SlideShare una empresa de Scribd logo
1 de 636
Phần thứ nhất
KỸ THUẬT SOẠN THẢO, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
MỤC I.
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG VÀ
SOẠN THẢO, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
I. KHÁI NIỆM VỀ HỢP ĐỒNG
1- Hợp đồng là gì?
Trong xã hội loài người để thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của mình thì các cá nhân, tổ chức phải xác
lập các mối quan hệ với nhau, các mối quan hệ được thể hiện thông qua sự trao đổi, thỏa thuận làm phát sinh
các quyền và nghĩa vụ của các bên – trong phạm vi các mối quan hệ về dân sự, kinh tế, lao động thì sự trao
đổi, thỏa thuận được coi là “Giao dịch”. Dưới góc độ pháp lý thì giao dịch nói trên luôn được thể hiện bằng
hình thức “Hợp đồng”. Hay nói một cách khác “Hợp đồng” là một hình thức pháp lý của “Giao dịch”.
2- Các loại hợp đồng.
Nếu nhìn trên tổng thể các mối quan hệ trong xã hội, các giao dịch rất đa dạng, phụ thuộc vào mục đích, lợi
ích mối quan hệ mà các chủ thể tham gia, giao dịch đó mong muốn. Từ đó để phân biệt các loại hợp đồng người
ta phân ra ba nhóm (loại) hợp đồng cơ bản như sau:
a) Hợp đồng dân sự;
b) Hợp đồng kinh doanh – thương mại (hay là hợp đồng kinh tế);
c) Hợp đồng lao động;
Các loại hợp đồng này có những đặc trưng khác nhau, chủ yếu khác nhau về các đối tượng và chủ thể
của loại hợp đồng đó.
Trong mỗi loại hợp đồng (nhóm) lại có những hình thức hợp đồng khác nhau, chủ yếu khác nhau về đối
tượng của hợp đồng đó.
3- Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại:
Khi chuẩn bị soạn thảo, ký kết hợp đồng làm thế nào để phân biệt hợp đồng nào là hợp đồng dân sự và
hợp đồng nào là hợp đồng kinh doanh – thương mại. Đây là vấn đề không đơn giản và để phân biệt được 2
loại hợp đồng này cần chú ý 2 đặc điểm cơ bản sau:
Chủ thể của hợp đồng: Việc các chủ thể xác lập quan hệ trong một hợp đồng có thể giúp phân biệt đâu
là hợp đồng dân sự và đâu là hợp đồng kinh doanh thương mại.
Mục đích lợi nhuận: Căn cứ vào mục đích của việc ký kết hợp đồng có hay không có lợi nhuận (hay
mục đích lợi nhuận) có thể giúp phân biệt được hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại.
Như vậy có thể phân biệt 2 loại hợp đồng dân sự và kinh doanh – thương mại thông qua các đặc điểm
của từng loại hợp đồng, cụ thể như sau:
a) Hợp đồng dân sự là hợp đồng có đặc điểm:
- Chủ thể: Mọi cá nhân, tổ chức.
- Mục đích giao dịch: Không có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Cá nhân mua xe gắn máy để làm phương
tiện đi lại).
b) Hợp đồng kinh doanh thương mại: Là hợp đồng có đặc điểm:
- Chủ thể: Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh.
- Mục đích giao dịch: Đều có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Công ty A mua nguyên liệu của cá nhân B
kinh doanh nguyên liệu về để sản xuất và cả Công ty A, cá nhân B đều có mục đích lợi nhuận khi giao dịch).

7
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP
ĐỒNG
Tùy theo từng loại hợp đồng mà pháp luật quy định loại hợp đồng đó có hình thức và nội dung chủ yếu đặc
trưng và đồng thời trong mỗi hình thức của hợp đồng cụ thể lại có những nội dung chủ yếu phù hợp với đặc trưng
của chủ thể, quan hệ và đối tượng của hợp đồng.
a/ Hợp đồng dân sự
Về hình thức hợp đồng dân sự có thể được giao kết (thỏa thuận) bằng lời nói (miệng), bằng văn bản
hoặc bằng một hành vi cụ thể.
- Hình thức được giao kết bằng lời nói: Được thực hiện chủ yếu qua sự tín nhiệm, giao dịch được thực
hiện ngay hoặc những giao dịch đơn giản, có tính phổ thông, đối tượng giao dịch có giá trị thấp như: mua vé
số, mua thực phẩm (rau, quả, thịt...) để tiêu dùng. Ở hình thức này nội dung hợp đồng thường được hiểu như
đã thành thông lệ, tập quán có sẵn, việc trao đổi thỏa thuận chủ yếu là giá cả của đối tượng giao dịch (ví dụ
1kg thịt giá cả bao nhiêu – có sự trả giá thêm bớt).
Hình thức hợp đồng này rất phổ biến và áp dụng rộng rãi trong nhân dân, chủ yếu là các giao dịch mua
bán lẻ phục vụ đời sống và cho các nhu cầu cá nhân.
- Hình thức giao kết (xác lập) hợp đồng bằng văn bản: được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức
tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản như: mua
bán nhà ở, xe gắn máy, vay tiền ở tổ chức tín dụng, bảo hiểm... (nhưng không có mục đích lợi nhuận).
Đối với hình thức hợp đồng này tùy từng hợp đồng cụ thể pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng
hoặc thị thực mới hợp lệ (như mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...). Tuy nhiên nếu các bên
không công chứng hoặc chứng thực thì theo qui định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 hợp đồng vẫn có giá
trị pháp lý và không bị coi là vô hiệu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra những Trường hợp
pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên vẫn có thể thỏa thuận công chứng hoặc có sự
chứng kiến của người làm chứng nhằm làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý cao.
- Hình thức giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể: Thông thường đây là một dạng quy ước đã hình
thành trên cơ sở thông lệ mà các bên đã mặc nhiên chấp nhận (Ví dụ: Khi xe chở hàng đã vào bến dù không
nói trước nhưng đội bốc xếp tự động xếp dỡ hàng mà không cần trao đổi với chủ hàng, sau đó chủ hàng tự
động trả tiền công cho đội bốc xếp).
Về nội dung chủ yếu của hợp đồng dân sự: Mọi hợp đồng dân sự dù dưới hình thức nào thì đều phải bảo
đảm có những nội dung chủ yếu cơ bản (được Bộ luật Dân sự quy định tại Điều 402) mà nếu thiếu thì không
thể giao kết được. Tuy nhiên tùy loại hợp đồng, có những loại hợp đồng nội dung chủ yếu của loại hợp đồng
đó do văn bản pháp luật quy định cụ thể (có hoặc không kèm theo mẫu hợp đồng), nhưng cũng có những loại
hợp đồng pháp luật không quy định cụ thể về nội dung chủ yếu của loại hợp đồng đó thì các bên thỏa thuận
về nội dung chủ yếu của hợp đồng nhưng cần phải có các nội dung sau đây:
+ Đối tượng của hợp đồng (tài sản gì? Công việc gì?);
+ Số lượng, chất lượng;
+ Giá cả, phương thức thanh toán;
+ Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
+ Phạt vi phạm hợp đồng.
Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên thì các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác (nhưng không
được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội).
b/ Hợp đồng kinh doanh – thương mại (còn gọi là hợp đồng kinh tế)
Về hình thức của hợp đồng kinh doanh – thương mại nói chung giống như của hợp đồng dân sự (trước
đây Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chỉ cho phép duy nhất một hình thức là hợp đồng bằng văn bản).
Lưu ý: Các loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao
dịch như: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản
ảnh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ.
Về nội dung chủ yếu của hợp đồng kinh doanh – thương mại:
Về cơ bản nội dung của hợp đồng kinh doanh – thương mại giống như hợp đồng dân sự.
Tuy nhiên do đặc thù là hàng hóa dịch vụ có số lượng khối lượng lớn nên tính chất phức tạp hơn đòi hỏi
8
ngoài các nội dung cơ bản thì cụ thể hóa chi tiết hóa các thỏa thuận thường sẽ do hai bên thỏa thuận và đưa
vào nội dung của hợp đồng nhiều hơn, đòi hỏi chặt chẽ, chính xác hơn.
Ví dụ: Hợp đồng kinh doanh – thương mại có thể rõ thêm các nội dung sau:
+ Chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hóa hoặc yêu cầu kỹ thuật của
công việc;
+ Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;
+ Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng.
+ Điều kiện nghiệm thu, giao nhận.
Nhìn chung hiện nay giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại có nhiều điểm chung
giống nhau, có chăng sự khác nhau là các chủ thể ký kết hợp đồng và mục đích của hợp đồng có lợi nhuận
hay không mà thôi.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ, HỢP
ĐỒNG DÂN SỰ
1- Đề nghị giao kết và trả lời.
a) Khi các bên có sự mong muốn đi đến ký kết hợp đồng thì thông thường phải có sự trao đổi thỏa
thuận trước, nghĩa là một hoặc cả hai bên đều đưa ra yêu cầu của mình thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng
để bên kia xem có chấp nhận hay không.
Đề nghị về việc giao kết hợp đồng có thể bằng lời nói nhưng cũng có thể bằng văn bản nêu rõ các yêu
cầu của mình trong đó phản ảnh rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng mà mình dự định sẽ ký kết, như đối
tượng, giá cả, phương thức thanh toán... và chịu sự ràng buộc về đề nghị này.
Lưu ý: Trong trường hợp đưa ra đề nghị và chưa hết thời hạn trả lời thì không được mời người thứ ba
giao kết trong thời hạn trả lời đồng thời phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Nếu bên đề nghị lại
giao kết với người thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị nếu có thiệt hại phát sinh.
b) Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực
hiện trong thời hạn đó. Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết hạn chờ trả lời, thì lời
chấp nhận này được coi là lời đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Tuy nhiên nếu bên đề nghị không ấn định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực thì đề nghị giao
kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.
2- Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng
Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp
sau đây:
a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với
thời điểm nhận được đề nghị;
b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được
thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Lưu ý: Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.
3- Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền
này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề
nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
4- Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;
b) Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
c) Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
d) Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;
đ) Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả
lời.
9
5- Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất
Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì
coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.
6- Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc
chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.
7- Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng
a) Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực
hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì
chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề
nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực,
trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
b) Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương
tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa
thuận về thời hạn trả lời.
8- Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự
Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên
được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá
trị.
9- Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự
Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi
trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.
10- Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng
Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông
báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
11- Một số vấn đề cần chú ý khi ký kết hợp đồng dân sự:
a) Vấn đề hợp đồng mẫu do một bên đưa ra
- Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời
trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận, thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung
hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra (như hợp đồng cung ứng điện, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ...).
- Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng, thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu
phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
b) Vấn đề phụ lục hợp đồng
Trong nhiều trường hợp, khi ký kết hợp đồng thì các bên có lập thêm bản phụ lục hợp đồng nhằm chi
tiết hóa một số điều khoản của hợp đồng, trong trường hợp này thì phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp
đồng và nội dung của phụ lục không được trái hoặc mâu thuẫn với nội dung của hợp đồng đã ký.
c) Giải thích hợp đồng
Trong nhiều trường hợp, vì sơ suất chưa trao đổi, tìm hiểu, cân nhắc kỹ các nội dung của hợp đồng nếu
sau khi ký kết xảy ra việc các bên không thống nhất về nội dung đã ký, mỗi bên hiểu theo một cách khác
nhau, trong trường hợp này cần thiết phải có sự giải thích hợp đồng cụ thể như sau:
- Khi một hợp đồng có điều khoản không rõ ràng, thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn
phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.
- Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, thì phải chọn nghĩa nào làm cho
điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.
- Khi một hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thì phải giải thích theo nghĩa
phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.
10
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu, thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm
giao kết hợp đồng.
- Khi hợp đồng thiếu một số khoản, thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa
điểm giao kết hợp đồng.
- Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của
các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung của hợp đồng.
- Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý
chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
- Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích
hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.
d) Hiệu lực của hợp đồng
Nhìn chung, sau khi ký kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực vào thời điểm mà hai bên giao
kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Khi hợp đồng có hiệu lực thì phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa các bên, nếu đó là hợp đồng được giao kết
hợp pháp, đồng thời nó có tính bắt buộc đối với các bên trong việc tuân thủ và thực hiện hợp đồng. Nếu một bên
không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bị coi là vi phạm hợp đồng và phải gánh chịu
những hậu quả pháp lý kèm theo.
Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

IV- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
1- Về hình thức của hợp đồng lao động
Về hình thức, giống như hợp đồng dân sự. Hợp đồng lao động có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc
bằng lời nói (hợp đồng miệng).
a) Hình thức giao kết (thỏa thuận) bằng miệng được thực hiện trong trường hợp thuê lao động đối với
công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 3 tháng và các công việc lao động giúp việc gia đình.
Mặc dù giao kết hợp đồng bằng miệng nhưng hai bên cam kết vẫn phải thực hiện đúng các qui định của
pháp luật về lao động.
b) Hình thức giao kết (ký kết) bằng văn bản, ngoài những trường hợp nêu trên thì hợp đồng lao động
phải được ký kết bằng văn bản (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội qui định (Việc ký hợp
đồng lao động bằng văn bản là qui định bắt buộc (Điều 28 Bộ luật Lao động)).
2- Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động khi thỏa thuận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Về công việc phải làm:
Phải nêu rõ những hạng mục công việc cụ thể, đặc điểm, tính chất công việc và những nhiệm vụ chủ
yếu, khối lượng và chất lượng phải bảo đảm.
b) Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
Phải nêu rõ một số giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần theo giờ hành chính hay ca, kíp... ngày nghỉ hàng
tuần, hàng năm, ngày nghỉ lễ, việc làm thêm giờ....
c) Về tiền lương:
Phải nêu rõ mức lương, các loại phụ cấp, hình thức trả lương, các loại tiền thưởng, các loại trợ cấp, thời
gian trả lương, các loại phúc lợi tập thể, điều kiện nâng bậc lương, việc giải quyết tiền lương và tiền tàu xe
trong những ngày đi đường khi nghỉ hàng năm.
Lưu ý: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động qui định quyền lợi
của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, như thỏa ước lao động tập thể, nội
quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một
phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.
d) Về địa điểm làm việc:
Phải nêu rõ địa điểm chính thức, làm tại chỗ, đi làm lưu động xa hay gần, phương tiện đi lại, ăn, ở trong
thời gian lưu động.
đ) Về thời hạn hợp đồng:
Phải nêu rõ loại hợp đồng, ngày bắt đầu, ngày kết thúc hợp đồng.
11
e) Về điều kiện an toàn vệ sinh lao động:
Phải nêu rõ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, cụ thể trong công việc phải làm, các công việc
phòng hộ lao động mà người lao động tuân thủ và người sử dụng lao động phải bảo đảm cung cấp, tạo điều
kiện...
g) Về bảo hiểm xã hội:
Phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc đóng góp, thu nộp bảo hiểm xã hội, quyền, lợi ích của
người lao động về bảo hiểm xã hội.
3- Phân loại hợp đồng lao động
Bộ Luật Lao động phân hợp đồng lao động thành 3 loại như sau:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn:
Loại hợp đồng này được ký kết cho những công việc làm có tính chất thường xuyên, không ấn định
trước thời hạn và thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mà thường là những công việc có tính chất
thường xuyên, ổn định từ một năm trở lên.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 1 năm đến 3 năm):
Loại hợp đồng này được ký kết cho những loại công việc đã được hai bên xác định trước thời hạn, thời
điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong một khoảng thời gian từ đủ 12 đến 35 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm:
Loại hợp đồng này được ký kết trong trường hợp công việc có tính chất tạm thời, người sử dụng lao
động xác định chỉ làm trong một vài ngày, một vài tháng đến dưới một năm là kết thúc.
Loại hợp đồng này cũng áp dụng trong trường hợp chỉ tạm thời thay thế những người lao động đi làm
nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật qui định, những người lao động nữ khi nghỉ
thai sản, những người lao động bị tạm giữ, tạm giam và những người lao động khác được tạm hoãn thực hiện
hợp đồng lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Lưu ý: Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn
từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ
thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
4- Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động
Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động qui định khá chặt chẽ , cụ thể như sau:
a) Các điều khoản của hợp đồng không được trái pháp luật và khi tập thể lao động đã ký thỏa ước lao
động tập thể thì cũng không được trái với thỏa ước lao động tập thể, không được xâm hại đến quyền, lợi ích
hợp pháp của người thứ ba, nhất là lợi ích của Nhà nước.
b) Các bên giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp lý và năng lực hành vi. Bộ luật Lao động qui định
là người lao động phải đủ 15 tuổi trở lên, được Nhà nước thừa nhận có những quyền và nghĩa vụ cụ thể trong
lĩnh vực lao động theo qui định của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động là cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên; người sử dụng lao động phải là doanh nghiệp, cơ
quan, tổ chức...có đủ điều kiện về sử dụng lao động và trả công lao động.
Các điều khoản của hợp đồng lao động phải được sự nhất trí, thỏa thuận của cả hai bên, hai bên đều
bình đẳng trước pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng lao động thì phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên
kia.
c) Ưu tiên đối với lao động nữ và người tàn tật:
Người sử dụng lao động khi có nhu cầu sử dụng lao động không được từ chối giao kết hợp đồng với
người lao động nữ có đủ các điều kiện làm những công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp
đang cần. Đồng thời cũng không được từ chối giao kết hợp đồng lao động với người lao động là người tàn tật
đối với những công việc mà người khuyết tật làm được. Ngoài ra, phải góp một khoản tiền theo qui định của
Chính phủ vào quỹ việc làm cho người tàn tật nếu như doanh nghiệp không nhận một tỷ lệ người lao động là
người tàn tật theo qui định của Chính phủ đối với một số ngành nghề và công việc.
5- Đối tượng ký kết hợp đồng lao động
Tùy thuộc vào từng loại lao động, Bộ luật Lao động qui định những tổ chức, cá nhân sau đây khi sử
dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
- Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu
12
hạn, các hợp tác xã thuê lao động không phải xã viên, cá nhân và hộ gia đình có thuê lao động.
- Các cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam có thuê lao động là
người Việt Nam.
- Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội khác sử dụng
lao động không phải là công chức, viên chức Nhà nước.
- Các tổ chức kinh tế thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân sử dụng lao động không
phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.
- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng người lao động nước
ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia
có qui định khác.
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người nghỉ hưu, cán bộ, công chức Nhà nước làm những
công việc mà Pháp lệnh cán bộ, công chức không cấm.
6- Đối tượng không phải ký kết hợp đồng lao động
Những người sau đây được tuyển dụng không phải ký kết hợp đồng lao động.
a) Người được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh
nghiệp Nhà nước.
b) Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách; người giữ các chức vụ trong
cơ quan pháp luật, tư pháp được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ.
c) Người thuộc (làm công tác trong), các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị khác nhau, xã viên
hợp tác xã, kể cả cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp.
d) Sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Lưu ý: Người làm việc trong một số ngành, nghề hoặc địa bàn đặc biệt thuộc Bộ quốc phòng, Bộ Nội
vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hướng dẫn sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động thương binh và xã hội.
7- Thủ tục ký kết hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động có thể được ký kết giữa người sử dụng lao động và người được ủy quyền hợp pháp
thay mặt cho nhóm người lao động. Trong trường hợp này, người được ủy quyền hợp pháp để ký kết phải
kèm theo danh sách họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động, hợp
đồng có hiệu lực như ký kết với từng người và chỉ có thể áp dụng khi người sử dụng lao động cần lao động
để giải quyết một công việc nhất định theo mùa vụ mà thời hạn kết thúc dưới một năm hoặc công việc xác
định được thời gian kết thúc trong thời hạn một, hai hoặc ba năm.
Lưu ý:
- Đối với những ngành nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội qui
định được nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm việc thì giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn
bản của cha mẹ hoặc người đỡ đầu (giám hộ) của người dưới 15 tuổi đó mới có giá trị.
- Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nếu có khả
năng thực hiện nhiều hợp đồng. Đối với hợp đồng lao động ký với người nghỉ hưu, cá nhân dưới 10 lao động
hoặc làm công việc có thời hạn dưới ba tháng thì các quyền lợi của người lao động được tính gộp vào tiền
lương.
8- Thay đổi hợp đồng lao động
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì
phải báo cho bên kia biết trước ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách
sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

13
MỤC II.
CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRONG
GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ (GIAO DỊCH BẢO ĐẢM)
I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
1- Giao dịch bảo đảm là gì ?
a) Giao dịch bảo đảm là giao dịch (dân sự, kinh doanh, thương mại) do các bên thỏa thuận hoặc pháp
luật qui định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm.
b) Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo qui định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo
đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có qui định.
c) Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo qui định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có
giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.
2- Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, kinh doanh – thương mại.
Theo qui định của pháp luật có 7 biện pháp bảo đảm gồm:
a) Cầm cố tài sản;
b) Thế chấp tài sản;
c) Đặt cọc;
d) Ký cược;
đ) Ký quỹ;
e) Bảo lãnh;
g) Tín chấp.
Ngoài ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm
(ngoài những biện pháp đã nói trên) thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.
3- Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp
luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm
toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên các bên được thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện
các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
4- Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
1- Vật:
a) Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.
b) Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật
hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ
được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.
2- Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3- Quyền tài sản:
a) Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả,
quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm
đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp
đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
.
b) Đối với quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS và
pháp luật về đất đai.
c) Đối với quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy
định của BLDS và pháp luật về tài nguyên.
14
5- Một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ
a) Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác
lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
hoặc pháp luật có quy định khác.
b) Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông
báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
c) Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy
chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản.
Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo
đảm không có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về
việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
6- Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm
a) Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử
lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;
b) Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao
dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu
tiên thanh toán;
c) Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo
đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.

II. CẦM CỐ TÀI SẢN
1- Cầm cố tài sản là gì ?
a) Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình
cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ï(Ví dụ: A vay B số tiền
10.000.000 đ và A giao cho B chiếc xe gắn máy để cầm cố).
b) Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp
đồng chính.
c) Việc cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.
d) Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn cầm cố
được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Lưu ý: Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản
được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Tuy nhiên các bên cũng có thể thỏa thuận là mỗi tài sản
chỉ bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ.
Việc cầm cố được hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý.
2- Nghĩa vụ và quyền của bên cầm cố tài sản
a) Về nghĩa vụ: Bên cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
- Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận;
- Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trong trường hợp
không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại
hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố;
- Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác.
b) Về quyền: Bên cầm cố tài sản có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên nhận cầm cố đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3
Điều 333 của BLDS (xem phụ lục), nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm
sút giá trị;
- Được bán tài sản cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý;
- Được thay thế tài sản cầm cố bằng một tài sản khác nếu có thỏa thuận;
- Yêu cầu bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng
15
cầm cố chấm dứt;
_ Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
3- Nghĩa vụ và quyền của bên nhận cầm cố tài sản
a) Về nghĩa vụ: Bên nhận cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt
hại cho bên cầm cố;
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm
cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;
- Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm
cố đồng ý;
- Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện
pháp bảo đảm khác.
b) Về quyền: Bên nhận cầm cố tài sản có các quyền sau đây:
- Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;
- Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để
thực hiện nghĩa vụ;
- Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa
thuận;
- Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
4- Xử lý tài sản cầm cố
a) Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc
thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa
thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ.
Lưu ý: Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.
b) Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản
cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương
ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm
cố thì bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
5- Việc thanh toán tiền bán tài sản cầm cố
Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí
bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố;
Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự
nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có;
Lưu ý: Nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải
trả tiếp phần còn thiếu đó.
6- Những trường hợp chấm dứt việc cầm cố tài sản
Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
b) Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
c) Tài sản cầm cố đã được xử lý;
d) Theo thỏa thuận của các bên.
7- Việc trả lại tài sản cầm cố
Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt (theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 339 của BLDS) thì tài sản
cầm cố, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản
cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, nếu không có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 326
đến Điều 340 của BLDS và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ.

16
III. THẾ CHẤP TÀI SẢN
1- Thế chấp tài sản là gì?
a) Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để
bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản
đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản,
động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế
chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
Lưu ý:
- Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế
chấp.
- Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721
của BLDS (xem phụ lục) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
b) Về hình thức: Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc
ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công
chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
c) Về thời hạn: Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có
thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.
2- Thế chấp tài sản đang cho thuê
Tài sản đang cho thuê cũng có thể được dùng để thế chấp. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê tài
sản thuộc tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
3- Thế chấp tài sản được bảo hiểm
a) Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế
chấp.
b) Bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được
dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự
kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo
hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế
chấp có nghĩa vụ thanh toán với bên nhận thế chấp.
4- Thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ
Trong trường hợp thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được
xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thỏa thuận mỗi tài sản bảo đảm
thực hiện một phần nghĩa vụ.
5- Nghĩa vụ và quyền của bên thế chấp tài sản
a) Về nghĩa vụ: Bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế
chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
- Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có;
trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu
bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp;
- Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4
Điều 349 của BLDS (xem phụ lục).
b) Về quyền: Bên thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc
tài sản thế chấp theo thỏa thuận;
- Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;
17
- Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất,
kinh doanh.
Lưu ý: Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh
doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được
trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản
xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc
tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt
hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
6- Nghĩa vụ và quyền của bên nhận thế chấp tài sản
a) Về nghĩa vụ: Bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
- Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm
dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xóa đăng ký trong các trường
hợp quy định tại các điều 355, 356 và 357 của BLDS (xem phụ lục).
b) Về quyền: Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:
- Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của
BLDS (xem phụ lục) phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc
giảm sút giá trị của tài sản đó;
- Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho
việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;
- Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường
hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;
- Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong
trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ;
- Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành
trong tương lai;
- Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định và được ưu tiên thanh toán.
7- Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp
a) Về nghĩa vụ: Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:
- Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị
của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;
- Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp, trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều
353 của BLDS (xem phụ lục), nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của
tài sản thế chấp;
- Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận.
b) Về quyền: Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:
- Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, nếu có thỏa
thuận;
-_ Được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác.
8- Thay thế và sửa chữa tài sản thế chấp
a) Bên thế chấp chỉ được thay thế tài sản thế chấp khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nếu không
có thỏa thuận khác, (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 349 của BLDS - xem phụ lục).
18
b) Trong trường hợp thế chấp kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải
bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
c) Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì bên thế chấp trong một thời gian hợp lý phải sửa chữa tài sản thế
chấp hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không có thỏa thuận khác.
9- Xử lý tài sản thế chấp
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực
hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều
338 của BLDS (tương tự như xử lý tài sản cầm cố).
10- Những trường hợp việc thế chấp tài sản bị hủy bỏ, chấm dứt
a) Việc thế chấp tài sản có thể bị hủy bỏ nếu được bên nhận thế chấp đồng ý, trừ trường hợp pháp luật
có quy định khác.
b) Việc thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt;
- Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Tài sản thế chấp đã được xử lý;
- Theo thỏa thuận của các bên.

IV. ĐẶT CỌC, KÝ CƯỢC, KÝ QUỸ
1- Đặt cọc là gì ?
a) Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị
khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Lưu ý: Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
b) Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc
hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài
sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì
phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp
có thỏa thuận khác.
2- Ký cược là gì ?
a) Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí,
đá quí hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài
sản thuê.
b) Trong trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trừ tiền thuê;
nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để
trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.
3- Ký quỹ là gì ?
a) Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác
vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ .
b) Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có
quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi
phí dịch vụ ngân hàng.
Lưu ý: Thủ tục gửi và thanh toán do pháp luật về ngân hàng quy định.

V. BẢO LÃNH
1- Bảo lãnh là gì ?
a) Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là
bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu
khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng
có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng
19
thực hiện nghĩa vụ của mình.
b) Về hình thức: Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi
trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng
hoặc chứng thực.
c) Phạm vi bảo lãnh: Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên
được bảo lãnh.
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác.
d) Về thù lao: Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Lưu ý:
- Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh
khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
- Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù
trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
- Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ
đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác.
2- Thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh.
a) Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường
hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu
bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
b) Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên
được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối
với mình.
3- Những trường hợp miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
a) Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo
lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có
quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
b) Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc
thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của
họ.
4- Xử lý tài sản của bên bảo lãnh.
Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không
thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để
thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.
5- Hủy bỏ, chấm dứt việc bảo lãnh.
a) Việc bảo lãnh có thể được hủy bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có
quy định khác.
b) Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;
- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Theo thỏa thuận của các bên.

20
MỤC III.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN
VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ
VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
I. TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
1- Những trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm.
Các trường hợp sau đây phải đăng ký giao dịch bảo đảm:
a) Thế chấp quyền sử dụng đất;
b) Thế chấp quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng;
c) Thế chấp tàu bay, tàu biển;
d) Thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ;
đ) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có qui định.
Ngoài ra khi người tham gia giao dịch bảo đảm bằng hình thức khác, có yêu cầu thì việc bảo lãnh bằng
tài sản cũng được đăng ký.
Lưu ý: Ngoài các trường hợp nêu trên nếu pháp luật có qui định các trường hợp khác phải được đăng ký
giao dịch bảo đảm thì cũng phải thực hiện đăng ký theo qui định về đăng ký giao dịch bảo đảm.
2- Đối tượng yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đối tượng yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có thể là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người
được ủy quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận
bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó.
Lưu ý: Người yêu cầu đăng ký có thể nộp đơn trực tiếp tại cơ quan đăng ký hoặc gửi đơn qua đường
bưu điện, qua các phương tiện thông tin liên lạc khác đến cơ quan đăng ký.
3- Nội dung đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây :
a) Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm:
Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số
điện thoại hoặc số fax (nếu có);
Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ
sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có).
b) Mô tả tài sản bảo đảm.
4- Trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.
a) Người yêu cầu đăng ký phải kê khai đầy đủ theo mẫu đơn, đúng sự thật, đúng thỏa thuận của các bên
về giao dịch bảo đảm.
b) Trường hợp người yêu cầu đăng ký ghi vào đơn các nội dung không đúng sự thật, không dúng thỏa
thuận của các bên về giao dịch bảo đảm mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
5- Hiệu lực của việc đăng ký.
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị trong năm năm, kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp các bên
có yêu cầu xóa đăng ký trước thời hạn hoặc có yêu cầu đăng ký gia hạn. Thời hạn của mỗi lần đăng ký gia
hạn là năm năm.
6- Thủ tục nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm.
a) Khi nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm đã được ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu, cơ
quan đăng ký phải ghi vào đơn thời điểm nhận (giờ, ngày, tháng, năm) và cấp cho người yêu cầu đăng ký
bản sao đơn yêu cầu có ghi thời điểm nhận đơn hợp lệ.
b) Trường hợp đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu hoặc
người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí, thì cơ quan đăng ký trả lại đơn yêu cầu đăng ký và nêu rõ lý do từ
chối đăng ký.
21
7- Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
Cơ quan đăng ký phải kịp thời nhập các nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký vào Hệ thống dữ
liệu hoặc sổ đăng ký và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ phải cấp cho người yêu cầu đăng
ký giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
Lưu ý:
- Các giao dịch bảo đảm đối với tàu biển, tàu bay được ghi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, Sổ đăng
bạ tàu bay.
- Các giao dịch bảo đảm đối với bất động sản và quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình
được ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản theo tên của bên bảo đảm.
8- Nội dung giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây:
a) Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm :
- Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số
điện thoại hoặc số fax (nếu có);
- Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ
sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có).
b) Tài sản bảo đảm: ghi các nội dung về tài sản bảo đảm như trong đơn đề nghị đăng ký;
c) Thời điểm đăng ký;
d) Thời hạn đăng ký có hiệu lực;
đ) Thời điểm đăng ký hết hạn;
e) Số đăng ký;
g) Danh mục các giao dịch bảo đảm theo tên của bên bảo đảm hiện đang lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu
hoặc trong sổ đăng ký tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
9- Thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký.
a) Người yêu cầu đăng ký có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký. Người yêu
cầu thay đổi nội dung đã đăng ký phải gửi đơn đề nghị thay đổi đến cơ quan đăng ký có thẩm quyền theo quy
định tại Điều 8 Nghị định này.
b) Đơn yêu cầu thay đổi đăng ký có nội dung chủ yếu sau đây:
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi:
Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số
điện thoại hoặc số fax (nếu có);
Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ
sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có).
- Nội dung thay đổi: bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, thay đổi thứ tự ưu tiên thanh
toán (nếu có) và các nội dung khác đã đăng ký.
10- Thủ tục sửa chữa sai sót khi đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký phát hiện trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc giấy chứng nhận đăng ký
giao dịch bảo đảm có sai sót, thì có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký sửa lại cho đúng với nội dung đã kê khai
trong đơn yêu cầu đăng ký.
Khi nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót, cơ quan đăng ký phải ghi vào đơn thời điểm nhận (giờ, ngày,
tháng, năm). Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan đăng ký phải cấp cho người yêu
cầu sửa chữa sai sót giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm.
11- Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm.
a) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn hợp lệ theo quy định.
b) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm trong các trường hợp dưới đây được tính như sau:
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót trong đơn yêu cầu đăng ký, thì
thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót đó;
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót trong giấy chứng nhận đăng ký,
thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu đăng ký theo quy định;
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu đăng ký thay đổi, thì thời điểm đăng ký là thời
22
điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu đăng ký; nếu là yêu cầu đăng ký bổ sung tài sản bảo đảm, thì thời
điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm đó.
12- Thủ tục xóa đăng ký.
Việc xóa đăng ký được thực hiện như sau:
a) Trước ngày thời hạn đăng ký chấm dứt, bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm đề nghị xóa đăng ký
trong các trường hợp quy định tại các điều 343, 362, 375 và 418 Bộ Luật Dân sự và trong trường hợp nghĩa
vụ được bảo đảm chấm dứt; người yêu cầu xóa đăng ký phải kê khai đầy đủ vào đơn yêu cầu xóa đăng ký
theo mẫu và gửi cho cơ quan đăng ký theo quy định. Người yêu cầu xóa đăng ký không phải trả lệ phí.
b) Cơ quan đăng ký xóa đăng ký trong Hệ thống dữ liệu hoặc trong sổ đăng ký. Trong thời hạn ba ngày,
kể từ ngày nhận đơn yêu cầu xóa đăng ký, cơ quan đăng ký cấp cho người có đơn yêu cầu giấy chứng nhận
xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo mẫu. Trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên bảo đảm, thì
cơ quan đăng ký phải gửi cho bên nhận bảo đảm bản sao giấy chứng nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm.
13- Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
a) Các giao dịch bảo đảm đã đăng ký có giá trị đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký cho đến
khi hết hiệu lực đăng ký.
b) Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa những người cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản được xác định theo
thứ tự đăng ký.
c) Việc đăng ký giao dịch bảo đảm và giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm không có giá trị xác
nhận tính xác thực của giao dịch bảo đảm.

II. CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
1- Quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
a) Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm. Cơ quan đăng ký có
trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo
đảm.
b) Việc cung cấp thông tin được thực hiện theo tên của bên bảo đảm nêu trong đơn yêu cầu.
Cơ quan đăng ký cung cấp cho người yêu cầu cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo tên của
bên bảo đảm đang được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu hoặc trong sổ đăng ký tại thời điểm cung cấp.
2- Thẩm quyền cung cấp thông tin của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thẩm quyền cung cấp thông tin của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như sau:
a) Cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và chi nhánh cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm
đã được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu;
b) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp thông tin về giao dịch
bảo đảm đã đăng ký đối với tàu biển;
c) Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký đối với tàu
bay;
d) Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất, nơi có bất động sản cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm
đã đăng ký đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất của tổ chức;
đ) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi có bất động sản cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm
đã đăng ký đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình.

MỤC IV.
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH RỦI RO KHI KÝ KẾT,
THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
I. MỘT SỐ DẠNG VI PHẠM KHI KÝ KẾT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
Trong thực tiễn quá trình ký kết, cũng như trong quá trình thực hiện hợp đồng luôn nảy sinh những vấn
đề rắc rối do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho việc ký kết, thực hiện hoặc thanh lý hợp đồng gặp trở
ngại, trường hợp dẫn đến tranh chấp phải đưa đến các cơ quan pháp luật hoặc cơ quan trọng tài giải quyết.
23
Trong những trường hợp như vậy luôn xảy ra tình trạng hoặc là vi phạm chính hợp đồng đã ký kết hoặc là vi
phạm các quy định pháp luật về hợp đồng dẫn đến làm hợp đồng vô hiệu.
Dưới đây là một số dạng vi phạm:
1- Các vi phạm của các chủ thể đối với hợp đồng đã giao kết.
Dạng vi phạm hợp đồng này thường được thể hiện qua các trường hợp và nguyên nhân sau:
a) Không chịu thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do
cho bên kia (hợp đồng chưa được bên nào thực hiện).
Trường hợp này thường xảy ra do sau khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều
kiện không có khả năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi...
b) Không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn
như vay tiền sau khi nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị
thua lỗ, phá sản), cố ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian dối với
bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp đồng là để giải quyết một khó khăn
trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho
người khác...).
c) Không thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng).
Trường hợp này thường xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm
cách thực hiện theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có thể do
một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời gian giao hàng... ngoài ra, nhiều
trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp
đồng (như viện cớ hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan...) đã ký kết.
2- Các vi phạm quy định của pháp luật thường gặp khi ký kết, thực hiện hợp đồng.
a) Giao kết hợp đồng không đúng đối tượng chủ thể. Nghĩa là người tham gia giao kết không có tư cách
để ký kết hợp đồng (Ví dụ: Trẻ em tham gia giao dịch dân sự mà không có người giám hộ, người của pháp
nhân ký kết hợp đồng kinh tế nhưng không có giấy ủy quyền của người đại diện hợp pháp là người đứng đầu
pháp nhân đó...).
b) Giao kết hợp đồng không tuân thủ hình thức hợp đồng đã được pháp luật quy định.
Việc vi phạm thể hiện ở chỗ những hợp đồng bắt buộc phải làm thành văn bản, phải công chứng, phải
chứng thực nhưng lại không thực hiện đúng.
Ví dụ: Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng mua bán nhà ở phải làm thành văn bản và phải được công
chứng chứng thực nhưng lại chỉ viết bằng giấy tay.
c) Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp luật cấm.
Nhiều trường hợp các bên tham gia ký kết không am hiểu những hàng hóa hoặc các giao dịch bị pháp
luật cấm hoặc hạn chế nên vẫn ký kết dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.
Ngoài ra, nhiều trường hợp về nội dung thì hợp pháp nhưng thực chất đối tượng hợp đồng (hàng hóa)
lại là bất hợp pháp do không bảo đảm các giấy tờ hợp pháp (như hàng buôn lậu) hoặc để che giấu một hoạt
động bất hợp pháp (như khai thấp giá mua bán để trốn thuế) cũng bị coi là vi phạm bất kể các bên có biết rõ
thỏa thuận ngầm với nhau hay không.
d) Hợp đồng thể hiện rõ ràng và thiếu các nội dung cơ bản của hợp đồng này.
Đây là dạng vi phạm khá nhiều do sự thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bên để lập
hợp đồng mà nội dung của mỗi loại hợp đồng lại không bảo đảm theo quy định của pháp luật về các nội dung
cơ bản của hợp đồng đó, tức là không rõ ràng hoặc thiếu những nội dung của một hợp đồng.
Ví dụ 1: Hợp đồng mua bán nhưng không ghi giá mua bán.
Ví dụ 2: Hợp đồng vận chuyển nhưng không nêu rõ địa điểm lên xuống hàng, thời gian vận chuyển.
Ví dụ 3: Hợp đồng lao động nhưng không ghi công việc phải làm, mức tiền lương.
đ) Nội dung hợp đồng do các bên ký kết không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung
thực.
Trường hợp này xác định do một hoặc nhiều bên đã có sự lừa dối hoặc có thủ đoạn ép buộc bên kia
giao kết với nội dung áp đặt nhằm tạo lợi thế tuyệt đối cho mình.
Ví dụ: Bên A bán nhà cho Bên B với giá rất thấp so với giá thực tế để trừ nợ. Trường hợp này Bên B đã lợi
dụng khó khăn, túng quẫn của Bên A để ép giá, gây thiệt thòi cho Bên A.
24
II. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG
Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh
khỏi, vấn đề là ở chỗ xử lý như thế nào có lợi nhất cho các bên hoặc cho bản thân mình bằng các biện pháp
thích hợp, phù hợp với pháp luật.
Để có thể xử lý có hiệu quả các vi phạm hợp đồng khi xảy ra, tùy theo tính chất sự việc, bạn có thể tiến
hành một hoặc các biện pháp sau:
1– Thương lượng – hòa giải
Việc thương lượng – hòa giải nhìn chung luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp
hợp đồng nào nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Việc thương lượng hòa giải có thể do các
bên chủ động gặp gỡ nhau để giải quyết nhưng nhiều trường hợp phải do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài
thương mại hòa giải.
Nhìn chung việc thương lượng – hòa giải nếu đạt được kết quả thì sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như
không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng ... và làm hài lòng các bên tranh chấp.
Thông thường việc thương lượng – hòa giải chỉ đạt kết quả do thiện chí của các bên và chủ yếu việc vi
phạm, tranh chấp là do nguyên nhân khách quan hoặc vì hiểu lầm hay hiểu không đầy đủ nội dung hợp đồng.
Một vấn đề cần lưu ý có tính nguyên tắc là bất kỳ một việc vi phạm hoặc tranh chấp hợp đồng nào cũng
cần tiến hành biện pháp thương lượng – hòa giải trước, bởi vì nếu bỏ qua biện pháp này thì có nghĩa là bạn
đã bỏ qua một cơ hội tốt mà không có một biện pháp nào có thể hiệu quả hơn.
2– Đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng
Đây là biện pháp bất đắc dĩ sau khi đã thương lượng hòa giải không được nhưng nhằm hạn chế hoặc
không để gây ra hậu quả xấu hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt
việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên
cũng cần hết sức cân nhắc thận trọng để tránh nóng vội không cần thiết.
Lưu ý: Trong trường hợp bạn bắt buộc phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm
hợp đồng thì bạn không phải bồi thường thiệt hại cho họ. Đây cũng được coi là hậu quả mà bên vi phạm hợp
đồng phải gánh chịu.
3– Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết
Nói chung nếu việc tranh chấp xuất phát từ hợp đồng (dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động) mà
các bên không tự giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (chỉ áp dụng trong
trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình trong thời
hạn luật định.
Việc yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết là biện pháp cần thiết và hữu hiệu khi không
còn biện pháp nào có thể làm thay đổi được tình hình bởi các cơ quan này, nhất là Tòa án, là các cơ quan có
thẩm quyền ra các phán quyết bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của bên vi phạm các phán quyết này có hiệu
lực pháp lý cao và có tính bắt buộc.
Khi yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng
chặt chẽ do pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp .
4– Yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự
Đây là biện pháp cứng rắn được áp dụng nếu bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi ký kết hoặc
trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm.
Việc lừa đảo được thể hiện qua thủ đoạn gian dối với ý định có trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng.
Thông qua việc ký kết hợp đồng có tính gian dối một bên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của đối tác.
Đối với việc lạm dụng tín nhiệm thì các thủ đoạn và ý định chiếm đoạt xảy ra sau khi ký kết hợp đồng
hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Nếu có đủ cơ sở xác định có tội phạm xảy ra thì các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa
ra xét xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả lại hoặc bồi thường những tài
sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho người bị hại.

25
III. MỘT SỐ YÊU CẦU PHÒNG TRÁNH SỰ RỦI RO PHÁP LÝ KHI KÝ
KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
Trong thực tiễn của đời sống, các giao dịch trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh – thương mại là hết
sức đa dạng, phức tạp và ngày càng phát triển sôi động. Song song với sự phát triển đó, thì những rủi ro pháp
lý cũng xảy ra ngày một nhiều hơn và không hề báo trước. Những rủi ro một khi xảy ra sẽ kéo theo những
hậu quả là những thiệt hại về tài sản về thu nhập... không nhỏ, đẩy các bên vào tình thế khó khăn hoặc phá
sản hoặc không còn khả năng phục hồi kinh doanh, nhiều trường hợp gây tán gia bại sản.
Đối với hoạt động kinh doanh – thương mại những rủi ro pháp lý trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng
thường để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục, không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém nhiều
công sức, tiền của để khắc phục những thiệt hại đó.
Vấn đề nêu ở đây không phải là hướng dẫn cách khắc phục những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong việc ký
kết, thực hiện hợp đồng mà chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề là làm cách nào để phòng và tránh được các rủi ro
có thể xảy ra hoặc chí ít cũng hạn chế đến mức thấp nhất những khả năng rủi ro có thể xảy ra đối với người tham
gia ký kết, thực hiện hợp đồng.
Như vậy, việc đề ra các biện pháp phòng, tránh và hạn chế các rủi ro pháp lý khi ký kết, thực hiện hợp
đồng là hết sức cần thiết, đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng là yêu cầu chung cho bất
kỳ một giao dịch dân sự hay kinh doanh – thương mại nào, khi mà bạn sẽ tham gia.
Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn và vận dụng các quy định của pháp luật chúng tôi xin nêu một số biện
pháp sau đây để bạn đọc tham khảo:
1- Biện pháp 1: Tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định có liên
quan đến giao dịch khi ký kết, thực hiện hợp đồng.
Việc làm này rất cần thiết bởi lẽ nó đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, nội dung thỏa thuận luôn đúng
pháp luật, sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng và hạn chế được những rủi ro do hợp đồng trái pháp luật
gây ra.
Việc tìm hiểu kỹ pháp luật sẽ cho phép quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng luôn thận trọng, chính xác,
đạt độ chuẩn cao và như vậy sẽ có thể loại trừ được việc lợi dụng các sơ hở của bên đối tác để vi phạm hợp
đồng.
Vì vậy việc tìm hiểu kỹ toàn diện các quy định của pháp luật về hợp đồng và có liên quan đến lĩnh vực mà
mình tham gia giao dịch là điều cần làm đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
2- Biện pháp 2: Tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về hình thức của hợp đồng về chủ thể tham gia
ký kết hợp đồng.
a) Trước hết về hình thức hợp đồng phải được bảo đảm đúng pháp luật. Những loại hợp đồng nào được
pháp luật quy định lập thành văn bản thì phải triệt để tuân thủ. Nếu có quy định phải đăng ký (như đối với
các giao dịch bảo đảm) hoặc công chứng, chứng thực thì không bao giờ được tùy tiện bỏ qua. Việc vô tình
hay cố ý bỏ qua không đăng ký, công chứng hoặc chứng thực sẽ làm hợp đồng bị vô hiệu và không có hiệu
lực pháp lý.
Cũng cần lưu ý đối với những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản thì
cũng nên cố gắng viết thành văn bản để bảo đảm chắc chắn rằng không bên nào từ chối được nội dung thỏa
thuận mà hai bên đã ký.
b) Đối với chủ thể của hợp đồng, những người tham gia ký kết hợp đồng phải bảo đảm đủ tư cách như:
đủ độ tuổi luật định, đủ năng lực hành vi và trong trường hợp đại diện để ký kết hợp đồng mà không phải là
đại diện theo pháp luật thì phải có giấy ủy quyền hợp lệ.
Cần chú ý đối với hợp đồng kinh doanh – thương mại thì hầu hết các chủ thể là pháp nhân do đó phải
do người đứng đầu hay đại diện hợp pháp của pháp nhân như Giám đốc, chủ doanh nghiệp (nếu doanh
nghiệp không có chức danh Giám đốc) ký kết hoặc người đại diện do người đứng đầu pháp nhân đó ủy
quyền thay mặt ký kết và việc ký kết phải được đóng dấu hợp lệ của pháp nhân.
Chỉ có ký kết hợp đồng đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành.
Việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng cũng như bảo đảm chủ thể khi ký kết hợp đồng sẽ loại trừ
đáng kể những rủi ro không đáng có.
3- Biện pháp 3: Tìm hiểu kỹ đối tác trước khi chính thức đặt bút ký kết hợp đồng.

26
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong
270 mau hop dong

Más contenido relacionado

La actualidad más candente

Biplkt1 111024133519-phpapp01
Biplkt1 111024133519-phpapp01Biplkt1 111024133519-phpapp01
Biplkt1 111024133519-phpapp01
Anh Lâm
 
202111392859 14192 đã chuyển đổi
202111392859 14192 đã chuyển đổi202111392859 14192 đã chuyển đổi
202111392859 14192 đã chuyển đổi
Marco Reus Le
 
Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
 Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
PMC WEB
 
Ho so yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
Ho so  yeu cau cong chung co nhung loai giay to giHo so  yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
Ho so yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
Amy Lilly
 

La actualidad más candente (20)

Biplkt1 111024133519-phpapp01
Biplkt1 111024133519-phpapp01Biplkt1 111024133519-phpapp01
Biplkt1 111024133519-phpapp01
 
Tìm hiểu hợp đồng ký quỹ biệt thự Tây Nam Kim Giang
Tìm hiểu hợp đồng ký quỹ biệt thự Tây Nam Kim GiangTìm hiểu hợp đồng ký quỹ biệt thự Tây Nam Kim Giang
Tìm hiểu hợp đồng ký quỹ biệt thự Tây Nam Kim Giang
 
Tong hop 9 van de dang luu y cua du thao bo luat dan su (sua doi)
Tong hop 9 van de dang luu y cua du thao bo luat dan su (sua doi)Tong hop 9 van de dang luu y cua du thao bo luat dan su (sua doi)
Tong hop 9 van de dang luu y cua du thao bo luat dan su (sua doi)
 
Mau hop-dong-mua-ban-mon-bay-ha-long
Mau hop-dong-mua-ban-mon-bay-ha-longMau hop-dong-mua-ban-mon-bay-ha-long
Mau hop-dong-mua-ban-mon-bay-ha-long
 
Bai doc 2.
Bai doc 2.Bai doc 2.
Bai doc 2.
 
TS. BÙI QUANG XUÂN . CHƯƠNG II. MUA BÁN HÀNG HÓA & SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA ...
TS. BÙI QUANG XUÂN . CHƯƠNG II. MUA BÁN HÀNG HÓA & SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA     ...TS. BÙI QUANG XUÂN . CHƯƠNG II. MUA BÁN HÀNG HÓA & SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA     ...
TS. BÙI QUANG XUÂN . CHƯƠNG II. MUA BÁN HÀNG HÓA & SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA ...
 
202111392859 14192 đã chuyển đổi
202111392859 14192 đã chuyển đổi202111392859 14192 đã chuyển đổi
202111392859 14192 đã chuyển đổi
 
Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
 Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
Tạp chí Luật IIRR - No.3 | IIRR Legal Review
 
TS. BÙI QUANG XUÂN MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI BÀI 2
TS. BÙI QUANG XUÂN MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI  BÀI 2TS. BÙI QUANG XUÂN MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI  BÀI 2
TS. BÙI QUANG XUÂN MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI BÀI 2
 
Hợp đồng
Hợp đồngHợp đồng
Hợp đồng
 
Giaodich bds
Giaodich bdsGiaodich bds
Giaodich bds
 
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mạiLuận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
Luận văn: Sự thống nhất ý chí để giao kết hợp đồng thương mại
 
Hợp đồng mua bán hàng hóa Quôc tế - Nguyễn Văn Tới
Hợp đồng mua bán hàng hóa Quôc tế - Nguyễn Văn TớiHợp đồng mua bán hàng hóa Quôc tế - Nguyễn Văn Tới
Hợp đồng mua bán hàng hóa Quôc tế - Nguyễn Văn Tới
 
HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CÔNG Ư...
HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ  MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CÔNG Ư...HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ  MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CÔNG Ư...
HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CÔNG Ư...
 
Pháp luật kinh doanh
Pháp luật kinh doanh Pháp luật kinh doanh
Pháp luật kinh doanh
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở chung cư trong các dự án, 9đ
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở chung cư trong các dự án, 9đLuận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở chung cư trong các dự án, 9đ
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở chung cư trong các dự án, 9đ
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt NamLuận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam
 
Vấn đề về hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật hiện hành
 Vấn đề về hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật hiện hành  Vấn đề về hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật hiện hành
Vấn đề về hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật hiện hành
 
Ho so yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
Ho so  yeu cau cong chung co nhung loai giay to giHo so  yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
Ho so yeu cau cong chung co nhung loai giay to gi
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam, HAY
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam, HAYLuận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam, HAY
Luận văn: Hợp đồng mua bán nhà ở theo pháp luật Việt Nam, HAY
 

Destacado (7)

[Ck] thanh toan qt_hufi_exam
[Ck] thanh toan qt_hufi_exam[Ck] thanh toan qt_hufi_exam
[Ck] thanh toan qt_hufi_exam
 
Chuong 3 hop_dong_ngoai_thuong_929
Chuong 3 hop_dong_ngoai_thuong_929Chuong 3 hop_dong_ngoai_thuong_929
Chuong 3 hop_dong_ngoai_thuong_929
 
On tap ly_thuyet_tai_chinh_tien_te_hufi exam
On tap ly_thuyet_tai_chinh_tien_te_hufi examOn tap ly_thuyet_tai_chinh_tien_te_hufi exam
On tap ly_thuyet_tai_chinh_tien_te_hufi exam
 
Mau hop dong_ngoai_thuong_hufi exam
Mau hop dong_ngoai_thuong_hufi examMau hop dong_ngoai_thuong_hufi exam
Mau hop dong_ngoai_thuong_hufi exam
 
Ngân hàng trắc nghiệm môn kt phattrien
Ngân hàng trắc nghiệm môn kt  phattrienNgân hàng trắc nghiệm môn kt  phattrien
Ngân hàng trắc nghiệm môn kt phattrien
 
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG, HÓA ĐƠN THƯƠNG MẠI, PHIẾU ĐÓNG GÓI SONG NGỮ ANH VIỆT!!!
 
Bài tập thuế xuất nhập khẩu có lời giải
Bài tập thuế xuất nhập khẩu có lời giảiBài tập thuế xuất nhập khẩu có lời giải
Bài tập thuế xuất nhập khẩu có lời giải
 

Similar a 270 mau hop dong

tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdftieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
LoanNguyn566598
 
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docxMUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
quyenduong3122102545
 

Similar a 270 mau hop dong (20)

Những vấn đề pháp lý về hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp hợp đồng dân...
Những vấn đề pháp lý về hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp hợp đồng dân...Những vấn đề pháp lý về hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp hợp đồng dân...
Những vấn đề pháp lý về hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp hợp đồng dân...
 
tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdftieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
tieu-luan-luat-dan-suche-dinh-hop-dong-trong-phap-luat-dan-su-copy.pdf
 
Những điểm cần lưu ý khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồng
Những điểm cần lưu ý khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồngNhững điểm cần lưu ý khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồng
Những điểm cần lưu ý khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồng
 
Các Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dân Sự Theo Quy Định Của Pháp Luật Việ...
Các Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dân Sự Theo Quy Định Của Pháp Luật Việ...Các Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dân Sự Theo Quy Định Của Pháp Luật Việ...
Các Điều Kiện Có Hiệu Lực Của Hợp Đồng Dân Sự Theo Quy Định Của Pháp Luật Việ...
 
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docxCƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
 
BÀI MẪU khóa luận hợp đồng vô hiệu, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU khóa luận hợp đồng vô hiệu, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU khóa luận hợp đồng vô hiệu, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU khóa luận hợp đồng vô hiệu, HAY, 9 ĐIỂM
 
CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docxCƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA.docx
 
HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH  - TẢI FR...
HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH  - TẢI FR...HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH  - TẢI FR...
HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP PHÁT SINH  - TẢI FR...
 
Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng n...
Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng n...Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng n...
Hoàn thiện các qui định của pháp luật Việt Nam về đề nghị giao kết hợp đồng n...
 
Hợp đồng kinh tế và các phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồ...
Hợp đồng kinh tế và các phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồ...Hợp đồng kinh tế và các phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồ...
Hợp đồng kinh tế và các phương pháp giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồ...
 
Pháp luật chuyên sâu về các loại hợp đồng - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
Pháp luật chuyên sâu về các loại hợp đồng - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149Pháp luật chuyên sâu về các loại hợp đồng - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
Pháp luật chuyên sâu về các loại hợp đồng - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
 
Cơ sở lý luận về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự.docx
Cơ sở lý luận về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự.docxCơ sở lý luận về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự.docx
Cơ sở lý luận về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự.docx
 
Cơ sở lý luận và quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa.docx
Cơ sở lý luận và quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa.docxCơ sở lý luận và quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa.docx
Cơ sở lý luận và quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa.docx
 
BAI TAP CUOI KY MON - PHAP LUAT HOP DONG.docx
BAI TAP CUOI KY MON - PHAP LUAT HOP DONG.docxBAI TAP CUOI KY MON - PHAP LUAT HOP DONG.docx
BAI TAP CUOI KY MON - PHAP LUAT HOP DONG.docx
 
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docxMUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
MUA BÁN HÀNG HÓA - TT LUẬT THƯƠNG MẠI.docx
 
Phap luat ve hop dong.pdf
Phap luat ve hop dong.pdfPhap luat ve hop dong.pdf
Phap luat ve hop dong.pdf
 
HIU_LKD_Bai 10_PL ve HD trong kinh doanh.pptx
HIU_LKD_Bai 10_PL ve HD trong kinh doanh.pptxHIU_LKD_Bai 10_PL ve HD trong kinh doanh.pptx
HIU_LKD_Bai 10_PL ve HD trong kinh doanh.pptx
 
Cơ sở lý luận về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng ...
Cơ sở lý luận về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng ...Cơ sở lý luận về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng ...
Cơ sở lý luận về chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng ...
 
Điều khoản về Thông tin và phương thức trao đổi thông tin trong hợp đồng
Điều khoản về Thông tin và phương thức trao đổi thông tin trong hợp đồngĐiều khoản về Thông tin và phương thức trao đổi thông tin trong hợp đồng
Điều khoản về Thông tin và phương thức trao đổi thông tin trong hợp đồng
 
Quy định của pháp luật về sự im lặng của các bên khi thực hiện hợp đồng
Quy định của pháp luật về sự im lặng của các bên khi thực hiện hợp đồngQuy định của pháp luật về sự im lặng của các bên khi thực hiện hợp đồng
Quy định của pháp luật về sự im lặng của các bên khi thực hiện hợp đồng
 

Más de Integrated Circuit Design Research & Education Center (ICDREC)

Más de Integrated Circuit Design Research & Education Center (ICDREC) (20)

SLIDE-NHÂN-TƯỚNG-Buổi-1-FPT.pptx.pdf
SLIDE-NHÂN-TƯỚNG-Buổi-1-FPT.pptx.pdfSLIDE-NHÂN-TƯỚNG-Buổi-1-FPT.pptx.pdf
SLIDE-NHÂN-TƯỚNG-Buổi-1-FPT.pptx.pdf
 
Xoa mu linux
Xoa mu linuxXoa mu linux
Xoa mu linux
 
Tu hoc su_dung_linux
Tu hoc su_dung_linuxTu hoc su_dung_linux
Tu hoc su_dung_linux
 
Tu hoc su dung linux 2
Tu hoc su dung linux 2Tu hoc su dung linux 2
Tu hoc su dung linux 2
 
Su dung linux shell
Su dung linux shellSu dung linux shell
Su dung linux shell
 
Step by-step installation of a secure linux web dns- and mail server
Step by-step installation of a secure linux web  dns- and mail serverStep by-step installation of a secure linux web  dns- and mail server
Step by-step installation of a secure linux web dns- and mail server
 
So tay nho lenh linux
So tay nho lenh linuxSo tay nho lenh linux
So tay nho lenh linux
 
Quan tri he dieu hanh linux
Quan tri he dieu hanh linuxQuan tri he dieu hanh linux
Quan tri he dieu hanh linux
 
Programming guide for linux usb device drivers
Programming guide for linux usb device driversProgramming guide for linux usb device drivers
Programming guide for linux usb device drivers
 
Nguyen lyhedieuhanh 14-15_hedieuhanhlinux
Nguyen lyhedieuhanh 14-15_hedieuhanhlinuxNguyen lyhedieuhanh 14-15_hedieuhanhlinux
Nguyen lyhedieuhanh 14-15_hedieuhanhlinux
 
Linux giaotrinh
Linux giaotrinhLinux giaotrinh
Linux giaotrinh
 
Linux security
Linux securityLinux security
Linux security
 
Linux cho nguoi_moi_dung
Linux cho nguoi_moi_dungLinux cho nguoi_moi_dung
Linux cho nguoi_moi_dung
 
Linux tieng viet
Linux tieng vietLinux tieng viet
Linux tieng viet
 
Liên kết động trong linux và windows (phần 2)
Liên kết động trong linux và windows (phần 2)Liên kết động trong linux và windows (phần 2)
Liên kết động trong linux và windows (phần 2)
 
Liên kết động trong linux và windows (phần 1)
Liên kết động trong linux và windows (phần 1)Liên kết động trong linux và windows (phần 1)
Liên kết động trong linux và windows (phần 1)
 
Kien.truc.unix.linux 2
Kien.truc.unix.linux 2Kien.truc.unix.linux 2
Kien.truc.unix.linux 2
 
Kien.truc.unix.linux
Kien.truc.unix.linuxKien.truc.unix.linux
Kien.truc.unix.linux
 
Huong dan cai_redhat_linux_fedora_core_4
Huong dan cai_redhat_linux_fedora_core_4Huong dan cai_redhat_linux_fedora_core_4
Huong dan cai_redhat_linux_fedora_core_4
 
Htc.kien.truc.unix.linux
Htc.kien.truc.unix.linuxHtc.kien.truc.unix.linux
Htc.kien.truc.unix.linux
 

Último

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
ltbdieu
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 

Último (20)

Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 

270 mau hop dong

  • 1. Phần thứ nhất KỸ THUẬT SOẠN THẢO, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG MỤC I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG VÀ SOẠN THẢO, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG I. KHÁI NIỆM VỀ HỢP ĐỒNG 1- Hợp đồng là gì? Trong xã hội loài người để thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của mình thì các cá nhân, tổ chức phải xác lập các mối quan hệ với nhau, các mối quan hệ được thể hiện thông qua sự trao đổi, thỏa thuận làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên – trong phạm vi các mối quan hệ về dân sự, kinh tế, lao động thì sự trao đổi, thỏa thuận được coi là “Giao dịch”. Dưới góc độ pháp lý thì giao dịch nói trên luôn được thể hiện bằng hình thức “Hợp đồng”. Hay nói một cách khác “Hợp đồng” là một hình thức pháp lý của “Giao dịch”. 2- Các loại hợp đồng. Nếu nhìn trên tổng thể các mối quan hệ trong xã hội, các giao dịch rất đa dạng, phụ thuộc vào mục đích, lợi ích mối quan hệ mà các chủ thể tham gia, giao dịch đó mong muốn. Từ đó để phân biệt các loại hợp đồng người ta phân ra ba nhóm (loại) hợp đồng cơ bản như sau: a) Hợp đồng dân sự; b) Hợp đồng kinh doanh – thương mại (hay là hợp đồng kinh tế); c) Hợp đồng lao động; Các loại hợp đồng này có những đặc trưng khác nhau, chủ yếu khác nhau về các đối tượng và chủ thể của loại hợp đồng đó. Trong mỗi loại hợp đồng (nhóm) lại có những hình thức hợp đồng khác nhau, chủ yếu khác nhau về đối tượng của hợp đồng đó. 3- Phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại: Khi chuẩn bị soạn thảo, ký kết hợp đồng làm thế nào để phân biệt hợp đồng nào là hợp đồng dân sự và hợp đồng nào là hợp đồng kinh doanh – thương mại. Đây là vấn đề không đơn giản và để phân biệt được 2 loại hợp đồng này cần chú ý 2 đặc điểm cơ bản sau: Chủ thể của hợp đồng: Việc các chủ thể xác lập quan hệ trong một hợp đồng có thể giúp phân biệt đâu là hợp đồng dân sự và đâu là hợp đồng kinh doanh thương mại. Mục đích lợi nhuận: Căn cứ vào mục đích của việc ký kết hợp đồng có hay không có lợi nhuận (hay mục đích lợi nhuận) có thể giúp phân biệt được hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại. Như vậy có thể phân biệt 2 loại hợp đồng dân sự và kinh doanh – thương mại thông qua các đặc điểm của từng loại hợp đồng, cụ thể như sau: a) Hợp đồng dân sự là hợp đồng có đặc điểm: - Chủ thể: Mọi cá nhân, tổ chức. - Mục đích giao dịch: Không có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Cá nhân mua xe gắn máy để làm phương tiện đi lại). b) Hợp đồng kinh doanh thương mại: Là hợp đồng có đặc điểm: - Chủ thể: Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh. - Mục đích giao dịch: Đều có mục đích lợi nhuận (Ví dụ: Công ty A mua nguyên liệu của cá nhân B kinh doanh nguyên liệu về để sản xuất và cả Công ty A, cá nhân B đều có mục đích lợi nhuận khi giao dịch). 7
  • 2. II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA HỢP ĐỒNG Tùy theo từng loại hợp đồng mà pháp luật quy định loại hợp đồng đó có hình thức và nội dung chủ yếu đặc trưng và đồng thời trong mỗi hình thức của hợp đồng cụ thể lại có những nội dung chủ yếu phù hợp với đặc trưng của chủ thể, quan hệ và đối tượng của hợp đồng. a/ Hợp đồng dân sự Về hình thức hợp đồng dân sự có thể được giao kết (thỏa thuận) bằng lời nói (miệng), bằng văn bản hoặc bằng một hành vi cụ thể. - Hình thức được giao kết bằng lời nói: Được thực hiện chủ yếu qua sự tín nhiệm, giao dịch được thực hiện ngay hoặc những giao dịch đơn giản, có tính phổ thông, đối tượng giao dịch có giá trị thấp như: mua vé số, mua thực phẩm (rau, quả, thịt...) để tiêu dùng. Ở hình thức này nội dung hợp đồng thường được hiểu như đã thành thông lệ, tập quán có sẵn, việc trao đổi thỏa thuận chủ yếu là giá cả của đối tượng giao dịch (ví dụ 1kg thịt giá cả bao nhiêu – có sự trả giá thêm bớt). Hình thức hợp đồng này rất phổ biến và áp dụng rộng rãi trong nhân dân, chủ yếu là các giao dịch mua bán lẻ phục vụ đời sống và cho các nhu cầu cá nhân. - Hình thức giao kết (xác lập) hợp đồng bằng văn bản: được thực hiện chủ yếu ở những giao dịch phức tạp, đối tượng của hợp đồng có giá trị lớn hoặc do pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản như: mua bán nhà ở, xe gắn máy, vay tiền ở tổ chức tín dụng, bảo hiểm... (nhưng không có mục đích lợi nhuận). Đối với hình thức hợp đồng này tùy từng hợp đồng cụ thể pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng hoặc thị thực mới hợp lệ (như mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...). Tuy nhiên nếu các bên không công chứng hoặc chứng thực thì theo qui định tại Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý và không bị coi là vô hiệu trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra những Trường hợp pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên vẫn có thể thỏa thuận công chứng hoặc có sự chứng kiến của người làm chứng nhằm làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý cao. - Hình thức giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể: Thông thường đây là một dạng quy ước đã hình thành trên cơ sở thông lệ mà các bên đã mặc nhiên chấp nhận (Ví dụ: Khi xe chở hàng đã vào bến dù không nói trước nhưng đội bốc xếp tự động xếp dỡ hàng mà không cần trao đổi với chủ hàng, sau đó chủ hàng tự động trả tiền công cho đội bốc xếp). Về nội dung chủ yếu của hợp đồng dân sự: Mọi hợp đồng dân sự dù dưới hình thức nào thì đều phải bảo đảm có những nội dung chủ yếu cơ bản (được Bộ luật Dân sự quy định tại Điều 402) mà nếu thiếu thì không thể giao kết được. Tuy nhiên tùy loại hợp đồng, có những loại hợp đồng nội dung chủ yếu của loại hợp đồng đó do văn bản pháp luật quy định cụ thể (có hoặc không kèm theo mẫu hợp đồng), nhưng cũng có những loại hợp đồng pháp luật không quy định cụ thể về nội dung chủ yếu của loại hợp đồng đó thì các bên thỏa thuận về nội dung chủ yếu của hợp đồng nhưng cần phải có các nội dung sau đây: + Đối tượng của hợp đồng (tài sản gì? Công việc gì?); + Số lượng, chất lượng; + Giá cả, phương thức thanh toán; + Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; + Quyền và nghĩa vụ của các bên; + Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. + Phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên thì các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác (nhưng không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội). b/ Hợp đồng kinh doanh – thương mại (còn gọi là hợp đồng kinh tế) Về hình thức của hợp đồng kinh doanh – thương mại nói chung giống như của hợp đồng dân sự (trước đây Pháp lệnh hợp đồng kinh tế chỉ cho phép duy nhất một hình thức là hợp đồng bằng văn bản). Lưu ý: Các loại văn bản cũng được coi là hợp đồng nếu hai bên giao kết gián tiếp bằng các tài liệu giao dịch như: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng và được sự đồng ý của bên kia với nội dung phản ảnh đầy đủ các nội dung chủ yếu cần có và không trái pháp luật thì được coi là hợp lệ. Về nội dung chủ yếu của hợp đồng kinh doanh – thương mại: Về cơ bản nội dung của hợp đồng kinh doanh – thương mại giống như hợp đồng dân sự. Tuy nhiên do đặc thù là hàng hóa dịch vụ có số lượng khối lượng lớn nên tính chất phức tạp hơn đòi hỏi 8
  • 3. ngoài các nội dung cơ bản thì cụ thể hóa chi tiết hóa các thỏa thuận thường sẽ do hai bên thỏa thuận và đưa vào nội dung của hợp đồng nhiều hơn, đòi hỏi chặt chẽ, chính xác hơn. Ví dụ: Hợp đồng kinh doanh – thương mại có thể rõ thêm các nội dung sau: + Chất lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ của sản phẩm, hàng hóa hoặc yêu cầu kỹ thuật của công việc; + Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng; + Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng. + Điều kiện nghiệm thu, giao nhận. Nhìn chung hiện nay giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh – thương mại có nhiều điểm chung giống nhau, có chăng sự khác nhau là các chủ thể ký kết hợp đồng và mục đích của hợp đồng có lợi nhuận hay không mà thôi. III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ, HỢP ĐỒNG DÂN SỰ 1- Đề nghị giao kết và trả lời. a) Khi các bên có sự mong muốn đi đến ký kết hợp đồng thì thông thường phải có sự trao đổi thỏa thuận trước, nghĩa là một hoặc cả hai bên đều đưa ra yêu cầu của mình thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng để bên kia xem có chấp nhận hay không. Đề nghị về việc giao kết hợp đồng có thể bằng lời nói nhưng cũng có thể bằng văn bản nêu rõ các yêu cầu của mình trong đó phản ảnh rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng mà mình dự định sẽ ký kết, như đối tượng, giá cả, phương thức thanh toán... và chịu sự ràng buộc về đề nghị này. Lưu ý: Trong trường hợp đưa ra đề nghị và chưa hết thời hạn trả lời thì không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn trả lời đồng thời phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Nếu bên đề nghị lại giao kết với người thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị nếu có thiệt hại phát sinh. b) Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó. Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết hạn chờ trả lời, thì lời chấp nhận này được coi là lời đề nghị mới của bên chậm trả lời. Tuy nhiên nếu bên đề nghị không ấn định thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. 2- Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây: a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Lưu ý: Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới. 3- Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. 4- Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: a) Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận; b) Hết thời hạn trả lời chấp nhận; c) Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; d) Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực; đ) Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. 9
  • 4. 5- Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới. 6- Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. 7- Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng a) Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. b) Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận về thời hạn trả lời. 8- Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị. 9- Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị. 10- Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. 11- Một số vấn đề cần chú ý khi ký kết hợp đồng dân sự: a) Vấn đề hợp đồng mẫu do một bên đưa ra - Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận, thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra (như hợp đồng cung ứng điện, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ...). - Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng, thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. b) Vấn đề phụ lục hợp đồng Trong nhiều trường hợp, khi ký kết hợp đồng thì các bên có lập thêm bản phụ lục hợp đồng nhằm chi tiết hóa một số điều khoản của hợp đồng, trong trường hợp này thì phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng và nội dung của phụ lục không được trái hoặc mâu thuẫn với nội dung của hợp đồng đã ký. c) Giải thích hợp đồng Trong nhiều trường hợp, vì sơ suất chưa trao đổi, tìm hiểu, cân nhắc kỹ các nội dung của hợp đồng nếu sau khi ký kết xảy ra việc các bên không thống nhất về nội dung đã ký, mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau, trong trường hợp này cần thiết phải có sự giải thích hợp đồng cụ thể như sau: - Khi một hợp đồng có điều khoản không rõ ràng, thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. - Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên. - Khi một hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng. 10
  • 5. - Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu, thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. - Khi hợp đồng thiếu một số khoản, thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng. - Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung của hợp đồng. - Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. - Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế. d) Hiệu lực của hợp đồng Nhìn chung, sau khi ký kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực vào thời điểm mà hai bên giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Khi hợp đồng có hiệu lực thì phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa các bên, nếu đó là hợp đồng được giao kết hợp pháp, đồng thời nó có tính bắt buộc đối với các bên trong việc tuân thủ và thực hiện hợp đồng. Nếu một bên không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bị coi là vi phạm hợp đồng và phải gánh chịu những hậu quả pháp lý kèm theo. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. IV- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 1- Về hình thức của hợp đồng lao động Về hình thức, giống như hợp đồng dân sự. Hợp đồng lao động có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói (hợp đồng miệng). a) Hình thức giao kết (thỏa thuận) bằng miệng được thực hiện trong trường hợp thuê lao động đối với công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 3 tháng và các công việc lao động giúp việc gia đình. Mặc dù giao kết hợp đồng bằng miệng nhưng hai bên cam kết vẫn phải thực hiện đúng các qui định của pháp luật về lao động. b) Hình thức giao kết (ký kết) bằng văn bản, ngoài những trường hợp nêu trên thì hợp đồng lao động phải được ký kết bằng văn bản (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội qui định (Việc ký hợp đồng lao động bằng văn bản là qui định bắt buộc (Điều 28 Bộ luật Lao động)). 2- Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động khi thỏa thuận phải có những nội dung chủ yếu sau đây: a) Về công việc phải làm: Phải nêu rõ những hạng mục công việc cụ thể, đặc điểm, tính chất công việc và những nhiệm vụ chủ yếu, khối lượng và chất lượng phải bảo đảm. b) Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Phải nêu rõ một số giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần theo giờ hành chính hay ca, kíp... ngày nghỉ hàng tuần, hàng năm, ngày nghỉ lễ, việc làm thêm giờ.... c) Về tiền lương: Phải nêu rõ mức lương, các loại phụ cấp, hình thức trả lương, các loại tiền thưởng, các loại trợ cấp, thời gian trả lương, các loại phúc lợi tập thể, điều kiện nâng bậc lương, việc giải quyết tiền lương và tiền tàu xe trong những ngày đi đường khi nghỉ hàng năm. Lưu ý: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động qui định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, như thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung. d) Về địa điểm làm việc: Phải nêu rõ địa điểm chính thức, làm tại chỗ, đi làm lưu động xa hay gần, phương tiện đi lại, ăn, ở trong thời gian lưu động. đ) Về thời hạn hợp đồng: Phải nêu rõ loại hợp đồng, ngày bắt đầu, ngày kết thúc hợp đồng. 11
  • 6. e) Về điều kiện an toàn vệ sinh lao động: Phải nêu rõ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, cụ thể trong công việc phải làm, các công việc phòng hộ lao động mà người lao động tuân thủ và người sử dụng lao động phải bảo đảm cung cấp, tạo điều kiện... g) Về bảo hiểm xã hội: Phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc đóng góp, thu nộp bảo hiểm xã hội, quyền, lợi ích của người lao động về bảo hiểm xã hội. 3- Phân loại hợp đồng lao động Bộ Luật Lao động phân hợp đồng lao động thành 3 loại như sau: a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Loại hợp đồng này được ký kết cho những công việc làm có tính chất thường xuyên, không ấn định trước thời hạn và thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mà thường là những công việc có tính chất thường xuyên, ổn định từ một năm trở lên. b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 1 năm đến 3 năm): Loại hợp đồng này được ký kết cho những loại công việc đã được hai bên xác định trước thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong một khoảng thời gian từ đủ 12 đến 35 tháng. c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm: Loại hợp đồng này được ký kết trong trường hợp công việc có tính chất tạm thời, người sử dụng lao động xác định chỉ làm trong một vài ngày, một vài tháng đến dưới một năm là kết thúc. Loại hợp đồng này cũng áp dụng trong trường hợp chỉ tạm thời thay thế những người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật qui định, những người lao động nữ khi nghỉ thai sản, những người lao động bị tạm giữ, tạm giam và những người lao động khác được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Lưu ý: Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác. 4- Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động qui định khá chặt chẽ , cụ thể như sau: a) Các điều khoản của hợp đồng không được trái pháp luật và khi tập thể lao động đã ký thỏa ước lao động tập thể thì cũng không được trái với thỏa ước lao động tập thể, không được xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, nhất là lợi ích của Nhà nước. b) Các bên giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp lý và năng lực hành vi. Bộ luật Lao động qui định là người lao động phải đủ 15 tuổi trở lên, được Nhà nước thừa nhận có những quyền và nghĩa vụ cụ thể trong lĩnh vực lao động theo qui định của Bộ luật Lao động. Người sử dụng lao động là cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên; người sử dụng lao động phải là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...có đủ điều kiện về sử dụng lao động và trả công lao động. Các điều khoản của hợp đồng lao động phải được sự nhất trí, thỏa thuận của cả hai bên, hai bên đều bình đẳng trước pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng lao động thì phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên kia. c) Ưu tiên đối với lao động nữ và người tàn tật: Người sử dụng lao động khi có nhu cầu sử dụng lao động không được từ chối giao kết hợp đồng với người lao động nữ có đủ các điều kiện làm những công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần. Đồng thời cũng không được từ chối giao kết hợp đồng lao động với người lao động là người tàn tật đối với những công việc mà người khuyết tật làm được. Ngoài ra, phải góp một khoản tiền theo qui định của Chính phủ vào quỹ việc làm cho người tàn tật nếu như doanh nghiệp không nhận một tỷ lệ người lao động là người tàn tật theo qui định của Chính phủ đối với một số ngành nghề và công việc. 5- Đối tượng ký kết hợp đồng lao động Tùy thuộc vào từng loại lao động, Bộ luật Lao động qui định những tổ chức, cá nhân sau đây khi sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động. - Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu 12
  • 7. hạn, các hợp tác xã thuê lao động không phải xã viên, cá nhân và hộ gia đình có thuê lao động. - Các cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam có thuê lao động là người Việt Nam. - Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội khác sử dụng lao động không phải là công chức, viên chức Nhà nước. - Các tổ chức kinh tế thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân sử dụng lao động không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ. - Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng người lao động nước ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có qui định khác. - Các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người nghỉ hưu, cán bộ, công chức Nhà nước làm những công việc mà Pháp lệnh cán bộ, công chức không cấm. 6- Đối tượng không phải ký kết hợp đồng lao động Những người sau đây được tuyển dụng không phải ký kết hợp đồng lao động. a) Người được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước. b) Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách; người giữ các chức vụ trong cơ quan pháp luật, tư pháp được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ. c) Người thuộc (làm công tác trong), các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị khác nhau, xã viên hợp tác xã, kể cả cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp. d) Sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Lưu ý: Người làm việc trong một số ngành, nghề hoặc địa bàn đặc biệt thuộc Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hướng dẫn sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động thương binh và xã hội. 7- Thủ tục ký kết hợp đồng lao động Hợp đồng lao động có thể được ký kết giữa người sử dụng lao động và người được ủy quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động. Trong trường hợp này, người được ủy quyền hợp pháp để ký kết phải kèm theo danh sách họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động, hợp đồng có hiệu lực như ký kết với từng người và chỉ có thể áp dụng khi người sử dụng lao động cần lao động để giải quyết một công việc nhất định theo mùa vụ mà thời hạn kết thúc dưới một năm hoặc công việc xác định được thời gian kết thúc trong thời hạn một, hai hoặc ba năm. Lưu ý: - Đối với những ngành nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội qui định được nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm việc thì giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người đỡ đầu (giám hộ) của người dưới 15 tuổi đó mới có giá trị. - Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nếu có khả năng thực hiện nhiều hợp đồng. Đối với hợp đồng lao động ký với người nghỉ hưu, cá nhân dưới 10 lao động hoặc làm công việc có thời hạn dưới ba tháng thì các quyền lợi của người lao động được tính gộp vào tiền lương. 8- Thay đổi hợp đồng lao động Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. 13
  • 8. MỤC II. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ, KINH TẾ (GIAO DỊCH BẢO ĐẢM) I. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM 1- Giao dịch bảo đảm là gì ? a) Giao dịch bảo đảm là giao dịch (dân sự, kinh doanh, thương mại) do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật qui định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm. b) Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo qui định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có qui định. c) Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo qui định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký. 2- Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, kinh doanh – thương mại. Theo qui định của pháp luật có 7 biện pháp bảo đảm gồm: a) Cầm cố tài sản; b) Thế chấp tài sản; c) Đặt cọc; d) Ký cược; đ) Ký quỹ; e) Bảo lãnh; g) Tín chấp. Ngoài ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm (ngoài những biện pháp đã nói trên) thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó. 3- Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên các bên được thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện. 4- Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: 1- Vật: a) Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch. b) Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. 2- Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 3- Quyền tài sản: a) Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ . b) Đối với quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS và pháp luật về đất đai. c) Đối với quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS và pháp luật về tài nguyên. 14
  • 9. 5- Một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ a) Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. b) Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản. c) Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn. 6- Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm a) Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký; b) Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán; c) Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm. II. CẦM CỐ TÀI SẢN 1- Cầm cố tài sản là gì ? a) Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ï(Ví dụ: A vay B số tiền 10.000.000 đ và A giao cho B chiếc xe gắn máy để cầm cố). b) Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. c) Việc cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. d) Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố. Lưu ý: Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Tuy nhiên các bên cũng có thể thỏa thuận là mỗi tài sản chỉ bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ. Việc cầm cố được hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý. 2- Nghĩa vụ và quyền của bên cầm cố tài sản a) Về nghĩa vụ: Bên cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây: - Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận; - Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố; - Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. b) Về quyền: Bên cầm cố tài sản có các quyền sau đây: - Yêu cầu bên nhận cầm cố đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 333 của BLDS (xem phụ lục), nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; - Được bán tài sản cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý; - Được thay thế tài sản cầm cố bằng một tài sản khác nếu có thỏa thuận; - Yêu cầu bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng 15
  • 10. cầm cố chấm dứt; _ Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố. 3- Nghĩa vụ và quyền của bên nhận cầm cố tài sản a) Về nghĩa vụ: Bên nhận cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây: - Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố; - Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; - Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý; - Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. b) Về quyền: Bên nhận cầm cố tài sản có các quyền sau đây: - Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó; - Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ; - Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận; - Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố. 4- Xử lý tài sản cầm cố a) Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Lưu ý: Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố. b) Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì bên nhận cầm cố phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố. 5- Việc thanh toán tiền bán tài sản cầm cố Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; Lưu ý: Nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó. 6- Những trường hợp chấm dứt việc cầm cố tài sản Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây: a) Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; b) Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; c) Tài sản cầm cố đã được xử lý; d) Theo thỏa thuận của các bên. 7- Việc trả lại tài sản cầm cố Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt (theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 339 của BLDS) thì tài sản cầm cố, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, nếu không có thỏa thuận khác. Lưu ý: Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 326 đến Điều 340 của BLDS và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ. 16
  • 11. III. THẾ CHẤP TÀI SẢN 1- Thế chấp tài sản là gì? a) Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Lưu ý: - Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. - Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của BLDS (xem phụ lục) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. b) Về hình thức: Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký. c) Về thời hạn: Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp. 2- Thế chấp tài sản đang cho thuê Tài sản đang cho thuê cũng có thể được dùng để thế chấp. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê tài sản thuộc tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. 3- Thế chấp tài sản được bảo hiểm a) Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp. b) Bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán với bên nhận thế chấp. 4- Thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ Trong trường hợp thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thỏa thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ. 5- Nghĩa vụ và quyền của bên thế chấp tài sản a) Về nghĩa vụ: Bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây: - Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; - Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; - Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp; - Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của BLDS (xem phụ lục). b) Về quyền: Bên thế chấp tài sản có các quyền sau đây: Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận; - Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp; 17
  • 12. - Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Lưu ý: Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán. - Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý. - Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết; - Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. 6- Nghĩa vụ và quyền của bên nhận thế chấp tài sản a) Về nghĩa vụ: Bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây: - Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp; - Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xóa đăng ký trong các trường hợp quy định tại các điều 355, 356 và 357 của BLDS (xem phụ lục). b) Về quyền: Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây: - Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của BLDS (xem phụ lục) phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó; - Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp; - Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp; - Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng; - Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; - Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai; - Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định và được ưu tiên thanh toán. 7- Quyền và nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp a) Về nghĩa vụ: Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây: - Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường; - Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp, trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 của BLDS (xem phụ lục), nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp; - Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thỏa thuận. b) Về quyền: Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây: - Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, nếu có thỏa thuận; -_ Được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 8- Thay thế và sửa chữa tài sản thế chấp a) Bên thế chấp chỉ được thay thế tài sản thế chấp khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nếu không có thỏa thuận khác, (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 349 của BLDS - xem phụ lục). 18
  • 13. b) Trong trường hợp thế chấp kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận. c) Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì bên thế chấp trong một thời gian hợp lý phải sửa chữa tài sản thế chấp hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không có thỏa thuận khác. 9- Xử lý tài sản thế chấp Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của BLDS (tương tự như xử lý tài sản cầm cố). 10- Những trường hợp việc thế chấp tài sản bị hủy bỏ, chấm dứt a) Việc thế chấp tài sản có thể bị hủy bỏ nếu được bên nhận thế chấp đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. b) Việc thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây: - Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt; - Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; - Tài sản thế chấp đã được xử lý; - Theo thỏa thuận của các bên. IV. ĐẶT CỌC, KÝ CƯỢC, KÝ QUỸ 1- Đặt cọc là gì ? a) Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Lưu ý: Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản. b) Trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 2- Ký cược là gì ? a) Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. b) Trong trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trừ tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. 3- Ký quỹ là gì ? a) Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ . b) Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng. Lưu ý: Thủ tục gửi và thanh toán do pháp luật về ngân hàng quy định. V. BẢO LÃNH 1- Bảo lãnh là gì ? a) Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng 19
  • 14. thực hiện nghĩa vụ của mình. b) Về hình thức: Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực. c) Phạm vi bảo lãnh: Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. d) Về thù lao: Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận. Lưu ý: - Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn. - Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh. - Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác. 2- Thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh. a) Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. b) Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình. 3- Những trường hợp miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. a) Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. b) Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ. 4- Xử lý tài sản của bên bảo lãnh. Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. 5- Hủy bỏ, chấm dứt việc bảo lãnh. a) Việc bảo lãnh có thể được hủy bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. b) Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây: - Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt; - Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác; - Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; - Theo thỏa thuận của các bên. 20
  • 15. MỤC III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM I. TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM 1- Những trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Các trường hợp sau đây phải đăng ký giao dịch bảo đảm: a) Thế chấp quyền sử dụng đất; b) Thế chấp quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; c) Thế chấp tàu bay, tàu biển; d) Thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; đ) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có qui định. Ngoài ra khi người tham gia giao dịch bảo đảm bằng hình thức khác, có yêu cầu thì việc bảo lãnh bằng tài sản cũng được đăng ký. Lưu ý: Ngoài các trường hợp nêu trên nếu pháp luật có qui định các trường hợp khác phải được đăng ký giao dịch bảo đảm thì cũng phải thực hiện đăng ký theo qui định về đăng ký giao dịch bảo đảm. 2- Đối tượng yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. Đối tượng yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có thể là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người được ủy quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó. Lưu ý: Người yêu cầu đăng ký có thể nộp đơn trực tiếp tại cơ quan đăng ký hoặc gửi đơn qua đường bưu điện, qua các phương tiện thông tin liên lạc khác đến cơ quan đăng ký. 3- Nội dung đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây : a) Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm: Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số điện thoại hoặc số fax (nếu có); Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có). b) Mô tả tài sản bảo đảm. 4- Trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. a) Người yêu cầu đăng ký phải kê khai đầy đủ theo mẫu đơn, đúng sự thật, đúng thỏa thuận của các bên về giao dịch bảo đảm. b) Trường hợp người yêu cầu đăng ký ghi vào đơn các nội dung không đúng sự thật, không dúng thỏa thuận của các bên về giao dịch bảo đảm mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. 5- Hiệu lực của việc đăng ký. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị trong năm năm, kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp các bên có yêu cầu xóa đăng ký trước thời hạn hoặc có yêu cầu đăng ký gia hạn. Thời hạn của mỗi lần đăng ký gia hạn là năm năm. 6- Thủ tục nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. a) Khi nhận đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm đã được ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu, cơ quan đăng ký phải ghi vào đơn thời điểm nhận (giờ, ngày, tháng, năm) và cấp cho người yêu cầu đăng ký bản sao đơn yêu cầu có ghi thời điểm nhận đơn hợp lệ. b) Trường hợp đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm không ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu hoặc người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí, thì cơ quan đăng ký trả lại đơn yêu cầu đăng ký và nêu rõ lý do từ chối đăng ký. 21
  • 16. 7- Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm. Cơ quan đăng ký phải kịp thời nhập các nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký vào Hệ thống dữ liệu hoặc sổ đăng ký và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ phải cấp cho người yêu cầu đăng ký giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm. Lưu ý: - Các giao dịch bảo đảm đối với tàu biển, tàu bay được ghi vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, Sổ đăng bạ tàu bay. - Các giao dịch bảo đảm đối với bất động sản và quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình được ghi vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản theo tên của bên bảo đảm. 8- Nội dung giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm. Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm có nội dung chủ yếu sau đây: a) Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm : - Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số điện thoại hoặc số fax (nếu có); - Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có). b) Tài sản bảo đảm: ghi các nội dung về tài sản bảo đảm như trong đơn đề nghị đăng ký; c) Thời điểm đăng ký; d) Thời hạn đăng ký có hiệu lực; đ) Thời điểm đăng ký hết hạn; e) Số đăng ký; g) Danh mục các giao dịch bảo đảm theo tên của bên bảo đảm hiện đang lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu hoặc trong sổ đăng ký tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm. 9- Thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký. a) Người yêu cầu đăng ký có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký. Người yêu cầu thay đổi nội dung đã đăng ký phải gửi đơn đề nghị thay đổi đến cơ quan đăng ký có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. b) Đơn yêu cầu thay đổi đăng ký có nội dung chủ yếu sau đây: - Người yêu cầu đăng ký thay đổi: Trường hợp là cá nhân: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân (nếu có), địa chỉ, số điện thoại hoặc số fax (nếu có); Trường hợp là tổ chức: tên, loại hình, số đăng ký kinh doanh (nếu có), địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trụ sở của chi nhánh, nếu bên yêu cầu đăng ký là chi nhánh, số điện thoại hoặc số fax (nếu có). - Nội dung thay đổi: bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán (nếu có) và các nội dung khác đã đăng ký. 10- Thủ tục sửa chữa sai sót khi đăng ký giao dịch bảo đảm. Trường hợp người yêu cầu đăng ký phát hiện trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm có sai sót, thì có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký sửa lại cho đúng với nội dung đã kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký. Khi nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót, cơ quan đăng ký phải ghi vào đơn thời điểm nhận (giờ, ngày, tháng, năm). Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan đăng ký phải cấp cho người yêu cầu sửa chữa sai sót giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm. 11- Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm. a) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn hợp lệ theo quy định. b) Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm trong các trường hợp dưới đây được tính như sau: - Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót trong đơn yêu cầu đăng ký, thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót đó; - Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu sửa chữa sai sót trong giấy chứng nhận đăng ký, thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu đăng ký theo quy định; - Trường hợp người yêu cầu đăng ký có đơn yêu cầu đăng ký thay đổi, thì thời điểm đăng ký là thời 22
  • 17. điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu đăng ký; nếu là yêu cầu đăng ký bổ sung tài sản bảo đảm, thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm đó. 12- Thủ tục xóa đăng ký. Việc xóa đăng ký được thực hiện như sau: a) Trước ngày thời hạn đăng ký chấm dứt, bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm đề nghị xóa đăng ký trong các trường hợp quy định tại các điều 343, 362, 375 và 418 Bộ Luật Dân sự và trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt; người yêu cầu xóa đăng ký phải kê khai đầy đủ vào đơn yêu cầu xóa đăng ký theo mẫu và gửi cho cơ quan đăng ký theo quy định. Người yêu cầu xóa đăng ký không phải trả lệ phí. b) Cơ quan đăng ký xóa đăng ký trong Hệ thống dữ liệu hoặc trong sổ đăng ký. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu xóa đăng ký, cơ quan đăng ký cấp cho người có đơn yêu cầu giấy chứng nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo mẫu. Trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên bảo đảm, thì cơ quan đăng ký phải gửi cho bên nhận bảo đảm bản sao giấy chứng nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. 13- Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm. a) Các giao dịch bảo đảm đã đăng ký có giá trị đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký cho đến khi hết hiệu lực đăng ký. b) Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa những người cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản được xác định theo thứ tự đăng ký. c) Việc đăng ký giao dịch bảo đảm và giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm không có giá trị xác nhận tính xác thực của giao dịch bảo đảm. II. CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM 1- Quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. a) Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm. b) Việc cung cấp thông tin được thực hiện theo tên của bên bảo đảm nêu trong đơn yêu cầu. Cơ quan đăng ký cung cấp cho người yêu cầu cung cấp thông tin về các giao dịch bảo đảm theo tên của bên bảo đảm đang được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu hoặc trong sổ đăng ký tại thời điểm cung cấp. 2- Thẩm quyền cung cấp thông tin của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Thẩm quyền cung cấp thông tin của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định như sau: a) Cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và chi nhánh cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã được lưu giữ trong Hệ thống dữ liệu; b) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký đối với tàu biển; c) Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký đối với tàu bay; d) Sở Địa chính hoặc Sở Địa chính - Nhà đất, nơi có bất động sản cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất của tổ chức; đ) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi có bất động sản cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký đối với quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất của cá nhân, hộ gia đình. MỤC IV. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH RỦI RO KHI KÝ KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG I. MỘT SỐ DẠNG VI PHẠM KHI KÝ KẾT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG Trong thực tiễn quá trình ký kết, cũng như trong quá trình thực hiện hợp đồng luôn nảy sinh những vấn đề rắc rối do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho việc ký kết, thực hiện hoặc thanh lý hợp đồng gặp trở ngại, trường hợp dẫn đến tranh chấp phải đưa đến các cơ quan pháp luật hoặc cơ quan trọng tài giải quyết. 23
  • 18. Trong những trường hợp như vậy luôn xảy ra tình trạng hoặc là vi phạm chính hợp đồng đã ký kết hoặc là vi phạm các quy định pháp luật về hợp đồng dẫn đến làm hợp đồng vô hiệu. Dưới đây là một số dạng vi phạm: 1- Các vi phạm của các chủ thể đối với hợp đồng đã giao kết. Dạng vi phạm hợp đồng này thường được thể hiện qua các trường hợp và nguyên nhân sau: a) Không chịu thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do cho bên kia (hợp đồng chưa được bên nào thực hiện). Trường hợp này thường xảy ra do sau khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều kiện không có khả năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi... b) Không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn như vay tiền sau khi nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị thua lỗ, phá sản), cố ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian dối với bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp đồng là để giải quyết một khó khăn trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho người khác...). c) Không thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng). Trường hợp này thường xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm cách thực hiện theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có thể do một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời gian giao hàng... ngoài ra, nhiều trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp đồng (như viện cớ hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan...) đã ký kết. 2- Các vi phạm quy định của pháp luật thường gặp khi ký kết, thực hiện hợp đồng. a) Giao kết hợp đồng không đúng đối tượng chủ thể. Nghĩa là người tham gia giao kết không có tư cách để ký kết hợp đồng (Ví dụ: Trẻ em tham gia giao dịch dân sự mà không có người giám hộ, người của pháp nhân ký kết hợp đồng kinh tế nhưng không có giấy ủy quyền của người đại diện hợp pháp là người đứng đầu pháp nhân đó...). b) Giao kết hợp đồng không tuân thủ hình thức hợp đồng đã được pháp luật quy định. Việc vi phạm thể hiện ở chỗ những hợp đồng bắt buộc phải làm thành văn bản, phải công chứng, phải chứng thực nhưng lại không thực hiện đúng. Ví dụ: Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng mua bán nhà ở phải làm thành văn bản và phải được công chứng chứng thực nhưng lại chỉ viết bằng giấy tay. c) Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp luật cấm. Nhiều trường hợp các bên tham gia ký kết không am hiểu những hàng hóa hoặc các giao dịch bị pháp luật cấm hoặc hạn chế nên vẫn ký kết dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Ngoài ra, nhiều trường hợp về nội dung thì hợp pháp nhưng thực chất đối tượng hợp đồng (hàng hóa) lại là bất hợp pháp do không bảo đảm các giấy tờ hợp pháp (như hàng buôn lậu) hoặc để che giấu một hoạt động bất hợp pháp (như khai thấp giá mua bán để trốn thuế) cũng bị coi là vi phạm bất kể các bên có biết rõ thỏa thuận ngầm với nhau hay không. d) Hợp đồng thể hiện rõ ràng và thiếu các nội dung cơ bản của hợp đồng này. Đây là dạng vi phạm khá nhiều do sự thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bên để lập hợp đồng mà nội dung của mỗi loại hợp đồng lại không bảo đảm theo quy định của pháp luật về các nội dung cơ bản của hợp đồng đó, tức là không rõ ràng hoặc thiếu những nội dung của một hợp đồng. Ví dụ 1: Hợp đồng mua bán nhưng không ghi giá mua bán. Ví dụ 2: Hợp đồng vận chuyển nhưng không nêu rõ địa điểm lên xuống hàng, thời gian vận chuyển. Ví dụ 3: Hợp đồng lao động nhưng không ghi công việc phải làm, mức tiền lương. đ) Nội dung hợp đồng do các bên ký kết không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực. Trường hợp này xác định do một hoặc nhiều bên đã có sự lừa dối hoặc có thủ đoạn ép buộc bên kia giao kết với nội dung áp đặt nhằm tạo lợi thế tuyệt đối cho mình. Ví dụ: Bên A bán nhà cho Bên B với giá rất thấp so với giá thực tế để trừ nợ. Trường hợp này Bên B đã lợi dụng khó khăn, túng quẫn của Bên A để ép giá, gây thiệt thòi cho Bên A. 24
  • 19. II. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi, vấn đề là ở chỗ xử lý như thế nào có lợi nhất cho các bên hoặc cho bản thân mình bằng các biện pháp thích hợp, phù hợp với pháp luật. Để có thể xử lý có hiệu quả các vi phạm hợp đồng khi xảy ra, tùy theo tính chất sự việc, bạn có thể tiến hành một hoặc các biện pháp sau: 1– Thương lượng – hòa giải Việc thương lượng – hòa giải nhìn chung luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp hợp đồng nào nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Việc thương lượng hòa giải có thể do các bên chủ động gặp gỡ nhau để giải quyết nhưng nhiều trường hợp phải do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài thương mại hòa giải. Nhìn chung việc thương lượng – hòa giải nếu đạt được kết quả thì sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng ... và làm hài lòng các bên tranh chấp. Thông thường việc thương lượng – hòa giải chỉ đạt kết quả do thiện chí của các bên và chủ yếu việc vi phạm, tranh chấp là do nguyên nhân khách quan hoặc vì hiểu lầm hay hiểu không đầy đủ nội dung hợp đồng. Một vấn đề cần lưu ý có tính nguyên tắc là bất kỳ một việc vi phạm hoặc tranh chấp hợp đồng nào cũng cần tiến hành biện pháp thương lượng – hòa giải trước, bởi vì nếu bỏ qua biện pháp này thì có nghĩa là bạn đã bỏ qua một cơ hội tốt mà không có một biện pháp nào có thể hiệu quả hơn. 2– Đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng Đây là biện pháp bất đắc dĩ sau khi đã thương lượng hòa giải không được nhưng nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả xấu hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên cũng cần hết sức cân nhắc thận trọng để tránh nóng vội không cần thiết. Lưu ý: Trong trường hợp bạn bắt buộc phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm hợp đồng thì bạn không phải bồi thường thiệt hại cho họ. Đây cũng được coi là hậu quả mà bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu. 3– Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết Nói chung nếu việc tranh chấp xuất phát từ hợp đồng (dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động) mà các bên không tự giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (chỉ áp dụng trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình trong thời hạn luật định. Việc yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết là biện pháp cần thiết và hữu hiệu khi không còn biện pháp nào có thể làm thay đổi được tình hình bởi các cơ quan này, nhất là Tòa án, là các cơ quan có thẩm quyền ra các phán quyết bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của bên vi phạm các phán quyết này có hiệu lực pháp lý cao và có tính bắt buộc. Khi yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng chặt chẽ do pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp . 4– Yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự Đây là biện pháp cứng rắn được áp dụng nếu bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi ký kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Việc lừa đảo được thể hiện qua thủ đoạn gian dối với ý định có trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Thông qua việc ký kết hợp đồng có tính gian dối một bên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của đối tác. Đối với việc lạm dụng tín nhiệm thì các thủ đoạn và ý định chiếm đoạt xảy ra sau khi ký kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Nếu có đủ cơ sở xác định có tội phạm xảy ra thì các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả lại hoặc bồi thường những tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho người bị hại. 25
  • 20. III. MỘT SỐ YÊU CẦU PHÒNG TRÁNH SỰ RỦI RO PHÁP LÝ KHI KÝ KẾT, THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG Trong thực tiễn của đời sống, các giao dịch trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh – thương mại là hết sức đa dạng, phức tạp và ngày càng phát triển sôi động. Song song với sự phát triển đó, thì những rủi ro pháp lý cũng xảy ra ngày một nhiều hơn và không hề báo trước. Những rủi ro một khi xảy ra sẽ kéo theo những hậu quả là những thiệt hại về tài sản về thu nhập... không nhỏ, đẩy các bên vào tình thế khó khăn hoặc phá sản hoặc không còn khả năng phục hồi kinh doanh, nhiều trường hợp gây tán gia bại sản. Đối với hoạt động kinh doanh – thương mại những rủi ro pháp lý trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng thường để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục, không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém nhiều công sức, tiền của để khắc phục những thiệt hại đó. Vấn đề nêu ở đây không phải là hướng dẫn cách khắc phục những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mà chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề là làm cách nào để phòng và tránh được các rủi ro có thể xảy ra hoặc chí ít cũng hạn chế đến mức thấp nhất những khả năng rủi ro có thể xảy ra đối với người tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng. Như vậy, việc đề ra các biện pháp phòng, tránh và hạn chế các rủi ro pháp lý khi ký kết, thực hiện hợp đồng là hết sức cần thiết, đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng là yêu cầu chung cho bất kỳ một giao dịch dân sự hay kinh doanh – thương mại nào, khi mà bạn sẽ tham gia. Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn và vận dụng các quy định của pháp luật chúng tôi xin nêu một số biện pháp sau đây để bạn đọc tham khảo: 1- Biện pháp 1: Tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định có liên quan đến giao dịch khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Việc làm này rất cần thiết bởi lẽ nó đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, nội dung thỏa thuận luôn đúng pháp luật, sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng và hạn chế được những rủi ro do hợp đồng trái pháp luật gây ra. Việc tìm hiểu kỹ pháp luật sẽ cho phép quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng luôn thận trọng, chính xác, đạt độ chuẩn cao và như vậy sẽ có thể loại trừ được việc lợi dụng các sơ hở của bên đối tác để vi phạm hợp đồng. Vì vậy việc tìm hiểu kỹ toàn diện các quy định của pháp luật về hợp đồng và có liên quan đến lĩnh vực mà mình tham gia giao dịch là điều cần làm đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng. 2- Biện pháp 2: Tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về hình thức của hợp đồng về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng. a) Trước hết về hình thức hợp đồng phải được bảo đảm đúng pháp luật. Những loại hợp đồng nào được pháp luật quy định lập thành văn bản thì phải triệt để tuân thủ. Nếu có quy định phải đăng ký (như đối với các giao dịch bảo đảm) hoặc công chứng, chứng thực thì không bao giờ được tùy tiện bỏ qua. Việc vô tình hay cố ý bỏ qua không đăng ký, công chứng hoặc chứng thực sẽ làm hợp đồng bị vô hiệu và không có hiệu lực pháp lý. Cũng cần lưu ý đối với những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản thì cũng nên cố gắng viết thành văn bản để bảo đảm chắc chắn rằng không bên nào từ chối được nội dung thỏa thuận mà hai bên đã ký. b) Đối với chủ thể của hợp đồng, những người tham gia ký kết hợp đồng phải bảo đảm đủ tư cách như: đủ độ tuổi luật định, đủ năng lực hành vi và trong trường hợp đại diện để ký kết hợp đồng mà không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có giấy ủy quyền hợp lệ. Cần chú ý đối với hợp đồng kinh doanh – thương mại thì hầu hết các chủ thể là pháp nhân do đó phải do người đứng đầu hay đại diện hợp pháp của pháp nhân như Giám đốc, chủ doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp không có chức danh Giám đốc) ký kết hoặc người đại diện do người đứng đầu pháp nhân đó ủy quyền thay mặt ký kết và việc ký kết phải được đóng dấu hợp lệ của pháp nhân. Chỉ có ký kết hợp đồng đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành. Việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng cũng như bảo đảm chủ thể khi ký kết hợp đồng sẽ loại trừ đáng kể những rủi ro không đáng có. 3- Biện pháp 3: Tìm hiểu kỹ đối tác trước khi chính thức đặt bút ký kết hợp đồng. 26