nghĩ thức thời. - Có nhiều vấn đề đặt ra song tôi nghĩ cái mà chúng ta phải phát huy mạnh hơn là làm ăn phải tính toán bài bản trước sau. Chỉ có vậy công việc mới thực sự đem lại hiệu quả. Hai người, Thanh Nhanh và Đỗ Qúy Hạo nói nhiều nữa nhưng tôi nghĩ đây là một mấu chốt. Và tôi được nghe câu chuyện trồng khoai lang vụ này của Đỗ Qúy Hạo. Như mọi năm, Hạo chồng tiền thuê mướn đất. Anh chồng 110 triệu đồng để thuê 19 hecta đất. Hạo nói: - Năm nay elnino tiếp tục tác hại nặng. Trời sẽ hạn, lại thêm bệnh vàng lùn xoắn lá bà con phải phá lúa. Tất nhiên thế vào đó sẽ là cây khoai lang. Tất cả sẽ 7
  • 8. đổ vào cây khoai lang. Diện tích khoai lang sẽ tăng. Giá khoai củ sẽ hạ. Đó là quy luật. Nhưng tôi vẫn trồng khoai. Vì khoai lang của tôi vẫn đang ăn khách. Có điều phải tính tóan cách trồng khác với mọi năm. Thế là anh trồng khoai sớm hơn. Để có khoai củ sớm, Hạo bỏ một vụ lúa trên đất thuê mướn. Hạo áp dụng phương pháp lên vồng để cho củ to hơn. Vậy là anh chủ động cả về thời vụ, chủng lọai và chất lượng sản phẩm. Anh bỏ khỏan tiền lời trồng lúa để thu lời cây khoai. Một khoản lời chắc chắn, ổn định hơn. Đúng lúc này, cây lúa trên các cánh đồng mới trổ bông thì những vồng khoai trong 19 hecta đất của Hạo đã lên xanh um. *** Bộ loa của cái máy thu hình 21 incs treo trên cao bỗng rộ lên tiếng hò reo của trận đấu bóng đá. Màn hình đang chạy một chương trình truyền hình trực tiếp của VTV3. Tôi ngạc nhiên tại sao ở giữa cánh đồng xung quanh chỉ lúa là lúa này lại có nguồn điện. Hạo lại đoán đúng ý tôi mà nói : - Tôi chạy máy đèn. Năm giờ hết một lít xăng. Chi phí có tăng lên nhưng cha con anh ta đáng được hưởng những tiện nghi này. Doanh thu của 600 - 700 tấn khoai lang củ xuất khẩu và 4.000 đến 5.000 giạ lúa hàng năm gánh nổi cho gia đình anh những chi phí gia tăng ấy. Âu cũng là giữ gìn cho cuộc sống có chất lượng để sáng tạo nhiều hơn. Trầm ngâm một chút Hạo nói : - Khách hàng Nhật bản và Trung Quốc đã tới xem tận ruộng khoai nhà tôi. Họ vừa ý lắm. Nhưng khoai nhà tôi phải xuất qua một địa chỉ khác ở thành phố HCM. 1kg khoai hạng nhất tôi chỉ được có 1.800 đồng, nhưng họ xuất khẩu ăn tới 4 USD. Vậy nên tôi chỉ mong mở được một cái Website. Với trang web ấy mình sẽ có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nhiều khách hàng hơn. Hy vọng mình sẽ làm ăn lớn hơn, vững vàng hơn. Cũng hay. www.khoailangvn . Một cái tên miền thú vị. Tôi chúc anh ta sớm đạt được ước mơ ấy. 2. Trời mới mưa, đường xấu, không chạy được xe máy nên tôi phải đi vỏ máy vào trong đồng. Một cái lán rộng khoảng hơn trăm mét vuông hiện trên bờ kinh 8
  • 9. bên phải, gần như đối diện với khu nhà làm việc của trang trại. Ba cỗ máy kéo nước sơn đỏ chói rực rỡ dưới nắng. Những chiếc máy kéo Fiat của Ytali nổi tiếng là bền và khỏe. Ba máy này với phụ tùng cày sới kèm theo, rẻ cũng phải 600 triệu đồng. Từ trong lán mới dựng vang lên tiếng nói, ánh lửa hàn lấp lóa và tiếng máy mài xoe xóe cà trên bề mặt kim loại. Khung cảnh và âm thanh đó hiện trên một vùng lúa xanh ngăn ngắt trông thật bắt mắt, nghe thật vui tai. - Đó là xưởng cơ khí. Anh chàng trẻ măng, người chạy vỏ máy lên tiếng. Vậy là đã ba năm tôi mới tới đây. Vẫn là điện tự phát. Tôi nghĩ bụng, bởi quanh đây vẫn chưa hề thấy bóng dáng những cây cột và đường dây. Dưới lòng kinh, một nhóm người đang chôn một cây bạch đàn lớn mà ta dễ nhận ra đó là những trụ đứng của một cây cầu. Đỗ Quý Hạo có mặt trong đám này. Hạo giơ tay vẫy chào tôi từ xa. So với lần gặp nhau ba năm trước Hạo mập hơn. Vì thế nhìn anh ta như thể lùn đi. Nước da cũng đen hơn. Thật tình trông anh ta lúc này giống một con gấu giữa đám người. Một con gấu đặc sệt nông dân với bộ óc tinh quái. Khó mà nhận ra Hạo trong hình ảnh một đại gia tay cầm cặp Samsonai chụp ảnh trước phòng họp Quốc Tế tại thủ đô Hà Nội năm nào. Hạo đưa tôi vào trong lán cơ khí. Tới bên một bộ phận máy có cái thùng tròn cao với cơ cấu nối sau máy kéo. Hạo nói không dấu vẻ phô trương. - Đây là máy thu hoạch khoai lang tôi mới sáng chế ra. Liền đó Hạo kể rất chi tiết về tính năng chuyên dụng của cỗ máy. Nào là máy có bánh xe ngầm nhằm cắt đứt dây khoai và làm vỡ đất. Nào là máy có thùng hút một phần đất vụn để lộ ra nửa trên củ khoai v.v… Nhờ cái máy này Hạo giảm được non nửa số nhân công thu hoạch. Tỷ lệ và chất lượng khoai xuất khẩu đạt cao hơn nhờ vỏ khoai không còn bị chầy sát. Tôi nhẩm tính, cái máy này có thể đem lại cho anh ta hàng trăm triệu đồng tiền lời mỗi vụ. Chưa kể nhờ có máy thu hoạch tiến độ thu hoạch khẩn trương và chủ động hơn, đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của khách hàng, từ đó tạo ra được ưu thế mới trong thị trường. - Vậy thì từ đâu mà bạn có thiết kế của cái máy này ? - Thì tôi đi tham quan ở một số nơi, tham khảo thêm một số máy thu hoạch khác rồi tự hình dung ra, thiết kế và chế tạo nó. Kỹ thuật gò, hàn, mài, lắp ráp làm tại xưởng nhà. Kỹ thuật cắt gọt thuê tại xưởng khác. Dẫn tôi tới một cái máy khác nằm ở một góc lán, Hạo cho biết : - Đây là máy trồng khoai, vun luống và rải phân bón lót. Cũng là máy chuyên dùng cho khoai lang do xưởng cơ khí của nhà làm. Máy này hoạt động rất ngon. Tôi đang theo dõi điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Sau đó có thể phổ biến cho bà con quanh vùng sử dụng. Anh ta gãi gãi cái mũi một cách rất trẻ con. Động tác ấy ở con người to đùng khiến anh ta có cái vẻ rất dí dỏm. Hạo kể tiếp về những cái máy khác mà anh ta sẽ còn tiếp tục cho ra đời. Đó là những máy chuyên dùng trên cánh đồng 9
  • 10. khoai. Chẳng hạn như máy đào rãnh. Hạo mô tả bằng cách vẽ nguyệch ngoạc mô hình trên tờ giấy một mặt có chữ. - Vì cánh đồng này tôi áp dụng kiểu tưới thấm. Bởi vậy giữa hai luống khoai phải có một mương nhỏ 40x40cm. Đào bằng tay cả hệ thống mương này rất tốn công. Bởi tổng chiều dài của mương trên cánh đồng lên tới 50km. Mà vụ nào cũng phải đào. Lên luống trồng khoai xong mới đào mương tưới. Đến khi thu hoạch lại lấp đi. Còn phải có máy phun thuốc diệt cỏ mà lại là phun bên dưới lá khoai, Hạo nói tiếp. Cái máy này anh ta cũng đã có ý tưởng sẵn sàng. Chỉ còn thể hiện cụ thể và chế tạo. Chúng tôi không dừng lại câu chuyện về xưởng cơ khí ở đây. Bởi vì rõ ràng không bao lâu nữa đây phải là một trung tâm cơ khí lớn hơn. Ba Hạo đang tính phải sắm một hai cái máy tiện. Cho dù là chỉ để phục vụ riêng cho nhu cầu chế tạo sửa chữa cho máy móc “ của nhà” cũng phải cần có một cỗ máy tiện. Chưa nói đến việc tại sao lại không mở rộng xưởng phục vụ cho nhu cầu sửa chữa cơ khí trên một vùng nông nghiệp nhiều ngàn hecta nơi đây. Có điều là mua sắm trong nam hoặc nhân thể ra bắc để lùng kiếm thêm một số thiết bị cơ khí khác nữa thì anh ta còn phải tính thêm. Vậy là trên cánh đồng khoai 52 hecta này, Quý Hạo đã bước sang một cung cách làm ăn mới. Cơ giới hóa. Với ba cái máy kéo và ba dàn cày sới, Hạo đã chủ động hoàn toàn khâu làm đất. Cũng với sức máy, Hạo đã hoàn toàn cơ khí hóa khâu trồng trọt và thu hoạch. Đắp xong cái bờ vùng dài 10km bao quanh vùng khoai và hệ thống bơm tưới hoàn chỉnh từ nhiều năm nay Hạo đã chủ động hoàn toàn khâu tưới tiêu bằng máy… Chính cơ giới hóa đã giúp anh ta giảm trên 30% giá thành sản xuất. Cơ giới hóa còn cho anh ta khả năng rút ngắn thời gian trong từng khâu sản xuất. Điều đó cho Ba Hạo lợi thế linh hoạt phù hợp với yêu cầu biến động không ngừng của thị trường. Và do đó hơn lúc nào hết Ba Hạo đứng rất vững trên thị trường hiện đại đầy sóng gió. Về trưa trời nắng đẹp. Cây cối được cơn mưa sớm rửa sạch tỏa ra sức sống sinh động. Đứng từ đầu bờ vùng nhìn suốt chiều dài 2km rưỡi tới đầu bờ vùng bên kia tôi đã thấy hút tầm nhìn. Chợt nhận ra một điều khiến tôi thắc mắc. Phải chăng vùng đất này đã thuộc về Đỗ Quý Hạo ? Mà vì một lý do nào đó Hạo chưa dám nhận là mình chủ sở hữu ? Tôi cũng biết anh ta đã có 10 hecta đất từ lâu. hỏi : - Có phải vùng đất 52ha này là anh đang thuê của 14 chủ khác nhau ? Anh ta gật đầu xác nhận. Vậy sao ông dám bỏ ra 130 triệu đồng mà làm cái bờ vùng đồ sộ này ? Tôi nhìn vào tận mắt anh ta và anh ta cũng nhìn tôi như vậy. - Tôi thuê đất với giá rất cao. Hạo nhấn mạnh hai chữ rất cao. Vừa nói anh ta vừa khẽ lắc lắc cái đầu. Những 7 tấn lúa một hecta năm đó. Mà là thuê dài hạn. 10
  • 11. Tất nhiên là nếu anh thuê ruộng lẻ, từng vụ lẻ giá thuê có thể nhỉnh hơn một chút. Song thuê dài hạn thì giá tôi thuê là cao nhất rồi đó. Tôi dám chịu giá đó là bởi vì, nếu mình chọn được giống tốt, kỹ thuật trồng trọt của mình cho ra sản phẩm như ý, đón đúng thời điểm ăn giá, lại gặp được đúng khách hàng thì khoai lang của tôi cho thu nhập cao gấp ba lần lúa. Thu nhập ấy chịu được chi phí cho tôi thuê đất. Hạo từng thuê đất nhiều nơi. Có năm anh thuê tới trên trăm hecta. Và cuối cùng anh chọn được vùng này là hợp với cây khoai lang hơn cả. Hạo cũng tìm được cách dừng chân ở đây cho cây khoai lang của mình. Dưới những hình thức cụ thể khác nhau sự tích tụ đang diễn ra ở đây. Quy luật vẫn luôn luôn là quy luật. - Trong vùng khoai này anh Thưởng ạ, có một miếng đất đối với tôi là cực kỳ quý giá. Hạo chỉ tay cho tôi thấy miếng đất khoảng hơn một trăm mét vuông. Trên đó tôi chỉ thấy lèo tèo những dây khoai lang, lá xanh lá nâu xen lẫn. Không biết là đám khoai đó cực kỳ quý giá với anh ta ở chỗ nào. Chừng như hiểu được ánh mắt của tôi, Hạo tiếp lời. Đó là miếng đát tàng trữ các loại giống khoai của tôi đó. - Các loại giống khoai ? - Đúng. Trên thế giới có tất thảy 64 giống khoai lang khác nhau thì ở đây Hạo có 32 giống. Trước đây vườn nhà chỉ có 22 giống. Mới đây, các anh ở Viện Lúa ĐBSCL đến thăm, Hạo đổi được thêm 10 giống nữa. Bỏ công bao năm trời sưu tầm đã để lại cho Hạo một kho tàng trên miếng đất đó. Tôi để ý khi nào khoái chí anh ta xưng tên. Khi thân mật anh ta bỏ đại từ “ Tôi”, xưng “ Em”. Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ tôi nghe Hạo say sưa kể về việc sưu tầm khoai lang giống trong nước. Những người nông dân chân lấm, tay bùn trực tiếp lao động như chúng tôi đã biết tìm bệnh cây bằng kính hiển vi, bán sản phẩm qua mạng internet, giao dịch với khách hàng bằng e-mail, thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, quản lý sản xuất bằng vi tính, giám sát sản xuất bằng viễn kính và camera. Trang trại còn đầu tư một thư viện có đến vài ngàn đầu sách để bổ trợ kiến thức sản xuất và kinh doanh. Một công viên nho nhỏ có vườn trồng cây lưu niệm mãi mãi ghi nhận bước chân của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các thương gia trong và ngoài nước đến thăm. (Trích báo cáo của Ba Hạo) 11
  • 12. Từ trong nhà bước ra, một vị khách nước da sẫm, tướng hơi to con tay cầm cặp samsonai. Vị khách này bước vào chiếc taxi và xe chạy nhanh ra hướng Hà Nội. Vị khách hơi nhoài người tới trước dặn người lái: - Cậu chạy ra đường 5 đi Hải Phòng. Cậu cứ chạy tới. Khi nào cần dừng xe tôi kêu. Đi bao nhiêu cây số và mất bao nhiêu thời gian dừng xe chờ đợi cậu tính tiền tôi trả đầy đủ. Qua cầu Chui Gia Lâm xe quẹo vào đường 5 và bon bon chạy tới. Khi đó hai bên đường 5 còn thông thoáng chứ không chật chội những xưởng máy, kho hàng và trụ sở doanh nghiệp như ngày nay. Vị khách chăm chăm nhìn qua cửa kinh sang những cánh đồng bên lộ xe đông đúc. Vị khách kêu: - Dừng xe. Vị khách tự mở cửa xe ra ngoài. Ông ta đi thẳng xuống cánh đồng. Đến đúng những mảnh ruộng trồng khoai lang. Ông ta đi sâu vào một ruộng khoai, rồi hai ruộng khoai. Mỗi nơi, ông ta ngồi xuống bên rãnh khoai xem xét. Cũng có ruộng ông ta bới gốc, rút ra con dao nhíp nhẹ cắt lấy một nhánh dây. Ông ta cuộn nhánh dây bỏ vào một cái túi nilon rồi trở lại đường quốc lộ lên xe giục lái xe đi tiếp. Cứ vậy ông ta dừng xe hàng chục lần. Mặc dù đã chùi giày cẩn thận mỗi khi về xe, vị khách nọ cũng đưa vào xe vô khối đất vụn. Xe tới Quán Toan địa đầu vào thành phố Hải Phòng vị khách kêu người lái xe chạy tới. Tới khi vào phố đông, không còn những ruộng khoai, vị khách kêu ngừng xe tính tiền. Người lái xe nhìn đồng hồ cây số tính tiền. Và rồi cả tiền cây số cả tiền chờ người lái tính thành tiền là 1.200.000 đồng. Vị khách vui vẻ trả tiền, ôm mớ bọc dây khoai trở vô khách sạn. Vị khách gây tò mò cho người lái xe taxi chẳng phải ai xa lạ, chính là Đỗ Quý Hạo. Lần đó anh ta được mời ra Hà Nội dự một hội nghị. Có một ngày nghỉ anh ta thuê xe lên đường 5 sưu tầm giống khoai. Chuyến đi qua bốn tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đó, trên 20 lần dừng lại các ruộng khoai, Hạo tốn một triệu hai trăm ngàn đồng và lấy được bốn giống khoai mới. Chuyến đi tính ra cũng bộn tiền vì giá xăng khi đó mới có chưa đến 7.000 đồng một lít. *** Vậy là trong ba năm trời, mọi khâu về kỹ thuật trồng khoai lang đều đã được Ba Hạo tính toán và làm xong. Và chắc rằng những gì bất trắc về kỹ thuật có thể xảy ra trên ruộng khoai của mình, Đỗ Quý Hạo đều có thể giải quyết được. Tôi cứ nhớ mãi một câu Hạo đã nói với tôi trong lần gặp nhau này. - Hiện bây giờ và mãi về sau tôi sẽ chỉ làm khoai lang. Nhưng từ nay tôi đã là một công nhân nông nghiệp rồi đó. Tôi thấy rõ nét tinh quái trên khuôn mặt Ba Hạo khi anh ta nói câu nói này. Tôi cho rằng có một người nông dân đã trở thành công nhân ngay trên đồng ruộng của mình. Bước tiến ấy cũng thật thú vị đấy chứ. 12
  • 13. 3. Lại nói đến cái Website của Đỗ Quý Hạo. Cả chục năm trời anh chàng mơ đến một cái Website riêng thì đến năm 2007 Hạo cũng làm được. Tuy nhiên khi vào được mạng thì anh ta mới biết rằng đã có một Website khoailangbahao.com đã nằm chình ình ở đó. Hóa ra Hạo đã chậm chân hơn một ai đó. Hạo cắn răng chịu sự chen ngang này. Anh chàng uất lên vì ước mơ của mình đến lúc hiện thực thì lại bị phá đám. Hạo thương lượng với chủ kia để sang lại cái tên miền mà đã bao năm mơ ước. Anh chàng nhận được một cái giá kinh hồn: 10.000USD! Cuối cùng anh ta đành phải lấy tên cho Website của mình là khoailangbahao.com.vn. Hàng năm trời Hạo cứ thắc mắc vì sao cái tên miền ấy lại bị lọt ra ngoài và bị chiếm trước. Mà thật ra về nội dung cái website kia cũng chẳng có mấy chuyện về khoai lang, toàn là thông tin bạc nhạc. Ba Hạo mới nhớ rằng, trên một vài diễn đàn cả ở trong nam và ngoài bắc, Hạo từng công khai nói lên mơ ước của mình về việc lập một Website với tên miềm như thế. Nói chuyện đó, có vẻ như Ba Hạo muốn công khai xí phần trước cái tên miền thú vị của mình. Để rồi đến lúc Hạo mới ngã ngửa ra là thời đại mới có những “luật”, những lối chơi riêng mà ta phải hội nhập. Một lối chơi mà mình không chấp nhận không được. Càng ấm ức về việc những thông tin của mình sẽ bị nhiễu trên mạng, Hạo càng hiểu thêm rằng hóa ra cái tên miền của mình cũng đáng đồng tiền. Và đúng như mơ ước lâu nay của anh khi đã thành hiện thực. Bốn tháng sau khi Website lên mạng, khách hàng đầu tiên từ Nhật đã tìm tới. Khoai lang Ba Hạo đã tìm được tới khách hàng. Việc mua bán tuy chưa được trực tiếp, nhưng so với trước đã giảm được nhiều khâu trung gian. Và cũng từ việc tham gia mạng Hạo tìm được không biết bao nhiêu là thông tin bổ ích. Hóa ra sản lượng khoai lang trên thế giới là 127 triệu tấn năm. Trong đó Trung Quốc chiếm 90 triệu tấn. Tuy nhiên cái anh chàng to đùng ấy có trong tay tới 80% sản lượng khoai lang thế giới này không sẵn lắm những giống khoai ngon. Như khoai tím Nhật chẳng hạn, gần như toàn bộ sản lượng loại này Ba Hạo bán tại Quảng Châu. Giống khoai này lại đang chiếm một ưu thế trên cánh đồng khoai Ba Hạo. Một thông tin ấy thôi đã cho Hạo bao nhiêu ý tưởng làm ăn mới mẻ. Đó là cách anh ta quyết định chọn lựa quy trình sản xuất, là việc nghiên cứu cải tạo giống trong phòng thí nghiệm và trên cánh đồng khảo nghiệm mà Hạo tiếp tục làm không chỉ với tư cách một người thợ trồng trọt mà là công việc của nhà nghiên cứu. Ba Hạo kể rất chi tiết cho tôi nghe về những con số, những tên gọi, những ký hiệu… Có những tên gọi ngoại ngữ anh ta ghi lại cho tôi trên một miếng giấy. Có lẽ tại bởi khó khăn của anh ta trong việc phát âm ngoại ngữ và khó khăn hạn chế của tôi về tiếp nhận tiếng Anh mà Ba Hạo làm vậy. Âu cũng là để thuận lợi cho cả hai chúng tôi. Phải tiếp xúc với những kiến thức ấy bao nhiêu lần anh ta 13
  • 14. mới thuộc vanh vách như vậy? Ba Hạo đã học tập như thế nào? Đó là một câu chuyện rất dài và rất nhiều chi tiết. Sau mấy tiếng đồng hồ lang thang trong siêu thị sách Lê Lợi về nhà anh ta rất phấn chấn. Những quyển sách mà anh ta ôm về là nguyên nhân của niềm vui ấy. Đặc biệt là cuốn sách viết về Feramol - Bẫy dụ bọ Hà của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Công Hào. Trong nhà sách, đứng dựa lưng vào một bên giá sách, anh ta đã đọc cả tiếng đồng hồ cuốn sách đó. Thoạt đầu anh ta đọc mục lục. Thấy hay anh ta đọc lướt một vài trang. Rồi anh ta đọc kỹ đoạn nói về nguyên tắc chế tạo một Feramol. Anh ta nghiệm thấy một điều là các nhà khoa học thực sự viết sách cũng không rắc rối lắm. Kể cả những vấn đề rất chuyên sâu cũng được các tác giả xịn đó viết ra thật dễ hiểu. Điều quan trọng là người đọc có hứng thú với đề tài được đề cập đến trong sách hay không. Về nhà anh ta bỏ mọi việc đó ôm cuốn sách lên võng nằm. Rất từ tốn anh ta ngốn hết chương này đến chương khác. Cũng có chỗ khó hiểu anh ta phải nghiền ngẫm. Có chỗ anh ta đánh dấu lại để rồi nghiên cứu tiếp. Đọc gần hết cuốn sách anh ta đã nghĩ tới việc phải tìm cho được tác giả để làm quen và hỏi thêm một số điều anh ta đã đánh dấu trong sách. Mấy ngày sau anh ta gọi điện thoại tới nhà xuất bản. Cô trực tổng đài cho Hạo số điện Ban Biên tập. Từ đó anh ta có số điện thoại Trung tâm Khoa học tự nhiên Quốc gia. Rồi anh ta có tiếp số điện thoại Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, bởi giáo sư tiến sĩ viện trưởng Nguyễn Công Hào phụ trách phân viện đó. Rồi cứ thế, anh ta phải mất gần 20 cú điện thoại mới gặp trực tiếp trên máy vị giáo sư viện trưởng… Hóa ra gặp được ngài giáo sư tiến sĩ viện trưởng tuy rắc rối một chút song cũng không khó gì mấy. Bởi giáo sư đã được nghe mấy vị khác nói về anh nông dân Đỗ Quý Hạo nên anh ta có thể nói thẳng vào những thắc mắc của mình từ cuốn sách anh ta đã đọc. Và sau đó chính giáo sư Nguyễn Công Hào đã đưa ngay đề tài của mình về thực hành ngay trên cánh đồng khoai Ba Hạo. Lần đó Hạo được học, được làm đến thỏa mãn một đề tài khoa học cấp quốc gia. Chính vì tìm gặp được các nhà khoa học mà Hạo có thể giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh trên cánh đồng khoai. Anh ta cũng tích lũy được nhiều kiến thức trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Nhiều GSTS ở Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho Hạo sách đoc và tư vấn cho anh ta về cây khoai lang, dinh dưỡng cây trồng và nguồn gốc đất đai. Giảng viên kỹ sư Nguyễn Thị Nghiêm và nhiều thầy cô giáo ở Đại học Cần Thơ giúp cho Hạo những kiến thức về truyền nhiễm, nấm, vi rút, vi khuẩn… bệnh cây. Các GSTS Nguyễn Văn Luận, Lê Văn Mạnh ở Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long thì tư vấn cho Hạo những kiến thức về sự quang hợp, tích lũy và vận chuyển tinh bột của cây khoai lang. Tại Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam có Thạc sĩ Nguyễn Quang Chơn, và TS Nguyễn Văn Nghĩa truyền đạt cho Hạo kiến thức về đất, vi sinh và chế phẩm công nghệ cao. Hạo còn được dự thính nhiều khóa học về kinh tế tại Đại học An 14
  • 15. Giang. Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hỗ trợ cho Hạo về thổ nhưỡng, mùa vụ,… Đỗ Quý Hạo không phải là một nhà nghiên cứu, cũng không phải một học giả, chắc chắn là như vậy. Những kiến thức tổng hợp và việc thực hành chăm chỉ, khoa học trên cánh đồng giúp anh hiểu cây khoai lang một cách toàn diện, triệt để. Với Hạo cuộc đời cây khoai lang chẳng khác cuộc đời một con người. - Cây khoai sinh trưởng trong 130 ngày. Hai tháng đầu tôi can thiệp vào đời sống của nó mọi biện pháp tích cực nhất. Những biện pháp nhằm giúp nó phát triển tối đa bộ máy quang hợp, tích lũy tinh bột. Từ tháng thứ ba tôi để nó phát triển tự nhiên, không can thiệp nữa. Khoảng thời gian này đủ cho cây khoai chuyển hóa tất cả những gì mà nó đã tiếp nhận được từ tay tôi. Để rồi đến lúc hiểu rằng nó phải chuyển toàn bộ tinh bột xuống củ. Củ khoai, đó là di sản thừa kế loài khoai lang để lại cho con cháu… Trở lại câu chuyện bên cánh đồng khoai. - Còn đây là miếng vườn khảo nghiệm. Nó cũng giống như là đi trinh sát trong quân đội. Có lẽ đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên của tôi khiến Hạo ngưng lời. Anh ta nhìn lại tôi với nụ cười tinh quái. Đúng. Công tác trinh sát. Tôi có đi bộ đội chứ bộ. Bốn năm dẹp loạn Pôn Pốt ở Campuchia đó. Khảo nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp cho mỗi giống khoai trồng ở ngay tại đất Mỹ Hiếp Sơn này. Khảo nghiệm nói thì lớn song chính là tôi phải tìm ra cho được mật độ trồng, cách làm đất và công thức phân bón cùng những quy luật chăm sóc khác thích hợp cho mỗi giống. Ví dụ nhờ tự khảo nghiệm tôi rút ra với khoai sữa thì giảm kali, manhê, tăng boron; Với khoai Benga Raoma thì tăng đạm, tăng kali, giảm nitơ… Việc này cũng rắc rối và rất tốn thời gian. Bởi tôi phải tìm ra chính xác liều lượng của những tăng giảm ấy. Hơn nữa còn phải tìm công thức tối ưu. Có nhiều giống khoai để làm gì nếu không tìm ra được giống cây ngon nhất, năng suất cao nhất, tiêu thụ tốt nhất trong thị trường xuất khẩu? Chưa nói đến việc khảo nghiệm không chỉ là phục tráng giống mà còn phải tìm ra cách cải tạo, nâng cao chất lượng giống khoai. Trên miếng đất rộng hơn 100 mét vuông. Mỗi vụ anh ta khảo nghiệm sáu loại cây giống. Mỗi năm hai vụ, với 34 giống khoai đang có, anh ta phải mất ba năm mới giáp một vòng khảo nghiệm. Vòng sau là những khảo nghiệp sâu hơn cho những giống khoai chọn lọc ban đầu. Những giống khoai triển vọng Hạo đang theo dõi vụ này đã cho những kết quả thú vị. Cái giống khoai Viên Điền ấy, thiên hạ đã bỏ đi. Bởi đó là loại khoai nhạt nhẽo, nhiều sơ. Nó vô duyên với cả những cái bụng đói chứ không nói đến cái thú ăn chơi, ăn cho vui miệng. Vậy mà sau mấy lần khảo nghiệm, giống khoai Viên Điền ở trang trại Ba Hạo cho rất nhiều tinh bột. Khoai này dùng nấu rượu cực kỳ hiệu quả. Thoạt đầu Hạo đã tính bỏ loại này, sau anh ta cứ đưa vào khảo nghiệm bởi anh ta muốn củng cố, xác định chính xác độ tin cậy phương pháp khoa học của mình. 15
  • 16. Cũng vậy, những giống khoai Bí Nhật, Tím Nhật, Nhân Ngọc, Tầu Nghẹn… ngoài đời chúng cũng là những giống bình thường thôi. Qua khảo nghiệm ở trại khoai Ba Hạo chúng nổi rõ những phẩm chất không ai ngờ. Những củ khoai Bí Nhật trở nên ngọt như chấm đường. Miếng khoai Nhân Ngọc mềm ngon như củ ấu. Lát khoai Tầu Nghẹn luộc xong ăn chẳng khác gì miếng bánh in… Và sự thực thì thương hiệu Khoai lang Ba Hạo đang chiếm được niềm tin. Anh ta làm quen với anh ta. Bởi kể : mấy người bà con ở Tuyên Quang có gọi điện vào hỏi thăm: Có mấy cái xe tải chở khoai lang lên vùng núi ngoài đó. Bên ngoài thành xe tải họ treo tấm băng - rôn ghi Khoai lang Ba Hạo. “Vậy có đúng là khoai lang của nhà mình không?” Hạo nghe tin điện thoại đó mà cứ thấy tê tê vùng rốn. Còn tôi biết khoai lang Ba Hạo từ ngày chưa con kênh Rạch Giồng bên vườn sau nhà tôi mấy ngày không nghe người ta rao bán “Khoai lang Ba Hạo”. Khi khởi nghiệp gia đình tôi chỉ canh tác có hơn 2 công đất năng suất thấp. Sau 25 năm đến nay diện tích tăng 200 lần, năng suất tăng 7 lần, và sản lượng tăng hơn ngàn lần. Hiện nay mỗi năm tôi canh tác trên dưới 100ha sản lượng 2000 đến 3000 tấn khoai lang. Trên cánh đồng khoai lang chúng tôi đã sản xuất bằng cơ giới hầu hết các khâu từ cày, sới, lên luống, bón phân, phun thuốc, tưới tiêu, thu hoạch. Chúng tôi đang ứng dụng đạt kết quả các giải pháp theo tiêu chuẩn LOBAN GAP. (Trích báo cáo của Đỗ Quý Hạo) Tất nhiên là khảo nghiệm thì chỉ cho mình hiểu biết cách thức trồng trọt để đạt hiệu quả cao nhất. Còn việc chọn giống nào để trồng thì phải kết hợp cả khảo nghiệm với nghiên cứu mùa vụ và thị trường mới có quyết định chính xác. Tôi chợt nhớ ra một vấn đề khác nên hỏi tiếp: - Dân gian có câu “Khoai ruộng lạ. Cá ao quen”, ông trồng khoai chuyên canh trên một vùng đất như vậy liệu có vấn đề gì xảy ra về công nghệ? Chừng như vấn đề này cũng đã được Hạo xem xét từ lâu. Anh ta trả lời mau mắn: - Sở dĩ người ta tổng kết luận “khoai ruộng lạ” cũng bởi sẽ xảy ra hai vấn đề nếu ta làm đất chuyên canh. Một là, sâu bệnh. Hai là, đất sẽ bị cạn kiệt dinh dưỡng. Về sâu bệnh mình đã chắc chắn là cây khoai có mấy loại bệnh chủ yếu: nấm thối dây lá, nấm thối mềm củ và nấm chết nhánh… Cái bệnh nấm thối mềm củ có thể làm hại tới 80% sản lượng. Song mình đã biết thuốc và biết cách phòng trị thì cũng không đáng quan ngại lắm. Bởi vì không chỉ chống và trị bệnh mà mình còn có biện pháp phòng bệnh nữa thì kết quả cũng khá triệt để. Còn những phát sinh do đất thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng thì mình biết rõ quy luật sinh 16
  • 17. trưởng và nhu cầu chăm sóc của từng giống khoai, lại đảm bảo thêm bằng giải pháp vi lượng thì cũng có phương sách lâu dài. Và hơn nữa, em vẫn đang tiếp tục khảo nghiệm mà. Đỗ Quý Hạo đưa ánh mắt nhìn xa xăm rồi nói: - Đây cũng chưa hẳn đã là phương án tối ưu cho những năm tới. Nhiều lúc em cảm thấy bị bó buộc vì cái sản lượng khoai lang hiện có rồi. Anh ta nhoài người tới gần tôi trầm giọng tâm sự. Chắc chắn là phải tính đến một cái nhà máy chế biến khoai lang tại đây thôi anh ạ. Em nghĩ là cha con em phải làm và sẽ làm được. Tôi nhìn anh ta. Ôi con mắt ấy chưa bao giờ tôi thấy nó thật như lúc này. Tôi phải chuyển góc nhìn ra khỏi đôi mắt của anh ta. Chợt nhớ câu châm ngôn của Ba Hạo. Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài hơn cả giầu sang bạc tiền. Nay thì họ đã có cả cái hơn và cái kém. Cả chữ và cả vàng. Cả tài năng và bạc tiền, và đôla. Vậy mà anh ta còn muốn hơn nữa. Có một điều tôi nghĩ cả năm nay mà tôi chưa nói với anh ta và chắc là anh ta cũng không biết. Con đường anh ta đã đi hai chục năm nay, phải chăng chính là con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nước ta? Một con đường Đảng ta đã ghi rất rõ trong đường lối của Đảng. Tôi nói vậy không biết có quá lời hay không. 17
  • 18. LÀNG TRƯỚC SÓNG Trần Cụng Sử Đó là một làng biển. Hẳn như vậy! Làng ấy nổi tiếng đấy! chẳng những thế mà khoảng hai mươi năm nay kể từ bài báo của Thế Nghĩa - phóng viên báo nhân dân thường trú tại Thanh Hóa cho in trên báo nhân dân với cái tên rất gợi “làng ăn mày Quảng Thái” có thờ ông thành hoàng là “người ăn mày”, “Thần ăn mày”... bỗng dưng nổi lên như cồn. Người ta truyền miệng nhau hư hư thực thực về cái thần phả vừa bí hiểm lại vừa diễu cợt rằng con cháu trong làng hàng năm có cái tục ăn mày về cúng cụ thành hoàng thì mới làm ăn yên ổn, phát đạt. Điều ấy thành lệ làng “hoành tráng” vào dịp mùng một tháng hai âm lịch hàng năm cúng tế linh đình, trai thanh gái tú thì khiêng kiệu, rước lọng, các cụ già thì tế lễ hàng dọc hàng ngang hết ra biển làm lễ cầu ngư, lại vào đồng làm lễ cầu nông. Đó là chính lễ. Còn việc ăn uống của làng thì phải vài ba ngày mới gọi tạm xong, còn có nhà thì rả rích dăm hôm mới thỏa. Nào là khách xa, bạn gần mời mọc nhau đến kỳ no say mới được trở lại nhà, nào là từ ông già cho đến thanh niên những ngày này ra đường rượu say túy lúy, chân nam đá chân chiêu... Sau những ngày cúng cụ thành hoàng, con cháu trong làng lại “bị, gậy” lên đường có lúc đến trắng làng để mong “hành khất” no đủ, để rồi đến dịp mùng một tháng hai kéo nhau về cúng cụ. Lại còn có cả tin đồn ủy ban nhân dân xã cấp giấy thông hành cho dân đi ăn xin... Thật thế ư? Chẳng nhẽ có một ông thần ăn mày siêu phàm đến thế ư? Sự siêu phàm của cụ xui được cả chính quyền sở tại cấp giấy thông hành? Chao ơi, chuyện cứ như từ hành tinh khác truyền về chứ làm gì có một làng quê kỳ lạ đến như vậy? Nhưng mà tên làng, tên xã có thật trên bản đồ hành chính của quốc gia này, làm sao mà từ hành tinh khác bay đến đây! Thế là tin lành đồn xa, tin dữ đồn xa thu hút sự tò mò của bao người đối với làng Quảng Thái, báo chí thỉnh thoảng nói về làng, dư luận thêu dệt về làng không chỉ người hàng tỉnh biết mà người cả nước biết về một cái tên làng Quảng Thái như một “thương hiệu đau buồn”... Tôi vốn là bạn chiến đấu với anh Cao Tiến Việt ở Binh đoàn Cửu Long người ở làng này, hiện nay là Chủ tịch xã Quảng Thái. Nhiều lần anh mời tôi về chơi, nhưng do bận bịu công việc, đường sá xa xôi, với lại từ ngày phục viên về quê, phải lo bao nhiêu thứ của hậu phương người lính mà cái nghèo, cái đói cứ bám riết, đành làm một cuộc “cách mạng” đưa cha mẹ, vợ con lên miền núi tỉnh Hòa Bình xây dựng kinh tế mới, mãi sau này anh em mới liên lạc được với nhau. Thế mà chuyện làng Quảng Thái của Việt cũng bay lên đến tận miền núi nơi tôi đang sinh sống. Vốn là cộng tác viên của báo Binh đoàn trước đây, khi nghe tin 18
  • 19. đồn như vậy, tôi điện cho Việt để hiểu thực hư thế nào thì được Việt nói rằng chuyện nó dài lắm, khi nào có điều kiện mời ông về chơi với nhau dăm bữa, nửa tháng may ra mới nói hết với ông được. Nhân việc cùng anh em cơ quan đi nghỉ hè ở Sầm Sơn tôi mới có dịp về thăm Việt và gia đình theo chỉ dẫn của anh qua điện thoại và dự định ở lại chơi mấy hôm còn thăm vài thằng bạn chiến đấu quê ở ven biển Quảng Xương, Tĩnh Gia. Buổi chiều, khi cái nắng tháng bảy đã dịu, tôi bắt chiếc xe ôm về Quảng Thái. Người lái xe ôm cũng đã đứng tuổi, có bộ ria mép đậm nhưng không được chăm chút nên có mấy cái đã chờm qua môi trên. Với một giọng tự tin, liến thoắng, anh nói với tôi: - Ông về Quảng Thái, về làng ăn mày à? Dễ thôi, 15 ngàn đồng, chỉ vài chục phút là đến ngay. - Sao? Anh cũng biết đó là làng ăn mày à? - Thì người ta đồn ầm lên đấy thôi! Mà nghe nói bây giờ dân ở đấy giàu có lên là cũng nhờ “ăn mày” đấy! - Hóa ra anh cũng chỉ nghe nói... - Người ta còn nói là thờ ông thành hoàng là người ăn mày rất thiêng... - Thế à? Câu chuyện lúc được, lúc chăng thì chiếc hon đa đã đưa chúng tôi về đến Quảng Thái. Tôi hỏi thăm chủ tịch Cao Tiến Việt thì mọi người đều nhiệt tình chỉ lối. Chẳng mấy chốc tôi đã có mặt tại nhà chủ tịch xã Quảng Thái. Vì đã điện thoại hẹn nhau nên khi tôi đến, Việt đã đợi ở nhà. Anh em tay bắt mặt mừng vì lâu ngày mới gặp nhau. Việt gọi vào trong bếp: - Em ơi, anh Sử về chơi. Chị Đụa - vợ anh đang nấu trong bếp nghe có khách ra chào: - Bác đi đường xa có mệt lắm không? Anh Việt nhà em nhắc bác luôn đấy. - Dễ đến hơn hai chục năm anh em mới gặp nhau nên cái mệt tan biến đâu mất rồi. Tôi cười. - Em bận bếp núc một tý, hai anh em nghỉ ngơi rồi chuẩn bị cơm nước. Chị Đụa vào bếp... * * * Sau khi tôi và Việt tắm táp xong thì bữa cơm tối cũng được dọn ra trên chiếc chiếu hoa trải ở hiên nhà. Chiều xuống nhanh, chỉ còn một vệt sáng yếu ớt hắt lên rặng dừa trước mặt. Bóng đêm đã bắt đầu bò ra. Vẫn những cơn gió biển thổi vào lồng lộng, mát mẻ. Một mâm cơm thịnh soạn toàn là đồ ăn hải sản như cua biển luộc, mực hấp, cá thu sốt cà chua, tôm he, rau nộm và vài món ăn ở biển tôi không kịp nhớ hết. Bữa cơm có cả nhà cùng dự. 19
  • 20. - Hôm nay khách quí từ rừng núi xa xôi Hòa Bình về với biển, chỉ chiêu đãi ông bạn toàn đồ biển thôi đấy nhá. Đây thì có bia, có rượu ông thích gì cứ cho ý kiến. - Toàn thứ hải sản này thì dùng rượu là hợp phải không? Tôi trả lời. - Đồng ý! Một hũ rượu ngâm rắn biển mà dân địa phương gọi là “đẻn” được Việt mang ra! Trong bữa cơm, anh em ôn lại những chuyện xưa kia ở chiến trường, chuyện hậu chiến trở về địa phương mưu sinh gian khổ, vất vả, vật lộn với đời thường, với những thăng trầm năm tháng tồn tại để vượt lên... Bữa cơm vừa xong thì có một vài người nữa đến chơi, người nào cũng lực lưỡng, cánh tay rắn chắc, nước da đỏ au. Người thì chào chú, người thì chào mợ, người thì chào chủ tịch... và họ không quên chào tôi: chào ông. Ấm nước chè xanh chị Đụa bê ra còn nóng, khói nghi ngút, hương vị thơm mát. Chị rót ra bát mời mọi người. Họ vừa uống nước, vừa hút thuốc lào và tán gẫu. Họ nói chuyện với nhau về thời tiết, về đi khơi, đi lộng... Những kinh nghiệm đi biển của mình đều được trình làng. Một người trạc bốn mươi tuổi cất giọng: - Làm thằng ngư dân ở vùng biển bãi ngang này chỉ khổ suốt đời thôi. Đi khơi không được. Sắm thuyền thì không chỗ neo đậu, chỉ vài cái bè rách kéo lên bãi, đẩy xuống sóng chạy ra vài sải nước đánh chồng, đánh chéo lưới lên nhau thì lấy đâu ra cá... Không như trong miền Nam, thuyền đi khơi dăm bảy ngày, khi nào đầy ắp cá thì mới về. Như vậy, thì sao nói là họ không no, không giàu? Nói có ông bạn của chủ tịch thông cảm cho, ngư dân vùng bãi ngang như chúng tôi khổ như con chó. Bây giờ đang mùa biển thì ở nhà, dù thu hoạch không được là bao, nhưng nó sướng vì mình làm chủ được cái nghề của mình. Dăm bữa, nửa tháng nữa biển động triền miên thì kéo nhau đi đánh cá thuê cho thiên hạ... Lại bài ca Phan Rang, Phan Thiết, Bà Rỵa - Vũng Tàu... hãy lên đường thôi anh em ơi... Cái giọng hài hước của anh ngư dân làm mọi người cười rộ. Họ còn chen vào vài câu chế diễu hài hước về nghề biền, đánh cá biển làm cho không khí vui hẳn lên... Trong lòng tôi lắng xuống. Chẳng nhẽ nghề biển ở đây khắc nghiệt đến thế ư? Qua câu chuyện của họ, tôi biết được họ không thuần túy là những người bám trụ ở làng. Bởi những địa danh họ kể, những con người họ từng gặp, những cuộc vật lộn với biển cả xứ người... Trong lòng họ luôn có một khát khao trở về sống giữa quê hương, làm sao cho quê mình giàu có, nghề biển quê mình khấm khá hẳn lên... Trăng mười tám nhô khỏi rặng dừa trước mặt, sân nhà Việt tràn đầy ánh trăng, tràn đầy những câu chuyện biển... Khuya, mọi người lục tục ra về. Chị Đụa thu dọn xong cũng đã đi nghỉ. Những ngọn gió biển vẫn đều đặn thổi vào, bầu trời vằng vặc trăng sao. Việt hỏi tôi: - Ông thấy dân biển thế nào? - Hào sảng, ăn to nói lớn, vui vẻ và mến khách! Tôi cũng chỉ trả lời bẵng những cảm nhận ban đầu. 20
  • 21. - Còn một đức tính nữa mà ông chưa hình dung nổi, đó là chịu đựng gian khổ, gan lì trước sóng gió, bão dông, và thẳng thắn... Việt nói. - Môi trường sống làm nên đức tính con người. Tôi khẳng định! Tôi đang định nói điều gì liên quan đến môi trường sống, đến những điều đồn đại về làng của Việt mà tôi đặt ra trong chuyến đi thăm bạn lần này. Bỗng Việt hỏi tôi: - Ông có thức khuya được không? - Trăng thanh gió mát, không khí trong lành nên thơ như thế này mà ngủ sớm thì có phí không cơ chứ?! - Ừ, thế thì được!Việt đồng tình. - Tôi muốn quan tâm một vấn đề mà đau đáu bấy lâu nay? - Chắc lại chuyện làng ăn mày Quảng Thái mà mấy năm trước ông gọi điện hỏi tôi? - Đúng đấy! Chuyện ấy là như thế nào? Có phải làng ta có ông thành hoàng là thần ăn mày không? Ăn mày là lệ làng ư? Là nét văn hóa truyền thống vốn tồn tại như một số làng ăn mày khác trong cộng đồng dân cư Việt Nam? - Trước hết khẳng định với ông bạn rằng: thành hoàng làng tôi là những vị quan lớn, đưa con dân về đây khai phá đất hoang lập đồn điền trên vùng cát trắng bãi ngang này. Thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” dưới triều Lê Thánh Tông. Không chỉ một vị thành hoàng mà làng tôi có tới hai vị thành hoàng, đó là ông họ Tô và ông họ Uông. Còn tục ăn mày thì không có, nhưng dân đi ăn mày thì có, thậm chí như một hội chứng dân ăn mày Quảng Thái. Có tiếng xe máy đến cổng rồi rẽ vào nhà Việt. Tiếng xe vừa tắt thì giọng nói oang oang đã tràn vào sân: - Các chú làm gì mà bây giờ chưa ngủ? - Anh đấy à? Anh ngồi đây uống nước. - Tao qua chỗ ông ngoại về ngang đây thấy còn đèn, còn người... - Đây là anh Sử bạn em từ Hòa Bình vào chơi, còn đây là ông anh Tô Vũ Đưa, đồng hao với tôi, cũng bộ đội về, nguyên là Bí thư đảng ủy xã này khóa 1992 - 1994. Ôi, nói đến lịch sử làng thì ông anh rành lắm... Việt giới thiệu một hồi và lái câu chuyện tôi đang nghe dở sang anh Đưa. Dáng vóc lực lưỡng, mái tóc hoa râm, đặc biệt đôi mắt ánh lên sự thông minh của anh cùng với cái bắt tay rất chặt, giọng nói hồ hởi nên anh em chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Hút điếu thuốc lào, uống chén trà nóng, anh nối tiếp câu chuyện về làng. Làng có từ bao giờ? Có tục ăn mày không mà nổi tiếng đến thế? Đúng là tốn bao giấy mực của cánh nhà báo viết về làng vừa đúng vừa sai. Vì sao như vậy ạ? Vì cánh nhà báo về làng cũng chỉ gặp mấy ông xã rồi cưỡi ngựa xem hoa một vài nơi mà xã giới thiệu, chỉ dẫn. Thế là tai đực, tai cái viết bài. Nhiều bài báo viết về làng đọc xong thấy tức anh ách, vì họ chẳng hiểu gì làng chúng tôi cả. - Ví dụ? Tôi cắt ngang. Anh Đưa uống thêm ngụm nước nữa và nói một mạch: 21
  • 22. - Làng Đồn Điền chúng tôi thờ nhị vị thành hoàng và tứ vị thánh nương. Sự thật là như thế. Nhị vị thành hoàng là hai ông quan dưới triều Lê Thánh Tông có tên tuổi, có hàm vị hẳn hoi, đó là cụ Tô Văn Bảo tự chính Đạo và cụ Uông Ngọc Châu. Riêng cụ Tô Chính Đạo thì tôi nắm chắc tiểu sử của ngài. Đó là cụ thủy tổ của ba chi họ Tô làng Đồn Điền này. Trong tờ Thông tin họ Tô Việt Nam số 9, mục “Người họ Tô xưa và nay” in vào tháng 6 năm 2006 có ghi rất rõ: Quận công Tô Văn Bảo, thủy tổ họ Tô làng Đồn Điền, Thanh Hóa có xuất xứ như thế này: “Ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo thường gọi Tô Chính Đạo, người làng Bao Hàm, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, phủ Thái Bình, Trấn Sơn Nam. Thi đậu giải nguyên thời Lê Thái Tông, khoa thi 1438; được bổ nhậm chức Thanh Hoa Thừa Tuyên xứ - sứ thần. Khi nhỏ ham học, văn võ song toàn, có lòng độ lượng. Khi làm quan Thừa Tuyên ở Thanh Hoa được nhân dân khắp vùng kính trọng. Thời gian này, Ngài được đặc sai đi đánh dẹp giặc Chiêm Thành ra quấy nhiễu vùng Nghệ An, ngày khải hoàn được phong tước Quận công. Năm thứ 3 Quang Thuận- Hồng Đức (1461), ngài cùng đại thần Lê Công Bình phụng chỉ: Dụ dân lập ấp kiến an quốc nội, sử dụng lực lượng (tù nhân, tội phạm) dưới sự quản lý của quân đội đi khai phá các sở Đồn Điền ở nam phần Thanh Hoa gồm ba huyện Nông Cống, Ngọc Sơn (Tĩnh Gia bây giờ) và Quảng xương của phủ Tỉnh Ninh. Lúc bấy giờ trên địa bàn Quảng Xương có nhiều sở Đồn Điền, riêng sở Đồn Điền (Quảng Thái) do sứ quan Tô Văn Bảo người Bao Hàm và sứ quan Uông Ngọc Châu người Vườn Đào đảm trách. Doanh trại và phủ quan đóng ở Đồn Điền (Quảng Thái), nên mới có tên làng Đồn Điền, dân quanh vùng có khi còn gọi là làng Sở hoặc sở Đồn Điền. Đến bây giờ làng còn lưu giữ những tên gọi mang dấu ấn thời xa xưa ấy như: Ngõ Trại, Đồng Phủ, Rào Quan, Đồng Trực, Bàn Cờ, Mả Chúa, Đồng Bể, ngõ ông Thầy... Ngoài sở chính Đồn Điền (Quảng Thái), các ngài còn góp công khai phá các sở vệ tinh như: Tào Lâm (Nông Cống), Tiên Linh, Cá Nổ (Ngọc Sơn), Lưu Vệ, Thái Lai, Cô Đồng, Cô Bái, Thủ Phủ, Ngọc giáp, Bể Thôn (Quảng Xương)... Với công dẹp giặc cứu nước, xuất sắc thực thi chính sách: Kiến ấp chấn an quốc nội, tiến hành khai khẩn đất hoang, dụ dân lập làng tăng gia sản xuất, đồn trú dinh lũy phòng vệ biên cương. Ngài được Triều sau phong trật “phúc thần” và giao cho dân làng Đồn Điền phụng sự. Bản sắc Sắc: Thanh Hoa tỉnh, Quảng Xương huyện, Thủ Chính tổng, Đồn Điền thôn phụng sự: Lê triều Đồn Điền quan Tô Văn bảo tự Chính Đạo chi tôn thần Hộ quốc tý dân, niệm trước linh ứng tứ kim, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ Long đăng trật, tước phong vị đoan túc: Dực Bảo trung hưng Linh Phù Phúc Thần chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu Bảo ngã lê dân khâm tai. 22
  • 23. Khải Định Cửu niên, thất nguyệt, Nhị thập tứ nhật. Dịch sắc Sắc ban cho thôn Đồn Điền, tổng Thủ Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoa phụng sự: Quan Đồn Điền triều Lê, Tô Văn Bảo tự Chính Đạo bậc tôn thần có công giúp nước, cứu dân một nỗi niềm thiêng liêng ứng nghiệm, tới nay gặp tiết Đại Khánh, Trẫm đã bốn mươi tuổi, Trẫm ban chiếu báo đáp ơn sâu, Lễ phong lên trật Phúc thần bảo vệ sự nghiệp trung hưng đất nước; ta cho phép lê dân thờ phụng, hãy kính vâng theo chiếu. Khải Định, ngày 24 tháng 7 năm thứ 9. ... Ngài Tô Văn Bảo tự Chính Đạo mất vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch, dân làng Đồn Điền lập đền thờ cùng với ngài Uông Ngọc Châu là nhị vị thành hoàng làng Đồn Điền. (Theo tài liệu của Hậu duệ đời thứ 14: Tô Ngọc Cừ đã qui tiên). - Anh có biết nhà ông Tô Ngọc Cừ ở đâu không? Chỗ ba cây dừa trước mặt. Đấy là một gia phong, nho học. Chính nhờ có chữ mà từ các cụ đã ghi lại sử sách của làng cho con cháu sau này có thêm tư liệu để làm hồ sơ đề nghị công nhận Nghè làng Đồn Điền là Di tích lịch sử văn hóa. Thế đấy! Vậy mà người ta chẳng chịu tìm hiểu gì, gán cho các vị thành hoàng là người ăn mày, anh thấy thế nào? Có phải là bịa đặt không? - Thế còn lệ làng mùng một tháng hai? Tôi hỏi. - Đấy là chuyện về ngài Tiền chánh Lãnh binh thủy quân thời Lê: Tô Trung Thành. Ngài là cháu nội của cụ Tô Chính Đạo, thuộc chi Tô Vũ chúng tôi sau này. Chuyện kể lại rằng vào dịp tết Nguyên Đán, ngài Tiền chánh thủy quân đưa quân đi đánh giặc Chiêm Thành ra quấy nhiễu vùng biển Nghệ An. Khi thắng lợi trở về triều đình thì các binh thuyền của ngài đi ngang biển quê, khi ấy là 27 tháng giêng, ngài truyền cho quân lính neo thuyền chiến lại và lên bờ thăm nhà và dân làng. Nhân khúc khải hoàn ca trở về, ông khao quân lính và dân làng ăn tết lại tại quê hương ba ngày. Đến ngày mùng một tháng hai thì ngài cùng quân lính xuống thuyền trở về triều đình. Dân làng nấu bánh chưng, giết lợn, gà cùng các sản vật của quê hương, hát xướng tiễn đưa đại quân xuống thuyền. Và từ đó cho đến nay trở thành ngày lệ làng ăn tết lại để tưởng nhớ công lao của ngài và quân lính bận việc đánh giặc không về ăn tết cùng gia đình. Anh không biết đấy thôi, bây giờ kinh tế khá thì dân làng ăn cả tết lớn và tết lại. Chứ như trước đây, kinh tế khó khăn, có nhà nhịn ăn tết lớn để tập trung cho tết mùng một tháng hai. 23
  • 24. - Hóa ra là như thế! Tôi như được đắm mình trong không gian văn hóa của làng qua giọng kể của anh Tô Vũ Đưa. Thế thì “nghề ăn mày” có từ bao giờ? Tôi đưa ra câu hỏi. - Xuất phát điểm từ sau cơn bão số 6 năm 1980. Khi ấy anh em mình đang ở biên giới Tây Nam. Biết, mà chẳng làm gì được! Việt tiếp chuyện. - Nguyên nhân có từ đâu à? Đói! Thậm đói! Anh cũng biết rồi đấy, sau chiến thắng 1975, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh lại vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc. Cái đói mang tính toàn quốc, nhưng ở vùng biển này thì đã đói lại còn rách rưới và khổ sở hơn nhiều. Khi tâm cơn bão số 6 tràn qua đây vào giữa tháng 10 năm 1980, nhà cửa bị phá sạch, cây cối gẫy, đổ ngổn ngang, làng như một trận hủy diệt của B52. Nhiều trận bão trước đây cũng gây thiệt hại nặng nề, nhưng sau bão dăm bữa, nửa tháng thì biển lặng, tôm cá được mùa. Riêng năm 1980 ấy lại thật oái oăm, sau bão, biển động một lèo cho đến tết Nguyên Đán. Thế là đói, đói triền miên, đến ngọn rau má trong đồng cũng không còn mầm rễ để mọc. Anh em họ mạc, bà con chòm xóm lần hồi bữa rau, bữa cháo với nhau cũng đã cạn kiệt. Không biết làm gì để sống. Trước tết một tháng, có một ông trong làng ra Quảng Ninh thăm con là bộ đội Hải quân cũng với mục đích xem có cứu đỡ được gì cho gia đình. Nhưng ra đến nơi thì toàn bộ đơn vị của con chuyển ra đảo làm nhiệm vụ. Không gặp được con, ông đành trở về nhưng tiền tàu xe không có. Ông nghĩ cách là đi bộ đến đâu xin ăn đến đó rồi cũng về được đến quê. Cứ dọc ven biển mà đi, sẵn có nghề đánh cá biển có ai thuê vá lưới cũng được... Không ngờ đi đến đâu, khi nghe ông kể hoàn cảnh bão gió, đói khát, ra tìm con không gặp ai cũng thương. Người thì cho tiền, người thì cho gạo, người thì thuê vá lưới... có người còn giúp cho việc bán gạo mang tiền về cho nhẹ nhưng ông không đồng ý. ở nhà cần gạo, cần khoai chứ có tiền thì lấy đâu ra gạo mà mua. Gần một tháng trên đường ông cũng lên được tàu Nam Định - Thanh Hóa và trở về làng với hai bì gạo gánh nặng trĩu vai. Ông chia gạo cho anh em họ mạc, bà con lối xóm mỗi nhà một ít ăn tết. Sau tết năm đó ông đi, một vài người theo ông, rồi nhiều người theo ông, rồi thành phong trào cả làng... Dân làng nói với nhau: “Thà đi ăn mày phúc thiên hạ còn hơn ngồi nhà ăn cắp vặt của nhau”. Những năm 1982 - 1984 thấy không trụ nổi cảnh sống ở quê, nhiều gia đình đã tự nguyện xin đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Đắc Lắc... Đến bây giờ, nhiều gia đình đã định cư ổn định, kinh tế phát triển, con cháu học hành giỏi giang. Nếu chỉ dừng lại như thế thì khi biển lặng phải ở nhà sinh sống, nhưng đằng này thì không. Họ so sánh giữa lao động biển và lao động “xin” thì lao động “xin” vẫn có hiệu quả kinh tế hơn, đỡ phải sắm ngư lưới cụ, tránh được những tai họa bất thường do biển đem lại. Nhiều người coi “xin” như là một nghề kiếm sống. Bất chấp sự dè bĩu của dư luận, từ ông bà già đến trẻ em rủ nhau lũ lượt lang thang. Đặc biệt, sau mấy mùa giáp hạt của năm 1987 - 1989, làng lại bị cơn 24
  • 25. bão số 6 năm 1990 tràn vào, lần này cũng bị tàn phá không kém gì cơn bão số 6 năm 1980, thậm chí năm ấy, trong vòng 10 ngày tới ba cơn bão tràn vào. Làng quê lại đứng trước một thử thách lớn, chưa thoát nghèo lại bị đói. Nghề biển thì mất trắng không thu hoạch, nếu có thu hoạch thì không đủ tiền mua khoai lang, mua gạo. Họ có những so sánh thật có lý, nếu đi đánh cá biển tròn một ngày giỏi ra mỗi ngư dân chỉ kiếm được từ một ngìn đến hai ngìn đồng là cùng, còn đi “ăn xin” hay đi làm “cửu vạn” một ngày chí ít cũng được vài chục nghìn để ra sau khi đã trả tiền trọ và ăn uống mà không phải lộng, khơi khó nhọc. Thế là bài ca lang thang, tha phương cầu thực không chỉ rộ lên ở làng Đồn Điền Quảng Thái mà nó còn kéo theo các làng, các xã chung quanh như Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Nhân, Quảng Lộc, làng Hà Đông cùng xã... Cái điều giản dị là phải sống, phải tìm nguồn sống, phải thoát cái đói! Trước cảnh làng quê xơ xác, trường học vắng bóng học sinh, có lúc trong lớp chỉ còn 5 - 6 em theo học, dư luận xã hội đàm tiếu, diễu cợt, Đảng bộ và đảng viên trong toàn xã họp trước hết phải làm gương vận động người thân của mình ở nhà. Có như vậy mới vận động người khác được. Nhưng hiệu lực của sự làm gương đó chỉ được thời gian ngắn, rồi không vợ, con thì anh em, cha mẹ, họ hàng của các Đảng viên lại “lên đường”. Hội chứng “ăn mày” làm nhức nhối dư luận và đau đầu lãnh đạo chính quyền địa phương. Huyện ủy xuống chỉ đạo, đảng ủy xã họp bàn ngăn chặn hiện tượng ăn mày ở Quảng Thái. Các tổ chức xã hội từ Trung ương đến các nhà hảo tâm vào cuộc. Tại hội nghị huyện Đảng bộ huyện Quảng Xương năm 1992, vấn đề tha phương cầu thực của bà con trong huyện đưa vào chương trình nghị sự, tìm cách tháo gỡ. Hội thảo quốc tế trong chương trình nghiên cứu Việt Nam của Hà Lan về vấn đề Tha phương cầu thực ở Quảng Thái được tổ chức vào tháng 7/1997 do Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tri lúc đó là Bí thư huyện ủy chủ trì và kết luận, đó là một hiện tượng xã hội mà trên thế giới ở đâu cũng có. Như vậy, đây không phải là vấn đề tâm linh thờ phụng thần ăn mày như người ta thêu dệt. Trước hết, hãy gọi con em trở về đi học, tạo công ăn việc làm cho các gia đình, xin các dự án trong nước và quốc tế về hỗ trợ và ổn định đời sống cho bà con không chỉ cho Quảng Thái mà cho các xã có đời sống tương tự như Quảng Thái. Rồi bà con cũng đã trở về, lớp học lại đông như cũ. Nhưng cái đói chưa chịu buông tha cái xứ này. Hiện tượng “ăn xin” có giảm dần, người ta chuyển sang các công việc khác như đánh giầy, bán báo, bán vé số... nghĩa là vẫn cứ phải xa quê kiếm sống. Nhưng các cháu đã chịu ở nhà đi học, các bậc cha mẹ cũng đã thấy được sự học hành tiến bộ của các con nên đã đầu tư. Phải nói, mất khoảng hơn chục năm dân Đồn Điền không có một học sinh nào vào được đại học hay cao đẳng. Bởi vì có học đến nơi đến chốn đâu mà thi cử! Chứ dân Đồn Điền đã học là giỏi nổi tiếng khắp vùng. Trước đây không năm nào là không có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, kể cả cấp quốc gia. Nhưng mất khoảng chục năm như vậy, anh thấy có đau không? Anh nói như một nỗi đau dồn 25
  • 26. nén, tiếc nuối cho sự học của con em trong làng. Nhưng chục năm nay thì khác, trường lớp khang trang, các cháu đua nhau học. Hàng năm tỷ lệ thi đậu vào các trường đại học rất cao. Năm nào cũng có khoảng 15 - 20 em đậu vào đại học, đặc biệt năm 2005 - 2006 đã có tới 36 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy mang tiếng là làng “ăn mày” như vậy, nhưng từ trước đến nay con em của làng cũng có nhiều người thành đạt trong xã hội. Hiện nay, cú cỏn bộ lónh đạo Trung ương, có cán bộ cao cấp trong quân đội, cán bộ các cấp từ tỉnh đến huyện... Đấy là niềm vui, là sự kích thích đối với quê hương. Còn các triều đại trước cũng có các cụ Cử, cụ Tú. Đối với làng, đó như mạch chảy truyền thống văn hóa không thể không tự hào. Anh Đưa dừng lại uống nước và làm một hơi thuốc lào, anh phả khói vào đêm dưới ánh trăng tan ra như một làn mây mỏng bay đi trong gió biển. Anh ngẩng mặt nhìn trời và nói: - Trăng mười tám vượt qua đỉnh đầu như thế này chắc phải hai giờ sáng rồi. Tôi xem đồng hồ đeo tay và chính xác là 2 giờ 3 phút sáng. Anh Đưa xin phép ra về chuẩn bị lưới chài còn đi biển, hẹn tôi chiều hôm sau đến nhà chơi. Việt đề nghị tôi đi ngủ... * * * Khi Việt gọi tôi dậy đã hơn bảy giờ sáng. Tôi làm vệ sinh cá nhân xong và ăn sáng. Chị Đụa đưa ra một mâm bánh cuốn với cá biển kho và mắm tôm vắt chanh. Thứ mắm tôm đỏ au, đặc quánh mùi thơm lựng lần đầu tiên tôi thưởng thức, chỉ vùng biển này người ta mới làm được. Anh Việt rót ra hai ly rượu gọi là “chào buổi sáng”, bữa ăn đơn giản mà đậm đà vị biển. Biết Việt buổi sáng không bận công việc nên tôi đề nghị anh cho đi chơi quanh trong xã, trong làng. Cơm nước xong, chiếc hon đa chở hai anh em đi trên đường làng đã bê tông hóa và chạy thẳng ra bãi biển. Mùa này biển lặng, ngoài xa có những chiếc mảng luồng đánh bắt hải sản, gần bờ có mấy người lội cà kheo đánh moi, nước ngập tận cổ. Đây đó trên bãi biển có những dòng người đang kéo rùng, họ nối vào nhau bằng một sợi dây thừng, còng lưng đi lùi đối mặt với biển. Một bãi biển phẳng và đẹp, cát trắng mịn màng. Những con dã tràng xe cát nhỏ xíu như đang đùa dỡn với sóng... Việt đưa tôi đến ngồi trên một cái mảng luồng hôm nay không đi biển. Chúng tôi ngồi và nhìn ra khơi xa. Ngoài kia, đảo Hòn Mê hiện lên xanh mồn một, phía bên trái trên kia là núi Sầm Sơn. Ngồi trước biển, Việt nói những điều chân thật. Anh tâm sự: Đêm qua anh Đưa đã kể cho ông nghe những câu chuyện về làng, thực sự làng này nghèo và đói. Nhà tranh vách nứa là cơ bản. Cứ mỗi đợt bão tràn vào y như là phải xây dựng lại. Cái ở thì tạm bợ, cái ăn thì phụ thuộc vào biển. Đời sống bấp bênh. Trước tình cảnh dân “lang thang” kiếm sống, Đảng bộ chính quyền xã cùng với các thôn quán triệt tinh thần là phải tháo gỡ, nâng cao đời sống cho dân. Đảng viên phải gương mẫu trong việc phát triển kinh tế, phải học 26
  • 27. hỏi kinh nghiệm các nơi có hoàn cảnh tương tự như mình mà họ giàu có mang về áp dụng cho quê. Đảng viên không chỉ nói mà phải làm, phải hành động. Một cuộc chiến đấu với cái đói, nghèo mà Đảng viên là những người tiên phong xung trận. Năm 2002, lãnh đạo xã có anh Tào Quang Đảnh là bí thư Đảng ủy, mình là chủ tịch cùng với đồng chí Phạm Trọng Lan, Bí thư chi bộ Đồn Điền đều là những cựu chiến binh, khăn gói lên đường vào các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam đi thăm quan, học tập kinh nghiệm nuôi tôm trên cát của họ. Hơn hai tháng đặt chân lên các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, bọn mình cũng học hỏi được kinh nghiệm nuôi tôm trên cát. Cái mừng xen lẫn cái lo. Mừng vì đây là cơ hội để nhân ra cách làm ăn mới cho dân, lo vì vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc, mùa đông miền Bắc, rồi đầu ra... Nhưng đã quyết là phải làm! Thề là mình, anh Đảnh và anh Lan hùn vốn vào với nhau làm trước để rút kinh nghiệm nhân rộng cho dân. Vừa tiền vay của ngân hàng, vừa tiền huy động của anh em họ mạc tới hơn 200 triệu. Một chiến dịch đào cát làm ao, mua ni lông lót, mua máy bơm nước biển phải đến hơn ba tháng mới tạm gọi là hoàn chỉnh. Mẻ tôm giống đầu tiên thả xuống mà lòng cứ lo ngay ngáy, cả ba gia đình thay phiên nhau trực, thức đêm thức hôm, thấy đàn tôm phát triển bình thường, nhiều người đến tham quan. Nhiều nhà đã chuẩn bị bãi cát làm theo. Đùng một cái, khi đàn tôm sắp thu hoạch thì sóng biển tràn vào làm vỡ một đoạn bờ, thế là tôm ùa ra biển. Bọn mình phải huy động nhiều người giữ bờ, chắn lưới mới vớt vát được một ít. Thế là công toi! Niềm hy vọng đổi đời cho dân vừa chợt lóe đã bị dập tắt. Phải lo trả nợ cho ngân hàng và anh em... Vợ con tuy không nói nhưng trong lòng tiếc công, tiếc của cứ ngẩn ngơ... Không chịu! Thua keo này ta bày keo khác! Lãnh đạo xã lại đi tìm việc làm, tìm đối tác và mang được về cho dân nghề thêu ren, tuy còn qui mô nhỏ nhưng cũng giải quyết được công ăn việc làm cho một số người. Cán bộ đầu tư làm trang trại như anh Tô Vũ Lỵ, phó chủ tịch xã; anh Trần Công Trường, anh Hoàng An đều là cán bộ, làm trang trại vài năm nay. Trang trại của các anh trước mắt là cá - lúa kết hợp, đã có hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông nghiệp đang có xu hướng góp ruộng lại với nhau, dồn điền đổi thửa để làm theo mô hình lúa - cá kết hợp. Sắp tới xã sẽ mở một xí nghiệp dạy nghề may cho con em và là xí nghiệp vệ tinh của công ty may xuất khẩu Thanh Hóa. Trong một dự án chiến lược xây dựng đường du lịch ven biển bãi ngang này, bờ biển kè đá thật dầy, thật sâu và chắc chắn để mở rộng du lịch từ Sầm Sơn xuống phía nam. Chúng tôi chuẩn bị tâm thế và phong cách làm du lịch. ở đây phù hợp với du lịch gia đình, du lịch nhỏ. Ông thấy đấy, bãi biển của chúng tôi có đẹp không nào? Chủ trương của Đảng ủy tạo cho con em mình nhiều việc làm, đa ngành nghề, có thế mới mong thoát khỏi cảnh nghèo đói. - Thế còn nghề biển, các ông định hướng cho tương lai thế nào? Tôi hỏi. 27
  • 28. - Thú thực, đó là câu hỏi lớn mà lãnh đạo, chính quyền chúng tôi có nhiều trăn trở. Muốn kiếm ăn phát đạt thì phải đánh bắt xa bờ. Nhưng ở đây làm gì có cửa sông, cửa lạch để tàu lớn về neo đậu. Có lần chúng tôi đã có chủ trương mở ngư trường lên cửa sông Mã hoặc xuống cửa Ghép và đi đặt vấn đề với các xã bạn, nhưng đều bị từ chối. Đành vậy, cải tiến bè mảng, lắp máy, cải tiến ngư cụ, lưới chài là cách làm thiết thực với vùng biển bãi ngang này. Đó mới chỉ là giải pháp tình thế, còn muốn làm ăn lớn thì phải nghĩ cách khác. - Đúng là khó thật! Tôi công nhận. Khi ấy mẻ lưới rùng vừa cạn cách chỗ chúng tôi ngồi không xa. Việt dẫn tôi xuống xem. Thấy chúng tôi, họ chào đón hồ hởi. Chủ tịch ơi, công toi mất thôi. Từ sáng tới giờ kéo hai mẻ rùng mà chỉ đủ ăn khoai. Giọng một phụ nữ đứng tuổi vừa nói. Cả mẻ rùng kéo lên chỉ được chừng dăm cân cá bé xíu. Tôi nhìn quanh đếm thử khoảng 20 người có trong buổi lao động biển này. Ông chủ nghề rùng Lê Ngọc Kỳ đến cạnh chúng tôi phân bua: - Biển lặng đến cùng kiệt, thế này thì chỉ treo niêu thôi! - Nếu mỗi ngày đi biển thế này thu hoạch cho mỗi lao động được bao nhiêu? Tôi hỏi. - Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được thì chia làm ba, chủ nghề một phần, nghề một phần, những người làm thuê một phần. Anh cứ tính thử xem từ giờ đến trưa, khi nước đầy bờ là nghỉ, chúng tôi chỉ kéo ba mẻ lưới nữa là hết. Có thể trúng lớn, có thể chẳng có gì. - Thế thì phụ thuộc vào biển quá nhỉ?! - Biết làm sao được anh! Anh Kỳ trả lời tôi. - Ta đi chơi một vòng quanh xã nhá. Việt nói. - Đồng ý! Chúng tôi chào mọi người. Việt đẩy xe máy xuống mép sóng, bây giờ thủy triều đang xuống kiệt, mặt cát chắc nịch, mịn màng, chiếc xe chạy êm ru về phía ủy ban xã. Toàn bộ trung tâm hành chính xã được xây dựng khang trang, khu trường học nổi bật trong nắng sớm. Việt dừng lại và chỉ cho tôi: - Kia là trường Trung học cơ sở hai tầng vừa khánh thành hôm qua có 20 phòng học đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Còn kia là trường Tiểu học có 16 phòng, bên cạnh là trường mầm non có 10 phòng. Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, một sự đầu tư chiều sâu cho tương lai con em chúng ta. Chúng tôi đi dạo quanh làng, quanh xã, nhà cửa đã được xây dựng khang trang, đường bê tông hóa từng ngõ ngách thay những con đường cát bụi, lầy lội trước kia... Tôi thấy làng xóm đang có sự khởi sắc. Buột miệng tôi hỏi: - Này, nhà cửa khang trang quá, có phải do đi “ăn mày” mang về không? - Có một phần trước kia, bây giờ do lao động vất vả mà có. - Có còn người đi “hành khất” nữa không? - Không! Nhưng đi bán vé số, bán báo, đánh giầy vẫn còn một ít người. 28
  • 29. - Đó là lao động chân chính! Tôi nói. - Thì biết thế, nhưng vẫn cứ mang tiếng là lang thang... Một ngày trôi nhanh, buổi chiều theo lời mời, tôi đến chơi nhà anh Tô Vũ Đưa và ăn cơm cùng anh chị. Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện về làng từ trước đến nay. Dân làng đa tài, từ cụ Huynh giỏi võ đến cụ Lương Tải giỏi vật. Anh kể về dân Đồn Điền đã đến sới vật là các đô vật làng khác, huyện khác phải dè chừng kính nể. Có những miếng vật truyền thống từ thuở trước các cụ truyền lại, đặc biệt là miếng gồng kèo dưới. Vì thế mà năm 1962, làng có đô Thanh từng đoạt giải nhì toàn miền Bắc về môn vật tự do. Học giỏi, võ vật giỏi, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn còn bám riết lấy làng. Bù lại tình làng nghĩa xóm lại bền chặt, cưu mang. Anh nói với tôi rằng làng bây giờ có khởi sắc hơn, nhưng nhu cầu cuộc sống cũng đòi hỏi cao hơn. Đảng bộ, chính quyền đã cố gắng, dân đã có cách làm ăn, không phải “hành khất” như trước. Những dự án tương lai đưa ra một triển vọng tốt đẹp. Nhưng trước mắt, cuộc sống của ngư dân vẫn còn bấp bênh trước sóng... Đêm khuya, chia tay anh chị tôi về nhà Việt. Nằm trên giường thao thức mãi, tiếng sóng biển rì rầm vọng vào. Câu chuyện anh Đưa kể như một minh chứng cho làng quê ven biển đã tồn tại gần 600 năm, qua thăng trầm của thời gian. Con người và trí tuệ nơi đây thật đáng quí, nhưng giải quyết vấn đề cơ bản của cuộc sống là thoát nghèo ở một vùng biển bãi ngang như Quảng Thái là một câu hỏi lớn. Phải có những đề án mang tính khả thi và phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài cho cả một vùng... Tôi cứ miên man như vậy cùng sóng biển… 29
  • 30. SỐNG TẬN CÙNG VỚI ĐẤT Vương Hữu Thái Tôi và Phú mỗi đứa cầm một cái sào dài cỡ bốn mét phần trên gắn cái liềm cong để tỉa đám chồi vượt vô dụng trên thân cây cà phê. Thường khi ra giêng, sau tết dài bận rộn và mệt mỏi là người ta lên rẫy làm cái công việc này, nhẹ thì có nhẹ nhưng cứ phải ngửa cổ tìm nhánh chồi trên cao nên đâm ra mỏi cổ rồi cả chóng chán. Phú lảm nhảm “cái xứ quái này cà phê cứ để vượt cao năm sáu mét, tốn công tốn phân”. Mà thật, nơi này là Bảo Lộc chỉ cách Di Linh có vài chục cây số mà cánh thức khống chế chiều cao cà phê lại khác, trong khi cùng điều kiện thiên nhiên, thổ nhưỡng đất bazan đỏ quạnh, tôi nghĩ khác biệt chắc ở tập quán, mà cái phần này thì đâu cũng có lý riêng, thôi thì cuối cùng vẫn là năng suất và hiệu quả tùy theo từng vùng khác nhau rồi khoa học mới được biết sau. Tôi thích bắt tay vào việc mà không chần chừ, còn Phú gắn công việc với khoa học, theo sau là năng suất và hiệu quả. Nó đang ấp ủ một dự định nghe thì lọt tai, nhưng áp dụng không phải chuyện dễ, cũng không quá mới mà cũng không quá cũ. Đó là cưa đốn thân cà phê độ mươi mười lăm tuổi năng suất kém, thoái hóa…để ghép chồi đầu dòng nắn suất cao từ vườn giống nhà nước, mà đúng hơn là của Viện nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Dự án thì có sẵn, nhưng ít khi người dân biết mà dẫu biết cũng chẳng dám làm… quả là cái khó, tôi thừa hiểu chỉ tầm cỡ trang trại mới dám dấn thân, nhưng biết đâu Phú làm được thì sao? Ngoài quyết tâm nó còn có phần nổi trội hơn đám thanh niên như có học thức, nhà thuộc loại có tiếng tăm nhờ mấy vụ trúng mùa cà phê mà lại bán được cơ hội giá cao, rồi xây nhà lớn như cái biệt thự. Mà vùng đất này những năm gần đây đã có nhiều ngôi “Biệt thự cà phê” mọc lên, đủ ám chỉ cây cà phê có thể đưa người ở đây đến chỗ khá giả, cuộc sống tươm tất. Tôi và mọi người ở đây đều biết như thế, nên không gì bằng người trong cuộc, dù bộn bề khó khăn thế nào thì cây trồng này ở đất Tây Nguyên là cây mơ ước, của niềm tin hy vọng, tươi rói rực rỡ vào độ mùa cuối năm, giữa khi lác đác vẫn còn rơi rớt cơn mưa dai dẳng thấm đất, thấm luôn cả sức người bền chặt gắn với đất… Trưa đến nắng lên cao đến đỉnh đầu, sau một hồi leo dốc lượn giáp vòng quả đồi, tôi và Phú trở về căn chòi nhỏ có khoảng sân trống trông thẳng ra rặng keo đen cao vút để nghỉ ngơi. Phú phe phẩy cái nón “TUẤN à! Rẫy nhà mày bị rệp sáp tấn công nặng quá, nội tuần tới phải xịt thuốc thôi”, vừa nghe đến đây tôi bỗng thấy bòn người vác cái xạc nai đi uể oải từ dưới chân đồi lên, đúng là ông Sáu rồi - ông được gọi là “lão nông tri điền” - vì gắn bó vùng đất này từ hồi rừng hoang vu còn Mễn, heo rừng luẩn quẩn. Giờ tuổi cao nhưng ông vẫn thích lên rẫy như thú tiêu khiển, vì ở nhà hay vướng vào chyện rượu chè rủ rê đâm hư người. 30
  • 31. Lần mò một hồi ông mới lên tới chòi, thoáng thấy tụi tôi ông đã dõng dạc “cứ nhìn mấy màng trắng như màng nhện bám quanh chùm nụ cà phê là biết thất bát cái chắc, dịch rệp sáp lan rộng mà xịt thuốc hoài chẳng nhằm nhò gì, bữa nọ nghe nói nhà thằng Phú xịt thuốc gì hay lắm mà!”. Tôi với tay lấy trong làn chùm bánh nếp nhân đậu mà Mẹ tôi mua từ sáng. Phú bóc cái bánh nhai ngấu nghiến kể lể “cháu học được cách trừ hiệu quả với loại thuốc chứa hoạt chất methidathionxitj cách quãng 10 ngày từ khi chớm dịch, bà con mình mua đủ thứ thuốc đắt tiền, rồi nghe đồn thổi tùm lum chứ ít ai chịu tìm hiểu theo hướng dẫn của khuyến nông”. Ông Sáu có mang theo ve rượu con rót ra cái cốc nhỏ bắt hai đứa cùng uống “Ừ! Có lý đó, vậy mà tụi bán thuốc trừ sâu cứ bày vẽ kiếm tiền, mà dân mình cứ thế nghe răm rắp… thôi uống với tao cốc nữa… tụi mày uống không bằng tao uống gắng… đúng là loại cái, chán bỏ mẹ!” Nể ông Sáu tụi tôi nhấp một tý, ai đời giữa trưa mà bày ra uống rượu, nhưng ông vẫn tỉnh bơ thao thao kể chuyện làm ăn, chuyện cà phê đang rớt giá chắc lại một phen lao đao. Gì chứ chuyện “bao tử” là ông ra vẻ rành rọt từng chút bởi chứng kiến bao thăng trầm,vinh nhục ở vùng đất này. Phú cũng tranh luận bàn cãi khá sôi nổi với ông Sáu, đây là sở trường của nó khi gặp đúng đối tượng khơi mào lên vấn đề gai góc, thiết thực của cuộc sống… Cái chòi nhỏ xiêu vẹo tự nhiên lại náo động hẳn lên bất kể cái nắng như đổ lửa đang chiếu xuống, le lói qua từng tán lá cà phê, hứa hẹn đợt tưới gay gắt cực nhọc nữa đang độ đến gần… mà cũng có khi trời thương bất chợt mưa xuống thì sao, ở vùng đất này dám lắm chứ??? Mùa tưới nhộn nhịp ở suốt con sông Ba Kẻ cách núi Chúa non vài dặm, quả đồi Tà Ngào được xem là vùng đất tốt nhưng có gió lốc quật ngược vào mùa não. Nơi đây mảnh rẫy của nhà tôi cỡ tám sào, còn nhà Phú thuộc loại “nhà giàu” cỡ tám hecsta toàn chủng Robusta, mà đầu rẫy còn mảnh trà Shan cổ thụ xum xuê vẫn được duy trì. Dọc theo con sông mùa này nước lên đồi cao tưới cà phê và xảy ra nhiều tranh chấp giành giật nguồn nước. Nắng gắt nước cạn kiệt, nhiều lúc rẫy tôi và Phú phải luân phiên tưới đêm cỡ từ trời tối đến quãng gà gáy, tưới vào lúc này thuận tiện vì nước lên mà ít người giành giật cãi cọ, nhưng ngặt nỗi có gió rét từ núi tạt xuống khiến tê tái buốt cả người, dầu khăn quàng kín cổ và khoác hai ba lớp áo. Cũng may có ông Sáu bỏ lều mình tình nguyện đến chòi tôi thức khuya hỗ trợ việc nấu cháo gà, cháo cá… để lấy sức kéo ống tưới, dĩ nhiên phải kêu thêm người phụ vì công việc luôn tay luôn chân. Thường thì cỡ nửa tháng hay một tháng mới phải tưới lại đợt khác, đó là vùng cao nguyên Bảo Lộc này không ngặt nghèo chuyện tưới tắm như ở miền Đông nên đúng… được hạt cà phê mà đổ mồ hôi sôi nước mắt. Nhưng bù lại nếu trúng mùa trúng giá thì đời lại lên hương. Để chống đỡ cái nắng quái ác và hạn chế việc bốc thoát hơi nước, Phú đi tiên phong dùng máy phát cỏ cắt sát gốc thay vì dãy cỏ cho chết. Phương pháp này còn có ưu điểm là chống xói mòn,cỏ mục làm xốp đất. Thấy có nhiều người trong vùng bắt chước theo Phú, đó là cách “sống chung với cỏ” để cân bằng sinh thái, 31