SlideShare una empresa de Scribd logo
1 de 86
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG THỊ QUYÊN
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
HÀ NỘI, 2016
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG THỊ QUYÊN
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Chuyên ngành: Triết học
Mã số : 60220301
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. ĐẶNG THỊ LAN
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng
bản thân tôi, tôi tự nghiên cứu, tự tìm hiểu và hoàn thiện luận văn trong đó có sự kế
thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước với những trích dẫn vá sử dụng
trong giới hạn cho phép.
Luận văn này chưa được công bố trên các phương tiện thông tin, cũng không
trùng với bất cứ luận văn nào tại thời điểm hiện tại.
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2016
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Quyên
LỜI CẢM ƠN
Lời cảm ơn đầu tiên và sâu sắc của tôi xin được dành gửi tới PGS.TS Đặng
Thị Lan - người đã quan tâm và tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình làm luận
văn, giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về vấn đề ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối
với thanh niên hiện nay cũng như giúp tôi rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Khoa Triết học, Học viện Khoa
học Xã hội Việt Nam đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, dành nhiều công sức
giảng dạy, hướng dẫn giúp đỡ chúng tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn
thành luận văn.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người thân trong gia đình và bạn bè đã luôn
quan tâm, động viên, giúp đỡ tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và nghiên
cứu trong suốt thời gian qua.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều trong quá trình thực hiện đề tài, song không thể tránh
khỏi những sai sót nhất định. Tôi rất mong nhận được sự cảm thông và đóng góp ý
kiến của quý các thầy, cô giáo, các bạn đồng nghiệp và những người quan tâm đến
những vấn đề được trình bày trong luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Quyên
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO
VÀO VIỆT NAM.....................................................................................................10
1.1. Một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo .................................................10
1.2. Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam ...........................................................36
Chương 2. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY..........................43
2.1. Khái quát thực trạng đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay............................43
2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến việc định hướng giá trị đạo đức cho
thanh niên ..................................................................................................................45
2.3. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo với việc hình thành niềm tin, lý tưởng, tình
cảm đạo đức cho thanh niên.....................................................................................48
2.4. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo với việc điều chỉnh hành vi đạo đức của
thanh niên ..................................................................................................................54
2.5. Một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế
những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức phật giáo đối với đạo đức thanh niên
hiện nay........................................................................................................ 65
KẾT LUẬN..............................................................................................................73
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................75
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
CNXH : Chủ nghĩa xã hội
CLB : Câu lạc bộ
Nxb : Nhà xuất bản
Tp : Thành phố
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đạo Phật là một hình thái triết học, tôn giáo và đạo đức ra đời ở Ấn Độ vào
thế kỷ thứ VI trước công nguyên, được truyền vào Việt Nam khoảng đầu công
nguyên. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng được “Việt Nam hóa” cho
phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam, văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, có sức
sống lâu dài và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần con người Việt Nam trong
lịch sử cũng như hiện tại.
Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, với những tư tưởng giáo lý gần gũi với
tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc nên Phật giáo đã nhanh chóng hội nhập
với văn hóa Việt Nam. Ở nước ta, Phật giáo và tư tưởng dân tộc có mối quan hệ mật
thiết với nhau, ban đầu mối quan hệ này là mối quan hệ hai chiều: Nếu như Phật
giáo ảnh hưởng đến quá trình hình thành tư tưởng con người Việt Nam thì những
phong tục tập quán, truyền thống dân tộc cũng tác động trở lại Phật giáo tạo nên
một dòng Phật giáo riêng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Phật
giáo vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
Nhiều người Việt Nam tuy không theo Phật giáo song vẫn tự nguyện thực hiện
những nguyên tắc, chuẩn mực của đạo đức Phật giáo xem đó là một trong những
phương châm sống của mình.
Từ những năm cuối của thế kỷ XX, đất nước ta ngày càng chịu nhiều tác
động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các mặt
của đời sống xã hội thì có một điều không thể phủ nhận đó là sự mất cân đối trong
quá trình phát triển con người - xã hội trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sự thoái
hóa đạo đức của một bộ phận giới trẻ, thanh niên. Thực trạng đạo đức thanh niên
hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Bên cạnh những thanh niên có phẩm
chất đạo đức tốt, có ý thức học tập và lao động, có sự cống hiến không nhỏ cho dân
tộc thì có một bộ phận không nhỏ thanh niên đang có biểu hiện đi xuống của nhân
cách đạo đức, nhiều biểu hiện của lối sống sa đọa trái với thuần phong mỹ tục của
2
dân tộc. Thái độ coi thường những giá trị truyền thống là nguyên nhân dẫn đến các
tệ nạn xã hội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng trong thanh niên và giới trẻ.
Họ có xu hướng đề cao cá nhân, sống ích kỷ, lạnh lùng, không có tình nghĩa, ít chú
ý đến nghĩa vụ và trách nhiệm, ít quan tâm đến những người xung quanh… Hàng
loạt những hiện tượng đau lòng diễn ra ở chốn học đường và trong xã hội khiến
chúng ta không thể làm ngơ.
Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền đạo đức mà chúng ta
đang xây dựng cần phải hướng tới một hệ thống giá trị tinh thần mà ở đó cái truyền
thống và cái hiện đại cần phải được kết hợp với nhau chặt chẽ để nền văn hóa dân
tộc nói chung và các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng tham gia vào sự hòa
nhập với các giá trị phổ biến toàn nhân loại mà không bị hòa tan, không làm mất đi
bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thanh niên là rường cột của nước nhà, là những chủ nhân tương lai của đất
nước, nguồn lao động dồi dào của cả dân tộc. Nước nhà mạnh hay yếu là do thanh
niên. Việc giáo dục đạo đức cho thanh niên hiện nay trở thành vấn đề cấp bách
nhằm đào tạo một thế hệ có trí tuệ, có thể chất cường tráng, đời sống tinh thần và
đạo đức trong sáng, giàu bản lĩnh và thực sự có ý thức, trách nhiệm công dân, góp
phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Để thực hiện tốt quá trình này cần có nhiều biện pháp và những chủ thể khác
nhau. Bên cạnh công tác giáo dục của nhà trường, của các đoàn thể xã hội, của pháp
luật, đạo đức Phật giáo sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần điểu chỉnh đạo đức và lối
sống cho thanh niên nếu như chúng ta biết phát huy những giá trị tích cực của nó. Là
một thành tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức Phật giáo đã giao thoa, hòa
quyện, làm phong phú đạo đức truyền thống Việt Nam. Tinh thần từ bi, hướng thiện
của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng bình
đẳng, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hội nhập cùng phát triển hiện nay
của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, kế thừa, phát huy và có những
phương pháp cụ thể nhằm chuyển tải giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức Phật giáo
đến với giới trẻ, chắc chắn Phật giáo sẽ có những đóng góp hữu hiệu đối với quá trình
giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Việt Nam hiện nay.
3
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tôn giáo một cách khách quan khoa học,
Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu và quyền lợi
tinh thần của một bộ phận nhân dân, nó còn tồn tại lâu dài và chi phối đời sống
tinh thần văn hóa của một bộ phận dân chúng, trong đó có những giá trị đạo đức
phù hợp với lợi ích toàn dân, với công cuộc xây dựng xã hội mới. Việc khai thác
những yếu tố tích cực của đạo đức Phật giáo và hạn chế những tác động tiêu cực
của nó nhằm xây dựng đạo đức cho thanh niên hiện nay là điều rất cần thiết. Xuất
phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn đó, tác giả lựa chọn vấn đề “Ảnh hưởng của
đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài
luận văn thạc sĩ Triết học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Là một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới, Phật giáo có lịch sử phát triển lâu
dài và có nhiều đóng góp cho tư tưởng cũng như đời sống nhân loại trên nhiều
phương diện. Bên cạnh những giá trị về tư tưởng mang tính triết học sâu sắc, Phật
giáo còn là triết lý sống, lối sống đang hấp dẫn một bộ phận không nhỏ các dân tộc
trển thế giới. Chính vì vậy, Phật giáo được đông đảo giới khoa học trong và ngoài
Phật giáo quan tâm nghiên cứu. Về các công trình nghiên cứu, chúng tôi có thể xếp
thành các nhóm sau đây:
2.1. Các công trình nghiên cứu cơ bản về Phật giáo và đạo đức Phật giáo
Đạo đức Phật giáo không chỉ được bàn đến trong một số các công trình riêng
biệt mà trong nhiều cuốn sách bàn về Phật giáo nói chung, các tác giả đã đề cập khá
nhiều đến đạo đức Phật giáo cũng như vai trò của đạo đức Phật giáo trong đời sống
xã hội.
Bộ sách: “Việt Nam Phật giáo sử luận” (3 tập, 1994) của Nguyễn Lang, Nxb
Văn học và cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát đã khái quát một
cách toàn diện sự phát triển Phật giáo Việt Nam theo từng giai đoạn. Đây là tư liệu
có giá trị đã khảo cứu Phật giáo Việt Nam một cách hệ thống, trong đó có nhiều
phần viết về vai trò của Phật giáo đối với đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.
4
Cuốn “Tư tưởng Phật giáo Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy Hinh (1999),
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội có nội dung bước đầu tìm hiểu hệ thống hóa tư liệu
nội dung tư tưởng Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Việt Nam
qua đó làm rõ đặc điểm Phật giáo Việt Nam với tư cách là một sản phẩm tôn giáo
được hình thành trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh cư dân bản địa có tiếp thu tôn giáo
ngoại nhập.
Các cuốn sách: “Việt Nam Phật giáo sử lược”của Hoà thượng Thích Mật
Thể và “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” do tác giả Nguyễn Tài Thư chủ biên đã hệ
thống hoá Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến thế kỷ XX. Các tác giả đã
chỉ rõ Phật giáo đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, vào các thời điểm
khác nhau từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XVI.
Cuốn “Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hùng Hậu
(2002), Nxb Khoa học xã hội; với nội dung bàn đến Phật giáo từ giai đoạn du nhập
đến hết thời Trần. Tác giả cho rằng Triết học Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu
là Triết học Phật giáo. Với mục đích cứu con người thoát khổ, nhìn vẻ ngoài, Phật
giáo chủ yếu bàn về nhân sinh. Nhưng để cho quan niệm nhân sinh này tồn tại một
cách vững chãi phải dựa trên một cơ sở triết học, một nền tảng lý luận vô cùng sâu
sắc. Từ chỗ bàn về thế giới quan Phật giáo và nhân sinh quan Phật giáo nguyên
thuỷ, tác giả bàn về thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam, sự độc đáo
và sáng tạo của Phật giáo Việt Nam.
Năm 2008, Nxb Phương Đông, Hà Nội đã xuất bản cuốn “Sức mạnh của
Đạo Phật”của tác giả Jean – Claude Carriere, người dịch là Nguyễn Tiến Lộ. Đọc
cuốn sách nà chúng ta thấy được những mảng đề tài, những câu chuyện dẫn giải gần
gũi, giản dị, khúc triết và thực tiễn về Phật giáo. Tác giả đã đề cập đến một thực tế
hiện nay là khi con người tham vọng, chạy đua, vươn tới những đỉnh cao danh vọng
và giàu có vật chất, thì đời sống tâm linh, cái Đạo, cái Tâm, cái Thiện trong mỗi con
người có khi bị thu nhỏ lại, nhường chỗ cho những băn khoăn, trăn trở, lo toan, cho
những ham muốn bất tận của cuộc sống.
5
Năm 2010, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho xuất bản cuốn “Tìm
hiều chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam” của tác giả Trần Hồng Liên. Trong
cuốn sách này, tác giả đã làm rõ các vấn đề như: Chức năng của Phật giáo đối với
vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, giúp người đọc hiểu rằng dù tác động trên bất cứ lĩnh
vực nào thì tựu trung lại, Phật giáo cũng chỉ nhằm vào việc mang lại sự an vui, niềm
hạnh phúc về cả vật chất và tinh thần cho con người.
Trong tác phẩm: “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người
Việt Nam hiện nay” do tác giả Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1997; phần viết về Phật giáo, các tác giả đã tập trung vào khái niệm từ, bi, hỉ, xả
cùng các giá trị tư tưởng của Phật giáo với tư tưởng của con người Việt Nam.
Cuốn “Đạo đức học Phật giáo” của Hoà thượng Thích Minh Châu (chủ biên,
1995), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành là cuốn sách bao gồm nhiều bài
viết đã phản ánh những nội dung cơ bản về đạo đức Phật giáo và vai trò của nó trong
việc bảo tồn và phát huy truyền thống đạo đức dân tộc. Nhiều tác giả đã phân tích sâu
cơ sở và các phạm trù đạo đức Phật giáo, trong đó có các nội dung quan trọng như giới,
hạnh, nguyện, thiện, ác…
Tác giả Đặng Thị Lan với công trình “Đạo đức Phật giáo với đạo đức con
người Việt Nam”, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006 đã bàn đến những vấn đề
trọng tâm của đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với việc
xây dựng nền tảng đạo đức trong xã hội, cùng với những giải pháp nhằm phát huy
mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của đạo đức Phật giáo, vận dụng những
giá trị tốt đẹp của đạo đức Phật giáo trong việc hoàn thiện đạo đức, nhân cách con
người Việt Nam hiện nay.
2.2. Những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng đạo đức Phật giáo đến
đạo đức con người Việt Nam và thanh niên Việt Nam
Hướng nghiên cứu này có các tác phẩm chủ yếu sau: “Tìm về bản sắc văn
hoá Việt Nam”của Trần Ngọc Thêm, Nxb T.p Hồ Chí Minh (1997); “Thiền học Việt
Nam của Nguyễn Đăng Thục, Nxb Thuận Hoá (1997); Giá trị tinh thần truyền
thống của dân tộc Việt Nam” của Trần Văn Giàu, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
6
(1980); “Văn hoá Phật giáo và lối sống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” của
Nguyễn Thị Bảy, Nxb. Thông tin, Hà Nội (1997); “Phật giáo với văn hoá Việt
Nam” của Nguyễn Đăng Duy, Nxb. Hà Nội (1999)...
Ngoài các công trình khoa học trên còn có rất nhiều bài viết đăng trên tạp chí
thuộc các ngành khoa học xã hội về đạo đức như: Đặng Hữu Toàn “Hướng các giá
trị truyền thống theo hệ chuẩn giá trị chân - thiện - mỹ trong bối cảnh toàn cầu hoá
và phát triển kinh tế thị trường”(Tạp chí triết học, số 4 – 2001, tr.27- 32); tác giả
Trần Nguyên Việt với “Giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam và cái phổ biến toàn
nhân loại của đạo đức trong nền kinh tế thị trường”(Tạp chí triết học, số 5 – 2002,
tr.20 - 25) .
Cuốn: “Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam”, Nxb Khoa học xã
hội, Hà Nội (1997); “Văn hoá Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và
Châu thổ Bắc Bộ”, Nxb Thông tin, Hà Nội (1997); “Phật giáo và sự hình thành
nhân cách con người Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Tài Thư (Triết học số
4/1993); “Đạo đức Phật giáo với kinh tế thị trường” của tác giả Hoàng Thơ (Triết
học số 7/ 2002).
Về ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống đạo đức xã hội cũng có nhiều công
trình luận án đã nghiên cứu. Tiêu biểu như công trình nghiên cứu của tác giả Tạ Chí
Hồng với “Ảnh hưởng của Đạo đức Phật giáo đối với đời sống đạo đức của xã hội
Việt Nam hiện nay” (Luận án Tiến sĩ triết học, năm 2003). Đây là luận án khá công
phu, khảo cứu vị trí của vấn đề đạo đức trong tư tưởng Phật giáo, nội dung, đặc
điểm, nếp sống và giá trị đạo đức Phật giáo, sự dung hợp giữa đạo đức Phật giáo với
đạo lý Việt Nam, sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đời sống đạo đức ở
Việt Nam hiện nay và những giải pháp chủ yếu định hướng đối với những ảnh
hưởng của Phật giáo. Luận án đề cập đến nhiều vấn đề thuộc đời sống đạo đức,
song vấn đề ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam
chưa được đề cập.
Luận án Tiến sĩ: “Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con
người Việt Nam” của tác giả Đặng Thị Lan năm 2004, trường Đại học khoa học xã
7
hội và nhân văn Hà Nội đã khái quát khá đầy đủ các nội dung căn bản nhất của đạo
đức Phật giáo mà theo tác tác giả đây cũng là những vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm
nhất đên đạo đức con người Việt Nam. Đặc biệt, luận án đã luận giả một cách thành
công ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam trong
truyền thống cũng như trong hiện tại nhất là giai đoạn Lý – Trần. Ảnh hưởng của
đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay cũng được tác giả
khảo cứu công phu dưới hai lát cắt là: ảnh hưởng đến ý thức đạo đức và ảnh hưởng
đến hành vi đạo đức. Một số tác động tiêu cực của đạo đức Phật giáo đến đạo đức
con người Việt Nam cũng được tác giả đề cập và lý giải dưới góc độ triết học. Mỗi
một tôn giáo đều có thế giới quan và nhân sinh quan riêng. Thế giới quan và nhân
sinh quan ấy hàm chưa những tư tưởng về đạo đức. Khi con người tiếp nhận những
tư tưởng đạo đức đó thì đồng thời cũng chịu ảnh hưởng bởi thế giới quan và nhân
sinh quan của tôn giáo đó.
Luận án Tiến sĩ “Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên
tín đồ Phật giáo Thừa Thiên Huế hiện nay” của Ngô Văn Trân bảo vệ tại Học viện
KHXH Việt Nam (2012), đã đề cập khá sâu về đạo đức Phật giáo, chỉ ra nhân sinh
quan tiến bộ và độc đáo của đạo đức Phật giáo. Đồng thời, luận án giới thiệu mô
hình “Gia đình Phật tử” - một mô hình giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo tại
Huế, các chủ thể khác tham gia giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo Huế và
những giải pháp nhằm phát huy đạo đức Phật giáo thông qua gia đình Phật tử trong
công tác giáo dục thanh thiếu niên Phật tử ở Huế. Nhìn chung, luận án có những
điểm độc đáo khi khai thác tác động của Phật giáo Huế đến thế hệ trẻ, song mới
dừng lại khảo sát các tín đồ Phật giáo Huế mà chưa nghiên cứu rộng đến thanh thiếu
niên Việt Nam nói chung.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã nêu trên đã mang lại một cái nhìn
khá toàn diện về lịch sử Phật giáo và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống
xã hội. Tác giả luận văn đã kế thừa được nhiều cách đánh giá, phân tích khác nhau về
Phật giáo và ảnh hưởng đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội, cũng như cách tiếp
cận, phương pháp nghiên cứu về ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức nhân
8
cách con người. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về
ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi
trước, luận văn đi vào tìm hiểu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo từ góc độ triết học
đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay, đặc biệt dưới tác động của kinh tế thị
trường đã làm cho đạo đức của một bộ phận thanh niên biến đổi, suy thoái.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn tập trung làm rõ một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và
ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay,
trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực
và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Phật giáo trong quá trình xây
dựng và hoàn thiện đạo đức cho thanh niên.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là: Trình bày những nội dung căn bản của đạo đức Phật giáo và sự du
nhập của Phật giáo vào Việt Nam
Hai là: Phân tích những ảnh hưởng chủ yếu của đạo đức Phật giáo đến đạo
đức thanh niên Việt Nam hiện nay.
Ba là: Đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực
và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Phật giáo trong quá trình xây
dựng và hoàn thiện đạo đức cho thanh niên.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đạo đức Phật giáo và các ảnh hưởng
của nó đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Đạo đức Phật giáo bao gồm nội dung rất rộng, song trong giới hạn của luận
văn Thạc sĩ, tác giả chỉ tập trung làm rõ một số những giá trị, nguyên tắc, chuẩn
9
mực đạo đức căn bản nhất và mang tính đặc thù của Phật giáo. Đồng thời, đó cũng
chính là những nội dung trong giáo lý đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đạo
đức con người Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng.
- Về mặt thời gian: Luận văn khảo cứu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến
đạo đức thanh niên ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay (từ 1986 đến nay).
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luân văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin , kết
hợp chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí
Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo nói chung và Phật giáo
nói riêng, đặc biệt những quan điểm đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách
đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta từ khi đất nước đổi mới.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu của triết học như:
Phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, thống kê, thu thập số liệu, so sánh,
đối chiếu để rút ra các kết luận, nhận định khoa học.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Luận văn góp phần làm rõ hơn nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và
những tác động, ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên Việt
Nam hiện nay.
- Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, tìm hiểu về
đạo đức Phật giáo và cho những ai quan tâm đến vấn đề này.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2
chương, 7 tiết.
Chương 1: Đạo đức Phật giáo và sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam
Chương 2: Những ảnh hưởng cơ bản của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức
của thanh niên VIệt Nam hiện nay.
10
Chương 1
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO
VÀO VIỆT NAM
1.1. Một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo
Khái niệm đạo đức
Đạo đức với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh các mối quan
hệ của con người trong đời sống xã hội, do đó hiện có rất nhiều cách tiếp cận, cách
hiểu khác nhau về đạo đức.
Theo nghĩa hẹp, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy
tắc, nguyên tắc chuẩn mực mà nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của
mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người cũng như tiến bộ xã
hội trong quan hệ cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội.
Theo nghĩa rộng, đạo đức là toàn bộ quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và
đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội và trong quan hệ
với tự nhiên.
Ở phương Đông, do chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tư tưởng đạo đức của Khổng
Tử, thường xem xét đạo đức trong phạm trù “Đạo”, đề cao chữ Nhân, chữ Nghĩa và
tư tưởng “kiêm ái” của Mặc Tử.
Ở phương Tây, từ thế kỷ XVII, XVIII, cùng với sự mở rộng và phát triển của
kinh tế thị trường, J.Loocco (Anh), và M.Weber (Đức) đã đề cập đến các khái niệm
về “đạo đức thị trường”, “đạo đức duy lý”.
Đạo đức học Mác- Lênin cho rằng : đạo đức là một hình thái ý thức xã hội
đặc thù, một phương thức điều chỉnh hành vi con người trong mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội thông qua một hệ thống những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực biểu thị
sự quan tâm tự nguyện tự giác của con người với con người, con người với xã hội.
Như vậy, theo quan điểm mác-xít, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội,
một định chế xã hội thực hiện các chức năng điều chỉnh hành vi con người. Đạo đức
là những nguyên tắc sống, những quy phạm gắn liền và phù hợp với một hình thái
kinh tế- xã hội nhất định, được hình thành từ những điều kiện sinh hoạt vật chất của
11
xã hội, những quy phạm, nguyên tắc, tiêu chuẩn, lý tưởng này có tính nhất thời về
lịch sử và mang tính giai cấp rõ rệt.
Theo tác giả Huỳnh Khái Vinh, “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, gồm
những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh
hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối
quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội” [76, tr. 182].
Chúng tôi cho rằng đây là định nghĩa phù hợp với cách chúng tôi triển khai
nội dung của luận văn.
Cấu trúc đạo đức
Đạo đức vận hành như một hệ thống tương đối độc lập của xã hội. Cơ chế
vận hành của nó được hình thành trên cơ sở liên hệ và tác động lẫn nhau của những
yếu tố hợp thành đạo đức. Khi phân tích cấu trúc của đạo đức người ta xem xét nó
dưới nhiều góc độ. Mỗi góc độ cho phép chúng ta nhìn ra một lớp cấu trúc xác định.
Chẳng hạn, xét đạo đức theo mối quan hệ giữa ý thức đạo đức và thực tiễn đạo đức.
Nếu xét trong mối quan hệ giữa người với người thì nhìn ra quan hệ đạo đức. Nếu
xét theo quan điểm về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái phổ biến cái đặc
thù và cái đơn nhất thì đạo đức được tạo nên từ đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân.
Đạo đức phật giáo
Theo tiến trình lịch sử, tôn giáo trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn
hóa, văn minh nhân loại. Xét trên bình diện thế giới, tôn giáo không chỉ là sự thể hiện
niềm tin, mà còn là cầu nối văn hóa giữa các nước, các khu vực nên có ảnh hưởng
mạnh mẽ đến đời sống của con người. Mặc dù mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý riêng
song về cơ bản đều hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ.
Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã để lại cho nhân loại nhiều tư tưởng về tôn
giáo, triết học, chính trị, mỹ học, văn hóa,…trong đó nổi bật nhất là tư tưởng đạo
đức. Phật giáo về cơ bản không phải là một học thuyết về đạo đức, song xuất phát
điểm của nó là chỉ dạy cho con người biết nguyên nhân của nỗi khổ và con đường
giải thoát. Từ những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, Phật giáo rút ra hệ quả của
chúng để xây dựng một hệ thống quan niệm đạo đức. Như vậy, đạo đức là nền tảng
12
quan trọng trong hệ thống giáo lý của Phật giáo. Đạo đức Phật giáo với các chuẩn
mực, giá trị đạo đức mang tính phổ quát và nhân bản có giá trị không chỉ cho
những người theo đạo Phật mà có rất nhiều điểm phù hợp với đạo đức xã hội xã hội
nói chung. Từ những quan điểm về đạo đức ở trên, có thể định nghĩa đạo đức Phật
giáo như sau:
Đạo đức phật giáo là toàn bộ những quan niệm, giá trị, những quy tắc đạo
đức được thể hiện trong các giáo lý Phật giáo (đặc biệt trong các điều răn cấm)
nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của
mình và xã hội theo thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo.
1.1.1. Quan niệm của Phật giáo về Thiện - Ác, Từ bi
Khái niệm Thiện - Ác
Thiện và ác là hai từ của dân gian dành chỉ hai hiện tượng luôn hiện hữu
trong cuộc sống, trong xử thế. Người dân thường căn cứ vào cách hành xử của con
người trong cuộc sống hàng ngày mà xếp người này người kia là thiện hay ác,
nhưng cách đánh giá này đôi khi mang tính phiến diện. Vậy để có cách nhìn, đánh
giá đúng và toàn diện và Thiện, Ác, có thể tìm hiểu về khái niệm Thiện, Ác.
* Thiện
Về ngữ nghĩa, thiện là tính từ chỉ phẩm chất, hành vi của con người tốt lành,
hợp với đạo đức. Cái thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong
cuộc sống hằng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với
yêu cầu và sự tiến bộ xã hội, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
* Ác
Về khía cạnh ngữ nghĩa, “ác” là một tính từ chỉ chung về tính cách của người
hoặc một việc làm gây đau khổ, tai họa cho người khác.
Một vấn đề cần được làm rõ khi bàn đến biểu hiện thiện và ác, đó chính là
tính biện chứng của cặp phạm trù này, thể hiện: trong cái ác lại chứa cái thiện, trong
cái thiện đôi khi lại có cái ác. Ví dụ việc con người thử nghiệm một loại thuốc mới
trên động vật trước khi đưa ra sử dụng cho con người, việc làm này có cái ác là phải
13
hy sinh các động vật bé nhỏ để thử nghiệm, nếu thành công, việc làm gọi là ác ấy lại
tạo ra việc thiện là có thể cứu chữa hàng trăm, hàng nghìn con người.
Cặp phạm trù này đối lập mà xen kẽ, tách biệt mà giao hòa. Nhận thức thiện,
ác dù dưới góc độ tâm linh, nhân thế hay khoa học đều phản ánh cái căn gốc của từ
“con” và từ “người”, phần “con” biểu lộ tính ác, phần “người” biểu lộ tính thiện.
*Một số quan niệm Thiện - Ác trong lịch sử
Thứ nhất: Quan niệm của Nho giáo
Trong Luận Ngữ, tư tưởng của Khổng Tử về tính người “vốn gần nhau, do
tập tính mà xa nhau” [48, tr. 2] đã gây ra nhiều cách giải thích và cách hiểu khác
nhau. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói nhiều đến các “hạng người” với những phẩm
cách khác nhau: “Người quân tử có khi mắc phải điều bất nhân chăng? Chưa hề có
kẻ tiểu nhân làm điều nhân bao giờ” [49, tr. 7]; “Người quân tử đạt tới chỗ cao
thượng, kẻ tiểu nhân đạt tới chỗ thấp hèn” [49, tr. 24]; “Đối với những người từ bậc
trung trở lên, có thể dạy bảo về phần hình nhi thượng; đối với những người từ bậc
trung trở xuống, không thể dạy bảo về phần hình nhi thượng vậy” [50, tr. 19].
Tử Tư (483 – 402 TCN.), trong sách Trung Dung, đã dẫn lời Khổng Tử như
sau: “Hoặc sinh ra đã biết, hoặc phải học mới biết, hoặc phải cố công gắng sức mới
biết, nhưng kể về hiểu biết thì như nhau” [51, tr. 20]. Như vậy, Khổng Tử và cháu
của ông vừa muốn phổ quát hoá các phẩm cách khác nhau của con người, vừa muốn
nhất thể hoá về mặt lý luận các phẩm cách đó. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc
nêu mối quan hệ giữa các hạng người về năng lực trí tuệ với tính người
Kế thừa tư tưởng Khổng Tử, Mạnh Tử (372 – 289 TCN) đã có một cống hiến
xuất sắc cho việc giải quyết vấn đề triết học về con người nói chung và vấn đề tính
người nói riêng. Có thể nói, ông là người lần đầu tiên đề xướng lên một học thuyết
mang tính hệ thống về tính người. Học thuyết đó gọi là thuyết Tính thiện, hay còn
gọi là nhân tính hướng thiện. Mạnh Tử nói: “Người ta ai cũng có lòng bất nhẫn
[trước những đau khổ của người khác… Sở dĩ nói ai cũng có lòng bất nhẫn, là vì
người ta chợt thấy đứa bé sắp ngã xuống giếng, ai cũng chột dạ, xót xa. Chẳng phải
mong làm thân với cha mẹ đứa bé, cũng không phải mong xóm làng, bạn bè khen
14
ngợi, cũng chẳng phải tránh tiếng xấu. Do đó mà xét, không có lòng trắc ẩn, chẳng
phải là người; không có lòng tu ố, chẳng phải là người; không có lòng từ nhượng,
chẳng phải là người; không có lòng thị phi, chẳng phải là người vậy. Lòng trắc ẩn là
đầu mối của điều nhân, lòng tu ố là đầu mối của điều nghĩa, lòng từ nhượng là đầu
mối của điều lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí vậy. Người ta có bốn đầu mối đó,
cũng như có hai tay, hai chân vậy” [47, tr. 859 – 862]
Tuân Tử (khoảng 298 – 238 TCN), tác giả bộ Tuân Tử (có thể là do ông
chấp bút gồm 32 thiên), là người có tư tưởng đối lập với thuyết Tính thiện của
Mạnh Tử bằng khẳng định, bản tính con người vốn ác. Tuân Tử viết: “Tính của
con người là ác, còn thiện là do con người làm ra. Tính của con người, sinh ra là
có sự hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng
không có; sinh ra là đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung
tín không có; sinh ra có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận
theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa văn lý không có… Cho nên phải có
thầy, có phép tắc để cải hoá đi, có lễ nghĩa để dẫn dắt nó, rồi sau mới có từ
nhượng, hợp văn lý mà thành ra trị. Xét vậy mà thấy rõ tính của con người là ác,
mà cái thiện là do con người làm ra vậy” [56, tr.354].
Thứ hai: Quan niệm của đạo đức học Mác xít
Đạo đức học Mác xít cho rằng quan niệm thiện, ác của con người là một sản
phẩm lịch sử. Ở mỗi thời đại, từ những quan hệ kinh tế, xã hội và giai cấp, con
người hình thành nên những quan niệm thiện hay ác khác nhau tương ứng với xã
hội trong thời đại đó.
VD: Cái thiện trong thời kỳ phong kiến là cơm no, áo ấm cho người nông
dân chân lấm tay bùn, là đối xử thương yêu, có tình với người làm. Cái thiện trong
xã hội tư bản là tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, làm sao đem lại cho công nhân
chế độ làm việc và lương thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Ngày xưa, cái thiện
là trung với vua, hiếu với cha mẹ thì ngày nay có thêm nội dung mới là “trung với
Đảng, hiếu với dân”.
15
Đạo đức mang tính giai cấp do vậy thiện, ác mang tính giai cấp, giai cấp này
cho là thiện thì có khi giai cấp khác cho là ác. Mặc dù phản đối việc đề cao cái ác
hoặc biện hộ cho cái ác, nhưng đạo đức học Mác- Lênin không đối lập một cách tuyệt
đối giữa cái thiện và cái ác. Do là sản phẩm của lịch sử xã hội nên quan niệm về cái ác
cũng thay đổi thậm chí trái ngược nhau từ xã hội này đến xã hội khác, từ thời đại này
đến thời đại khác.
Thứ ba: Quan niệm về thiện – ác của Hồ Chí Minh
Giáo dục cái thiện và cái ác là vấn đề trung tâm của giáo dục đạo đức luôn
được Đảng và Nhà nước quan tâm coi trọng và thường xuyên quán triệt, đặc biệt là
cho thế hệ trẻ hiện nay. Hai phạm trù này được thể hiện khá rõ trong tư tưởng của
Hồ Chí Minh.
Trong bản thân mỗi người, cái thiện, ác thể hiện trong cách nghĩ và cách giải
quyết mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân với tập thể, giữa công với tư. Trong điều
kiện nước ta hiện nay, giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội có ý
nghĩa vô cùng thiết thực. Làm tốt điều này, xã hội sẽ phát triển tốt hơn, sẽ không
còn nạn quan chức quan liêu, cửa quyền, vụ lợi, vị kỷ.
Trong giáo dục đạo đức, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thiện,
ác xã hội và thiện, ác đạo đức (cá nhân). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thiện, ác
xã hội, xét đến cùng chính là khuôn mẫu, là môi trường sản sinh ra thiện, ác đạo
đức. Người nhấn mạnh vai trò của nhà nước cùng với hoàn thiện chủ trương, chính
sách và tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng môi trường xã hội.
Vậy, mỗi người phải luôn tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách để kết hợp phù hợp
giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể để cùng toàn xã hội hành thiện, bài ác.
Hồ Chí Minh đã nói “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ
mấy cũng tránh” [59, tr. 55]
Tác giả rất tâm đắc với quan điểm của đạo Phật về vấn đề thiện ác khi đạo
Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác, mà chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành
nghiệp thiện, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh,
16
chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện. Đạo phật chủ trương đem lại niềm
an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội.
Quan niệm Thiện - Ác trong Phật giáo
Phật giáo cho rằng đứa trẻ sinh ra đã có sẵn cái mầm gen thiện hay ác. Cái
mầm ấy không do Trời sinh ra mà do chính cái “quả” do nghiệp của kiếp trước
mình tạo ra, và nó lại trở thành “nhân” của kiếp này. Con người chết đi cái thân
xác vật lí – sinh học bị hủy hoại nhưng Tạng thức chứa Tam nghiệp vẫn còn, và
“Nghiệp lực” đã “đẩy” Tạng thức ra khỏi thân xác tồn tại trong không gian. Phật
giáo cho rằng quá trình đầu thai chính là sự kết hợp của ba yếu tố: tinh trùng cha,
noãn châu/ trứng mẹ và thần thức/ chủng tử của kiếp trước. Đức Phật dạy rằng
chính cái Thức/ Chủng tử đi đầu thai, tạo nên cái nhân đầu tiên (thiện hay bất
thiện) chứ không phải do thiên tính - Trời sinh. Phật giáo cho rằng, trong cùng
một môi trường, điều kiện giáo dục, phát triển nhưng cá tính, hiệu quả hoạt
động… của mỗi người có thể rất khác nhau là do cái “mầm giống” ban đầu (chủng
tử do kiếp trước tạo nên) khác nhau chi phối.
Chủ trương của Phật giáo là chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện và
thanh lọc tâm cho thanh tịnh, chứ không phải tiêu diệt cái ác, kẻ ác. Người xấu
có thể chuyển hóa thành người tốt nếu biết ăn năn, xám hối, thay đổi tính cách.
Trên đời không có ai hoàn thiện, tức không có ai ác hoàn toàn, cũng không có
ai tốt hoàn toàn cho nên người người nên cố thu theo Phật, thấy việc ác thì
tránh, việc tốt thì làm.
Vậy muốn thanh tịnh được tâm ý, con người cần phải vượt qua sự chấp
thiện và ác. Tức là khi làm việc thiện giúp người, giúp đời thì hãy làm bằng tất cả
tấm lòng chân thành, tình thương yêu thật sự chứ không phải để sau này mong
người ta sẽ trả ơn mình, hay khi đi chùa thì việc công đức vật chất, hay hương hoa
cho nhà chùa thì phải với lòng nhất tâm kính lễ tôn tượng đức Phật với tâm kính
noi gương chư Phật chứ không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân. Phật tử nên
hiểu rằng, đến với chùa, với đức Phật là để thư thái tâm hồn, để đức ân của Phật
chiếu rọi tâm hồn mình, cho hồn mình trong sáng hơn, chứ không phải đến với
17
đức Phật để cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình, cho bản thân. Vượt qua được
sự cố chấp thiện và ác, tức là mình đã thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và
ác nghiệp, mới đi đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Thiện và bất thiện là hai phạm trù liên quan đến giới luật học hay đạo đức
học, nó là cơ sở đánh giá khá chính xác phẩm cách, đạo đức từ suy nghĩ cho đến
hành động của từng con người. Trong con người, những cá tính đối lập, xung khắc
để dẫn đến những tư tưởng, hành vi có khi là đạo đức, có khi là phi đạo đức, chính
là các biểu hiện thiện và bất thiện. Thiện và bất thiện là những hành vi đối lập,
nhưng cùng tồn tại song song trong một hữu thể thống nhất là con người. Theo Duy
thức học Phật giáo, Tàng thức hay còn gọi là tiềm thức A-lại-da là nơi dung chứa,
tích tập, huân sinh rồi huân trưởng các hạt giống thiện và bất thiện.Các chủng tử
này, tiềm ẩn dưới dạng năng lực tiềm phục. Các năng lực mà khi nó hiện hành đem
lại những giá trị đạo đức thì đó là những hạt giống thiện.Các năng lực khi mà nó
hiện hành đem lại những giá trị phản đạo đức thì đó là những hạt giống bất thiện.
Cái thiện thể hiện trong lối sống, cách hành xử, trong lao động. Khi cái thiện được
thực hiện, tức là mọi người sẽ san sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ
nhau những khi hoạn nạn, sát vai nhau những lúc khó khăn, nếu trong xã hội, cái
thiện được xác lập và chiếm ưu thế thì cái ác sẽ bị tiêu diệt, xã hội ổn định, người
người, nhà nhà hạnh phúc. Khi xã hội càng phát triển thì con người càng cần hướng
đến sống thiện bởi như vậy, con người sẽ có điều kiện để sáng tạo ra những giá trị
vật chất và tinh thần cho xã hội.
Quan niệm về Thập Thiện (Mười điều lành) trong Phật giáo
Thập Thiện gồm: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không
nói vọng ngữ; Không nói ỷ ngữ; Không nói lưỡng thiệt; Không nói ác ngữ; Không
tham lam; Không sân hận ; Không si mê.
Một là: không sát sinh
Sát sinh là sự sát hại sinh linh, đoạt mất mạng sống của các loài động vật,
nặng hơn nữa đó là tội giết người. Theo Phật giáo, cần tôn trọng mạng sống của
người khác, kẻ khác, không chỉ là con người, mà phàm cả động vật hay thực vật, trừ
18
trường hợp bất khả kháng. Phật tử không chỉ từ bỏ nghiệp sát mà còn biết khích lệ
người khác từ bỏ sát sinh.
Không có sự vui mừng nào hơn sự vui mừng không bị giết, không có ân huệ
nào lớn hơn ân huệ cứu mạng hay không hại mạng. Do vậy, không sát sinh mà lại
phóng sinh là nghiệp lành đứng đầu trong Thập Thiện Nghiệp. Người hằng ngày
không sát sinh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân
chánh để tu hành thành Phật, và đạt được mười pháp lành.
Tuy nhiên, việc có phạm vào tội sát sinh hay không còn tùy trường hợp, hoàn
cảnh và đặc trưng, tâm tính của các loài. Ví dụ như việc giết kẻ ác để trừ hại cho dân,
cho người, giết các con vật to lớn, hung hăng không thể thuần hóa thì đó không coi là
việc ác, vì việc làm ấy đem lại lợi ích cho đa số. Hoặc với cỏ cây, tuy có những biểu
hiện của một sinh mệnh, đó là có sinh, có lớn, có tồn tại, có chết đi, nhưng không có
tình thức, khi bị đốn ngắt cỏ cây chỉ có phản ánh vật lí mà không có phản ánh tâm lí,
không khởi sinh sự khổ đau hay chống cự để giành giật sự sống, như vậy hành động
đó không bị coi là ác, là phạm vào tội sát sinh.
Xem xét tội sát sinh còn ở mức độ nặng hay nhẹ thì còn tùy vào hoàn cảnh
cụ thể, nếu biết rõ đối tượng là loài hữu tình mà vì lợi ích cá nhân vẫn cố tình sát
hại thì tội nghiệp rất nặng; nhưng vì vô tình mà giết hại thì tội nhẹ hơn. Hay không
có tâm sát hại hoặc không biết mà cũng không có sự hiện diện của đối tượng bị sát
hại thì không phải chịu nghiệp báo bởi sự sát hại.
Theo tâm trạng, thì nặng nhất là tội do tâm sân hận, biết phạm pháp luật mà
vẫn cố ý giết hại kẻ khác, tội này phải bị đày vào địa ngục Vô gián, A Tỳ. Thứ đến
là tội tuy có sân hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ
ràng mà không sân hận trong khi thực hiện việc sát sinh. Tội nhẹ là không sân hận,
do không hiểu biết mà giết nhầm.
Theo đối tượng bị giết cũng có nặng nhẹ khác nhau như phá hủy thân Phật,
giết hại các thánh nhân, những người có công lao to lớn với nhân loại, với dân tộc,
giết hại cha mẹ, anh em, bạn hữu, thứ đến là phạm tội giết các người khác và tội
giết hại các loài chúng sinh để ăn thịt. Phàm là sát sinh thì đều có tội.
19
Theo thời gian giết hại cũng phân ra nặng nhẹ, nếu sau khi sát sinh mà tâm
vui vẻ, không cảm thấy tội lỗi, không biết hối hân thì tội nặng, nhưng sau khi sát
sinh, thấy tội lỗi, thấy buồn, thấy hối hận, thậm chí tìm cách bù đắp cho sai lầm của
mình thì tội nghiệp sẽ nhẹ hơn.
Để trau dồi từ bi thì chẳng những không sát sinh mà nên thực tập ăn chay,
tức là không ăn thịt chúng sinh. Việc ăn chay vừa tốt cho sức khỏe đó là ta không ăn
phải chất độc từ máu của động vật tiết ra do giãy giụa sỡ hãi lúc sắp bị giết thịt, ăn
chay cũng giúp bản tính hiền thục, bớt nóng nảy hơn là ăn thịt. Ngoài ra, nếu
thường xuyên thực hiện việc phóng sinh bằng việc cứu giúp những sinh mạng sắp bị
giết thì phúc đức sẽ vô cùng to lớn.
Hai là: Không trộm cắp
Không trộm cắp là không lấy những vật gì không thuộc quyền sở hữu của
mình hoặc người ta không cho mình, ví dụ như trộm cắp tài sản của công, hối lộ, trốn
thuế, chiếm dụng tài sản bất hợp pháp… đều là trộm cắp. Người trộm cắp không
những đánh mất lương tâm, nhân cách của mình mà còn gieo đau khổ cho người
khác. Tài sản, vật chất là thứ quý giá với con người, con người phải nỗ lực làm việc
mới có được nó, thậm chí, có người phải hy sinh cả cuộc đời để dành dụm được tài
sản nhất định cho mình, cho nên khi bị mất đi tài sản riêng, người đó sẽ vô cùng đau
khổ, thậm chí như mất đi một phần cơ thể của mình, nếu tài sản đó đánh đổi bằng biết
bao mồ hôi, nước mắt của họ. Có người bị mất nhiều, có người buồn phiền, thất vọng
sinh đau ốm, có khi tìm đến cái chết vì không thể chịu nổi. Như vậy, tội căn của
người ăn trộm lớn lắm, vì đã gián tiếp cướp đi sinh mạng của người khác.
Hơn nữa, theo lẽ công bình, mình không muốn ai lấy của mình thì mình đừng
lấy của người khác, việc nào gây đau khổ cho mình thì đừng làm với người khác.
Đặc biệt, nên hiểu rằng, thứ có được không phải do công sức mình làm ra thì cũng
sẽ nhanh chóng tan biến, hơn nữa, tài sản có được từ việc trộm cắp thì tâm không
bao giờ được thảnh thơi, mà còn bị người đời khinh bỉ, tạo nghiệp cho đời sau. Kẻ
phạm tội trộm cắp, tùy theo nặng nhẹ, kiếp sau phải chịu vào một trong các đường
20
xấu của Lục đạo (sáu đường luân hồi). Quả dị thục nhẹ nhất của trộm cắp là bị tổn
hoại tài sản.
Các hình thức bị coi là trộm cắp:
Nhặt được của rơi mà sinh lòng tham không trả lại cho người.
Buôn gian bán lận, cân non, cân thiếu, bớt xén của người khác.
Đột nhập vào nhà khác lấy của cải, thậm chí nếu giết người để lấy của cải thì
phạm thêm tội sát sinh.
Lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Vay mượn không trả, dung túng kẻ khác trộm cắp, hay tham nhũng của công.
Theo hành thập thiện thì không những không trộm cắp mà cần phải chuyên
tâm thực hành hạnh bố thí, tức là cứu giúp người hoạn nạn, khó khăn. Một xã hội
không còn trộm cắp, mọi người luôn biết yêu thương, giúp đỡ nhau thì xã hội sẽ
được thái bình, an lạc, hạnh phúc biết bao!
Ba là: Không tà dâm
Với người xuất gia, muốn chứng quả, thành đạo, phải đoạn trừ dâm tục ở
thân cũng như ở tâm, còn với người tại gia, không tà dâm tức là phải đăng ký kết
hôn rồi mới được chung sống với nhau như vợ chồng hoặc khi đã là vợ chồng thì
cần chung thủy, có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình.
Trong kinh Đức Phật khẳng định ân ái dâm dục là một ác nghiệp ghê gớm,
không bao giờ song hành với Bồ đề giải thoát,vì thế những người xuất gia phải đoạn
trừ lòng dâm tục.
Trong gia đình, chồng không tà dâm, vợ không ngoại tình thì cuộc sống an
vui, hạnh phúc, sự nghiệp vững bền, dòng họ an vui.
Những người biết tu tập thực hành việc tốt, thực hành Thập thiện nghiệp,
không những tránh được mọi nghiệp ác và gây được nhiều quả lành trong đời sống
hiện tại. Người không tà dâm thì tinh thần thoải mái, an vui, được hưởng nhiều quả
lành ở kiếp sau.
Bốn là: Không nói dối
Là những lời nói sai sự thật, gây ảnh hưởng tới người khác.
21
Có nhiều loại nói dối: nói dối vì đùa vui, nói dối để lừa phỉnh, để khoe
khoang, nói dối vì sợ hãi hay nói dối để thu lợi bất chính. Chỉ có trường hợp nói dối
với mục đích cứu khổ độ nguy, giải cứu nguy nan cho chúng sinh, cho người và vật,
mới không phạm tội.
Năm là: Không nói thêu dệt
Tức lời nói không đúng sự thật, có sự thêu dệt, có lời đường mật nhưng tâm
không tốt, làm lung lạc lòng người. Về cơ bản, nói thêu dệt cũng là một hình thức
của nói dối nhưng tinh vi, khó phát hiện hơn, chỉ khi nào mục đích của người nói
thêu dệt được thực hiện thì người khác mới biết, vì thế có thể nói nói thêu dệt còn
nguy hại hơn nói dối. Nếu như nói dối là nói sai sự thật thì nói thêu dệt là nói văn
hoa, tinh vi có ý đồ, mục đích hẳn hoi. Người nói thêu dệt sẽ bị mọi người cười chê,
xa lánh, bị mất niềm tin.
Sáu là: Không lưỡng thiệt
Là cùng một hiện tượng, sự kiện nhưng được thông tin, diễn giải với nội
dung xuyên tạc khác nhau nhằm ly gián, gây mâu thuẫn. Những người gây phải tội
lỗi như trên như bị quả báo là câm ngọng, sứt môi hay nhiều lưỡi hay bị đày xuống
địa ngục, kiếp sau thành súc sinh. Do đó, là đệ tử của Phật, chúng ta phải “Từ bỏ
nói lời đòn xóc, chấp nhận từ bỏ nói lời đòn xóc và tán thán từ bỏ nói lời đòn xóc”.
Bảy là: Không ác khẩu
Là những lời nguyền rủa, chửi thề, nói tục nói bậy hay lời nói dữ dằn, độc ác
xuất phát từ tâm niệm sân si. Ác khẩu thường đem lại đau khổ, buồn phiền, bực bội
cho người khác.
Trái lại không ác khẩu là lời nói dễ nghe, nhẹ nhàng, dễ cảm mến, tạo được
sự tin tưởng. Dù là lúc vui hay lúc buồn, dù là với người trên hay dưới, sang hay
nghèo thì đều nói những lời khiến người khác cảm thấy dễ chịu.
Lời nói rất quan trọng trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Một
lời nói có giá trị có thể giúp được rất nhiều người, nhưng một lời nói thô lỗ, phỉ
báng, khó nghe có thể dẫn đến những hành động sai trái. Vì thế, không nói lời độc
22
ác là một hạnh tu trong Hành Thập Thiện. Đó là hạnh tu nói lời dễ nghe, dịu dàng,
dễ cảm mến để tránh mang tội ác.
Tám là: Không tham lam
Lòng tham là cái gốc của sinh tử luân hồi.
Lòng tham hay sự ham muốn dục lạc bao gồm Ngũ dục: Tài (tiền), danh
(danh vọng), sắc (sắc đẹp), thực (sự ăn uống) và thùy (ngủ nghỉ). Năm điều này con
người không thể tránh khỏi. Khi lòng tham được thỏa mãn thì con người sung
sướng, hạnh phúc, còn ngược lại, khi lòng tham không được thỏa mãn thì con người
dễ bất mãn, khổ đau, chán chường.
Lòng tham của con người là “cái thùng không đáy”, không biết bao nhiêu
cho đủ đầy. Chưa có thì muốn có, có rồi lại muốn có cái nhiều hơn, tốt hơn. Vì thế,
suốt cuộc đời con người cứ phải suy nghĩ, phải làm việc để chạy theo sự ham muốn
của mình, điều đó khiến con người chẳng bao giờ cảm thấy thảnh thơi và hạnh phúc
được cả. Bởi hạnh phúc là sự thỏa mãn, mà không bao giờ chịu bằng lòng với
những gì mình có thì sẽ không bao giờ có được hạnh phúc.
Chín là: Không sân hận
Đó là người luôn giữ được sự điềm tĩnh, không nổi nóng, giận hờn, oán
trách, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thậm chí tươi tỉnh đón nhận những
điều xảy ra mà không theo ý muốn. Người không sân hận biết rằng chỉ còn cách
là bình tĩnh giải quyết vấn đề đã xảy ra thay vì bực tức không giải quyết được
vấn đề. Hơn nữa, người không sân hận không bao giờ có thái độ đố kỵ, ghen
ghét, thậm chí còn vui trước thành công và hạnh phúc của người khác.
Trái lại, người sân hận là người hay ghen ghét, đố kỵ, hay nổi nóng, thể hiện
sự khó chịu, sự không vừa ý của mình qua từng nét mặt, cử chỉ, lời nói, họ sẵn sàng
phản ứng gay gắt bằng những lời nói rất khó nghe, làm tổn thương người khác, và
họ cảm thấy hả dạ vì điều ấy.
Tính cách sân hận gây ra rất nhiều tai hại, nó như một ngọn lửa thiêu đốt bản
thân và những người xung quanh, gây mất đoàn kết bạn bè, mất hòa khí gia đình,
anh em. Nặng hơn nữa, gây đổ vỡ hạnh phúc, tan nát gia đình, xã hội rối loạn. Con
23
người sống với nhau không có tình yêu thương, bao dung, vị tha, không có sự tỉnh
táo, gây ra bao nghiệp ác.
Trên thực tế, muốn diệt trừ sân hận, ngoài việc phát khởi hạnh từ bi hỷ xả thì
phải biết dẹp cái ngã, dẹp bớt cái tôi của mình, có như vậy, cuộc sống luôn thanh
thản, được mọi người yêu mến, kính trọng.
Mười là: Không si mê
Người không si mê là người có trí tuệ sáng suốt, có hiểu biết đúng đắn, biết
làm điều lành, tránh điều ác. Trái lại, người si mê là người thiếu hiểu biết, trí tuệ
hạn hẹp, cố chấp, dễ bị lợi dụng, sai khiến, dễ lạc vào con đường sa ngã bởi thiếu
hiểu biết và thiếu bản lĩnh.
Đức Phật dạy muốn diệt trừ nghiệp si mê phải trải qua tam vô lậu học tức là
giới, định, tuệ. Nhờ nghiêm trì giới luật mới phá trừ được si mê, mới thành tựu được
nhiều công đức.
Theo đạo Phật, con người muốn có cuộc sống an lành, hạnh phúc thì phải thực
hiện mười pháp lành trên, tức là thực hành những chuẩn mực đạo đức của đức Phật
răn dạy. Pháp lành tức là những thiện pháp cần được thể hiện cụ thể, điều này có
nghĩa là những gì chúng ta nghĩ là tốt, biết là tốt thì điều đó chưa đủ để trở thành
người tốt, mà nó cần được thể hiện cụ thể qua cuộc sống, cần được tôi luyện, cần
được thể hiện ra bên ngoài bằng hành động cụ thể của thân, khẩu, ý. Người nào thực
hiện được mười điều thiện, người đó sẽ cảm hóa được những người xung quanh,
người ấy sẽ được mọi người yêu mến, chính bản thân họ đã tiêu diệt đi sự tranh đua,
hóa giải những tị hiềm, đố kị, tạo ra sự an lạc cho mọi người và chính họ. Từ bỏ sát
sinh, cứu sống mạng người sẽ được trường thọ, ngược lại, tiếp tục giết hại thì mạng
căn ngắn ngủi và đầy bệnh tật. Quảng đại bố thí sẽ đưa đến giàu có, trộm cắp dẫn đến
nghèo khổ. Giữ giới thanh tịnh thân sẽ được cường tráng, an vui; phá giới, tà dâm
thân thể sẽ bạc nhược, gia đình tan rã. Nói lời chân thật sẽ được tin cậy, nói dối đem
lại bất tín. Nếu biết tự mãn không tham lam, đời sống sẽ sung túc. Có lòng từ bi sẽ
được đối xử tử tế và kính trọng, độc ác sẽ bị đối xử tệ bạc và nghi ngờ. Giảng nói
điều chân chính thì thông minh và trí tuệ sẽ tăng trưởng, chấp nhặt vào sự hiểu biết
24
sai lầm thì tâm trí sẽ nhỏ hẹp và ngu đần. Có thể nói, mười điều thiện của đạo Phật là
một nền tảng những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể, bao trùm tất cả mọi hành vi, lẽ
sống của con người.
* Từ bi
Từ bi là một trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật giáo, là những giá
trị cơ bản nhất của đạo đức Phật giáo. Đạo Phật thường được coi là một tôn giáo từ
bi, tỏa rộng tình thương không giới hạn đến muôn loài, không chỉ là con người mà
còn là tình thương đối với các loài vật, cỏ cây…tồn tại trong môi trường tự nhiên
nói chung. Trong nhiều kinh Phật, Phật tổ khuyên con người không vô cớ chặt cây,
khai quật thổ nhưỡng bừa bãi mà nên tôn trọng sự sống, bảo vệ thiên nhiên xung
quanh ta.
Từ bi là giá trị nền tảng của Phật giáo. “Từ” là hiền hòa, ban cho sự vui, thể hiện
lòng khoan dung, độ lượng; “Bi” là thương xót, cứu giúp cho hết khổ. Từ bi là tìm
cách đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, quên lợi ích của bản
thân và không mong được báo đáp.
Đức Phật khuyên chúng sinh tu tập lòng Từ để diệt trừ Sân tâm, tu tập tâm Bi
để dứt lòng tác hại, tu tập tâm Hỷ để diệt trừ bất lạc, tu tập tâm Xả để trừ oán hận
tâm. Tu tập Quán bất tịnh để trừ tâm tham ái, tu tập quán vô thường để trừ ngã mạn,
kiêu căng. Tâm Từ Bi Hỷ Xả quảng đại và vô biên được Đức Phật ví như một hồ
nước mát trong có sen thơm ngào ngạt làm thỏa lòng người lữ hành bốn phương khi
đang trong cơn nóng bức.
Cội nguồn của tâm từ bi là triết lý bình đẳng nơi chúng sinh. Đạo Phật được
khởi xướng bởi một người thầy đã chứng đắc chân lý và đem chân lý đó giác ngộ cho
những người khác. Đạo Phật không thừa nhận có một Đấng tối cao sáng tạo ra thế
giới, đó là một sự bình đẳng tuyệt đối theo cách nhìn: “Phật là Phật đã thành, chúng
sinh là Phật sẽ thành”! Phật giáo ra đời là tiếng nói của đông đảo quần chúng bị áp
bức trong xã hội Ấn Độ cổ đại phản kháng lại chế độ đẳng cấp nghiệt ngã của đạo Bà
La Môn. Với tâm từ bi rộng mở, Phật giáo đã phá đi hàng rào ngăn cách vô nhân đạo
giữa con người với con người.
25
Dưới nhãn quan Phật giáo, mọi sự vật trong thế giới này là vô thường, là vô
ngã, là không có thực thể. Dù là sắc đẹp lộng lẫy, dù là danh vọng cao xa, dù là tiền
rừng bạc biển v.v…tất cả đều là vô thường, vô ngã, không có thực thể nội tại.
Không có gì là cần phải tham đắm, không có gì để vơ lấy của mình. Con người thấu
triết lý vô ngã là con người giải thoát, tuy sống giữa đời mà không bị đời trói buộc,
với thái độ luôn luôn bình tĩnh, thanh thoát, an nhiên và tự tại. Từ thế giới quan đó,
Phật giáo hướng con người đến tâm Từ bi rộng mở, hướng đến tha nhân, quên đi
thói ích kỷ, tham lam của con người.
Đạo đức Phật giáo bắt rễ từ hiện thực cuộc sống, từ nhu cầu và lợi ích của
chúng sinh, thấm đậm tình yêu bao la đối với tất cả các loài hữu tình nên có sức
sống mãnh liệt, dễ lan tỏa thấm sâu vào hồn người, chuyển hóa tâm thức con người.
Mục đích của đạo Phật là xây dựng tâm thức ổn định, không sát hại, an lạc và từ bi
cho từng con người, luôn đem lòng từ bi để xóa bỏ hận thù. Đây chính là sự đóng
góp cụ thể và cơ bản nhất của Phật giáo, giúp hóa giải sự thù hận, mâu thuẫn trong
xã hội và xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc. Chính vì vậy, tư tưởng đạo đức
Phật giáo có giá trị vượt thời gian, góp phần tích cực vào việc xây dựng một nếp
sống đạo đức hướng thượng đối với cá nhân và cho xã hội.
1.1.2. Chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo – Ngũ giới
“Giới” là những điều ngăn cấm, là chuẩn mực đạo đức của Phật giáo.
Phạm trù “giới” trong Phật giáo có nội hàm rất rộng: Giới cho người xuất gia nói
chung; giới của tỳ kheo (sư nam) là 250 giới; giới của tỳ kheo ni (sư nữ) là 348
giới. Ngoài ra còn có giới luật Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa…Song chung quy
lại đều từ Ngũ giới mà triển khai ra, cụ thể hóa hoặc nâng cao hơn. Ví dụ, điều
đầu tiên của Ngũ giới là “Không sát sinh”, song trong giới Bồ Tát của Phật giáo
Đại thừa thì thấy người bị hại mà không cứu đã là phạm tội, như vậy yêu cầu về
giới đã cao hơn rất nhiều.
Ngũ giới có vị trí vô cùng quan trọng trong giới bổn của đạo Phật, là nền tảng
ban đầu để từ đó phát triển ra các giới khác.
26
Ngũ giới là năm điều Đức Phật nói với các Tỳ Kheo khi ngài ở Kỳ Viên
(Anatapindika), nước Xá Vệ. Năm giới này được coi là nguyên lí đạo đức tối thiểu
để có một đời sống trọn vẹn và tự nguyện.
Thập thiện (đã phân tích ở phần trên) chính là sự bổ sung, cụ thể hóa cho nội
dung của Ngũ giới và liên quan chặt chẽ với Ngũ giới. Nếu xuyên suốt toàn bộ giáo
lý tư tưởng Phật giáo chính là hướng con người đến “thiện”, thì “hướng thiện” thể
hiện rõ nhất ở trong giới luật là trong “Ngũ giới”.
1) Không sát sinh
Đây là giới đầu tiên và cơ bản của Phật giáo thể hiện tinh thần từ bi giúp con
người hướng thiện. Không sát sinh là không được giết hại đến các động vật có sinh
mạng mà trước hết là không giết người. Tuy nhiên, tính chất thiện ác trong việc sát
sinh phải xuất phát từ bản chất, mục đích của hành động “Nhất niệm khởi, thiện ác
dĩ phân”. Nếu giết người để thỏa mãn và mưu lợi thì đó là việc ác nhưng nếu giết
người để bảo vệ hòa bình, giành độc lập cho dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi lầm
than thì đó là việc làm hướng thiện. Đây là quan niệm sống nhằm hướng con người
tránh xa những điều ác, làm nhiều điều thiện. Nếu giữ được giới này sẽ không có sự
tàn sát, không có chết chóc, đau khổ…Sự sống là ân huệ lớn nhất mà tạo hóa ban
cho vạn vật và khi đã hữu sinh muôn loài thì đều ham sống sợ chết như nhau. Vì
vậy, đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi và cũng là nguyên nhân gây ra
bệnh tật, đau khổ và hoạn nạn.
1) Không trộm cắp
Không được lấy vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình khi không được
đồng ý, dù vật đó đang tồn tại trong tự nhiên. Nếu không giữ được giới này, con người
dễ bị lòng tham xui khiến dẫn tới những hành vi tiêu cực, có tác hại đến đạo đức con
người vì lòng tham con người như chiếc túi không đáy, khi bị lòng tham che phủ thì dù
là ai, đứng ở vị trí nào cũng dễ làm những việc sai trái. Trong xã hội hiện nay, để thỏa
mãn lòng tham thì việc trộm cắp của con người ngày càng trở nên tinh vi hơn, phức tạp
hơn. Đưa ra giới này, đạo Phật muốn giáo dục chúng sinh sống luơng thiện, tạo sự tin
tưởng, yên vui cho mọi người, mọi nhà, muốn tâm thanh tịnh và cuộc sống lâu bền thì
chỉ có đứng trên đôi chân của chính mình, khi trộm cắp không còn, chắc chắn xã hội sẽ
được bình yên.
27
2) Không tà dâm
Đối với người tại gia, hiểu theo nội hàm chung nhất là “duy chế tà dâm”, tức
là phải ngăn ngừa, hạn chế dục vọng trong một giới hạn nhất định mà xã hội cho
phép. Đối với vợ chồng phải có cưới hỏi chính thức, được pháp luật công nhận. Với
những người quy y tam bảo thì phải đoạn trừ dâm dục.
Không tà dâm nhằm hướng con người tới lối sống lành mạnh, trong sáng,
nhằm phát triển nhân cách con người một cách toàn diện, là điều kiện tiên quyết cho
hạnh phúc của một gia đình và rộng hơn là toàn xã hội.
3) Không nói dối
Là tôn trọng sự thật, giữ lòng thành tín với mọi người, không được lộng
ngôn, xảo ngôn và vọng ngôn. Đạo phật cho rằng có mười điều ảnh hưởng đến nhân
cách con người, đó là:
Ba điều thuộc về thân: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm
Ba điều thuộc về thức: Tham dục, nóng giận, tà kiến
Bốn điều còn lại do khẩu: Nói hai lưỡi, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ.
Có thể thấy trong mười độc tố có thể nguy hại đến nhân cách con người thì
hành động do miệng gây ra chiếm đến bốn. Do đó, ngăn ngừa những hành vi thuộc
về khẩu nghiệp là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, nếu nói dối để người bị hại khỏi khổ đau, do lòng nhân cứu
người, cứu vật thì không sai phạm (căn cứ vào mục đích của hành động).
Ông cha ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau”. Lựa lời ở đây không phải là thêm nếm làm thay đổi ý nghĩa câu nói mà nên
chọn lời hay ý đẹp, nói năng nhẹ nhàng để người nghe cảm thấy dễ chịu.
Như vậy, với lý luận về giới thứ tư, Phật khuyên chúng ta sống trung thực,
nói lời trung thực. Khi trung thực, con người sẽ được kính trọng, tin yêu, giúp cho
xã hội tốt đẹp hơn.
5) Không uống rượu
Kinh “Bồ tát giới nói” nói: “Phật tử nếu cố ý uống rượu, mà rượu thì dẫn ra vô số
lỗi lầm, tự tay mình trao rượu cho người khác uống mà năm trăm đời kiếp cánh tay
28
không có, huống chi chính mình tự uống. Cũng không được chỉ bảo cho mọi người uống
rượu hay luyện tập cho các sinh vật khác uống rượu, huống chi chính mình uống lấy.
Nếu bất cứ rượu gì cũng không được uống. Nếu cố ý uống hay bảo người khác uống thì
phạm tội khinh cấu” [60, tr. 107 – 108]
Không chỉ rượu mà bất cứ thứ gì có khả năng làm cho con người không còn
tỉnh táo thì không được dùng đến. Theo kinh Thiện Sinh, uông rượu gây ra sáu lỗi:
Mất của, sinh bệnh, gây gổ, tiếng xấu đồn xa, dễ sinh nóng giận, trí tuệ mỗi ngày
giảm dần. Những lỗi này một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính
người đó, mặt khác làm băng hoại đạo đức xã hội. Vì thế, người biết đạo đức phải
tránh xa không uống rượu. Uống rượu chẳng những làm mất trí khôn, lại gây nên
bệnh hoạn cho thân thể, còn di hại cho con cái sau này đần độn. Quả là tai họa cho
cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cho phép đó là khi người phật tử
mắc bệnh, bác sĩ cho phép để điều trị thì người này được uống rượu đến khi lành
bệnh thì chấm dứt.
Giới thứ năm cũng nói thêm rằng “không uống rượu” còn phải tuyệt đối cách
ly những nơi rượu chè, mặc dù mình không uống, không được xúi giục người khác
uống rượu. Giới này hiện nay được mở rộng ra là bất cứ thứ gì làm người ta mê
muội, mất hết khả năng lý trí thì không được dùng. Nếu giữ được giới này thì sẽ
được phước là bình tĩnh, sáng suốt, luôn làm chủ được mình, nuôi dưỡng sự trầm
tĩnh tạo cho chúng ta tác phong đúng đắn, luôn ý thức được địa vị và tư cách của
mình và đời sau không tái sinh vào con đường dữ. Giữ gìn năm giới này là vì bản
thân mỗi người chứ không phải vì Phật. Tinh thần giới căn bản của Phật giáo là làm
lành, lánh ác, từ, bi, hỉ, xả. Đức Phật không tự nhiên đặt ra nhiều giới luật mà mỗi
giới luật được chế ra đều dựa trên sự kiện thực tế cuộc sống nhằm ngăn ngừa các ác
bất thiện pháp giúp hành giả được thanh tịnh, làm nền tảng cho sự phát triển tâm
linh để mang lại an vui cho con người. Ngũ giới là đạo đức cơ bản của người Phật
tử khi bắt đầu bước chân trên con đường tu hành để đi tới giác ngộ, giải thoát.
Thực hành Ngũ giới không chỉ nuôi dưỡng lòng từ bi, khơi dậy tinh thần
nhân văn trong mỗi con người mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, lành
29
mạnh. Vì vậy, trải qua hơn 25 thế kỉ những giá trị giáo dục của Ngũ giới vẫn còn
vẹn nguyên đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường ở
Việt Nam hiện nay.
1.1.3. Thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi
Thuyết nhân quả
Nhân quả theo Phạn ngữ là pratitya – Samut – Pada, có nghĩa là duyên khởi.
Nhân là nguyên nhân, “quả” là kết quả của cái nhân ấy. Duyên là chỉ những vật
(hay những điều kiện có tính chất trợ giúp cho sự vật này sinh ra sự vật khác). Nhân
duyên là chuỗi điều kiện tương quan, liên hệ nhân với quả, quả với nhân, biến hóa
vô thường, cho nên gọi một cách chính xác là luật “Nhân – duyên – quả”. Theo đó,
vạn vật trong vũ trụ nương nhau mà phát sinh “vì cái này có cho nên cái kia sinh, vì
cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Theo Phật giáo, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ
trụ đều chịu sự tác động của luật nhân quả. Mạng lưới nhân quả đã liên kết mọi sự
vật cả về thời gian lẫn không gian nên không chỉ vạn vật trong hiện tại tồn tại lệ
thuộc lẫn nhau mà tất cả sự vật trong quá khứ cũng như trong tương lai đều liên
quan đến nhau. Luật nhân quả không bị ràng buộc bởi thời gian có nhân quả tạo
thành trong kiếp này, có nhân quả phải đến kiếp sau mới thành quả. Không nơi nào
trên trên đời này dù trên trời, dưới biển, hay trong hang đá làm người làm điều ác có
thể tránh được hậu quả của hành động bất thiện. Đó là quy luật tất yếu của vũ trụ và
đời sống.
Luật nhân quả được giải thích cặn kẽ qua “Thập nhị nhân duyên”.
Nhân là yếu tố quyết định, điều kiện chính làm sinh khởi, có mặt của một
hiện hữu. Duyên là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho nhân sinh khởi. Ví dụ: hạt
thóc là nhân của cây lúa, các yếu tố như đất, nước, không khí, phân bón…là
duyên để hạt lúc nảy mầm phát triển thành cây; duyên chính là điều kiện cho
nhân thành quả.
Trước khi Phật ra đời, cũng có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân
duyên. Họ quan sát tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các
duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán
30
các sự vật, chỉ có tính đối đãi, chứ không có tự tính. Ví dụ như tờ giấy, nó có những
thuộc tính là trắng, mỏng… những thuộc tính đó đều là đối đãi, vì trắng đối với cái
không mà có, mỏng đối với cái dày mà có… Quan sát như thế, thì nhận rõ được các
tướng của sự vật đều không có thật, theo duyên mà thành có. Từ đó, ngộ được rằng
các pháp đều vô ngã, cảnh vô ngã, thân cũng vô ngã, ngay cả sự sống chết đều vô
ngã. Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sự tác động của nhân
duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi,
diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên , để đi đến chứng được
đạo quả của Duyên giác thừa.
Mười hai Nhân Duyên là mười hai điều kiện quan hệ với nhau để thành hình
một chúng sinh hữu tình. Ý nghĩa của mười hai Nhân Duyên được thiết lập cách
đây khoảng hơn 25 thế kỷ. Giáo lý này do chính Tất Đạt Đa thể chứng dưới cội bồ
đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn.
Mười hai nhân duyên này dùng để giải thích tại sao con người cứ phải xoay chuyển
trong vòng luân hồi sinh tử. Từ đó giúp con người định hướng trong suy nghĩ và
hành động để điều khiển thân, tâm làm lành, tránh ác. Người ta ví 12 nhân duyên
như sợi dây chuyền có nhiều vòng, vòng này móc vào vòng kia không có mối manh,
bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh, Sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Hữu, Sinh, lão
tử. Do vô minh là nguồn gốc gây ra mọi đau khổ nên chỉ khi vô minh bị xóa bỏ thì
chuỗi xích của vòng nhân duyên sẽ bị phá vỡ từng mắt cho tới khi lão và tử ngừng
tồn tại.
Ý nghĩa của mười hai nhân duyên
1/ Vô minh:
Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, không hiểu biết đúng và đủ về các
sự vật, hiện tượng, các mối quan hệ xung quanh. Vô minh là nguồn gốc gây nên
mọi tỗi lỗi, làm cho chúng ta đau khổ.
2/ Hành:
Nghĩa là hành động, vì có vô minh nên mới gây ra sự chuyển dịch thành
hành động, hành là tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng, làm cho chúng
31
sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp rồi
về sau chịu quả báo.
3/ Thức:
Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của
mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.
Thức là một trong ba phần tử “thọ, noãn, thức” để thụ thai và tạo thành
thân mạng.
4/ Danh sắc
Các thức theo nghiêp báo duyên sinh ra sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình
tướng, như thân và cảnh; danh bao gồm những cái không có hình tướng, như cái sự
hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và
cảnh giới của nghiệp ấy.
5/ Lục nhập
Khi sự sống được hình thành và tăng trưởng (kết thai), thì 6 quan năng được
hình thành (bào thai), đó là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Ý có đối tượng Sáu
trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên
khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh
nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh
nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.
6/ Xúc
Xúc chạm đối đãi, nghĩa là sau khi thai nhi ra đời có sự tiếp xúc giữa quan
năng với ngoại cảnh, nhưng vì còn nhỏ chừng 1,2 tuổi nên trẻ con chưa biết nhận
xét vui, buồn, tốt, xấu,…vì chưa có đủ lý trí để phân biệt, cảm nhận một cách rõ
ràng, tinh tế nên trong giai đoạn này gọi là xúc. Do những lãnh nạp như thế, mà các
trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc.
7/ Thọ
Đây là giai đoạn đứa bé chừng 3 đến 13 tuổi, đứa bé biết thương ghét, giận
hờn, buồn, vui, đam mê…
32
Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ,
lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ.
8/ Ái
Do biết buồn vui, thương ghét cho nên sinh lòng tham ái, đây là tuổi dậy thì
từ 14 đến 19 tuổi.
Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với
khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao
giờ hết.
9/ Thủ
Từ 20 tuổi trở đi, thân thể phát triển cường tráng, sự tham ái càng mạnh cho
nên yêu thích cái gì thì muốn giữ lấy cái đó.
Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn,
như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại,
thành những sự tướng cố định, rồi từ đó chấp nhận mọi sự vật đều có thật, sự chấp
trước như thế, gọi là thủ.
10/ Hữu
Do Ái và Thủ làm nghiệp nhân nên phải có (hữu) thân sau để chịu quả báo
lành dữ.
Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật
có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết,
cái có như thế, tức là hữu.
11/ Sinh
Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi
như huyễn, không có tự tính, nên nhận lầm thật có sinh sống.
12/ Lão tử
Lão tử là già rồi chết, do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.
Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, truyền trong nhiều đời.
Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều quả nhưng cũng có quả do nhiều
nguyên nhân sinh ra.
33
Quá trình nhân chuyển thành quả không bị ràng buộc vào thời gian. Có nhân
tạo thành quả ngay trong kiếp này, có nhân phải đến kiếp sau hoặc kiếp sau nữa mới
thành quả (Nhân quả ba đời).
Mười hai mắt xích của chuỗi luân hồi được xếp theo thứ tự đảo ngược như sau:
Lão và tử do Sinh gây ra, bởi có sinh thì mới có lão, tử.
Sinh do Hữu gây ra (hữu là sự sinh tồn).
Hữu do Thủ gây ra
Thủ do Ái gây ra (Ái là khát vọng, dục vọng mù quáng)
Ái do Thụ gây ra (Thụ là cảm thụ)
Thụ do Xúc gây ra (Xúc là tiếp xúc)
Xúc do Lục căn gây ra
Lục nhập do vật và hình dáng gây ra
Danh sắc do Thức (nghĩ ngợi) gây ra
Thức do Hành gây ra
Hành do vô minh gây ra
Vô minh là mắt xích cuối cùng, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Theo Phật
giáo, chỉ cần xóa bỏ được vô minh, chuỗi xích của vòng nhân duyên sẽ bị phá vỡ
cho tới khi Lão và Tử ngừng tồn tại.
Dù ra đời cách đây 2500 năm nhưng luật nhân quả giáo lý nhà Phật đã thể
hiện được tính duy vật biện chứng khi cho rằng thế giới này không có nguyên nhân
đầu tiên và không có nguyên nhân cuối cùng.
Luật nhân quả chỉ ra rằng: muốn biết cái kiếp trước mình sống thế nào thì
hãy xem kiếp này mình đang sống ra sao, muốn biết kết quả của kiếp sau ra sao thì
hãy nhìn cách sống kiếp này của mình. Theo đạo Phật, không có vị thánh hay thần
linh nào đang thưởng phạt con người mà chính con người tự quyết định cuộc sống
của chính mình. Phật giáo đã đặt lên vai con người trách nhiệm cá nhân và sự tự do.
Thuyết nhân quả của Phật giáo chứa đựng tinh thần biện chứng duy vật, phản kháng
đối với niềm tin vào thần quyền và đem lại cho con người một niềm tin vào sự tinh
tấn, nỗ lực của bản thân. Thuyết nhân quả không làm con người con người sợ hãi
34
mà có tác dụng khuyến thiện, trừ ác, ngăn chặn tội ác từ trong nguyên nhân. Đây
chính là sự cống hiến lớn của Phật giáo.
Thuyết nghiệp báo, luân hồi
Gắn bó chặt chẽ với luật Nhân quả là thuyết Nghiệp báo, Luân hồi. Nghiệp
(Karma) được hiểu là hành động có tác ý hay hành động phát sinh từ tâm được thể
hiện qua hành vi, ngôn ngữ và tư duy, nghiệp báo là sự tác ý, hay ý muốn. Còn luân
hồi theo Phật giáo thì sau khi chết hoặc trước khi sinh ra, không có đời sống nào nơi
con người là không tùy thuộc vào Nghiệp, hay hành động có tác ý. Nghiệp báo là hệ
luận của luân hồi, ngược lại Luân hồi là hệ luận của Nghiệp báo. Hai giáo lý này bổ
sung và gắn bó với nhau rất mật thiết. Luân hồi diễn tả một chuỗi nghiệp báo hay
một tràng Nhân quả chuyển động nối tiếp nhau giống như bánh xe quay từ quá khứ
đến hiện tại và tiếp diễn đến tương lai. Nếu hiểu được thuyết Nghiệp báo, Luân hồi
con người sẽ tự xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, làm nhiều điều thiện để tích
đức cho bản thân và con cháu.
Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn, cứ lên xuống quay tròn như
vậy không ngoài ba đường ác và ba đường lành, gọi là luân hồi.
Nghiệp là luật công bằng cho tất cả mọi người, mọi loài, mình tạo thì mình
hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn 10 điều ác thì đi
thẳng xuống địa ngục, còn làm không tới 10 điều ác nhưng nặng về tham thì sinh
vào quỷ đói, kiếp này sống lâu nhưng luôn trong cảnh đói khát nên cũng rất khổ.
Tiếp đến là súc sinh, súc sinh không được coi là con người.
Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống thanh thản,
giàu không tự đại, nghèo không trách giận ai. Nếu hiểu thì thấy rằng kiếp này ta
đang được hưởng phước mà không biết giữ tâm trong sạch hoặc chia sẻ cho những
người nghèo khổ thì kiếp sau mình lại khổ, còn kiếp này mà đang phải nghèo khổ
nhưng vẫn không chịu hiểu, không chịu chấp nhận để cố gắng thay đổi, thậm chí
tiếp tục có những hành vi sai trái để vượt khổ bất chính thì kiếp sau sẽ còn khổ
hơn nữa. Biết rõ lý do luân hồi tự nhiên ta tạo ra cho mình con đường đi lên,
không có tâm oán hờn thù ghét ai, nhẫn nhịn, phấn đấu để thay đổi số phận trong
kiếp sống tương lai.
35
Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm sẽ thấy. Có gia đình
cha mẹ hiền mà con ác hoặc ngược lại, nên mới có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh
tính”, điều đó có nguyên nhân từ đâu? Phật giáo cho rằng chính do sự tích lũy của
đời trước. Theo quan niệm của đạo Phật, cuộc sống con người tiến hóa qua vô số
những kiếp sống, tức là cứ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Mặc dù Nghiệp
báo là một định luật rất nghiêm ngặt nhưng cũng linh động, thể hiện ở chỗ nếu kiếp
trước làm nhiều việc ác mà kiếp này tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện thì có
thể thay đổi cuộc đời, vì thế mới có chân lý “ai cũng có thể trở thành Phật”. Còn về
thuyết Luân hồi có nghĩa là một sự sống luôn luôn chuyển động và nối tiếp nhau
như bánh xe quay từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Khi con người chết đi, cơ thể ngừng hoạt động cũng là lúc thần thức trút bỏ
ký ức thông tin về một kiếp người coi như đã trả xong Nghiệp báo (thần thức sẽ là
cái tạo nên nghiệp báo cho các chủ thể luân hồi), như vậy người kiếp sau không
phải là người kiếp trước, nhưng nếu không có người kiếp trước thì không có người
kiếp sau. Con người từ khi sinh ra đến khi chết đi là cả một cuộc đấu tranh dữ dằn
với cuộc sống, đắm chìm trong dục vọng, khổ đau, hạnh phúc. Điều đó làm mờ đi
Phật tính của con người, nói theo Hê-ghen là con người bị “tha hóa”, vì vậy mục
đích của Phật giáo là giúp con người được giải thoát, mà muốn làm được điều đó,
bản thân mỗi người phải không ngừng cố gắng để đạt tới cõi giới cao hơn và cuối
cùng là Niết bàn, cõi giới không còn sự sinh diệt.
Tựu trung lại, đạo đức Phật giáo bàn đến nhiều vấn đề. Ngoài những tư
tưởng cơ bản về quan niệm Thiện, Ác, Từ bi, Ngũ giới; thuyết Nhân quả, Nghiệp
báo, Luân hồi có giá trị hướng thiện, tránh ác sâu sắc, trong nhiều bộ kinh , Phật tổ
cũng đưa ra nhiều chuẩn mực đạo đức cụ thể khác liên quan đến đời sống con người
và xã hội như Thập vương pháp kinh (Mười chức trách của quốc vương), đề ra
nhiều phẩm chất đạo đức của một người đứng đầu quốc gia; Kinh lễ sáu phương
(các nguyên tắc đạo đức trong việc ứng xử trong sáu mối quan hệ trong xã hội: Vợ
chồng, anh em, thầy trò, bậc thầy tôn giáo, bạn bè, người làm công); Tứ Ân (Bốn ơn
mà con người phải ghi nhớ, phải trả: Cha mẹ, đồng bào, quốc gia, xã hội); Lục độ
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY
Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY

Más contenido relacionado

La actualidad más candente

đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýđốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýHọc Huỳnh Bá
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...OnTimeVitThu
 
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaChương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóale hue
 
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...nataliej4
 
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...Huyen Pham
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTrần Đức Anh
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNBùi Quang Xuân
 
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...jackjohn45
 

La actualidad más candente (20)

Luận án: Tôn giáo và công tác tôn giáo ở Hà Nội hiện nay, HAY
Luận án: Tôn giáo và công tác tôn giáo ở Hà Nội hiện nay, HAYLuận án: Tôn giáo và công tác tôn giáo ở Hà Nội hiện nay, HAY
Luận án: Tôn giáo và công tác tôn giáo ở Hà Nội hiện nay, HAY
 
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAYLuận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
 
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đườngĐề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
 
Luận văn thạc sĩ Thỏa thuận thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam
Luận văn thạc sĩ Thỏa thuận thi hành án dân sự theo pháp luật Việt NamLuận văn thạc sĩ Thỏa thuận thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam
Luận văn thạc sĩ Thỏa thuận thi hành án dân sự theo pháp luật Việt Nam
 
Luận văn: Xây dựng nhân cách sinh viên các trường đại học, HOT
Luận văn: Xây dựng nhân cách sinh viên các trường đại học, HOTLuận văn: Xây dựng nhân cách sinh viên các trường đại học, HOT
Luận văn: Xây dựng nhân cách sinh viên các trường đại học, HOT
 
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýđốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
 
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóaChương VII  tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
Chương VII tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa
 
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luậtĐề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
 
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT tại quận Bình Tân, HAY
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT tại quận Bình Tân, HAYĐề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT tại quận Bình Tân, HAY
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT tại quận Bình Tân, HAY
 
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
 
Tiểu luận Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học về Gia Đình
Tiểu luận Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học về Gia ĐìnhTiểu luận Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học về Gia Đình
Tiểu luận Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học về Gia Đình
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
Một số kỹ năng tham vấn cơ bản của cán bộ tham vấn tâm lý qua điện thoại tại ...
 
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...
Bài tiểu luận môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học - Học viện công nghệ b...
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nayLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
 
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóaTiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
Tiểu luận tư tưởng hồ chí minh về văn hóa
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
 
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam BộLuận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
 
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
 

Similar a Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY

Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nayđạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nayMan_Ebook
 
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - Trần
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - TrầnLuận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - Trần
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - TrầnViết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMột số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMan_Ebook
 
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...nataliej4
 
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namTư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namMan_Ebook
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

Similar a Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY (20)

Tieu luan Phat giao
Tieu luan Phat giaoTieu luan Phat giao
Tieu luan Phat giao
 
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạoLuận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo
 
Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo Biên Hoà
Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo Biên HoàGiáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo Biên Hoà
Giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên tại các xứ đạo Biên Hoà
 
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
 
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nayđạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay
đạO đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay
 
Luận văn: Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
Luận văn: Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPTLuận văn: Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
Luận văn: Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
 
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPTLuận văn: Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
 
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...
Biện pháp quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông...
 
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - Trần
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - TrầnLuận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - Trần
Luận văn: Phật giáo với văn hóa đạo đức Việt Nam nói chung và thời đại Lý - Trần
 
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAYLuận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, HAY
 
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...
Luận văn: Tìm hiểu một số ảnh hưởng của tôn giáo đến đời sống văn hóa tinh th...
 
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMột số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
 
60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc60.Khóa luận li hôn.doc
60.Khóa luận li hôn.doc
 
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...
Luận văn: Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần c...
 
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...
Sự dung hợp phật giáo và tín ngưỡng dân gian tại hai huyện Thạch Thất và Quốc...
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay
 
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...
Sáng Kiến Kinh Nghiệm về việc lồng ghép giáo dục tư tuởng, đạo đức Hồ Chí Min...
 
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namTư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
 
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT quận Tân Bình
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT quận Tân BìnhLuận văn: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT quận Tân Bình
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho học sinh THPT quận Tân Bình
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
 

Más de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

Más de Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Último

200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdfdong92356
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11zedgaming208
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfXem Số Mệnh
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hardBookoTime
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem Số Mệnh
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx22146042
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Xem Số Mệnh
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 

Último (20)

200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdfMạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
Mạch điện tử - Điện tử số sáng tạo VN-new.pdf
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
2第二课:汉语不太难.pptx. Chinese lesson 2: Chinese not that hard
 
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
Xem tử vi miễn phí trực tuyến cho kết quả chính xác cùng luậ...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
 
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN TRONG GIẢI BÀI TẬP ÔN THI THPTQG MÔN SINH HỌC - H...
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ + CUỐI HỌC KÌ 2 NĂ...
 
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
ĐỀ CƯƠNG + TEST ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 TIẾNG ANH 11 - GLOBAL SUCCESS (THEO CHUẨN MI...
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
Lập lá số tử vi trọn đời có luận giải chi tiết, chính xác n...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 

Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HOÀNG THỊ QUYÊN ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI, 2016
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HOÀNG THỊ QUYÊN ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Chuyên ngành: Triết học Mã số : 60220301 LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. ĐẶNG THỊ LAN HÀ NỘI, 2016
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng bản thân tôi, tôi tự nghiên cứu, tự tìm hiểu và hoàn thiện luận văn trong đó có sự kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước với những trích dẫn vá sử dụng trong giới hạn cho phép. Luận văn này chưa được công bố trên các phương tiện thông tin, cũng không trùng với bất cứ luận văn nào tại thời điểm hiện tại. Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2016 Tác giả luận văn Hoàng Thị Quyên
  • 4. LỜI CẢM ƠN Lời cảm ơn đầu tiên và sâu sắc của tôi xin được dành gửi tới PGS.TS Đặng Thị Lan - người đã quan tâm và tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình làm luận văn, giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về vấn đề ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với thanh niên hiện nay cũng như giúp tôi rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Khoa Triết học, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, dành nhiều công sức giảng dạy, hướng dẫn giúp đỡ chúng tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người thân trong gia đình và bạn bè đã luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và nghiên cứu trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều trong quá trình thực hiện đề tài, song không thể tránh khỏi những sai sót nhất định. Tôi rất mong nhận được sự cảm thông và đóng góp ý kiến của quý các thầy, cô giáo, các bạn đồng nghiệp và những người quan tâm đến những vấn đề được trình bày trong luận văn. Xin chân thành cảm ơn! Tác giả luận văn Hoàng Thị Quyên
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO VIỆT NAM.....................................................................................................10 1.1. Một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo .................................................10 1.2. Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam ...........................................................36 Chương 2. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC THANH NIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY..........................43 2.1. Khái quát thực trạng đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay............................43 2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến việc định hướng giá trị đạo đức cho thanh niên ..................................................................................................................45 2.3. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo với việc hình thành niềm tin, lý tưởng, tình cảm đạo đức cho thanh niên.....................................................................................48 2.4. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo với việc điều chỉnh hành vi đạo đức của thanh niên ..................................................................................................................54 2.5. Một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức phật giáo đối với đạo đức thanh niên hiện nay........................................................................................................ 65 KẾT LUẬN..............................................................................................................73 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................75
  • 6. BẢNG CHỮ VIẾT TẮT CNXH : Chủ nghĩa xã hội CLB : Câu lạc bộ Nxb : Nhà xuất bản Tp : Thành phố
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đạo Phật là một hình thái triết học, tôn giáo và đạo đức ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên, được truyền vào Việt Nam khoảng đầu công nguyên. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng được “Việt Nam hóa” cho phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam, văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, có sức sống lâu dài và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại. Ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, với những tư tưởng giáo lý gần gũi với tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc nên Phật giáo đã nhanh chóng hội nhập với văn hóa Việt Nam. Ở nước ta, Phật giáo và tư tưởng dân tộc có mối quan hệ mật thiết với nhau, ban đầu mối quan hệ này là mối quan hệ hai chiều: Nếu như Phật giáo ảnh hưởng đến quá trình hình thành tư tưởng con người Việt Nam thì những phong tục tập quán, truyền thống dân tộc cũng tác động trở lại Phật giáo tạo nên một dòng Phật giáo riêng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Nhiều người Việt Nam tuy không theo Phật giáo song vẫn tự nguyện thực hiện những nguyên tắc, chuẩn mực của đạo đức Phật giáo xem đó là một trong những phương châm sống của mình. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, đất nước ta ngày càng chịu nhiều tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các mặt của đời sống xã hội thì có một điều không thể phủ nhận đó là sự mất cân đối trong quá trình phát triển con người - xã hội trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sự thoái hóa đạo đức của một bộ phận giới trẻ, thanh niên. Thực trạng đạo đức thanh niên hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Bên cạnh những thanh niên có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức học tập và lao động, có sự cống hiến không nhỏ cho dân tộc thì có một bộ phận không nhỏ thanh niên đang có biểu hiện đi xuống của nhân cách đạo đức, nhiều biểu hiện của lối sống sa đọa trái với thuần phong mỹ tục của
  • 8. 2 dân tộc. Thái độ coi thường những giá trị truyền thống là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội đang ngày càng có chiều hướng gia tăng trong thanh niên và giới trẻ. Họ có xu hướng đề cao cá nhân, sống ích kỷ, lạnh lùng, không có tình nghĩa, ít chú ý đến nghĩa vụ và trách nhiệm, ít quan tâm đến những người xung quanh… Hàng loạt những hiện tượng đau lòng diễn ra ở chốn học đường và trong xã hội khiến chúng ta không thể làm ngơ. Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền đạo đức mà chúng ta đang xây dựng cần phải hướng tới một hệ thống giá trị tinh thần mà ở đó cái truyền thống và cái hiện đại cần phải được kết hợp với nhau chặt chẽ để nền văn hóa dân tộc nói chung và các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng tham gia vào sự hòa nhập với các giá trị phổ biến toàn nhân loại mà không bị hòa tan, không làm mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thanh niên là rường cột của nước nhà, là những chủ nhân tương lai của đất nước, nguồn lao động dồi dào của cả dân tộc. Nước nhà mạnh hay yếu là do thanh niên. Việc giáo dục đạo đức cho thanh niên hiện nay trở thành vấn đề cấp bách nhằm đào tạo một thế hệ có trí tuệ, có thể chất cường tráng, đời sống tinh thần và đạo đức trong sáng, giàu bản lĩnh và thực sự có ý thức, trách nhiệm công dân, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Để thực hiện tốt quá trình này cần có nhiều biện pháp và những chủ thể khác nhau. Bên cạnh công tác giáo dục của nhà trường, của các đoàn thể xã hội, của pháp luật, đạo đức Phật giáo sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần điểu chỉnh đạo đức và lối sống cho thanh niên nếu như chúng ta biết phát huy những giá trị tích cực của nó. Là một thành tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức Phật giáo đã giao thoa, hòa quyện, làm phong phú đạo đức truyền thống Việt Nam. Tinh thần từ bi, hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hội nhập cùng phát triển hiện nay của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, kế thừa, phát huy và có những phương pháp cụ thể nhằm chuyển tải giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức Phật giáo đến với giới trẻ, chắc chắn Phật giáo sẽ có những đóng góp hữu hiệu đối với quá trình giáo dục đạo đức cho thanh niên ở Việt Nam hiện nay.
  • 9. 3 Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tôn giáo một cách khách quan khoa học, Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu và quyền lợi tinh thần của một bộ phận nhân dân, nó còn tồn tại lâu dài và chi phối đời sống tinh thần văn hóa của một bộ phận dân chúng, trong đó có những giá trị đạo đức phù hợp với lợi ích toàn dân, với công cuộc xây dựng xã hội mới. Việc khai thác những yếu tố tích cực của đạo đức Phật giáo và hạn chế những tác động tiêu cực của nó nhằm xây dựng đạo đức cho thanh niên hiện nay là điều rất cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn đó, tác giả lựa chọn vấn đề “Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận văn thạc sĩ Triết học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Là một trong ba tôn giáo lớn nhất thế giới, Phật giáo có lịch sử phát triển lâu dài và có nhiều đóng góp cho tư tưởng cũng như đời sống nhân loại trên nhiều phương diện. Bên cạnh những giá trị về tư tưởng mang tính triết học sâu sắc, Phật giáo còn là triết lý sống, lối sống đang hấp dẫn một bộ phận không nhỏ các dân tộc trển thế giới. Chính vì vậy, Phật giáo được đông đảo giới khoa học trong và ngoài Phật giáo quan tâm nghiên cứu. Về các công trình nghiên cứu, chúng tôi có thể xếp thành các nhóm sau đây: 2.1. Các công trình nghiên cứu cơ bản về Phật giáo và đạo đức Phật giáo Đạo đức Phật giáo không chỉ được bàn đến trong một số các công trình riêng biệt mà trong nhiều cuốn sách bàn về Phật giáo nói chung, các tác giả đã đề cập khá nhiều đến đạo đức Phật giáo cũng như vai trò của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội. Bộ sách: “Việt Nam Phật giáo sử luận” (3 tập, 1994) của Nguyễn Lang, Nxb Văn học và cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát đã khái quát một cách toàn diện sự phát triển Phật giáo Việt Nam theo từng giai đoạn. Đây là tư liệu có giá trị đã khảo cứu Phật giáo Việt Nam một cách hệ thống, trong đó có nhiều phần viết về vai trò của Phật giáo đối với đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.
  • 10. 4 Cuốn “Tư tưởng Phật giáo Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy Hinh (1999), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội có nội dung bước đầu tìm hiểu hệ thống hóa tư liệu nội dung tư tưởng Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu tư tưởng Phật giáo Việt Nam qua đó làm rõ đặc điểm Phật giáo Việt Nam với tư cách là một sản phẩm tôn giáo được hình thành trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh cư dân bản địa có tiếp thu tôn giáo ngoại nhập. Các cuốn sách: “Việt Nam Phật giáo sử lược”của Hoà thượng Thích Mật Thể và “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” do tác giả Nguyễn Tài Thư chủ biên đã hệ thống hoá Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến thế kỷ XX. Các tác giả đã chỉ rõ Phật giáo đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, vào các thời điểm khác nhau từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XVI. Cuốn “Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hùng Hậu (2002), Nxb Khoa học xã hội; với nội dung bàn đến Phật giáo từ giai đoạn du nhập đến hết thời Trần. Tác giả cho rằng Triết học Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu là Triết học Phật giáo. Với mục đích cứu con người thoát khổ, nhìn vẻ ngoài, Phật giáo chủ yếu bàn về nhân sinh. Nhưng để cho quan niệm nhân sinh này tồn tại một cách vững chãi phải dựa trên một cơ sở triết học, một nền tảng lý luận vô cùng sâu sắc. Từ chỗ bàn về thế giới quan Phật giáo và nhân sinh quan Phật giáo nguyên thuỷ, tác giả bàn về thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam, sự độc đáo và sáng tạo của Phật giáo Việt Nam. Năm 2008, Nxb Phương Đông, Hà Nội đã xuất bản cuốn “Sức mạnh của Đạo Phật”của tác giả Jean – Claude Carriere, người dịch là Nguyễn Tiến Lộ. Đọc cuốn sách nà chúng ta thấy được những mảng đề tài, những câu chuyện dẫn giải gần gũi, giản dị, khúc triết và thực tiễn về Phật giáo. Tác giả đã đề cập đến một thực tế hiện nay là khi con người tham vọng, chạy đua, vươn tới những đỉnh cao danh vọng và giàu có vật chất, thì đời sống tâm linh, cái Đạo, cái Tâm, cái Thiện trong mỗi con người có khi bị thu nhỏ lại, nhường chỗ cho những băn khoăn, trăn trở, lo toan, cho những ham muốn bất tận của cuộc sống.
  • 11. 5 Năm 2010, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho xuất bản cuốn “Tìm hiều chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam” của tác giả Trần Hồng Liên. Trong cuốn sách này, tác giả đã làm rõ các vấn đề như: Chức năng của Phật giáo đối với vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, giúp người đọc hiểu rằng dù tác động trên bất cứ lĩnh vực nào thì tựu trung lại, Phật giáo cũng chỉ nhằm vào việc mang lại sự an vui, niềm hạnh phúc về cả vật chất và tinh thần cho con người. Trong tác phẩm: “Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay” do tác giả Nguyễn Tài Thư chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997; phần viết về Phật giáo, các tác giả đã tập trung vào khái niệm từ, bi, hỉ, xả cùng các giá trị tư tưởng của Phật giáo với tư tưởng của con người Việt Nam. Cuốn “Đạo đức học Phật giáo” của Hoà thượng Thích Minh Châu (chủ biên, 1995), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành là cuốn sách bao gồm nhiều bài viết đã phản ánh những nội dung cơ bản về đạo đức Phật giáo và vai trò của nó trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống đạo đức dân tộc. Nhiều tác giả đã phân tích sâu cơ sở và các phạm trù đạo đức Phật giáo, trong đó có các nội dung quan trọng như giới, hạnh, nguyện, thiện, ác… Tác giả Đặng Thị Lan với công trình “Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam”, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006 đã bàn đến những vấn đề trọng tâm của đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với việc xây dựng nền tảng đạo đức trong xã hội, cùng với những giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của đạo đức Phật giáo, vận dụng những giá trị tốt đẹp của đạo đức Phật giáo trong việc hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người Việt Nam hiện nay. 2.2. Những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam và thanh niên Việt Nam Hướng nghiên cứu này có các tác phẩm chủ yếu sau: “Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam”của Trần Ngọc Thêm, Nxb T.p Hồ Chí Minh (1997); “Thiền học Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục, Nxb Thuận Hoá (1997); Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của Trần Văn Giàu, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
  • 12. 6 (1980); “Văn hoá Phật giáo và lối sống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” của Nguyễn Thị Bảy, Nxb. Thông tin, Hà Nội (1997); “Phật giáo với văn hoá Việt Nam” của Nguyễn Đăng Duy, Nxb. Hà Nội (1999)... Ngoài các công trình khoa học trên còn có rất nhiều bài viết đăng trên tạp chí thuộc các ngành khoa học xã hội về đạo đức như: Đặng Hữu Toàn “Hướng các giá trị truyền thống theo hệ chuẩn giá trị chân - thiện - mỹ trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường”(Tạp chí triết học, số 4 – 2001, tr.27- 32); tác giả Trần Nguyên Việt với “Giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam và cái phổ biến toàn nhân loại của đạo đức trong nền kinh tế thị trường”(Tạp chí triết học, số 5 – 2002, tr.20 - 25) . Cuốn: “Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội (1997); “Văn hoá Phật giáo và lối sống của người Việt ở Hà Nội và Châu thổ Bắc Bộ”, Nxb Thông tin, Hà Nội (1997); “Phật giáo và sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Tài Thư (Triết học số 4/1993); “Đạo đức Phật giáo với kinh tế thị trường” của tác giả Hoàng Thơ (Triết học số 7/ 2002). Về ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống đạo đức xã hội cũng có nhiều công trình luận án đã nghiên cứu. Tiêu biểu như công trình nghiên cứu của tác giả Tạ Chí Hồng với “Ảnh hưởng của Đạo đức Phật giáo đối với đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay” (Luận án Tiến sĩ triết học, năm 2003). Đây là luận án khá công phu, khảo cứu vị trí của vấn đề đạo đức trong tư tưởng Phật giáo, nội dung, đặc điểm, nếp sống và giá trị đạo đức Phật giáo, sự dung hợp giữa đạo đức Phật giáo với đạo lý Việt Nam, sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đời sống đạo đức ở Việt Nam hiện nay và những giải pháp chủ yếu định hướng đối với những ảnh hưởng của Phật giáo. Luận án đề cập đến nhiều vấn đề thuộc đời sống đạo đức, song vấn đề ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam chưa được đề cập. Luận án Tiến sĩ: “Đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người Việt Nam” của tác giả Đặng Thị Lan năm 2004, trường Đại học khoa học xã
  • 13. 7 hội và nhân văn Hà Nội đã khái quát khá đầy đủ các nội dung căn bản nhất của đạo đức Phật giáo mà theo tác tác giả đây cũng là những vấn đề có ảnh hưởng sâu đậm nhất đên đạo đức con người Việt Nam. Đặc biệt, luận án đã luận giả một cách thành công ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam trong truyền thống cũng như trong hiện tại nhất là giai đoạn Lý – Trần. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay cũng được tác giả khảo cứu công phu dưới hai lát cắt là: ảnh hưởng đến ý thức đạo đức và ảnh hưởng đến hành vi đạo đức. Một số tác động tiêu cực của đạo đức Phật giáo đến đạo đức con người Việt Nam cũng được tác giả đề cập và lý giải dưới góc độ triết học. Mỗi một tôn giáo đều có thế giới quan và nhân sinh quan riêng. Thế giới quan và nhân sinh quan ấy hàm chưa những tư tưởng về đạo đức. Khi con người tiếp nhận những tư tưởng đạo đức đó thì đồng thời cũng chịu ảnh hưởng bởi thế giới quan và nhân sinh quan của tôn giáo đó. Luận án Tiến sĩ “Đạo đức Phật giáo với công tác giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo Thừa Thiên Huế hiện nay” của Ngô Văn Trân bảo vệ tại Học viện KHXH Việt Nam (2012), đã đề cập khá sâu về đạo đức Phật giáo, chỉ ra nhân sinh quan tiến bộ và độc đáo của đạo đức Phật giáo. Đồng thời, luận án giới thiệu mô hình “Gia đình Phật tử” - một mô hình giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo tại Huế, các chủ thể khác tham gia giáo dục thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo Huế và những giải pháp nhằm phát huy đạo đức Phật giáo thông qua gia đình Phật tử trong công tác giáo dục thanh thiếu niên Phật tử ở Huế. Nhìn chung, luận án có những điểm độc đáo khi khai thác tác động của Phật giáo Huế đến thế hệ trẻ, song mới dừng lại khảo sát các tín đồ Phật giáo Huế mà chưa nghiên cứu rộng đến thanh thiếu niên Việt Nam nói chung. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã nêu trên đã mang lại một cái nhìn khá toàn diện về lịch sử Phật giáo và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội. Tác giả luận văn đã kế thừa được nhiều cách đánh giá, phân tích khác nhau về Phật giáo và ảnh hưởng đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội, cũng như cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu về ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức nhân
  • 14. 8 cách con người. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, luận văn đi vào tìm hiểu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo từ góc độ triết học đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay, đặc biệt dưới tác động của kinh tế thị trường đã làm cho đạo đức của một bộ phận thanh niên biến đổi, suy thoái. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Luận văn tập trung làm rõ một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Phật giáo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đạo đức cho thanh niên. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện các mục tiêu trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau: Một là: Trình bày những nội dung căn bản của đạo đức Phật giáo và sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam Hai là: Phân tích những ảnh hưởng chủ yếu của đạo đức Phật giáo đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay. Ba là: Đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Phật giáo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đạo đức cho thanh niên. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là đạo đức Phật giáo và các ảnh hưởng của nó đến đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Đạo đức Phật giáo bao gồm nội dung rất rộng, song trong giới hạn của luận văn Thạc sĩ, tác giả chỉ tập trung làm rõ một số những giá trị, nguyên tắc, chuẩn
  • 15. 9 mực đạo đức căn bản nhất và mang tính đặc thù của Phật giáo. Đồng thời, đó cũng chính là những nội dung trong giáo lý đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đạo đức con người Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng. - Về mặt thời gian: Luận văn khảo cứu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến đạo đức thanh niên ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay (từ 1986 đến nay). 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận Luân văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin , kết hợp chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, đặc biệt những quan điểm đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta từ khi đất nước đổi mới. 5.2. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu của triết học như: Phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, thống kê, thu thập số liệu, so sánh, đối chiếu để rút ra các kết luận, nhận định khoa học. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn - Luận văn góp phần làm rõ hơn nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo và những tác động, ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức thanh niên Việt Nam hiện nay. - Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, tìm hiểu về đạo đức Phật giáo và cho những ai quan tâm đến vấn đề này. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương, 7 tiết. Chương 1: Đạo đức Phật giáo và sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam Chương 2: Những ảnh hưởng cơ bản của đạo đức Phật giáo đối với đạo đức của thanh niên VIệt Nam hiện nay.
  • 16. 10 Chương 1 ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO VIỆT NAM 1.1. Một số nội dung cơ bản của đạo đức Phật giáo Khái niệm đạo đức Đạo đức với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội, do đó hiện có rất nhiều cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau về đạo đức. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy tắc, nguyên tắc chuẩn mực mà nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người cũng như tiến bộ xã hội trong quan hệ cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội. Theo nghĩa rộng, đạo đức là toàn bộ quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội và trong quan hệ với tự nhiên. Ở phương Đông, do chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, thường xem xét đạo đức trong phạm trù “Đạo”, đề cao chữ Nhân, chữ Nghĩa và tư tưởng “kiêm ái” của Mặc Tử. Ở phương Tây, từ thế kỷ XVII, XVIII, cùng với sự mở rộng và phát triển của kinh tế thị trường, J.Loocco (Anh), và M.Weber (Đức) đã đề cập đến các khái niệm về “đạo đức thị trường”, “đạo đức duy lý”. Đạo đức học Mác- Lênin cho rằng : đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, một phương thức điều chỉnh hành vi con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua một hệ thống những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực biểu thị sự quan tâm tự nguyện tự giác của con người với con người, con người với xã hội. Như vậy, theo quan điểm mác-xít, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, một định chế xã hội thực hiện các chức năng điều chỉnh hành vi con người. Đạo đức là những nguyên tắc sống, những quy phạm gắn liền và phù hợp với một hình thái kinh tế- xã hội nhất định, được hình thành từ những điều kiện sinh hoạt vật chất của
  • 17. 11 xã hội, những quy phạm, nguyên tắc, tiêu chuẩn, lý tưởng này có tính nhất thời về lịch sử và mang tính giai cấp rõ rệt. Theo tác giả Huỳnh Khái Vinh, “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, gồm những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và sự tiến bộ xã hội trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội” [76, tr. 182]. Chúng tôi cho rằng đây là định nghĩa phù hợp với cách chúng tôi triển khai nội dung của luận văn. Cấu trúc đạo đức Đạo đức vận hành như một hệ thống tương đối độc lập của xã hội. Cơ chế vận hành của nó được hình thành trên cơ sở liên hệ và tác động lẫn nhau của những yếu tố hợp thành đạo đức. Khi phân tích cấu trúc của đạo đức người ta xem xét nó dưới nhiều góc độ. Mỗi góc độ cho phép chúng ta nhìn ra một lớp cấu trúc xác định. Chẳng hạn, xét đạo đức theo mối quan hệ giữa ý thức đạo đức và thực tiễn đạo đức. Nếu xét trong mối quan hệ giữa người với người thì nhìn ra quan hệ đạo đức. Nếu xét theo quan điểm về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, cái phổ biến cái đặc thù và cái đơn nhất thì đạo đức được tạo nên từ đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân. Đạo đức phật giáo Theo tiến trình lịch sử, tôn giáo trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa, văn minh nhân loại. Xét trên bình diện thế giới, tôn giáo không chỉ là sự thể hiện niềm tin, mà còn là cầu nối văn hóa giữa các nước, các khu vực nên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của con người. Mặc dù mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý riêng song về cơ bản đều hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ. Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã để lại cho nhân loại nhiều tư tưởng về tôn giáo, triết học, chính trị, mỹ học, văn hóa,…trong đó nổi bật nhất là tư tưởng đạo đức. Phật giáo về cơ bản không phải là một học thuyết về đạo đức, song xuất phát điểm của nó là chỉ dạy cho con người biết nguyên nhân của nỗi khổ và con đường giải thoát. Từ những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, Phật giáo rút ra hệ quả của chúng để xây dựng một hệ thống quan niệm đạo đức. Như vậy, đạo đức là nền tảng
  • 18. 12 quan trọng trong hệ thống giáo lý của Phật giáo. Đạo đức Phật giáo với các chuẩn mực, giá trị đạo đức mang tính phổ quát và nhân bản có giá trị không chỉ cho những người theo đạo Phật mà có rất nhiều điểm phù hợp với đạo đức xã hội xã hội nói chung. Từ những quan điểm về đạo đức ở trên, có thể định nghĩa đạo đức Phật giáo như sau: Đạo đức phật giáo là toàn bộ những quan niệm, giá trị, những quy tắc đạo đức được thể hiện trong các giáo lý Phật giáo (đặc biệt trong các điều răn cấm) nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của mình và xã hội theo thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo. 1.1.1. Quan niệm của Phật giáo về Thiện - Ác, Từ bi Khái niệm Thiện - Ác Thiện và ác là hai từ của dân gian dành chỉ hai hiện tượng luôn hiện hữu trong cuộc sống, trong xử thế. Người dân thường căn cứ vào cách hành xử của con người trong cuộc sống hàng ngày mà xếp người này người kia là thiện hay ác, nhưng cách đánh giá này đôi khi mang tính phiến diện. Vậy để có cách nhìn, đánh giá đúng và toàn diện và Thiện, Ác, có thể tìm hiểu về khái niệm Thiện, Ác. * Thiện Về ngữ nghĩa, thiện là tính từ chỉ phẩm chất, hành vi của con người tốt lành, hợp với đạo đức. Cái thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hằng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. * Ác Về khía cạnh ngữ nghĩa, “ác” là một tính từ chỉ chung về tính cách của người hoặc một việc làm gây đau khổ, tai họa cho người khác. Một vấn đề cần được làm rõ khi bàn đến biểu hiện thiện và ác, đó chính là tính biện chứng của cặp phạm trù này, thể hiện: trong cái ác lại chứa cái thiện, trong cái thiện đôi khi lại có cái ác. Ví dụ việc con người thử nghiệm một loại thuốc mới trên động vật trước khi đưa ra sử dụng cho con người, việc làm này có cái ác là phải
  • 19. 13 hy sinh các động vật bé nhỏ để thử nghiệm, nếu thành công, việc làm gọi là ác ấy lại tạo ra việc thiện là có thể cứu chữa hàng trăm, hàng nghìn con người. Cặp phạm trù này đối lập mà xen kẽ, tách biệt mà giao hòa. Nhận thức thiện, ác dù dưới góc độ tâm linh, nhân thế hay khoa học đều phản ánh cái căn gốc của từ “con” và từ “người”, phần “con” biểu lộ tính ác, phần “người” biểu lộ tính thiện. *Một số quan niệm Thiện - Ác trong lịch sử Thứ nhất: Quan niệm của Nho giáo Trong Luận Ngữ, tư tưởng của Khổng Tử về tính người “vốn gần nhau, do tập tính mà xa nhau” [48, tr. 2] đã gây ra nhiều cách giải thích và cách hiểu khác nhau. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói nhiều đến các “hạng người” với những phẩm cách khác nhau: “Người quân tử có khi mắc phải điều bất nhân chăng? Chưa hề có kẻ tiểu nhân làm điều nhân bao giờ” [49, tr. 7]; “Người quân tử đạt tới chỗ cao thượng, kẻ tiểu nhân đạt tới chỗ thấp hèn” [49, tr. 24]; “Đối với những người từ bậc trung trở lên, có thể dạy bảo về phần hình nhi thượng; đối với những người từ bậc trung trở xuống, không thể dạy bảo về phần hình nhi thượng vậy” [50, tr. 19]. Tử Tư (483 – 402 TCN.), trong sách Trung Dung, đã dẫn lời Khổng Tử như sau: “Hoặc sinh ra đã biết, hoặc phải học mới biết, hoặc phải cố công gắng sức mới biết, nhưng kể về hiểu biết thì như nhau” [51, tr. 20]. Như vậy, Khổng Tử và cháu của ông vừa muốn phổ quát hoá các phẩm cách khác nhau của con người, vừa muốn nhất thể hoá về mặt lý luận các phẩm cách đó. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc nêu mối quan hệ giữa các hạng người về năng lực trí tuệ với tính người Kế thừa tư tưởng Khổng Tử, Mạnh Tử (372 – 289 TCN) đã có một cống hiến xuất sắc cho việc giải quyết vấn đề triết học về con người nói chung và vấn đề tính người nói riêng. Có thể nói, ông là người lần đầu tiên đề xướng lên một học thuyết mang tính hệ thống về tính người. Học thuyết đó gọi là thuyết Tính thiện, hay còn gọi là nhân tính hướng thiện. Mạnh Tử nói: “Người ta ai cũng có lòng bất nhẫn [trước những đau khổ của người khác… Sở dĩ nói ai cũng có lòng bất nhẫn, là vì người ta chợt thấy đứa bé sắp ngã xuống giếng, ai cũng chột dạ, xót xa. Chẳng phải mong làm thân với cha mẹ đứa bé, cũng không phải mong xóm làng, bạn bè khen
  • 20. 14 ngợi, cũng chẳng phải tránh tiếng xấu. Do đó mà xét, không có lòng trắc ẩn, chẳng phải là người; không có lòng tu ố, chẳng phải là người; không có lòng từ nhượng, chẳng phải là người; không có lòng thị phi, chẳng phải là người vậy. Lòng trắc ẩn là đầu mối của điều nhân, lòng tu ố là đầu mối của điều nghĩa, lòng từ nhượng là đầu mối của điều lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí vậy. Người ta có bốn đầu mối đó, cũng như có hai tay, hai chân vậy” [47, tr. 859 – 862] Tuân Tử (khoảng 298 – 238 TCN), tác giả bộ Tuân Tử (có thể là do ông chấp bút gồm 32 thiên), là người có tư tưởng đối lập với thuyết Tính thiện của Mạnh Tử bằng khẳng định, bản tính con người vốn ác. Tuân Tử viết: “Tính của con người là ác, còn thiện là do con người làm ra. Tính của con người, sinh ra là có sự hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra là đố kỵ, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có; sinh ra có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa văn lý không có… Cho nên phải có thầy, có phép tắc để cải hoá đi, có lễ nghĩa để dẫn dắt nó, rồi sau mới có từ nhượng, hợp văn lý mà thành ra trị. Xét vậy mà thấy rõ tính của con người là ác, mà cái thiện là do con người làm ra vậy” [56, tr.354]. Thứ hai: Quan niệm của đạo đức học Mác xít Đạo đức học Mác xít cho rằng quan niệm thiện, ác của con người là một sản phẩm lịch sử. Ở mỗi thời đại, từ những quan hệ kinh tế, xã hội và giai cấp, con người hình thành nên những quan niệm thiện hay ác khác nhau tương ứng với xã hội trong thời đại đó. VD: Cái thiện trong thời kỳ phong kiến là cơm no, áo ấm cho người nông dân chân lấm tay bùn, là đối xử thương yêu, có tình với người làm. Cái thiện trong xã hội tư bản là tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, làm sao đem lại cho công nhân chế độ làm việc và lương thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Ngày xưa, cái thiện là trung với vua, hiếu với cha mẹ thì ngày nay có thêm nội dung mới là “trung với Đảng, hiếu với dân”.
  • 21. 15 Đạo đức mang tính giai cấp do vậy thiện, ác mang tính giai cấp, giai cấp này cho là thiện thì có khi giai cấp khác cho là ác. Mặc dù phản đối việc đề cao cái ác hoặc biện hộ cho cái ác, nhưng đạo đức học Mác- Lênin không đối lập một cách tuyệt đối giữa cái thiện và cái ác. Do là sản phẩm của lịch sử xã hội nên quan niệm về cái ác cũng thay đổi thậm chí trái ngược nhau từ xã hội này đến xã hội khác, từ thời đại này đến thời đại khác. Thứ ba: Quan niệm về thiện – ác của Hồ Chí Minh Giáo dục cái thiện và cái ác là vấn đề trung tâm của giáo dục đạo đức luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm coi trọng và thường xuyên quán triệt, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hiện nay. Hai phạm trù này được thể hiện khá rõ trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Trong bản thân mỗi người, cái thiện, ác thể hiện trong cách nghĩ và cách giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân với tập thể, giữa công với tư. Trong điều kiện nước ta hiện nay, giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Làm tốt điều này, xã hội sẽ phát triển tốt hơn, sẽ không còn nạn quan chức quan liêu, cửa quyền, vụ lợi, vị kỷ. Trong giáo dục đạo đức, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thiện, ác xã hội và thiện, ác đạo đức (cá nhân). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thiện, ác xã hội, xét đến cùng chính là khuôn mẫu, là môi trường sản sinh ra thiện, ác đạo đức. Người nhấn mạnh vai trò của nhà nước cùng với hoàn thiện chủ trương, chính sách và tổ chức xã hội có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng môi trường xã hội. Vậy, mỗi người phải luôn tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách để kết hợp phù hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể để cùng toàn xã hội hành thiện, bài ác. Hồ Chí Minh đã nói “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh” [59, tr. 55] Tác giả rất tâm đắc với quan điểm của đạo Phật về vấn đề thiện ác khi đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác, mà chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh,
  • 22. 16 chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện. Đạo phật chủ trương đem lại niềm an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội. Quan niệm Thiện - Ác trong Phật giáo Phật giáo cho rằng đứa trẻ sinh ra đã có sẵn cái mầm gen thiện hay ác. Cái mầm ấy không do Trời sinh ra mà do chính cái “quả” do nghiệp của kiếp trước mình tạo ra, và nó lại trở thành “nhân” của kiếp này. Con người chết đi cái thân xác vật lí – sinh học bị hủy hoại nhưng Tạng thức chứa Tam nghiệp vẫn còn, và “Nghiệp lực” đã “đẩy” Tạng thức ra khỏi thân xác tồn tại trong không gian. Phật giáo cho rằng quá trình đầu thai chính là sự kết hợp của ba yếu tố: tinh trùng cha, noãn châu/ trứng mẹ và thần thức/ chủng tử của kiếp trước. Đức Phật dạy rằng chính cái Thức/ Chủng tử đi đầu thai, tạo nên cái nhân đầu tiên (thiện hay bất thiện) chứ không phải do thiên tính - Trời sinh. Phật giáo cho rằng, trong cùng một môi trường, điều kiện giáo dục, phát triển nhưng cá tính, hiệu quả hoạt động… của mỗi người có thể rất khác nhau là do cái “mầm giống” ban đầu (chủng tử do kiếp trước tạo nên) khác nhau chi phối. Chủ trương của Phật giáo là chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện và thanh lọc tâm cho thanh tịnh, chứ không phải tiêu diệt cái ác, kẻ ác. Người xấu có thể chuyển hóa thành người tốt nếu biết ăn năn, xám hối, thay đổi tính cách. Trên đời không có ai hoàn thiện, tức không có ai ác hoàn toàn, cũng không có ai tốt hoàn toàn cho nên người người nên cố thu theo Phật, thấy việc ác thì tránh, việc tốt thì làm. Vậy muốn thanh tịnh được tâm ý, con người cần phải vượt qua sự chấp thiện và ác. Tức là khi làm việc thiện giúp người, giúp đời thì hãy làm bằng tất cả tấm lòng chân thành, tình thương yêu thật sự chứ không phải để sau này mong người ta sẽ trả ơn mình, hay khi đi chùa thì việc công đức vật chất, hay hương hoa cho nhà chùa thì phải với lòng nhất tâm kính lễ tôn tượng đức Phật với tâm kính noi gương chư Phật chứ không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân. Phật tử nên hiểu rằng, đến với chùa, với đức Phật là để thư thái tâm hồn, để đức ân của Phật chiếu rọi tâm hồn mình, cho hồn mình trong sáng hơn, chứ không phải đến với
  • 23. 17 đức Phật để cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình, cho bản thân. Vượt qua được sự cố chấp thiện và ác, tức là mình đã thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp, mới đi đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Thiện và bất thiện là hai phạm trù liên quan đến giới luật học hay đạo đức học, nó là cơ sở đánh giá khá chính xác phẩm cách, đạo đức từ suy nghĩ cho đến hành động của từng con người. Trong con người, những cá tính đối lập, xung khắc để dẫn đến những tư tưởng, hành vi có khi là đạo đức, có khi là phi đạo đức, chính là các biểu hiện thiện và bất thiện. Thiện và bất thiện là những hành vi đối lập, nhưng cùng tồn tại song song trong một hữu thể thống nhất là con người. Theo Duy thức học Phật giáo, Tàng thức hay còn gọi là tiềm thức A-lại-da là nơi dung chứa, tích tập, huân sinh rồi huân trưởng các hạt giống thiện và bất thiện.Các chủng tử này, tiềm ẩn dưới dạng năng lực tiềm phục. Các năng lực mà khi nó hiện hành đem lại những giá trị đạo đức thì đó là những hạt giống thiện.Các năng lực khi mà nó hiện hành đem lại những giá trị phản đạo đức thì đó là những hạt giống bất thiện. Cái thiện thể hiện trong lối sống, cách hành xử, trong lao động. Khi cái thiện được thực hiện, tức là mọi người sẽ san sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, giúp đỡ nhau những khi hoạn nạn, sát vai nhau những lúc khó khăn, nếu trong xã hội, cái thiện được xác lập và chiếm ưu thế thì cái ác sẽ bị tiêu diệt, xã hội ổn định, người người, nhà nhà hạnh phúc. Khi xã hội càng phát triển thì con người càng cần hướng đến sống thiện bởi như vậy, con người sẽ có điều kiện để sáng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Quan niệm về Thập Thiện (Mười điều lành) trong Phật giáo Thập Thiện gồm: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói vọng ngữ; Không nói ỷ ngữ; Không nói lưỡng thiệt; Không nói ác ngữ; Không tham lam; Không sân hận ; Không si mê. Một là: không sát sinh Sát sinh là sự sát hại sinh linh, đoạt mất mạng sống của các loài động vật, nặng hơn nữa đó là tội giết người. Theo Phật giáo, cần tôn trọng mạng sống của người khác, kẻ khác, không chỉ là con người, mà phàm cả động vật hay thực vật, trừ
  • 24. 18 trường hợp bất khả kháng. Phật tử không chỉ từ bỏ nghiệp sát mà còn biết khích lệ người khác từ bỏ sát sinh. Không có sự vui mừng nào hơn sự vui mừng không bị giết, không có ân huệ nào lớn hơn ân huệ cứu mạng hay không hại mạng. Do vậy, không sát sinh mà lại phóng sinh là nghiệp lành đứng đầu trong Thập Thiện Nghiệp. Người hằng ngày không sát sinh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân chánh để tu hành thành Phật, và đạt được mười pháp lành. Tuy nhiên, việc có phạm vào tội sát sinh hay không còn tùy trường hợp, hoàn cảnh và đặc trưng, tâm tính của các loài. Ví dụ như việc giết kẻ ác để trừ hại cho dân, cho người, giết các con vật to lớn, hung hăng không thể thuần hóa thì đó không coi là việc ác, vì việc làm ấy đem lại lợi ích cho đa số. Hoặc với cỏ cây, tuy có những biểu hiện của một sinh mệnh, đó là có sinh, có lớn, có tồn tại, có chết đi, nhưng không có tình thức, khi bị đốn ngắt cỏ cây chỉ có phản ánh vật lí mà không có phản ánh tâm lí, không khởi sinh sự khổ đau hay chống cự để giành giật sự sống, như vậy hành động đó không bị coi là ác, là phạm vào tội sát sinh. Xem xét tội sát sinh còn ở mức độ nặng hay nhẹ thì còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể, nếu biết rõ đối tượng là loài hữu tình mà vì lợi ích cá nhân vẫn cố tình sát hại thì tội nghiệp rất nặng; nhưng vì vô tình mà giết hại thì tội nhẹ hơn. Hay không có tâm sát hại hoặc không biết mà cũng không có sự hiện diện của đối tượng bị sát hại thì không phải chịu nghiệp báo bởi sự sát hại. Theo tâm trạng, thì nặng nhất là tội do tâm sân hận, biết phạm pháp luật mà vẫn cố ý giết hại kẻ khác, tội này phải bị đày vào địa ngục Vô gián, A Tỳ. Thứ đến là tội tuy có sân hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ ràng mà không sân hận trong khi thực hiện việc sát sinh. Tội nhẹ là không sân hận, do không hiểu biết mà giết nhầm. Theo đối tượng bị giết cũng có nặng nhẹ khác nhau như phá hủy thân Phật, giết hại các thánh nhân, những người có công lao to lớn với nhân loại, với dân tộc, giết hại cha mẹ, anh em, bạn hữu, thứ đến là phạm tội giết các người khác và tội giết hại các loài chúng sinh để ăn thịt. Phàm là sát sinh thì đều có tội.
  • 25. 19 Theo thời gian giết hại cũng phân ra nặng nhẹ, nếu sau khi sát sinh mà tâm vui vẻ, không cảm thấy tội lỗi, không biết hối hân thì tội nặng, nhưng sau khi sát sinh, thấy tội lỗi, thấy buồn, thấy hối hận, thậm chí tìm cách bù đắp cho sai lầm của mình thì tội nghiệp sẽ nhẹ hơn. Để trau dồi từ bi thì chẳng những không sát sinh mà nên thực tập ăn chay, tức là không ăn thịt chúng sinh. Việc ăn chay vừa tốt cho sức khỏe đó là ta không ăn phải chất độc từ máu của động vật tiết ra do giãy giụa sỡ hãi lúc sắp bị giết thịt, ăn chay cũng giúp bản tính hiền thục, bớt nóng nảy hơn là ăn thịt. Ngoài ra, nếu thường xuyên thực hiện việc phóng sinh bằng việc cứu giúp những sinh mạng sắp bị giết thì phúc đức sẽ vô cùng to lớn. Hai là: Không trộm cắp Không trộm cắp là không lấy những vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc người ta không cho mình, ví dụ như trộm cắp tài sản của công, hối lộ, trốn thuế, chiếm dụng tài sản bất hợp pháp… đều là trộm cắp. Người trộm cắp không những đánh mất lương tâm, nhân cách của mình mà còn gieo đau khổ cho người khác. Tài sản, vật chất là thứ quý giá với con người, con người phải nỗ lực làm việc mới có được nó, thậm chí, có người phải hy sinh cả cuộc đời để dành dụm được tài sản nhất định cho mình, cho nên khi bị mất đi tài sản riêng, người đó sẽ vô cùng đau khổ, thậm chí như mất đi một phần cơ thể của mình, nếu tài sản đó đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt của họ. Có người bị mất nhiều, có người buồn phiền, thất vọng sinh đau ốm, có khi tìm đến cái chết vì không thể chịu nổi. Như vậy, tội căn của người ăn trộm lớn lắm, vì đã gián tiếp cướp đi sinh mạng của người khác. Hơn nữa, theo lẽ công bình, mình không muốn ai lấy của mình thì mình đừng lấy của người khác, việc nào gây đau khổ cho mình thì đừng làm với người khác. Đặc biệt, nên hiểu rằng, thứ có được không phải do công sức mình làm ra thì cũng sẽ nhanh chóng tan biến, hơn nữa, tài sản có được từ việc trộm cắp thì tâm không bao giờ được thảnh thơi, mà còn bị người đời khinh bỉ, tạo nghiệp cho đời sau. Kẻ phạm tội trộm cắp, tùy theo nặng nhẹ, kiếp sau phải chịu vào một trong các đường
  • 26. 20 xấu của Lục đạo (sáu đường luân hồi). Quả dị thục nhẹ nhất của trộm cắp là bị tổn hoại tài sản. Các hình thức bị coi là trộm cắp: Nhặt được của rơi mà sinh lòng tham không trả lại cho người. Buôn gian bán lận, cân non, cân thiếu, bớt xén của người khác. Đột nhập vào nhà khác lấy của cải, thậm chí nếu giết người để lấy của cải thì phạm thêm tội sát sinh. Lợi dụng lòng tin của người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vay mượn không trả, dung túng kẻ khác trộm cắp, hay tham nhũng của công. Theo hành thập thiện thì không những không trộm cắp mà cần phải chuyên tâm thực hành hạnh bố thí, tức là cứu giúp người hoạn nạn, khó khăn. Một xã hội không còn trộm cắp, mọi người luôn biết yêu thương, giúp đỡ nhau thì xã hội sẽ được thái bình, an lạc, hạnh phúc biết bao! Ba là: Không tà dâm Với người xuất gia, muốn chứng quả, thành đạo, phải đoạn trừ dâm tục ở thân cũng như ở tâm, còn với người tại gia, không tà dâm tức là phải đăng ký kết hôn rồi mới được chung sống với nhau như vợ chồng hoặc khi đã là vợ chồng thì cần chung thủy, có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình. Trong kinh Đức Phật khẳng định ân ái dâm dục là một ác nghiệp ghê gớm, không bao giờ song hành với Bồ đề giải thoát,vì thế những người xuất gia phải đoạn trừ lòng dâm tục. Trong gia đình, chồng không tà dâm, vợ không ngoại tình thì cuộc sống an vui, hạnh phúc, sự nghiệp vững bền, dòng họ an vui. Những người biết tu tập thực hành việc tốt, thực hành Thập thiện nghiệp, không những tránh được mọi nghiệp ác và gây được nhiều quả lành trong đời sống hiện tại. Người không tà dâm thì tinh thần thoải mái, an vui, được hưởng nhiều quả lành ở kiếp sau. Bốn là: Không nói dối Là những lời nói sai sự thật, gây ảnh hưởng tới người khác.
  • 27. 21 Có nhiều loại nói dối: nói dối vì đùa vui, nói dối để lừa phỉnh, để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi hay nói dối để thu lợi bất chính. Chỉ có trường hợp nói dối với mục đích cứu khổ độ nguy, giải cứu nguy nan cho chúng sinh, cho người và vật, mới không phạm tội. Năm là: Không nói thêu dệt Tức lời nói không đúng sự thật, có sự thêu dệt, có lời đường mật nhưng tâm không tốt, làm lung lạc lòng người. Về cơ bản, nói thêu dệt cũng là một hình thức của nói dối nhưng tinh vi, khó phát hiện hơn, chỉ khi nào mục đích của người nói thêu dệt được thực hiện thì người khác mới biết, vì thế có thể nói nói thêu dệt còn nguy hại hơn nói dối. Nếu như nói dối là nói sai sự thật thì nói thêu dệt là nói văn hoa, tinh vi có ý đồ, mục đích hẳn hoi. Người nói thêu dệt sẽ bị mọi người cười chê, xa lánh, bị mất niềm tin. Sáu là: Không lưỡng thiệt Là cùng một hiện tượng, sự kiện nhưng được thông tin, diễn giải với nội dung xuyên tạc khác nhau nhằm ly gián, gây mâu thuẫn. Những người gây phải tội lỗi như trên như bị quả báo là câm ngọng, sứt môi hay nhiều lưỡi hay bị đày xuống địa ngục, kiếp sau thành súc sinh. Do đó, là đệ tử của Phật, chúng ta phải “Từ bỏ nói lời đòn xóc, chấp nhận từ bỏ nói lời đòn xóc và tán thán từ bỏ nói lời đòn xóc”. Bảy là: Không ác khẩu Là những lời nguyền rủa, chửi thề, nói tục nói bậy hay lời nói dữ dằn, độc ác xuất phát từ tâm niệm sân si. Ác khẩu thường đem lại đau khổ, buồn phiền, bực bội cho người khác. Trái lại không ác khẩu là lời nói dễ nghe, nhẹ nhàng, dễ cảm mến, tạo được sự tin tưởng. Dù là lúc vui hay lúc buồn, dù là với người trên hay dưới, sang hay nghèo thì đều nói những lời khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Lời nói rất quan trọng trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Một lời nói có giá trị có thể giúp được rất nhiều người, nhưng một lời nói thô lỗ, phỉ báng, khó nghe có thể dẫn đến những hành động sai trái. Vì thế, không nói lời độc
  • 28. 22 ác là một hạnh tu trong Hành Thập Thiện. Đó là hạnh tu nói lời dễ nghe, dịu dàng, dễ cảm mến để tránh mang tội ác. Tám là: Không tham lam Lòng tham là cái gốc của sinh tử luân hồi. Lòng tham hay sự ham muốn dục lạc bao gồm Ngũ dục: Tài (tiền), danh (danh vọng), sắc (sắc đẹp), thực (sự ăn uống) và thùy (ngủ nghỉ). Năm điều này con người không thể tránh khỏi. Khi lòng tham được thỏa mãn thì con người sung sướng, hạnh phúc, còn ngược lại, khi lòng tham không được thỏa mãn thì con người dễ bất mãn, khổ đau, chán chường. Lòng tham của con người là “cái thùng không đáy”, không biết bao nhiêu cho đủ đầy. Chưa có thì muốn có, có rồi lại muốn có cái nhiều hơn, tốt hơn. Vì thế, suốt cuộc đời con người cứ phải suy nghĩ, phải làm việc để chạy theo sự ham muốn của mình, điều đó khiến con người chẳng bao giờ cảm thấy thảnh thơi và hạnh phúc được cả. Bởi hạnh phúc là sự thỏa mãn, mà không bao giờ chịu bằng lòng với những gì mình có thì sẽ không bao giờ có được hạnh phúc. Chín là: Không sân hận Đó là người luôn giữ được sự điềm tĩnh, không nổi nóng, giận hờn, oán trách, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thậm chí tươi tỉnh đón nhận những điều xảy ra mà không theo ý muốn. Người không sân hận biết rằng chỉ còn cách là bình tĩnh giải quyết vấn đề đã xảy ra thay vì bực tức không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, người không sân hận không bao giờ có thái độ đố kỵ, ghen ghét, thậm chí còn vui trước thành công và hạnh phúc của người khác. Trái lại, người sân hận là người hay ghen ghét, đố kỵ, hay nổi nóng, thể hiện sự khó chịu, sự không vừa ý của mình qua từng nét mặt, cử chỉ, lời nói, họ sẵn sàng phản ứng gay gắt bằng những lời nói rất khó nghe, làm tổn thương người khác, và họ cảm thấy hả dạ vì điều ấy. Tính cách sân hận gây ra rất nhiều tai hại, nó như một ngọn lửa thiêu đốt bản thân và những người xung quanh, gây mất đoàn kết bạn bè, mất hòa khí gia đình, anh em. Nặng hơn nữa, gây đổ vỡ hạnh phúc, tan nát gia đình, xã hội rối loạn. Con
  • 29. 23 người sống với nhau không có tình yêu thương, bao dung, vị tha, không có sự tỉnh táo, gây ra bao nghiệp ác. Trên thực tế, muốn diệt trừ sân hận, ngoài việc phát khởi hạnh từ bi hỷ xả thì phải biết dẹp cái ngã, dẹp bớt cái tôi của mình, có như vậy, cuộc sống luôn thanh thản, được mọi người yêu mến, kính trọng. Mười là: Không si mê Người không si mê là người có trí tuệ sáng suốt, có hiểu biết đúng đắn, biết làm điều lành, tránh điều ác. Trái lại, người si mê là người thiếu hiểu biết, trí tuệ hạn hẹp, cố chấp, dễ bị lợi dụng, sai khiến, dễ lạc vào con đường sa ngã bởi thiếu hiểu biết và thiếu bản lĩnh. Đức Phật dạy muốn diệt trừ nghiệp si mê phải trải qua tam vô lậu học tức là giới, định, tuệ. Nhờ nghiêm trì giới luật mới phá trừ được si mê, mới thành tựu được nhiều công đức. Theo đạo Phật, con người muốn có cuộc sống an lành, hạnh phúc thì phải thực hiện mười pháp lành trên, tức là thực hành những chuẩn mực đạo đức của đức Phật răn dạy. Pháp lành tức là những thiện pháp cần được thể hiện cụ thể, điều này có nghĩa là những gì chúng ta nghĩ là tốt, biết là tốt thì điều đó chưa đủ để trở thành người tốt, mà nó cần được thể hiện cụ thể qua cuộc sống, cần được tôi luyện, cần được thể hiện ra bên ngoài bằng hành động cụ thể của thân, khẩu, ý. Người nào thực hiện được mười điều thiện, người đó sẽ cảm hóa được những người xung quanh, người ấy sẽ được mọi người yêu mến, chính bản thân họ đã tiêu diệt đi sự tranh đua, hóa giải những tị hiềm, đố kị, tạo ra sự an lạc cho mọi người và chính họ. Từ bỏ sát sinh, cứu sống mạng người sẽ được trường thọ, ngược lại, tiếp tục giết hại thì mạng căn ngắn ngủi và đầy bệnh tật. Quảng đại bố thí sẽ đưa đến giàu có, trộm cắp dẫn đến nghèo khổ. Giữ giới thanh tịnh thân sẽ được cường tráng, an vui; phá giới, tà dâm thân thể sẽ bạc nhược, gia đình tan rã. Nói lời chân thật sẽ được tin cậy, nói dối đem lại bất tín. Nếu biết tự mãn không tham lam, đời sống sẽ sung túc. Có lòng từ bi sẽ được đối xử tử tế và kính trọng, độc ác sẽ bị đối xử tệ bạc và nghi ngờ. Giảng nói điều chân chính thì thông minh và trí tuệ sẽ tăng trưởng, chấp nhặt vào sự hiểu biết
  • 30. 24 sai lầm thì tâm trí sẽ nhỏ hẹp và ngu đần. Có thể nói, mười điều thiện của đạo Phật là một nền tảng những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể, bao trùm tất cả mọi hành vi, lẽ sống của con người. * Từ bi Từ bi là một trong Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật giáo, là những giá trị cơ bản nhất của đạo đức Phật giáo. Đạo Phật thường được coi là một tôn giáo từ bi, tỏa rộng tình thương không giới hạn đến muôn loài, không chỉ là con người mà còn là tình thương đối với các loài vật, cỏ cây…tồn tại trong môi trường tự nhiên nói chung. Trong nhiều kinh Phật, Phật tổ khuyên con người không vô cớ chặt cây, khai quật thổ nhưỡng bừa bãi mà nên tôn trọng sự sống, bảo vệ thiên nhiên xung quanh ta. Từ bi là giá trị nền tảng của Phật giáo. “Từ” là hiền hòa, ban cho sự vui, thể hiện lòng khoan dung, độ lượng; “Bi” là thương xót, cứu giúp cho hết khổ. Từ bi là tìm cách đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, quên lợi ích của bản thân và không mong được báo đáp. Đức Phật khuyên chúng sinh tu tập lòng Từ để diệt trừ Sân tâm, tu tập tâm Bi để dứt lòng tác hại, tu tập tâm Hỷ để diệt trừ bất lạc, tu tập tâm Xả để trừ oán hận tâm. Tu tập Quán bất tịnh để trừ tâm tham ái, tu tập quán vô thường để trừ ngã mạn, kiêu căng. Tâm Từ Bi Hỷ Xả quảng đại và vô biên được Đức Phật ví như một hồ nước mát trong có sen thơm ngào ngạt làm thỏa lòng người lữ hành bốn phương khi đang trong cơn nóng bức. Cội nguồn của tâm từ bi là triết lý bình đẳng nơi chúng sinh. Đạo Phật được khởi xướng bởi một người thầy đã chứng đắc chân lý và đem chân lý đó giác ngộ cho những người khác. Đạo Phật không thừa nhận có một Đấng tối cao sáng tạo ra thế giới, đó là một sự bình đẳng tuyệt đối theo cách nhìn: “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”! Phật giáo ra đời là tiếng nói của đông đảo quần chúng bị áp bức trong xã hội Ấn Độ cổ đại phản kháng lại chế độ đẳng cấp nghiệt ngã của đạo Bà La Môn. Với tâm từ bi rộng mở, Phật giáo đã phá đi hàng rào ngăn cách vô nhân đạo giữa con người với con người.
  • 31. 25 Dưới nhãn quan Phật giáo, mọi sự vật trong thế giới này là vô thường, là vô ngã, là không có thực thể. Dù là sắc đẹp lộng lẫy, dù là danh vọng cao xa, dù là tiền rừng bạc biển v.v…tất cả đều là vô thường, vô ngã, không có thực thể nội tại. Không có gì là cần phải tham đắm, không có gì để vơ lấy của mình. Con người thấu triết lý vô ngã là con người giải thoát, tuy sống giữa đời mà không bị đời trói buộc, với thái độ luôn luôn bình tĩnh, thanh thoát, an nhiên và tự tại. Từ thế giới quan đó, Phật giáo hướng con người đến tâm Từ bi rộng mở, hướng đến tha nhân, quên đi thói ích kỷ, tham lam của con người. Đạo đức Phật giáo bắt rễ từ hiện thực cuộc sống, từ nhu cầu và lợi ích của chúng sinh, thấm đậm tình yêu bao la đối với tất cả các loài hữu tình nên có sức sống mãnh liệt, dễ lan tỏa thấm sâu vào hồn người, chuyển hóa tâm thức con người. Mục đích của đạo Phật là xây dựng tâm thức ổn định, không sát hại, an lạc và từ bi cho từng con người, luôn đem lòng từ bi để xóa bỏ hận thù. Đây chính là sự đóng góp cụ thể và cơ bản nhất của Phật giáo, giúp hóa giải sự thù hận, mâu thuẫn trong xã hội và xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc. Chính vì vậy, tư tưởng đạo đức Phật giáo có giá trị vượt thời gian, góp phần tích cực vào việc xây dựng một nếp sống đạo đức hướng thượng đối với cá nhân và cho xã hội. 1.1.2. Chuẩn mực cơ bản của đạo đức Phật giáo – Ngũ giới “Giới” là những điều ngăn cấm, là chuẩn mực đạo đức của Phật giáo. Phạm trù “giới” trong Phật giáo có nội hàm rất rộng: Giới cho người xuất gia nói chung; giới của tỳ kheo (sư nam) là 250 giới; giới của tỳ kheo ni (sư nữ) là 348 giới. Ngoài ra còn có giới luật Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa…Song chung quy lại đều từ Ngũ giới mà triển khai ra, cụ thể hóa hoặc nâng cao hơn. Ví dụ, điều đầu tiên của Ngũ giới là “Không sát sinh”, song trong giới Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa thì thấy người bị hại mà không cứu đã là phạm tội, như vậy yêu cầu về giới đã cao hơn rất nhiều. Ngũ giới có vị trí vô cùng quan trọng trong giới bổn của đạo Phật, là nền tảng ban đầu để từ đó phát triển ra các giới khác.
  • 32. 26 Ngũ giới là năm điều Đức Phật nói với các Tỳ Kheo khi ngài ở Kỳ Viên (Anatapindika), nước Xá Vệ. Năm giới này được coi là nguyên lí đạo đức tối thiểu để có một đời sống trọn vẹn và tự nguyện. Thập thiện (đã phân tích ở phần trên) chính là sự bổ sung, cụ thể hóa cho nội dung của Ngũ giới và liên quan chặt chẽ với Ngũ giới. Nếu xuyên suốt toàn bộ giáo lý tư tưởng Phật giáo chính là hướng con người đến “thiện”, thì “hướng thiện” thể hiện rõ nhất ở trong giới luật là trong “Ngũ giới”. 1) Không sát sinh Đây là giới đầu tiên và cơ bản của Phật giáo thể hiện tinh thần từ bi giúp con người hướng thiện. Không sát sinh là không được giết hại đến các động vật có sinh mạng mà trước hết là không giết người. Tuy nhiên, tính chất thiện ác trong việc sát sinh phải xuất phát từ bản chất, mục đích của hành động “Nhất niệm khởi, thiện ác dĩ phân”. Nếu giết người để thỏa mãn và mưu lợi thì đó là việc ác nhưng nếu giết người để bảo vệ hòa bình, giành độc lập cho dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi lầm than thì đó là việc làm hướng thiện. Đây là quan niệm sống nhằm hướng con người tránh xa những điều ác, làm nhiều điều thiện. Nếu giữ được giới này sẽ không có sự tàn sát, không có chết chóc, đau khổ…Sự sống là ân huệ lớn nhất mà tạo hóa ban cho vạn vật và khi đã hữu sinh muôn loài thì đều ham sống sợ chết như nhau. Vì vậy, đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi và cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tật, đau khổ và hoạn nạn. 1) Không trộm cắp Không được lấy vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình khi không được đồng ý, dù vật đó đang tồn tại trong tự nhiên. Nếu không giữ được giới này, con người dễ bị lòng tham xui khiến dẫn tới những hành vi tiêu cực, có tác hại đến đạo đức con người vì lòng tham con người như chiếc túi không đáy, khi bị lòng tham che phủ thì dù là ai, đứng ở vị trí nào cũng dễ làm những việc sai trái. Trong xã hội hiện nay, để thỏa mãn lòng tham thì việc trộm cắp của con người ngày càng trở nên tinh vi hơn, phức tạp hơn. Đưa ra giới này, đạo Phật muốn giáo dục chúng sinh sống luơng thiện, tạo sự tin tưởng, yên vui cho mọi người, mọi nhà, muốn tâm thanh tịnh và cuộc sống lâu bền thì chỉ có đứng trên đôi chân của chính mình, khi trộm cắp không còn, chắc chắn xã hội sẽ được bình yên.
  • 33. 27 2) Không tà dâm Đối với người tại gia, hiểu theo nội hàm chung nhất là “duy chế tà dâm”, tức là phải ngăn ngừa, hạn chế dục vọng trong một giới hạn nhất định mà xã hội cho phép. Đối với vợ chồng phải có cưới hỏi chính thức, được pháp luật công nhận. Với những người quy y tam bảo thì phải đoạn trừ dâm dục. Không tà dâm nhằm hướng con người tới lối sống lành mạnh, trong sáng, nhằm phát triển nhân cách con người một cách toàn diện, là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của một gia đình và rộng hơn là toàn xã hội. 3) Không nói dối Là tôn trọng sự thật, giữ lòng thành tín với mọi người, không được lộng ngôn, xảo ngôn và vọng ngôn. Đạo phật cho rằng có mười điều ảnh hưởng đến nhân cách con người, đó là: Ba điều thuộc về thân: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm Ba điều thuộc về thức: Tham dục, nóng giận, tà kiến Bốn điều còn lại do khẩu: Nói hai lưỡi, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. Có thể thấy trong mười độc tố có thể nguy hại đến nhân cách con người thì hành động do miệng gây ra chiếm đến bốn. Do đó, ngăn ngừa những hành vi thuộc về khẩu nghiệp là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu nói dối để người bị hại khỏi khổ đau, do lòng nhân cứu người, cứu vật thì không sai phạm (căn cứ vào mục đích của hành động). Ông cha ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa lời ở đây không phải là thêm nếm làm thay đổi ý nghĩa câu nói mà nên chọn lời hay ý đẹp, nói năng nhẹ nhàng để người nghe cảm thấy dễ chịu. Như vậy, với lý luận về giới thứ tư, Phật khuyên chúng ta sống trung thực, nói lời trung thực. Khi trung thực, con người sẽ được kính trọng, tin yêu, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. 5) Không uống rượu Kinh “Bồ tát giới nói” nói: “Phật tử nếu cố ý uống rượu, mà rượu thì dẫn ra vô số lỗi lầm, tự tay mình trao rượu cho người khác uống mà năm trăm đời kiếp cánh tay
  • 34. 28 không có, huống chi chính mình tự uống. Cũng không được chỉ bảo cho mọi người uống rượu hay luyện tập cho các sinh vật khác uống rượu, huống chi chính mình uống lấy. Nếu bất cứ rượu gì cũng không được uống. Nếu cố ý uống hay bảo người khác uống thì phạm tội khinh cấu” [60, tr. 107 – 108] Không chỉ rượu mà bất cứ thứ gì có khả năng làm cho con người không còn tỉnh táo thì không được dùng đến. Theo kinh Thiện Sinh, uông rượu gây ra sáu lỗi: Mất của, sinh bệnh, gây gổ, tiếng xấu đồn xa, dễ sinh nóng giận, trí tuệ mỗi ngày giảm dần. Những lỗi này một mặt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính người đó, mặt khác làm băng hoại đạo đức xã hội. Vì thế, người biết đạo đức phải tránh xa không uống rượu. Uống rượu chẳng những làm mất trí khôn, lại gây nên bệnh hoạn cho thân thể, còn di hại cho con cái sau này đần độn. Quả là tai họa cho cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cho phép đó là khi người phật tử mắc bệnh, bác sĩ cho phép để điều trị thì người này được uống rượu đến khi lành bệnh thì chấm dứt. Giới thứ năm cũng nói thêm rằng “không uống rượu” còn phải tuyệt đối cách ly những nơi rượu chè, mặc dù mình không uống, không được xúi giục người khác uống rượu. Giới này hiện nay được mở rộng ra là bất cứ thứ gì làm người ta mê muội, mất hết khả năng lý trí thì không được dùng. Nếu giữ được giới này thì sẽ được phước là bình tĩnh, sáng suốt, luôn làm chủ được mình, nuôi dưỡng sự trầm tĩnh tạo cho chúng ta tác phong đúng đắn, luôn ý thức được địa vị và tư cách của mình và đời sau không tái sinh vào con đường dữ. Giữ gìn năm giới này là vì bản thân mỗi người chứ không phải vì Phật. Tinh thần giới căn bản của Phật giáo là làm lành, lánh ác, từ, bi, hỉ, xả. Đức Phật không tự nhiên đặt ra nhiều giới luật mà mỗi giới luật được chế ra đều dựa trên sự kiện thực tế cuộc sống nhằm ngăn ngừa các ác bất thiện pháp giúp hành giả được thanh tịnh, làm nền tảng cho sự phát triển tâm linh để mang lại an vui cho con người. Ngũ giới là đạo đức cơ bản của người Phật tử khi bắt đầu bước chân trên con đường tu hành để đi tới giác ngộ, giải thoát. Thực hành Ngũ giới không chỉ nuôi dưỡng lòng từ bi, khơi dậy tinh thần nhân văn trong mỗi con người mà còn góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, lành
  • 35. 29 mạnh. Vì vậy, trải qua hơn 25 thế kỉ những giá trị giáo dục của Ngũ giới vẫn còn vẹn nguyên đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. 1.1.3. Thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi Thuyết nhân quả Nhân quả theo Phạn ngữ là pratitya – Samut – Pada, có nghĩa là duyên khởi. Nhân là nguyên nhân, “quả” là kết quả của cái nhân ấy. Duyên là chỉ những vật (hay những điều kiện có tính chất trợ giúp cho sự vật này sinh ra sự vật khác). Nhân duyên là chuỗi điều kiện tương quan, liên hệ nhân với quả, quả với nhân, biến hóa vô thường, cho nên gọi một cách chính xác là luật “Nhân – duyên – quả”. Theo đó, vạn vật trong vũ trụ nương nhau mà phát sinh “vì cái này có cho nên cái kia sinh, vì cái này diệt cho nên cái kia diệt”. Theo Phật giáo, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều chịu sự tác động của luật nhân quả. Mạng lưới nhân quả đã liên kết mọi sự vật cả về thời gian lẫn không gian nên không chỉ vạn vật trong hiện tại tồn tại lệ thuộc lẫn nhau mà tất cả sự vật trong quá khứ cũng như trong tương lai đều liên quan đến nhau. Luật nhân quả không bị ràng buộc bởi thời gian có nhân quả tạo thành trong kiếp này, có nhân quả phải đến kiếp sau mới thành quả. Không nơi nào trên trên đời này dù trên trời, dưới biển, hay trong hang đá làm người làm điều ác có thể tránh được hậu quả của hành động bất thiện. Đó là quy luật tất yếu của vũ trụ và đời sống. Luật nhân quả được giải thích cặn kẽ qua “Thập nhị nhân duyên”. Nhân là yếu tố quyết định, điều kiện chính làm sinh khởi, có mặt của một hiện hữu. Duyên là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho nhân sinh khởi. Ví dụ: hạt thóc là nhân của cây lúa, các yếu tố như đất, nước, không khí, phân bón…là duyên để hạt lúc nảy mầm phát triển thành cây; duyên chính là điều kiện cho nhân thành quả. Trước khi Phật ra đời, cũng có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên. Họ quan sát tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán
  • 36. 30 các sự vật, chỉ có tính đối đãi, chứ không có tự tính. Ví dụ như tờ giấy, nó có những thuộc tính là trắng, mỏng… những thuộc tính đó đều là đối đãi, vì trắng đối với cái không mà có, mỏng đối với cái dày mà có… Quan sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều không có thật, theo duyên mà thành có. Từ đó, ngộ được rằng các pháp đều vô ngã, cảnh vô ngã, thân cũng vô ngã, ngay cả sự sống chết đều vô ngã. Cần nhận rõ hành tướng của các nhân duyên, hiểu rõ sự tác động của nhân duyên này đối với sự phát sinh của nhân duyên khác, dùng phép quán duyên khởi, diệt trừ những khâu chính trong dây chuyền 12 nhân duyên , để đi đến chứng được đạo quả của Duyên giác thừa. Mười hai Nhân Duyên là mười hai điều kiện quan hệ với nhau để thành hình một chúng sinh hữu tình. Ý nghĩa của mười hai Nhân Duyên được thiết lập cách đây khoảng hơn 25 thế kỷ. Giáo lý này do chính Tất Đạt Đa thể chứng dưới cội bồ đề sau 49 ngày tư duy thiền định, từ đó Ngài trở thành một bậc Giác ngộ hoàn toàn. Mười hai nhân duyên này dùng để giải thích tại sao con người cứ phải xoay chuyển trong vòng luân hồi sinh tử. Từ đó giúp con người định hướng trong suy nghĩ và hành động để điều khiển thân, tâm làm lành, tránh ác. Người ta ví 12 nhân duyên như sợi dây chuyền có nhiều vòng, vòng này móc vào vòng kia không có mối manh, bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh, Sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Hữu, Sinh, lão tử. Do vô minh là nguồn gốc gây ra mọi đau khổ nên chỉ khi vô minh bị xóa bỏ thì chuỗi xích của vòng nhân duyên sẽ bị phá vỡ từng mắt cho tới khi lão và tử ngừng tồn tại. Ý nghĩa của mười hai nhân duyên 1/ Vô minh: Vô minh là không sáng suốt, là mê lầm, không hiểu biết đúng và đủ về các sự vật, hiện tượng, các mối quan hệ xung quanh. Vô minh là nguồn gốc gây nên mọi tỗi lỗi, làm cho chúng ta đau khổ. 2/ Hành: Nghĩa là hành động, vì có vô minh nên mới gây ra sự chuyển dịch thành hành động, hành là tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng, làm cho chúng
  • 37. 31 sinh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp rồi về sau chịu quả báo. 3/ Thức: Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác. Thức là một trong ba phần tử “thọ, noãn, thức” để thụ thai và tạo thành thân mạng. 4/ Danh sắc Các thức theo nghiêp báo duyên sinh ra sắc. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh; danh bao gồm những cái không có hình tướng, như cái sự hay biết, nói một cách khác, là thức tâm thuộc nghiệp nào, thì hiện ra thâm tâm và cảnh giới của nghiệp ấy. 5/ Lục nhập Khi sự sống được hình thành và tăng trưởng (kết thai), thì 6 quan năng được hình thành (bào thai), đó là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Ý có đối tượng Sáu trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần. 6/ Xúc Xúc chạm đối đãi, nghĩa là sau khi thai nhi ra đời có sự tiếp xúc giữa quan năng với ngoại cảnh, nhưng vì còn nhỏ chừng 1,2 tuổi nên trẻ con chưa biết nhận xét vui, buồn, tốt, xấu,…vì chưa có đủ lý trí để phân biệt, cảm nhận một cách rõ ràng, tinh tế nên trong giai đoạn này gọi là xúc. Do những lãnh nạp như thế, mà các trần ảnh hưởng đến tâm hay biết sinh ra quan hệ với nhau, nên gọi là xúc. 7/ Thọ Đây là giai đoạn đứa bé chừng 3 đến 13 tuổi, đứa bé biết thương ghét, giận hờn, buồn, vui, đam mê…
  • 38. 32 Do những quan hệ giữa tâm và cảnh như thế, nên sinh ra các thọ là khổ thọ, lạc thọ, hỷ thọ, ưu thọ và xả thọ. 8/ Ái Do biết buồn vui, thương ghét cho nên sinh lòng tham ái, đây là tuổi dậy thì từ 14 đến 19 tuổi. Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết. 9/ Thủ Từ 20 tuổi trở đi, thân thể phát triển cường tráng, sự tham ái càng mạnh cho nên yêu thích cái gì thì muốn giữ lấy cái đó. Do tâm gắn bó với thân, với cảnh nên không thấy được sự thật như huyễn, như hóa, mà còn kết hợp được những ảnh tượng rời rạc đã nhận được nơi hiện tại, thành những sự tướng cố định, rồi từ đó chấp nhận mọi sự vật đều có thật, sự chấp trước như thế, gọi là thủ. 10/ Hữu Do Ái và Thủ làm nghiệp nhân nên phải có (hữu) thân sau để chịu quả báo lành dữ. Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu. 11/ Sinh Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tính, nên nhận lầm thật có sinh sống. 12/ Lão tử Lão tử là già rồi chết, do có sinh sống, nên có già, rồi có chết. Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, truyền trong nhiều đời. Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều quả nhưng cũng có quả do nhiều nguyên nhân sinh ra.
  • 39. 33 Quá trình nhân chuyển thành quả không bị ràng buộc vào thời gian. Có nhân tạo thành quả ngay trong kiếp này, có nhân phải đến kiếp sau hoặc kiếp sau nữa mới thành quả (Nhân quả ba đời). Mười hai mắt xích của chuỗi luân hồi được xếp theo thứ tự đảo ngược như sau: Lão và tử do Sinh gây ra, bởi có sinh thì mới có lão, tử. Sinh do Hữu gây ra (hữu là sự sinh tồn). Hữu do Thủ gây ra Thủ do Ái gây ra (Ái là khát vọng, dục vọng mù quáng) Ái do Thụ gây ra (Thụ là cảm thụ) Thụ do Xúc gây ra (Xúc là tiếp xúc) Xúc do Lục căn gây ra Lục nhập do vật và hình dáng gây ra Danh sắc do Thức (nghĩ ngợi) gây ra Thức do Hành gây ra Hành do vô minh gây ra Vô minh là mắt xích cuối cùng, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Theo Phật giáo, chỉ cần xóa bỏ được vô minh, chuỗi xích của vòng nhân duyên sẽ bị phá vỡ cho tới khi Lão và Tử ngừng tồn tại. Dù ra đời cách đây 2500 năm nhưng luật nhân quả giáo lý nhà Phật đã thể hiện được tính duy vật biện chứng khi cho rằng thế giới này không có nguyên nhân đầu tiên và không có nguyên nhân cuối cùng. Luật nhân quả chỉ ra rằng: muốn biết cái kiếp trước mình sống thế nào thì hãy xem kiếp này mình đang sống ra sao, muốn biết kết quả của kiếp sau ra sao thì hãy nhìn cách sống kiếp này của mình. Theo đạo Phật, không có vị thánh hay thần linh nào đang thưởng phạt con người mà chính con người tự quyết định cuộc sống của chính mình. Phật giáo đã đặt lên vai con người trách nhiệm cá nhân và sự tự do. Thuyết nhân quả của Phật giáo chứa đựng tinh thần biện chứng duy vật, phản kháng đối với niềm tin vào thần quyền và đem lại cho con người một niềm tin vào sự tinh tấn, nỗ lực của bản thân. Thuyết nhân quả không làm con người con người sợ hãi
  • 40. 34 mà có tác dụng khuyến thiện, trừ ác, ngăn chặn tội ác từ trong nguyên nhân. Đây chính là sự cống hiến lớn của Phật giáo. Thuyết nghiệp báo, luân hồi Gắn bó chặt chẽ với luật Nhân quả là thuyết Nghiệp báo, Luân hồi. Nghiệp (Karma) được hiểu là hành động có tác ý hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành vi, ngôn ngữ và tư duy, nghiệp báo là sự tác ý, hay ý muốn. Còn luân hồi theo Phật giáo thì sau khi chết hoặc trước khi sinh ra, không có đời sống nào nơi con người là không tùy thuộc vào Nghiệp, hay hành động có tác ý. Nghiệp báo là hệ luận của luân hồi, ngược lại Luân hồi là hệ luận của Nghiệp báo. Hai giáo lý này bổ sung và gắn bó với nhau rất mật thiết. Luân hồi diễn tả một chuỗi nghiệp báo hay một tràng Nhân quả chuyển động nối tiếp nhau giống như bánh xe quay từ quá khứ đến hiện tại và tiếp diễn đến tương lai. Nếu hiểu được thuyết Nghiệp báo, Luân hồi con người sẽ tự xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, làm nhiều điều thiện để tích đức cho bản thân và con cháu. Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn, cứ lên xuống quay tròn như vậy không ngoài ba đường ác và ba đường lành, gọi là luân hồi. Nghiệp là luật công bằng cho tất cả mọi người, mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn 10 điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, còn làm không tới 10 điều ác nhưng nặng về tham thì sinh vào quỷ đói, kiếp này sống lâu nhưng luôn trong cảnh đói khát nên cũng rất khổ. Tiếp đến là súc sinh, súc sinh không được coi là con người. Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống thanh thản, giàu không tự đại, nghèo không trách giận ai. Nếu hiểu thì thấy rằng kiếp này ta đang được hưởng phước mà không biết giữ tâm trong sạch hoặc chia sẻ cho những người nghèo khổ thì kiếp sau mình lại khổ, còn kiếp này mà đang phải nghèo khổ nhưng vẫn không chịu hiểu, không chịu chấp nhận để cố gắng thay đổi, thậm chí tiếp tục có những hành vi sai trái để vượt khổ bất chính thì kiếp sau sẽ còn khổ hơn nữa. Biết rõ lý do luân hồi tự nhiên ta tạo ra cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai, nhẫn nhịn, phấn đấu để thay đổi số phận trong kiếp sống tương lai.
  • 41. 35 Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm sẽ thấy. Có gia đình cha mẹ hiền mà con ác hoặc ngược lại, nên mới có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, điều đó có nguyên nhân từ đâu? Phật giáo cho rằng chính do sự tích lũy của đời trước. Theo quan niệm của đạo Phật, cuộc sống con người tiến hóa qua vô số những kiếp sống, tức là cứ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Mặc dù Nghiệp báo là một định luật rất nghiêm ngặt nhưng cũng linh động, thể hiện ở chỗ nếu kiếp trước làm nhiều việc ác mà kiếp này tu nhân tích đức, làm nhiều việc thiện thì có thể thay đổi cuộc đời, vì thế mới có chân lý “ai cũng có thể trở thành Phật”. Còn về thuyết Luân hồi có nghĩa là một sự sống luôn luôn chuyển động và nối tiếp nhau như bánh xe quay từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Khi con người chết đi, cơ thể ngừng hoạt động cũng là lúc thần thức trút bỏ ký ức thông tin về một kiếp người coi như đã trả xong Nghiệp báo (thần thức sẽ là cái tạo nên nghiệp báo cho các chủ thể luân hồi), như vậy người kiếp sau không phải là người kiếp trước, nhưng nếu không có người kiếp trước thì không có người kiếp sau. Con người từ khi sinh ra đến khi chết đi là cả một cuộc đấu tranh dữ dằn với cuộc sống, đắm chìm trong dục vọng, khổ đau, hạnh phúc. Điều đó làm mờ đi Phật tính của con người, nói theo Hê-ghen là con người bị “tha hóa”, vì vậy mục đích của Phật giáo là giúp con người được giải thoát, mà muốn làm được điều đó, bản thân mỗi người phải không ngừng cố gắng để đạt tới cõi giới cao hơn và cuối cùng là Niết bàn, cõi giới không còn sự sinh diệt. Tựu trung lại, đạo đức Phật giáo bàn đến nhiều vấn đề. Ngoài những tư tưởng cơ bản về quan niệm Thiện, Ác, Từ bi, Ngũ giới; thuyết Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi có giá trị hướng thiện, tránh ác sâu sắc, trong nhiều bộ kinh , Phật tổ cũng đưa ra nhiều chuẩn mực đạo đức cụ thể khác liên quan đến đời sống con người và xã hội như Thập vương pháp kinh (Mười chức trách của quốc vương), đề ra nhiều phẩm chất đạo đức của một người đứng đầu quốc gia; Kinh lễ sáu phương (các nguyên tắc đạo đức trong việc ứng xử trong sáu mối quan hệ trong xã hội: Vợ chồng, anh em, thầy trò, bậc thầy tôn giáo, bạn bè, người làm công); Tứ Ân (Bốn ơn mà con người phải ghi nhớ, phải trả: Cha mẹ, đồng bào, quốc gia, xã hội); Lục độ